Review

Người Truyền Ký Ức

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Lois Lowry
NXB Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 246
Ngày xuất bản 06-2014
Giá bánXem giá bán

Cho dù một ai đã từng đọc những lời giới thiệu ngắn gọn xung quanh cuốn sách, không đọc cũng không thể nào cảm nhận hết sự kỳ lạ của nó. Người truyền ký ức tuyệt vời ở trí tưởng tưởng và những thông điệp mang theo.

Một Cộng đồng không được xác định rõ về không gian và thời gian tồn tại, chỉ biết những thành phần của nó có hình hài giống như con người, và một vài cấu trúc cũng giống như con người. Đứng đầu cộng đồng có một Hội đồng quyết định tất thảy mọi việc, dĩ nhiên, vẫn còn một thế lực cao siêu nào đó hơn nữa, chỉ huy về tổng thể. Mỗi cá nhân sinh ra không bởi cha mẹ họ, mà bởi những Mẹ đẻ, những người phụ nữ được nhận Nhiệm vụ sinh nở ra bé mới cho cộng đồng.

Khi sinh ra, bé mới sẽ được Hội đồng giao cho một cặp bố mẹ nuôi. Mỗi nấc tuổi là một lớp người của cộng đồng khác biệt nhau về chức năng, vị trí. Lên Bảy, mỗi đứa trẻ sẽ được giao một chiếc xe đạp, chứng tỏ một nấc trưởng thành. Và khi lên Mười Hai, chúng sẽ được nhận một Nhiệm vụ riêng (tức là một công việc để duy trì cộng đồng). Rồi lớn hơn nữa, chúng sẽ được tách nhà, kết hợp với một người khác giới để tạo nên một nhà mới, nhận hai đứa bé, một trai, một gái về làm con. Trong cộng đồng đó, tất cả mọi thứ đều phải công khai cho dù là một giấc mơ, và tất cả đều nằm trong giới luật cho dù là việc phải ăn hết một bữa điểm tâm. Không có đau khổ nào, tất cả bằng lặng trôi theo một nguyên tắc bất biến. Kể cả sự phóng thích ai đó ra khỏi cộng đồng, đến Nơi Khác vĩnh viễn.

Jonas, cậu bé nhân vật chính của Người truyền ký ức, đang bước vào thời khắc quan trọng nhất, lễ nhận Nhiệm vụ khi tròn Mười Hai. Nhưng trước ngày đó, trên cái nền êm ả của đời sống cộng đồng đó, một vài biến chuyển đến với Jonas. Trước hết là một điều bình thường ở cộng đồng, cậu mơ thấy mình muốn tắm cho Fiona lõa thể trong bồn nước mà không được. Cậu đã có một trải nghiệm, và đã phải uống thuốc – loại thuốc triệt cảm xúc – để giấc mơ chỉ đến một lần. Sau đó, khi tung quả táo, Jonas nhìn thấy một cái gì vượt ra ngoài biên giới. Câu chuyện thực sự bắt đầu khi Jonas không nhận được Nhiệm vụ nào vào ngày lễ đó, bởi vì cậu đã được lựa chọn trở thành người tiếp nhận Ký ức.

Jonas đã đến học ký ức từ một ông già, người đã tiếp nhận ký ức từ những người tiền nhiệm. Ký ức là gì? Đó là tất cả những cảm nhận, những hình ảnh, những trải nghiệm về cuộc sống mà con người chúng ta ngày nay đang thấy: hạnh phúc êm ru của thiên nhiên lãng mạn, niềm vui trong gia đình,… nhưng những thứ đó lại quá ít so với nỗi đau chiến tranh, đói nghèo, mất mát, chia lìa. Jonas bàng hoàng đau khổ, nhưng vẫn dũng cảm tiếp nhận để gánh vác bớt những cơn dày vò đang hành hạ người thầy của mình. Cậu không dám được phép xin phóng thích, nếu không sẽ như cô gái từng không hoàn thành nhiệm vụ trước cậu, trả lại những cảm xúc về cộng đồng, khiến tất cả thành viên chao đảo, hoang mang. Thế rồi, dù sao cậu cũng phải có một quyết định, khi bé mới – người khách của gia đình cậu bị Hội đồng quyết định phóng thích do hay khóc về đêm. Và Jonas đã chọn một hướng riêng trước sứ mạng cộng đồng giao phó.

[taq_review]

Trích dẫn


Jonas nhìn Bố rót một cốc cà phê mới. Cậu chờ đợi. “Con biết đấy,” cuối cùng ông lên tiếng, “khi còn bé, cứ đến tháng Mười hai bố lại rất háo hức. Và bố chắc rằng con và Lily cũng vậy. Mỗi tháng Mười hai đều mang đến nhiều đổi thay.”

Jonas gật đầu. Cậu vẫn nhớ cái tháng Mười hai khi cậu đã trở thành, xem nào, hình như là Bốn. Những lần trước đó thì cậu không nhớ nổi. Nhưng năm nào cậu cũng tham dự, và vẫn còn nhớ những tháng Mười hai đầu tiên của Lily. Cậu nhớ khi gia đình cậu đón nhận Lily, cái ngày cô bé được đặt tên, cái ngày cô trở thành Một.

Nghi lễ cho những đứa Một lúc nào cũng ồn ào và tràn ngập tiếng cười. Cứ đến tháng Mười hai, tất cả những bé mới sinh ra vào năm đó đều thành Một. Nếu không đứa nào bị phóng thích, thì nhóm của mỗi năm bao giờ cũng có năm mươi đứa. Lần lượt từng đứa một được những Người Nuôi trẻ, những người chăm sóc chúng từ khi sinh ra, đưa lên sân khấu. Một số đã có thể lẫm chẫm đi trên đôi chân non nớt; số còn lại, mới chỉ vài ngày tuổi, bọc kín trong chăn, được những Người Nuôi trẻ ôm lên.

“Con rất thích Lễ Đặt tên,” Jonas nói.

Mẹ cậu mỉm cười đồng tình. “Cái năm gia đình ta có thêm Lily, tất nhiên mọi người đều biết chúng ta sắp đón bé nữ của nhà, vì chúng ta đã đăng ký và được chấp thuận. Nhưng mẹ cứ nghĩ, nghĩ mãi không biết tên em con sẽ là gì.”

“Anh đã có thể xem lén danh sách trước buổi lễ,” Bố tiết lộ. “Hội đồng luôn làm trước danh sách, và nó được đặt ngay trong văn phòng Trung tâm Nuôi trẻ.”

“Nhưng dĩ nhiên là,” ông nói tiếp, “anh cảm thấy hơi có lỗi khi làm điều đó. Nhưng chiều nay anh quả thực đã đi xem xem họ đã lên danh sách Đặt tên năm nay chưa. Nó ở ngay trong văn phòng, và anh đã tìm số Ba mươi sáu – là cậu nhỏ đang làm anh lo lắng – vì anh chợt nghĩ nếu có thể gọi nó bằng một cái tên, thì có lẽ sẽ chăm sóc nó được tốt hơn. Và đương nhiên là chỉ gọi khi không có ai thôi.”

“Bố có tìm thấy không?” Jonas hỏi, cậu như bị cuốn vào câu chuyện của Bố. Đó xem ra cũng chẳng phải luật lệ gì to tát, nhưng việc bố cậu mà cũng vi phạm luật khiến cậu mê hồn. Cậu liếc nhìn Mẹ, người chịu trách nhiệm về việc tuân thủ các luật lệ, và an tâm hơn khi bà cười.

Bố cậu gật đầu. “Tên của đứa bé đó sẽ là Gabriel, tất nhiên nếu nó được tham dự Lễ Đặt tên mà không bị phóng thích. Vậy nên bố đã thì thầm cái tên đó với nó khi cho nó ăn cứ bốn tiếng một lần, trong lúc vận động và trong giờ chơi, nếu không có ai nghe thấy.”

“Thật ra thì bố gọi nó là Gabe,” ông nói, và cười khoái chí.

“Gabe,” Jonas thử đọc. “Cái tên được đấy,” cậu nghĩ.

Cái năm gia đình cậu đón nhận Lily và biết tên em, dù mới chỉ là Năm, Jonas vẫn nhớ rõ sự háo hức, những cuộc thảo luận ở nhà dự đoán về cô bé: trông em thế nào, em là ai, em sẽ hòa nhập ra sao với tổ gia đình đã ổn định. Cậu nhớ những bước chân theo từng bậc lên sân khấu cùng với cha mẹ, năm đó Bố đi cùng cậu, thay vì đứng giữa những Người Nuôi trẻ, vì đó là năm ông sẽ được đón nhận bé mới của mình.

Cậu nhớ khi Mẹ đón bé mới, em gái cậu, trong vòng tay, trong lúc văn bản được đọc lên cho những tổ gia đình đang xúm xít. “Bé mới. Hai mươi ba.” Người đặt tên dõng dạc, “Lily.”

Cậu nhớ đôi mắt Bố lúc đó ánh lên vẻ vui sướng, ông thì thầm: “Đó là một trong những đứa bé bố thích nhất. Bố đã hy vọng sẽ được nhận nó.” Đám đông vỗ tay chúc mừng, còn Jonas thì cười rất tươi. Cậu thích tên em gái của mình. Lily chỉ hơi tỉnh ngủ, vung vẩy nắm tay bé xíu của em. Rồi họ bước xuống để nhường chỗ cho tổ gia đình tiếp theo.

“Khi còn là một cậu Mười một,” bố cậu đang nói, “như con bây giờ, Jonas, bố rất nóng lòng chờ tới Lễ Mười hai. Hai ngày đó thật là dài. Bố còn nhớ rằng, như mọi khi, bố đã rất thích thú xem nhóm Một, nhưng không để tâm lắm đến các lễ khác, trừ nghi lễ của em gái bố. Năm đó cô ấy sang nhóm Chín, và được nhận xe đạp. Trước đó bố đã dạy cô tập xe của bố, mặc dù nói đúng ra thì việc đó là không được phép.” Jonas cười lớn. Đó là một trong số ít luật không quá được coi trọng và gần như luôn bị vi phạm. Tất cả trẻ con đều được nhận xe đạp khi lên Chín; trước đó chúng không được phép đi. Nhưng gần như lúc nào cũng vậy, các anh chị lớn đã bí mật dạy các em nhỏ từ trước. Jonas cũng đã nghĩ đến chuyện dạy Lily rồi.

Đã từng có thảo luận về việc sửa luật và cho phép trẻ con đi xe đạp sớm hơn. Một hội đồng đang nghiên cứu ý kiến này. Khi có điều gì đó đưa tới hội đồng nghiên cứu, nó trở thành đề tài bỡn cợt của mọi người. Họ nói rằng khi luật được sửa thì các thành viên trong hội đồng đã thành Bô lão cả rồi.

Rất khó có thể sửa đổi luật lệ. Đôi khi, nếu đó là một luật rất quan trọng – không giống như luật giới hạn tuổi đi xe đạp – thì rốt cuộc nó sẽ được đưa tới Người tiếp nhận để đưa ra quyết định. Người tiếp nhận là Bô lão quan trọng nhất. Jonas thậm chí chưa từng nhìn thấy ông ta, những người quan trọng đến mức ấy luôn sống và làm việc một mình. Nhưng hội đồng sẽ chẳng bao giờ làm phiền Người tiếp nhận về vấn đề xe đạp; họ chỉ tự mình băn hoăn và tranh cãi về nó năm này qua năm khác, cho tới khi dân chúng quên bẵng mất đã từng đề đạt với họ vấn đề này.

Bố nói tiếp, “Thế là bố đã đứng xem và cổ vũ khi cô Katya chính thức lên Chín, tháo nơ buộc tóc và nhận xe đạp. Sau đó bố không để ý lắm đến đám Mười và Mười một. Và cuối cùng, đến cuối ngày thứ hai, cái ngày tưởng chừng kéo dài vô tận ấy, rốt cuộc cũng đến lượt bố. Đó là Lễ Mười hai.”

Jonas rùng mình. Cậu hình dung bố mình, hẳn đã từng là một cậu bé ít nói và bẽn lẽn, bởi giờ đây ông vẫn ít nói và bẽn lẽn, đang ngồi với nhóm của mình, chờ đến lượt được gọi lên sân khấu. Lễ Mười hai là Nghi lễ cuối cùng. Nghi lễ quan trọng nhất.

“Bố vẫn nhớ vẻ tự hào của ông bà nội con, và cả em bố nữa; dù rất muốn ra ngoài để đạp xe một cách công khai, cô ấy cũng thôi bồn chồn và ngồi im rất chăm chú khi đến lượt bố.”
“Nhưng Jonas ạ, nói thật,” ông nói, “bố không hồi hộp chờ đến Nghi lễ như con. Vì bố đã biết khá rõ Nhiệm vụ của mình là gì.”

Jonas rất ngạc nhiên. Thật sự là không có cách nào để biết trước được điều đó. Đó là một sự lựa chọn bí mật, được thực hiện bởi những người lãnh đạo cộng đồng. Hội đồng Bô lão, những người thực hiện trách nhiệm của mình một cách cẩn trọng tới mức trước giờ chưa từng có ai bỡn cợt gì về những Nhiệm vụ cả.

Mẹ cũng tỏ ra rất ngạc nhiên. “Làm sao anh biết trước được?” Bà hỏi.

Bố nở nụ cười mỉm dịu dàng quen thuộc. “Chà, với anh thì chuyện rất rõ ràng – và sau đó bố mẹ anh cũng thừa nhận rằng họ cũng đã biết rõ – năng khiếu của anh là gì. Anh luôn yêu mến những đứa bé mới hơn tất cả mọi thứ. Khi các bạn cùng lứa đang đua xe đạp, hoặc dựng đồ chơi xe cộ hay cầu cống với bộ xếp hình, hoặc…”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button