Review

Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng

Thể loại Quà tặng cuộc sống
Tác giả Pico Iyer
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 116
Ngày tái bản 06-2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Có một sự thật đau lòng: Chúng ta càng kết nối với nhau, chúng ta lại càng xa rời nhau. Bởi trong thế giới điên cuồng này, cuộc sống của chúng ta đang trở nên đông đúc, hỗn độn và ồn ào. Chưa bao giờ mà chúng ta cần chậm lại, và cho phép bản thân trở nên im lặng như lúc này.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ thảnh thơi biết bao nếu thử tận hưởng nghệ thuật ngồi yên lặng. Mỗi người có thể bắt đầu bằng vài phút mỗi ngày để ngồi yên lặng và không làm gì cả, để những gì đang chuyển động nổi lên bề mặt. Ai đó có thể dành ít ngày nghỉ trong mỗi mùa để rút lui nghỉ ngơi hay tận hưởng một cuộc đi bộ ngoài thiên nhiên hoang dã. Một ai đó thậm chí có thể, như Cohen đã và đang làm, tìm kiếm một cuộc đời mà trong đó mỗi màn kịch dựng lên và những phần trình diễn đã qua đi và chúng ta được nhắc nhở rằng, đôi khi, ở một mức độ sâu hơn mọi ngôn từ, việc sống và kiếm sống đi theo những hướng hoàn toàn trái ngược nhau.

Mặc dù máy móc có vẻ như đang dần trở thành một phần trong hệ thống thần kinh của chúng ta và qua mỗi mùa thì máy móc lại được hiện đại hóa, nhưng chúng ta vẫn đánh mất những kỳ nghỉ cuối tuần, những buổi tối – những khoảng thời gian thiêng liêng, như đáng ra phải có. Càng lúc càng có nhiều người trong số chúng ta cảm thấy giống như những ông bác sĩ ở phòng cấp cứu, lăm lăm chiếc điện thoại trong tay, bản thân luôn cần được chữa lành nhưng lại không thể tìm ra toa thuốc để chữa trị những thứ bừa bãi trên bàn mình.

“Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng” vẽ nên bức tranh tại sao mà nhiều người giàu có tìm thấy sự đầy đủ trong im lặng. Sau cùng, Pico Iyer chỉ ră rằng, đây là kỷ nguyên mà sự tĩnh lặng trở thành nhu cầu thiết yếu của con người.

Một cuốn sách đầy chất trữ tình và gợi mở cho những ý tưởng mới, và cung cấp một phương pháp để có khả năng tự mình tiến về phía trước cho những người đang bị cuốn theo bước chân điên cuồng của thế giới hiện đại.

[taq_review]

Trích đoạn

CUỘC HÀNH TRÌNH KHÔNG NƠI ĐẾN

Khi tôi 29 tuổi, tôi có một cuộc đời đúng như mơ ước của mình khi còn là một cậu bé: làm việc trong văn phòng tầng 25 ở một tòa nhà văn phòng tại trung tâm Manhattan, chỉ cách Quảng trường Thời đại có bốn tòa nhà; một căn hộ ở đại lộ Công viên và đường 20; những người đồng nghiệp thú vị và vui vẻ nhất mà tôi có thể hình dung ra; một công việc lúc nào cũng đầy hấp dẫn là viết về những vấn đề thời sự thế giới – sự kết thúc của chế độ Apartheid ở Nam Phi, cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân ở Philippines, những đồn thổi xung quanh vụ ám sát Indira Gandhi – cho tạp chí Time. Tôi không có ai phụ thuộc cũng không có bất kỳ trách nhiệm hay nghĩa vụ nào, và tôi có thể – tôi đã – tận hưởng những kỳ nghỉ dài ở khắp nơi, từ Bali đến El Salvador.

Tuy vậy, trong những chuỗi ngày tháng đầy sôi động và háo hức ấy, có điều gì đó ẩn sâu bên trong tôi cho tôi biết rằng mình đang chạy lăng xăng khắp nơi nhiều đến mức tôi không có lấy một cơ hội nhìn lại về nơi mà tôi đang đi tới, hay để cảm nhận rằng liệu tôi có đang hạnh phúc thực sự hay không. Thực vậy, cứ mãi hoài hối hả với xung quanh trong công cuộc kiếm tìm sự hài lòng dường như là cách hoàn hảo nhất để chắc rằng tôi chưa từng được ổn định hay đang hài lòng. Rất thường xuyên tôi nhắc nhớ mình về một ai đó cứ bàn luận mãi về hòa bình bằng những khái niệm gây bất hòa và chia rẽ nhất.

Vì thế tôi đã quyết định rời bỏ cuộc sống trong mơ và dành một năm ở trong một căn phòng đơn nhỏ xíu nằm trên một khu phố hẹp tại cố đô Kyoto của Nhật Bản. Tôi không thể nói tại sao tôi lại làm như vậy, ngoại trừ việc tôi cảm thấy mình đã hưởng một chế độ di chuyển và kích thích tuyệt vời ở New York, và giờ đây là thời gian để cân bằng lại với một hoạt động gì đó đơn giản hơn, học cách làm cho những niềm vui ấy bớt hướng ngoại và phù phiếm.

Ngay khi tôi rời bỏ một công việc an toàn và buông mình vào một cái gì đó dường như bất định, cha tôi bắt đầu gọi điện thoại cho tôi, hẳn là do lo lắng cho tôi, để mắng mỏ tôi là “kẻ hưu trí giả tạo”. Tôi không thể trách ông được; tất cả những tổ chức thuộc chủ nghĩa hoài nghi cao cấp mà ông từng hào phóng gửi tôi đến đã nhấn mạnh rằng mục đích của cuộc đời là phải đi tới một nơi nào đó trên thế giới, chứ không phải là Không đi đâu cả. Nhưng cái Không đâu cả mà tôi quan tâm có rất nhiều góc cạnh hơn tôi có thể bày tỏ với ông (hay với bản thân mình), và nhiều khi một cách nào đó dường như lại rộng lớn và thâm sâu hơn cuộc sống luôn luôn đổi chiều mà tôi đã biết nơi thị thành; nó mở ra một miền đất bao la như thể cả Morocco, Indonesia và Brazil, những nơi tôi đã từng đến, gộp lại.

Tôi nghĩ lại về ngày mà tôi đang lang thang đi xem triển lãm tranh trừu tượng của Mark Rothko1 và cảm thấy mình bị kéo xuống tới một sự tĩnh lặng dường như không thấy đáy và tràn đầy màu sắc; tôi chợt nhớ thời gian một người bạn có nói với tôi về cách mà John Cage đã phát hiện những bản nhạc giao hưởng trong những khoảng lặng mà ông đã tạo nên giữa đám khán giả chật ních. Hơn thế nữa, từ lâu, tôi đã bị thu hút bởi cách thức mà Thomas Merton, một nhà du hành tuyệt đỉnh, một người nghiện rượu nặng, một người thất tình, đã bước vào một nhà thờ dòng Luyện tâm ở Kentucky và trở thành Cha Louis, từ đó đưa sự bất an của mình đi theo một chiều hướng ít tỏ lộ hơn.

1 Mark Rothko, tên khai sinh Markus Yakovlevich Rotkovich, là một họa sĩ người Mỹ gốc Nga Do Thái. Mặc dù Rothko đã từ chối tuân theo bất kỳ phong trào nghệ thuật nào, ông thường được xác định là một họa sĩ của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. (Chú thích của dịch giả, kể từ đây, các chú thích sau nếu không nói gì khác thì đều là chú thích của dịch giả)

Không đi đâu cả, như sau này Leonard Cohen nhấn mạnh với tôi, không phải là quay lưng lại với thế giới; mà là thỉnh thoảng bước ra để có thể nhìn thấy thế giới một cách rõ ràng hơn và yêu nó sâu đậm hơn.

. . .

Ý tưởng đằng sau Không đâu cả – chọn ngồi yên lặng đủ lâu để hướng vào bên trong – về cơ bản là một ý tưởng đơn giản. Nếu xe hơi của bạn bị hỏng, bạn sẽ không tìm cách để sơn lại khung gầm của nó; hầu hết các vấn đề của chúng ta – và do đó các giải pháp của chúng ta, sự an tĩnh tâm hồn của chúng ta – nằm ở bên trong. Chạy loanh quanh vội vã tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài bản thân chúng ta như thể một nhân vật khôi hài trong truyện ngụ ngôn Hồi giáo, người làm mất chìa khóa ở trong phòng khách của anh ta, nhưng lại đi tìm chìa khóa ở bên ngoài phố bởi vì ở đó có nhiều ánh sáng hơn. Như Epictetus1 và Marcus Aurelius2 đã nhắc nhở chúng ta từ hơn hai thiên niên kỷ trước, không phải những kinh nghiệm của chúng ta mà chính là cách chúng ta phản ứng lại với những kinh nghiệm đó mới làm nên con người của chúng ta; giống như một cơn bão quét qua một thị trấn, biến nó thành hoang tàn, và một người nọ thì nhìn nhận nó như là một sự giải phóng, một cơ hội để bắt đầu lại một thị trấn mới, trong khi một người khác, có thể là anh em trai của người đàn ông kia, thì lại đau khổ vì cuộc đời. Như Shakespeare đã viết trong Hamlet, “Chẳng có gì là tốt hay xấu, chỉ ý nghĩ mới làm nên điều đó.”

1 Epictetus (50-135) là triết gia vĩ đại theo trường phái Khắc kỷ của Hy Lạp.

2 Marcus Aurelius (121-180) là một Hoàng đế La Mã, một nhà triết học .Tác phẩm “Suy ngẫm” (Meditations) của ông được xem là một tác phẩm kinh điển của triết học Khắc kỷ, về trách nhiệm và sự phục vụ của chính quyền.

Có quá nhiều điều trong cuộc sống của chúng ta diễn ra nơi tâm trí – dưới dạng những kí ức hay trí tưởng tượng, suy đoán hay diễn giải – đến mức mà nhiều khi tôi cảm thấy rằng mình có thể thay đổi cuộc đời của mình một cách tốt đẹp nhất chỉ bằng việc tôi thay đổi cái nhìn của mình về nó. Như nhà tâm lý học thông thái người Mỹ, William James, đã nhắc nhở chúng ta, “Vũ khí vĩ đại nhất chống lại áp lực chính là khả năng chúng ta lựa chọn một suy nghĩ này thay vì một suy nghĩ khác.” Chính góc nhìn mà chúng ta lựa chọn – không phải những nơi mà chúng ta tới – mới là yếu tố quyết định cuối cùng nơi chúng ta đứng. Mỗi lần tôi lên đường, cái kinh nghiệm đó chỉ thu đạt ý nghĩa và trở nên thâm sâu hơn khi tôi trở về nhà, ngồi yên lặng, bắt đầu chuyển hóa những cảnh vật đã thấy thành những tri kiến dài lâu.

. . .

Điều này không có nghĩa là phủ nhận sự hữu ích của việc đi; tôi tự nhận thấy rằng sự tĩnh lặng chỉ tới với mình đủ đầy nhất ở một góc đầy nắng đâu đó tại Ethiopia hay Havana. Đó là một lời nhắc nhở rằng việc di chuyển của thân thể không mang lại cho chúng ta nhiều bằng cái tinh thần mà chúng ta mang đến cho chuyến đi. Như Henry David Thoreau, một trong những nhà thám hiểm vĩ đại ở thời đại của ông, đã tự nhắc nhở bản thân trong nhật ký của mình, “Không quan trọng là bạn đi tới đâu hay đi xa cỡ nào – thường thì càng xa càng tệ – quan trọng là bạn sống bao nhiêu.”

Hai năm sau cái năm ở Nhật Bản, tôi đã có vài bước chuyển biến về xu hướng Không đâu cả. Kyoto đã mang tới cho tôi đôi chút trải nghiệm về sự tĩnh lặng, nhưng tôi còn phải nuôi sống bản thân bằng việc tiếp tục đi nữa, và trước đó vài tháng tôi đã may mắn được đi xuyên Argentina, xuống tới tận Tierra del Fuego, rồi sau đó tới Trung Quốc, Tây Tạng, và Bắc Triều Tiên. Tôi đã được đi hai lần trong mấy tháng liên tiếp tới London và Paris, thường xuyên về thăm mẹ ở California. Tôi đã có những chuyến đi dài, hào hứng khắp Việt Nam và Iceland sắp tới và tôi cực kỳ phấn khích với các lựa chọn vì cảm thấy có thể làm tươi mới lại sự gắn kết của tôi với thế giới trong mỗi hai ba tuần một lần. Nhưng ở một vài điểm nào đó thì mọi chuyến đi thú vị theo chiều ngang của trái đất không thể bù đắp được nhu cầu đi sâu vào một nơi đầy thử thách và bất ngờ. Sự di chuyển tạo nên ý nghĩa phong phú nhất là khi nó được đặt trong trạng thái tĩnh lặng.

Vì thế, từ nhà mẹ, tôi lên xe, đi theo con đường phía Bắc dọc bờ biển California, rồi đi vào một con đường hẹp hơn tới khu nhà tu Bennedictine mà một người bạn đã giới thiệu cho tôi. Khi tôi bước ra khỏi chiếc xe màu trắng hiệu Plymouth Horizon tơi tả và bám đầy bụi đường, bao trùm xung quanh là một sự chập chùng của sự im lặng pha lê. Và khi bước vào căn phòng nhỏ nơi tôi sẽ ở đó ba đêm, tôi không thể nhớ bất kỳ một ý nghĩ nào mà tôi đã vật lộn trong suốt quãng đường đi lên đây, cũng như những cuộc gọi có vẻ rất cấp bách khi tôi rời khỏi nhà. Thay vào đó, tôi đã không ở đâu cả ngoài chính căn phòng này, với những khung cửa sổ nhìn xuống biển xanh.

Tôi tình cờ trông thấy một con cáo nơi hàng rào đã hư hỏng ở bên ngoài, tôi không thể ngưng nhìn đăm đăm vào nó. Một con nai gặm cỏ ngay bên ngoài cửa sổ phòng và nó như thể là một sự kỳ diệu nho nhỏ bước vào cuộc sống của tôi. Chuông nhà thờ rung xa xa, và tôi nghĩ rằng mình đang nghe điệp khúc của bản nhạc Hallelujah.

Chỉ một ngày trước đây thôi tôi vẫn còn cười cợt về những cảm giác như thế. Và ngay khi tôi đến dự các lễ trong nhà nguyện thì phép màu đã bị phá vỡ; sự im lặng còn âm vang hơn cả bất cứ ngôn từ nào. Nhưng những gì tôi khám phá ra, gần như tức khắc, là ngay khi tôi ở một nơi, không bị xao lãng, thế giới bừng sáng lên và tôi hạnh phúc như khi tôi quên đi chính mình. Thiên đàng là nơi bạn chẳng nghĩ về nơi nào cả.

Gần giống như việc tôi được đưa trở lại nơi nào đó mà tôi biết, nhưng thực ra tôi chưa từng thấy nơi đó bao giờ. Như các tu sĩ có thể sẽ nói với tôi – dù tôi chẳng bao giờ hỏi họ – việc tìm kiếm cái gì đó giống như cuộc đời đích thực, thứ gì đó không thay đổi và chắc chắn đằng sau những ý nghĩ cứ xoay chuyển, khó có thể xem là một phát hiện mà chỉ là một hồi ức.

Trước khi tôi rời đi, tôi xúc động đến nỗi đã đặt trước chỗ là sẽ trở lại, cho khoảng thời gian trọn vẹn hai tuần. Ngay sau đó, việc đi vào sự tĩnh lặng đã trở thành một sự xa xỉ cứ đeo đuổi. Tôi không thể sống ẩn dật mãi mãi – tôi không giỏi về việc ở yên một chỗ, và tôi cũng không thuộc về một tổ chức tâm linh nào – nhưng tôi thực sự cảm thấy trải qua thời gian trong yên lặng tạo nên giá trị và sự phấn khích tươi mới cho mọi thứ trong những tháng ngày tiếp theo của tôi. Như thể là tôi trượt ra khỏi cuộc sống của mình và lên một quả đồi nhỏ từ đó tôi có thể thấy rõ một khung cảnh rộng lớn hơn.

Đó cũng là một niềm vui thực sự, luôn luôn là thế, một phần bởi vì tôi hiện diện trọn vẹn ở trong căn phòng của mình, đọc từng chữ của mỗi cuốn sách như thể tôi đã viết lên chúng. Những người tôi gặp ở trong khu vực khóa tu – những chủ ngân hàng, giáo viên và những nhà môi giới nhà đất – đều ở đây vì lý do như tôi, và dường như họ là những người bà con thân thích của tôi, chứ không phải như những người bạn đồng hành ở đâu khác. Khi trở lại cuộc sống hàng ngày của mình, tôi cảm thấy một sự tự do thực sự, không phải nghiêm trọng hóa quá những suy nghĩ, những tham vọng, cái ngã của tôi.

Hương vị ít ỏi của sự yên lặng này quá quyết liệt và hoàn toàn khác biệt với những gì tôi thường cảm nhận đến nỗi tôi quyết định thử thay đổi cuộc đời của mình thêm một chút nữa. Cái năm sau khi tôi phát hiện việc ngồi tĩnh lặng mang tới sự chuyển hóa lớn lao như thế nào, tôi đã chuyển tới sống ở Nhật – trong một căn hộ mà ở đó tôi và vợ không có xe hơi hay xe đạp, không phòng ngủ mà cũng chẳng có ti vi. Tôi vẫn phải nuôi sống gia đình mình và giữ liên lạc với thế giới với tư cách là một nhà văn, nhà báo thường trú tại nước ngoài, nhưng sự tự do khỏi những bối rối và phức tạp có nghĩa là khi tôi thức dậy, mỗi ngày giống như là một bình nguyên sáng rộng đang trải dài trước mắt tôi tới tận những đỉnh núi.

Đây không phải là quan niệm của mọi người về niềm vui thích; có thể bạn phải cảm nhận một vài cảm giác khác nhau để thấy được điểm cốt yếu về sự tĩnh lặng. Nhưng khi bạn bè hỏi tôi những gợi ý về chỗ để đi nghỉ dưỡng, đôi khi tôi hỏi họ liệu họ có muốn thử Không đi đâu không, đặc biệt là nếu họ không muốn phải đối mặt với việc xin visa và việc tiêm phòng ở cửa khẩu xuất cảnh và những hàng dài chờ đợi ở sân bay. Một trong những vẻ đẹp của Không đi đâu cả đó là bạn không hề biết nơi bạn sẽ kết thúc và khi bạn tiến tới hướng của nó, và dẫu chân trời là vô hạn, bạn có thể có rất ít cảm nhận về những gì bạn thấy dọc đường. Điều tốt lành sâu sắc hơn – như Leonard Cohen đã từng rất tha thiết chỉ bày cho tôi về

việc ngồi yên lặng – đó là nó có thể khiến bạn tỉnh táo, hào hứng và xúc động y như bạn đang yêu vậy.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button