Review

Mẹ, Thơm Một Cái

Thể loại Kỹ năng – Sống đẹp
Tác giả Cửu Bả Đao
NXB NXB Thời Đại
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 230
Ngày tái bản 03-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ,

tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ

Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.

Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.”

Không cần nhiều lời hoa mỹ, lòng yêu thương mẹ của Cửu Bả Đao đầy ắp những trang anh viết trong giai đoạn bên giường bệnh người mẹ. Tình cảm thiêng liêng đó vốn chẳng riêng ai, thật dễ lan truyền tới mỗi chúng ta, nên mỗi khi mở cuốn sách này ra, tim ta lại rung lên những nhịp xốn xang về Mẹ.

Nhận định

“Ba yếu tố của một cây bút: Tình cảm, nguồn cảm hứng và động lực. Trong cuộc đời tôi, tình yêu mà mẹ dồn cho tôi có đủ ba thứ đó.”

“Tôi từng là một hình ảnh của nhiệt huyết, một totem đã được công nhận, nhưng khi ai cũng nói đến nhiệt huyết, thì tôi hiểu rằng, đến lúc phải đi tìm những trận chiến khác.” (Cửu Bả Đao)

[taq_review]

Trích đoạn sách

5/12/2004

Hôm nay sinh nhật mẹ.

Nhưng sáng sớm bà nội đã gọi tôi dậy, lo lắng hỏi tôi xem có cần đưa Puma đi khám không, tôi thất kinh hỏi tại sao, bà nói trông Puma hơi lạ.

Tôi lao xuống nhà, thằng út đang ôm Puma ngồi trên ghế.

“Vừa xong Puma ngã ra đất co giật, còn kêu au au…” Út kể.

Puma mềm nhũn hai chân, không ngồi ngay ngắn được, gần như không đi được, không ăn không uống, lưỡi trắng khô nẻ. Nhưng mà tối hôm kia vẫn bình thường mà! Sao bỗng dưng ra nông nỗi này?

Tôi thở dài, tâm trạng căng thẳng tiêu tan, thay vào đó là nỗi cô đơn bất lực.

Đón Puma sang tay mình, thân hình nhỏ bé của nó dường như chẳng còn chút hơi sức nào, một cục thịt có lông mềm nhũn nhẽo.

“Puma, mày muốn đi rồi ư?” Tôi đau đớn hỏi, nhưng giọng nói lại bình thản đến kinh ngạc.

“Mày đừng có ở đấy nói linh tinh nữa!” Bà nội cau mày.

Puma bước vào cuộc sống của tôi khi tôi học năm cuối trung học cơ sở, tính ra đã được mười ba năm. Mười ba năm rồi, những cái răng nhỏ xinh năm xưa đã rụng hết sạch, đành để lưỡi lúc nào cũng thè ra phân nửa, râu ria xám trắng, lông vàng thưa thớt, không phi nổi, không lên được cầu thang, không thể nhảy xuống khỏi giường, mắt còn hơi bị đục thủy tinh thể. Một con chó già đúng chuẩn.

Puma nhìn tôi, yếu ớt cuộn mình lại.

Ngón tay tôi đặt lên ngực Puma để kiểm tra, tim nó đập lúc nhanh lúc chậm. Tôi gí mũi vào sát mồm, nó cũng chẳng liếm. Puma trông rất yếu.

“Puma, sao mày chọn lúc này để cướp sân khấu, rõ ràng không phải lúc mày ra diễn mà.” Tôi ôm nó, cảm giác nó có thể nhắm mắt bất cứ lúc nào, không bao giờ tỉnh lại.

Nếu mẹ không bị bệnh, lúc đấy chắc tôi sẽ òa khóc.

Nhưng tôi nén lại phần tình cảm xúc động đó, lựa chọn thái độ chấp nhận.

Tôi từng đem Puma đi bác sĩ thú y khám cảm cúm, khám sỏi niệu đạo. Hai lần nằm lên bàn khám kim loại lạnh toát, hai lần Puma sợ run bần bật. Cảnh tượng đó đến giờ tôi vẫn không thể quên, nếu có thể tôi sẽ không bế Puma yếu ớt đi khám thú y nữa, để khỏi phải nghe những câu đau lòng.

Có người bảo, một con chó trong đời chỉ nhận một người làm chủ nó.

Thật vinh dự, Puma đã lựa chọn người yêu quý nó nhất, là tôi.

Tôi cứ lo sợ Puma sẽ qua đời trong khi tôi học đại học ở Tân Trúc, hoặc trong khi tôi học cao học ở Đài Trung, hoặc khi đang viết lách ở Đài Bắc, hoặc trong lúc tôi đi nghĩa vụ quân sự sau này. Tôi luôn mong nó có thể nhắm mắt lần cuối trong vòng tay của mình, và cho rằng nó cũng có suy nghĩ như vậy.

Nếu Puma chọn lúc này đây để từ biệt tôi, chẳng phải cũng phù hợp với nguyện vọng của cả hai đứa sao?

Mười ba năm , có lẽ cũng đã đủ. Mặc dù tôi sẽ rất đau buồn.

***

Hôm nay lắm tai nhiều nạn. Anh cả từ bệnh viện về, đổi sang ba đi trông mẹ. Anh kể tối qua mẹ sốt 38,7 độ, còn bà Ngô giường đối diện sốt hơn 39 độ, sốt đến mức mắt gần như không thấy gì, và bắt đầu nôn, làm cho mẹ rất sợ. Trong khi đó người phụ trách chăm bà Ngô là ông chồng thì hình như đang bị cảm! Trời ơi, tồi tệ quá, đó là buồng bệnh cách ly cơ mà, rủi lỡ lây sang bệnh nhân thì chết. Hy vọng mọi người mau hết sốt, chuyên tâm vào cuộc PK với ung thư.

Buổi chiều tiễn Xù ngồi xe buýt liên tỉnh về Bản Kiều xong, ba anh em tôi lại đến đình Quán Âm gần đó để lễ Phật, cầu xin Bồ tát chủ trì hóa giải oán nợ đời trước cho mẹ, rồi xin quẻ âm dương.

Sau khi về nhà, anh cả nhắc tôi có thể Puma ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng mới mất sức như vậy, chứ không phải đã đến số. Anh bảo bà nội hay cho Puma ăn lung tung, bánh bao bánh ngọt nọ kia, cả một bát thức ăn cho thú cưng bám bụi lâu không đụng đến, cực kỳ thiếu chất. Anh nhìn thấy mà phát bực mình.

Tôi nghĩ ngợi, thấy rất có thể. Nhớ lại hồi đại học năm hai, Puma cảm gần chết.

Hồi đó tôi biết tin liền bắt xe đêm về nhà, vừa vào cửa đã thấy mẹ đang cầm ống tiêm đầy sữa đút vào mồm Puma, ép nó bổ sung dinh dưỡng. Nhưng Puma thấy tôi về nhà, liên nôn ộc sữa ra, loạng choạng chạy đến với tôi. Tôi rưng rưng nước mắt, bế Puma yếu ớt nhưng vui mừng lên lòng. Mẹ bảo, thật là hiếm có, Puma không ăn cũng chẳng nhúc nhích, vừa thấy con về đã khác hẳn.

Đêm hôm đó, tôi ngủ bên cạnh Puma, nhưng ngủ rất chập chờn. Hễ Puma lâu lâu không động cựa, tôi liền ghé đầu sang xem, quan sát xem Puma có quên thở hay không, chỉ sợ sơ suất một tí là bỏ lỡ thời khắc đau thương Puma lìa đời.

Hôm sau, tôi bắt đầu chữa trị cho Puma theo cách của mình. Tôi chan nước thịt vào cơm trắng nóng, lại thêm rất nhiều ruốc thịt, nhai thật nhuyễn rồi cho ra lòng bàn tay, đưa Puma liếm ăn. Puma “nể mặt”, chỉ cần là tôi cho ăn, nó liền chịu khó thử vài miếng. Khi bắt đầu có cảm giác ngon miệng, nó càng lúc càng có sức nhai đồ ăn.

Hai ngày sau, Puma dần hồi phục sức khỏe bị hao hụt vì cảm cúm.

Lại có thể chơi với tôi thêm vài năm.

***

Buổi tối nay tôi đi siêu thị mua một suất cơm thịt lợn xá xíu, thêm hai cái trứng chần lòng đào. Tôi trộn đều cơm với thịt lợn và nước thịt thơm phức, chọc lòng đỏ trứng sền sệt ra, trộn tiếp, sau đó nhai trong mồm như mọi lần cho nhuyễn rồi nhả vào lòng bàn tay.

Puma ngửi hít xong bò ra góc, không ăn.

Tôi dùng ngón tay quệt một ít bôi vào mép nó, Puma mới miễn cưỡng ăn một miếng. Ăn được một miếng rồi, bắt đầu hăng hái hơn.

“Đấy, rất ngon đúng không, sống thêm hai năm nữa, làm con số chẵn, ở với anh mày mười lăm năm xong mình mới nói chia tay.” Tôi rất vui, nhìn Puma từ từ ăn miếng cơm trứng chần thịt xá xíu nước bọt trên tay mình.

Tổng cộng ăn được ba cục cơm như thế xong Puma mới uể oải nằm soải ra nghỉ ngơi.

Tôi cám cảnh, khi mẹ ở nhà, Puma được ăn tốt thế nào.

Tôi đã từng nói, mẹ sẽ thích những thứ anh em tôi thích, một cách rất tự nhiên.

Mỗi lần mẹ mua bánh sủi cảo hấp về, đều sẽ lột vỏ mấy cái lấy nhân thịt cho Puma ăn. Mỗi lần mẹ xào mì, cũng thường lựa nhặt thịt nạc và tôm nõn trong mì cho Puma. Lần nào cũng vậy, tới mức tôi nổi quạu, chỉ còn cách chỉ thị cho mẹ hãy để tôi phụ trách cho Puma ăn, còn mẹ chỉ cần ngoan ngoãn ăn phần của mình là được, nếu không thì từ đầu đến cuối mẹ chỉ có ăn mì không.

Khi Puma bệnh, mẹ lại chu đáo cho nó uống thuốc, đến độ cuối cùng Puma chỉ phục tùng mỗi mình mẹ. Trừ phi mẹ đích thân cho uống, người khác đừng hòng bảo được Puma nằm yên há miệng ra. Trong nhà cũng chỉ có mẹ và tôi bắt rận cho Puma. Mẹ cũng là người đầu tiên thôi không phản đối tôi ôm Puma ngủ.

Tối qua đón Kurumi duyên phận không sâu từ nhà A Hòa ra, đem gửi đến nhà bạn gái anh cả. Vừa xong A Hòa gọi điện thoại, hẹn hôm nào bắt tôi ăn mừng, hẹn ngày giờ xong, A Hòa bất giác thở dài, nói đi đá bóng về, không thấy Kurumi nữa, có phần cô quạnh.

“Thì kiếm con chó về nuôi, tiếp xúc với chó giúp tâm hồn con người dịu lại đấy.” Tôi nói: “Không chừng có thể quen được một bạn gái rất đáng yêu.”

Thật ấy chứ.

Người có thể mang lại hạnh phúc cho một con chó, nhất định là khắp người tràn đầy năng lượng hạnh phúc.

Thấy Puma lại bắt đầu dùng ánh mắt xin tôi dắt ra ngoài “giải tỏa bức xúc”, nhìn bộ dạng nó cào cào nền nhà, tôi bất giác nghĩ, tiếng kêu thảm thiết trong khi Puma co giật trên nền nhà sáng nay đáng lẽ phải dịch ra thành: “Tôi sắp chết đói rồi!”

7/12/2004

Hôm nay vẫn rất lo cho Puma, tiến độ bình phục của nó bị chững lại, thậm chí còn bắt đầu xấu đi.

Puma lại bắt đầu uể oải, không muốn đụng vào mấy miếng thịt hộp, tôi phải bóp nhuyễn cho lên lòng bàn tay, Puma mới thử liếm láp. Sau đó hàm dưới tỏ ra không còn sức lực, Puma phải lắc lư cái đầu để giữ miếng thịt trong mồm. Ăn mười mấy phút, rất nhiều vụn thịt vương vãi khắp mặt đất.

Tôi nhớ tới lời đồn dân gian mà anh cả từng nói, có khi chó đi thay người.

Puma rất thân với mẹ, ba anh em tôi hầu như đều không ở nhà, chỉ có thằng con – chó Puma chơi với mẹ. Nếu Puma quyết tâm gánh hạn cho mẹ, nói thật là tôi vừa cảm động vừa vui mừng, không nỡ lòng ngăn cản. Nhưng có chuyện như thế hay không vẫn là một câu hỏi!

Tối hôm trước đến lượt tôi ngủ ở nhà. Tôi ôm Puma, thân nó mềm oặt quá đáng, nằm yếu ớt trong lòng tôi, cùng nhau chui vào trong chăn lông cừu rất lâu. Điều này rất lạ, vì Puma bình thường không kiên nhẫn cho tôi ôm lâu đến thế. Nó thích nằm khoanh tròn bên cạnh chứ không cho tôi ôm mãi, cơ thể toàn lông của nó sẽ bị nóng đến mức giãy nảy. Puma để cho tôi ôm quá mười phút là sự bất thường.

Mắt nhắm nghiền, Puma thở rất gấp, hơi thở phun ra từ cái mũi khô khốc, lúc này tôi lại trở về trạng thái rất bình thản. Tôi vuốt ve Puma, chân thành và buồn bã nói: “Puma à, nếu mày thấy mệt mỏi thực sự, thì chết đi thôi, không sao cả. Nhưng mày phải nhớ nói với Bồ tát, là mày muốn đầu thai làm con trai của anh hai mày, biết không? Anh hai mày tên Kha Cảnh Đằng, nếu mày không biết nói, anh hai mày cũng sẽ xin Bồ tát…” Tôi nói thẳng tuột chẳng e dè.

Cứ chốc chốc nhát nhát như thế, lại qua một đêm. Puma đổi rất nhiều tư thế, ngủ không yên.

Ngày hôm sau, lại đến phiên tôi vào bệnh viện chăm mẹ.

Trước khi vào viện, tôi chạy ra mua mấy hộp đồ ăn đặc biệt cho chó. Puma không còn răng, lại không có tôi dùng tay bóp nhuyễn thịt cho nó, tốt nhất mua loại thịt đã được nghiền sẵn.

Nhưng mà mở hộp ra để xuống đất, Puma thậm chí chẳng thiết ra ngửi lấy một lần, nó chỉ ngồi hoặc nằm, đứng dậy đi mấy bước đã rất uể oải. Đôi mắt long lanh nhìn tôi.

Tôi miết một ít thịt xay trên ngón tay, vừa quệt vừa dụ, Puma mới miễn cưỡng nhá một tí.

Ôi chao, kiểu này làm sao tôi yên tâm vào bệnh viện?

Long trọng dặn dò bà nội phải bỏ thêm công sức cho Puma ăn, đừng thấy nó không ăn thịt để dưới đất mà tưởng nó no bụng, phải nghĩ cách miết ra tay để dỗ nó v.v…

Nhưng thâm tâm tôi biết rõ, dặn dò thế là thừa, vì tay tôi đối với Puma có ý nghĩa khác tay người khác.

Đến chỗ mẹ, tôi không giấu được bí mật, lo lắng kể với mẹ có lẽ Puma không khỏi được, chắc sắp chết rồi.

“Phải cho Puma uống thuốc gan với thuốc cảm. Hồi trước lúc Puma không khỏe, mẹ cho nó uống thế đấy.” Mẹ nằm trên giường, gọi di động cho anh cả, dặn anh nhất định phải cho Puma uống như thế.

Tôi tì người trên thành giường bệnh, hy vọng mẹ đúng.

Anh cả lên Đài Bắc gặp giáo sư hướng dẫn, thằng út đi cùng.

Lại chỉ còn một mình tôi.

8/12/2004

Sáng sớm, trước khi truyền tiểu cầu máu, xảy ra một chuyện khiến tôi hết sức ăn năn.

Y tá giúp mẹ lấy máu xét nghiệm thành phần định kỳ. Sau khi rút kim ra, y tá dặn tôi giữ chặt chỗ lấy máu, tôi làm theo nhưng không đủ mạnh tay. Kết quả là sau chục phút, chỗ lấy máu ở cánh tay mẹ sưng tấy và thâm quầng. Tôi gần như chết lặng.

“Do máu thiếu tiểu cầu đấy, nên mạch máu dễ bị vỡ hơn bình thường, lần sau nhớ giữ chặt hơn nữa.” Y tá giải thích, mẹ cũng nói tôi mấy câu. Tôi đủ muốn đâm đầu vào tường.

Còn mẹ bắt đầu cảnh tượng ho ra máu đầy kinh hoàng.

Đều là do nguyên nhân thiếu tiểu cầu, từ niêm mạc họng cho đến mao mạch phổi đều rất dễ bị tổn thương khi ho mạnh. Thêm vào đó là điều hòa làm cho không khí khô lạnh, niêm mạc càng dễ bị khô hơn bình thường.

Mẹ vừa cẩn thận bọc máu ho vào trong giấy vệ sinh, vừa xem bảng nhiệt độ mà anh em tôi ghi chép, tự nghiên cứu chu kỳ và quy luật lên cơn sốt của mình, rồi chỉ đạo tôi đi xin y tá thuốc giảm sốt.

“Mẹ rất không muốn bị sốt nữa.” Mẹ nói, giải thích rằng rất có thể trong vòng nửa tiếng nữa sẽ bắt đầu sốt, trong khi nhiệt kế cũng cho thấy rõ ràng thân nhiệt của mẹ đang tăng dần.

Lòng tôi cứ thắt lại vì lo lắng. Để vỗ yên nỗi bất an về cơn ho của mẹ, tôi lại bắt đầu chép “Tâm kinh”.

Y tá cuối cùng cũng cho mẹ uống thuốc giảm sốt. Mẹ bắt đầu đổ mồ hôi trộm, tôi cầm khăn bông lau lưng ướt đầm của mẹ.

Tôi lại nhắc đến Puma, tôi rất sợ nó chết khi tôi không ở nhà.

“Không chừng Puma thấy mẹ không có nhà, biết mẹ bị ốm rồi. Thế nên nó mới ốm theo. Chà, lúc tụi mày không ở nhà, mẹ toàn nói chuyện với nó…” Mẹ nói, hình như có chút an ủi trong lòng khi Puma “tâm ý tương thông”.

Mẹ vẫn quanh quẩn giữa sốt với ấm, tay trái tiêm thuốc chống nấm, tay phải truyền máu. Còn mười hai bịch tiểu cầu trông rất ngộ nghĩnh thì vừa mới tiêm hết.

“Chắc chắn là như vậy rồi. Mẹ ơi, cho nên mẹ nhắm mắt lại đi.” Tôi nói.

Mẹ nghe lời, nhắm mắt lại.

“Mẹ ơi, mẹ bắt đầu đi từ Chương Cơ về nhà, sau đó thăm Puma.” Tôi nói.

Mẹ gật gật đầu, hơi nhíu lông mày.

Tôi có thể cảm thấy hình ảnh trong đầu mẹ như một cuộn phim đang chiếu.

“Mẹ xuống bên dưới lầu của Chương Cơ rồi, chuẩn bị đạp xe về nhà đây.” Mẹ nói, hai mắt vẫn nhắm.

“Vâng ạ.” Tôi hân hoan.

“Mẹ nhìn thấy Puma rồi. À, mẹ phải nói gì với nó?” Mẹ mở mắt ra hỏi tôi.

“Thì nói Puma mày phải chóng khỏe, phải cố gắng ăn.” Tôi trả lời.

Mẹ lại nhắm mắt, miệng lẩm nhẩm một hồi.

“Nói xong rồi, mẹ phải về Chương Cơ đây.” Mẹ nói, như thể vừa thở phào.

“Vâng ạ, về nhanh nhanh.” Tôi đồng ý.

“Mệt quá, đạp xe lâu, hết cả hơi.” Khá lâu sau, mẹ lại mở mắt.

“Vâng, Puma nhất định sẽ khỏi.” Tôi gật gật đầu, rất cảm động.

Sau đó mẹ tiếp tục ngủ, tôi ở bên cạnh vừa chép “Tâm kinh” vừa canh tiến độ truyền máu.

Mãi mới truyền xong. Mẹ tỉnh dậy, hết sốt, thuốc giảm ho do y tá tiêm cũng có tác dụng. Mẹ không còn ho dữ dội nữa.

Mẹ ngồi dậy trên giường, ghi chép tình trạng sức khỏe. Thật dễ dàng đã tập trung vào công việc.

Tôi rất buồn ngủ. Tinh thần rất rệu rã, chẳng viết nổi bất cứ truyện gì. Tôi quyết định ngủ một tiếng đồng hồ.

Trải giường xong xuôi, đặt đồng hồ báo thức, tôi hớn hở với cảm giác sắp được ngủ ngon.

“Mẹ ơi, con về thăm Puma đây.” Tôi nói, xoay mình ôm chăn.

“Ừ, mày lấy xe đạp mà đi, mẹ để dưới nhà.” Mẹ trả lời, tay sửa kính.

Tôi giật cả mình.

Ái cha cha, mẹ thật là thánh đối thoại của tiểu thuyết!

Nếu ai cũng bình phục, thì tốt biết mấy…

10/12/2004

Tôi rất thích ngồi bên giường bệnh, sờ tay của mẹ, mân mê nhẹ nhàng những đường tĩnh mạch màu xanh xung quanh vị trí kim truyền, ấn, trượt, gảy gảy từng ngón tay. Sau cùng nắm trọn.

Chăm sóc một người từng li từng tí có thể khiến bản thân trở nên dịu dàng.

Mặc dù vậy, vẫn quá tàn nhẫn khi phải nhờ vào việc mẹ mắc bệnh tôi mới hiểu ra điều đó.

Để tránh truyền nhiễm, sau khi làm bất cứ việc gì đều phải chăm rửa tay. Ra vào buồng cách ly phải rửa kỹ bằng thuốc đỏ sát trùng rất hắc, sau khi đi vệ sinh và sau khi ăn cơm đều phải bôi sữa rửa tay, còn phải nhắc nhở mẹ làm theo. Rửa đến mức tay thành ra tay quý tộc, sờ vào quần áo thôi cũng thấy dăm dăm rậm rạp, phải thoa kem bôi trơn da. Dĩ nhiên cũng phải bôi giúp mẹ.

Trong lỗ mũi mẹ có một vết thương rất khó lành. Trước khi dùng tăm bông chấm thuốc bôi vào đó, mẹ nhắc tôi dùng nước muối sinh lý rửa tăm bông, sau đó chấm một lớp kem thuốc mỏng, lúc bôi phải ngưng thở định thần, chỉ sợ làm mẹ đau.

Sợ nước ở máy uống nước không sạch, anh cả kiên quyết chỉ cho mẹ uống nước khoáng đóng chai, còn chỉ định cả thương hiệu. Cả ống hút để uống nước cũng phải chọn loại của 7-11 được bọc trong gói giấy, ít bị bụi bám. Bình thường, một chai nước khoáng kèm một ống hút, uống hết là vứt đi luôn, không được tiếc rẻ. Thành thử mỗi lần ra hiệu tạp hóa mua nước, tôi lại như thằng ăn trộm, cố lấy thêm vài cái ống hút.

Nhưng không ai bán nước khoáng loại nóng cả, vì vậy vấn đề nước nóng chết tiệt, đến giờ vẫn chưa giải quyết ổn thỏa.

Anh cả rất “cầu kỳ cục”, nếu đổ nước khoáng vào bình nước nóng của bệnh viện cấp cho mỗi giường bệnh trong phòng cách ly, anh cũng nghi ngờ bình nước đó có thể không sạch sẽ, dù tôi đã rửa hai lần. Nhưng cứ thế này mãi thì mẹ không bao giờ có nước nóng để uống. Chỉ trông vào tôi đi lạy lục y tá cho dùng lò vi sóng hãm trà gừng đường đen và sô cô la sữa 7-11 để mẹ uống cho ấm người.

Thế là tối nay anh cả đi mua một cái bình nước nóng mới tinh và nhỏ hơn một chút.

Trước khi uống nước, phải pha trò cho mẹ uống Ensure (một loại thức uống bổ sung dưỡng chất chuyên dùng cho bệnh nhân) để bổ sung đạm và năng lượng cho mẹ. Sau khi uống Ensure cũng phải pha trò để mẹ uống nước súc miệng cho hết vị trong mồm. Uống nhiều như thế, lại thêm liên tục chích truyền các loại thuốc và thường xuyên uống nước, nên mẹ cực nhiều dịch cơ thể, dĩ nhiên cũng phải chăm động viên mẹ đi toa lét.

Chỉ một quãng đường ngắn ngủi, nhưng là cơ hội vận động quý giá của mẹ. Đi tiểu nhiều một chút xem có thể bài tiết các thứ linh tinh ra khỏi cơ thể nhiều hơn hay không.

Mỗi lần cần đi toa lét, phải ấn cái tay vịn bên cạnh giường xuống, một tay đỡ lưng mẹ, tay kia kéo tay phải của mẹ giúp mẹ dậy, sau đó cúi xuống xếp đôi dép lê vào đúng vị trí, mắt không ngừng theo dõi mẹ xuống khỏi giường, tay gỡ túi dịch truyền ra khỏi móc, sau đó một tay giơ túi dịch truyền tay kia dùng sức đỡ mẹ, đi từ từ ra toa lét.

Ra đến toa lét, đầu tiên treo túi dịch truyền lên móc bên cạnh bệ xí, lấy giấy vệ sinh lau sạch chỗ ngồi của bệ xí, sau đó quan sát tình hình của mẹ, sẵn sàng đưa giấy vệ sinh bất cứ lúc nào. Để cho tiện (ừ thì, tôi chính là vua lười biếng), tôi điều chỉnh thời gian đi toa lét của mình giống với mẹ, lúc mẹ đứng dậy rửa tay, tôi liền tè tiếp ngay sau, giải quyết cùng một lần. Đương nhiên, vẫn phải rửa tay rồi lại rửa tay.

Mẹ ăn xong cái gì cũng phải bóp một ít nước rửa tay (có chứa cồn) ra tay mẹ và xoa đều. Bôi vaseline có vitamin khá đắt đỏ lên môi mẹ, bôi vaseline rẻ tiền hơn lên chân mẹ. Nhưng thường phải đến lúc mẹ nhắc tôi mới nhớ ra phải làm như vậy.

Thử thách lớn nhất là chuẩn bị thức ăn gì cho ba bữa mỗi ngày của mẹ.

Thời gian này mẹ nằm giường bệnh nhiều, ít hoạt động nên cảm giác thèm ăn giảm sút (hoặc cũng có thể cả do tác dụng phụ của thuốc), trong khi đồ ăn ở các tiệm gần bệnh viện lại ít đổi món, loanh quanh vẫn là cơm rang mì xào, muốn làm mẹ no bụng thì phải trợn mắt ra quan sát xem mẹ ăn gì ít để thừa nhất, lần sau vẫn có thể mua món đó. Trí nhớ cũng phải tốt một chút, nhớ xem mẹ từng nói thích ăn cái gì, nếu hôm nay không mua được hoặc cửa hiệu không mở cửa, thì nhớ lần sau tìm mua.

Từng mua phải cơm cà ri bị mẹ chê cay, thất bại. Không sao cả, lập tức chạy đi mua cơm thịt bò đĩa nóng bù vào, tiếc thay mẹ đang muốn tìm ra và thanh lọc các nguồn gốc nghi gây dị ứng, nên không ăn thịt bò, thế là lại thất bại. Với những thứ mẹ chỉ ăn một chút hoặc không ăn (hoặc nên gọi chung là mua nhầm), nghiễm nhiên sẽ biến thành bữa tiếp theo của tôi.

Có những món phải ăn nóng mới thơm ngon. Nhằm bảo vệ hơi nóng quý giá đó, nhất định phải mua canh cá lô hoặc các món hấp trong cốc vào phút chót, sau đó phi lên tầng bảy của bệnh viện với tốc độ chạy ra toa lét khi đau bụng. Hôm trước đi chợ đêm mua một cái bánh bao kẹp, nhét vào trong vạt áo ấm, phi xe như bay về bệnh viện, quăng cho anh cả đang ở đó chăm mẹ.

“Mau hỏi mẹ có ăn bánh bao kẹp không! Nếu không em chạy xuống luôn!” Tôi thở phì phò.

“Cái gì…” Anh cả nhìn cái bánh mới cầm vào tay, không hiểu gì cả.

Cánh cửa kính của phòng cách ly đóng lại giữa chúng tôi.

Năm phút sau, anh cả gọi điện, tôi đang thong thả khởi động xe máy bên dưới bệnh viện, chuẩn bị về nhà.

“C. thật. Mày quên mua đồ uống bỏ tủ lạnh rồi!” Anh nói.

Oái, đành phải chạy đi mua chuyến nữa.

Nước cam ép cũng vậy.

Bác sĩ nói tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó là làm mất ion kali, cách bù đắp ngoài nhỏ mấy giọt ion kali vàng vàng vào dung dịch truyền gluco ra, có thể thêm uống nước cam tươi ép.

Nhưng nước cam tươi ép của 7-11 vị hơi nặng, hoặc hơi đắng, trong khi các cửa hàng ven đường ép cam tại chỗ lại chắc chắn không hợp vệ sinh, nên anh cả và thằng út đều kiên quyết xử trảm cam từ nhà mang vào bệnh viện cho mẹ uống.

Tối nay đến lượt thằng út chăm mẹ, nó cũng rất cầu kỳ cục, quy định tôi chỉ được dùng một con dao chuyên để xử cam. Đi mua một con dao mới toanh, một cái thớt từ nay trở đi chỉ được dùng để trảm cam cho mẹ, rồi còn mua một miếng xơ mướp nhỏ màu nâu chuyên để rửa ly nhựa uống nước cam của mẹ.

Ai ai cũng lên cơn “cầu kỳ cục” rồi à?

Nhưng tôi nghĩ không phải mọi người trong nhà bỗng dưng mắc bệnh sạch sẽ cấp tính, mà chỉ là nghĩ hết các cách để bảo vệ mẹ.

Người ta hay nói, ốm lâu con bất hiếu, dường như chăm sóc dịu dàng đến mấy cũng có giới hạn.

Mấy hôm trước, chúng tôi đều cảm thấy cùng phòng bệnh có ông Ngô rất dịu dàng với bà xã. Ở chung hai tuần qua, chỉ thấy một mình ông Ngô chăm vợ, ba thằng con trai và ba cô con dâu chưa gặp lần nào, thế mà lần nào mua đồ ăn ông Ngô cũng về đích trước tôi. Hễ bà lên cơn sốt ông liền mượn chúng tôi nhiệt kế đo tai. Chăm chỉ và vất vả. Cũng từng chứng kiến ông Ngô chu đáo nâng chân bà lên, lặng lẽ cắt móng chân cho bà. Hình ảnh đó khiến tôi xúc động lạ thường, bởi vì chưa từng thấy ba chăm mẹ như thế bao giờ.

Nhưng anh cả bảo, anh từng thấy những lúc bà Ngô đi toa lét hơi nhiều, ông Ngô đang ngủ bỗng nổi quạu phàn nàn: “Sao lại có nước tiểu rồi? Tôi thấy bà bị yếu bàng quang rồi đó!” Tôi nghĩ nói vậy sẽ hại bà Ngô cố nhịn tiểu.

Cũng không phải không thể hy vọng có sự dịu dàng vô hạn, dù sao chính từ con người mẹ vẫn luôn toát ra sự hy sinh vô hạn như vậy đấy thôi. Có quá nhiều ví dụ, vài hôm nữa tôi định viết về sự kiện quan trọng hàng đầu trong mười sự kiện ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tính cách của tôi trong đời này.

Tôi cũng không hy vọng tự mình sẽ trở thành “ốm lâu con có hiếu”, bởi vì tôi rất sợ hai chữ “ốm lâu”, nó đồng nghĩa với mẹ phải chịu đau chịu khổ rất lâu nữa.

Đồng hành sẻ chia là sự gắn bó sẻ chia chân thành không toan tính. Trước đây vậy, bây giờ vậy, sau này vẫn vậy.

Bởi vì cho dù tôi nhắm mắt bao nhiêu lần, thì cái thằng tự nhận là sinh vật có trí tưởng tượng mạnh nhất trên đời là tôi, cũng không thể hình dung ra cảnh tượng mẹ lìa bỏ chúng tôi.

Bạn đọc cảm nhận

Trác Vũ

Tôi là một người rất dễ xúc động, đặc biệt là các vấn đề về gia đình. Cho nên khi cầm trên tay quyền sách này, lật giở những trang đầu tiên, tôi đã hoàn toàn say sưa với từng câu chữ của Cửu Bả Đao, tôi đã phải lật ra trang cuối cùng để xem liệu mẹ của anh có khỏi bệnh không, liệu có là 1 Happy Endind không. Và thật không làm tôi thất vọng vì đúng thật là mẹ anh đã khoẻ. Tuy nhiên câu chuyện với 1 HE như thế không làm người đọc lơ là hay ít tạo ấn tượng trong việc quan tâm chăm sóc mẹ. Từng trang từng trang là những chuổi ngày đồng hành của cả gia đình anh cùng với mẹ. Ta đã thấy mẹ anh là người phụ nữ với vóc người nhỏ bé nhưng tinh thần kiên cường đến thế nào, ta thấy Cửu Bả Đao đã làm việc hăng say như thế nào để kiếm tiền viện phí cho mẹ, ta thấy tình thân gia đình được vẽ ra từng nét từng nét một, không phải qua câu chữ vô hồn mà là qua hành động, sự hy sinh và đánh đổi “dù bất cứ thứ gì cũng không quan trọng bằng mẹ”. Và tôi tin, khi đọc xong tác phẩm, ta sẽ yêu thương ba mẹ mình hơn, đừng chờ đợi đến khi có biến cố mới nhận ra mình nên yêu thương họ bằng cách nào. Ai rồi cũng sẽ làm cha làm mẹ, vậy thì ngay lúc này, với bổn phận làm con, hãy chăm sóc cha mẹ mình theo cách mà mình muốn sau này con cái mình làm với mình. Không phải là vấn đề nhân quả, mà vì ba mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì ta, yêu thương bảo vệ ta vô điều kiện, là 2 người duy nhất trên đời xem ta còn quan trọng hơn bản thân họ.

Hãy yêu thương ba mẹ!

Hãy đọc quyển sách để thấy được tình yêu đó không thể trì hoãn hay chờ đợi thêm phút giây nào!

Gabin

Giống như những tác phẩm trước đây của Cửu Bả Đao, vẫn là giọng văn nhỏ nhẹ, tâm tình nhưng vẫn khiến cho tôi cảm thấy hồi hộp mỗi lần mở sách ra. Mẹ thơm một cái là sự bày tỏ lòng mình với người mẹ bị ung thư đang nằm trên giường bệnh của ba anh em nhà Cửu Bả Đao. Những điều khó nói, những tâm sự sâu kín khiến tim ta như thắt lại vì xúc động bởi tình yêu mẹ lớn lao của họ. Tình yêu đó chẳng phải của riêng ai, nó rất dễ lan tỏa, buộc ta phải dừng lại để mà nghĩ về người mẹ kính mến của mình.

Chi Bê

Nếu bạn là người thích những quyển sách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng và ý nghĩa thì nên mua quyển sách này, bạn sẽ không phải thất vọng. Đây là quyển sách đầu tiên mình đọc mà viết về mẹ và mình thấy khá là ấn tượng. Cách viết có đôi chút hài hước và hóm hỉnh. Riêng cái tên Cửu Bả Đao đã khiến mính tin tưởng mua quyển sách này vì trước đó mình đọc ” Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” và ” Cà phê chờ một người”. Mình khá thích nội dung và cách viết trong truyện của CBĐ. Có lẽ đây là lối viết truyện tình cảm của một nhà văn là nam nên mới có sự mới lạ đó.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button