Review

Nghệ Thuật Lãnh Đạo Theo Nguyên Tắc

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Stephen R. Covey
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 503
Ngày tái bản 09-2015
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Làm thế nào để chúng ta, với tư cách cá nhân và tổ chức, sống sót và phát triển trong môi trường khắc nghiệt và không ngừng thay đổi? Tại sao các nỗ lực cải thiện chỉ mang lại kết quả nghèo nàn, bất chấp thời gian, tiền bạc và công sức con người trị giá hàng triệu đô-la đã đổ vào đó? Chúng ta phải làm gì để cởi trói cho sáng tạo, tài trí và năng lực nội tại – trong chính chúng ta và những người khác? Có thực tế không khi tin tưởng vào thế cân bàng giữa cá nhân, gia đình và sự nghiệp?

Stephen R. Covey đã chứng minh rằng câu trả lời cho những câu hỏi đó và nhiều vấn đề nan giải khác chính là Nghệ thuật lãnh đạo theo nguyên tắc – phương pháp tiếp cận dài hạn, từ bên trong hướng ra ngoài, nhằm phát triển con người và tổ chức. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra những lời khuyên giúp bạn áp dụng các nguyên tắc này vào công việc và cuộc sống gia đình sao cho mối quan hệ cá nhân và sự nghiệp ngày càng cân bàng hơn, hiệu quả hơn, cuộc sống tròn vẹn và hạnh phúc hơn.

Cuốn sách Nghệ thuật lãnh đạo theo nguyên tắc sẽ giúp bạn giải quyết những nghịch lý sau:

1. Làm thế nào để đạt được và duy trì sự cân bằng giữa công viêc với gia đình, giữa nghề nghiệp với các cuộc sống cá nhân dưới áp lực và khủng hoảng thường xuyên?

2. Làm thế nào giải phóng tính sáng tạo, tài năng và sức mạnh hầu hết đội ngũ lao động hiện nay?

3. Làm thế nào để xây dựng nột văn hóa đổi mới, linh hoạt mà vẫn duy trì được tính ổn định và an toàn của tổ chức?

4. Làm thế nào gắn kết con người và văn hóa với chiến lược để mọi người đều tận tâm với chiến lược?

Cùng nhiều vấn đề đáng quan tâm khác?

Về tác giả:

Stephen R. Covey là một tác giả, chuyên gia uy tín về nghệ thuật lãnh đạo, tâm lý học kinh doanh, tâm lý học gia đình; ông đồng thời là giảng viên, nhà tư vấn tổ chức, nhân sự cho các công ty, tập đoàn và nhiều tổ chức trên khắp thế giới. Ông là nhà sáng lập Covey Leadership Center và đồng chủ tịch Franklin Covey Co. Hiện ông sống cùng gia đình tại Rocky Mountains, Utah, Mỹ.

[taq_review]

Review

Ha Phuong

Stephen R. Covey là một tác giả rất nổi tiếng trên thế giới, ông có rất nhiều đầu sách thu hút bạn đọc, cuốn hay nhất của ông chính là cuốn “7 thói quen để thành đạt”. Tiếp nối những thành công đó thì cuốn Nghệ thuật lãnh đạo theo nguyên tắc cũng là một quyển sách rất đáng đọc.

Nếu bạn là một nhà lãnh đạo thì bạn không thể bỏ qua cuốn sách này, nó sẽ đem đến nhiều kiến thức bổ ích mà một nhà lãnh đạo cần có, từ những cách ứng xử bên ngoài đến cả cách hành động làm việc sao cho có hiệu quả nhất. Điều này không phải ai cũng làm được, mình thấy nhiều nhà lãnh đạo tuy tài giỏi trong công việc nhưng chưa chắc thành công trong việc ứng xử với cấp dưới, quyển sách này sẽ đem đến cho bạn một cái nhìn đầy đủ hơn những phẩm chất mà một nhà lãnh đạo cần có.

Trương Văn Đức

Tôi biết tiến sĩ Stephen R. Covey qua hai quyển sách của ông là 7 thói quen để thành đạt và thói quen thứ 8. Qua cách viết và trình bày trong sách, tôi nhận thấy cố tiến sĩ là một con người không những nguyên tắc trong công việc mà ông còn áp dụng những nguyên tắc vào cuộc sống riêng của mình để cảm thấy cân bằng giữa gia đình, công việc và đời sống cá nhân. Muốn lãnh đạo được mọi người, toàn thể công ty hay tổ chức, chúng ta cần phải quản trị và lãnh đạo thật tốt bản thân mình. Theo ý kiến cá nhân của tôi, chúng ta nên dùng quyển sách này vào việc quản trị và lãnh đạo bản thân của chúng ta và sau đó mới là gia đình và mọi người.

Trích đoạn

8 CÁCH VUN ĐẮP CÁC MỐI QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Sự thành đạt về chuyên môn không thể bù đắp cho thất bại trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình; sổ sách kế toán cuộc đời rồi sẽ phản ánh sự mất cân đối đó, nếu không nói là những khoản nợ không thể trả nổi.

Mối quan hệ vợ chồng và con cái, cũng giống như các mối quan hệ khác, có xu hướng nghiêng về trạng thái vô trật tự, lộn xộn và tan rã. Một trong những vòng luẩn quẩn và lãng phí nhất trong cuộc sống là hôn nhân và ly hôn, với tất cả hậu quả đáng sợ đối với con cái, cả những đứa được sinh ra lẫn những bào thai bị loại bỏ.

Duy trì mối quan hệ hôn nhân và gia đình lành mạnh, lâu dài không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Luôn lấy nguyên tắc làm trọng tâm trong quan hệ vợ chồng là cách chắc chắn có ích cho bạn. Tám cách thực hành dựa vào nguyên tắc sau đây sẽ giúp hồi sinh và vun đắp các mối quan hệ trong gia đình bạn.

1. Duy trì tầm nhìn dài hạn. Nếu không có cái nhìn lâu dài về hôn nhân và gia đình, chúng ta sẽ không chịu đựng hay chống đỡ được những éo le, nghịch cảnh và những thách thức không tránh khỏi trong cuộc sống chung. Cách nhìn và lối suy nghĩ thiển cận sẽ khiến chúng ta bị sa lầy vào cảm giác rằng mỗi trục trặc trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình đều là một vật cản gây trên con đường thành công tốc hành của mình.

Cách nhìn của bạn là ngắn hạn hay dài hạn? Để tìm ra câu trả lời, bạn có thể áp dụng bài thử nghiệm sau. Hãy lấy ra một mảnh giấy và viết ở góc trên bên trái “Cách nhìn ngắn hạn” và ở góc trên bên phải “Cách nhìn dài hạn”. Ở khoảng giữa hãy liệt kê các vấn đề có liên quan, những mối bận tâm hay câu hỏi của bạn về hôn nhân và gia đình. Chẳng hạn, các vấn đề như vai trò của người chồng/người cha và người vợ/người mẹ, các vấn đề tài chính, kỷ luật con cái, các mối quan hệ dâu rể, sinh đẻ có kế hoạch, thực hành nghi lễ tôn giáo, lối sống, các chiến lược giải quyết vấn đề… Hãy xem xét từng vấn đề hay từng mối quan tâm, bắt đầu với những chuyện trước mắt và chuyển dần sang lâu dài.

Bài tập này sẽ cho bạn một cái nhìn sâu vào các mối quan hệ của bạn với vợ/chồng và con cái. Tôi khuyến khích bạn xây dựng những cây cầu giữa hai cực lý tưởng và thực tiễn để tránh phải sống trong hai thế giới ngăn cách và giả tạo: 1) Một bên trừu tượng, siêu thực, lý tưởng hóa và tâm linh, và 2) Một bên là cuộc sống hàng ngày tất bật và nhàm chán. Chỉ khi kết hợp cả hai mặt trên, bạn mới có cuộc sống trọn vẹn.

2. Viết lại “kịch bản” cho cuộc sống hôn nhân và gia đình. Khi còn nhỏ, chúng ta sống hoàn toàn phụ thuộc, dễ bị tổn thương nên rất cần tình yêu, sự chấp nhận và đùm bọc. Các trải nghiệm thời thơ ấu định hình cuộc sống sau này của chúng ta. Cha mẹ và nhiều người nữa trở thành hình mẫu cho các vai trò khác nhau; chúng ta đồng cảm với họ, dù tốt hay xấu. Thực tế là họ đã cung cấp cho chúng ta một kịch bản cuộc đời. Chúng ta hấp thụ bằng cảm xúc hơn là sự lựa chọn có ý thức. Chúng xuất hiện do tính chất dễ bị tổn thương của chúng ta, sự lệ thuộc sâu sắc của ta vào người khác, và do nhu cầu chúng ta muốn được chấp nhận và yêu thương, đùm bọc, có ý thức về tầm quan trọng và giá trị, cảm giác chúng ta là quan trọng. Đây là lý do tại sao vai trò nêu gương là trách nhiệm cơ bản nhất của các bậc cha mẹ. Họ đang trao lại các kịch bản cuộc đời cho con cái mình, các kịch bản rất có thể sẽ được chúng diễn lại trong phần lớn cuộc đời của chúng.

Người ta đồng cảm với những gì họ trực tiếp nhìn thấy và cảm nhận. Nếu viết kịch bản cuộc đời thì 90% là do nêu gương và mối quan hệ, còn 10% là do dạy bảo. Do đó, việc nêu gương hàng ngày của chúng ta chính là hình thức gây ảnh hưởng cao nhất và sâu rộng nhất! Chúng ta đừng thao thao bất tuyệt về các nguyên tắc đạo đức cao siêu rồi sau đó quay lại con đường quen thuộc, nơi chúng ta sống phần lớn cuộc đời mình như những kẻ khắt khe, ưa chỉ trích, vô cảm và vị kỷ.

Dù bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các kịch bản có sẵn của cuộc đời mình, nhưng chúng ta vẫn có thể viết lại kịch bản đó. Chúng ta có thể đồng cảm với các mẫu mực mới và có những mối quan hệ mới. Những kịch bản tốt không chỉ đến từ việc học hỏi các nguyên tắc đúng đắn trong các cuốn sách hay, mà còn đến từ sự đồng cảm và có quan hệ với những người sống theo các nguyên tắc đó. Các nguyên tắc đúng đắn không thể bù đắp cho một khuôn mẫu lệch lạc hay những tấm gương xấu. Dạy cho sinh viên các nguyên tắc đúng đắn dễ dàng hơn nhiều so với việc hiểu rõ và yêu thương họ; đưa ra lời khuyên dễ dàng hơn nhiều so với việc thấu hiểu và mở lòng để người khác thấu hiểu và yêu mến bạn; sống độc lập dễ dàng hơn nhiều so với việc sống tương thuộc; làm quan tòa dễ hơn làm kẻ dẫn đường; làm kẻ chỉ trích dễ hơn làm một tấm gương.

Nhiều rắc rối người ta gặp phải trong hôn nhân xuất phát từ các kỳ vọng mâu thuẫn nhau về vai trò của đôi bên hay các xung đột về kịch bản cuộc đời. Chẳng hạn, người chồng nghĩ rằng việc chăm sóc khu vườn là nhiệm vụ của người vợ – mẹ anh ta cũng từng làm như thế. Còn người vợ lại nghĩ đó là nhiệm vụ của người chồng, bởi vì cha cô cũng từng làm như thế. Chuyện nhỏ thành to bởi vì các kịch bản xung khắc nhau làm phức tạp thêm mọi vấn đề nảy sinh và nhấn mạnh thêm mọi sự khác biệt. Hãy nghiên cứu các vấn đề về hôn nhân và gia đình của bạn để xem liệu chúng có bén rễ từ các kỳ vọng mâu thuẫn về vai trò của các bên hay bị làm phức tạp bởi những kịch bản xung khắc nhau hay không.

3. Hãy xem lại vai trò của bạn. Vợ chồng hay cha mẹ có ba vai trò: nhà sản xuất, nhà quản lý và nhà lãnh đạo.

Nhà sản xuất làm những điều cần thiết để đạt đến các kết quả mong muốn: đứa con biết dọn dẹp phòng của mình; người cha đổ rác; người mẹ dỗ em nhỏ ngủ. Nhà sản xuất có thể sử dụng các công cụ để gia tăng kết quả.

Người cha hay mẹ hướng về sản xuất có thể chỉ quan tâm đến một ngôi nhà sạch hay khu vườn gọn gàng. Họ làm hầu hết các công việc và phê bình những đứa con không thực hiện phần việc của chúng. Những đứa con, dĩ nhiên, không được huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ để làm công việc đó.

Nhiều cha mẹ trong vai trò nhà sản xuất không biết cách phân quyền, do đó kết cục là họ phải tự mình làm mọi việc. Mỗi tối đi ngủ là họ kiệt sức, bực bội, cáu giận và thất vọng vì không ai giúp một tay. Họ có khuynh hướng rằng giải pháp tốt nhất cho vấn đề ở đây là họ tự lo liệu lấy. Đó là lý do tại sao các hoạt động của họ cứ manh mún và công việc kinh doanh của họ không lớn mạnh được. Đơn giản là họ không biết cách giao quyền để người khác có động lực từ bên trong và hoàn thành công việc theo kỳ vọng. Mỗi khi định giao quyền, họ lại nghĩ: “Tôi tốn quá nhiều thời gian để giải thích và huấn luyện người này nên thà tôi tự tay làm còn hơn”. Do đó, họ từ bỏ ý định và lại tự mình làm việc trong sự mệt mỏi rã rời, và họ ca cẩm, phàn nàn. Họ sẽ mãi mãi bị quá tải, vội vã, mệt mỏi và thất vọng. Họ phản ứng thái quá đối với các lỗi lầm và hấp tấp can thiệp để sửa chữa. Họ cứ lượn quanh và kiểm tra thường xuyên, và vô tình làm kiệt quệ động lực của con cái.

Trong vai trò là nhà quản lý, cha mẹ có thể giao các công việc khác nhau trong nhà và ngoài vườn cho lũ trẻ. Việc giao quyền này tạo cho người cha hay mẹ một chiếc đòn bẩy; người-cha-quản-lý với một đơn vị đầu vào có thể tạo ra một trăm đơn vị năng suất nhờ biết bù đắp khiếm khuyết của nhà sản xuất là con cái mình. Người quản lý hiểu được nhu cầu của cơ cấu và các hệ thống – đặc biệt là các hệ thống đào tạo, giao tiếp, thông tin và lương bổng – hay nhu cầu về các thủ tục và cách làm chuẩn mực dựa trên các nguyên tắc đúng đắn. Thế rồi phần lớn việc sản xuất có thể được thực hiện trên cơ sở thí điểm tự động. Tuy nhiên, chính vì lý do này mà người làm cha mẹ trong vai trò nhà quản lý có xu hướng không linh hoạt, cửa quyền, nặng về phương pháp luận và tính hệ thống. Theo thời gian, các nhà sản xuất có xu hướng tập trung vào hiệu suất hơn là hiệu quả – để làm đúng việc, thay vì làm việc đúng.

Bản chất của cuộc sống hôn nhân và gia đình là sự tương thuộc. Nếu không có sự quản lý trong gia đình sẽ xuất hiện nhiều việc làm lãng phí; không thiết lập được các hệ thống hay thủ tục; mọi người kiệt sức; xung đột về vai trò và sự mơ hồ; và khi công việc thất bại, người ta sẽ đổ lỗi cho nhau. Trước khi những người làm cha mẹ có thể trở thành những nhà quản lý tốt, họ cần đạt mức độ cao về tính độc lập, sự an toàn bên trong, và có tính tự lực; ngược lại, họ sẽ không sẵn sàng lựa chọn cách giao tiếp, hợp tác, làm việc trực tiếp hay gián tiếp với người khác, hoặc linh hoạt và thích ứng với tình hình nhân lực và các nhu cầu của người khác.

Trong vai trò lãnh đạo, bạn có thể mang lại sự thay đổi. Nhưng sự thay đổi lại làm bối rối và gây phiền toái cho người khác, khuấy động sự sợ hãi, bất ổn và tình trạng mất an toàn. Hãy “bôi trơn” quá trình thay đổi bằng sự thấu hiểu chân thành đối với những ý kiến phản đối, giúp người khác cảm thấy thoải mái khi bày tỏ những mối bận tâm của họ và tham gia tìm kiếm các giải pháp khả thi mới. Việc thiếu kỹ năng lãnh đạo đó sẽ làm tăng sự chống đối, dẫn đến một hình thức cửa quyền cứng nhắc và khó thay đổi trong gia đình hay một kiểu chung sống lạnh lùng trong hôn nhân.

Có nhiều gia đình được quản lý tốt nhưng thiếu lãnh đạo, mọi chuyện diễn ra trôi chảy nhưng sai hướng; hoặc có đầy đủ những hệ thống chỉ dẫn và các bản kê công việc tuyệt vời nhưng lạnh lẽo và vô cảm. Con cái có khuynh hướng thoát khỏi tình huống này càng sớm càng tốt và có thể không quay trở lại, trừ phi chúng còn có ý thức về bổn phận gia đình. Hiện tượng này cũng được chứng kiến trong các mối quan hệ gia đình liên thế hệ: các gia đình sum họp thường xuyên do mối quan tâm chung hay do gắn bó yêu thương, hoặc thỉnh thoảng mới tụ họp lại, ít nhiều do không hài lòng nhau, nhưng vẫn còn ý thức về bổn phận đối với một người cụ thể nào đấy. Trong trường hợp thứ hai, ngay khi người đó chết đi, các thành viên gia đình sẽ đường ai nấy đi, sống ở những thành phố khác, và họ cảm thấy gần gũi với hàng xóm hay bạn bè hơn là đối với anh chị em ruột hay họ hàng của mình.

Nếu người mẹ thường xuyên đóng vai trò nhà sản xuất, người cha đóng vai trò nhà quản lý nhưng không ai đóng vai trò lãnh đạo thì con cái sẽ chẳng giúp được gì, mà nếu có thì rất miễn cưỡng. Vai trò của người lãnh đạo là dẫn đường thông qua tầm nhìn và hình ảnh bản thân, là tạo động lực thông qua tình yêu và cảm hứng, là xây dựng một đội ngũ bổ sung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, là người có đầu óc hướng đến tính hiệu quả, tập trung vào kết quả hơn là vào phương pháp, hệ thống và các thủ tục.

Cả ba vai trò tương thuộc – nhà sản xuất, nhà quản lý và nhà lãnh đạo – đều rất quan trọng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Trong giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân, cả hai bên phải đóng cả ba vai trò, trong đó có thể vai trò này được nhấn mạnh hơn vai trò kia. Khi có con và khi chúng có thể gánh vác nhiều trách nhiệm hơn thì các vai trò quản lý và lãnh đạo sẽ ngày càng quan trọng hơn. Cuối cùng, vai trò lãnh đạo trở thành quan trọng nhất đối với các bậc làm cha mẹ hay ông bà.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button