Review

Mộ Bia Giữa Biển

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Nakamoto Teruo
NXB NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 154
Ngày xuất bản 02-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Mộ Bia Giữa Biển – Mảnh Đất Cuối Cùng Nơi Người Cha Nằm Lại là một câu chuyện thật về sự kiện xảy đến với một gia đình ở nông thôn đã lớn lên trong nghéo khó nhưng được giáo dưỡng bằng tình yêu thương của cha mẹ, về cuộc hành trình tìm kiếm tung tích người cha đã hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai, đã phát hiện nơi an nghỉ cuối cùng của cha mình là ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Cuốn sách toát lên những phận người nhỏ nhoi chìm trong khói lửa chiến tranh. Guồng máy mang theo cái chết và sự ly tán, nỗi cam chịu và niềm đau trên đường đi ngang bất chấp mọi hoàn cảnh cuồng kháng. Cuộc hành hương của người con tìm về nơi cha mình đã hy sinh mà mộ bia đã trở thành biển cả cho chúng ta thấy rằng những nỗi niềm hiu hắt riêng mang của cá nhân mang theo mệt nhoài trên vầng trán suy tư và con tim thổn thức cũng là một phần của lịch sử. Chúng trở thành di sản nhắc nhở con người về sự tàn khốc của chiến tranh để không bao giờ còn lặp lại.

Thông qua câu chuyện có một số tư liệu lịch sử mà cho đến bây giờ người Việt Nam vẫn chưa biết rõ: Việt Nam cũng là một chiến trường trong chiến tranh Thái Bình Dương. Số lượng tàu chìm và binh sĩ Nhật Bản hy sinh ngoài khơi Việt Nam cũng không ít. Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên nhắc đến những binh lính Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai hy sinh ở Việt Nam, một chủ đề còn khá mới không chỉ ở riêng Việt Nam mà ngay cả ở Nhật Bản nữa. Và tác giả Nakamoto Teruo đã nhận được giải thưởng khích lệ cho tác phẩm này.

[taq_review]

Trích dẫn

HÀNH TRÌNH LÀM LỄ TẾ VONG LINH Ở VIỆT NAM

Vùng biển Đông

Ngày 18 tháng 2 năm 2001 (năm Bình Thành thứ mười ba).

Chúng tôi cho ô-tô chạy khá lâu từ trung tâm tỉnh Quảng Ngãi đến gần vùng bờ biển Batangan, chúng tôi tìm thấy một ngôi nhà nhỏ, có một cụ già đang đi lại trong hiên nhà. Cho xe dừng lại, tôi đi theo người thông dịch viên tiến đến bên ông lão.

Ngôi nhà nhỏ nằm nhìn ra bãi cát, có treo một chiếc võng. Cụ già đứng kế bên chiếc võng có lẽ đã tám mươi tuổi. Cụ đang ru đứa cháu nhỏ. Người thông dịch bắt chuyện với cụ già, giải thích về chuyến đi của người lữ hành từ Nhật Bản xa xôi đã đặt chân đến nơi này. Trong cuộc chiến cách đây hơn năm mươi năm về trước, cha của người Nhật này đã hy sinh ở vùng vịnh do chìm tàu, nay ông ấy mong muốn được cúng bái cha mình nên đã đến vùng đất này.

Sau khi nghe người thông dịch nói chuyện, cụ già bắt đầu nói về chuyện gì đó. Cụ chỉ tay về phía biển. Ngón tay đen đủi gầy gò. Người thông dịch nhiều lần gật đầu và rồi quay về nhìn tôi:

“Ông nói ngày xưa dầu chảy loang trên vùng biển này đấy.”

Cụ kể lại ký ức nhạt nhòa về thời chiến tranh. Dường như cũng có nói về việc tàu bị đắm chìm ở vùng biển. Thông qua người thông dịch, từng câu một, đã nói: Vào thời chiến tranh, dầu đã chảy tràn đến vùng biển này, cả bãi cát cũng bị ô nhiễm đấy. Tôi vẫn còn nhớ chuyện ấy. Thời đó mọi người cứ lan truyền rằng có một chiếc thuyền đã bị chìm ngoài biển.

Ở mảnh đất cách xa Nhật Bản hơn ba nghìn ki-lô-mét này có một ông lão khác quốc gia với tôi đang sống yên bình cùng cháu nhỏ. Những ký ức trong cuộc đời làm người của ông, những chuyện của hơn nửa thế kỷ trước còn lưu lại làm cho tôi lờ mờ nhận ra có sự kết nối đâu đó với những tài liệu mà tôi đã tìm kiếm được ở Nhật Bản. Suy nghĩ cho thấu đáo thì không biết những chuyện xảy ra trong chiến tranh còn lưu trong ký ức của ông là vào khoảng thời gian nào. Chiếc tàu đắm chìm đó có phải là tàu vận chuyển của Nhật Bản hay không? Cũng không chắc đó là tàu có cha tôi trên đó. Nhưng chính xác là vào thời chiến tranh đã có tàu chìm ở ngoài khơi nơi vùng biển này. Một ký ức sống còn ở vùng biển Đông này. Ký ức đó, đối với tôi, là dấu vết đầu tiên tôi tìm được trên vùng đất xa lạ bất đồng ngôn ngữ này về tung tích mong manh của cha. Trong một phần suy nghĩ của mình, tôi tin cha đã ở vùng đất Việt Nam này. Tự nhiên tôi có một cảm giác nhẹ nhõm trong lòng.

Quảng Ngãi nằm ở phía bắc vùng Duyên hải miền Trung, có thành phố địa phương nằm ở vị trí trung tâm của bán đảo Đông Dương nhô mình ra biển Đông. Thành phố cũng được xem là trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, tập trung nhiều cơ quan hành chính nhà nước, nghe nói trong những năm gần đây đang trên đường hiện đại hóa nhanh chóng. Nhưng vì đây là lần đầu tiên đến đây nên tôi không có thời gian để dạo bộ đây đó trong thành phố, tâm trí tôi toàn nghĩ tới việc phải đến cho được nơi cha tôi đã hy sinh. Ấn tượng còn đọng lại trong tôi là thành phố này yên ắng và bình dị hơn các thành phố ở Nhật Bản. Đi từ Thành phố Hồ Chí Minh – đô thị sầm uất phía nam – mất hai ngày một đêm thì đến nơi. Vừa đặt chân đến Quảng Ngãi, chúng tôi lập tức tìm đến bến cảng và bắt đầu đàm phán với bến tàu xem có thuyền đưa chúng tôi ra khơi hay không. Nhưng những người ở bến tàu đều đồng loạt nói: “Do ảnh hưởng của cơn bão từ hôm qua nên biển còn động dữ lắm. Với lại, không biết có xin được lệnh của hải quân hay không?”.

Thì ra khi tàu muốn xuất bến thì cần phải xin giấy phép của Biên phòng. Một người thiếu suy nghĩ như tôi lần đầu tiên được biết chuyện này ở bến cảng của vùng đất Quảng Ngãi. Chúng tôi thử cố nài nỉ, nói là sẽ trả tiền nhưng vẫn bị từ chối vì nếu không có sự chấp thuận của công an hải quân thì không được. Tôi vội vàng tìm đến trụ sở làm việc của công an hải quân. Đó là một văn phòng nhỏ của căn nhà hai tầng xây hướng ra bến cảng.

“Tôi từ Nhật Bản đến. Xin được cấp phép cho tàu xuất bến ra khỏi cảng. Ở ngoài khơi xa kia, cách đây năm mươi năm trước, trên chiếc thuyền bị đắm chìm, cha tôi cũng có mặt trên đó. Tôi muốn được dâng vòng hoa và cúng bái vong linh của cha mình. Dĩ nhiên, tôi sẽ chi trả tiền…”

Khi người thông dịch giới thiệu và giải thích với những chiến sĩ hải quân ở văn phòng thì khuôn mặt tôi biểu cảm đầy vẻ khẩn thiết chân thành. Người nước ngoài chẳng biết từ đâu đến, còn nói là người Nhật. Không biết có xác thực hay không. Người Nhật sao lại lặn lội đến vùng đất xa xôi này, rồi lại xin thuyền ra khơi? Chiến tranh năm mươi năm về trước ư? Không lý nào lại đến cơ quan địa phương chính thức xin cấp lệnh. Không có lệnh của cấp trên, nếu như cấp phép xuất bến cho một người nước ngoài không nguồn gốc như thế này thì bọn này sẽ bị quở trách ra sao đây? Có lẽ những chiến sĩ ở văn phòng đang đắn đo suy nghĩ như vậy.

Không thể cấp phép được!

Họ thẳng thừng từ chối lời thỉnh cầu của tôi. Tôi cảm thấy hối hận vì chuyến đi liều lĩnh của mình. Nơi đây, thể chế xã hội và tập quán khác hẳn với Nhật Bản. Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang trong tình trạng như thế nào? Người Việt Nam có thiện cảm với người Nhật tới mức nào? Những điều này tôi không biết rõ lắm. Nhưng ngay ở một hải cảng của thành phố địa phương, thuyền ra thuyền vào phải được sự cho phép thì chuyện một người nước ngoài đường đột muốn lên thuyền ra biển và bị từ chối là chuyện đương nhiên thôi. Điều còn lại sau đó là một cảm giác nóng lòng và bất an trong tâm tư của một người trước hiện thực khó hiểu này.

Mặc dù cuối cùng tôi cũng đến được gần vịnh Batangan…

Quyết tâm đến vùng đất mà cha tôi đã hy sinh đến đây xem như kết thúc. Vùng biển nằm ngay trước mắt nhưng thuyền không thể ra khơi. Nếu cứ như thế này mãi thì tôi đành phải quay về Nhật Bản mà không thực hiện được ý nguyện của mình và cũng không biết gửi tâm tư của mình vào đâu. Nếu vậy, ít nhất tôi cũng phải tìm ra một nơi để gửi gắm những lời an ủi vào vùng biển nhìn ra chiến trận mà cha tôi đã hy sinh. Sau khi đã quyết ý như thế, tôi mới nhờ những người đồng hành và người thông dịch thử đi quanh vùng biển này xem sao. Và tôi đã gặp một vết tích nhỏ nhoi của cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương còn sót lại nơi vùng bờ biển Đông từ ký ức của một ông lão già nua. Vào thời chiến tranh khi ấy, vùng biển này đã bị nhiễm dầu loang từ một chiếc tàu bị đánh chìm. Ông lão đang chơi với đứa cháu nhỏ từ tốn kể lại những mảnh vụn ký ức như lần tìm về một dĩ vãng xa xăm, điều đó khiến tôi quyết định vùng biển này sẽ là nơi mình gửi gắm những lời an ủi vong linh người đã khuất. Đó là vào buổi sáng ngày thứ tư khi tôi từ Nhật Bản đến Việt Nam.

Lần đầu đến Việt Nam

Tháng 9 năm 1999 (năm Bình Thành thứ mười một), tôi nghỉ hưu, thôi công việc của đảng. Vì có thời gian rảnh dành cho riêng mình nên tôi nhanh chóng quyết định sang thăm Việt Nam, mảnh đất cuối cùng nơi cha tôi nằm lại.

Nhưng sang Việt Nam thế nào, đến vịnh Batangan (Ba Làng An) ra sao mới được đây? Ngay khi vừa mới nghĩ là “mình đi thôi” thì tôi đã hoang mang lạc lối.

Theo như thông tin mà tôi có được trong tay thì “15°02’độ vĩ Bắc, 19°08’độ kinh Đông, ki-lô-mét 80, vùng biển Đông Nam vịnh Batangan, Việt Nam” chính là địa điểm con tàu Otowasan Maru bị đánh chìm. Nhìn lên bản đồ thấy gần vị trí này là Thành phố Quảng Ngãi, Việt Nam. Tuy nhiên, thành phố này lại nằm ở khoảng giữa hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì là một địa phương nằm xa hành lang Nam Bắc nên không có công ty du lịch nào mở khu nghỉ dưỡng hay kinh doanh quốc tế tại đây.

Để đến Quãng Ngãi thì phải đáp xuống sân bay nào nhỉ? Rồi mình sẽ đi xe buýt đường dài hay tàu lửa? Mình không biết tiếng Việt thì sẽ hỏi thăm đường như thế nào đây? Nhìn trên bản đồ thế giới, Việt Nam và Nhật Bản cách nhau hơn ba ngàn ki-lô-mét. Nhưng đối với tôi mà nói, Việt Nam xa hơn thế rất nhiều.

Lúc đó có một người khuyên tôi là thử hỏi thăm Hiệp hội hữu nghị Việt – Nhật xem như thế nào.

Nhật Bản có rất nhiều hiệp hội hữu nghị với nhiều quốc gia khác nhau. Đó là những tổ chức thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước bằng giao lưu kinh tế, thông qua hoạt động kinh doanh và ngoại giao của Chính phủ. Theo tình hình thế giới mà quan hệ giữa hai nước nhiều khi trở nên xa cách, rồi cũng có khi quan hệ giữa hai nước chỉ mới thiết lập cho những chuyến qua lại thông thường. Những lúc như thế, hiệp hội hữu nghị đóng vai trò làm nhịp cầu nối giao lưu hai nước, thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy quan hệ hữu nghị. Trung tâm của hiệp hội là những người hay đoàn thể có mối duyên quen biết với nước bạn, đóng góp sức mình vào việc giới thiệu văn hóa và sự nghiệp giao lưu.

Việt Nam cho đến gần đây đã dần dần thắt chặt quan hệ với Nhật để trở thành một nơi đầu tư và điểm đến tham quan du lịch. Tuy nhiên, tôi không tham quan Việt Nam theo mục đích thông thường, cũng không phải đi nhân danh tổ chức nào. Tôi phải đến Hiệp hội hữu nghị để bước đầu hỏi về đường đi nước bước đã. Nghĩ như thế nên tôi mới liên lạc đến trụ sở Hiệp hội hữu nghị Việt – Nhật ở Tokyo.

Đọc trang web của Hiệp hội hữu nghị Việt – Nhật, tôi hiểu được nguồn gốc của Hiệp hội cũng như những điều liên quan đến Chiến tranh Thái Bình Dương. Một bộ phận binh lính Nhật đã lưu trú tại Đông Dương thuộc Pháp, cùng với người Việt Nam tham gia cuộc chiến đấu giành độc lập. Sau đó, khi Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 (năm Chiêu Hòa thứ hai mươi chín), những binh sĩ Nhật trở về nước vào năm sau đó đã lập nên Hiệp hội hữu nghị Việt – Nhật.

Hiệp hội hữu nghị này trong Chiến tranh ở Việt Nam vẫn không bị gián đoạn việc giao lưu, mở nhiều chi nhánh ở khắp Nhật Bản, nhưng tiếc là không có ở tỉnh Okayama. Do đó, trụ sở Hiệp hội mới giới thiệu tôi đến hội viên N đang sống tại tỉnh Hyogo bên cạnh. Tôi đã kể chi tiết cho anh N về mục đích sang thăm Việt Nam và nhờ anh giúp đỡ.

“Tôi sẽ giúp ông đến Việt Nam. Về hoạt động của ông, tôi sẽ giới thiệu hội viên Hội hữu nghị tại Việt Nam giúp đỡ”.

Nghe được lời nói ấy, tôi bắt tay vào việc chuẩn bị.

Vào Tết năm 2001 (năm Bình Thành thứ mười ba), tôi bắt đầu đi sao chụp hộ khẩu để làm hộ chiếu. Đọc nhật ký vào mấy ngày sau đó, trong đơn xin làm hộ chiếu, tôi viết tên mình bằng chữ Romaji thấy khó khăn, “Thật là xấu hổ”. Đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về mọi chuyện.

“Hôm qua, anh N ở Hiệp hội hữu nghị Việt – Nhật đã gửi lịch trình đi từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 2. Như vậy ngày giờ đã xác định. Cần hơn mười ngàn yên, nhưng nếu kéo dài ra một tháng cũng không vấn đề gì”.

“Hộ chiếu và visa đã chuẩn bị xong. Tôi lập tức điều chỉnh thời gian. Tôi đáp chuyến tàu shinkansen Nozomi 6 giờ 6 phút sáng ở Okayama, đến Shin Osaka vào lúc 6 giờ 52 phút. Từ Shin Osaka khởi hành lúc 7 giờ 18 phút đến sân bay Kansai vào lúc 8 giờ 13 phút. Tôi lên quầy Vietnam Airlines tầng bốn, ra khỏi cổng cần một ngàn sáu trăm yên.

Đi mua vé máy bay khởi hành vào ngày 14 tháng 2. Rẻ hơn mình nghĩ. Chuyến tàu Nozomi từ Okayama đến Shin Osaka có ba ngàn yên”.

Trong thời gian chuẩn bị, nhật ký toàn ghi chuyện sang Việt Nam. Khi ấy, tôi đã gặp phải một chuyện đau đầu không ngờ. Đó là chuyện liên quan đến chiếc máy trị liệu mà tôi đang sử dụng.

Tôi có bệnh ngừng hô hấp khi đang ngủ nên trong khi ngủ phải dùng chiếc máy hỗ trợ hô hấp. Tuy nhiên, đó là một chiếc máy lớn và nặng chừng một vòng tay người ôm. Khi tôi mang chiếc máy đó lên máy bay, đến phần kiểm tra hành lý xách tay thì bị vướng lại, người ta hỏi “Đây là cái gì?”. Tôi là người nước ngoài mang theo chiếc máy khả nghi, lại đi tuyến quốc tế, không hiểu được ngôn ngữ. Nếu xảy ra chuyện, chắc tôi sẽ bị bỏ lại, không được lên máy bay. Tôi hỏi người của công ty hàng không rồi nói chuyện với anh N. Tôi đã chụp hình và ghi thêm lời giải thích trước nhưng người ta trả lời là “không được”. Cuối cùng, khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, tôi phải trình tờ giấy bác sĩ trị liệu chính, trên có viết lời giải thích về công dụng của chiếc máy. Chỉ việc bay sang Việt Nam thôi mà những việc phải làm chất cao như núi.

Trong quá trình khổ sở chuẩn bị xuất cảnh, tôi đã viết trong nhật ký như thế này:

“Ngày 1 tháng 2 đi Việt Nam, sắp được gặp cha. Nếu cha còn sống thì hay biết mấy. Nhưng chẳng có hy vọng gì. Đã năm mươi sáu năm rồi, nay mới được đến Việt Nam, mảnh đất cuối cùng của cha, thì mình phải vui lên chứ. Anh em tất cả giờ đã đổi khác. Những tháng ngày dài, thật dài. Chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Nhiều người chết vẫn chưa một lần được ai đến thăm. Mình muốn thử hỏi ý kiến Thủ tướng xem Chính phủ nhìn nhận vấn đề này ra sao?”

Đơn thân độc mã nơi một đất nước xa lạ, tôi có cảm giác bất an khi đến đây lần đầu tiên. Nỗi bất an càng lớn thì ý nghĩ “nếu những gia đình thân nhân bị hại trong chiến tranh không làm đến mức này thì chắc không thể nào an ủi được các vong linh” càng mạnh trong tôi.

Tuy vậy, đúng theo như trong nhật ký đã ghi, tôi có cảm giác mình sẽ truyền đạt suy nghĩ của tất cả anh chị em đến cha rất mạnh trong tôi. Cùng với việc chuẩn bị hộ chiếu, tôi đã viết thư thông báo cho tất cả anh chị em mình. Rằng tôi đi Việt Nam viếng cha, sẽ gửi đến cha những suy nghĩ của tất cả anh chị em mình. Tôi muốn truyền đạt tất cả lời nói của những đứa con đối với người cha đang yên nghỉ nơi vùng biển Việt Nam. Vì tôi sẽ hướng về cha ở nơi tế vong linh và đọc lên những suy nghĩ này, nên tôi mới nhờ mọi người viết thư gửi cho tôi.

Những bức thư của các anh chị em đến với tôi vào tháng 2, lúc đã cận kề ngày đi. Riêng mình, tôi cũng viết những điều mình nghĩ ra giấy vào ngày 12 tháng 2 trước ngày xuất cảnh.

“Cuối cùng tôi cũng viết một mạch xong bức thư gửi cho cha những băn khoăn của tôi lâu nay. Gom lại có tất cả sáu lá thư. Tôi bỏ thêm vào hình cha với mẹ trong chiếc phong bì.”

Ngày 14 tháng 2, hai ngày sau. Tôi thức dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng, trình bày kế hoạch của mình trước bàn thờ Phật. Trước khi rời khỏi nhà, tôi kiểm tra lại hành lý. Tôi căng thẳng đến mức kiểm tra lại ba, bốn lần.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button