Review

Lời Hứa Về Một Cây Bút Chì

Thể loại Nghệ thuật sống đẹp
Tác giả Adam Braun
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 364
Ngày xuất bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Hành trình từ 25 đô-la đến 250 trường học dành cho trẻ em trên toàn cầu và câu chuyện phi thường của một CEO nuôi chí thay đổi thế giới bằng giáo dục.

Adam Braun bắt đầu làm việc hè tại các quỹ đầu tư khi anh mới mười sáu tuổi nhằm mục tiêu có được một sự nghiệp thành công ở phố Wall. Nhưng trong một chuyến du lịch, anh đã gặp một cậu bé ăn xin trên đường phố của Ấn Độ. Anh hỏi cậu muốn điều gì nhất trên đời này, thì nhận được câu trả lời đơn giản: “Một cây bút chì.” Chính mong ước nhỏ nhoi này đã thôi thúc Adam làm vô số điều đáng kinh ngạc trước khi thành lập ra tổ chức PoP (Bút chì hứa hẹn), một tổ chức mà Braun bắt đầu chỉ vẻn vẹn với 25 đô-la và sau đó xây dựng được hơn 250 trường học trên khắp thế giới.

Lời hứa về một cây bút chì tái hiện lại cuộc hành trình của Adam Braun. Mỗi chương giải thích một bước rõ ràng mà mỗi người có thể làm để biến những tham vọng lớn nhất của họ thành hiện thực. Nếu bạn cảm thấy náo nức và sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi, nếu bạn đang tìm kiếm định hướng và mục tiêu cuộc đời, cuốn sách này là dành cho bạn. Được dẫn dắt bởi những câu chuyện và các chia sẻ đầy cảm hứng, cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn những công cụ để tạo nên một câu chuyện đáng kể trong cuộc sống của chính bạn.

[taq_review]

Trích dẫn

Sao phải bình thường?

Dù chưa bao giờ chính thức phân chỗ ngồi ở bàn ăn, nhưng chúng tôi luôn biết mình phải ngồi đâu trong bữa tối ngày thứ Sáu. Cha tôi ngồi ở đầu bàn, anh trai tôi và tôi ngồi bên phải ông, còn em gái và mẹ tôi ngồi bên trái. Chúng tôi thường có vài người bạn và họ hàng đến dùng bữa cùng. Những thành viên tham dự có thay đổi đôi chút giữa các tuần nhưng sự nhiệt tình trong cuộc tranh luận thì vẫn nguyên như thế. Và thường thì, sức nóng luôn đến từ vị trí đầu bàn.

Ở thị trấn quê tôi, cha tôi nổi tiếng là một người cha đáng sợ. Ông tham gia huấn luyện và chơi gần như mọi môn thể thao với cường độ cao không ai sánh được – bóng rổ, bóng chày, bóng đá – ông chơi tất. Ông cảm thấy bọn trẻ ở quê tôi được nuông chiều thái quá và muốn chắc rằng chúng phải biết điều đó: “Thôi ngay cái trò ẻo lả đó đi!” Ông thường hét lên như thế vào mặt những đứa nhóc 12 tuổi trong đội bóng rổ của tôi. Khi ông khen ngợi chúng tôi, những lời khen ấy cũng được đưa ra một cách thận trọng và luôn có ẩn ý sâu xa. Ông muốn chúng tôi xứng với lời khen đó – bằng tinh thần thép và sự kiên trì nỗ lực. Thế nên, hầu hết bọn trẻ đều vừa quý trọng vừa sợ cha tôi. Ông là mẫu người tuân thủ kỷ luật kiểu cũ và không ngại để mọi người biết điều đó.

Khi anh em chúng tôi bước vào tuổi ẩm ương mới lớn, ông có một bộ những “mật ngữ” và dùng chúng để cảnh báo chúng tôi sắp sửa đi vào “khu vực cấm”. Ông sử dụng mật ngữ trong các cuộc trò chuyện, ở bàn ăn hoặc ở nơi công cộng để ám chỉ, “Đây là cảnh báo cuối cùng cho con đấy, đừng thử sức nhẫn nại của cha thêm nữa!” Anh trai tôi, Scott, là mẫu con trai trưởng điển hình; anh ấy thích trêu tức cha tôi. Mật ngữ dành cho anh ấy là “Cream – Kem”, của tôi là “Ice – Đá” và em gái tôi, Liza, là “Sundae – Kem trộn trái cây”. Nếu tất cả chúng tôi đều cư xử không phải phép, khiến mẹ tôi khó chịu và chuẩn bị “xử” chúng tôi, cha tôi chỉ cần quát: “Đá, Kem, Kem trộn trái cây!” là chúng tôi sẽ dừng lại ngay lập tức. Nhưng khi nghĩ lại, tôi nhận thấy việc là một ông bố giận dữ quát “Đá, Kem, Kem trộn trái cây!” cũng chẳng giúp cha tôi bỏ được cái tiếng “ông bố đáng sợ” trong tâm trí những người bạn của tôi.

Ngay từ hồi đó, chúng tôi đã biết tính khí nóng nảy và kỷ luật nghiêm ngặt chỉ là biểu hiện của tình yêu “yêu cho roi cho vọt”. Ông muốn mỗi chúng tôi đều phải nỗ lực hết mình – và ông đã làm được điều đó. Chưa có một huấn luyện viên nào thúc ép tôi nỗ lực hết sức mình như ông. Cha đã để tôi chơi ba trận vào ngày cuối cùng của giải Vô địch bang dành cho lứa tuổi 14 trong tình trạng sốt cao bởi ông biết tôi muốn giành chiến thắng trong giải đấu đến nhường nào. Cha sắp sẵn những trụ hình chóp dưới tầng hầm để sau bữa tối, tôi có thể tập lừa bóng trong bóng tối. Kết quả thật bõ công. Và khi ngẫm nghĩ xem điều gì luôn thôi thúc anh em tôi nhiều nhất, tôi nhận ra, nó chẳng ở đâu xa mà chính là ở câu nói cha vẫn thường dùng, câu nói cho phép và yêu cầu chúng tôi làm gì cũng phải làm cho thật khác biệt. Ông thích nhắc nhở chúng tôi rằng, “Người nhà Braun thì phải khác.”

Anh em tôi biết rằng một số ông bố bà mẹ trong vùng thường thưởng cho con cái mỗi khi chúng đạt điểm tốt. Có khi cả 100 đô-la cho điểm A, 75 đô-la cho điểm B, 50 đô-la cho điểm C, v.v… Khi tôi đòi cha mẹ thưởng gì đó cho kết quả học tập của mình, yêu sách đó bị dập đi ngay lập tức.

“Paul Mazza vừa được cha mẹ cậu ấy thưởng cho 150 đô-la vì được điểm cao. Con có được thưởng gì không ạ?” tôi hỏi.

“Nhà Braun thì phải khác. Con được bố mẹ tuyên dương,” cha mẹ nói.

Trong suốt dịp Lễ hội Ánh sáng (Hanukkah), thay vì nhận được quà vào cả tám đêm, chúng tôi chỉ được nhận quà trong bốn đêm, còn quà của bốn đêm còn lại được cha mẹ quy đổi và thay chúng tôi đóng góp cho một tổ chức từ thiện. Khi chúng tôi hỏi tại sao một nửa số quà tặng trong dịp lễ Hanukkah lại được đóng góp cho tổ chức từ thiện mà không phải là quà của chúng tôi, cha mẹ tôi trả lời bằng một câu quen thuộc rằng, “Bởi nhà Braun thì phải khác.”

Hầu hết bạn bè của chúng tôi đều có những món đồ chơi công nghệ cao và trò chơi video, nhưng anh em chúng tôi được cha mẹ khuyến khích đọc sách hoặc ra ngoài chơi. Mọi lời nài xin và cự nự của chúng tôi đều gặp đúng một phản ứng: “Nhà Braun thì phải khác.” Cha tôi không nghĩ chúng tôi là những đứa trẻ giỏi giang hơn, ông chỉ muốn chúng tôi phải giữ mình theo một tiêu chuẩn cao hơn.

Câu nói này không chỉ được dùng để lý giải cho cách nuôi dạy con khác biệt của cha mẹ tôi, mà còn để chúc mừng chúng tôi khi chúng tôi dũng cảm chọn con đường chông gai hơn để dấn bước. Nếu chúng tôi đứng lên bênh vực một người bạn cùng lớp bị bắt nạt, cha mẹ sẽ cổ vũ chúng tôi bằng câu nói: “Các con biết sao các con làm vậy không? Vì nhà Braun thì phải khác.” Bọn trẻ con chúng tôi thường chẳng muốn gì khác ngoài sự ủng hộ của cha mẹ mình, và chẳng mấy chốc, chúng tôi đã phát triển trong mình một thiên hướng cố hữu – vững tin sống theo những lý tưởng mà họ đã ươm mầm trong chúng tôi.

Hồi học trung học cơ sở và trung học phổ thông, tối nào mà chúng tôi ra ngoài tiệc tùng, cha tôi lại nói, “Nhớ các Quy tắc của Cha đấy”. Các Quy tắc của Cha có nghĩa là: “Đừng làm những gì mà con sẽ không làm nếu biết cha đang nhìn. Hành động như khi cha đang đứng cạnh.”

Những kỳ vọng về sự xuất sắc trở thành kim chỉ nam định hình các giá trị của chúng tôi, và rồi các giá trị đó chi phối những lựa chọn của chúng tôi. Chúng luôn ở đó, như một lời nhắc nhở rằng để đạt được những điều đặc biệt, ta phải luôn giữ mình theo những tiêu chuẩn đặc biệt, bất kể người khác có nghĩ gì đi nữa. Cha tôi thậm chí còn đi xa đến mức làm hẳn chiếc biển báo có nội dung “YBNML”, mà những đứa bạn sợ sệt ở cùng trường phổ thông với chúng tôi luôn dịch là “Why be an animal – Sao lại là một con vật?” Nhưng ý nghĩa thực sự của nó lại là “Why be normal – Sao phải bình thường?”

Sự quyết liệt và niềm tin vào sức mạnh của sự bất tuân lề thói ở cha rõ ràng là từ những trải nghiệm của ông bà nội tôi mà ra. Năm 14 tuổi, bà nội Eva, (chúng tôi thường gọi bà là Ma) và 27 thành viên trong gia đình gồm cả cụ ngoại và người em gái 12 tuổi của bà buộc phải rời quê nhà ở Hungary đến một khu ổ chuột cùng với những người Do Thái đồng hương khác. Từ đó, họ được chở đến trại tập trung đáng sợ nhất, Auschwitz, bằng xe chở gia súc. Khi đến nơi, mọi người phải xếp hàng trước các bác sĩ của trại và được lệnh phải bước sang trái hoặc phải. Toàn bộ gia đình Ma nhận lệnh bước sang trái, nhưng vì bà đang ở độ tuổi lao động nên các bác sĩ đã yêu cầu bà bước sang phải. Quá sợ hãi, bà đã than khóc và nhất quyết không chịu rời mẹ và em gái mình. Các lính canh Đức quốc xã đã đánh bà cho đến khi bà bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, bà cầu xin các tù nhân khác trong trại nói cho bà biết, bà có thể tìm thấy gia đình mình ở đâu. Với những ánh mắt nhẫn tâm, họ chỉ tay về phía đám khói. Cả gia đình bà đã bị đưa đến phòng hơi ngạt, bị giết và đốt thành tro ngay ngày đầu tiên họ đặt chân đến Auschwitz.

Sau sáu tháng trong trại, phải sinh tồn trong điều kiện sống khắc nghiệt và chứng kiến không biết bao nhiêu người chết ngay bên cạnh mình mỗi ngày, Ma được chuyển sang một trại tập trung mới. Theo lời bà, “trại Bergen-Belsen thậm chí còn khủng khiếp hơn trại Auschwitz. Nó chẳng khác nào địa ngục trần gian.” Nhưng Ma tin rằng cha bà sẽ chờ bà trở về khi chiến tranh kết thúc, và niềm tin rằng bà phải sống để đảm bảo rằng chí ít gia đình bà cũng còn một người thân sống sót trở về đã giúp bà vững tinh thần để tiếp tục chống chọi mỗi ngày. Ý thức được mục đích ấy đã giúp bà sống sót qua những điều kiện khắc nghiệt đã khiến bao nhiêu người khác phải bỏ mạng.

Sau tám tháng bà phải sống ở Bergen-Belsen, chiến tranh kết thúc, những người lính Mỹ giải thoát bà khỏi trại giam. Bà yếu đến nỗi không thể tự ăn, nhưng may sao rốt cuộc chính điều này lại cứu mạng bà vì người ta phải cho bà ăn thật chậm để dạ dày bà dần quen với thức ăn đặc. Bà đã suýt chết vì đói, vì vậy bà luôn tự nhủ sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra với những đứa cháu của mình. Sau này, bà bị ám ảnh với việc nhìn chúng tôi ăn. Bà thường bỏ ra nhiều ngày chuẩn bị súp gà, thịt ức, bánh mì kẹp kem và sô-cô-la để chúng tôi có thể ăn no căng bụng trong những buổi tối thứ Sáu. Ngay sau khi chúng tôi ăn hết một món, một phần ăn khổng lồ khác sẽ được tiếp thêm. “Còn có cả món tráng miệng nữa đấy nhé, mấy đứa!” bà vừa nói vừa gật đầu ra vẻ khuyến khích chúng tôi ăn thêm.

Sau khi sức khỏe phục hồi, Ma thực hiện chuyến đi mà bà đã chờ đợi từ rất lâu – trở lại Hungary tìm cha. Trong khi những người khác đoàn tụ với người thân yêu của họ trong nước mắt hạnh phúc thì bà lại đứng bơ vơ giữa nhà ga xe lửa ở Budapest. Cụ ngoại chẳng bao giờ xuất hiện. Cụ đã bỏ mạng tại một trại lao động ở Nga. Không một ai xuất hiện. Suy sụp cùng cực, bà gọi điện thoại cho người thân duy nhất mà bà nghĩ có thể còn sống, người chú của bà, và ông đến đón bà về sống cùng.

Vài năm sau đó, chú của Ma giới thiệu bà với một người bạn của ông, Joseph, cũng là một nạn nhân của nạn tàn sát người Do Thái dưới thời Hitle. Ông đã sống một năm tại trại tập trung Dachau, cả hai người em trai và cha ông đều bỏ mạng ở đây. Nhờ sự kiên trì, khả năng thuyết phục của ông và sự thấu hiểu thế nào là mất mát, hai người gắn kết sâu sắc. Joseph Braun nhanh chóng cầu hôn Eva, và sau khi kết hôn, bà sinh được hai người con, một trai, một gái. Người con trai, Ervin Braun, là cha tôi. Năm 1956, khi cuộc Cách mạng Hungary nổ ra, họ lên kế hoạch vượt biên để đến với miền đất hứa Hoa Kỳ. Ông nội tôi (chúng tôi gọi ông là Apu) đã đi tiền trạm, đêm đến ông một mình trốn qua biên giới Hungary rồi sau đó trở lại đón mẹ, các chị em, vợ và các con.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button