Review

Nhẫn thạch

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Atiq Rahimi
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 184
Ngày xuất bản 05-2009
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Hòn đá kiên nhẫn, Nhẫn thạch. Trong huyền thoại Ba Tư, đấy là một hòn đá ma thuật mà người ta đặt trước mặt mình để trút gửi vào nó tất cả những đau đớn, những bi thương, những thống khổ của mình… Người ta ký thác cho nó tất cả những gì không dám thổ lộ với ai khác… Và hòn đá, như một miếng bọt biển, hút lấy tất cả những lời ấy, tất cả các bí mật cho đến một ngày nó nổ tung… Và ngày đó ta được giải thoát.

Cuốn sách vừa đoạt giải Goncourt 2008 và đã bán bản quyền sang 29 quốc gia.

[taq_review]

Trích dẫn

Chị bước lên cầu thang tầng hầm, đi hành lang, vào phòng mà không ngạc nhiên thấy cửa phòng đã mở, rèm đã kéo ra; không hề ngỡ người lạ đã vào phòng. Chị nhìn chồng. Anh thở. Chị bước ra rồi trở lại với hai cốc nước. Một để đổ vào túi truyền, một để thấm ước đôi mắt người đàn ông. Ngay lúc đó chị không nhận ra gì khác. Hẳn vì bóng tối trong phòng. Trời chưa sáng hẳn, những tia nắng chưa xuyên vào trên nền trời thủng của các tấm rèm có họa tiết chin di cư. Chỉ sau đó, khi trở lại thay tấm đắp và áo cho anh chị mới nhận ra cổ tay và bàn tay anh đã trống không. “Đồng hồ của anh? Nhẫn của anh đâu?” Chị nhìn kỹ hai bàn tay anh, túi anh. Chị lục dưới chăn. Luống cuống, đi mấy bước trong phòng. Quay lại. “Có chuyện gì thế này?” Lo lắng, rồi sợ hãi, chị tự hỏi: “Có ai đã vào đây sao?”, và bước đến cửa sổ. “Đúng rồi, đã có người vào!” chị kêu lên, hoảng sợ, khi thấy cửa sổ đã bị phá. “Nhưng mà… Mình chẳng nghe thấy gì cả!” Chị lùi lại. “Mình đã ngủ! Lạy Allah, đến mức này ư?!” Hoảng hốt, chị chạy ra hành lang, để người đàn ông chưa đắp gì cả đấy. Ở ngưỡng cửa, nhặt chiếc nịt vú. “Chúng đã lục tung cả nhà?!” Chúng không xuống tầng hầm?!”. chị gục xuống bên người đàn ông, nắm lấy tay anh và kêu lên: “Chính anh… Anh đã động cựa được! Anh làm mọi thứ để khiến em sợ! Anh làm em phát điên lên! Chính anh!” Chị lay anh thật mạnh. Rút ống dẫn ra. Và chờ. Vẫn không có dấu hiệu nào cả, không một âm thanh. Đầu chị rụt vào giữa hai vai. Một tiếng nức nở xé rách cổ họng chị, lay chuyển thân hình chị. Sau một tiếng thở dài tắc nghẹn, chị đứng lên, đưa ống tay áo lau mắt, và trước khi bỏ đi, cắm lại ống dẫn vào miệng anh.
Nghe tiếng chị đi kiểm tra các phòng khác. Chị dừng lại khi tiếng ho sù sụ của bà hàng xóm tiến đến gần nhà. Chị vội bước ra sân và gọi bà già: “Bibi… đêm qua có người đến phải không?
– Đúng rồi, con gái của ta, có đức vua đến đấy…”, bà ho, “Người đến thăm ta… Người đã âu yếm ta…”, bà cười, rồi ho. “Con có bánh mì không, con gái của ta? Ta đã dâng hết phần mình cho đức vua rồi… Người đói… Người đẹp lắm, đức vua ấy! Đẹp đến chết đấy chứ! Người đã yêu cầu ta hát.” Bà cất tiếng hát: “Ôi, đức vua nhân từ / Con khóc than nỗi cô đơn của con / Ôi, đức vua…
– Còn những người khác đâu? Chồng mẹ, con trai của mẹ?” người đàn bà hỏi. Bà già ngừng hát, và giọng buồn rầu, bà kể tiếp: “Người đã khóc, đức vua ấy, khi Người nghe ta hát! Người còn yêu cầu chồng ta và con trai ta nhảy múa theo điệu hát của ta. Họ đã nhảy, Đức vua yêu cầu họ nhảy vũ điệu tử thần… thậm chí họ không biết điệu ấy…” Bà cười, và tiếp: “Đức vua bèn dạy cho họ bằng cách chặt đầu họ… và thế là họ bắt đầu múa!” Bà lại than khóc: “Ôi, đức vua, hãy biết rằng trái tim ta không còn chịu nổi thiếu vắng Người / Đã đến lúc Người phải trở về…” Người đàn bà lại ngắt lời bà: “Nhưng mà… lạy Allah, nhà mẹ? Chồng mẹ, con trai mẹ… họ còn sống không?” Bà già nói lí nhí, như một đứa bé: “Ừ, họ ở đấy, chồng ta, con trai ta… ở trong nhà…”, bà ho, “họ giấu đầu dưới hai cánh tay”, bà ho, “vì giận ta!”, bà già khóc. “Họ không nói với ta nữa! Bởi vì ta đã cho đức vua tất cả bánh mì. Con có muốn gặp họ không?
– Nhưng…
– Đến đây nào! Nói chuyện với họ đi!”
Họ bước ra xa, băng qua đống đổ nát. Không còn nghe tiếng họ.
Đột nhiên, một tiếng thét, của người đàn bà. Kinh hoàng. Gây kinh hoàng. Bước chân chị băng qua các tấm đá lát, vấp trên các đống đổ nát, băng qua khu vườn và trở vào nhà. Chị vẫn hét lên. Chị nôn oẹ. Chị khóc. Chị chạy trong nhà, Như một người điên. “Tôi sẽ đi khỏi đây. Tôi đi tìm bà cô tôi. Bất cứ giá nào!” Tiếng chị hoảng sợ lan khắp hành lang, trong các phòng, dưới tầng hầm. Rồi chị đi lên cùng lũ con. Chị rời bỏ ngôi nhà mà không ghé qua nhìn người đàn ông. Nghe họ đi xa dần, đuổi theo là những tràng ho và những lời ngâm nga của bà già khiến bọn trẻ con cười rộ lên.
Mọi thứ chìm trong câm lặng và bất động của người đàn ông.
Và cứ thế kéo dài.

Rất lâu.
Thỉnh thoảng, tiếng ruồi bay quét qua sự im lặng. Thoạt tiên chúng quay lại vẻ rất quả quyết, nhưng sau một vòng bay khắp phòng chúng lạc trên cơ thể người đàn ông. Rồi lại bay đi.
Đôi lúc, một làn gió nhẹ nổi lên và lay các tấm rèm. Nó đùa với lũ chim di cư bị gắn chặt trên nền trời vàng và xanh dương, thủng mấy chỗ.
Ngay cả một con ong vò vẽ, với tiếng đập cánh đầy đe dọa, cũng không xua được không khí đờ đẫn của căn phòng. Nó lảng vảng, lảng vảng quanh người đàn ông, đậu xuống trên trán anh – đốt anh hay không, chẳng ai biết được -, rồi bay lên trần, trong các cây xà mục, để làm tổ ở đấy, hẳn thế. Mơ ước về một cái tổ của nó kết thúc trong chiếc mạng nhện.
Nó quẫy cựa. Rồi chẳng còn gì nữa.
Chẳng còn gì nữa.
Rồi đêm lại xuống.
Tiếng súng lại vang lên.
Bà hàng xóm trở lại với các bài hát và những tràng ho như vọng lên từ chốn âm phủ của bà. Và chẳng bao lâu lại biến mất.
Người đàn bà, chị ta, không trở lại.
Rạng đông.
Ông Mollah gọi cầu kinh.
Vũ khí ngủ yên. Nhưng khói và hơi thuốc súng vẫn dai dẳng.
Và cùng lúc những tia nắng đầu tiên xuyên vào qua các lỗ thủng trên nền trời vàng và xanh dương của các tấm rèm, người đàn bà trở về. Một mình. Chị quay thẳng vào căn phòng, bên chồng. Trước hết gỡ tấm mạng của chị ra. Đứng lặng im một lúc. Đưa mắt kiểm tra mọi thứ. Chẳng có gì xê dịch. Chẳng có gì bị lấy đi. Chỉ có túi dịch truyền đã trống trơn.
Yên tâm, chị bắt đầu hành động. Bàn chân chị, chập choạng, bước tới chỗ tấm nệm nơi người đàn ông nằm dài, nửa người để trần, như chị đã bỏ anh lại hôm trước. Chị nhìn anh chăm chăm một lúc lâu, cứ như chị lại đếm các hơi thở của anh. Chị định ngồi xuống, nhưng đột ngột, đứng sững lại, hét lên: “Cuốn kinh Coran?!” Nỗi lo lắng lại tràn trong mắt chị. Chị săm soi khắp phòng. Không hề có dấu vết nào của lời Allah. “Chuỗi hạt?” Chị tìm thấy dưới gối. “Có ai lại vào nữa đây?!” Lại nghi ngờ. Lại lo lắng. “Hôm qua cuốn kinh Coran ở đó, không đúng sao?” Phân vân, chị ngồi bệt xuống. Và đột nhiên: “Chiếc lông công!” chị kêu lên, và giận dữ lục khắp. “Lạy Allah! Chiếc lông!”
Tiếng trẻ con, bọn trẻ trong khu phố, van glen nô đùa trên các đống đổ nát:
– “Hadji mor’alé?
– Balé?
– Đứa nào chọn nước? Đứa nào chọn lửa?”
Người đàn bà tiến đến bên cửa sổ, vén các tấm rèm ra, gọi bọn trẻ: “Các cháu có thấy ai vào nhà này không?” Cả bọn, cùng một tiếng, kêu to: “Không!”, rồi lại chơi: “Tớ chọn lửa!”
Chị rời căn phòng, lục khắp nhà.

Chán, chị quay lại, ngồi xuống chỗ của mình dựa vào tường ngăn giữa hai cửa sổ. “Nhưng ai đã đến thế? Họ đã làm gì anh?” Nỗi lo sợ trộn lẫn bấn loạn hiện diện trong ánh mắt chị. “Không thể ở đây được nữa!” Chị đột ngột im bặt như có ai đó ngăn lại. Sau một lát do dự: “Nhưng biết làm gì với anh? Em có thể mang anh đi đâu trong tình trạng này? Em nghĩ…” Chị nhìn dán lên túi dịch đã cạn. “Em phải đi lấy nước”, chị nói để tự trì hoãn. Chị đứng lên, đi tìm và mang vào hai cốc nước. Làm những nhiệm vụ thường ngày. Rồi ngồi xuống. Trông chừng. Ngẫm nghĩ. Điều cho phép chị, sau vài hơi thở, báo tin cho anh giọng gần như là đắc thắng: “Em tìm được bà cô rồi. Bà ấy đi ra phía Bắc thành phố, ở một nơi chắc chắn hơn, chỗ người anh em họ của bà.” Ngừng một lát. Vẫn như thường lệ, ngừng để chờ một phản ứng không đến. Chị bèn tiếp: “Em đã gửi bọn trẻ lại chỗ bà ấy.” Lại ngừng. Rồi, trĩu nặng, chị thì thầm: “Ở đây em sợ,” như thể thanh minh về quyết định cùa mình. Chẳng nhận được một dấu hiệu, một lời nào đồng tình, chị cúi đầu và giọng cũng trầm xuống: “Em sợ anh!” Cái nhìn của chị tìm một vật gì đó dưới đất. Các từ. Nhưng hơn thế nữa, sự dạn dĩ. Chị tìm thấy chúng, nắm lấy, ném chúng ra: “Em chẳng thể làm gì được cho anh. Em nghĩ mọi sự đã kết thúc!” Chị lại lặng thinh, rồi nói tiếp rất vội, quả quyết: “Trông như khu vực này tới đây sẽ là chiến tuyến giữa các phe.” Giận dữ, chị nói thêm: “Anh biết rõ điều đó, đúng không?” Lại ngừng, vừa đúng một hơi thở để lấy lại sức mạnh mà khẳng định: “Những người anh em của anh nữa, họ biết cả! Chính vì thế mà họ đã bỏ đi hết. Bỏ rơi chúng ta! Bọn hèn! Họ không mang em theo bởi vì anh còn sống! Nếu…” Chị nuốt nước bọt, và cả nỗi phẫn uất của chị. Chị lại nói, đã bớt hăng đi: “Nếu… anh chết, thì sự thể có lẽ đã khác…” Chị ngưng ý nghĩ của mình lại. Chị ngập ngừng. Sau một hơi thở dài, chị quyết định: “Một người trong bọn họ sẽ phải cưới em!” Một cái cười nhạo bên trong khiến giọng chị lạc đi. “Có thể họ đã mong anh chết đi.” Chị run lên. “Lúc ấy họ có thể… ăn nằm với em! Mà lương tâm yên ổn.” Nói xong, chị đột ngột đứng lên, và rời khỏi phòng. Trong hành lang, những bước chân chị bồn chồn cứ đi tới đi lui. Chị tìm một cái gì đó. Tĩnh lặng. Bình tâm. Nhưng chị quay lại, càng kích động hơn. Chị nhảy bổ vào người đàn ông và nói tiếp những lời trước: “Những người anh em của anh, lúc nào họ cũng thèm ăn nằm với em! Họ…” Chị bước ra xa, lại gần. “Họ sờ mó em… suốt, suốt ba năm anh vắng mặt… họ thò tay qua cửa sổ phòng tắm hơi mà sờ mó em khi em tắm, và họ… tự thủ dâm. Họ cũng sờ mó chúng em, ban đêm…” Đôi môi chị run lên. Hai bàn tay chị vung vẩy trên không, trong tóc, trong các nếp áo của chị. Bước chân chị lảo đảo trên các đường sọc đã mờ của tấm tham len. “Họ tự thủ…” Nói chưa hết câu, chị lại giận dữ chạy ra khỏi phòng mà thở và trút đi nỗi căm hận của chị. “Bọn khốn! Bọn bẩn thỉu!…” chị hét lên, uất hận. Rồi, rất nhanh, nghe tiếng chị khóc và van: “Tôi đã nói những gì thế này?! Sao tôi lại nói ra những điều đó?! Lạy Allah, xin cứu lấy con! Con không còn tự chủ được nữa rồi. Con nói bừa phứa mất rồi…”
Chị nhốt mình trong câm lặng.
Không còn nghe tiếng bọn trẻ nô đùa trên các đống đổ nát. Rốt cuộc, chúng đã bỏ đi nơi khác.

Người đàn bà lại xuất hiện. Tóc xõa rối bù. Cái nhìn nhớn nhác. Sau khi vòng qua giường, chị đến ngã gục vào đầu người đàn ông. “Em không biết được điều gì đã đến với em. Mỗi ngày sức lực em càng hao mòn. Như đức tin của em vậy. Anh phải hiểu cho em.” Chị vuốt ve anh. “Em mong anh lại suy nghĩ được, lại nghe được, lại thấy được… nhìn được em, nghe được tiếng em…” Chị dựa vào tường, và để thời gian trôi qua một hồi lâu – có thể đến mười vòng chuỗi hạt, cứ như chị vẫn lần chuỗi hạt theo nhịp thở của người đàn ông -, để suy nghĩ, để đi vào trong những ngóc ngách cuộc đời chị, rồi lại trở về với các kỷ niệm: “Anh chẳng bao giờ lắng nghe em, anh chẳng bao giờ nghe em! Chúng ta không bao giờ nói với nhau về những chuyện đó! Chúng ta cưới nhau đã được mười năm, nhưng chỉ sống chung với nhau có ba năm. Chẳng đúng thế sao?” Chị đếm. “Ừ, mười năm rưỡi cưới nhau, ba năm sống chung! Bây giờ em mới tính. Chỉ hôm nay em mới nhận ra tất cả!” Một nụ cười. Một nụ cười gượng và ngắn thay cho nghìn lẻ một nỗi hối tiếc và ân hận… Nhưng, rất nhanh, các kỷ niệm lại cuốn chị đi: “Hồi ấy em thậm chí không hề thắc mắc về sự vắng mặt của anh. Đối với em nó thật tự nhiên! Anh đang ngoài mặt trận. Anh chiến đấu nhân danh tự do, nhân danh Thánh Allah! Và điều đó biện minh cho tất cả. Điều đó đem lại cho em niềm hy vọng và tự hào. Theo một cách nào đó, anh vẫn có mặt. Trong mỗi chúng em.” Đôi mắt chị xuyên thấu thời gian, và lại thấy… “Mẹ anh, bộ ngực đồ sộ, đến nhà em để xin hỏi em gái em. Chưa đến lượt nó lấy chồng. Đây là lượt em. Và mẹ anh đã trả lời đơn giản: Được thôi, chẳng có gì nghiêm trọng, vậy thì là nó! Chỉ ngón tay mập ú của bà vào em lúc em pha trà. Hoảng sợ, em đã đánh đổ ấm trà.” Chị giấu khuôn mặt vào hai lòng bàn tay. Vì xấu hổ, hay để xua đi hình ảnh bà mẹ chồng hẳn lúc bấy giờ rất khinh thường chị. “Anh thì nào có biết. Bố em, chỉ chờ có thế, đã nhận lời không một giây do dự. Ông chẳng hề đếm xỉa chút nào đến chuyện anh vắng mặt! Đúng ra anh là ai? Chẳng ai biết cả. Với tất cả chúng em, anh chỉ là một cái tên: người Anh hùng! Và, như tất cả những người anh hùng, đều vắng mặt! Một cô gái mười bảy tuổi hứa hôn với một người anh hùng, thật là đẹp. Em tự nhủ: Thượng Đế cũng vắng mặt, vậy mà em yêu Người, em tin Người… Tóm lại, họ đã làm lễ hứa hôn của chúng ta mà không có chú rể! Mẹ anh khẳng định: Tốt thôi, thắng lợi đã đến gần! Chẳng mấy chốc sẽ hết chiến tranh, sẽ là giải phóng, và con trai ta sẽ về! Gần một năm sau, trở lại! Thắng lợi vẫn còn xa. Bà bèn nói: Để một cô gái trẻ đã hứa hôn lâu đến thế ở nhà bố mẹ mình là nguy hiểm! Vậy là em phải làm đám cưới dù không có anh. Trong lễ cưới, anh có mặt bằng một bức ảnh, và chiếc dao găm chết tiệt ấy mà người ta đặt vào cạnh em, thay anh. Và em còn phải chờ anh ba năm. Ba năm! Trong ba năm, em không còn được quyền gặp các bạn gái, gia đình… Có lẽ một cô gái mới lấy chồng còn trinh không được đi lại với những người con gái khác đã có chồng. Thật vớ vẩn! Em phải ngủ với mẹ anh, bà trông chừng em, hay đúng ra là canh chừng trinh tiết của em. Và toàn bộ chuyện này xem ra rất bình thường, rất đương nhiên đối với mọi người. Ngay cả với chính em! Buổi tối, em ngủ với mẹ anh, ban ngày em trò chuyện với bố anh. Thật may là có ông ở đấy, bà khó chịu. Bà vội đuổi em vào bếp. Bố anh đọc cho em nghe các bài thơ, kể chuyện cho em nghe. Ông ấy khuyên em đọc sách, viết, suy nghĩ. Ông ấy yêu em. Bởi vì ông ấy yêu anh. Ông ấy lấy làm tự hào về anh vì anh chiến đấu cho tự do. Ông ấy nói với em về điều đó. Chính là sau giải phóng ông ấy mới bắt đầu ghét anh, anh, và cả các anh em của anh nữa, khi các anh chỉ còn đánh nhau vì quyền lực.”

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Thị Vy

Một người phụ nữ trong xã hội Afghanistan chẳng có mấy cơ hội được tự do bày tỏ suy nghĩ và tâm tư của mình cho người khác, họ luôn phải sống khép kín và một mình chịu đựng mọi điều xảy đến. Nhưng người phụ nữ trong câu chuyện này đã đi ngược lại tất cả. Qua từng câu chuyện, từng lời kể, chị vén bức màn bí mật của cuộc đời mình, lột trần những sự thật mà lâu nay vẫn luôn bị che giấu. Bên người chồng – hòn đá kiên nhẫn của chị, chị đã nói tất cả, cả sự căm ghét chị dành đến cho gia đình chồng, cả những chuyện có thể khép chị vào trọng tội, cả những khát khao nhỏ nhoi nhưng cao đẹp. Hành động này là một cách tự giải thoát bản thân sau bao nhiêu năm chìm ngập trong đau khổ, một cách tự giải thoát trong hoàn cảnh khốn cùng và loạn lạc. Atiq Rhimi đã đem đến thật nhiều cảm xúc cho người đọc bằng ngôn ngữ gai góc và cái nhìn đầy rung cảm, làm họ trải qua mọi cung bậc, sắc thái tình cảm, để rồi vỡ òa với một kết thúc đầy bất ngờ. Cuốn sách là một góc nhìn về người phụ nữ, lên án những hành động trái đạo đức của con người, cũng như phản đối sự vô nghĩa của chiến tranh và bạo lực.
Một cuốn sách đáng đọc.

Nguyễn Quỳnh

Một câu chuyện có quá nhiều sức nặng, không gian truyện lúc nào cũng nhiều bức bối khiến người đọc cũng thấy ngột ngạt theo. Chủ đề và nội dung truyện không mới mẻ, nhưng tình tiết được đưa vào khéo léo, dường như không có dư thừa nào cả. Tác giả không nói trực tiếp, nhưng qua những tình huống trớ trêu trong tác phẩm phơi bày bất công giữa nam nữ ở những đất nước như Afghanistan. Phụ nữ ở những đất nước như vậy dường như không có tiếng nói của riêng mình. Họ lệ thuộc hoàn toàn vào người cha, người chồng. Ngay cả khi anh chồng chỉ là người thực vật, người phụ nữ cũng chịu ràng buộc nặng nề ngay trong chính tư tưởng của mình. Nhưng kết cục của truyện mình không được thích lắm, vì hơi thiếu tính thực tế, nhưng dù vậy vẫn phải công nhận đó là kết cục phù hợp cho câu chuyện này.

Trần Nguyễn Bảo Ngọc

Nhẫn thạch là một câu chuyện rất hay, giàu tính nhân văn cao đẹp, đó là điều tôi chắc chắn với bạn. Câu chuyện cho ta xem khung cảnh của một ngôi nhà tại đâu đó ở Afghanistan hay một nơi nào khác, ý nói rằng đây có thể là câu chuyện chung của rất nhiều người phụ nữ. Trong ngôi nhà đó, có những nhịp thở và lời kinh đều đặn như một khúc nhạc não lòng, ngân suốt câu chuyện. Người phụ nữ chăm sóc cho chồng, anh bị bại liệt đã hơn hai tuần rồi. Mỗi ngày, chị đều thở cùng với anh, qua những tràng hạt, và những lời tâm sự. Không gian yên ắng, chỉ có tiếng kinh của người phụ nữ và tiếng đạn rít ngoài xa. Nhà nghèo, có đến hai đứa con. Có lẽ, chúng đều đói, và chẳng đứa nào hiểu được bố chúng bị một viên đan trong gáy. Người phụ nữ với chiếc áo màu tím, viền bằng họa tiết những bông lúa mì vàng như nổ tung với muôn vàn cảm xúc và suy nghĩ. Số phận người phụ nữ sau lớp vải che mặt, chi không nói gi cả. Chỉ gửi gắm tất cả vào Nhẫn Thạch, một viên đá ma thuật.

Chất văn học xen lẫn điệu nhạc buồn về số phận những người phụ nữ như thế vẫn ngân lên, khắp nơi. Chính cái ý nghĩa hiên thực đến trần trụi đó đã khiến người đọc không khỏi cảm thấy đau lòng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button