Review

Người Đọc

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Bernhard Schlink
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 216
Ngày xuất bản 01-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ… ”- Bernhard Schlink

Không có gì lãng mạn trong lần gặp mặt đầu tiên của họ. Cậu bé 15 tuổi, là học sinh trung học. Còn cô là người soát vé xe điện. Từ trường trở về sau mỗi buổi học, cậu lại lao mình vào cuộc phiêu lưu thầm kín. Nhưng tình sử lãng mạn ấy kéo dài không lâu. Một ngày nọ, Hanna biến mất, rồi xuất hiện trong tình huống khó ngờ… Người đọc, được so sánh với Những kẻ bị cầm tù ở Altona của Sartre và Ván bi-a lúc chín rưỡi của Heinrich Böll, là một trong không nhiều tác phẩm văn học Đức trở thành bestseller trên toàn cầu.

Lồng trong một câu chuyện tình yêu khác thường là nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự tiếp nhận quá khứ mà thế hệ hậu chiến Đức phải đối mặt. Nên khi đã đặt xuống rồi cuốn sách nhỏ 200 trang của Bernhard Schlink, bên những bâng khuâng day dứt về tình yêu, người ta sẽ còn ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến đã tước đoạt hàng triệu sinh mạng, và để lại dấu hằn vĩnh viễn trên số phận bao người còn lại…

Người đọc là tác phẩm gây tranh cãi mạnh ở Đức, nơi người dân cho đến nay vẫn chưa hẳn thỏa mãn với cách giải quyết các tàn dư lịch sử từ thời phát xít và Thế chiến II. Trong một bài phỏng vấn, Bernhard Schlink cho rằng các nhà phê bình đã hiểu lầm tác phẩm này của ông. Được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và quảng bá rộng rãi, Người đọc thể hiện rõ rệt tính cách người Đức với phần thế giới còn lại, ngay cả khi sự cảm nhận thường mang nặng tính chủ quan và ảnh hưởng văn hóa từ phía người thưởng lãm.

[taq_review]

Trích dẫn

Trong khi không nhớ đã nói dối bố mẹ ra sao trước chuyến đi với Hanna thì tôi lại nhớ được cái giá mà tôi phải trả để được ở nhà một mình trong tuần lễ cuối cùng của kì nghỉ. Tôi đã quên là bố mẹ và hai anh chị của tôi đi đâu. Vấn đề là đứa em gái của tôi. Nó đáng lẽ phải đến ở nhà một đứa bạn gái. Nhưng nếu tôi ở nhà thì nó cũng muốn ở nhà. Bố mẹ tôi không thích thế, vậy là tôi cũng phải đến ở nhà một người bạn.

Nhìn lại, tôi thấy bố mẹ tôi cũng đáng phục khi sẵn sàng để tôi, một thằng bé 15 tuổi, ở nhà một mình cả tuần. Có phải là bố mẹ tôi nhận ra tính tự lập đã phát triển trong tôi từ khi tôi gặp Hanna? Hay đơn giản là thấy tôi dù ốm mấy tháng vẫn được lên lớp, từ đó suy ra là tôi có ý thức trách nhiệm hơn và đáng tin cậy hơn so với trước? Tôi cũng không nhớ ngày ấy có bị truy hỏi đã ở đâu trong những giờ mà tôi ở chỗ Hanna. Chắc là bố mẹ tôi tin rằng sau khi khỏi bệnh tôi thích đi chơi nhiều và học cùng với các bạn. Thêm vào đó, không thể nào chăm chút từng đứa trong bầy bốn đứa trẻ con, mà chỉ tập trung vào đứa nào đang có vấn đề đặc biệt. Tôi đã gây vấn đề đủ rồi; bố mẹ tôi nhẹ cả người khi tôi đã khỏe và được lên lớp.

Lúc tôi hỏi em gái xem nó muốn gì để đi đến chỗ bạn gái trong lúc tôi ở nhà, nó đòi một cái quần bò – ngày ấy chúng tôi gọi là quần bò xanh hay quần đinh – và một cái nicki, đó là một loại áo bằng nhung the. Tôi hiểu. Quần bò thời bấy giờ là một thứ đặc biệt và sành điệu, lại còn hứa hẹn giải phóng khỏi bộ đồ dệt vân xương cá và áo dài in hoa to. Giống như tôi phải mặc đồ thừa của ông bác, em gái tôi phải mặc quần áo của chị. Nhưng tôi không có tiền.

“Thế thì đi ăn cắp!” Cô em gái tỏ vẻ bất cần.

Thật đơn giản đến kinh ngạc. Tôi mặc thử mấy cái quần bò, đem cả một cái đúng cỡ của nó vào phòng thay quần áo, mặc vào dưới chiếc quần rộng và đem ra khỏi cửa hàng. Áo nicki tôi ăn trộm ở cửa hàng Kaufhof. Hôm trước tôi lang thang với em gái từ quầy này đến quầy khác trong ngăn đồ mốt, cho đến khi tìm thấy đúng quầy và đúng cái nicki mong muốn. Hôm sau tôi đi nhanh và dứt khoát qua ngăn hàng đó, cầm lấy cái áo giấu xuống dưới áo vét và biến luôn ra ngoài. Hôm sau nữa tôi lấy trộm cho Hanna một chiếc váy ngủ bằng lụa, bị tay thám tử nhìn thấy, tôi chạy bán sống bán chết và thoát trong gang tấc. Mấy năm liền tôi không đặt chân vào Kaufhof nữa.

Từ những đêm nằm cạnh nhau trong chuyến đi, đêm nào tôi cũng khát khao được cảm thấy cô bên cạnh, rúc vào sườn cô, áp bụng vào mông và tay đặt lên vú cô, khi tỉnh dậy quờ tay tìm và thấy cô, áp mặt vào vai cô. Một tuần ở nhà một mình là bảy đêm với Hanna.

Một buổi tối, tôi mời cô đến nhà và nấu cho cô ăn. Cô đứng trong bếp khi tôi vừa nấu ăn xong. Cô đứng trong khung cửa mở giữa phòng ăn và phòng tiếp khách lúc tôi bày đồ ăn lên bàn. Cô ngồi vào chỗ bố tôi mọi khi bên chiếc bàn tròn. Cô ngắm quanh.

Ánh mắt cô chiếu đến mọi thứ, những đồ gỗ kiểu Beidermeier, cây đàn piano cánh, đồng hồ đứng, giá sách, chén đĩa và dao dĩa trên bàn. Tôi để cô một mình để đi làm món tráng miệng, lúc quay lại không thấy cô bên bàn. Cô đi từ phòng nọ qua phòng kia và dừng chân trong phòng làm việc của bố tôi. Tôi khẽ tựa lưng vào khung cửa và ngắm cô. Cô đưa mắt dọc các giá sách đứng kín tường, tựa như đang đọc chúng. Rồi cô đến bên một giá sách, chầm chậm quẹt ngón tay trỏ dọc theo các gáy sách ở tầm cao ngang ngực, đi sang giá sách bên cạnh và quẹt tiếp ngón tay qua từng gáy sách một, rồi đo bước chân dọc phòng. Đến cửa sổ thì cô dừng chân, nhìn vào bóng tối, nhìn ánh phản chiếu từ các giá sách và bóng của mình.

Đó là một trong những hình ảnh về Hanna còn đọng lại trong tôi. Tôi lưu giữ những hình ảnh đó, có thể chiếu chúng lên một màn ảnh nội tâm để qua sát mà không sợ chúng thay đổi hay cũ mòn. Thỉnh thoảng tôi lâu lâu nghĩ đến cô. Nhưng cô luôn luôn hiện ra trong tâm tưởng, và khi ấy tôi phải chiếu hình cô lên màn hình nội tâm mấy lần liền và ngắm nhìn. Một hình là Hanna xỏ tất ở trong bếp. Một hình khác là Hanna đứng ở bồn tắm và dang tay nâng chiếc khăn bông. Hình khác nữa là Hanna đi xe đạp, váy tung bay trong gió, rồi đến hình ảnh Hanna đứng trong phòng làm việc của bố tôi. Cô mặc chiếc áo dài sọc xanh trắng, hồi đó còn gọi là áo váy. Trong chiếc áo dài ấy nom cô trẻ trung. Cô quẹt ngón tay dọc theo các gáy sách và nhìn vào cửa sổ. Rồi cô quay sang phía tôi, đủ nhanh để váy sóng lên chân trước khi phẳng phiu rủ xuống. Ánh mắt cô mệt mỏi.

“Sách này bố anh chỉ đọc hay viết ra?”

Tôi biết một quyển về Kant và một quyển về Hegel do bố tôi viết, tìm thấy cả hai và đưa cô xem.

“Đọc cho em nghe một chút trong đó được không hả cậu bé?”

“Anh..” Tôi không muốn đọc, nhưng cũng không muốn từ chối cô. Tôi lấy cuốn sách về Kant của bố và đọc cho cô nghe về phân tích và biện chứng mà cả tôi lẫn cô đều mù tịt như nhau. “Thế đã đủ chưa?”

Cô nhìn tôi, tựa như hiểu tất cả, hoặc không quan trọng là chỗ nào hiểu và chỗ nào không. “Một ngày nào đó, anh sẽ viết những cuốn sách như thế chứ?”

Tôi lắc đầu.

“Anh sẽ viết sách khác?”

“Anh không biết.”

“Anh sẽ viết kịch?”

“Hanna, anh không biết.”

Cô gật đầu. Sau khi ăn tráng miệng, chúng tôi đi đến nhà cô. Tôi muốn ngủ với cô trong giường mình, nhưng cô không muốn. Ở nhà tôi, cô thấy mình như kẻ đột nhập. Chuyện ấy cô không nói ra lời, nhưng nói qua cách cô đứng trong bếp hay trong khung cửa mở, đi từ phòng nọ sang phòng kia, đo bước chân trong phòng bố tôi và ngồi bên tôi trong bữa ăn.

Tôi tặng cô chiếc váy lụa màu cà tím với hai dây đeo mỏng để lộ vai và cánh tay, dài đến tận mắt cá. Chiếc áo lấp lánh. Hanna sung sướng, cười tươi tắn. Cô nhìn dọc theo người, quay mình, nhảy nhót vài bước, ngắm mình trong gương, ngắm hình mình trong đó một chút rồi nhảy tiếp. Đó cũng là một hình ảnh của Hanna lưu lại trong tôi.

Bạn đọc cảm nhận

Đàm Quang Trung

Ban đầu nhìn bìa cuốn sách này thì mình k ấn tượng lắm. Căn bản vốn được nhìn những bìa thiết kế đẹp của Nhã Nam rồi, trong khi cuốn này lấy luôn ảnh chụp. Nhưng lối viết văn thẳng thắn, đi vào trọng tâm câu chuyện đã khiến mình bị cuốn hút ngay từ những trang đầu tiên. Một chuyện tình éo le, gặp biết bao nhiêu khó khăn. Kéo người đọc từ bất ngời này đến bất ngờ khác. Đặt trong bối cảnh khi thế chiến thứ hai vừa kết thúc, xã hội còn muôn vàn khó khăn và trục trặc. Kết thúc câu chuyện làm cho mình thấy ám ảnh vô cùng. Mình nghĩ các bạn nên đọc và cảm nhận nó.

Đoàn Hồng Thủy

Người đọc – The Reader của tác giả Bernhard Schlink là một kiệt tác văn chương để lại cho người ta nhiều day dứt. Suýt chút nữa thì tôi đã bỏ qua cuốn sách nhỏ này chỉ vì cái bìa. Tôi vốn chúa ghét những cuốn sách dùng người thật làm bìa nên không cảm tình lắm với nó. Sau này vì vài lời rủ rê tôi đã mua Người đọc – The Reader và thật sự cảm động vì nội dung câu chuyện. Tiểu thuyết để lại nhiều day dứt ám ảnh khi Hanna phải chịu cái chết oan uổng vì một tội lỗi mà cô không có can đảm biện hộ vì mặc cảm thân phận.

Trần Lê Hà

Quá day dứt và đầy những tiếc nuối là những gì mình đã nghĩ. Khi đọc những trang đầu tiên, khi Michael vô tình làm quen với Hanna, khi cậu bé ấy bị quyến rũ bởi Hanna mình đã nghĩ chắc quan hệ của họ chỉ về mặt thể xác mà thôi, giữa 1 cậu bé mới lớn tò mò, và 1 người phụ nữ cô đơn. Sau khi đọc xong mình biết mình đã sai rồi, chắc chắn giữa họ tồn tại hoặc đã từng tồn tại tình yêu. Mình đã bật khóc khi đọc đến cảnh Michael giả vờ không nhận ra Hanna khi nhìn thấy cô lần cuối trước khi cô biến mất. Mình cũng đã khóc khi đọc đến phiên tòa xử Hanna, liệu rằng đặt mình hay bất cứ ai vào hoàn cảnh như thế liệu có làm khác được không, dẫu vẫn biết rằng tội ác chiến tranh rất khó để được tha thứ. Hanna đã hối lỗi và đã chuộc tội, nhưng dường như bắt cô ấy gặp lại Michael sau khi mãn hạn tù cũng là 1 kiểu tra tấn ? Cô ấy thực sự yêu Michael, cô ấy rời đi khi vẫn còn là 1 phụ nữ quyến rũ, nhưng khi gặp lại nhau thì đã có mùi của người già, cô đơn và lạc lõng, rồi cả sự ngượng ngập của Michael khi gặp lại. Dù mình không thích cái kết của câu chuyện khi để Hanna tự sát, nhưng mình lại nghĩ cái kết đó là hợp lý.

Nhưng có 1 điều mình không thích ở quyển sách này, đó là bìa sách không đẹp. Mình chưa bao giờ có cảm tình với những bìa sách dùng hình ảnh trong phim để minh họa.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button