Review

Nhân Sinh Phiêu Bạt

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Lưu Dung – Lưu Hiên
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành Đông Nam
Số trang 291
Ngày xuất bản 06-2007
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Nhân sinh phiêu bạt là tác phẩm nổi tiếng đồng thời là một best-seller của nhà văn Lưu Dung – Lưu Hiên đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận trong suốt nhiều năm qua ở Đài Loan và Trung Quốc. Cuốn sách ra đời trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của xã hội hiện nay, là chiêm nghiêm sâu sắc về thân phận con người ( sự sống và cái chết – thành công và thất bại…) cả dưới góc độ Xã hội và Tâm linh.

Nhân sinh phiêu bạt kết tinh những giá trị Văn hóa Đông phương gắn với tinh thần thực tiễn Tâm lí học hiện đại; là tác phẩm đúng nghĩa cống hiến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích, thiết thực cho cuộc sống thường ngày.

[taq_review]

Trích dẫn

Vì sao phải đi

Người chết không tự rời bỏ chúng ta, người thực sự rời bỏ chúng ta có khi lại là người sống!

Lúc về Đài Loan, tôi gặp một cảnh tượng khó quên ở sân bay Kenedy.

Một cậu bé chừng bốn – năm tuổi thấy mẹ lên máy bay thì khóc váng. Bị người lớn đe nẹt, cậu bé kêu la vùng vẫy, đến khi cậu bị kéo ra khỏi phòng đợi, tôi vẫn còn nghe tiếng nức nở: “Mẹ đi rồi! Vì sao mẹ phải đi?”

Chuyện đó làm tôi nhớ một cảnh tượng khác. Người mẹ trẻ lìa đời nằm yên bình trên giường, khi người thân khóc ròng đưa đứa con côi ra ngoài, đứa con không khóc mà lại thắc mắc: “Mẹ vẫn nằm đấy, vì sao chúng ta phải đi?”

Cậu bé trước chỉ chia tay mẹ lên máy bay, cậu bé sau là vĩnh biệt mẹ, vì sao cậu bé ở sân bay lại cảm thấy đau khổ bội phần đến vậy?

Một lần, tôi kể hai chuyện trên cho một đứa trẻ cũng chừng bốn – năm tuổi, rồi hỏi cảm tưởng của đứa bé.

Đứa trẻ trả lời không chút do dự: “Tất nhiên là mẹ đi cháu mới buồn khóc, vì mẹ tự bỏ cháu đi, không chơi với cháu nữa! Còn mẹ chết không phải là tự mẹ đi mất, mẹ không bỏ cháu, chỉ là chết!”

Nghe đứa trẻ nói vậy, bạn có bực không? Nhưng nghĩ kỹ, đứa trẻ đó nào có gì sai?

Có khi người thân mất đi lại không đau đớn bằng người thân bỏ đi. Đúng như đứa trẻ mồ côi mẹ nói: “Mẹ còn nằm đó, vì sao chúng ta phải đi?” Người chết không tự rời bỏ chúng ta, người thực sự rời bỏ chúng ta có khi lại là người sống!

Đường dây sống chết

Tôi lại càng tưởng tượng, nếu bưu điện đồng ý, không khéo một ngày kia nhập mộ, sẽ thấy chung quanh mình bao đường dây như ở trong một thành phố nhỏ. Và trong đêm tối, nhất định bên mình không chỉ có tiếng côn trùng rền rĩ.

Mua một máy điện thoại ghi âm, không chỉ ghi âm được, mà còn có thể đặt chế độ tự động nối máy. Điện thoại reo, không cần nhấc máy, vẫn có thể nói chuyện.

Vì thế, đang ở trong phòng tắm, có người gọi đến cũng không cần mặc đồ chạy ra; đang treo tranh, không cần bỏ khung xuống, chỉ cần nói vọng vào để tiếp điện.

Có việc ra ngoài lại càng yên tâm. Nhờ đặt những chức năng tự nối máy mà có thể biết chuyện trong nhà: con gái có khóc không, con trai có đang xem ti vi không, điều hòa đã tắt chưa, thậm chí nghe ngóng xem nhà có bị trộm vào lục đồ hay không?

Tuy nhiên, đặt chức năng tự nối máy như vậy sẽ không còn cơ hội từ chối cuộc gọi. Thậm chí đang đêm có điện gọi đến, nếu không tỉnh, người ta có thể nghe thấy tiếng ngáy ầm ầm của gia chủ.

Nhưng nếu chủ nhân đang ngủ mà đột ngột qua đời thì sao, điện thoại vẫn cứ thông!

Vì thế tôi tưởng tượng, khi chôn cất người thân yêu, nếu chúng ta đặt điện thoại có chức năng tự nối máy bên tai họ, đến lúc nhớ họ, chỉ cần bấm số là có thể bày tỏ nỗi niềm! Tất nhiên ở đầu dây bên kia chỉ có sự im lặng, một số người có thể tưởng tượng ra thi thể mà sợ hãi. Song cứ nghĩ người thân yêu không thể sống mãi, liệu ta có còn nỗi sợ đó?

Tôi lại tưởng tượng, nếu bưu điện đồng ý, không khéo một ngày kia nhập mộ, sẽ thấy chung quanh mình bao đường dây như ở trong một thành phố nhỏ. Và trong đêm tối nhất định bên mình không chỉ có tiếng côn trùng rền rĩ.

Reng… reng… nghe mỗi tiếng chuông reo là biết có một người còn được yêu thương.

Lắng lòng nghe, đầu dây bên kia là một người đang nhớ tiếc, đang bày tỏ nỗi niềm…

Gượng không chết

Một phóng viên trở về từ chiến trường Việt Nam, gặp tôi ở phòng dựng, liền đưa cho tôi một cuốn băng quay cảnh những người chạy trốn khỏi bom đạn, và từ xa có nhiều người gục ngã.

Trong trận động đất lớn ở Armenia, một kỳ tích đã xảy ra tại thủ Erevan: người ta cứu được hai mẹ con bị vùi trong đống đổ nát suốt tám ngày. Tám ngày không đồ ăn, không nước uống, lại thiếu dưỡng khí, cậu bé sống được là nhờ vòng tay che chở của người mẹ. Hơn nữa, người mẹ đã trích máu đầu ngón tay ra cho đứa con ngậm.

Đọc tin đó tôi rưng rưng nước mắt, cảnh tượng người mẹ ôm con lẩn quất trong đầu. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh người mẹ dùng cả thân mình để che chở, trông đợi, lại hiện ra.

Cảnh tượng đó khiến tôi nhớ lại bài báo đọc từ nhiều năm trước.

Các nhà khảo cổ đã khai quật trong lớp chôn vùi của thảm họa Pompei một tượng hóa thạch người mẹ ôm con.

Cảnh tượng thảm họa núi lửa Pompei một nghìn chín trăm bảy mươi năm trước như hiện ra mồn một. Trong chớp mắt, dòng nham thạch bao trùm những người không kịp chạy trốn. Một người mẹ thấy không còn đường thoát, đã dùng lưng và đầu mình để che kín đứa con, chống lại dòng nham thạch mà bà biết rõ không thể chống lại được.

Và người mẹ đã đông cứng trong nham thạch.

Tượng nham thạch đó là gì? Là tình yêu vĩ đại, vĩnh hằng của người mẹ khiến người đời nghìn năm sau còn thương tâm…

Sáng tạo vĩ đại nhất của Thượng Đế không phải là muôn loài, không phải là vũ trụ, mà là tình yêu! Dù không có logic nào cả, tôi vẫn khăng khăng cho rằng, điều Thượng Đế sáng tạo ra đầu tiên chính là tình yêu, mà tình yêu cao cả nhất chính là Tình mẹ!

Mà đâu phải chỉ con người mới có tình mẫu tử?!

Có lần xem tạp chí Nature, thấy trăm ngàn con chim cánh cụt đứng hướng về một phía. Lúc đầu tôi không hiểu vì sao chúng phải đứng chỉnh tề như vậy, quan sát kỹ, mới thấy trước mỗi chim cánh cụt lớn đều có một chim cánh cụt con với bộ lông mượt như nhung.

Hóa ra đó là những bà mẹ đang che chở những đứa con: bụng chim cánh cụt quá tròn, không phủ kín con được nên chúng phải đứng sát nhau để chắn gió lạnh cho con.

Thật vĩ đại làm sao, những bà mẹ chim cánh cụt!

Một lần khác đọc sách về loài nhện xanh, nhện mẹ đan tấm lưới lớn, đẻ trứng, đợi trứng nở rồi nuôi nấng hàng trăm đứa con. Sau đó từng con, từng con nhện theo dây tơ thả mình theo gió.

Tôi gấp sách lại, nghĩ, liệu nhện mẹ có cảm thấy một nỗi buồn lặng lẽ không?

Có lẽ, “sống” chính là tạo ra một sự sống khác? Chỉ cần thấy sự sống từ mình được kéo dài là cảm thấy hạnh phúc?

Không bao giờ tôi có thể quên giờ khắc con gái tôi ra đời tại một bệnh viện ở New York.

Cũng giống như bệnh viện ở Đài Loan, trẻ mới ra đời lập tức được đưa tới phòng sơ sinh, sau khi cắt rốn thì đưa đến cho mẹ ôm ấp mấy phút.

Vợ tôi sau một hồi la hét, giãy giụa cuối cùng cũng sinh được, song sức lực đã cạn kiệt. Nào hay khi con được đưa đến, mặt vợ tôi vẫn bợt vì mất máu nhưng mắt thì phát ra ánh sáng lấp lánh!

Đúng là ánh sáng! Một thứ ánh sáng hiền hòa mà cao quý phát ra từ đôi mắt còn ngấn lệ. Đúng là đổi nửa đời mình lấy một cuộc đời nhỏ! Nhìn vợ ôm ấp con, tuy không phải là phụ nữ nhưng tôi cũng có thể cảm nhận niềm xúc động của vợ.

Con là cuộc sống nối dài của mẹ, cũng chính là cuộc sống của mẹ! Hãy để tôi kể một câu chuyện từ lâu đã không định kể, thậm chí còn muốn quên đi.

Một phóng viên trở về từ chiến trường Việt Nam, gặp tôi ở phòng dựng, liền đưa cho tôi một cuốn băng, vẻ xúc động.

Anh ta không nói gì, tua lại đoạn băng, chỉ cho tôi hình ảnh một người:

“Anh xem! Tất cả cùng gục ngã, chỉ có một người ngã rất chậm, lại không ngã sấp mà chầm chậm khụy xuống…”

Tôi không hiểu, sau đó anh ta mới kể:

“Lúc tan bom đạn, tôi tới gần, nhận ra đó là một người mẹ trẻ đang ôm con. Bị trúng đạn, người mẹ sợ làm ngã con nên gục xuống chầm chậm. “Người mẹ đã gượng không chết!”

“Gượng không chết!”

Mỗi lần nhớ đến câu nói đó là hình ảnh từ xa một người đang gục ngã lại hiện ra, và tôi không ghìm được nước mắt….

Bạn đọc cảm nhận

Phan Mạnh Tân

Một trong những quyển sách tôi thích nhất là cuốn “Nhân sinh phiêu bạt” của Lưu Dung – Lưu Hiên. Lần đầu cầm trên tay, đã vội đặt xuống vì cứ ngỡ nó là một sách thuyết về tôn giáo.

Nhưng hóa ra không phải, nhà văn người Đài Loan này chỉ viết những gì mình cảm và nghĩ trong cuộc sống!“Nhân sinh phiêu bạt” không hẳn là: “Chiêm nghiệm về thân phận con người, sự sống và cái chết”, mà là chiêm nghiệm về cuộc sống.

Tôi tạm chia cuốn sách thành 3 phần. Phần đầu viết về những những điều tai nghe mắt thấy tại xứ người (Lưu Dung sống ở Mỹ), những cái tốt và chưa tốt của xứ người và xứ mình, nghĩ suy, chiêm nghiệm. Phần hai, phần hay nhất, viết về gia đình. Và phần ba là của con ông, Lưu Hiên viết về Lưu Dung, cha của mình.

Chúng ta biết khá nhiều về tình cảm người mẹ, nhưng ít khi ta biết tình cảm của cha cũng nồng đượm không kém. Lưu Dung có nhiều trang viết về tình cảm của mình dành cho con khiến chúng ta phải cảm động.

Phần ba cũng là một phần khá thú vị. Tôi cho rằng những ai đã, đang và sẽ làm cha nên đọc phần này. Xuất phát từ góc nhìn của một người con đánh giá cách nuôi dạy của cha mình, Lưu Hiên cho chúng ta thấy nhiều điều bổ ích trong giáo dục con cái. Ví dụ, khi đến tuổi dậy thì, Lưu Dung nhất mực làm cho con trai mình… một cái chốt cửa. Hãy đọc thử vài đoạn.

“Mới lên cấp ba, cha đã đặc biệt lắp khóa phòng ngủ cho tôi.

– Sao phải làm vậy? – Bà phản đối đầu tiên. Vả lại lần nào nhà ta cũng gõ cửa rồi mới vào phòng nó!

– E không phải là gõ cửa rồi mới bước vào, mà là vừa gõ cửa, vừa đẩy cửa bước vào – Cha nói – Nó lớn rồi, có quyền riêng tư, vì thế phải lắp khóa, dù chỉ cần một cái chốt là được!

Hồi tôi còn nhỏ, cha vào phòng bao giờ cũng giở cái này, ngó cái kia. Nhưng lên cấp ba, dù phòng bừa bộn bao nhiêu, cha cũng không có ý kiến gì. Cha nói tôi có thể yên tâm ghi nhật kí, cha tuyệt không đọc trộm. Vì thế đừng sợ mọi người đọc trộm mà không ghi hay ghi nhật ký giả. Nếu không yên tâm, tôi có thể cho nhật kí vào ngăn kéo, khóa lại.

Một lần tôi dán hình một minh tinh mặc đồ tắm lên tường, không những cha không mắng mà còn ngắm nghía, gật đầu. Đáng tiếc là bị mẹ phát hiện, quát bắt tôi gỡ xuống và thay bằng tờ lịch phong cảnh.

Mỗi lần đứng trước tờ lịch phong cảnh cha đều cười, sau đó nói nhỏ rằng hồi bằng tuổi tôi, cha cũng rất thích mua tạp chí vì trong đó có hình phụ nữ đẹp.

“Mỗi người đều có quyền ngồi ghế xích đu và tưởng tượng mình là công chúa cưỡi ngựa đen và hoàng tử cưỡi ngựa trắng” Cha nói. “Nếu nói cái hại của việc “tự thỏa mãn” thì chính là cái hại do sợ hãi người khác phát hiện mình đang tự thỏa mãn”.

“Hãy nghĩ tới mèo Lưu! Nếu tự thỏa mãn mà giải phóng được xung năng tình dục, giảm được những lần quan hệ tình dục bừa bãi, thậm chí phạm tội thì…” Cha nói. “… cha không phản đối”.

Tôi đã ngạc nhiên quá chừng khi đọc được những dòng như vậy. Tôi biết rằng, rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay, dù được gọi là cha mẹ nhưng họ không hề biết cách dạy dỗ con cái. Nói cách khác, họ không biết đến cái gọi là kỹ năng làm cha mẹ. Đọc trộm nhật kí của con, quát mắng, đòn roi thay cho trò chuyện cởi mở, áp đặt suy nghĩ thay cho khuyến khích tư duy…

Sẽ có bậc phụ huynh trách tôi rằng: “Chúng tôi bận lo làm ăn, kiếm cơm nuôi gia đình, phải thông cảm cho chúng tôi chứ”. Vâng. Thông cảm thì thông cảm. Nhưng nói đi thì nói lại, làm cha làm mẹ trách nhiệm trên vai nặng lắm. Đâu phải chỉ là chuyện gồng lưng cày bừa mang cơm về nuôi cho con lớn là được. Con người là con người, không phải là con chim chỉ để ăn rồi lớn, rồi tập bay, rồi bay đi mất. Làm cha làm mẹ rất khó.

Lại nói về chuyện tình dục. Hãy xem cách Lưu Dung dạy con: “Nếu con có người yêu thì đừng hò hẹn ở công viên trung tâm vào buổi tối. Cũng đừng vì không có tiền, lại không nhịn được mà tới nhà trọ, nơi đó đầy bọn nghiện, cướp, và gái mại dâm. Nếu không còn nơi nào có thể làm chuyện đó thì về nhà. Con có phòng riêng, không ai có thể vào. Con lớn rồi, không cần cha mẹ chỉ bảo nhiều”.

Dĩ nhiên, không phải tất cả những gì Lưu Dung nói cũng đều đúng và chúng ta phải làm theo y chang. Đấy chỉ là những bài tham khảo. Mẫu mực, rất mẫu mực.

Quá nhiều bi kịch gia đình đã xảy ra, mà trách nhiệm thì cứ đổ riết cho nhà trường. Giáo dục con cái là kỹ năng sống còn để bảo đảm cho hạnh phúc gia đình, xã hội.

Hình như chúng ta đã quá xem nhẹ điều này?

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button