Review

Miền Tây

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Tô Hoài
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 358
Ngày tái bản 07-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Tô Hoài đã dành cho cuốn tiểu thuyết những nét vẽ chân thật và sinh động nhất, với hình ảnh những người con đất Phiềng Sa tình nghĩa đã sống qua hết những vất vả, đau thương, đấu tranh và dựng xây. Khai thác nhiều tư liệu lịch sử, chính trị, quân sự, tác phẩm đã tạo nên những bức tranh đối lập xưa và nay trong cuộc sống, số phận con người Phiềng Sa. Ở đó, hình ảnh con người chưa bao giờ được tác giả tạo nên bằng bút pháp lí tưởng hóa, mà họ luôn chân thật và gần gũi, mang đầy đủ mặt tốt và mặt xấu của một con người bình thường trong đời sống. Chính vì thế, họ đã sống rất lâu và vững bền trong trái tim rất nhiều độc giả Việt.

[taq_review]

Trích đoạn

Nghĩa để một phần cơm nếp vào chạn biếu ông cụ, rồi mới ăn gói cơm.

Lát sau, Nghĩa ngồi hút thuốc lá lập lòe bên lửa, lòng bình thản. Cảnh bình thường, quen thuộc này thường thấy mỗi buổi tối đi công tác rẽ vào ngủ nhờ trong xóm. Chủ nhà quen hay lạ, ít nói, không nói, có khi người ta ngại, có khi chẳng vì cớ gì. Không nói nhưng ai nấy vốn tốt bụng cho nên mọi việc cư xử cứ êm đềm và tự nhiên. Nghĩa đã quen thế rồi.

Nghĩa trầm ngâm hút thuốc, nghĩ lơ mơ gần xa. Phú Thọ.

Những khi rỗi và vắng, thường thả mình rong ruổi về đất quê. Nghĩa lên công tác Tây Bắc từ lâu. Cha mẹ đã khuất núi, anh em thì mỗi người một phận rồi. Cho nên, tuy nhớ, nhớ miên man nhiều mà chẳng rõ nhớ ai. Đồi cọ, lá già xanh biếc, lá non nõn như lụa; đồi chẩu vào hè hoa trắng; mùa dứa mùi dứa thơm đến ngọt cả nắng; vui nhất là những vụ hái chè đầu xuân; nước giếng chân đồi Phú Thọ trong mát đã có tiếng; sông Thao “nước đục người đen”; nhớ sao nhớ thế, cứ đếm lại từng đứa bạn trai gái cùng lứa tuổi.

Ông cụ cầm chiếc que đóm dài châm vào bếp. Ông cụ sắp đi đâu? Ánh lửa hẩng lên, soi rõ mặt người cán bộ và cụ già lặng lẽ.

Đêm hôm thế này, ông cụ đi đâu? Đột nhiên, Nghĩa lại ngại một sự gì bất trắc. Hay là đi báo bọn xấu, bọn cướp đến giết người lấy súng rồi nổi phỉ? Không có lẽ. Nghĩa đã thuộc cả Phiềng Sa, từ lâu, vốn thuần những người tốt. Bọn tay sai thống lý Mùa Sống Cổ cũng trốn sang Lào đã mấy năm nay rồi. Thế thì ông cụ đi đâu bây giờ? Có bọn phản động bên kia biên giới thường lẻn về – trưởng thôn Pàng mới nói thế. Mà ở giữa rừng đêm nay chỉ độc một ta với lão.

Nghĩa hỏi. Phải hỏi xem ông cụ định đi đâu.

Ông cụ chợt ngẩng nhìn Nghĩa. Thế rồi ông cụ lại điềm nhiên dụi tắt bó đóm đã bùng lửa, ngồi vào hóc cột, lại đan lưới.

Như lúc nãy, chỉ còn có đống lửa bếp leo lét với hai người.

Nghĩa ngủ phấp phỏng. Cũng một phần vì cẩn thận, mà cũng tại nhiều bọ chó quá, suốt đêm bọ chó sục sạo khắp người. Dưới châu Yên bây giờ thật dễ chịu, thuốc ĐĐT phun mỗi năm hai lần, trắng cả làng xóm, không đâu còn sót một mống bọ chó, rệp, ruồi vàng.

Ông cụ đan lưới bên ổ lá, không ngủ.

Đêm đầu hè trên núi, khuya, hiu hiu lạnh như đêm tháng mười. Tiếng nõ điếu sòng sọc rít vừa dứt, con ngựa đứng dưới gầm sàn bỗng rùng mình, hắt hơi loạn một chập, rồi im. Cái vắng càng trùm lên, thăm thẳm hơn trước.

Người không ngủ được, ngồi dậy, cời lửa, nghe con hươu rời rạc kêu theo bóng khuya, từng tiếng đi dần từ núi ngoài vào núi trong, nghe thế cũng đoán biết được đêm đã sang canh mấy.

Ông cụ rít hơi thuốc nữa xong, cất tiếng hỏi:

– Cán bộ này…

Nghĩa thú vị, nghĩ thầm: “Đấy, ông lão bắt đầu quen với mình, cứ tự nhiên thế thôi mà”. Nghĩa sốt sắng:

– Cái gì, hả cụ?

Ông cụ hỏi:

 – Tại sao người đi đường nghe hươu kêu lại gặp điềm xấu, ai thấy con chim bay qua phải bỏ cả cái nương đương phát. Trời ghét gì người Xá mà chỉ cho ta cái sợ, cái khổ thôi!

– Không phải, thằng Tây làm ta khổ.

Ông cụ lặng im một lúc, rồi nói tiếp, nói những gì ở đâu đâu:

– Ai đi đường, tay cầm điếu thuốc, gặp con hổ thì đừng chạy, đưa điếu cho hổ hút bốn mồi thuốc ngon thì hổ nói. Hổ sẽ nói: bao giờ người Kinh theo vua Kinh, người Xá theo vua Xá, thì mới hết khổ, phải không?

– Không phải đâu. Đứa nào nói thế, a cụ?

Những câu ông cụ nói như nói một mình giữa đêm, cứ từng tiếng rời rạc, ú ớ, như gọi hồn, như khóc. Người nghe tưởng ra trong bóng tối có con hổ đến cầm cái điếu cày hút thuốc, có người chết đương ngồi dậy. Nghĩa nhìn xoáy mắt vào ông cụ. Mặt ông cụ lồi lõm như tảng đá, vẫn thản nhiên.

 Nghĩa hơi xẵng:

 – Đứa nào nói thế thì cho nó xuống tù dưới châu Yên. Nói nhảm!

Ông cụ cúi mặt, ngó quanh, sợ sệt. Nghĩa dịu lời, hỏi lại:

– Đứa phản động nào nói thế, cụ già ơi?

Ông già cúi đầu, lại lặng im. Sau Nghĩa hỏi gợi ngọt nhạt thế nào ông già cũng không nói nữa.

Nghĩa biết có nhiều cụ già Mèo, cụ già Xá hay cụ già Thái “đầu óc mê tín”, lúc nào cũng như đương sống lẫn với người chết. Các cụ hay băn khoăn chuyện người chết sống lại, cho là có thật. Ông cụ này chắc cũng có tính lẩn thẩn ấy. Nhưng Nghĩa còn cảm thấy ông cụ hình như không phải chỉ lẩn thẩn hay bị ma ám. Ông cụ có những nghĩ ngợi khó hiểu. Nghĩa ngờ ngợ.

Con từ quy khắc khoải gọi bạn suốt đêm trong rừng sâu bây giờ đã bay ra tới đầu nhà: trời sáng. Nắng sớm cuồn cuộn lồng lên từng tảng sương xanh thẫm, xanh nhợt rồi tan xanh lơ. Mép núi lóng lánh sáng. Những triền đá, những cánh đồi tranh xám mờ chiều qua đi ngủ bây giờ lại miên man rướn lên một làn sóng chàm biếc vượt xa quá tầm mắt.

Trời quang quẻ nắng, những u uất và bí mật khó hiểu cũng rũ xuống đâu mất.

Nghĩa xuống thang sàn, nói to, vui vẻ:

– Cụ ơi! Hôm nào cụ cho tôi ăn cá với. Chào cụ!

Nghĩa nhanh nhẹn đi. Ông cụ lẩm nhẩm chào lại hay khấn khứa gì không biết, rồi đứng dậy, rút nhanh con dao tước đay trên hóc cột, ra đầu tháng, nhìn theo Nghĩa đương lúng túng dắt con ngựa đau móng, con ngựa cứ nhót chân nhảy chụm, trượt trên gờ đá.

Ông cụ lại vào nhà, lấy cặp sừng trâu ra gieo quẻ. Lát sau, ông cụ tần ngần ngồi xuống, lại tước đay như cũ.

Một lúc lâu, ông cụ nhìn lên, thấy nắm cơm nếp cán bộ biếu, để trên gác bếp từ tối qua. Ông cụ buông thõng tay dao, thừ mặt, nghĩ, rồi thở dài.

Nghĩa đi quá nửa buổi thì xuống đến Ná Đắng

Xóm Ná Đắng thấp thoáng bên những ngọn nước kè trắng từ trên núi buông xuống ngay đầu nhà.

Cả xóm đi nương vắng. Đương vụ mà chưa kịp làm cỏ, ngô và cỏ tranh đua nhau lên, rậm lút đầu. Nương rẫy lúc giáp hạt, chưa trông thấy gì ăn được, chỉ tràn lan một màu xanh khó nhọc, rợn mắt.

Những đám khói ủ lửa đầu bờ còn âm ỉ. Tiếng chó chạy sủa tang tang trong rừng ẩm ướt. Nhưng không thấy người. Chắc trong rừng có người đi tìm đào củ mài.

Người vợ trưởng thôn Pàng vừa về tới nhà.

Chị địu một giỏ khoai nước, chất cao hơn đầu. Sợi dây quai “giỏ” chằng lên trán, phải níu tay vít xuống cho dày căng khỏi vướng đầu đứa con ngồi địu sau lưng. Bé đương ốm. Bé úp ngoẹo mặt vào lưng mẹ, hai chân sạm đen, thòng xuống như hai cái dải khoai. Bé anh theo sau, cũng cõng cái giỏ khoai to. Về tới trước cửa, vừa ngồi thụp, cả bé anh và cái giỏ nặng đều lăn ình ra.

Nghĩa hỏi:

– Đồng chí Pàng đi đâu?

Người đàn bà đáp khẽ:

– Không biết.

Nghĩa đợi một lúc thì Pàng về. Pàng cởi trần, mình nhợt nhạt như ngâm dưới suối lên. Một giỏ nặng củ mài và rau lợn buông trên lưng xuống. Buổi chiều, mỗi người đều đi kiếm bữa ăn về nhà. Cái lưới vẫn vướng lòng thòng trên nửa vai. Thấy Nghĩa, Pàng luống cuống quên gỡ.

Pành nói như reo:

– Anh Nghĩa vừa xuống à!

Buổi tối ấy Nghĩa ăn cháo củ mài nấu nõn chuối ở nhà trưởng thôn Pàng. Cái đóm Pàng cầm soi vào mâm ăn cứ bị tắt luôn. Nhưng cũng chẳng cần đến chút lửa chập chờn. Có gì phải gắp đâu. Nghĩa hỏi:

– Hôm nọ Pàng có lên mua dầu hỏa không?

– Có.

– Sao không thắp đèn?

Pàng đứng dậy, lấy trong hóc cột ra cái ống nứa đựng dầu hỏa bọc lá chuối khô, như ống mật. Pàng đưa ống cho Nghĩa ngửi biết mùi dầu hỏa như để khoe Nghĩa biết Pàng có dầu hỏa, chứ Pàng cũng không thắp. Nghĩa nói:

– Chưa có bóng à?

Hỏi xong Nghĩa mới nhớ dưới châu Yên cũng hết bóng đèn. Và Nghĩa càng thấy Phiềng Sa cần có một cửa hàng tổng hợp bách hóa cố định rôm rả vài trăm mặt hàng.

Nghĩa đoán Pàng không thắp đèn có thể còn vì một lẽ ở đây người ta quý dầu hỏa. Dầu hỏa hiếm, lâu lắm mới lại được thấy dầu hỏa. Nhưng Nghĩa không biết làng không thắp đèn vì có đứa xấu đương nói dầu hỏa của Chính phủ có ma chài, Pàng cũng ngại thắp. Con Pàng đương ốm.

Nghĩa hỏi thêm:

Bà con lên mua muối mua dầu hỏa đủ cả chứ?

Pàng nói:

– Đủ.

Bé em nằm đằng góc sàn ỉ ê khóc. Vợ chồng Pàng xúm đến. Nghĩa xuống gầm sàn vác củi lên, cời bếp cho to lửa. Bé anh vừa buông bát cháo, đã ngủ khì ngay bên bếp ấm và sáng.

Lúc bé em dịu khóc, Nghĩa lại hỏi Pàng:

– Nhân dân đương bận lắm a?

– Ai cũng đi ở nương làm cỏ, đồng chí ạ.

 – Ta họp xóm được không?

– Phải gọi về mới họp được.

– Thế thì mai họp, đồng chí Pàng à.

Nghĩa bàn cách cho Pàng họp xóm. Những điều thiết tha thường nghĩ, Nghĩa đã sắp đặt thành kế hoạch từ lúc đi đường. Nghĩa nói theo công việc và lòng mình đương sôi nổi.

Pàng ngồi nghe, nhưng trong bụng còn vướng bao nỗi lo khác. Chốc Pàng lại bước ra sàn bên, ôm đứa con vẫn lả trên cánh tay. Pàng lo quá. Nghĩa thì chăm chăm những việc mình đương nói. Ngay từ lúc mới đến Ná Đắng, Nghĩa đã thấy mọi khó khăn của mọi người và của Pàng đúng như Pàng nói hôm trước. Nghĩa nghĩ: “Xã hội chủ nghĩa thì việc gì cũng tốt, trước sau giải quyết cả thôi. Ngày mai, Thào Khay sẽ xuống chữa bệnh cho con Pàng. Năm nay, Ná Đắng vào tổ đổi công và cuối năm, cả Phiềng Sa có cửa hàng mậu dịch, rồi tổ đổi công lên hợp tác xã, lần lượt thế đấy” Nghĩa tin những việc tốt ấy, việc của cách mạng và hạnh phúc, nhất định ai cũng đều thích. Và thế là Nghĩa chẳng để ý đến nỗi niềm riêng của Pàng nữa.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button