Review

Những Kẻ Phiêu Lưu

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Harold Robbins
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Huy Hoang Bookstore
Số trang 1064
Ngày xuất bản 07-2011
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


“… “Đây là một người hùng,” nhà báo nói. “Trái đất rung chuyển khi ông bước, đàn ông yêu ông và sợ ông, đàn bà run rẩy trước sức mạnh nơi bắp vế ông, người ta tìm kiếm sự chiếu cố của ông. Mà giờ không một ai ở đây để tưởng nhớ ông.” Nhà báo quay đi. “Ông nói đúng. Người chết là cô đơn.”

Ông cai lại nắm tay áo ông. Nhà báo quay lại, đối diện ông ta, cảm thấy mệt mỏi rã rời. Ông mong giá mình không thấy mấy dòng thông cáo, đã không đi dưới mặt trời kinh khủng để đến nơi nẻo hãi hùng này, đến cáci thế giới không ký ức này.

“Thưa ông, không”, ông cai nói nhỏ. “Tôi nhầm. Ông ta không cô đơn. Ông ta đã ở đây mà…”

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời nhân vật chính Diogenes Alejandro Xenos (hay còn gọi là Dax). Lớn lên với một tuổi thơ đầy ám ảnh về cái chết bi thảm của mẹ và người chị gái, cuộc đời Dax trải qua rất nhiều sóng gió nhưng cũng không kém phần oanh liệt. Thông qua cuộc đời nhân vật Dax, độc giả sẽ được chứng kiến nhiều sự kiện, biến động của xã hội phương Tây trong những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Những sự kiện liên tiếp diễn ra khiến người đọc bị hấp dẫn và lôi cuốn không thể nào dừng lại được.

Xung quanh nhân vật chính, tác giả cũng xây dựng nên nhiều tuyến nhân vật với đủ loại thân phận thuộc các giai tầng khác nhau, rất phong phú và đa dạng. Một xã hội phương Tây như được thu nhỏ trong mỗi trang văn của Harold Robbins.

Những kẻ phiêu lưu vừa mang yếu tố hiện thực sâu sắc vừa mang tính lãng mạn với những khát khao, đam mê cháy bỏng của tình yêu.

Harold Robbins (1916 – 1997) là một trong những nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của Mỹ. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 25 cuốn sách, được dịch sang 32 ngôn ngữ và bán được hơn 750 triệu bản.

[taq_review]

Trích dẫn


Diogenes Alejandro Xenos. Cái tên quá dài đối với một thằng cu con. Thoạt tiên, mẹ tôi vẫn gọi tôi là Dio. Nhưng rồi bố tôi phát bẳn lên. Ông cho thế là phạm thượng. Rồi ở đoạn nào đó, nó biến thành Dax. Tôi nghĩ La Perla là người đầu tiên gọi tôi thế. Âm Hy Lạp của Diogenes quá khó đối với khẩu ngữ Anh-điêng của bà.

Bố tôi sinh ra ở thành phố duyên hải Curatu, do một thuỷ thủ Hy Lạp và một đàn bà da đen, người bán hàng ăn gần bến cảng, nơi thuỷ thủ vẫn ăn uống khi họ lên bờ.

Tôi còn nhớ đã có lần bố cho tôi xem tấm hình ông bà nội tôi. Dù đang ngồi, rõ ràng là bà tôi cao hơn ông tôi, người đứng bên và hơi lùi sau ghế bà. Mặt bà tôi như rất đen, bà nhìn vào máy ảnh với thế đĩnh đạc, biểu hiện cả nội lực lẫn ý chí. Ông tôi có cặp mắt của con người mơ mộng, một nhà thơ, mà thực ra ông đã từng, trước khi ông ra biển.

Bố tôi mang nước da của bà cụ thân sinh, và có cặp mắt dịu hiền của ông cụ. Ông từng rất yêu quý cha mẹ. Ông kiêu hãnh kể với tôi rằng bà nội tôi xuất thân từ hoàng phái Bantu, người đã bị đưa đến đây làm nô lệ và, ông cụ thân sinh ra bà thì đã dấn thân vào cuộc sống thế nào khi những người nô lệ được giải phóng, để có được chút đỉnh giáo dục.

Jaime Xenos. Bố tôi được đặt tên theo họ ông ngoại của ông. Khi bà tôi có mang quá to, không bán được quán ăn nhỏ nữa, thì ông tôi thay. Nhưng đấy không phải là công việc của ông. Trước khi bố tôi đầy tháng, cả cái quán ăn nhỏ lẫn tất cả những gì bà tôi từng kiếm và dành dụm, đã được bán đi.

Ông nội tôi, người viết chữ đẹp, khi đó đã trở thành thư ký cho quận trưởng quận cảng, và mọi người đã dời đến căn nhà nhỏ cách cảng khoảng hai cây số, nơi họ nuôi dăm con gà, nhìnra biển Caribe xanh thẳm và ngắm những con tàu ra vào cảng.

Họ không có nhiều tiền, nhưng ông bà nội tôi rất hạnh phúc. Bố tôi là con một và ông bà có những hoạch định lớn cho con trai. Ông nội tôi đã dạy đọc và viết từ khi bố tôi lên sáu và qua quận trưởng, đã đưa được ông vào trường dòng, nơi con cháu của các quan chức và giới quý tộc thụ giáo.

Để đền đáp lại vinh dự này, bố tôi phải bắt đầu mỗi ngày của mình vào lúc bốn rưỡi sáng. Công việc của ông là đổ các thùng rác và quét các phòng trước khi lớp học bắt đầu. Các phận sự này kéo dài thêm khoảng ba tiếng đồng hồ nữa sau khi tan học, vào lúc sáu giờ, cộng thêm bất cứ đòi hỏi nào khác của các nhân viên và thầy giáo.

Đến tuổi mười sáu, bố tôi đã học hết tất cả những gì nhà trường có thể giáo huấn. Ông được thừa hưởng dáng vóc của nhà ngoại – cao đến sáu bộ – và đầu óc ham hiểu biết của ông nội tôi. Ông là học sinh sáng láng nhất toàn trường.

Một hội nghị lớn được tổ chức giữa các thầy dòng lãnh đạo nhà trường và ông nội tôi, để cuối cùng đi đến quyết định là bố tôi phải được gửi đến trường đại học để học luật. Vì đồng lương thư ký của ông ngoại quá ít ỏi để có thể trả được học phí này, hội nghị cũng thoả thuận rằng các thầy dòng sẽ trích quỹ học bổng có hạn của nhà trường để trợ giúp. Nhưng ngay cả như thế cũng vẫn không đủ để trang trải học phí, nếu như ông quận trưởng, người mà ông nội tôi làm việc dưới quyền, không đồng ý chi bù vào chỗ thiếu để đổi lấy một giao kèo năm năm làm việc khi bố tôi học xong.

Vậy là ông bắt đầu hành nghề luật bằng sự làm việc không lương tại văn phòng của quận trưởng, nơi bố ông là một thư ký, trong căn phòng tối mù và ẩm thấp, ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu mà chép lia lịa những khởi tố, tóm tắt và kết luận… Chính ở đó, nơi bố tôi đang làm việc, ở tuổi hai mươi ba, và vào năm thứ ba của giao kèo, thì trận dịch ập đến Curatu.

Nó đến trên một con tàu với những cánh buồm trắng sạch sẽ, lướt đi như tung tăng trên những ngọn sóng nhỏ phủ kín vùng nước xanh trong của bến cảng. Nó ẩn náu trong những khoang tàu thâm như bí ẩn và trong vòng ba ngày, gần như ba nghìn sinh linh của thành phố đều bị chết hoặc đang ngắc ngoải.

Buổi sáng đầu tiên ấy, khi ông quận trưởng bước vào, bố tôi đang ngồi bên bàn làm việc. Ông già băn khoăn ra mặt nhưng bố tôi không hỏi gì. Ông cúi đầu trên bộ luật, vờ như không để ý.

Ông quận trưởng bước tới phía sau, nhìn qua vai xem bố tôi đang làm gì. Một giây sau ông nói “Jaime?”

Bố tôi nhìn lên. “Vâng, thưa ngài?”

“Anh đã đến Bandaya bao giờ chưa nhỉ?”

“Thưa ngài chưa ạ”.

“Có một vấn đề ở đấy”, quận trưởng nói, “Về quyền đất đai. Ông bạn tốt Rafael Campos của tôi có chuyện bất đồng với giới chức địa phương.” Bố tôi kiên nhẫn chờ đợi. “Đáng ra tôi phải đích thân đi”, quận trưởng nói “Nhưng ở đây còn có nhiều vấn đề gấp… ” Giọng ông ta hụt đi.

Bố tôi không trả lời. Qua công việc văn phòng ông biết ở đây chẳng vấn đề nào thực sự quan trọng cả. Nhưng phải đi sáu trăm cây số để đến Bandayz trên miền thượng du, mà đường xá thì hãi hùng. Ngoài ra là những đồn đại về bọn cướp lang bạt khắp miền đồi núi để trấn lột hành khách.

“Đấy là một vấn đề rất quan trọng” quận trưởng nói tiếp. “Và Campos là một người bạn cố tri. Tôi muốn ông ấy có được một bảo lãnh”. Ông ngừng một giây và cúi nhìn bố tôi. “Tôi nghĩ rằng anh đi ngay được sáng hôm nay thì tốt. Tôi đã thu xếp cho anh một con ngựa trong đàn ngựa của tôi”.

“Vâng, thưa ngài”, bố tôi đứng dậy. “Tôi về nhà thu xếp vài thứ. Tôi sẽ sẵn sàng ra đi trong vòng một giờ đồng hồ”.

“Anh biết chuyện ấy rồi chứ?”

Bố tôi gật đầu. “Tất nhiên, thưa ngài. Hai tháng trước tôi đã làm đơn theo yêu cầu của ngài”.

Ông quận trưởng thở dài nhẹ nhõm. “Tất nhiên. Tôi quên khuấy đi mất”. Ông không hề quên. Ông biết từng hồ sơ tóm tắt của luật sư bào chữa, từng đơn từ kiến nghị do văn phòng ông phát ra từ mấy năm nay đều do bố tôi viết. “Anh sẽ xin lỗi ông Campos giùm cho tôi, do tôi không đích thân đến được chứ?”

“Tất nhiên, thưa ngài”, bố tôi đoan chắc. Rồi ông đi ra phòng ngoài, nơi ông nội tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu cao mà chép một bản nghị án.

“Chuyện gì vậy?” ông cụ hỏi.

“Đi Bandaya, bố ạ”.

Ông nội mỉm cười. “Tốt lắm. Một cơ may lớn đấy. Ông Campos là một nhân vật quan trọng. Bố rất kiêu hãnh vì con”.

“Cảm ơn bố. Con đi đây. Tạm biệt bố”.

“Đi đi, Jaime” ông cụ nói và trở lại với công việc.

Bố tôi lấy ngựa trong tàu ngựa của ông quận trưởng để về nhà thu xếp ít đồ đạc cá nhân. Bằng cách ấy, ông khỏi phải đi bộ hai cây số trở lại thị trấn.

Bà ngoại tôi đang phơi quần áo ngoài sân trước. Bà ngẩng lên khi bố tôi buộc ngựa vào hàng rào. Ông nhanh chóng giải thích là sẽ đi đâu. Giống như ông nội, bà hồi hộp, sung sướng trước cơ may lớn của con trai, bối rối giúp ông chọn hai chiếc sơ mi mới nhất mà bà cất cẩn thận cùng với bộ complê bảnh nhất của ông trong chiếc vali cũ sờn.
Hai người trở ra sân đúng lúc một con tàu với những cánh buồm trắng lung linh lướt qua đê chắn sóng, vào cảng.

Bà dừng lại một thoáng, nhìn con tàu trên mặt nước. “Nhìn kìa!” bà chỉ.

Jaime mỉm cười. Mẹ ông từng kể cho ông nghe về những con tàu, về thời bà còn là một cô bé con và ông cụ thân sinh vẫn dẫn bà lên đồi để ngắm những con tàu vào cảng. Lúc về ông cụ thường bảo rằng đến một ngày nào đó, một con tàu lớn với những cánh buồm trắng lung linh sẽ đến để đưa họ về quê hương bản quán, mảnh đất của tự do, nơi con người không phải quỳ gối trước miếng ăn hàng ngày.

Ông cụ thân sinh của bà đã mất từ lâu, nhưng bà vẫn mang giấc mơ ấy. Chỉ có điều là giờ đây, giấc mơ của bà dồn cho người con trai. Chính ông sẽ dẫn dắt họ đến với tự do. Với sức khoẻ và trí tuệ của ông.

“Ông nội chắc phải thích con tàu kia”, con trai bà nói.

Bà cười khi họ bước về phía con ngựa đang gặm cỏ mềm bên hàng dậu. “Con là con tàu với những cánh buồm trắng của mẹ”. Bà nói.

Bố tôi hôn bà rồi lên ngựa, phi theo con đường phía sau nhà. Đến đỉnh đồi, ông ngoặt ngựa lại, nhìn xuống. Bà nội vẫn đứng nhìn theo ông. Ông vẫy bà. Bà đưa tay lên. Ông cảm thấy hơn là trông thấy bà cười với hàm răng trắng bóng. Ông lại vẫy rồi quay ngựa trở lại hướng đường cái.

Khi đó, ông thấy con tàu đang lướt tới bến cảng, những thuỷ thủ trên các cột buồm như thể đàn kiến dại. Trước tiên là cánh buồm ngọn trắng được cuộn xuống, rồi đến cánh buồm mũi, và khi ông rẽ đi, con tàu nhẹ nhàng áp mạn bến, những cánh buồm còn lại trụt cả xuống, để lại bộ xương những cột buồm dựng đứng.

Hai tháng sau, khi ông trở lại Curatu, con tàu vẫn áp mạn bên bến – một đống gỗ vụn cháy đen mà từng có thời kiêu hãnh vượt bao đại dương, cuối cùng đã đem cái chết hắc ám đến đây. Ông không tìm thấy dấu vết gì của bố mẹ cả.

Khi người hầu đầu tiên báo tin có kẻ lạ mặt cưỡi ngựa từ trên núi xuống phía trang trại, Rafael Campos lấy ống nhòm và đi ra hành lang. Qua ống nhòm, ông thấy người đàn ông da ngăm đen, vận quần áo thành phố đầy bụi, cưỡi con ngựa sẫm màu, đang cẩn thận lần từng bước xuống con đường núi hóc hiểm. Ông gật đầu tự mãn. Người ăn kẻ làm được báo động. Cẩn trọng chẳng phải là thừa khi mà bất cứ thời điểm nào bọn cướp cũng có thể ào từ trên núi xuống.

Ông lại chăm chắm nhìn qua ống nhòm. Người lạ mặt đi ngựa rất cẩn thận. Campos đặt ống nhòm xuống và rút trong túi ra chiếc đồng hồ vàng. Lúc đó là mười giờ ba mươi sáng, phải một tiếng rưỡi đồng hồ nữa người lạ mặt mới đến trang trại được. Khi đó thì đã là giờ ăn trưa. Ông vỗ mạnh hai bàn tay.

“Dọn thêm một ghế ăn trưa nữa”, ông bảo gia nhân.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button