Review

Mùa Thu Của Cây Dương

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Kazumi Yumoto
NXB NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 202
Ngày xuất bản 12-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Mùa hè năm lên sáu tuổi, gia đình mẹ con Chiaki lâm vào cảnh khốn cùng. Mẹ cô bé quá đỗi tiều tụy không thể chăm lo nổi cho Chiaki nhạy cảm và đang khủng hoảng bởi sự đi bất ngờ của bố. Nhưng, từ sau khi dọn đến khu căn hộ cho thuê có tên Cây Dương, Chiaki dần tìm lại hạnh phúc tuổi thơ tưởng chừng đã mất, nhờ có bà cụ chủ nhà – khó tính, nấu ăn dở, ưa sạch sẽ, hay dọa trẻ con… nhưng âm thầm tốt bụng. Thời gian thấm thoắt trôi, hai mươi năm sau Chiaki nhận được tin bà qua đời. Trên hành trình quay về dự đám tang bà, dòng ký ức ngọt ngào của những tháng ngày sống tại Cây Dương lặng lẽ ùa về. Nơi đây, cô đã tìm ra một sự thật, về chính bản thân cô, về mẹ cô, và nhất là về bà cụ, người dù đã mất đi nhưng sẽ mãi luôn còn ở đó. Và một mùa thu nữa lại trải lá vàng lên khu căn hộ Cây Dương.

Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại Tokyo. Cô theo học khoa sáng tác tại Đại học Âm nhạc Tokyo. Trong khoảng thời gian đó, cô từng viết lời cho các vở opera, kịch nói trên sóng phát thanh và truyền hình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của của Kazumi – Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Tác phẩm tiếp theo của cô – Mùa thu của cây dương (Popura no Aki) cũng nhận được rất nhiều chú ý từ dư luận, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

[taq_review]

Trích dẫn


Vốn là người thích ăn ngọt, trên đường từ chỗ bác sĩ về, bà cụ thường mua đồ cho bữa ăn vặt buổi chiều. Luôn luôn là bốn cái bánh nếp đậu xanh Đại Phúc mua ở cửa hàng Nishigawa.
Bà cụ lấy ra hai trong số bốn cái bánh Đại Phúc đó rồi đặt vào mỗi đĩa một cái, một đĩa cho tôi, đĩa còn lại bà mang tới đặt trên bàn thờ. Đoạn bà đánh chiêng kêu “cheng” một tiếng, chắp tay làm lễ, sau đó hạ ngay cái đĩa vừa cúng xuống và bắt đầu ăn.
“Vẫn còn phần để cúng cơ mà bà…” Một hôm, tôi liếc mắt nhìn sang hai cái bánh Đại Phúc còn đựng trong hộp nhựa và nói.
“Vì thầy của bà không thích đồ ngọt nên cho thầy nhìn thôi là được rồi.”
Nói xong, bà cụ lại trệu trạo nhai. Bà gọi ông cụ râu dài bạc trắng trong bức ảnh trên bàn thờ là “thầy của bà”.
Nhưng khi đó, tôi đã gần như khoẻ lại và cũng quan sát được khá nhiều về bà nên tôi biết, nói “không thích đồ ngọt” như thế thực ra chỉ là nói dôí. Chẳng qua bà cụ thích sạch sẽ mà thôi. Bà cụ chán ngấy việc giặt giũ, dẫu là chạy máy giặt hay phơi đồ bà đều coi là phiền toái, bà còn ghét cả nấu nướng nữa, thế nên mỗi khi đứng bếp, cái lưng của bà vốn đã còng lại càng co rúm lại đến cả trăm lần vì khó chịu. Duy chỉ có dọn dẹp là bà làm luôn tay. Dù biết rằng năm phút sau có thể sẽ cần tới nhưng bà cụ vẫn không ngừng dọn dẹp: dẫu có là con dao, cái bấm móng tay, con dấu hay đồ vừa phơi khô. Những lúc không dọn dẹp, trong ánh mắt bà có gì đó cứ bồn chồn, day dứt không yên.
Vì thế mà tôi biết, đối với bà cụ, việc để mặc cho bánh nếp trên bàn thờ khô dần và bám bụi là điều không thể chấp nhận được. Đến cả cơm cúng hàng sáng bà cũng đổ lại nồi cơm điện ngay sau khi đánh một tiếng chiêng.
Trên căn hộ của mẹ con tôi cũng có một cái bàn thờ gia đình mới toanh. Nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ thấy lạ lẫm, từ chính cái bàn thờ cho đến bức ảnh của bố đặt trên đó. Mẹ cũng giống tôi. Thi thoảng cũng có khi mẹ ngồi lơ đãng trước bàn thờ, nhưng dường như mẹ chỉ để thân xác mình nơi đó mà thôi. Hoa quả dùng để cúng lễ mãi một thời gian dài mới bị bỏ đi.
“Bà ơi, tại sao lại phải cúng hả bà?”
Bà cụ nhón tay lấy từ trong hộp ra cái bánh Đại Phúc thứ hai đưa cho tôi.
“Cháu cũng ăn thêm một cái đi.”
“Cháu không ăn nữa,” tôi lắc đầu. “Bà, tại sao ạ?”
“À thì…”
“Đằng nào hoa quả cũng hỏng cơ mà. Có cúng đi nữa cũng vậy.”
Bà cụ khẽ cúi đầu.
“Mẹ cháu chẳng bao giờ nhắc đến bố cả. Nhưng mẹ vẫn đặt đồ cúng lên bàn thờ.”
Tôi dùng vốn từ ngữ ít ỏi, cố diễn đạt với bà về những điều mình đang suy nghĩ. Rằng, quả chuối nằm lăn lóc trên bàn và quả chuối được cúng trên bàn thờ, cả hai rồi cũng sẽ thâm sì như nhau, điều đó chỉ cả chứng tỏ là hai mẹ con tôi đã xa cách bố vĩnh viễn rồi. Nếu thực sự bố đang theo dõi tôi, đúng như những người lớn tới dự lễ tang đã nói, thì tại sao bố lại làm ngơ trước đồ cúng của chúng tôi?
“Chẳng có điều kỳ diệu nào xảy ra cả bà ạ. Kiểu như hoa quả đột nhiên biến mất chẳng hạn, hoặc chẳng bao giờ bị thối…”

Bỗng nhiên, thấy như mình vừa chợt ngộ ra được điều gì đó, tôi liền im lặng. Thì ra kể từ ngày đó, từ cái ngày bố tôi mất đi, cả mẹ, cả tôi đều bị bỏ rơi, chẳng hề được đoái hoài gì đến, giống như đống hoa quả thối dần thối mòn trong tuyệt vọng…

“Bố cháu luôn dõi theo cháu đấy.”
Nghe bà cụ nói vậy, tôi bướng bỉnh đáp lại.
“Bà nói dối. Bà có biết gì về bố cháu đâu.”
“Bà không biết, nhưng bà hiểu.”
“Cho dù là bà chưa từng chết ư?”
“Dù là bà chưa từng chết, nhưng bà gần đất xa trời hơn cháu nhiều đấy.”
“Thế sao… mãi mà bà chưa chết?”
Lời nói đó quả thực nặng nề nhưng bà vẫn tỏ ra thản nhiên.
“Tất cả đều là số mệnh rồi cháu ạ.”
“Bà không phải là siêu nhân, một lúc nào đó bà cũng sẽ chết.”
“Lúc nào là lúc nào?”
“Đấy, vấn đề nằm ở đó.”
Bà cụ chỉnh tư thế trên ghế tựa rồi nở nụ cười “nhăn răng” như thường lệ.
“Bà không sợ một ngày nào đó mình sẽ chết. Có điều, bà còn có nhiệm vụ phải làm.”
“Nhiệm vụ ạ?”
“Đúng vậy.”
Đột nhiên, cơn bức bối khi nãy của tôi liền tan biến.
“Nhiệm vụ gì thế ạ?”
“Cháu giữ được bí mật chứ?”
“Được ạ.”
“Vậy nói cho cháu nghe cũng được, nhưng…”
Bà cụ nhấm nhấm đầu ngón tay, ra là bà đang nhặt những vụn bánh Đại Phúc rơi trên váy.
“… phải rút quần áo và trước đã, muộn rồi.”
Bà nhấp ngụm uống trà, cái cổ gân guốc phát ra tiếng xẵng giọng.

***

“Nhiệm vụ của bà là đưa thư.” Nghe bà cụ nói vậy, trong đầu tôi chợt lóe lên hình ảnh bà cụ ngồi trên chiếc xe máy màu đỏ mà người đưa thư chuyên dùng.
“Bà làm nghề đưa thư ạ?”
Bà cụ sụm lưng cười, phù phù phù.
“Ở thế giới bên kia cơ.”
“Dạ?”
“Bà nhận đưa thư sang thế giới bên kia. Khi nào sang đó, bà sẽ đem theo thư từ của thế giới này.”
“Dạo này trời chẳng mưa gì cả…” vừa nói bà vừa hỉ mũi vào tờ giấy thấm. Tôi kéo cái giỏ đựng giấy vụn lại để gần tay bà. Tôi ghét bị sai đi vứt những mẩu giấy thấm dính nước mũi đã khô óng lên.
“Khi cháu nghĩ rằng, mình còn có thể liên lạ với ai đó ở thế giới bên kia, mọi chuyện sẽ khác đi nhiều lắm. Chỉ cần những lá thư của cháu được chuyển đến đúng nơi.”
“Sẽ khác ạ?”
“Bởi vì những lá thư ấy thực sự sẽ tới nơi.”
Tôi vẫn chưa hiểu rõ những điều bà cụ nói. Trong đầu tôi lúc này hiện lên hình ảnh bà cụ với cái trán dô buộc mảnh vải trắng hình tam giác dành cho người chết, vừa há cái miệng móm mém ra cười ha hả vừa lái chiếc xe máy màu đỏ chạy lòng vòng.

“Khi bà của bà mất…”
Bà cụ vo tròn tờ giấy thấm, thả vào giỏ đựng giấy vụn rồi bắt đầu kể chuyện.
“… bà đã nhờ bà của bà đang nằm trong quan tài một việc. Bà nói: ‘Bà mang thư này đến cho anh họ Kousuke giúp cháu nhé!'”
“Bà để thư vào trong quan tài ạ?”
“Đúng vậy.”
“Bà của bà hẳn phải già lắm nhỉ?”
“Ôi, già chứ. Nhưng có lẽ là trẻ hơn bà bây giờ.”
“Hồi ấy bà là trẻ con ạ?”
“Trẻ con. Hồi ấy bà chín tuổi.”
Tôi cố gắng tưởng tượng ra hình ảnh bà đeo cặp sách đi học trên vai nhưng đầu óc lúc đó cứ ong ong.
“Kousuke hơn bà khá nhiều tuổi nhưng vẫn hay chơi cùng bà, anh ấy hiền lắm.”
“Người đó chết rồi ạ? Bị bệnh hả bà?”
Bà gật đầu.
“Năm đó là cái năm tang tóc. Đầu tiên là bác của bà ngã xuống sông, sau đó anh Kousuke cảm nặng rồi qua đời, cuối cùng tới lượt bà của bà…”
“Bà đã viết gì trong bức thư đó?”
“Bà viết: hãy về gặp em một lần.”
Tôi thấy khó thở. Tôi nhớ tới cuốn truyện tranh đáng sợ đã đọc ở phòng chờ của nha sĩ. Đó là cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi được chuyển thể từ một câu chuyện nổi tiếng. Câu chuyện kể về hai vợ chồng nhà nọ mất con trai trong chiến tranh bỗng nhận được một bàn tay khỉ có thể biến ba điều ước trở thành hiện thực. Một đêm mưa bão, đứa con trai đã chết đội mồ đứng dậy tiến về phía nhà cha mẹ mình. Hai mắt anh ta lúc này chỉ là hai cái lỗ trống hoác, còn ẩn hiện sau lớp quần áo rách bươm là da thịt đang thối rữa…
“Thế anh họ của bà có đội mồ sống lại không?”
Tôi hỏi, giọng hơi lạc đi.
“Đừng có cầm đèn chạy trước ô tô như thế,” bà nói, mắt chăm chăm nhìn vào cái bánh Đại Phúc còn lại.
“Thật là cháu không ăn nữa chứ?”
“Bà ăn đi ạ.”
“Thế cháu rót cho bà một cốc trà nhé?”
Bà cụ uống cốc trà do tôi lóng ngóng rót và ăn hết veo cái bánh Đại Phúc thứ ba. Thế rồi bà ho một tiếng thật lớn, ho xong, bà hỉ mũi, đưa tay vuốt lại tóc rồi nói: “Rót cho bà thêm cốc trà nữa.” Tôi bắt đầu thấy hơi bực mình, như thể bà cố tình nấn ná một lúc rồi mới chịu qua trở lại câu chuyện: “Giờ mới đến đoạn gay cấn này.”
“Từ sau khi anh họ Kousuke mất, bà sinh ra thói quen đi lại vật vờ trong đêm khi đang ngủ.”
“Vừa đi vừa ngủ ấy ạ?”
“Ừ.”
“Bà nói dối.”
“Bà nói dối cháu làm gì. Khi trời sáng, cả chân bà lẫn chăn đệm đều lấm lem bùn đất. Chẳng hiểu sao lại thành ra như thế. Mẹ bà dùng dây lưng buộc chân của bà và chân của mẹ lại với nhau, nhưng vì thương bà nên mẹ bà không nỡ thít chặt quá, thế nên bà tháo ra được dễ dàng rồi lại đi vật vờ khắp nơi. Lạ một điều là dù vừa đi vừa ngủ như thế nhưng chưa lần nào bà bị ngã từ trên cao xuống hay kẹt dưới hố phân.”
Bà tự gật gù với chính mình. “Đó là chứng mộng du. Hồi đó nó còn chưa có cái tên mỹ miều ấy.”
“Thế là bà bị bệnh à?”
“Đúng thế.” Trong câu trả lời ấy, có gì đó như là tự hào.
“Anh họ bà chết, bà đau lòng quá nên bị bệnh ạ?”
“Đau lòng chứ. Mà thực ra, buồn thì buồn thật đấy nhưng bà thấy hơi sợ. Là bởi người lúc nào cũng chơi đùa, ăn cơm cùng mình giờ đột nhiên không còn nữa.”
Bà nhắm mắt lại. Tôi bất giác gật đầu trước những lời bà vừa nói, như thể nhìn thấy điều đó, bà hỏi:
“Cháu hiểu chứ?”

“Vâng.”
Nhưng ngay sau đó, bà chìm vào một thế giới hoàn toàn khác với tôi.
“Đó là mối tình đầu của bà đấy.”
Mắt bà hấp háy như mèo gặp nắng, từ lỗ mũi, những tiếng “phừ, phừ, phừ, phừ…” phát ra liên hồi, nghe chẳng rõ là bà đang khịt mũi hay cười không ra tiếng. Tôi không mấy quan tâm đến chuyện mối tình đầu của bà nên hỏi sang chuyện khác:
“Làm thế nào mà bà khỏi bệnh được ạ?”
Bà sực tỉnh, vỗ vỗ vào đầu gối: “Chuyện đó à? Là sau khi bà của bà mang lá thư của bà sang thế giới bên kia, căn bệnh đó tự nhiên hết hẳn.”
“Gì cơ ạ?”
“Chắc chắn anh Kousuke đọc thư xong bèn giúp bà khỏi bệnh. Vì trong thư bà có viết về căn bệnh đó mà.”
“Có đúng thế không?”
“Đúng thế mà. Hơn nữa, không chỉ vậy, bà còn được gặp anh ấy hẳn hoi.”
Nghe đến phần gay cấn nhất của câu chuyện, tôi ngoài hẳn người về phía trước. Chắc chắn bà cụ đã gặp hồn ma trước mộ, tôi nghĩ. Và vì trải nghiệm kinh hoàng đó mà khuôn mặt bà mới trở thành như bây giờ…
Bà cụ chầm chậm chỉ tay, cánh tay bà khẽ rung lên nhè nhẹ. Tôi sợ hãi nhìn theo, rồi mắt tôi chạm phải tấm hình đen trắng của ông cụ. Với đôi mắt nhỏ có vẻ rụt rè, ông cụ râu bạc trông vẫn vậy.
“Lần đầu tiên gặp thầy của bà…”
“Vâng.” Tôi nín thở.
“… bà đã sững sờ. Người đâu mà giống Kousuke đến thế. Kousuke đã run rủi để bà và thầy gặp nhau.”
“Họ giống nhau lắm hả bà?”
“Ừ.”
“Đến mức nào ạ?”
“Đến mức nào nhỉ, giống như bản sao vậy. Khuôn mặt này, vóc người này, cả hình dáng những móng tay nữa, tất cả đều giống hệt. Còn ở cổ thì…”
Bà cụ ngửa cằm lên rồi bất ngờ nắm lấy chỗ da cổ toàn những nếp nhăn. Từ hình dáng, màu sắc, độ lớn… phần da ấy trông giống hệt cái đầu tam giác của con mực khô.
“… chỗ này này, có cái bớt màu đen. Cả hai người đều có.”
“Dạ.”
Hóa ra không phải hồn ma ư? Điều này khiến tôi thất vọng đôi chút, nhưng tôi vẫn nhìn ảnh ông thêm lần nữa.
“Anh họ bà cũng bị hói ạ?”
“Cháu đang nói gì thế, con bé này. Khi thầy bà còn trẻ, tóc ông ấy tốt lắm.”
“A…”
“Thế rồi tóc ông ấy ngày càng rụng dần và chẳng bao lâu sau…”
Bà cụ “ừm” một tiếng rồi ngồi xuống trước bàn thờ, đánh chiêng kêu cheng một tiếng rồi chắp tay làm lễ. Trông cứ như bà cụ đang cầu nguyện cho những sợi tóc rụng của chồng mình vậy, tôi cũng chắp tay theo bà.
“Dù sao thì…” bà cụ quay về phía tôi.
“… thật tốt vì bà của bà đã mang thư đến cho Kousuke hộ bà.”
“Thế khi ông nhà mất, ông cũng mang thư của bà đến cho anh họ bà chứ?”
“Không.”
“Tại sao ạ?”
“Làm vậy thế nào thầy của bà cũng ghen. Hơn nữa…”
Bà cụ thận trọng đứng lên, quay rở lại thả mình xuống ghế tựa.
“… khi thầy mất, bà đã nghĩ rồi. Bà không cần là người gửi thư nữa. Từ giờ tới phiên bà đưa thư cho người khác. Nhiệm vụ mà khi nãy bà nói là như vậy đấy.”
Ra là thế, tôi ấn tượng quá. Không phải tôi đã hiểu được tất cả, nhưng những lời bà nói rất có sức thuyết phục.
“Ở cái tuổi của bà, một ngày nào đó mà có được sang thế giới bên kia thì cũng chẳng có gì là lạ cả. Còn giờ là lúc hưởng lệ phí.”
“Lệ phí? Bà thu tiền ư?”

Bạn đọc cảm nhận


Chi Phạm

Mình không hay đọc tiểu thuyết của Nhật, có chăng mình hay xem anime hay đọc truyện tranh (manga) thôi. Tại có 1 người anh mình từng nói “tiểu thuyết Nhật đọc chán, mạch văn nó khá chậm và cứ đều đều, thấy phần nhiều là vậy, không biết mấy cuốn khác thì sao chứ mấy cuốn tao đọc qua toàn thế!” Do vậy nên mình cũng ít tìm hiểu về tiểu thuyết hay sách truyện Nhật Bản. Nhưng cuốn này khác, mình có thể tự tin mang đến cho anh mình xem là nó ngoại lệ! Truyện này phần đầu hơi êm ả quá thật, đọc không có gì cao trào nhưng nó trong trẻo bình yên, thích hợp để đọc thư giãn. Cốt truyện cũng khá là dễ thương! Đúng là đôi lúc mạch văn hơi chậm dần đều thật nhưng nghe cái tên là thấy sự êm ái nhẹ nhàng rồi, làm sao mà nhạn dồn dập được! Vậy nên phải đọc qua mới biết, không thể nhận xét chung mà đánh giá cho tất cả được

Hưng Lưu

Câu chuyện với chủ đề tưởng chừng như sẽ mang một màu sắc tang thương, tuyệt vọng, nhưng khác biệt với các tác phẩm cùng chủ đề, “Mùa thu của cây dương” lại mang một màu sắc ấm áp đến kì lạ, thấm đẫm nỗi hoài niệm trong sáng, tinh khôi. Câu chuyện để ta nhìn lại một chút về bản thân, về những người mà ta đã và đang yêu thương, để gửi gắm một câu chuyện ý nghĩa về niềm khát khao và can đảm sống. Dù cái kết quả là buồn, là nỗi niềm, nhưng mở ra phía sau câu chuyện để người đọc có thể tưởng tượng ra là một tương lai tràn ngập niềm hy vọng và ánh sáng.

Lala Grass

Mình rất thích cách viết của Kazumi Yumoto, rất nhẹ nhàng và bình dị. Câu chuyện không trong sáng, vui tươi như Khu vườn mùa hạ mà có chút cảm giác mang mác buồn. Sau khi nghe tin bà cụ chủ nhà mất, Chiaki quyết định trở lại trang viên Cây Dương để dự đám tang của bà cụ. Trên đường đi, Chiaki nhớ lại khoảng thời gian đầu sau khi bố mất và khoảng thời gian 3 năm sống ở khu căn hộ cho thuê Cây Dương. Đó là khoảng thời gian khó khăn của Chiaki, cô luôn bị những lỗ cống khổng lồ giày vò. Cũng may, nhờ có bà cụ chủ nhà tốt bụng và những lá thư cô bé viết cho bố mà Chiaki đã thoát khỏi những tháng ngày cô độc, sự ám ảnh bởi cái chết của người bố, bởi sự im lặng đáng sợ của người mẹ, thoát khỏi những “lỗ cống khổng lồ” lúc nào cũng lởn vởn trong đầu cô bé. Ngoài ra, còn có cô Sasaki, bác Nishioka, và cả anh Osamu đã giúp đỡ Chiaki rất nhiều.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button