Review

Người Xa Lạ

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Albert Camus
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành DT Books
Số trang 150
Ngày xuất bản 07-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Người xa lạ của Albert Camus được khởi thảo năm 1938, hoàn tất năm 1940 và xuất bản lần đầu năm 1942. Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần dành cho người già cho đến gần cái chết của chính anh ta. Cuốn sách được chia thành 2 phần với 11 chương, với kiểu tự thuật về cuộc đời của nhân vật tôi – Meursault, một nhân viên thư ký lãnh việc gửi hàng hóa. Anh ta sống cô độc, nhận được tin mẹ mất, “Mẹ đã chết hôm nay. Hay là hôm qua nhỉ, tôi không rõ.” Anh ta đi dự đám tang, rồi lại tới sở làm, đi bơi, xem xi-nê,… đi chơi với người yêu và giết người tại bãi biển. Meursault bị lên án vì không có biểu hiện của một người con mất mẹ (không thăm mẹ thường xuyên, không đau khổ, không nhìn mặt mẹ lần cuối, uống cà phê và hút thuốc trước quan tài người chết, ngủ trong khi canh linh cữu, xem phim hài và hành động yêu đương chỉ một ngày sau khi mẹ mất…), bị công tố viên buộc tội vì “đã chôn cất bà mẹ bằng trái tim của một kẻ sát nhân.” Câu chuyện mở đầu bằng cái chết, phân tách hai phần bằng cái chết và kết thúc bằng một án tử hình.

Qua Người xa lạ, Camus đã tạo nên một nhân vật Meursault hoàn toàn xa lạ với chính mình, với thế giới, với cái chết, với tình yêu và với mọi mối quan hệ xã hội. Trong sự vô nghĩa của đời sống con người, trên con đường đến với cái chết treo lơ lửng, Meursault đã đi qua Vô thức, Tỉnh thức và cuối cùng là Nổi loạn (Phản kháng).

“Tôi kiệt quệ và quăng mình xuống giường. Tôi nghĩ mình đã ngủ, vì lúc tỉnh dậy tôi đã thấy sao trời. Âm thanh của đồng quê vang vọng tới tai tôi. Mùi hương của đêm, của đất, của muối biển làm trí óc tôi khoan khoái. Nỗi bình yên diệu kỳ của mùa hè uể oải này dâng lên hệt như một ngọn thủy triều trong tôi. Chính vào lúc đó, chính vào lúc đêm tàn, tiếng còi tàu rú vang. Đã đến lúc chia tay với thế giới mà từ nay, vĩnh viễn xa lạ với tôi. Lần đầu tiên kể từ lâu lắc, tôi mới nghĩ về mẹ. Hình như tôi đã hiểu ra vì sao đến cuối đời, mẹ lại kiếm cho mình một “bạn đời”, vì sao mẹ lại muốn khởi sự tất cả một lần nữa. Ở nơi đó, chung quanh trại tế bần đó, những kiếp sống tắt lịm đi như một sự ngưng lặng sầu muộn. Lúc cận kề cái chết, mẹ đã muốn thoát ra khỏi nó và bắt đầu lại hết thảy. Không ai, không một ai có quyền khóc thương mẹ. Tôi cũng vậy, tôi cảm thấy sẵn sàng bắt đầu một kiếp sống khác. Như thể nỗi giận dữ điên cuồng này đã xóa sạch xấu xa, vét cạn hy vọng trong tôi. Đứng trước một đêm thâu đầy sao trời và điềm báo này, lần đầu tiên tôi mở lòng mình ra với nỗi dửng dưng của thế gian. Tôi nhận ra nó quá tương đồng, quá thân thiết với mình, tôi cảm thấy đã quá hạnh phúc và vẫn còn hạnh phúc. Tôi chỉ còn mong mỏi có thật nhiều khán giả tới xem buổi hành hình và chửi rủa, để tôi không cảm thấy lẻ loi, để mọi điều trọn vẹn.”

Về tác giả

Albert Camus sinh ngày 7/11/1913 tại Algérie; là nhà văn, triết gia người Pháp. Tác phẩm đầu tiên của ông là tiểu luận L’Envers et l’Endroit (Bề trái và bề mặt) xuất bản năm 1937. Ông còn là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng L’Étranger (Người xa lạ, 1942), La Peste (Dịch hạch, 1947); tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe, 1942), L’Homme révolté (Người nổi loạn, 1951)… Cùng với Jean-Paul Sartre, Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh.

Albert Camus được trao tặng Giải Nobel Văn học năm 1957, ông qua đời ngày 4/1/1960 vì tai nạn xe hơi.

Tiểu thuyết L’Étranger đến nay thống kê được 7 bản dịch đã từng in thành sách: 1. Người xa lạ, Võ Lang dịch, Thời Mới, Sài Gòn, 1965; 2. Kẻ xa lạ, Dương Kiền – Bùi Ngọc Dung dịch, Đời Nay, Sài Gòn, 1965; 3. Người xa lạ, Tuấn Minh dịch, Sống Mới, Sài Gòn, 1970; 4. Kẻ xa lạ, Lê Thanh Hoàng Dân – Mai Vi Phúc dịch, Trẻ, Sài Gòn, 1973; 5. Người dưng, Dương Tường dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995; 6. Kẻ xa lạ, Nguyễn Văn Dân dịch, in trong tập Văn học phi lí, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002; 7. Người xa lạ, An Nguyễn dịch, Antôn & Đuốc sáng, 2005.

[taq_review]

Trích dẫn

Tôi làm việc chăm chỉ cả tuần. Rồi Raymond đến và bảo anh ta đã gửi thư. Tôi đi xem chiếu bóng hai lần cùng Emmanuel, người không hề hiểu điều gì đang diễn ra trên màn ảnh. Đành phải diễn giải cho anh ta. Hôm qua là thứ bảy, và Marie đến như đã hẹn. Cô ấy thật quyến rũ khi mặc chiếc áo choàng kẻ sọc trắng-đỏ và đi đôi dép da. Gương mặt rám nắng của cô ấy tươi như hoa. Ngực cô ấy trông thật chắc. Chúng tôi lên xe buýt và đi đến một nơi cách Alger mấy cây số, trên một bãi biển nằm giữa những mỏm đá và những bụi lau. Ánh nắng lúc bốn giờ chiều không quá gay gắt, nhưng nước khá ấm, với những triền sóng dài vỗ bờ uể oải. Tôi và Marie bắt đầu đùa nghịch. Khi mào sóng đến, chúng tôi hớp đầy một mồm nước, rồi nằm ngửa ra phun ngược lên trời. Một phần tia nước đầy bọt rơi như mưa xuống mặt. Được một lúc thì miệng tôi sít lại vì vị mặn của muối biển. Marie bơi lại và bám chặt lấy tôi. Môi cô ấy đặt sát môi tôi. Cô ấy liếm môi tôi, và chúng tôi cùng quay lộn trên sóng.
Khi trở lên bãi và mặc quần áo vào, Marie nhìn tôi với ánh mắt long lanh. Tôi hôn cô ấy. Từ lúc đó, chúng tôi không nói gì thêm. Rồi chúng tôi chạy đi tìm xe buýt về chỗ tôi, để cùng nhau lăn lộn trên giường. Tôi để cửa sổ mở để được cảm thấy không khí tươi mát ban đêm mơn trớn da thịt.

Sáng hôm sau Marie được nghỉ và tôi bảo cô ấy là chúng tôi sẽ cùng ăn sáng. Tôi xuống dưới nhà mua thịt. Khi trở lên, tôi nghe có giọng phụ nữ trong phòng Raymond. Một lúc sau thì thấy tiếng ông già Salamano mắng con chó, rồi tiếng chân người đi giày và tiếng chân chó gõ móng xuống cầu thang gỗ, rồi “Đồ tồi, đồ thối tha”, và họ đi ra phố. Tôi kể cho Marie nghe về ông già, và cô ấy cười rũ. Cô ấy mặc một trong những bộ pyjama của tôi và vén tay áo lên. Khi cười, cô ấy càng làm tôi thèm muốn cô ấy. Cô ấy hỏi tôi có yêu cô ấy không. Tôi bảo cái đó chẳng nói lên điều gì, nhưng hình như là không. Cô ấy có vẻ buồn. Nhưng khi chuẩn bị bữa trưa, tự nhiên cô ấy lại cười thật quyến rũ, làm tôi lại phải ôm hôn cô ấy.

Lúc đó có tiếng cãi cọ ầm ầm bên phòng Raymond. Giọng một người đàn bà tru tréo, rồi Raymond nói: “Cô hỗn láo, cô hỗn láo với tôi. Tôi sẽ dạy cho cô cách hỗn láo.” Có mấy tiếng động nhỏ, rồi người đàn bà rú lên, tiếng rú kinh khủng đến mức ngay tức khắc mọi người đã đổ đến đầy bậc thềm cầu thang. Tôi và Marie cũng ra khỏi phòng. Cô ả kia khóc liên hồi, còn Raymond thì vả liên hồi. Marie bảo “Thật kinh khủng”, và tôi không nói gì. Cô ấy bảo tôi đi gọi cảnh sát, nhưng tôi bảo tôi ghét cảnh sát. Tuy nhiên, một cảnh sát viên cũng đã tới, cùng với người ở trọ trên tầng hai, một người thợ sửa ống nước. Viên cảnh sát đập cửa, và tiếng động trong phòng Raymond im bặt. Anh ta gõ lại, mạnh hơn, thế là cô ả kia lại khóc, còn Raymond ra mở cửa. Anh ta đang ngậm thuốc lá, và vẻ mặt dịu xuống. Cô kia lao ra cửa và nói với viên cảnh sát là Raymond đánh cô ta. “Tên anh”, viên cảnh sát nói. Raymond nói tên. “Bỏ thuốc lá ra khỏi miệng khi trả lời tôi”, viên cảnh sát lại nói. Raymond lưỡng lự, ngước nhìn tôi và vẫn không lấy điếu thuốc ra khỏi miệng. Lúc đó, viên cảnh sát dang thẳng cánh giáng cho Raymond một cái tát với toàn bộ sức mạnh cơ bắp của anh ta. Điếu thuốc văng xa mấy thước. Mặt Raymond biến sắc, nhưng anh ta im lặng. Vài giây sau, anh ta hỏi với giọng nhỏ nhẹ, liệu anh ta có thể nhặt mẩu thuốc lên không. Viên cảnh sát bảo được, nhưng nói thêm: “Lần sau thì nên nhớ cảnh sát không phải là bù nhìn.”

Suốt thời gian đó, cô ả kia vẫn vừa khóc vừa kêu rên: “Nó đánh tôi. Nó là đồ ma cô.” “Thưa ngài cảnh sát”, Raymond nói, “cô ấy có quyền gọi một người đàn ông là ma cô không ạ?” Viên cảnh sát nói: “Ngậm mồm!” Raymond quay sang phía cô ả và nói: “Đợi đấy, con ạ, tao với mày còn gặp nhau.” Viên cảnh sát lại bảo anh ta ngậm mồm, bảo cô ả đi về, còn Raymond thì ở lại đó, chờ áp giải đến đồn. Anh ta bảo Raymond phải biết xấu hổ vì say đến mức đứng không vững. Raymond thanh minh: “Tôi không say, thưa ngài cảnh sát. Đấy là đứng trước ngài tôi mới run như thế, vì sợ.” Anh ta đóng cửa, và mọi người ra về. Tôi và Marie đi nấu ăn. Nhưng vì cô ấy không đói, mình tôi ăn gần hết. Đến một giờ, cô ấy ra về, còn tôi thì nằm chợp mắt một lát.

Khoảng ba giờ, có tiếng gõ cửa, và Raymond vào phòng tôi. Tôi vẫn đang nằm. Anh ta ngồi lên cạnh giường tôi. Anh ta im lặng một hồi, và tôi hỏi sự việc ra sao. Anh ta kể là anh ta đã làm như dự định, nhưng cô ả lại tát anh ta, và thế là anh ta đánh. Phần tiếp theo thì tôi đã thấy. Tôi bảo bây giờ ả đã bị trừng trị, và anh ta cần phải hài lòng. Anh ta bảo anh ta cũng nghĩ vậy, và anh ta thấy viên cảnh sát đã làm đúng, và dù sao thì cũng không thay đổi được những cú bạt tai mà cô ả đã phải nhận. Anh ta nói thêm là anh ta biết rất rõ cánh cảnh sát, và biết là cần phải xử sự với họ thế nào. Rồi anh ta hỏi tôi là tôi có nghĩ anh ta sẽ trả đũa cú tát của tay cảnh sát hay không. Tôi bảo tôi không nghĩ thế, nhưng tôi ghét cảnh sát. Raymond có vẻ rất hài lòng. Anh ta hỏi tôi có muốn ra phố với anh ta không. Tôi bò dậy và lấy lược chải đầu. Anh ta bảo tôi phải làm chứng cho anh ta. Tôi thấy sao cũng được, nhưng không biết sẽ phải nói gì. Theo Raymond thì chỉ cần nói là cô ả kia chơi đểu anh ta. Tôi đồng ý làm chứng.

Chúng tôi ra phố, và Raymond mua rượu ngon đãi tôi. Rồi anh ta gạ chơi billard và tôi thỉnh thoảng thua. Sau đó, anh ta rủ tôi đi nhà thổ, nhưng tôi bảo tôi không thích thứ đó. Thế là chúng tôi nhẩn nha đi về, và trên đường đi anh ta bảo anh ta rất hài lòng vì đã trừng trị được cô ả đó. Tôi nhận thấy anh ta rất nhã nhặn với tôi, và tôi thấy dễ chịu.

Từ xa, tôi thấy ông già Salamano đang đứng cạnh cửa với vẻ lo lắng. Khi chúng tôi đến gần thì không thấy con chó của ông ấy đâu. Ông ấy nhớn nhác nhìn quanh, rồi quay lại, vừa cố giương mắt nhìn theo hành lang tối om, vừa lẩm bẩm gì đó, xong lại lục tìm trên phố bằng cặp mắt nhỏ đỏ ngầu. Khi Raymond hỏi ông có việc gì, ông ấy không trả lời ngay. Tôi nghe ông ấy lầm rầm: “Đồ tồi, đồ tởm lợm”, và tiếp tục tìm kiếm. Tôi hỏi con chó của ông ấy đâu. Ông ấy bảo nó đi mất rồi. Rồi ông ấy nói liền một mạch: “Tôi dẫn nó ra quảng trường duyệt binh như mọi khi. Ở đó khá đông người quanh những quầy bán hàng. Tôi dừng lại để xem diễn trò “Vua vượt ngục”. Khi tôi muốn đi thì không thấy nó đâu. Từ lâu tôi đã muốn mua cho nó một cái vòng cổ nhỏ hơn một chút. Nhưng tôi không ngờ cái đồ thối tha đó có thể biến đi như thế.”

Raymond nói với ông già chắc con chó bị lạc, rồi nó sẽ về thôi. Anh ta kể ra mấy vụ chó đi lạc hàng chục cây số vẫn tìm về nhà. Mặc dù vậy, ông già vẫn có vẻ lo lắng. “Nhưng, các anh có hiểu không, nhỡ ra người ta bắt nó. Nhỡ có ai nhốt nó lại. Ô nhưng không thể thế được, nó làm mọi người phát gớm vì những mảng máu khô. Nhưng cảnh sát có thể nhốt nó.” Khi đó tôi bảo ông ấy phải đến nơi cảnh sát nhốt gia súc bị lạc để nộp tiền chuộc. Ông già hỏi tiền chuộc có nhiều không. Tôi nói tôi không biết. Thế là ông ấy lại điên lên: “Mất tiền vì cái của nợ đấy à? Thà để nó chết quách đi!” Rồi ông ấy lại chửi rủa. Raymond cười và đi vào nhà. Tôi đi theo, và chúng tôi rời khỏi thềm cầu thang. Một lúc sau, tôi nghe tiếng chân ông già và tiếng gõ cửa. Khi tôi mở cửa, ông ấy đứng ở ngưỡng cửa và nói: “Xin lỗi, xin lỗi.” Tôi mời ông ấy vào phòng, nhưng ông tỏ vẻ không muốn. Ông ấy cúi nhìn mũi giày và đôi bàn tay sần sùi run rẩy. Không nhìn tôi, ông ấy hỏi: “Họ sẽ không nhốt nó chứ, anh Meursault? Họ sẽ trả nó cho tôi chứ? Nếu không thì tôi sẽ ra sao đây?” Tôi nói là nơi nhốt gia súc lạc sẽ giữ chó ba ngày, chờ chủ đến nhận, sau đó họ sẽ làm cái việc mà họ thấy nên làm. Ông già im lặng nhìn tôi. Rồi ông ấy nói: “Chào anh.” Ông ấy khép cửa lại, rồi tôi nghe tiếng chân ông ấy đi về phòng, tiếng giường kêu cọt kẹt. Rồi tôi nghe tiếng động khe khẽ vọng qua máng ngăn. Tôi hiểu rằng ông già đang khóc. Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ mẹ. Nhưng sáng mai tôi phải dậy sớm, và vì không thấy đói nên tôi đi ngủ mà không ăn tối.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Xuân Tùng

Cuốn sách rất là mỏng, lúc đầu cầm lên hỏi là tại sao mỏng mà đắt dữ vậy. Mở ra thì thấy giấy cũng khá đẹp. Bìa trước và sau nhìn cũng khá bắt mắt, Về nội thất và ngoại thất thì rất ổn. Còn nội dung cũng tạm được, cách viết kiểu tự sự kèm thêm một chút tâm trạng của nhân vật vào.-kiểu ngôi thứ nhất. Cũng khá bất ngờ khi nhân vật chính chết cuối truyện nhưng đúng là sách hay nên đọc cho tất cả mọi người. Đọc nên suy ngẫm nhiều nhá-vì sách được giải Nobel nhưng mình chả ngấm được hơn tẹo nào.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button