Review

Mỗi Ngày Trọn Một Niềm Vui

Thể loại Tôn Giáo – Tâm Linh
Tác giả Nansen Osho
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 298
Ngày xuất bản 02-2017
Giá bánXem giá bán

Cuốn sách “Mỗi ngày trọn một niềm vui” chứa đựng 90 nguyên tắc của một nhà sư trụ trì người Nhật Bản nhằm giúp độc giả có suy nghĩ tích cực, từ đó cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. Các nguyên tắc đều rất ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu và dễ áp dụng. Độc giả có thể lật bất cứ trang nào và bắt đầu đọc từ đó. Cứ qua mỗi một trang, cuộc sống lại trở nên dễ chịu hơn một chút và khi đọc xong, có lẽ chúng ta sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

“Là một người con của Phật giáo, từ Tứ nhiếp pháp, Lục ba la mật và những điều mà Đức Phật gửi gắm tới nhân sinh, tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc ý nghĩa Mười Đức theo cách hiểu cũng như quy tắc của bản thân tôi.

‘Hành’ – Không ai làm cả. Nên mình phải làm

‘Bố thí’ – Hãy cho đi trước khi nhận lại

‘Ái ngữ’ – Sử dụng từ ngữ tích cực, khuyến khích, hướng về tương lai

‘Lợi hành’ – Vì mọi người, vì cuộc sống, vì thế giới

‘Đồng sự’ – Biết cảm thông, đồng cảm, cảm kích

‘Trì giới’ – Sống tuân theo quy tắc

‘Nhẫn nhục’ – Cho dù có bị chèn ép, bị cản trở cũng không được chùn bước, bỏ cuộc

‘Tinh tiến’ – Mỗi ngày lại trưởng thành hơn một chút so với ngày hôm qua

‘Thiền định’ – Tạo ra một khoảng thời gian yên tĩnh để tĩnh tâm

‘Trí huệ’ – Trưởng thành tới khi chết đi, ủng hộ tới khi chết đi

Nhìn những gì phía trên, sẽ có người cho rằng, ‘Cái gì thế? Đây toàn là những gì mà bình thường chúng ta vẫn làm mà’. Tôi không nói những lời này với tư cách là trụ trì của một ngôi chùa. Tôi cố gắng làm việc vì người khác, tôi luôn trăn trở làm sao để giải thích nội dung cho bạn đọc dễ hiểu nhất, để những gì trong cuốn sách đều là những gì mà bạn đọc vẫn thường nghe thấy, thường nhìn thấy trong cuộc sống, cùng tìm hiểu xem rốt cuộc nó được thực hiện như thế nào. Điều đó có nghĩa là, cho dù bạn là ai, học vấn của bạn ra sao, bạn vẫn có thể lý giải và áp dụng lời răn của Đức Phật vào cuộc sống. Chỉ cần nhận ra được điều này, trái tim của bạn cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Với cách nghĩ như vậy, hi vọng bạn có thể sử dụng mười chuẩn mực đạo đức giống như trên.

Chúng ta, những người được ban tặng sự sống trong thế giới này, nhất định phải có một vai trò nào đó. Và sống có nghĩa là làm sống lại sinh mệnh đã được ban tặng ấy. Hãy sống một cuộc sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, sống hết mình với sinh mệnh của bản thân.”

[taq_review]

Trích dẫn

Chương 1

HÀNH

Chữ “Hành” thường được sử dụng với ý nghĩa tiến hành một việc gì đó như thực hành, hành động. Nhưng trong Phật giáo, “Hành” còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là bằng cách lặp đi lặp lại một việc, con người có thể học hỏi được rất nhiều thứ từ việc làm đó.

Trong chương đầu tiên, tôi muốn mọi người thử suy nghĩ xem, chúng ta nên đón nhận cuộc sống hàng ngày với tâm trạng và tư thế như thế nào để mỗi ngày là một ngày hạnh phúc và trọn vẹn.

Bí kíp 1 – Tạo thói quen suy nghĩ tích cực

Khi làm một việc gì đó, điều con người ta chú ý đến là hành động đó sẽ mang lại kết quả gì. Điều này đặc biệt đúng với những người là nhân viên công ty. Bởi công ty sẽ đánh giá nhân viên dựa trên thành quả công việc nên tôi nghĩ đây không phải vấn đề gì vô lý cả.

Để tạo ra được kết quả tốt, con người luôn suy nghĩ và nỗ lực rất nhiều. Họ sẽ thử nhiều cách thức, phương pháp khác nhau, từ đó đánh giá cách nào có thể triển khai thuận lợi, cách nào sẽ gặp phải khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, có một nhân tố không thể thiếu và lợi hại hơn bất kỳ phương pháp nào để dẫn tới một thành quả tốt đẹp. Đó chính là “Tâm thế”.

“Tâm thế” là cách suy nghĩ, thiên hướng tâm lý của mỗi người. Khi làm việc, con người có hai cách suy nghĩ, một là tâm thế tích cực, “Công việc này sẽ thú vị đây”, và tâm thế tiêu cực, “Rồi việc này sẽ chẳng đi đến đâu đâu”. Liệu rằng cách nghĩ tiêu cực, chùn bước như “Chắc chắn rồi sẽ thất bại thôi” hay “Nếu mà thất bại thì làm thế nào?” có thể dẫn tới thành quả tốt đẹp được hay không?

Thành quả là phép nhân giữa tâm thế và phương pháp thực hiện. Cho dù có sử dụng phương pháp ưu việt đến đâu đi nữa, mà bạn đón nhận nó bằng một tâm thế không mấy lạc quan thì chắc chắn phép nhân giữa phương pháp và tâm thế ấy cũng chỉ mang lại một kết quả tiêu cực mà thôi. Nguyên tắc này luôn đúng với mọi trường hợp, bất kể việc bạn đang làm mang tầm vĩ mô hay chỉ đơn giản là một việc nhỏ nhặt.

Vậy thì chúng ta nên làm thế nào? Câu trả lời vô cùng đơn giản.

Điều duy nhất bạn cần làm là hãy tạo thói quen suy nghĩ tích cực. Hãy tưởng tượng mọi việc rồi sẽ tiến triển tốt, luôn tâm niệm trong suy nghĩ rằng, “Việc này thật thú vị”. Có thể ban đầu mọi việc sẽ không thuận lợi như bạn mong muốn, nhưng khi bạn cứ lặp đi lặp lại nó nhiều lần, bạn có thể hoàn thành nó, đúng như theo ý muốn của bạn.


Để tạo ra được phép nhân tổng hợp tích cực của con người, điều đầu tiên ta cần làm là nhìn lại tâm thế, cách suy nghĩ của bản thân.


Bí kíp 2 – Chủ động thay đổi cách suy nghĩ

Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn có từng cố ngủ thêm một chút nữa, mắt vẫn nhắm tịt và lầm bầm “Vẫn còn năm phút nữa…” hay không? Không sao cả, nếu bạn đã từng như vậy thì chứng tỏ bạn là một người rất bình thường. Con người vốn dĩ là một sinh vật lười biếng. Việc con người nghĩ rằng “Tôi muốn một cuộc sống thoải mái” là điều hiển nhiên.

Thế nhưng, nếu chỉ biết đắm chìm trong cái “thoải mái” ấy thì tôi cho rằng thật vô cùng lãng phí. Năm phút đó, nếu bạn thử sử dụng nó cho bản thân mình thay vì cố ngủ tiếp, cuộc đời bạn có thể sẽ trở nên sôi động hơn. Vậy thì, làm thế nào để có thể dậy đúng giờ được?

Nếu bạn có thể tự nhủ, tự ý thức rằng, “Nào, bây giờ thì dậy thôi!”, tự nhiên bạn có thể thức dậy một cách dễ dàng. Khi mà con người buông thả bản thân, họ sẽ có xu hướng thiên về thứ họ thích và cho là thoải mái. Vậy nên điều quan trọng là bạn hãy tự nhủ với bản thân, “Dậy thôi!”, thì bạn sẽ làm hành động đó trong vô thức.

Khi quyết định “Dậy thôi!”, bạn cũng không nên quá ép buộc bản thân là “Mình phải dậy”. Đây là điều khá quan trọng, bởi khi bạn quá ép buộc mình, bạn sẽ không cảm thấy thoải mái và vui vẻ được.

“Nếu mình dậy sớm năm phút, có việc thú vị này đang chờ mình!”

“Chỉ cần dậy sớm năm phút là mình có thể uống một cốc cà phê ngon lành rồi!”

Hãy thử tự khuyến khích bản thân như vậy, rằng việc phải dậy vào buổi sáng sẽ mang lại cho bạn những điều thú vị. Bạn có nghĩ rằng chỉ bằng cách đó, việc phải chui ra khỏi chăn vào buổi sáng sẽ trở nên thú vị hay không?

Có câu nói: “Thiền định khắp muôn nơi”. Câu nói này có nghĩa là, dù là thời khắc nào đi nữa, nhân vật chính trong cuộc đời ta vẫn luôn là ta mà thôi. Trước tiên, hãy thử quyết tâm, “Mình sẽ dậy!” Sau đó, tưởng tượng đến điều thú vị chờ đón bản thân sau khi thức dậy. Bạn hãy thử chủ động thay đổi cách suy nghĩ bằng cách luyện tập như vậy nhé.


Cách suy nghĩ không tự nhiên mà thay đổi được. Hãy thử làm cả những việc mà vốn chẳng thú vị gì với bạn nhé.

Bí kíp 3 – Tha thứ – Khởi động lại bản thân

Thành thực mà nói, tôi nghĩ rằng trong cuộc đời mỗi con người, không có cái gọi là “Thất bại”. Đã sống trên cuộc đời này, có nhiều việc diễn ra không thuận lợi, không được như ý muốn, đấy là điều đương nhiên. Thế nhưng, chính khi bạn có thể vượt qua được khó khăn và gian nan đó, bạn mới học được và nhận ra nhiều điều từ những gian truân đó.

Xét về phương diện từ ngữ, vì tôi là trụ trì của một ngôi chùa, nên mọi người thường nghĩ rằng tôi luôn luôn thực hiện rất nghiêm ngặt các quy tắc. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, cũng rất nhiều lúc tôi phải thốt lên, “Thôi lại thế nữa rồi!” Có lẽ, vì phần nào tính cách của tôi có chiều hướng hành động nhanh chóng nên so với mọi người, số lần phải thốt lên như vậy thậm chí còn nhiều hơn.

Cũng có khi, mặc dù bạn đã quyết tâm dậy sớm, nhưng lúc thì lỡ ngủ quên, lúc thì vì tối hôm trước uống nhiều rượu quá, say mèm tới tận hôm sau nên cuối cùng lại không thể dậy sớm được. Tuy vậy, bạn không cần phải tự trách hay băn khoăn gì cả. Chỉ cần hãy tự nói với bản thân rằng “Thôi lại thế nữa rồi. Mình vẫn chưa làm được, chưa làm được, chưa làm được”. Nhớ là hãy nói ra thành lời nhé. Sau đó phải thay đổi tâm trạng ngay lập tức và tuyên bố với bản thân, “Nhất định ngày mai mình sẽ dậy sớm!”

Nếu là tôi của trước đây, tôi cũng không làm được điều này. Tôi đã luôn chỉ trích thậm tệ nếu bản thân tôi, hay thậm chí là người khác không hoàn thành công việc được giao cho. Thế nhưng, có trách mắng, chỉ trích mãi thì cũng chẳng có gì tốt đẹp xuất hiện cả. Tôi đã nhận ra điều này sau quãng thời gian dài cắn rứt.

Trong kinh Phật có câu, “Con nay xin được nói lời sám hối”. “Sám hối” ở đây có nghĩa là “hối lỗi, từ nay về sau sẽ thay đổi, sẽ không phạm phải lỗi lầm đó nữa”. Với cá nhân tôi, tôi thích dùng từ “Khởi động lại bản thân” (theo một hướng tốt hơn). Người mà không đúng, người mà không thể làm được, là bản thân mình. Biết chấp nhận lỗi lầm, biết thay đổi bản thân thì chẳng phải là ta có thể khởi động lại bản thân hay sao?


Tập tha thứ khi “Thôi lại thế nữa rồi” và khởi động lại bản thân nhé.


Bí kíp 4 – Không tham lam Không giận dữ Không nói lời ca thán

Trong Phật giáo có lời răn kinh Phật rất ngắn được gọi là “Kệ sám hối”. Bài kệ chỉ vẻn vẹn hai mươi tám từ, nhưng nó bao hàm gợi ý dẫn đường chỉ lối làm sao để sống một cuộc đời hạnh phúc. Nếu giải thích cặn kẽ thì sẽ tốn khá nhiều giấy mực, nhưng chắc chắn đó là bài giảng kinh Phật có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Trước tiên, tôi xin giới thiệu toàn văn.

“Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân, miệng, ý mà sanh ra

Tất cả con nay xin sám hối.”

Với tôi, hai mươi tám từ này mang ý nghĩa rất sâu sắc. “Điều quan trọng để có được một cuộc sống hạnh phúc là không tham lam, trấn áp sự giận dữ và không nói lời ca thán. Học cách chấp nhận tất cả mọi chuyện tốt – xấu xảy đến với mình. Học cách hành động, phát ngôn, suy nghĩ tích cực hướng về tương lai. Nhưng nếu mãi không thể thực hiện được thì hãy nhìn lại bản thân mình và coi đó là một bài học khi còn chưa đủ chín chắn. Để rồi sống và hướng tới tương lai với một tâm thế mới.”

Câu “Thôi lại thế nữa rồi” tôi đã đề cập ở phần trước cũng được sáng tạo từ bài “Kệ sám hối”.

Trong bài “Kệ sám hối” có cụm từ “tham sân si” xuất hiện. Phật giáo gọi Tham – Sân – Si là ba thứ độc, hay “Tam độc”. “Tham” là tham lam, ham muốn thái quá, thèm muốn cả thứ thuộc quyền sở hữu của người khác, tham lam chiếm đoạt cả những thứ không cần thiết với mình. “Sân” là cơn giận, sự giận dữ, vì nóng giận mà quên đi bản ngã, hễ gặp rắc rối là máu nóng bốc lên đầu, không thể đưa ra phán đoán thích hợp và sáng suốt. Nếu phó mặc mọi chuyện cho cảm xúc điều khiển, mọi chuyện sẽ không thể tiến triển tốt đẹp được. “Si” là than vãn, phiền muộn. Xã hội bất công, chính quyền thối nát, không ai hiểu cho tôi, không ai làm giúp tôi… “Si” là luôn nói lời bất bình, bất mãn về người khác. Cho dù có than vãn đến đâu đi nữa, tình hình cũng chẳng thay đổi được, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Lúc này, lời răn Phật giáo có câu nói, “Hãy dừng tất cả lại đi”. Chẳng hạn, đừng quá bận tâm đến những thứ mà hiện tại mình chưa có, nếu bạn để tâm và tỏ lòng biết ơn với những thứ đang tồn tại xung quanh mình thì sẽ chẳng phải thốt ra những lời than vãn, bất bình, “Tại sao mình không có?”

Một khi bình tĩnh cộng với suy nghĩ tích cực, những người xung quanh bạn cũng sẽ có xu hướng chịu ảnh hưởng như vậy từ bạn, và tất cả mọi người có thể kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Đó là lý do tất cả mọi người có thể cùng trở nên hạnh phúc.

Đích đến cuối cùng, lý tưởng cuối cùng của Phật giáo là khiến cho loài người được hạnh phúc. Để được hạnh phúc, con người phải từ bỏ “Tham – Sân – Si”. Tôi chỉ mới nhận ra được ý nghĩa sâu sắc này trong bài kệ.


Đừng bận tâm đến những thứ ta chưa có.

Hãy biết ơn những thứ đang tồn tại xung quanh mình.


Bí kíp 5 – Chú ý tới ưu điểm của bản thân

Khi còn học cấp II, tôi học Toán rất kém. Lên cấp III, những môn như Hoá học, Vật lý, Sinh vật, tôi hoàn toàn không hiểu gì. Cho dù có cố gắng học thì chỉ cần ngồi vào bàn là tôi sẽ buồn ngủ. Sau đó, ngồi học được chốc lát tôi sẽ tự động bỏ cuộc giữa chừng khi phải học những môn học có liên quan đến con số. Ngược lại, môn học tôi giỏi là chữ quốc ngữ và các môn xã hội. Vì đó đều là những môn học tôi thích nên tôi luôn quyết tâm “Mình sẽ học”. Tôi đã cố gắng học bằng cả phần trí tuệ dành cho các môn học có liên quan đến con số. Kết quả là thành tích của tôi bị mất cân bằng nghiêm trọng. Có sự cách biệt rất lớn giữa môn học tôi học được và môn học tôi không học được. Thế nhưng, nếu đem so sánh điểm số trung bình của tất cả các môn học, điểm của tôi gần như tương đương với những học sinh cùng trang lứa khác. Khi ấy, tôi đã có suy nghĩ rất trẻ con là, “Vì đằng nào điểm trung bình cũng giống nhau, thế nên mình cứ làm những thứ mình thích thôi nhỉ. Chỉ cần cố gắng phát triển ưu điểm của mình là được.”

Trong cơ chế giáo dục hiện nay, cả giáo viên và bố mẹ vẫn luôn có xu hướng tập trung vào điểm yếu của trẻ, bằng cách nào đó nâng cao năng lực của trẻ trong những phần còn yếu kém. Dường như cách suy nghĩ phải bằng mọi người, thậm chí là hơn mọi người đã ăn sâu bám rễ vào lối tư duy của con người. Tôi cũng được nuôi lớn trong môi trường như vậy. Nhưng tôi cho rằng chúng ta nên bỏ lối suy nghĩ đó đi. Tôi nghĩ việc cố gắng rèn luyện, phát triển điểm mạnh của bản thân, những việc mà mình có thể làm được sẽ là sự nỗ lực tuyệt đẹp và đầy thú vị. Tại sao ư? Bởi nếu điểm mạnh được phát triển, điểm yếu cũng sẽ được cải thiện phần nào.

Tại trường chăm sóc và giáo dục trẻ em nơi tôi chịu trách nhiệm quản lý có môn thể dục nhảy cầu. Giáo viên thể dục thường cố gắng hướng dẫn để những đứa trẻ gần nhảy qua có thể nhảy qua được. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ cho chúng dừng lại. Vì tôi thấy rằng, nếu cố gắng nâng cao thực lực của những đứa trẻ có thể nhảy qua thì cuối cùng những đứa trẻ vốn không nhảy qua được cũng sẽ vượt qua được, bằng một cách nào đó.


Khi bạn chú tâm vào điểm mạnh của mình, trong vô thức, khả năng tiềm tàng trong bạn cũng sẽ sống dậy. Bọn trẻ trong trường đã dạy tôi điều đó.


Bí kíp 6 – Tin tưởng vào bản thân “Mình làm được” và tiến về phía trước

Tại trường trẻ em Chichibu, khi tốt nghiệp, tất cả bọn trẻ đều có thể nhảy qua được bục nhảy cấp 8. Đây là độ cao mà đến người lớn còn cảm thấy khó, nhưng bọn trẻ với cơ thể nhỏ bé lại có thể nhẹ nhàng nhảy qua được.

Như tôi đã đề cập ở phần trước, nếu nâng cao năng lực của những trẻ giỏi và có năng khiếu thì những trẻ đã làm không tốt cũng có thể cải thiện được. Tuy nhiên, ở đây phải có một tiền đề vô cùng quan trọng. Tất cả bọn trẻ ở trường mẫu giáo đều tin tưởng rằng, “Tất cả mọi người đều có thể nhảy qua được”.

Trường trẻ em Chichibu được công nhận là nhà trẻ – trường mẫu giáo liên kết giữa nhà trẻ Chichibu và trường mẫu giáo Chichibu. Cạnh trường có một ngôi chùa và trường được phụ huynh gửi học sinh từ 0 tuổi cho tới 6 tuổi. Những đứa trẻ nhiều tuổi hơn học lớp trên luôn là niềm mơ ước của những đứa trẻ học lớp dưới. Tất cả bọn trẻ luôn có sự tin tưởng và không hề có một chút nghi ngờ gì rằng, đến một lúc nào đó, bản thân mình cũng có thể trở thành một người giống như anh, chị học lớp trên. Và môn nhảy cầu cũng vậy, ngay từ đầu bọn trẻ đều nghĩ rằng, “Vì anh chị nhảy được nên mình cũng nhảy qua được”.

Việc tin rằng mình có thể làm được hay không sẽ quyết định điểm xuất phát khi chấp nhận thử thách của bạn. Khi bạn tưởng tượng rằng bạn có thể nhảy qua được thì tự nhiên cơ thể bạn sẽ có cử động sao cho bạn dễ dàng nhảy qua hơn.

Tất nhiên, có những đứa trẻ vẫn không thể nhảy qua được cho dù chúng có tin tưởng vào bản thân mình. Nhưng nếu chúng dở môn nhảy cầu thì chắc chắn chúng sẽ giỏi ở một lĩnh vực khác. Nếu có thể tìm thấy lĩnh vực mà trẻ có năng khiếu và phát triển nó thì những đứa trẻ khác cũng có thể cải thiện năng lực trong lĩnh vực mà mình còn yếu. Nếu có thể tiếp tục phát triển điểm mạnh của từng người, từng cá nhân, thì từ đó bọn trẻ có thể cùng nhau nâng cao năng lực của bản thân.

Thế giới của người lớn cũng như vậy. Việc gì cũng tự tưởng tượng là “Không thể làm được”, vậy thì chắc chắn sẽ không thể làm được. Quan trọng là bạn phải tin tưởng rằng “Mình làm được”, sẵn sàng tiến bước về phía trước, mượn sức mạnh, động lực của những người làm được để thực hiện việc mà bản thân mình vốn còn kém cỏi. Cùng giúp đỡ lẫn nhau – cùng nhau trưởng thành, đó là lý do cho sự tồn tại của bè bạn xung quanh mỗi chúng ta.


Chìa khoá của sự thành công là đừng nghi ngờ gì vào năng lực dẫn dắt bản thân tới thành công của bạn. Hãy mượn sức mạnh của người khác để làm việc mà mình vốn kém cỏi.


Bí kíp 7 – Không lo sợ thất bại

Không được bị điểm kém trong bài kiểm tra.

Không được phép chậm trễ.

Không được phép thất bại.

Trong cuộc sống hiện nay, việc gì cũng bị quy kết xem có được hay không được. Tôi nghĩ có nhiều người tỏ ra lo sợ, không dám thực hiện những việc mà được coi là không được trong cuộc sống. Đó chính là do lo sợ thất bại.

Thế nhưng, trên thế giới này không có cái gọi là thất bại. Việc xảy ra trước mắt chỉ đơn thuần là một sự việc, chẳng có gì to tát cả. Vấn đề là, từ sự việc đó, bạn sẽ có tâm thế như thế nào để học hỏi từ việc ấy, và rồi mọi việc sẽ tiến triển ra sao. Với những người bỏ cuộc vì nghĩ rằng “Thôi thất bại rồi” thì đương nhiên họ sẽ thất bại, nhưng với người cho rằng “Mình biết đây là lý do làm cho mọi việc không tiến triển thuận lợi được” thì họ sẽ lại học hỏi được rất nhiều. Đúng vậy, có thể nói sau khi thất bại, đôi khi khả năng sự việc phát triển thuận lợi sẽ cao hơn một chút.

Tại trường trẻ em Chichibu, tôi đã yêu cầu tất cả sinh viên thực tập rằng, “Các bạn hãy cứ thất bại nhiều hơn đi. Nếu được, hãy cứ để thất bại những việc mà khoảng năm năm sau nhìn lại, các bạn sẽ phải bật cười, hoá ra mình từng thất bại cả những việc như thế”. Làm như vậy, tất cả sinh viên thực tập có thể không ngần ngại, không e sợ cùng bọn trẻ trong trường hướng về phía trước, mà chính bản thân bọn trẻ cũng sẽ rất thoải mái.

Nơi thực tập ngành giáo dục không phải là nơi để học những việc có tiến triển thuận lợi mà là nơi học những việc tưởng chừng như không thể. Tôi nghĩ đó chính là sợi dây dẫn tới sự trưởng thành sau này của mỗi người.

Có một câu nói khi chuẩn bị tâm thế ngồi thiền là: “Cầu mong trái tim dũng cảm”. Trái tim dũng cảm là hãy để mọi việc tiến triển, đừng sợ hãi, dùng ý chí vươn lên để thực hiện mọi việc. Câu nói này không chỉ dành cho học sinh mà tôi nghĩ những người đã trưởng thành – những con người của xã hội cũng nên luôn mang trong mình khi làm bất cứ một việc gì.


“Trong cuộc sống không có cái gì gọi là thất bại!

Nếu bạn có thể học được từ thất bại đó thì sẽ dẫn tới ‘thành công!’”


Bí kíp 8 – Tự nói với bản thân, “Chỉ cần như thế này là đủ!”

Trong cuốn truyện tranh “Thiên tài Bakabon” của Akatsuka Fujio, bố của Bakabon thường nói câu “Chỉ cần như thế này là đủ!”. Tôi đọc cuốn truyện này khi còn nhỏ, và hồi đó, tôi đã không có suy nghĩ gì cả. Nhưng đến bây giờ, tôi cảm thấy thật ra đây là câu nói có ý nghĩa rất sâu sắc. Không phải “Cái này được”, mà là “Chỉ cần như thế này là đủ”.

“Chỉ cần như thế này là đủ” giống với cách nói “Tôi cảm kích với những thứ hiện tại hiện diện quanh tôi”, cách nói khẳng định với tất cả mọi sự vật, sự việc. Nếu cứ như thế này thì sẽ muộn, sẽ không kịp mất. Chắc chắn nếu nhìn từ phương diện của một số người thì có lẽ đó là chuyện khá lớn lao, to tát, nhưng nếu nghĩ tới tất cả mọi người, thì đây lại không phải vấn đề gì nghiêm trọng cả. Điều quan trọng là mọi người cùng nhau chấp nhận, cùng nhau hợp sức. Vì thế, “chỉ cần như thế này là đủ”.

Tôi cũng nhận ra dường như tôi đã từng nói như vậy với bản thân mình. Khi nhìn thấy câu “Chỉ cần như thế này là đủ”, trong đầu tôi hiện lên lời chúc lành tiếng Phạn, “Tát bà ha”. Vì đây là từ thường xuất hiện trong kinh Phật nên tôi nghĩ có người biết. Trong từ “Tát bà ha” có bao gồm nghĩa “Ôi! Mình làm được rồi! Thành công rồi!” Tôi nghĩ “Chỉ cần như thế này là đủ” ám chỉ sự kết hợp của tất cả mọi thứ, biểu thị ý nghĩa thành tựu. Thật tốt nếu con người có “Tát bà ha”.


“Chỉ cần như thế này là đủ!”


Bí kíp 9 – Nhặt rác dưới chân mình

Có một câu chuyện vô cùng nổi tiếng tại Nhật Bản về ông Hidesaburo Kagiyama, người sáng lập ra công ty cung cấp linh kiện ô tô Yellow Hat. Ông Kagiyama vẫn luôn tự mình dọn vệ sinh kể cả sau khi công ty được thành lập. Ông Kagiyama bày tỏ: “Tôi muốn loại bỏ những vướng mắc của trái tim, cản trở của xã hội bằng cách dọn vệ sinh”. Cách nghĩ này của ông đã tạo nên một làn sóng các hoạt động như vậy cả trong và ngoài đất nước Nhật Bản, lan rộng và hình thành nên “Hội những người khiến cho Nhật Bản đẹp hơn trong mắt bạn”. Tôi cũng đã từng có vài lần được tham gia vào hoạt động dọn vệ sinh ấy.

Trước đây, có một giai thoại về bài phát biểu của ông Kagiyama tại đại học Thượng Hải. Trong cuộc nói chuyện về việc dọn vệ sinh, có một sinh viên hỏi: “Thế giới liệu có thay đổi được chỉ bằng việc chúng ta dọn rác không?” Trả lời câu hỏi này, ông Kagiyama nói: “Nếu như con người không thể vứt bỏ tàn thuốc lá tại nơi mà mình qua lại thì liệu rằng những con người không có được cả những dũng khí ấy có đủ khả năng để thay đổi thế giới hay không? Những người như vậy sẽ không thể đạt được những ước mơ lớn”.

Việc vứt rác, thực ra là câu chuyện về lòng dũng cảm. Nếu không đủ dũng khí đấu tranh chống lại những cản trở xung quanh mình thì liệu rằng có thể hoàn thành được những mục tiêu to lớn hay không?

Vậy nên, trước tiên, tôi chỉ cần vứt bỏ tàn thuốc lá dưới chân mình, cố gắng hết sức trong phạm vi mà mình có thể, phạm vi mà tầm tay mình có thể với tới. Vậy là đủ.

Có một câu nói của Kagiyama mà tôi rất thích, đó là: “Nếu có thể vứt bỏ một mẩu rác, thì bạn cũng khiến một thứ trở nên sạch đẹp hơn đấy”.

Con người thường hay lãng quên và thờ ơ với những thứ nhỏ nhặt. Nhưng tôi đã học được rằng, chính việc góp nhặt lại những việc làm nhỏ nhặt ấy mới tạo ra được thành quả lớn.


Đừng thờ ơ với những việc nhỏ nhặt.

Cùng lấy dũng khí để thực hiện nhé.


Bí kíp 10 – Ấp ủ những ước mơ thú vị

Từ lúc thức dậy vào buổi sáng, cho đến khi đi ngủ vào buổi tối, không, ngay cả trong lúc ngủ, lúc nào tôi cũng trong trạng thái hồi hộp, mong chờ.

Không còn cách nào khác là mỗi ngày đều phải trải qua một cách vui vẻ. Có lẽ sẽ có người cho rằng, “Được vui vẻ thế thích nhỉ?” Nhưng không phải ngay từ lúc đầu, không phải tự nhiên mà tôi như vậy. Tôi đã từng cho rằng tôi thuộc tuýp người có suy nghĩ tích cực nhưng thật ra, tôi là mẫu người tiêu cực. Tôi đã từng luôn cảm thấy sốt ruột, lo lắng.

Vậy thì làm thế nào để ngày nào cũng thấy mong chờ và có cảm giác đầy đủ trọn vẹn?

Câu trả lời rất đơn giản. Bạn chỉ cần ấp ủ những ước mơ thú vị. Nếu có ước mơ, bạn có thể có mục tiêu hướng đến và thực hiện. Cho dù là những việc đơn thuần trong cuộc sống, hay những việc có chút gì đó điên rồ, không sao cả. Hãy cứ khắc họa ước mơ, tưởng tượng ra bản thân mình khi đạt được ước mơ đó.

Tôi của bây giờ, vẫn luôn làm việc để hướng đến mục tiêu thực hiện ước mơ cống hiến và phát triển cho Chichibu. Trong suy nghĩ của tôi luôn hiện diện rõ ràng từng mục tiêu theo các giai đoạn, sẽ hoàn thành việc gì trong bao nhiêu năm, năm tiếp theo sẽ làm gì, và tiếp nữa sẽ có mục tiêu gì. Tôi cũng vạch ra kế hoạch cho đến lúc đạt được mục tiêu. Thậm chí, trong khi vạch ra kế hoạch, tôi cũng tưởng tượng những việc nhỏ nhặt nhất thành những liên tưởng lớn lao để thực hiện đầy đủ những việc đó. Ví dụ, tôi tưởng tượng đến cảnh nhân viên tại Chichibu nói chuyện thân thiết hay lần phỏng vấn gặp mặt đầu tiên, hoặc cảnh tượng ăn trưa vui vẻ… Và nếu là ăn trưa thì dĩ nhiên là cần tới nhà ăn, nên tôi lại liên tưởng tiếp đến tôi muốn nhà bếp mang phong cách như thế nào. Có nghĩa là, hãy đào sâu hơn nữa những hình ảnh mà bạn đã làm và muốn làm.

Việc đó giống như là từng miếng ghép trong trò chơi xếp hình đang khớp lại với nhau, nó tạo cảm giác bạn đang từng bước tiến gần hơn nữa đến giai đoạn hoàn thành.

Vậy thì bạn muốn phác hoạ nên ước mơ gì? Và mỗi một miếng ghép trong bức tranh ước mơ đó là những miếng ghép như thế nào?


Khi có ước mơ, bạn sẽ có mục tiêu cho riêng mình.

Hãy sống vui vẻ mỗi ngày.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button