Review

Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật

Thể loại Nghệ thuật sống đẹp
Tác giả Sasaki Fumio
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 298
Ngày xuất bản 02-2017
Giá bánXem giá bán

Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc, đó chính là chủ đề của cuốn sách này.

Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.

Những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Cái cảm giác này, tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, dù bạn có phải là một người sống tối giản hay không, bởi bất cứ ai.

Lối sống tối giản của người Nhật gồm có năm chương, trong đó, chương một, tác giả sẽ giới thiệu cho bạn lối sống tối giản là gì, đưa ra định nghĩa của anh về nó. Sau đó anh sẽ đưa ra lý do vì sao mình lại theo lối sống này sau nhiều năm sống trong căn phòng của bản thân.

Chương hai tác giả sẽ đề cập đến tại sao sau ngần ấy năm, đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế. Những đồ đạc được tích tụ lại do thói quen hay nhu cầu của con người này mang ý nghĩa gì?

Chương ba là những bí quyết để cắt giảm đồ đạc trong nhà. Tác giả sẽ đưa ra cho bạn những quy tắc cụ thể, những phương pháp để có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà. Thêm vào đó cũng sẽ giới thiệu cho bạn danh sách bổ sung 15 điều cho những người muốn tối giản hơn nữa cùng với toa thuốc cho “căn bệnh muốn vứt bỏ”.

Chương bốn, những thay đổi của chính tác giả sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà. Kèm theo đó, anh còn phân tích và khảo sát thêm về các kết quả nghiên cứu tâm lý học.

Cuối cùng chương năm, tiếp nối ý từ chương bốn, tác giả sẽ giải thích tại sao những thay đổi của bản thân lại dẫn đến “hạnh phúc”.

Để hiểu sâu hơn về lối sống tối giản, bạn nên đọc hết từ chương một đến chương bốn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đọc riêng từng chương. Thậm chí chỉ cần đọc chương ba cũng có thể giúp bạn cắt giảm được đồ đạc của mình.

Trong cuốn sách này, “lối sống tối giản” được hiểu là: 1) giới hạn tối thiểu cần thiết cho bản thân và 2) vứt bỏ tất cả mọi thứ trừ những thứ quan trọng.

Và những người sống theo lối sống đó gọi là người sống tối giản.

[taq_review]

Lời dẫn

Một căn phòng nhỏ trống trải, đồ dùng thiết yếu chỉ gói gọn trong một chiếc balo, lúc nào cũng sẵn sàng lên đường đi du lịch là phong cách nhiều người Nhật đang theo đuổi.

Thay vì cố chất thật nhiều đồ đạc trong căn phòng bé tí, nhiều người Nhật đang tìm cách vứt bớt đồ đi để có không gian sống khoáng đạt nhất. Đây là phong cách sống tối giản, hay còn gọi là Danshari, đang được nhiều người trẻ xứ hoa anh đào theo đuổi.

Với Fumio Sasaki, 36 tuổi, đang làm việc ở một nhà xuất bản, anh chỉ cần một căn phòng ở rộng 20m2, vài bộ quần áo và một chiếc sofa giường. Khi cần, anh sẽ nhét chiếc sofa giường vào tủ quần áo và khiến căn phòng hầu như trống rỗng. Fumio cũng mua sách nhưng đọc xong thì cho đi luôn.

Trước đây, căn phòng của Fumio chứa rất nhiều sách, nhạc cụ, đĩa CD, TV màn hình lớn và quần áo thời trang. “Tôi mua sách nhưng chẳng đọc. Tôi để nhạc cụ khắp phòng nhưng không chơi gì và quần áo thì mua để đấy”. Anh cảm thấy mình đã bị vật chất điều khiển khi cứ không ngừng mua về nhà những thứ không dùng đến.

Sau khi thực hành lối sống tối giản, Fumio nhận ra mình có thể sống với những thứ tối thiểu nhất. Anh đọc sách tập trung hơn, làm việc hiệu quả hơn và có tiền dành cho việc đi du lịch.

“Bạn sẽ cảm thấy tự do khi tất cả bạn cần chỉ gói gọn trong 15 thứ trong ba lô của bạn”. Từ ý tưởng này, Fumio cho MacBook Air, điện thoại, thiết bị đọc sách điện tử, một cuốn sách, sạc điện thoại, tất, nội y và một số đồ thiết yếu khác vào ba lô để sống với chỉ từng đó thứ. “Với nhiêu đó, tôi có thể làm việc bất cứ đâu, tôi có đủ thiết bị giải trí và có thể đi du lịch bất cứ khi nào tôi muốn”, anh chia sẻ.

Vào tháng 6 vừa qua, Fumio xuất bản cuốn sách về sự tối giản có tựa đề For us material things are no longer necessary (tạm dịch: Vật chất không còn cần thiết với chúng ta), thu hút người đọc ở độ tuổi 20-30 và đã bán được hơn 150.000 bản.

Kota Ito, một nhà sản xuất âm nhạc tự do 26 tuổi, thậm chí còn thực hành lối sống tối giản gắt gao hơn. Anh chỉ có một máy tính cá nhân, máy ảnh kỹ thuật số và chiếc smartphone cùng với một ít đồ dùng khác trong ba lô. Hàng ngày, Ito chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo, “tôi thậm chí chẳng cần nhà để ở”. Ito dành phần lớn thời gian để đi du lịch. Anh ở trong những khách sạn giá rẻ và làm việc qua internet. Lối sống tối giản giúp anh có thêm nhiều thời gian suy ngẫm và làm giàu trí tưởng tượng.

Một nhân viên 29 tuổi giấu tên ở Osaka cũng theo đuổi lối sống tối giản vì quá mệt mỏi với cuộc chạy đua xe hơi, đồ điện tử cao cấp và những thứ vật chất khác. Giờ đây, anh dành thời gian rảnh để đi xem nhóm nhạc yêu thích Momoiro Clover Z.

Elisa Sasaki, 37 tuổi, cho rằng sống tối giản là cách giúp bạn tập trung vào những thứ quan trọng. Elisa đã theo đuổi lối sống này từ tuổi đôi mươi. Khi đi du học nước ngoài, cô có thể sống suốt một tháng chỉ với một chiếc ba lô nhỏ.

“Những thứ bạn sở hữu càng nhiều thì bạn càng có nhiều trách nhiệm giữ gìn chúng. Do đó, lựa chọn cẩn thận đồ dùng là điều rất quan trọng. Thời gian bạn tiết kiệm được từ việc sắp xếp đồ có thể được dùng để làm những gì bạn thích”, Elisa chia sẻ.

Sau khi cắt giảm hầu hết vật dụng cần thiết để thử làm giàu thêm trải nghiệm sống, một tác giả tại Tokyo đã quyết định phổ biến rộng rãi hơn về lối sống tối giản này và được đông đảo giới trẻ Nhật Bản hưởng ứng.

Fumio Sasaki – tác giả kể trên nói: “Tôi đã bị sốc khi nhận ra rằng tôi có thể sống với lượng vật dụng tiết chế đến mức tối đa”.

Sasaki năm nay 36 tuổi và đang làm việc cho một nhà xuất bản. Anh sống trong căn hộ chỉ rộng 20 mét vuông với vài bộ quần áo và một chiếc sofa giường. Khi cần, anh sẽ nhét chiếc sofa giường vào tủ quần áo và khiến căn phòng hầu như trống rỗng. Sasaki mua nhiều sách, nhưng anh sẽ cho hết đi ngay khi đọc xong.

Trong quá khứ, căn hộ của Sasaki đã từng là một kho chất đầy sách, nhạc cụ, đĩa CD, ngoài ra còn có một chiếc ti vi màn hình rộng và hàng loạt quần áo thời trang.

“Tôi đã mua nhiều sách nhưng không đọc, bày nhạc cụ quanh nhà nhưng không chơi và tốn tiền cho quần áo mà không mặc. Thế nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục mua về những thứ ở nhà chưa có,”Sasaki chia sẻ.

Khi tìm hiểu và thực hành chủ nghĩa tối giản, Sasaki mới nhận ra anh đã “bị vật chất kiểm soát”.

Nhịp sống của Sasaki đã hoàn toàn thay đổi khi anh bắt đầu cắt giảm đồ đạc. “Bây giờ nếu đọc một cuốn sách, tôi sẽ tập trung vào nó tốt hơn. Tôi cũng có thể làm việc hiệu quả hơn,” anh nói. Tiền vốn dùng để mua đồ đạc, Sasaki chuyển sang tiết kiệm và chi cho việc du lịch.

Trích đoạn

“Hạnh phúc không phải là có trong tay những thứ mình từng ao ước, mà là cảm giác luôn mong ước những vật mình đang có.”

– Rabbi Hyman Schachtel

Bất cứ ai khi sinh ra cũng là người sống tối giản

Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc, đó chính là chủ đề của cuốn sách này.

Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.

Những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Cái cảm giác này, tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, dù bạn có phải là một người sống tối giản hay không, bởi bất cứ ai cũng từng trải qua. Ví dụ như một chuyến du lịch chẳng hạn.

Hầu như ai cũng gói ghém đồ đạc đến sát giờ xuất phát. Nhưng dù bạn có kiểm tra hết danh sách vật dụng mang đi cũng vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Nhưng đã đến giờ xuất phát, bạn phải khóa cửa và kéo vali đi thôi. Chính lúc này, bạn mới cảm thấy thoải mái. Đúng vậy, nếu có một chiếc vali này, mình có thể sống được một thời gian khá dài đấy. Có thể là mình đã quên một vài thứ ở nhà, nhưng không sao, những thứ cần thiết nhất đã ở đây rồi.

Sau thời gian di chuyển, bạn đến nhà nghỉ hay khách sạn, ngủ trên chiếc chiếu tatami và tận hưởng sự thoải mái. Phòng nghỉ rất sạch sẽ, gọn gàng và ít đồ đạc. Trong phòng nghỉ này cũng chẳng có những đồ vật dư thừa như ở nhà. Bởi vậy nên nhà nghỉ luôn là nơi dễ chịu trong các chuyến đi. Bạn để lại đồ đạc trong phòng và đi dạo gần đấy hoặc thảnh thơi tới bất cứ đâu. Bạn có thời gian tận hưởng phong cảnh, con người, cuộc sống và chẳng có việc gì phải hoàn thành cả.

Chính là cảm giác như vậy đó, có lẽ bất cứ ai cũng đã trải qua cảm giác mà lối sống tối giản mang lại.

Và tất nhiên, có thể bạn cũng đã cảm nhận cảm giác ngược lại, đó là lúc kết thúc chuyến đi, bạn lên máy bay về nhà. Những món đồ bạn đã xếp rất gọn gàng trước khi đi giờ nằm lung tung trong vali. Những món quà lưu niệm được nhét đầy trong túi giấy xách tay. Vé vào cửa khu du lịch, hóa đơn mua hàng… nhét hết vào túi quần. Đến lúc kiểm tra vé máy bay thì bạn mới tìm loạn cả lên, “Ơ, mình để đâu rồi nhỉ?” Lúc đấy, bạn sẽ nhận được những ánh mắt khó chịu từ phía sau.

Đây chính là cảm nhận khi bạn bị quá nhiều đồ đạc làm phiền, bởi khi có việc cần thiết, bạn chẳng thể rảnh tay để làm gì được.

Chúng ta luôn mất thời gian, công sức để sở hữu một món đồ nào đó, hoặc để bảo quản, quản lý những món đồ mình đã có. Và chúng ta bỏ ra nhiều đến mức, những món đồ vốn chỉ là vật dụng hàng ngày cuối cùng lại trở thành ông chủ của chúng ta.

Tyler Durden trong bộ phim Sàn đấu sinh tử đã nói rằng: “Rốt cuộc, chúng ta lại trở thành nô lệ cho chính những món đồ mà ta sở hữu.”

Một ngày của tôi khi chưa theo lối sống tối giản

Đây là một ngày của tôi khi còn chất đống đồ đạc trong nhà. Sau khi đi làm về là tôi cởi phăng đôi giày, vứt quần áo tứ tung rồi đi tắm. Trong phòng tắm có một bồn rửa mặt bị vỡ, nhưng tôi không sửa mà cứ để như thế. Tắm xong, tôi sẽ vừa nhâm nhi một lon bia, vừa xem lại chương trình tivi hoặc mấy bộ phim vừa thuê. Uống hết một chai bia, tôi sẽ mở tiếp một chai rượu, nhưng thế vẫn chưa đủ, thỉnh thoảng tôi lại mò ra mấy cửa hàng tiện lợi uống thêm.

Tôi đã từng nghe một câu nói: “Rượu không mang lại hạnh phúc, mà nó chỉ làm tê liệt nỗi buồn trong một thời gian”. Và tôi đã làm như thế để quên đi những vất vả của bản thân.

Sáng hôm sau, tôi bò ra khỏi chăn trong trạng thái uể oải và phải mất 10 phút mới mở được mắt trong khi mặt trời đã lên cao. Vì mấy chai rượu tối hôm trước nên lúc nào tôi cũng tỉnh dậy trong trạng thái lờ đờ, uể oải, nặng đầu. Vệ sinh cá nhân xong, tôi rút lấy một cái áo sơ mi Uniqlo vẫn còn nguyên trong máy giặt, mặc cái áo nhàu đấy và đi làm. Tôi cứ để nguyên bát đũa của bữa tối hôm trước và đi thẳng ra cửa.

Ngày nào cũng chỉ đi một con đường đến công ty nên tôi cũng chẳng nhìn ngắm gì, thường đi thẳng đến công ty luôn. Vừa vào chỗ ngồi là tôi mở máy tính, nhưng bao giờ nó cũng mất một ít thời gian nên tôi giải trí bằng hai trang web hay xem. Sau đó tôi kiểm tra và trả lời mail. Ngày nào cũng có cả đống việc chờ giải quyết cùng một lúc, nên tôi chỉ tập trung giải quyết việc nào cần thiết nhất. Và kể cả khi công việc chưa kết thúc, nhưng nếu muộn rồi thì tôi vẫn cứ nghỉ làm và về nhà.

Tôi đã từng biện bạch cho những thói quen đấy của mình. Buổi sáng không dậy được là do tối hôm trước làm việc muộn, béo lên là do thể chất. Tại tiền lương thấp nên tôi không chuyển được đến căn phòng lớn hơn, nếu được làm việc trong môi trường tốt hơn thì chắc chắn tôi sẽ phát huy được hết khả năng của mình. Phòng hẹp nên đồ đạc cứ phải chất đống như vậy, mà phòng đi thuê, không phải của mình nên cũng chẳng cần dọn. Nếu được sống trong ngôi nhà to đẹp của mình thì chắc chắn tôi sẽ dọn dẹp ngăn nắp…

Tôi đã sống một cuộc sống như thế, một cuộc sống đầy những lời biện bạch. Lúc nào tôi cũng bị bó buộc trong chính những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Thêm vào đó, tôi lại hay xấu hổ, sợ cái nhìn của mọi người nên chẳng bao giờ làm được điều mình muốn.

Một ngày theo lối sống tối giản của tôi

Sau khi thực hiện lối sống tối giản, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Sau khi đi làm về, tôi ngâm mình trong bồn tắm, sau đó thay một bộ quần áo dễ chịu ở nhà. Và vì đã dọn tivi đi rồi nên tôi sẽ đọc vài cuốn sách. Bia rượu thì tôi không uống một chai nào nữa. Vứt bớt đồ đạc làm phòng tôi có nhiều khoảng trống và tôi có thể ngủ thoải mái hơn. Mỗi sáng tôi đều thức dậy cùng ánh bình minh và không phải mất đến 10 phút để mở mắt như trước. Bức tường trắng trong nhà giờ không treo vật gì cả, và khi ánh nắng chiếu vào, cả căn phòng sáng rực lên. Vì dậy sớm nên tôi có thời gian ăn sáng và nhâm nhi một tách cà phê. Ăn xong là tôi dọn dẹp ngay bát đũa, xoong nồi. Tập ngồi thiền và tĩnh tâm giúp tôi xóa bỏ hết phiền não trong cuộc sống, và giờ tôi không còn phải bận tâm về những vật dụng dư thừa trong nhà nữa. Mỗi ngày tôi đều dọn dẹp căn phòng một lần. Và nếu thời tiết tốt, tôi sẽ giặt chăn đệm. Cuối cùng là thay một bộ quần áo phẳng phiu và đi làm. Trên đường đi làm, tôi cũng có thể tận hưởng khung cảnh hai bên đường thay đổi theo từng mùa, cuộc sống thật là tuyệt diệu.

Thú thực tôi không thể nghĩ có một ngày mình lại sống một cuộc sống đúng nghĩa đến như vậy. Vứt bớt đồ đạc quả thực là một điều tuyệt vời.

Những đồ vật mà tôi đã vứt

Dưới đây là những đồ vật tôi đã vứt:

– Giá sách và toàn bộ sách vở. (Tổng cộng tôi mất một triệu yên cho chúng, nhưng lúc bán tôi chỉ bán được 20.000 yên thôi).

– Dàn nhạc và đĩa CD. (Có những đĩa mà tôi không thích nghe, nhưng vẫn mua về, giả vờ là mình am hiểu nhiều loại nhạc).

– Tủ bát đĩa siêu lớn. Không hiểu sao tôi chỉ sống một mình mà trong đấy chất đống đủ thứ trên đời.

– Những món đồ cổ, đồ cũ mua ở hội đấu giá.

– Những bộ quần áo đắt tiền hoặc những bộ mà tôi nghĩ là khi nào gầy tôi sẽ mặc lại.

– Các thiết bị chụp ảnh. (Chẳng hiểu sao trong nhà tôi còn làm cả phòng tối nữa chứ).

– Dụng cụ sửa chữa xe đạp. (Những đồ này hoàn toàn bị xếp xó trong nhà).

– Một chiếc ghita điện và một bộ âm li nằm phủi bụi trong nhà.

– Một bộ bàn ghế siêu lớn. (Dù tôi chẳng gọi bạn bè đến bao giờ. Có lẽ lúc trước tôi muốn mời bạn bè đến ăn lẩu).

– Đệm ngủ cho hai người. (Lúc ngủ thì thoải mái thật đấy, nhưng nó nặng lắm).

– Một chiếc tivi 42 inch, hoàn toàn không nên để ở căn phòng diện tích 6 chiếu tatami này. (Tôi thừa nhận là tôi thích xem phim).

– Thiết bị chiếu phim trong nhà và PS3. (Tôi cũng rất thích đồ điện gia dụng nhé).

– Toàn bộ clip AV lưu trong ổ cứng. (Tôi đã phải lấy hết dũng khí mới xóa được nó đấy).

– Những bức ảnh chụp bằng máy ảnh film thì tôi đem đi scan. (Cái nào không xử lý được thì tôi dán vào một góc).

– Những bức thư kỉ niệm tôi cũng scan rồi lưu vào máy tính. (Có cả những bức thư từ hồi học mẫu giáo).

Giờ trong nhà chỉ còn lại những thứ không thể vứt đi được. Những đồ nào tôi đã vứt đi thì trước đó tôi sẽ chụp ảnh và lưu vào máy tính. (Kể cả những cuốn sách tôi cũng chụp từng quyển một). Và trong máy tính của tôi hiện có khoảng ba nghìn bức ảnh.

Giờ nghĩ lại, trước đây tôi toàn sở hữu những đồ dùng hiện đại cả. Từ chiếc tivi 42 inch đến thiết bị chiếu phim trong nhà. Rồi cả máy tính xách tay, iPhone hay giường ngủ tiện nghi. Ấy thế mà lúc nào tôi cũng chỉ chăm chăm vào những thứ mình chưa có.

Nếu có chiếc sô pha hai người, tôi có thể xem những bộ phim lãng mạn cùng người yêu. (Và trong lúc xem, cô ấy sẽ dựa vào vai tôi). Nếu có một chiếc giá sách như trên tạp chí, thì tôi có thể xem sách một cách khoa học hơn. Nếu có một ban công rộng, tôi có thể mời bạn bè đến bữa tiệc tại nhà. Mặc dù có một căn phòng như trong tạp chí, nhưng tôi lại không có những thứ kể trên. Giá mà tôi có chúng, tôi sẽ được mọi người ngưỡng mộ hơn. Tôi đã từng nghĩ như vậy đấy.

Tôi đã từng có rất nhiều đồ dùng tân tiến, nhưng tôi lại toàn để ý đến những thứ mình không có, vì thế tôi chẳng cảm thấy vui vẻ chút nào. Lúc nào tôi cũng có suy nghĩ, nếu mình có nó, mình sẽ rất vui, nếu không có nó, cuộc sống thật tồi tệ.

Lý do tôi trở thành người sống tối giản

Mỗi người đều có những lý do khác nhau khi trở thành người sống tối giản. Có người thấy cuộc sống đảo lộn vì đồ đạc, có người lại thấy không hạnh phúc dù giàu có và sở hữu nhiều thứ trong tay. Có người giảm bớt đồ đạc sau nhiều lần chuyển nhà, cũng có khi họ muốn thoát khỏi sự u ám của cuộc sống. Hay cũng có những người vốn dĩ không thích nhiều đồ đạc, thậm chí cũng có người đã thay đổi lối sống sau khi trải qua động đất.

Tôi từng là một người theo kiểu “phòng ốc bừa bãi”. Trước đây tôi chẳng bao giờ vứt đi cái gì cả. Và vì tôi cũng rất thích các món đồ nên cái nào tôi cũng thấy thích, không tài nào mà vứt đi được.

Tôi có thể cho bạn một ví dụ để dễ hình dung. Thỉnh thoảng ở công ty, tôi hay nhận được mẩu giấy của ai đó nhắn cho tôi là có điện thoại. Có thể với bạn, mẩu giấy đấy chẳng là gì cả, nhưng với tôi, mẩu giấy đấy là sự quan tâm của các đồng nghiệp đã dành thời gian để nhắc nhở tôi, thế nên tôi không muốn vứt nó một tẹo nào. Tôi chính là kiểu người như vậy đấy.

17 năm trước, tôi rời nhà ở tỉnh Kagawa lên Tokyo bắt đầu lập nghiệp. Lúc đó, trong phòng tôi chẳng có thứ gì ngoài một vài đồ dùng cực kỳ thiết yếu. Thế nhưng, sau vài năm, trong phòng tôi dần chất đầy đồ đạc.

Tôi là người thích chụp ảnh, bởi tôi muốn lưu lại mọi khoảnh khắc của tất cả các vật dụng trong nhà, để làm kỉ niệm sau này.

Những cuốn sách đã đọc đều là một phần trong tôi, nên tôi chưa bao giờ muốn vứt bỏ chúng. Tôi cũng muốn cho bạn bè xem những bộ phim, những đĩa nhạc yêu thích của mình. Nếu có thời gian, tôi có rất nhiều sở thích muốn theo đuổi.

Thật lãng phí nếu vứt chúng đi. Cái này vẫn còn dùng được mà, có lẽ lúc nào đó tôi sẽ dùng nó. Tôi đã từng có những suy nghĩ như vậy. Tôi cũng không muốn thừa nhận rằng mình đã không sử dụng rất nhiều thứ. Mang theo suy nghĩ đấy, tôi không những không vứt bớt đồ đạc mà ngược lại, còn tích trữ ngày một nhiều hơn.

Đó hoàn toàn là những suy nghĩ trái ngược với suy nghĩ hiện tại của tôi. Lúc đó, tôi là người theo lối sống tối đa. Tức là tích trữ mọi thứ, mua đồ cũng phải chọn cái nhiều chức năng nhất, to nhất, nặng nhất… Và hệ quả là tôi bị chính những đồ dùng ấy lấy hết năng lượng, sức lực của bản thân. Tôi không thể sử dụng hết những món đồ đấy, mà chỉ có hành hạ bản thân mình thêm mà thôi. Dù có sắm được bao nhiêu đồ dùng thì sau khi có được rồi, tôi lại để mắt đến những món khác mà mình chưa có và cảm thấy ghen tị với người khác. Đến mức như vậy rồi mà tôi cũng không muốn vứt một thứ gì đi, ngược lại, tôi chỉ kiếm lý do cho mình và chẳng thay đổi gì cả. Cứ lặp lại như vậy, dần dần tôi rơi vào một vòng tròn không lối thoát.

Trong những ngày như thế, tôi đã quyết tâm phải vứt bớt đồ đạc. Khi đồ đạc tích trữ quá nhiều một chỗ, chắc chắn sẽ có thứ bị hư hại. Nếu trước đây, tôi luôn cảm thấy không hạnh phúc vì chẳng bao giờ thỏa mãn được bản thân, thì bây giờ tôi thử vứt bớt đồ đạc đi xem có thay đổi được gì không.

Không phải do di truyền, không phải do môi trường, cũng không phải do tính cách, càng không phải là những vết thương trong quá khứ, mà chính vì có quá nhiều đồ đạc đã khiến bạn bị tổn thương.

Mỗi người dân Nhật Bản đều từng là người sống tối giản

Giống như con người khi sinh ra không có một thứ gì trong tay, bản thân người Nhật trước đây cũng là những người sống theo lối tối giản. Đã từng có một người nước ngoài đến Nhật trước khi bắt đầu công việc làm ăn của mình, và anh ta đã rất ngạc nhiên trước người Nhật lúc bấy giờ. Mỗi người chỉ có hai, ba bộ quần áo nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Người Nhật trước đây cũng chẳng giữ đến 10 bộ quần áo làm gì. Khi di chuyển thì luôn đi bộ, nhà ở thì đơn giản, thỏai mái, và cũng không phải là nơi ở cố định. Người Nhật luôn xây mới, làm lại nhà cửa. Phong cách đó, dáng vẻ đó chẳng phải là lối sống tối giản hay sao. Chính lối sống này cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của Nhật, nét văn hóa tối giản.

Ví dụ như trong phòng trà. Bên trong phòng không có một đồ vật dư thừa nào cả, cửa ra vào cũng chỉ có một ô cửa nhỏ hẹp. Nếu bạn thích kiểu ngồi dựa ghế như mấy người nổi tiếng thì đừng hòng bước được vào phòng trà. Ngoài ra, dù là võ sĩ có muốn vào phòng trà thì cũng phải để kiếm ở ngoài. Đã vào trong phòng trà thì không phân biệt người giàu hay kẻ nghèo, dân thường hay người nổi tiếng, mà chỉ là cuộc gặp gỡ giữa người với người, cùng nhau thưởng thức một chén trà mà thôi.

Lối sống tối giản được du nhập ngược

Mặc dù tôi đang nói đến văn hóa sống tối giản của Nhật, nhưng bạn cũng có thể liên tưởng một chút đến công ty Apple của Mỹ. Có lẽ không cần tôi giới thiệu bạn cũng biết một trong những nhà sáng lập Apple là Steve Jobs. Và trong số những người sống tối giản hiện nay hẳn cũng có rất nhiều người thích các sản phẩm của ông.

Các sản phẩm của Steve Jobs luôn thấm đẫm tinh thần của lối sống tối giản. Bạn có thể thấy, trên chiếc iPhone chỉ có duy nhất một nút bấm. Hay trên chiếc Mac cũng không có đầu nối hoặc dây cáp thừa nào cả. Khi mua các sản phẩm của Apple cũng chẳng có mấy tờ hướng dẫn sử dụng. Đó là bởi Steve Jobs là một người sống tối giản thực sự và là một tín đồ của thiền, một phần quan trọng trong phong trào tối giản.

Nghe nói ông rất ngưỡng mộ nhà sư Kobun Otogawa, một người theo trường phái thiền Soto. Đã có thời gian Steve Jobs tu hành thiền đạo ở chùa Eihei, Nhật Bản. Bản thân Steve Jobs khi theo lối sống tối giản này đã chịu ảnh hưởng khá lớn từ văn hóa thiền của Nhật, và ông đã đưa sự ảnh hưởng đấy vào tất cả các sản phẩm của mình. Do đó các sản phẩm của Jobs không hề có chút dư thừa nào.

Chúng ta đều biết rằng Jobs không bao giờ nói về những thứ ông không quan tâm. Nhưng bạn có biết, những thứ mà ông không để tâm đều là những thứ bên ngoài sự tối giản hay không. Đặc biệt, ông rất ghét những gì cấu tạo phức tạp và thừa thãi. Nét văn hóa của tập đoàn hàng đầu thế giới này chính là nét văn hóa vốn có trước đây của Nhật Bản. Tỉ lệ số người sử dụng iPhone của Nhật Bản cũng cao hàng đầu thế giới. Có thể thấy, nhờ Steve Jobs, văn hóa tối giản này lại được du nhập ngược lại Nhật Bản.

Như thế nào là người sống tối giản?

Theo bạn, định nghĩa về một người sống tối giản là gì? Người sống tối giản là người như thế nào? Giảm bớt đồ đạc đến mức nào mới gọi là sống tối giản? Nếu phải đưa ra định nghĩa thì chắc hẳn có người sẽ bắt đầu từ quan điểm này. Theo tôi, người sống tối giản là:

– Người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình.

– Người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng.

Thực tế là không có tiêu chuẩn nào cho người sống tối giản cả. Sẽ không có chuyện nếu bạn có trên đồ dùng, bạn không phải là người sống tối giản. Hay nếu bạn giảm được đồ đạc trong nhà xuống dưới 100 thứ, bạn đã là người sống tối giản rồi. Nếu bạn có tivi, đó không phải là cuộc sống tối giản. Nếu bạn có thể nhét hết mọi vật dụng vào tủ quần áo, bạn thực sự là một người sống tối giản… Tất cả những điều đó đều không phải là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có phải sống tối giản hay không.

Ngày nay, có rất nhiều người đang sống theo những cách rất khác nhau. Ví dụ như anh Murakami Satoshi. Anh ấy không có chỗ ở cố định mà di chuyển khắp nơi với ngôi nhà xốp tự chế của mình. Hay như anh Sakatsume Keigo còn không có ngôi nhà nào, chỉ mang theo bên mình một chiếc túi Tote. Nếu so với họ, những người có nhà cửa ổn định như chúng ta đây chắc hẳn không được gọi là người sống tối giản rồi.

Trong suy nghĩ của tôi, người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho mình chứ không phải là những thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh. Hiểu rõ những thứ mình cần, bỏ hết những thứ ngoài mức cần thiết, đó chính là người sống tối giản trong suy nghĩ của tôi.

Tuy nhiên, với mỗi người khác nhau lại có những thứ quan trọng, cần thiết khác nhau. Bởi vậy việc cắt giảm đồ đạc cũng khác nhau.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button