Review

Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản

Thể loại Sách hay về cuộc sống
Tác giả Greg McKeown
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 319
Ngày xuất bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Bạn đã bao giờ cảm thấy quá tải? Bạn đã bao giờ cảm thấy mình tuy làm việc hết sức nhưng không được trọng dụng? Bạn đã bao giờ thấy mình chỉ tập trung vào các việc nhỏ nhặt? Bạn đã bao giờ cảm thấy mình luôn bận rộn nhưng lại không đạt được hiệu quả? Nếu câu trả lời là “có” cho tất cả các câu hỏi này thì giải pháp chính xác dành cho bạn chính là hãy trở thành “Con người tối giản”.

Nếu bạn đang rơi vào một trong những tình trạng trên thì đã đến lúc tìm hiểu về Cách tối giản hóa công việc của những người thành công.

Tối giản công việc ở đây không có nghĩa là thực hiện được nhiều công việc trong thời gian ngắn hạn mà là chỉ hoàn thành những công việc thực sự cần thiết. Cuốn sách cũng không phải là cuốn chiến lược quản lý thời gian hay phương pháp cải tiến hiệu suất công việc. Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản như là một cuốn giáo trình có hệ thống giúp bạn xác định được những công việc hoàn toàn cần thiết, sau đó là loại bỏ những thứ thừa thãi, như vậy bạn có thể tập trung hoàn thành cốt lõi công việc của mình.

Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản không đơn thuần chỉ dành cho công việc mà có thể áp dụng cho mọi thứ xung quanh bạn. Đó là cuốn sách không thể thiếu cho các nhà lãnh đạo, quản lý và cả những cá nhân muốn giảm khối lượng công việc của mình nhưng vẫn đem lại hiệu quả công việc cao hay đơn giản hơn là cải thiện chính cuộc sống của mình.

[taq_review]

Trích dẫn


PHƯƠNG CHÂM CỦA NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN.

Dieter Rams là nhà thiết kế chính của công ty Braun trong nhiều năm. Ông luôn được thôi thúc bởi ý tưởng rằng hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều là tín hiệu nhiễu và có rất ít điều là thực chất. Công việc của ông là lọc các tín hiệu đó cho đến khi đạt được đến điểm cốt lõi của nó. Năm ông 24 tuổi, công ty yêu cầu ông cải tiến thiết kế của chiếc máy quay đĩa. Vào thời đó, mâm quay ở chiếc máy quay đĩa tiêu chuẩn thường được phủ một lớp gỗ hay thậm chí tích hợp chiếc máy như một món đồ gỗ trang trí trong phòng khách.

Thay vì đi theo lối thiết kế cũ, ông và các đồng nghiệp đã bỏ đi những chi tiết thừa và thiết kế chiếc máy quay đĩa chỉ với một lớp nhựa mỏng phía trên mà không có thêm bộ phận nào khác. Đó là lần đầu tiên, một kiểu máy được thiết kế như vậy và nó mang tính cách mạng đến nỗi nhiều người lo lắng rằng thiết kế này sẽ khiến công ty phá sản vì không ai mua sản phẩm đó. Việc cần phải có lòng can đảm để loại bỏ những thứ không cần thiết là lẽ đương nhiên. Vào những năm 1960, mẫu thiết kế thẩm mỹ nhưng đơn giản này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý và chẳng bao lâu sau đã trở thành mẫu thiết kế mà mọi máy quay đĩa đều phỏng theo.

Tiêu chuẩn thiết kế của Dieter có thể được tóm tắt bởi một nguyên tắc cô đọng đặc trưng bằng ba từ tiếng Đức Weniger aber besser, có nghĩa là “ít nhưng chất”. Khó có định nghĩa nào về chủ nghĩa tối giản có thể mô tả nó chính xác hơn thế.

Phương châm của những người theo chủ nghĩa tối giản là theo đuổi một cách không mệt mỏi cái “ít hơn nhưng tốt hơn”. Điều này không có nghĩa áp dụng nguyên tắc đó một cách cứng nhắc, mà là theo đuổi nó một cách có kỷ luật.

Phương châm này không có nghĩa rằng người theo chủ nghĩa tối giản xác định mục tiêu trong năm tới của mình là từ chối nhiều hơn hay thực hiện một chiến lược mới về quản lý thời gian. Nó là việc họ thường xuyên tạm dừng để tự hỏi “Mình có đang đầu tư vào một việc đúng đắn hay không?” Cơ hội và các hoạt động trong cuộc sống là vô hạn nhưng thời gian và nguồn lực của chúng ta lại có hạn. Mặc dù nhiều cơ hội trong số đó là tốt, thậm chí rất tốt nhưng thực tế, rất ít trong số chúng cần thiết cho bạn. Người theo chủ nghĩa tối giản học cách nhận biết sự khác biệt đó, cân nhắc các lựa chọn và chỉ làm những việc thực sự cần thiết.

Chủ nghĩa tối giản không phải là tìm cách để làm được nhiều việc hơn mà là làm điều gì thực sự cần thiết với bạn. Điều đó cũng không có nghĩa bạn chỉ cần làm ít đi mà là bạn cần đầu tư thời gian và công sức của mình một cách hợp lý và sáng suốt để đóng góp được ở mức cao nhất bằng cách chỉ làm những việc cần thiết đối với mình.

Sự khác biệt trong cách thức của người theo chủ nghĩa tối giản và người theo chủ nghĩa cầu toàn có thể được nhìn thấy qua hai hình đối lập ở trang 14. Trong cả hai hình, những nỗ lực bỏ ra đều như nhau. Hình bên trái sức lực được chia cho nhiều hoạt động khác nhau và kết quả là chúng ta không hài lòng với việc chỉ nhích được 1mm theo cả triệu hướng khác nhau; trong khi ở hình bên phải, năng lượng được tập trung vào ít hoạt động hơn nên chúng ta đạt được những tiến bộ đáng kể hơn ở những việc quan trọng. Người theo chủ nghĩa tối giản không tìm cách làm mọi việc trong sự tính toán vật lộn, trong những đánh đổi thực sự và đưa ra quyết định một cách khó khăn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể học cách nhanh chóng đưa ra một quyết định mà nó có ảnh hưởng đến vô số những quyết định khác của chúng ta sau này, vì vậy bạn không cần phải hỏi đi hỏi lại câu hỏi này. Những người theo chủ nghĩa tối giản sống một cách linh hoạt chứ không mặc định. Thay vì đưa ra những lựa chọn mang tính tương tác, người theo chủ nghĩa tối giản tìm cách phân biệt điều quan trọng và không quan trọng, loại bỏ những thứ không cần thiết, vượt qua trở ngại để con đường đạt được những điều cần thiết đó trở nên rõ nét và dễ dàng hơn. Nói một cách khác, chủ nghĩa tối giản là cách tiếp cận mang tính hệ thống, có kỷ luật để quyết định xem đâu là mức đóng góp cao nhất của chúng ta và sau đó nỗ lực không mệt mỏi để đạt được chúng một cách dễ dàng.

Phương châm của người theo chủ nghĩa tối giản chính là con đường hướng tới việc kiểm soát những lựa chọn của chính họ. Đó là con đường để họ đi đến những mức độ thành công và ý nghĩa mới. Đó là con đường mà chúng ta cảm thấy hài lòng xuyên suốt chuyến hành trình chứ không phải chỉ ở đích đến. Tuy nhiên, mặc cho những lợi ích này, vẫn còn nhiều điều cản trở chúng ta thực hiện nguyên tắc kiên trì với số ít hơn nhưng tốt hơn. Đây có thể là lý do khiến nhiều người bị chệch theo hướng của người theo chủ nghĩa cầu toàn.

PHƯƠNG CHÂM CỦA NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA CẦU TOÀN.

Vào một ngày mùa đông đẹp trời ở California, tôi vào viện thăm vợ mình, Anna. Dù trông vẫn rạng rỡ nhưng tôi biết cô ấy đang rất mệt. Cô ấy mới hạ sinh cô con gái đáng yêu của chúng tôi một ngày trước đó. Cô bé khỏe mạnh và nặng 3,2kg.

Đúng ra đó phải là một trong những ngày hạnh phúc và thanh thản nhất trong cuộc đời tôi, nhưng nó lại trở thành một ngày đầy căng thẳng. Cô con gái xinh đẹp mới chào đời của tôi nằm trong tay người vợ đang mệt mỏi, nhưng tôi vẫn vừa nghe điện thoại vừa trả lời e-mail công việc; và tôi đang cảm thấy áp lực khi phải tham dự cuộc họp với một khách hàng. Đồng nghiệp gửi mail cho tôi với nội dung: “Lúc 1-2 giờ chiều ngày thứ Sáu không phải là thời điểm lý tưởng để sinh em bé vì tớ cần cậu có mặt ở cuộc họp này với ngài X.” Hôm nay là thứ Sáu và mặc dù khá chắc rằng đồng nghiệp của mình chỉ đang đùa, nhưng tôi vẫn cảm thấy áp lực cần phải tham dự cuộc họp đó.

Thâm tâm tôi biết điều mình cần phải làm. Rõ ràng thời điểm đó tôi cần ở bên cạnh vợ và con. Vì thế khi được hỏi tôi có định tham dự cuộc họp đó không, tôi đã dồn hết sự tự tin của mình để trả lời… “Có.”

Và trong tâm trạng đầy hối hận, tôi đến tham dự cuộc họp trong khi vợ và cô con gái mới chào đời đang nằm trong bệnh viện. Khi cuộc họp kết thúc, đồng nghiệp của tôi nói: “Khách hàng sẽ tôn trọng cậu vì cậu đã quyết định tham dự cuộc họp này.” Nhưng gương mặt của những người khách hàng của tôi lại không thể hiện điều đó, mà phản chiếu chính cảm giác của tôi. Tôi đang làm gì ở đây? Tôi đã trả lời “Có” chỉ đơn giản để làm hài lòng họ, nhưng đồng nghĩa với việc tôi đã làm tổn thương gia đình mình, sự chính trực của mình và thậm chí cả mối quan hệ với những khách hàng đó nữa.

Cuộc họp khách hàng đó vẫn diễn ra tốt đẹp. Nhưng dù thế nào đi nữa, chắc chắn tôi đã lựa chọn như một thằng ngốc. Trong lúc tìm cách làm mọi người hài lòng, tôi đã hy sinh những điều quan trọng nhất với bản thân.

Sau khi nghĩ lại, tôi đã rút ra được bài học quan trọng này:

Nếu bạn không dành ưu tiên cho cuộc sống của mình thì người khác sẽ làm như vậy.

Trải nghiệm đó đã khơi dậy lại trong tôi sở thích đọc sách để tìm hiểu tại sao những người thông minh khác lại đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống riêng và sự nghiệp của họ. “Tại sao”, tôi tự hỏi, “chúng ta có rất nhiều khả năng tiềm ẩn nhưng lại không tận dụng được hết chúng?”, và “Làm thế nào để chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn cho phép chúng ta sử dụng được hết tiềm năng của mình và của cả những người khác nữa?”.

Mong muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi này đã khiến tôi từ bỏ trường luật ở Anh để đến nhiều nơi, và cuối cùng dừng chân tại bang California để làm luận văn tốt nghiệp ở Đại học Stanford. Nó đã thôi thúc tôi dành hơn hai năm để hợp tác viết cuốn sách Multipliers: How the Best Lead-ers Make Everyone Smarter (tạm dịch: Cấp số nhân: những người lãnh đạo giỏi nhất làm thế nào để khiến cho những người khác thông minh hơn). Và nó đã tiếp tục truyền cảm hứng để tôi gây dựng một công ty tư vấn chiến lược và lãnh đạo ở Thung lũng Silicon. Ở đây, tôi được làm việc với một vài trong số những người tài giỏi ở một số những công ty tuyệt vời nhất trên thế giới, giúp họ vững bước trên con đường của người theo chủ nghĩa tối giản.

Trong công việc của mình, tôi đã gặp rất nhiều người trên khắp thế giới mệt mỏi và héo hon vì những áp lực xung quanh họ. Tôi đã hướng dẫn những người “thành công” nhưng luôn phải nỗ lực một cách tuyệt vọng để làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Tôi đã tiếp xúc với những người lãnh đạo luôn muốn kiểm soát mà không nhận thức được rằng họ không phải làm những công việc chẳng đem lại lợi lộc gì mà họ được yêu cầu làm. Tôi đã phải làm việc không mệt mỏi để tìm hiểu tại sao nhiều cá nhân đầy năng lực và thông minh vẫn đang bị siết chặt trong chiếc vòng của sự không hiệu quả.

Và điều tôi khám phá được đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc.

Tôi từng làm việc với một vị quản lý đầy tham vọng, ông gia nhập ngành công nghệ từ khi còn rất trẻ và rất yêu thích nó. Những kiến thức và đam mê đó đã mang lại cho ông ngày càng nhiều cơ hội. Háo hức muốn đạt được nhiều thành công hơn nữa, ông tiếp tục đọc nhiều hết mức có thể và theo đuổi tất cả những điều đó với sự thích thú và lòng nhiệt tình. Hằng ngày, đôi khi là hằng giờ, ông luôn tìm được đam mê mới cho mình. Trong quá trình đó, ông đã đánh mất khả năng phân biệt được vài thứ quan trọng trong vô số những điều không cần thiết khác. Với ông, tất cả mọi thứ đều quan trọng. Kết quả là ông ngày càng vắt kiệt sức lực của mình nhưng lại hầu như không đạt được tiến bộ nào ở vô vàn những công việc mà ông làm. Ông làm việc quá sức nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Khi đó, tôi đã phác họa cho ông hình ảnh giống như trong bức hình bên trái mà các bạn đã thấy ở phần trước.

Ông im lặng nhìn chằm chằm vào đó một hồi lâu rồi nói với giọng trống rỗng: “Đây chính xác là câu chuyện cuộc đời tôi”. Sau đó, tôi vẽ cho ông xem hình ảnh bên phải. “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể tìm ra một thứ mà ông có thể làm hết sức mình?”, tôi hỏi ông. Ông trả lời một cách thành thật: “Đó chính là vấn đề.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button