Một Nửa Của 13 Là 8
Thể loại | Sách kinh doanh |
Tác giả | Jack Foster |
NXB | NXB Lao Động |
Công ty phát hành | Alphabooks |
Số trang | 248 |
Ngày xuất bản | 01-2017 |
Giá bán | Xem giá bán |
Lời giới thiệu
“Albert Einstein nói ý tưởng tuyệt vời nhất đến khi ông đang cạo râu,” Jack Foster đã viết như vậy trong cuốn sách Một nửa của 13 là 8. Đọc đến đây, bạn sẽ làm gì? Rất có thể, bạn sẽ đặt cuốn sách xuống và đi cạo râu để thử xem liệu có ý tưởng nào nảy sinh không. Nhưng bạn sẽ không muốn đặt cuốn sách xuống thêm lần nào nữa. Bởi những gì Jack Foster viết trong cuốn sách này hết sức thú vị và lôi cuốn.
Ít nhất một lần trong đời, bạn từng băn khoăn: tại sao có người nghĩ được rất nhiều ý tưởng, trong khi mình không thể nghĩ được gì; và liệu có phải có những bí kíp bí truyền, độc nhất để có được tư duy sáng tạo hay không. Cuốn sách của Jack Foster trả lời những câu hỏi đó. Jack Foster cho rằng, lý do để trí sáng tạo của ta ngày càng hao mòn là do hầu hết chúng ta đều làm theo cách thức cũ và suy nghĩ theo lối mòn. Thực chất, bất kỳ ai, bất kể tuổi tác hay màu da nào, bất kể làm công việc gì, đều có thể sáng tạo nhiều ý tưởng hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn. Điều cốt yếu là ta phải nhận ra những lối tư duy, những phong cách sống vô ích cho sự sáng tạo, để rồi phá bỏ chúng bằng các mẹo nhỏ dễ thực hiện và những bài tập đầy hứng thú.
Thông qua cách viết ngắn gọn, dễ hiểu và dí dỏm của Jack Foster, bạn sẽ biết cách đánh thức đứa trẻ trong tâm hồn bạn, trở nên hài hước, vui vẻ hơn; xem lại cách tư duy, học cách hòa trộn các ý tưởng khác nhau, và chiến thắng nỗi sợ bị từ chối.
Chỉ mất một hoặc hai tiếng để đọc xong cuốn sách, nhưng bạn sẽ được lợi từ các lời khuyên của Foster cho đến hết cuộc đời.
[taq_review]
Trích dẫn
Mười cách để rèn luyện tinh thần, dọn đường cho ý tưởng
Hãy vui đùa
Người vui cười là người chiến thắng.
– MARY PETTIBONE POOLE
Khi đọc thơ của Goethe, đôi lúc tôi thấy giật mình ngỡ là ông đang cố tỏ ra hài hước.
– GUY DAVENPORT
Nghiêm túc là nơi trú chân của sự nông cạn.
– OSCAR WILDE
Không phải tình cờ mà tôi liệt kê sự vui vẻ là bước đầu tiên để rèn luyện tinh thần cho ý tưởng. Theo kinh nghiệm của tôi thì đây rất có thể là bước quan trọng nhất.
Đây là lý do tại sao:
Thông thường, ở phòng sáng tạo của các công ty quảng cáo, một người viết quảng cáo và một đạo diễn nghệ thuật cùng làm việc nhóm về một dự án. Ở một số phòng và đôi lúc ở những phòng mà tôi phụ trách có ba đến bốn nhóm cùng làm về một dự án.
Những lúc đó, tôi luôn biết nhóm nào sẽ đề xuất ý tưởng hay nhất, quảng cáo báo in hay nhất, phim quảng cáo hay nhất, biển quảng cáo ngoài trời hay nhất.
Đó là nhóm hay vui đùa nhất.
Nhóm nào cứ chau mày, nhăn trán thì chẳng mấy khi có được cái gì hay.
Nhóm nào luôn tươi cười thì hầu như luôn có ý tưởng hay.
Phải chăng vì họ đã tìm ra ý tưởng nên họ mới vui đùa như vậy? Hay là vì nhờ vui đùa nên họ có ý tưởng?
Vế sau. Chắc chắn là như vậy.
Xét cho cùng, điều này đúng trong mọi trường hợp. Người nào hứng thú làm việc thì sẽ làm tốt hơn. Cho nên hà cớ gì người có hứng thú lại không thể tìm ra ý tưởng?
“Hãy làm cho công ty của bạn thật vui nhộn,” David Ogilvy, giám đốc một công ty quảng cáo nói. “Khi người ta không vui vẻ, hiếm khi họ làm được quảng cáo hay.”
Ông Ogilvy không cần giới hạn nhận xét của mình với những người trong lĩnh vực quảng cáo. Điều đó đúng với tất cả mọi người làm công việc đòi hỏi sáng tạo ý tưởng.
Ồ, tôi biết rằng làm quảng cáo chỉ là một nỗ lực sáng tạo nhỏ và có lẽ bạn cho là vớ vẩn khi có thể áp dụng bài học ở đây vào những công việc quan trọng hơn. Nhưng ở các lĩnh vực khác, họ cũng đồng tình về một môi trường làm việc vui vẻ.
“Nhu cầu có thể là mẹ đẻ của phát minh,” nhà diễn thuyết nổi tiếng người Mỹ Roger von Oech từng nói, “nhưng vui chơi lại là cha đẻ của nó.”
“Người nghiêm nghị ít có ý tưởng,” nhà thơ và nhà triết học Paul Vaéry nói. “Người hay có ý tưởng thì chẳng bao giờ nghiêm nghị cả.”
“Cụm từ hấp dẫn nhất trong khoa học để báo tin về khám phá mới,” Isaac Asimov, tác giả và là nhà hóa sinh nói, “không phải là ‘Eureka!’ (Tôi tìm ra rồi!), mà là ‘Thật hài hước…’”
Chính thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi hài hước và mọi hình thức sáng tạo là bạn nối khố của nhau.
Suy cho cùng, như nhà báo Arthur Koestler đã chỉ ra, cái gốc của hài hước cũng là cái gốc của sáng tạo, sự kết hợp tình cờ của những thành phần khác biệt để tạo ra một tổng thể mới có ý nghĩa; bước rẽ trái bất ngờ khi bạn cứ nghĩ phải đi đường thẳng; sự “song hợp” (như Koestler đặt tên), hai hệ quy chiếu chập lại với nhau.
Hãy lắng nghe đoạn hội thoại sau đây với sự hài hước, để xem nó như thế nào:
“Sao tôi có thể tin vào Chúa cơ chứ?” Woody Allen hỏi, “khi mới tuần trước thôi lưỡi tôi bị dính vào trục quay của máy đánh chữ điện tử.”
“Chiến thắng chưa chắc đã thuộc về người nào nhanh hơn hay khỏe hơn,” Damon Runyon nói, “nhưng khi đánh cược thì phải đặt vào họ.”
“Im nào, anh ta giải thích rồi,” Ring Lardner viết.
Trong mọi trường hợp, suy nghĩ của bạn đang theo một hướng rồi bất chợt bị chuyển sang hướng khác và kỳ diệu thay, hướng đi mới mẻ không định trước này lại hoàn toàn hợp lý. Rồi một điều mới ra đời. Sau khi nhìn lại, ta thấy nó thật hiển nhiên.
Chà! Nhưng ý tưởng cũng giống y như vậy. Sự kết hợp tình cờ của hai “nhân tố cũ” để tạo nên một tổng thể mới có ý nghĩa, “hai ma trận tư tưởng” (như cách Koestler đặt tên) gặp nhau ở giao điểm.
Johannes Gutenberg kết hợp máy đúc tiền và máy ép rượu để phát minh ra máy in dấu.
Salvador Dalí đưa giấc mơ và nghệ thuật lại gần nhau để có được trường phái siêu thực.
Có ai đó đặt thức ăn lên ngọn lửa và ta biết nấu nướng từ đó.
Ngài Isaac Newton nhìn thủy triều và quả táo rơi, thế rồi tìm ra trọng lực.
Nhờ quan sát những thảm họa của loài người và sự sinh sản của các loài mà Charles Darwin nhìn ra quá trình chọn lọc tự nhiên.
Levi Hutchins cho chuông báo động vào đồng hồ và tạo ra đồng hồ báo thức.
Hyman L. Lipman ghép mẩu tẩy vào một đầu bút chì và tạo ra bút chì tẩy.
Ai đó gắn giẻ lau vào đầu gậy và có được cây lau sàn.
Một lần tôi đi phỏng vấn xin việc ở một công ty quảng cáo ở Chicago. Khi đến nơi, tôi nhận ra ngay đó là môi trường làm việc tốt, nơi ý tưởng bay bổng khắp nơi. Lúc ra khỏi thang máy, tôi nhìn thấy một biển hiệu gắn nghiêm chỉnh trên tường:
TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP
1. Lấy áo choàng
2. Đừng quên mũ
3. Bỏ những ưu tư lại sau cánh cửa
4. Bước về đầu phố nơi ánh nắng chan hòa
Những hàng chữ được đóng khung và treo trên tường, “hai ma trận tư tưởng” giao nhau, hai hệ quy chiếu chập làm một. Khôi hài và sáng tạo. Thật khó để đạt được một thứ mà lại thiếu thứ kia. Đối với vui đùa và ý tưởng cũng vậy. Với đam mê và biểu diễn cũng thế.
Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện này:
Khi lĩnh vực quảng cáo mới được hình thành trong xã hội, người viết hay đạo diễn nghệ thuật đều ăn mặc như giới kinh doanh, đàn ông thắt cà vạt và mặc vest, phụ nữ cũng mặc vest hoặc váy.
Vào cuối những năm 1960, họ thay đổi hẳn cách ăn mặc. Người thì mặc quần jeans với áo len, người thì mặc áo phông và đi giày tennis. Khi đó tôi đang phụ trách một phòng sáng tạo và tờ Thời báo Los Angeles phỏng vấn tôi về cách phục trang của mọi người ở nơi công sở.
“Cho dù họ có mặc đồ ngủ đến làm việc tôi cũng không bận tâm,” tôi trả lời, “họ cứ làm tốt công việc là được.”
Hẳn như vậy, một ngày sau khi bài báo được đăng (trích câu nói của tôi), cả phòng tôi đi làm trong đồ ngủ. Lúc đó thật vui nhộn hết sức. Cả phòng rộn rã tiếng cười vui vẻ.
Nhưng đáng quan tâm hơn là, từ sau hôm đó, phòng tôi làm việc với năng suất cao chưa từng thấy. Mọi người đều vui tươi, và công việc cũng tiến triển tốt hơn.
Cần ghi nhớ ở đây mối quan hệ nhân-quả: Sự vui vẻ là hàng đầu, sau đó mới đến công việc tốt. Vui đùa mở mang sáng tạo. Đó là một hạt giống bạn cần gieo để có được ý tưởng.
Nhận ra điều này, chúng tôi gieo nhiều hạt giống như vậy hơn để môi trường làm việc thêm vui vẻ. Có lẽ một vài cách có thể áp dụng được ở nơi làm việc của bạn, hoặc sẽ giúp bạn nảy sinh ý tưởng phù hợp hơn.
Họp trong công viên. Nơi chúng tôi làm việc gần một công viên. Cứ khoảng một tháng một lần, chúng tôi tổ chức họp phòng trong công viên. (Thật bất ngờ khi chỉ đơn giản là ra khỏi văn phòng mà có thể cải thiện được năng suất và mối quan hệ đồng nghiệp đến vậy.)
Ngày gia đình. Hàng năm, bọn trẻ con các nhà lại được đến tham quan nơi bố mẹ chúng làm việc.
Phi tiêu. Chúng tôi có một bộ phi tiêu ở trong phòng họp và thường tiêu khiển trò này khi cần nghỉ giải lao.
Đó là ai nhỉ? Mọi người mang ảnh hồi bé của mình đến rồi đánh số và dán lên một bức tường. Tất cả sẽ đoán xem đó là ai. Người nào đoán trúng nhiều nhất thì có thưởng.
Bé nào dễ thương, bé nào giản dị. Tương tự như trên, có điều tất cả mọi người chọn ra đứa trẻ nào trong ảnh dễ thương nhất, và bé nào trông giản dị nhất. Tất nhiên là có thưởng.
Hội chợ thủ công mỹ nghệ. Mọi người bán (hoặc chỉ trưng bày) những đồ vật do họ hoặc người thân trong nhà tự làm.
Khúc côn cầu dọc hành lang. Trong giờ nghỉ trưa, chúng tôi thường chơi khúc côn cầu ở hành lang với gậy đánh thật và giấy vo viên thay cho trái cầu.
Tác phẩm nghệ thuật của con trẻ. Các ông bố bà mẹ mang những sản phẩm nghệ thuật của con mình đến, dán tên và treo ở sảnh.
Thịt hầm cay. Các “đầu bếp” của phòng mang tới những nồi thịt hầm cay; mọi người nếm thử và chọn ra người nấu ngon nhất.
Ngày ăn diện. Thỉnh thoảng, tất cả lại cùng chưng diện khi đi làm.
Ăn chung. Mỗi người mang một món đến và tất cả cùng ngồi ăn trưa ngoài hành lang với nhau.
“Nếu không phải để vui vẻ thì sao phải làm thế?” Jerry Greenfield của hãng kem Ben & Jerry nói.
Tom J. Peters đồng tình: “Tiền đề số một trong kinh doanh là không được tẻ nhạt hay vô vị,” ông viết, “Công việc phải vui vẻ. Nếu làm việc mà không thấy vui thì anh đang phí phạm đời mình.”
Vậy đừng lãng phí cuộc đời mà hãy vui chơi đi.
Và tiện thể thì nghĩ ra một vài ý tưởng.