Review

Lên Đường Với Trái Tim Trần Trụi – Tôi Là Một Con Lừa

Thể loại Tự Truyện – Bút Ký
Tác giả Nguyễn Phương Mai
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 184
Ngày xuất bản 05-2013
Giá bánXem giá bán

 

Không thể tin được…

Một cô gái trẻ có sự nghiệp ổn định là giảng viên tại khoa kinh tế, Đại học Amsterdam, Hà Lan, công việc mà nhiều người hằng mơ ước lại đột ngột từ bỏ tất cả chỉ để thỏa cái sự đi đây đi đó, khám phá thế giới của bản thân.

Hơn thế nữa, cô gái này thật sự khiến tôi nghẹt thở, đi hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác với chính những trải nghiệm của cô. Bạn thử tưởng tượng mà xem, chỉ để được ngắm nhìn cá mập trắng – hung thần của biển xanh mà cô gái này sẵn sàng cho mình vào chiếc lồng sắt rồi thả mình xuống Hẻm Cá Mập để làm mồi. Chuyện đấy vẫn chưa thấm tháp gì so với cuộc săn lùng các nghĩa địa tại thành thố Cristobal Colon. Nhưng với tôi, đáng sợ nhất vẫn là cái lần cô thả mình rơi tự do từ độ cao 160 mét xuống thác Maletsunyane tại Queenstown nơi được mệnh danh là xích đu cao nhất thế giới.

“CÁ TÍNH”. Tôi thốt lên như một phản xạ tự nhiên khi nghĩ về cô gái này. Rất chuẩn xác khi dùng 2 từ này để nói về Phương Mai– chính là cô gái mà tôi đang nhắc tới và cô cũng chính là tác giả của cuốn sách “Tôi là một con lừa”.

Cá tính của Phương Mai không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai. Vì đấy là cá tính của một con lừa. Ông bà ta hay có câu “Thân lừa ưa nặng”. Quả thật vậy, ở tuổi cô, bình thường các chị em đang ở bên chồng con, cuốn mình vào chăn ấm nệm êm, ngồi thư giãn trên ghế sofa xem tivi hoặc mơ mộng về một kì nghỉ cùng gia đình. Cái phiên bản mang tên Phương Mai thì khác hẳn: Cô lại đâm đầu vào những hành trình kỳ lạ nhất quả đất mà tôi từng biết. Điểm đến đầu tiên của Phương Mai không phải là thành phố xinh đẹp với những món ăn ngon mà là tại thủ đô Johannesburg, Phi Châu được mênh danh “Thủ đô cướp giết hiếp”.

Có thể nhiều người nghĩ rằng cô gái này không bình thường, nặng thì tất nhiên là “ngu như lừa”, nhẹ thì bị cho là “nổi loạn” và “cực đoan”. Riêng tôi, đây mới thật sự là “Cá tính”. Đã không ít lần tôi thèm khát được vượt ra khỏi vòng an toàn của bản thân, bức phá làm những điều mình muốn, tự do thể hiện cá tính. Nhưng mấy ai dũng cảm được như Phương Mai, bỏ lại sau lưng tất cả và “tự do rong chơi”. Trong vòng 1 năm, Phương Mai đã du hí tới 23 đất nước khác nhau trên hành trình khám phá thế giới của mình. Không dừng lại ở đấy, cô lại tiếp tục kéo chiếc balo mười một cân đi tiếp cuộc hành trình khám phá Trung Đông.

Như một hòn đá lăn, cô lừa Phương Mai đầy cá tính tiếp tục tự do di chuyển để phát hiện ra sự nhỏ bé ngu ngốc của con người trước tự nhiên. Để phá tan những ngộ nhận và định kiến. Và để bản thân luôn tươi mới mỗi ngày..

St

[taq_review]

Trích đoạn:

Phương Mai – một con lừa

Gọi phụ nữ xinh đẹp là con lừa thì kinh khủng quá. Trên đời này còn bao nhiêu con khác sang trọng hơn, mềm mại hơn và lấp lánh hơn.

Nhưng cá nhân tôi thấy con lừa rất tuyệt. Tai nó vểnh lên, dễ dàng quay tứ phía, mắt nó mượt như nhung và to đến mức nhìn thấy cả đuôi mình. Chân nó thì khỏi phải nói, vừa khỏe lại vừa êm. Trước lừa, mọi thứ đều bình an, mọi cái ác đều tan biến. Nếu bạn hay xem phim, bạn sẽ thấy anh hùng luôn cưỡi ngựa còn thần thánh lại cưỡi lừa. Chẳng phải Jesus tiến vào Jerusalem trên lưng một con lừa đó sao, chưa kể các vị tiên tri và ông tổ khác như Abraham hay Moses! Chỉ ngồi bên lừa ta mới suy tư.

Điều tuyệt đẹp ở lừa là nó không đứng im. Trâu bò thong thả nhai cỏ, còn lừa thong thả đi. Lừa đi hoài, đi hoài, không đi quá nhanh, hẳn rồi, nhưng bao giờ cũng tới đích và đi nhiều lắm thì cũng thành nhanh.

Phương Mai đi nhiều. Phần lớn chúng ta cũng thế, nhưng đấy là đi kiếm ăn, đi tìm bồ hoặc đi trốn nợ. Những sự đi ấy tuy quần quật nhưng luôn trở về chỗ cũ. Chúng ta phi nước đại hằng ngày trên con đường mòn đến kiệt sức.

Mai thì không phi. Cô cắp tấm thân mình dưới nách. Chạy nước kiệu qua hết chỗ nọ chỗ kia. Ở đâu cô cũng ngạc nhiên, vùng đất nào cô cũng hồi hộp.

Phương Mai không già, và tôi có cảm giác với kiểu đi này, cô sẽ không già cho đến chết. Hầu hết chúng ta sẽ chết ở nhà, điều đó phải được coi là bi kịch chứ không thể là sự an tâm như nhiều kẻ vẫn chắc mẩm, kể cả tôi. Tôi thường tự an ủi mình là ngồi trong nhà, mở ti vi xem Discovery hoặc National Geographic cũng là “đi” rồi. Sau khi yên tâm như thế, tôi thường đi… ngủ. Trong lúc tôi chìm sâu vào trong tấm chăn êm đềm (nhưng thực ra tẻ nhạt), thì có không biết bao nhiêu con lừa vẫn vừa thở dốc vừa vui vẻ khởi hành.

Đi với lừa trở thành một bản năng đến mức đôi khi mắt nó phải che bởi chả cần nhìn đường. Mai cũng thế, dù mắt cô không che. Có cảm giác cô không hỏi ai trước khi lên đường, không bị định kiến của thiên hạ làm chùn bước. Những kẻ như Mai có khả năng đi lung tung, nhưng không khi nào đi cuối cùng. Tôi rất mong có ngày sẽ được nắm đuôi Mai.

Nhiều nhà khoa học tuyên bố loài người ra đời khi khỉ biết đứng thẳng hai chân. Nhầm. Khi họ đi mới đúng.

Có nhiều định nghĩa về tự do. Nhưng tôi nhớ mãi câu của một nhà văn khi vừa mới ra tù, thoát khỏi cổng sắt: “Tự do là di chuyển”. Hay thiệt. Không di chuyển thì tự do để làm gì?

Lê Hoàng

Rốt cuộc, tôi là một con lừa

Thứ nhất, ông bà mình thường bảo “Thân lừa ưa nặng”. Bằng tuổi tôi, vào một buổi tối mùa đông ướt át cóng buốt như hôm nay, bình thường con gái nhà người ta sẽ ngồi trên ghế sofa, co ro cuốn chăn vào chân, dụi đầu vào vai chồng, mắt lườm ti vi, mồm cắn hạt dưa, đầu óc mơ mộng nghĩ đến một kỳ nghỉ ở xa xôi đâu đó có spa và nắng ấm. Cái phiên bản ấy mang tên tôi thì khác hẳn: cuốn chân vào một cái áo khoác, dụi đầu vào một khung cửa sổ không kính không chấn song trên một khoang tàu có hai mươi nhăm cái ghế với gần một trăm con người cộng hàng chục con gà và thêm năm cái xe đạp. Nếu không có anh bạn đường đưa vai ra che chắn, hẳn cái đám đông đen đúa nhếch nhác kia đã ngồi chồng cả lên người tôi rồi. Chẳng có ti vi cũng chẳng có ghế sofa, tôi chỉ biết nhắm mắt đếm cừu để tránh những ánh nhìn chòng chọc rất sỗ sàng đặc trưng của người Ấn. Ai từng đến thăm xứ sở này hẳn đều không thể quên được những tia nhìn không ngại ngùng của cả đàn ông, đàn bà và trẻ con. Đến một con chó ngái ngủ vệ đường cũng có thể ngửi thấy mùi người lạ mà bất thần chồm lên ăng ẳng…

Vấn đề là tại sao tôi lại mua chiếc vé hạng cùng đinh trị giá còn kém cả một cuộn giấy vệ sinh (!) vài rupi trong khi với đồng lương châu Âu tôi dư sức mua vé hạng nhất hoặc thậm chí bao cho mình cả khoang tàu? Câu trả lời là tôi ngồi trên chuyến tàu nhếch nhác quay lại Delhi không phải vì vé hạng nhất đã hết mà vì tôi thích thế, thích được tự mình chứng thực cho muôn vàn câu chuyện mọi người hằng truyền bá về những chuyến tàu vận chuyển người như vận chuyển gia súc đi lò mổ của thường dân Ấn Độ. Như đã tự thú nhận ở đầu bài viết, tôi là một con lừa, một con lừa không những ưa nặng mà còn (theo ý của một người bạn) “… tự tìm cách đâm đầu vào vũng nước để được công nhận là một con lừa có cá tính”.

Ngụy trang bằng cái nhãn rất mị dân này (cá tính), tôi đã từng có một hành động khá ẩm sọ: vừa ký xong hợp đồng làm việc với Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, dạy được đúng hai học kỳ thì đầu năm 2010 tôi đùng đùng tuyên bố bỏ việc. Sếp hết hồn gọi lên gạn hỏi thì tôi bảo đơn giản là em loanh quanh ở châu Âu lâu quá rồi sếp cho phép em ra ngoài ra hít thở không khí trong lành một chút. Sếp hỏi tiếp, đi ra ngoài là đi đâu, tôi bảo đi châu Phi với lị Trung Mỹ (tổng cộng hơn một trăm nghìn ki lô mét). Sếp hắng giọng hỏi câu cuối cùng, một chút là bao lâu, tôi mới bẽn lẽn cúi đầu mà rằng: chỉ có một năm thôi ạ!

Tôi bắt đầu chuyến đi dài gấp hai lần rưỡi vòng xích đạo với một chiếc ba lô nặng mười một cân. Vào đúng buổi sáng ngày mùng 1 tháng 1 năm 2010, tôi xuất hiện ở sân bay Schiphol trong bộ dạng của một con lừa hớn hở rất vô căn cứ: không nhà (nhà thuê trả chủ rồi!), không việc làm (mất dạy rồi còn đâu!), không người yêu (có ai điên mà đi yêu một con lừa đã ẩm sọ lại còn thất nghiệp và vô gia cư?).

Cái sự hớn hở rất vô tư lự này theo tôi trong suốt chặng đường vắt ngang qua năm châu lục, và những vũng nước tôi tự đâm đầu vào để được công nhận là có cá tính thì có đủ mọi hình hài chất liệu, từ vũng bùn cho đến vũng nước hoa. Gần một năm lóc cóc vác ba lô đi quanh, con lừa ướt nhẹp trong tôi liên tục ngộp thở, lột xác, ngơ ngác, lạc đường, đôi khi phẫn uất hoặc hân hoan tột đỉnh. Bài học lớn nhất tôi học được sau những lần cắm đầu vào vũng nước có lẽ là việc hết lần này đến lần khác lại hào hứng tự đứng lên, rũ lông cho nước văng tứ tung, mồm lẩm bẩm “whatever” (thế nào cũng được!) và lại kéo chiếc ba lô mười một cân đi tiếp cuộc hành trình.

Trở về nhà, với số tiền còn lại trong tài khoản (khoảng hai mươi euro trước khi kịch nút âm maximum số tiền có thể nợ nhà băng), tôi nhẩm tính ra… mì tôm và đăng ký ăn chực ở nhà tất cả những đứa bạn đã từng được tôi cho ăn chực. Bốn mươi tám tiếng sau khi hạ cánh trở lại Schiphol, tôi giữ nguyên mái tóc tết kiểu châu Phi, đứng trên bục giảng và chia sẻ với sinh viên về sự vô nghĩa của hơn sáu ngàn tỷ đô la tiền cứu trợ đổ vào lục địa đen. Lần đầu tiên tôi giảng bài không cần giáo án, lần đầu tiên những gã sinh viên to mồm người Mỹ không giơ tay cắt lời, lần đầu tiên những sinh viên da màu mới nhập học chỉ ngồi yên và lặng lẽ gật đầu.

Khi bạn đang đọc những dòng này, con lừa tôi đã kịp bỏ việc thêm lần nữa. Cái vũng nước mà nó quyết định đâm đầu vào lần này bao gồm toàn bộ vùng Trung Đông, kéo dài từ điểm châu Phi nối với châu Âu, vắt qua hướng Đông, dích dắc qua hai mươi quốc gia Hồi giáo ầm ì cả tiếng súng nội chiến lẫn tiếng hát thanh bình gọi cầu kinh suốt Mùa xuân Ả Rập. Con lừa bất chấp can ngăn của bạn bè, lăn lộn học tiếng Ả Rập, tập trùm khăn, tập quỳ lạy. Tiền kiếm được ki cóp bóp bụng suốt một năm lại đổ vào một cuộc hành trình mới: Con đường Hồi giáo. Có sao đâu, whatever, tiền đôi khi như tóc, hết lại mọc. Chỉ có điều tóc chẳng bao giờ kịp dài để được làm một con lừa nữ tính, dụi đầu vào vai chồng mơ tắm spa.

Nhưng hượm đã, đó là chuyện sẽ để dành chia sẻ vào một ngày hôm khác. Còn bây giờ, thôi thì đành xấu một tí để làm con lừa có cá tính vậy. Lọ mọ nhe răng đi đến một vũng nước rồi… Tùm!!!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button