Review

Ngầm

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Haruki Murakami
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 562
Ngày xuất bản 09-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Tháng Ba năm 1995, thủ đô Tokyo của Nhật Bản rung chuyển bởi một cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước này nhằm vào thường dân – các hành khách của hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Chỉ mười hai chết, nhưng hàng ngàn người đã bị thương, trong đó nhiều người bị tổn thương vĩnh viễn. Khủng khiếp hơn, đây là một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, do một tổ chức tự xưng là giáo phái Aum chế tạo, lên kế hoạch và tiến hành.

Được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, Ngầm đã khẳng định cho tài năng của Haruki Murakami – vốn hầu như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết – ở thể loại phi hư cấu. Trong loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân của vụ tấn công và 8 thành viên của giáo phái Aum, Murakami đã đem lại cho chúng ta chân dung về những con người ở cả hai phía, bức nào cũng rõ ràng, hiển hiện như chính họ bằng xương bằng thịt, với những quan điểm cá nhân mạnh mẽ, không hề bị bóp méo để phục vụ cho bất kỳ mục đích gì. Ngầm đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công, đồng thời cố cắt nghĩa sự kiện kinh hoàng đó bằng cách nhìn sâu hơn vào những bất ổn của hệ thống xã hội đang được duy trì trong thời hiện đại, bất ổn đằng sau bề ngoài bình lặng của mỗi cá nhân, và con đường dẫn đến tội ác của những kẻ không phù hợp với hoặc đã từ chối cuộc chạy đua không mệt mỏi của chủ nghĩa vật chất trong xã hội bình thường nhưng lại cạn kiệt niềm tin vào những điều tốt đẹp khác.

[taq_review]

Trích dẫn

Trên đường về, tay đặt trên vô lăng, Tatsuo nói, “Nếu chuyện này do tai nạn hay cái gì đó gây nên, thì đại khái tôi còn có thể chấp nhận được. Nếu thế thì đã đi một nhẽ. Nhưng với hành vi tội ác hoàn toàn vô nghĩa và ngu xuẩn này… thì quá sức chịu đựng của tôi. Tôi không chịu được nó!” Anh khe khẽ lắc đầu, thấy thế tôi chỉ im lặng, không biết bình luận thêm gì nữa.

“Cô có thể động đậy tay phải một chút cho tôi xem không?” tôi hỏi Shizuko. Và cô nhấc các ngón của bàn tay phải lên. Tôi chắc là cô phải cố, các ngón tay cử động rất chậm, kiên nhẫn co lại, kiên nhẫn duỗi ra. “Nếu không ngại, cô thử nắm tay tôi có được không?”

“Ô êh [ô kê],” cô nói.

Tôi để bốn ngón tay vào lòng bàn tay nhỏ nhắn của cô – thực tế chỉ bằng bàn tay một đứa bé – và các ngón tay cô từ từ nắm lấy chúng, nhè nhẹ như những cánh một bông hoa sắp ngủ. Những ngón tay mềm, êm của con gái, nhưng khỏe hơn tôi tưởng. Không lâu sau, chúng quặp chặt lấy hết bàn tay tôi, giống cách một đứa bé bị sai đi đưa đồ nắm chặt “món đồ quan trọng” không được đánh mất. Ở đây có một ý chí mạnh mẽ đang hoạt động, rõ ràng là đang kiếm tìm một mục tiêu nào đó. Tập trung, nhưng rất có khả năng không phải là vào tôi; cô đang tìm một cái “khác” ngoài tôi. Nhưng cái “khác” đó đang đi một hành trình dài và hình như đang tìm đường trở về với tôi. Xin tha lỗi cho giải thích thiếu rõ ràng này, nó chỉ là một ấn tượng chớp nhoáng thoáng qua.

Hẳn phải có điều gì đó trong đầu cô cố bục phá ra. Tôi cảm nhận được nó. Một cái gì quý lắm. Nhưng nó không tìm được đường ra. Dù chỉ là tạm thời, nhưng cô đã đánh mất sức mạnh và phương tiện để làm cho nó bộc lộ ra bề mặt. Nhưng điều gì đó đang tồn tại không thương tổn và nguyên vẹn bên trong các bức tường của không gian nội tâm cô. Khi cô nắm tay một người, đó là tất cả những gì cô có thể làm để truyền đi thông điệp rằng “điều đó đang ở đây.”

Cô cứ nắm lấy tay tôi một lúc rất lâu, cho đến lúc tôi nói “Cảm ơn” thì mới từ từ, từng chút một, gỡ các ngón tay ra.

“Shizuko không bao giờ nói ‘đau’ hay ‘mệt’,” Tatsuo bảo tôi trên đường lái xe về nhà sau đó. “Ngày nào nó cũng phải điều trị: tập chân tay, tập nói, nhiều chương trình đa dạng với các chuyên gia – chả có món nào dễ cả, đều khó – nhưng hễ bác sĩ hay y tá hỏi nó có mệt không thì nó chỉ nói ‘Có’ ba lần. Ba lần.

“Đó là lý do vì sao – như mọi người xung quanh đều tán thành – Shizuko đã bình phục được nhiều như em bây giờ. Từ mê man bất tỉnh phải thở máy đến thật sự chuyện trò nói năng, điều này giống như chuyện trong mơ vậy.”

“Cô muốn làm gì khi khỏe lại?” tôi hỏi cô.

“U ic,” cô nói. Tôi không hiểu.

“‘Du lịch,’ chăng?” sau khi nghĩ một lúc, Tatsuo gợi ý.

“Ânn [Vâng]”, Shizuko gật đầu tỏ ý đồng tình.

“Thế cô muốn đi đâu?” tôi hỏi.

“It-yu-nii-an.” Không ai hiểu, nhưng khi thử cố đoán đi đoán lại mà vẫn sai, câu này đã trở thành có nghĩa rõ ràng là “Disneyland”.

Hội hai chữ “di lịch” và “Disneyland” lại với nhau là không dễ. Nói chung chẳng ai ở Tokyo coi việc đến Disneyland Tokyo chơi là du lịch cả. Nhưng trong đầu cô, vốn thiếu hụt nhận thức về khoảng cách, thì đến Disneyland chắc cũng giống như lần làm một chuyến phiêu lưu lớn vậy. Về khái niệm, việc đó chắc cũng không khác gì hơn việc ta lên đường đến Greenland. Với cô, trên thực tế, đi Disneyland còn khó khăn hơn việc chúng ta đi đến tận cùng trái đất nhiều.

Hai đứa con của Tatsuo – tám và bốn tuổi – nhớ chuyện đi Disneyland với cô chúng và lần nào tới thăm cô ở bệnh viện chúng cũng nhắc đến. “Thật là vui,” chúng nói. Cho nên Disneyland, với tư cách một địa điểm, đã trở nên cố định trong đầu cô như một biểu tượng cho tự do và sức khỏe. Không ai biết liệu Shizuko có thật sự nhớ cô đã từng ở đó hay không. Nó có thể chỉ là một ký ức sau này mới cấy vào. Xét cho cùng, cô thậm chí còn không nhớ cả căn phòng nơi mình đã sống rất lâu.

Nhưng Disneyland, dù là thật hay tưởng tượng, vẫn là một nơi nổi bật trong đầu óc cô. Chúng ta có thể đến gần hình ảnh đó, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy cảnh mà cô nhìn thấy.

“Cô muốn đi Disneyland với cả nhà chứ?” tôi hỏi cô.

“Ânn,” Shizuko vui vẻ nói.

“Với anh, chị dâu, và các cháu?”

Cô gật đầu.

Tatsuo nhìn tôi và nói, “Khi nào nó có thể ăn uống bình thường bằng miệng, thay vì qua ống ở mũi, cả nhà chúng tôi lại có thể cùng đi Disneyland.” Anh khe khẽ siết chặt tay Shizuko.

“Tôi hy vọng sẽ rất rất sớm thôi,” tôi bảo Shizuko.

Shizuko lại gật đầu. Mắt cô hướng về phía tôi, nhưng cô đang nhìn “một cái gì khác” ngoài tôi.

“Này, khi đến Disneyland, em sẽ đi thứ gì?”, Tatsuo gợi ý.

“Tàu lượn siêu tốc chăng?” tôi diễn giải.

Trò Space Mountain!” Tatsuo xen vào. “Đúng rồi, em luôn thích cái đó mà.”

Tối hôm đến bệnh viện thăm, tôi đã muốn động viên cô bằng cách nào đó – nhưng bằng cách nào? Tôi nghĩ cái đó còn tùy thuộc vào tôi nhưng hoàn toàn không phải vậy; thậm chí không cần phải nghĩ đến việc động viên cô nữa. Cuối cùng, chính cô lại là người khích lệ tôi.

Trong quá trình viết quyển sách này, tôi đã đầu tư nhiều suy nghĩ nghiêm túc vào Câu hỏi Lớn: sống có nghĩa là gì? Nếu tôi ở vào địa vị Shizuko, liệu tôi có sức mạnh ý chí để sống tròn đầy như cô không? Liệu tôi có dũng cảm hay ngoan cường và quyết tâm như cô không? Tôi có thể nắm bàn tay một ai với hơi ấm và sức mạnh như thế không? Tình yêu của những người khác liệu có cứu được tôi không? Tôi không biết. Thật thà mà nói, tôi không chắc chắn lắm.

Con người trên khắp thế giới tìm đến tôn giáo để được cứu rỗi. Nhưng khi tôn giáo gây tổn thương và tàn phá thì họ đi đến đâu để tìm cứu rỗi? Khi nói chuyện với Shizuko, thỉnh thoảng tôi cố nhìn vào mắt cô. Cô đã nhìn thấy gì? Cái gì thắp sáng đôi mắt ấy? Nếu có một ngày cô khỏe mạnh, và có thể nói chuyện thoải mái thì đấy là điều tôi muốn hỏi cô: “Cái hôm tôi đến thăm cô ấy, cô đã nhìn thấy gì?”

Nhưng ngày ấy vẫn còn xa vời. Trước đó còn phải đến Disneyland đã.

Bạn đọc cảm nhận

Phương Thảo

Tôi là một fan của Haruki. Và điều luôn lôi cuốn tôi đến với những tác phẩm xuất sắc của ông là sự huyền bí và tính bất khả giả trong từng câu chữ.

Nhưng. “Ngầm” khác. “Ngầm” là phóng sự. Vì vậy nó không hư cấu, không bí ẩn, nó rất thực. Nhà văn, người đã dùng những câu hỏi sắc sảo của mình để phỏng vấn những con người đã phải chịu đau đớn và thương tổn trong vụ đánh hơi độc Sarin ở các tuyến tàu ngầm Nhật Bản. Vừa đọc, tôi vừa mường tượng đến khung cảnh hỗn loạn khi vụ đánh hơi độc xảy ra mà các nạn nạn nhân tái diễn, vừa đặt mình vào họ và suy nghĩ cảm xúc của mình lúc đó sẽ như thế nào. Tôi nhìn thấy sự kinh hoàng đến khủng khiếp, nhìn thấy sự bối rối, mất phương hướng của con người khi đứng trước thảm họa và tôi thấy nhiều hơn, sự giúp đỡ cứu trợ nhau trong khó khăn cũng như sự vô cảm đến tàn nhẫn của những con người “bên kia đường”. Nhưng, tôi vẫn vui. Và tin.Vì con người vẫn đứng lên từ trong thảm họa, vẫn vượt qua nó.Đó là phần đầu của cuốn sách.

Phần hai, Haruki tiếp tục phỏng vấn những con người từng, đang là một thành phần của Aum- giáo phái bị xem là thủ phạm thả hơi độc.Tôi sợ. Sợ kinh hoàng. Vì tôi thấy được phần tối, phần rắn rết trong con người họ và bàng hoàng khi thấy mình cũng có một phần như thế:những nỗi sợ, mặc cảm và cô độc, cái cảm giác “mình là kẻ ngoài lề ở nơi tận cùng thế giới”.

Và, khi tôi đọc “Ngầm”, tôi thường tự hỏi: Lỡ như, Việt Nam cũng gặp một thảm họa tương tự thế, liệu chúng ta có đủ mạnh mẽ để đối đầu và đánh bại nó không?

Bui Le Minh Phuong

Cuốn sách thật sự hay tuy chỉ là những cuộc phỏng vấn được ghi lại nhưng đã cho thấy phần nào nỗi đau của những nạn nhân trong vụ đầu độc và gia đình của họ. Không những thế suy nghĩ của những kẻ trực tiếp gây ra vụ đầu độc cũng được đưa vào khiến ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh của cả 2 phía. Có thể trong lúc đọc sẽ cảm thấy nhàm bởi đây chỉ là 1 câu chuyện được kể lại bởi nhiều người nhưng nó thật sự đáng để đọc và cảm nhận.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

5 Comments

  1. Tôi chỉ mới đọc vài tác phẩm của Haruki nhưng rất thích văn chương của ông. Những tác phẩm như một tiếng nói góp phần thức tỉnh lối sống của con người.

    Tôi đọc tác phẩm này sau thảm họa sóng thần tại Nhật, và tôi không thể nói là tôi nể phục tinh thần của người Nhật, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng nỗ lực hết mình để giúp đỡ đồng loại. Tinh thần sống, ý thức trách nhiệm về công việc về cuộc sống không phải dân tộc nào cũng có được.

    Dường như mỗi ngày thức dậy mỗi người đều cố gắng hoàn thành tốt những nghĩa vụ của mình.

    Nghĩa vụ có trách nhiệm với cuộc sống và yêu thương đồng loại cũng là một phần của mỗi người chúng ta.

    Hãy đọc “Ngầm” để biết rằng dù cuộc sống đả đổi thay rất nhiều nhưng ở đâu đó, một đất nước nhỏ bé nào đó vẫn có những con người mà những giá trị tốt đẹp vẫn không hề thay đổi theo thời gian

  2. Được viết bởi một nhà văn nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết đậm chất hư cấu và huyền ảo nhưng ‘Ngầm’ lại là một quyển sách phi hư cấu, điều đó chứng tỏ rằng ý tưởng cho tác phẩm này có một vị trí quan trọng đối với tác giả Haruki Murakami. Đọc ‘Ngầm’, người đọc sẽ có được cho mình những cái nhìn nhiều chiều thật đúng đắn về vụ tấn công tàu điện ngầm Tokyo của giáo phái Aum và nhìn thấu sự bất ổn ‘ngầm’ bên trong mỗi con người chúng ta. Thể hiện được trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, chứa đầy những nhận định sâu sắc và đúng đắn cùng những trăn trở của tác giả Haruki, ‘Ngầm’ thực sự là một nỗ lực thật lớn vì một xã hội tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

  3. Đúng vậy, mình nghĩ Murakami viết Ngầm không chỉ để tái hiện thành công cảnh tượng đáng sợ vào cái ngày đã cướp đi nhiều nhân mạng và để lại vết thương sâu hoắm trong lòng người dân Nhật, nó còn là 1 thông điệp mạnh mẽ cho câu hỏi nhà văn này vẫn luôn đi tìm: Chúng ta đã sống như thế nào? Ừ, chúng ta đã sống như thế nào để rồi chỉ biết bấu bíu vào 1 niềm tin giáo phái khi mà tâm hồn mình trống rỗng? Chúng ta đã sống như thế nào để biết rằng sai mà vẫn làm? Chúng ta đã sống như thế nào để nên nông nỗi ấy? Câu hỏi ấy được đặt ra trong Ngầm nổ bật hơn nhiều tác phẩm khác của ông. Câu trả lời có lẽ chỉ mỗi người mới tìm thấy cho riêng mình. Nhưng rõ ràng Ngầm là 1 hồi chuông cảnh tỉnh, không phải cho riêng ai, mà cho tất cả những người đang sống, để tất cả một lần nữa nhìn lại chính mình. Một thông điệp bạo liệt mà đầy nhân văn.

  4. “Ngầm” là một cuốn sách phi hư cấu, viết về một vụ khủng bố ga tàu điện ngầm tại Nhật Bản vào năm 1995. Cuốn sách chỉ bao gồm những đoạn phỏng vấn các nạn nhân và chính những tên tội phạm, tên khủng bố của tổ chức tà giáo có tên Aum. Những bài phỏng vấn của Haruki Murakami vừa mang tính báo chí vừa mang tính văn chương, người đọc dễ dàng hiểu được sự việc đã diễn ra dưới góc nhìn của họ như thế nào và cảm xúc biểu hiện trong lời nói, hành động, nét mặt của họ ra sao. Đằng sau vụ khủng bố đó là gì, đó là điều mà người dân Nhật Bản vẫn tự hỏi. Những điều đó đều được phản ánh từ 2 chiều của những người trong cuộc: nạn nhân và thủ phạm khủng bố đã khắc họa rõ nét vụ việc ở 2 đầu chiến tuyến ra sao. Qua lời kể của những nạn nhân, ta không chỉ phẫn nộ những hành động của giáo phái Aum mà còn thấy bất bình vì những sự vô cảm của những người dân Tokyo khác lúc đó. Dường như họ quá công nghiệp, nguyên tắc và máy móc mà quên đi những gì ấm áp, an ủi của tình người, tình đồng loại.

  5. Một cuộc tấn công vào những toa tàu ngầm sẽ để lại dư âm và hậu quả gì với người dân Nhật, nhất là những nạn nhân đã trải qua cái ngày định mệnh ấy và những con người vô cớ mang trên mình gánh nặng tội ác của một giáo phái? Haruki Murakami đã bỏ rất nhiều thời gian ra để truy tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy. Có thể đã có rất nhiều người đi tìm và có câu trả lời cho nó, nhưng có lẽ câu trả lời mà Murakami tìm được là thuyết phục mình nhất. Không có gì chung chung, khái quát cho tất thảy tâm trạng của mỗi cá nhân có dính líu đến sự kiện thảm khốc này, nhưng mỗi người mà ông phỏng vấn qua lại là một mảnh ghép dù nhỏ nhưng không thể thiếu để khắc hoạ trọn vẹn bức tranh chân thực nhất về vụ tấn công bằng vũ khí hoá học này. Và có lẽ, tác phẩm phi hư cấu đầu tiên và có thể là duy nhất này của Murakami sẽ có đời sống rất lâu dài, để nhắc chúng ta nhớ nguồn gốc của những tai ương như cuộc khủng bố này và thức tỉnh chúng ta để sống cuộc đời mình sao cho thật ý nghĩa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button