Review

Liễu Phàm Tứ Huấn

Thể loại Kỹ năng – Sống đẹp
Tác giả Viên Liễu Phàm
NXB NXB Phương Đông
Công ty phát hành Tea Books
Số trang 124
Ngày xuất bản 09-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Bốn lời dạy để cải tạo vận mệnh con người, bởi vận mệnh không phải do trời định mà là do con người tạo lập nên.

“Bốn lời dạy để cải đổi vận mệnh con người: phải tin tưởng rằng vận mệnh có thể tự thay đổi được; phải biết hối lỗi và quyết tâm sửa lỗi; luôn nghĩ điều thiện và làm việc thiện; phải luôn khiêm tốn, hòa nhã.” – Lời Dịch giả

Cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn là một cuốn sách do Liễu Phàm tiên sinh viết vào thời đại triều Minh (Trung Hoa), kể lại những trải nghiệm của chính mình và những học vấn, tu dưỡng của cả cuộc đời để giáo dục cho con cháu.

Ngài Viên Liễu Phàm vào thời kỳ còn trẻ đã nghiệm chứng tính chuẩn xác của số mệnh, về sau tiến thêm một bước nữa là thông hiểu do lai của số mệnh, biết con người có thể nắm bắt vị lai của chính mình, cải tạo vận mệnh của chính mình và rồi trong nửa cuộc đời còn lại của ngài đã nghiệm chứng được con người hoàn toàn có thể tự mình “ lập mệnh”, nghiệm chứng được tính chuẩn xác của tự cầu đa phúc.

Nếu chỉ biết số mệnh và an phận theo số mệnh thì đó là tiêu cực, là vô ích; cần phải tự mình phấn đấu, không ngừng cải tạo vận mệnh của chính mình thì đó mới tích cực và có ích. Liễu Phàm tiên sinh đã viết lại cuốn sách này để truyền dạy con cháu đời sau của mình, biết dùng cái đạo xử thế làm người một cách chuẩn xác.

Xét thấy đây chính là một cuốn sách có ích cho tất cả mọi người vậy!

[taq_review]

Trích dẫn

HIỆU QUẢ CỦA ĐỨC KHIÊM TỐN

Quẻ Khiêm của Kinh Dịch bảo: “Cái đạo lý của trời, bất luận là thế nào, hễ người nào kiêu ngạo tự mãn thì sẽ khiến người ấy bị tổn hại, còn ai khiêm tốn thì sẽ khiến người ấy được chỗ lợi ích. Cái đạo lý của đất, bất luận là thế nào, hễ người nào kiêu ngạo tự mãn, cũng sẽ khiến người ấy cải biến, không để cho người ấy đầy đủ mãi; còn ai khiêm tốn, thì sẽ khiến người ấy được nhuận ướt, không khô khan, cũng giống như chỗ thấp, nước chảy qua, nhất định sẽ làm đầy chỗ khuyết thiếu của người ấy. Cái đạo lý của quỷ thần, hễ ai kiêu ngạo tự mãn thì sẽ khiến người ấy bị thiệt hại, còn ai khiêm tốn thì sẽ khiến người ấy được phước lạc. Cái đạo lý của người thì chán ghét người kiêu ngạo tự mãn và yêu thích người khiêm tốn”. Xem như thế thì trời, đất, quỷ, thần, người đều xem trọng người khiêm tốn cả. Sáu mươi bốn quẻ mà Kinh Dịch giảng đều là sự biến hóa của trời đất, âm dương, dạy người ta phương pháp làm người.

Người sẵn sàng đón nhận sự phê bình của người khác mới có thể được người khác chỉ dạy, mới có thể có đường tiến bộ.

Trong mỗi quẻ, mỗi hào đều có hung (xấu), có cát (tốt). Quẻ hung thì cảnh giới người ta bỏ ác theo thiện, khích lệ người ta nên mỗi ngày mỗi mới. Chỉ riêng có quẻ Khiêm này là hào nào cũng đều cát tường (may mắn) cả. Kinh thư cũng nói: “Tự mãn thì sẽ mời gọi sự tổn hại, khiêm tốn thì sẽ thọ nhận lợi ích”. Ta cũng thường thấy những nho sinh nghèo khổ, đến khi họ thi đỗ thì nhất định trên mặt phát ra vẻ khiêm hòa, an tường tựa như họ được nâng bổng lên vậy.

Năm Tân Mùi, khi ta đến kinh đô dự thi, chỉ có Đinh Kính Vu (Tân) là người tuổi còn rất nhỏ và lại rất khiêm tốn. Ta nói cho người cùng dự thi với ta là Phí Cẩm Pha biết rằng: “Anh bạn này năm nay nhất định thi đậu”. Phí Cẩm Pha nói: “Sao Biết được như vậy?” Ta nói: “Chỉ có người khiêm tốn mới có thể nhận thọ phước báo. Anh xem trong mười người chúng ta có ai thành thực đôn hậu, việc gì cũng không dám quyết định trước người khác như Kính Vu chăng? Có ai cứ cung kính, việc gì cũng đều chịu nhận, chú ý khiêm tốn như Kính Vu chăng? Có ai cam chịu nhục mà không đáp lại, nghe người khác hủy báng mà không tranh luận như Kính Vu chăng? Một người mà có thể làm được như vậy thì được trời đất quỷ thần đều bảo hộ, há có chuyện người ấy không được phát đạt sao?”

Đến khi treo bảng kết quả, Đinh Kính Vu quả nhiên trúng tuyển.

Năm Đinh Sửu, ta đang ở kinh đô, cùng trọ một chỗ với Phùng Khai. Ta nhận thấy anh ta rất giữ khiêm tốn, sắc mặt hòa thuận, không hề có chút kiêu ngạo; khác nhiều với thói quen hồi nhỏ. Anh ta có một người bạn rất ngay thẳng, thành thực là Lý Tế Nham, thường chỉ trích những sai lầm của anh ngay trước mặt anh; ta chỉ thấy anh bình tĩnh, thanh thản tiếp nhận sự trách cứ của bạn mà không một lời phản bác. Ta bảo anh: “Một người có phước thì nhất định có căn mầm của phước. Nếu có họa thì nhất định có điềm báo của họa. Chỉ cần có lòng khiêm tốn thì nhất định sẽ được trời giúp. Năm nay nhất định anh thi đỗ đấy!” Về sau quả thật anh ta đỗ.

Triệu Dụ Phong, tên Quang Viễn, người ở huyện quán tỉnh Sơn Đông, tuổi chưa đến 20 đã thi đỗ Cử nhân. Về sau ông còn đi thi nhiều lần nhưng lại không đỗ. Cha ông làm Chủ Bạ (chuyên việc sổ sách) ở huyện Gia Thiện. Dụ Phong theo cha cùng đến nhiệm sở. Dụ Phong hết sức kính mộ học vấn của một danh sĩ ở Gia Thiện là Tiền Minh Ngô, bèn đem văn của mình đến cho ông ta xem, nào ngờ vị Tiên sinh họ Tiền này lại cầm bút bôi xóa toàn bộ bài văn ấy. Triệu Dụ Phong không những không giận mà còn tâm phục khẩu phục, đem bài văn của mình mà sửa đổi những chỗ sai sót. (Giữ lòng khiêm tốn được như vậy, thực hiếm thấy ở những người trẻ tuổi!). Đến năm sau, Dụ Phong thi đỗ.

Năm Nhâm Thìn, khi đến kinh đô yết kiến vua, ta gặp một nho sĩ tên là Hạ Kiến Sở, thấy khí chất của ông ta hư hoại như hang rỗng, chẳng có chút thần khí kiêu ngạo nào; còn vẻ sắc khiêm tốn của ông thì lại như gần gũi với người khác. Ta trở về nói với bạn bè rằng: “Hễ trời cao muốn cho một người phát đạt thì khi phước của người ấy chưa phát, nhất định trước hết phải khai phát trí tuệ của người ấy, khi trí tuệ đã phát thì người lông bông tự nhiên biến thành người thành thực, người phóng túng cũng tự nhiên trở thành người chừng mực, Kiến Sở đã đạt đến mức ôn hòa thiện lương như vậy, tức là đã phát trí tuệ, trời cao nhất định sẽ phát phước cho anh ta!”. Đến khi có kết quả thi, quả nhiên Kiến Sở được trúng tuyển.

Huyện Giang Âm (tỉnh Giang Tô) có vị nho sĩ tên là Trưởng Úy Nham, có học vấn thâm sâu, văn chương rất tài tình, rất nổi tiếng trong đám nho sĩ. Năm Giáp Ngọ, ông tham dự kỳ thi Hương ở Nam Kinh, ở nhờ tại một tu viện; đến khi có bảng kết quả, tên ông không có trên bảng ông không phục, trách mắng các quan Giám khảo không có mắt tinh tường, không thấy được cái hay của văn chương ông… Bấy giờ có một đạo sĩ đứng cạnh đó mỉm cười. Trưởng Úy Nham lại càng thêm giận mà nói: “Ông chưa đọc được văn của tôi sao biết được tôi viết không hay?” Đạo sĩ đáp: “Ta thường nghe người ta nói, cái quan trọng nhất của văn chương là tâm bình thản, khí hòa thuận; nay nghe anh trách mắng các quan Chủ khảo, đủ rõ rằng tâm của anh rất không bình thản, khí của anh quá thô bạo, thế thì văn chương của anh làm sao mà hay được chứ?” Trương nghe đạo sĩ nói thế, bỗng nhiên chịu phục; do đó mới quay ra xin đạo sĩ dạy dỗ cho. Đạo sĩ nói: “Muốn đỗ đạt công danh, hoàn toàn là nhờ vào số mạng, mạng không có số thi đỗ thì dù cho văn chương có hay cũng chẳng lợi ích gì (vận không thi đỗ). Nhất định anh phải nỗ lực cải biến”. Trương hỏi: “Đã là số mạng thì làm sao cải biến được?” Đạo sĩ đáp: “Cái quyền tạo ra số mạng là do trời, nhưng cái quyền lập mạng thì lại do ta; chỉ cần anh hết lòng làm việc thiện, tích tập nhiều âm đức thì phước nào lại chẳng đến chứ?” Trương nói: “Tôi chỉ là một nho sinh nghèo nàn, có thể làm việc thiện nào được chứ?” Đạo sĩ nói: “Làm thiện, tích tập công đức đều từ cái tâm này mà ra. Chỉ cần luôn giữ cái tâm làm việc thiện, tích tập công đức thì phước đức sẽ vô lượng vô biên.

Cũng như sự khiêm tốn, tại sao anh không tự phản tỉnh rằng công phu của chính anh quá nông cạn, không thể khiêm tốn được, lại mắng trách quan Giám khảo không công bình chứ?”

Trương nghe đạo sĩ nói xong, từ đó cố trấn áp cho tiêu sự kiêu ngạo, tự mình giữ gìn mình, không đi con đường sai trái nữa. Ngày ngày ông đều gắng thêm để tu thiện, ngày đều gắng thêm để tích chứa âm đức. Đến năm Đinh Dậu, một hôm ông nằm mộng thấy đến một tòa nhà ở một nơi rất cao, xem thấy danh sách trong cuốn sách ghi việc thi cử có nhiều dòng bị bỏ trống. Trương không hiểu, bèn hỏi người bên cạnh: “Tại sao trong danh sách lại có nhiều dòng bị để trống như thế này?” Người ấy đáp: “Đối với những người dự thi kia, cứ ba năm cõi âm lại tra xét một lần. Ai nhất định tích tập âm đức, không phạm tội lỗi thì mới có tên trong sách này. Những hàng còn trống ở mặt trước cuốn sách là chỉ những người trước kia vốn đáng thi đỗ; nhưng gần đây họ phạm tội lỗi nên tên của họ bị xóa đi”. Sau đó, người ấy lại chỉ vào một hàng mà nói: “Ba năm nay ông lưu tâm giữ gìn mình, không phạm tội lỗi, có thể xứng đáng bổ sung vào hàng trống này, hy vọng ông trân trọng thương yêu chính mình mà không phạm tội lỗi!” Quả nhiên, lần ứng thí năm đó, Trương đỗ thứ 105.

Cứ xem những gì đã nói trên đây, ngẩng đầu cao ba thước, nhất định có thần minh giám sát hành vi của người ta; do đó việc có lợi cho người, việc cát tường đều phải mau chóng thực hiện; việc hung hiểm, tổn hại cho người thì phải tránh xa, chớ làm; đây là điều do chính ta quyết định được.

Kết quả kỳ thi được công bố, có người vui sướng có người buồn khổ.

Chỉ cần ta giữ tâm thiện lành, kìm giữ mọi hành vi bất thiện, chẳng có chút gì đắc tội với trời đất quỷ thần; đồng thời lại phải giữ lòng khiêm tốn, tự mình quyết không kiêu ngạo, khiến trời đất quỷ thần lúc nào cũng thương xót; được như thế thì mới có thể có căn cơ thọ nhận phước lạc. Còn những người ăm ắp ngạo khí, nhất định chẳng phải là kẻ rộng lượng cao xa; dù có mưu cầu phát đạt cũng không thể thọ hưởng được phước báo lâu dài. Người có chút ít hiểu biết, nhất định không chịu làm cho cái độ lượng của chính họ thành quá hẹp hòi để phải bỏ đi cái phước mình có thể đạt được; huống chi người khiêm tốn thì còn có chỗ có thể thọ nhận sự chỉ dạy (nếu người ta không khiêm tốn thì ai mà chịu chỉ dạy cho?). Vả lại, người khiêm tốn chịu học hỏi cái tốt của người khác; người khác có hành động thiện thì người khiêm tốn tìm đến học hỏi; được như thế thì cái thiện lành không bao giờ cùng tận. Người chăm chuyên thăng tiến công đức, tu tập hạnh nghiệp như thế nhất định là người không thể có gì thiếu sót vậy!

Người xưa có nói: “Có lòng mong cầu công danh thì nhất định có thể đạt công danh; có lòng mong cầu phú quý thì nhất định có thể đạt phú quý”. Một người có chí hướng cao cả thì giống như cây có rễ (cây có rễ thì sẽ sinh ra chồi, cành, hoa, lá). Người ta muốn xác lập cái chí hướng cao cả thì trong mỗi ý nghĩ đều phải giữ khiêm tốn; dù có gặp phải những việc thật nhỏ như tro bụi cũng muốn làm cho người khác được thuận lợi; nếu được như vậy thì tự nhiên có thể cảm động trời đất; còn tạo phước thì hoàn toàn do chính tự ta, do chính tấm lòng chân thật của ta tạo thì mới thành được. Hiện nay có một số người mong được công danh, mới đầu chẳng có lòng thành nào, bất quá chỉ cao hứng nhất thời mà thôi; hứng khởi đến thì cầu tìm, hứng khởi lui thì ngưng dứt. Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương: “Đại vương ưa thích âm nhạc, nếu mà ưa thích đến cực điểm thì quốc vận nước Tề đại khái có thể hưng vượng. Nhưng Đại vương ưa thích âm nhạc thì chỉ là cá nhân truy tìm hạnh phúc mà thôi; nếu có thể đem cái lòng truy tìm hạnh phúc cá nhân mà mở rộng ra cho đến nhân dân hạnh phúc; khiến trăm họ đều hạnh phúc thì như thế nước Tề sao mà không hưng vượng được chứ?” Ta thấy cầu mong được khoa bảng cũng như thế, cần phải có cái tâm cầu khoa bảng mở rộng cho đến việc tích tập công đức, thực hành việc thiện; như thế là mạng vận và phước báo đều do chính ta quyết định vậy.

Bạn đọc cảm nhận

Hai Dũng

Đây là một cuốn sách ảnh hưởng sâu sắc đến tôi .Tình cờ mình đọc được sách này ,sách được phát hành dưới tên “Làm chủ vận mệnh ” ,mình mua ở chùa Hoằng Pháp .Đây là cuốn sách đã mang mình đến với Phật giáo .Triết lý của sách bao trùm mọi mặt cuộc sống và ảnh hưởng sâu đến một người làm kinh doanh như mình .Cách diễn đạt gần gũi ,dễ hiểu vì đây là lời dạy của một người cha dành cho con trai ngài .

Đặng Diệp Phú

Sách nói về vận mệnh của cuộc đời theo luật nhân quả, con người khi sinh ra đã mang theo vận mệnh của mình, tùy theo nghiệp tốt hay xấu kết hợp với duyên của đời này tạo thành vận mệnh của mình. nhưng vận mệnh đó có thể thay đổi được tùy theo việc làm của chúng ta. sách khuyên ta sống hướng thiện, tạo giá trị cho mọi người để mình có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trần Thị Bích Chi

Đọc để biết được rằng số phận không phải là sự an bài. Nó có thể thay đổi tốt hay xấu tùy thuộc vào viêc làm của mỗi chúng ta. Những gì chúng ta gặp hôm nay, đều do các việc làm trước đó của chúng ta.

Đọc để biết được rằng đâu là việc tốt, xấu. Tốt, xấu tùy thuộc vào ngữ cảnh và cách chúng ta hành động. Không có một khung chuẩn nào khẳng định rằng đó là tốt hay xấu. Nó tùy thuộc và từng ngữ cảnh.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button