Review

Lẽ Được Mất

Thể loại Nghệ thuật sống đẹp
Tác giả Lya Luft
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 230
Ngày xuất bản 02-2012
Giá bánXem giá bán

Tôi thật sự hạnh phúc khi biết rằng kể từ nay độc giả yêu văn chương sẽ có cơ hội tiếp cận với một trong những nữ tác giả Brazil đương đại có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Lya Luft là một trong số những cây bút hiếm hoi có khả năng mở ra những con đường mới.

Sở dĩ tôi nói Lya mở ra con đường mới chứ không phải một lối tắt đi đến những gì bạn muốn là bởi tác phẩm của bà bày ra vẻ phong phú chứ không phải giản đơn của cuộc sống. Trong thế giới hiện đại, giữa thời kỳ mà mọi thứ đến quá dễ dàng, cùng với tư tưởng tôn sùng cái mới lạ, trẻ trung, Lya lại mời gọi chúng ta làm một điều đang ngày càng hiếm hoi: trưởng thành để nhận ra vẻ đẹp trong từng thời kỳ của cuộc sống, và để lạc quan đương đầu với sức tàn phá của thời gian.

Là thạc sĩ văn học, Lya Luft thông thạo hai ngôn ngữ Anh và Đức. Bà giảng dạy, đồng thời khẳng định vị thế vững chắc của mình trong sự nghiệp biên dịch tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Thomas Mann, Gunter Grass, Virginia Woolf và nhiều tác giả khác từ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Đức sang tiếng Bồ Đào Nha. Năm 1980, khi bước sang tuổi bốn mốt, bà khởi nghiệp sáng tác với tiểu thuyết đầu tay Bạn đời – tác phẩm đã lập tức khiến giới phê bình và bạn đọc sửng sốt bởi giọng văn đầy đặn, giàu xúc cảm. Nhưng mãi đến năm 2003 với Lẽ Được Mất, tên tuổi của Lya mới được phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Bằng lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, quyển sách hé mở những trăn trở, suy tư của con người về cuộc đời của mỗi chúng ta, đồng thời chứng minh với độc giả khả năng độc đáo của tác giả – người có thể chiếm được cảm tình của người đọc vốn đã xem bà như bạn: chạm đến sâu thẳm tâm hồn và khiến họ miên man suy tưởng; vỗ về và truyền cảm hứng. Sống, đối với Lya, không thể thiếu sự đam mê và nếm trải cả vị ngọt ngào lẫn đắng cay mà cuộc đời mang lại. Vì thế, sau khi khẳng định tầm vóc của một tiểu thuyết gia, nhà thơ và dịch giả, không có gì ngạc nhiên khi bà lồng ghép vào từng câu chữ sự nhạy cảm không ai sánh kịp trong các tác phẩm đề cập đến đạo đức và phẩm hạnh.

Lẽ Được Mất mang đến cho bạn đọc hình ảnh của một người phụ nữ đã đạt đến độ chín muồi về những gì căn bản nhất: trải nghiệm, sự trưởng thành, tuổi tác, mối quan hệ gia đình, cái chết, nỗi cô độc, tình yêu, bản ngã và tình mẫu tử. Từ những thứ vụn vặt nhất đến những điều vĩ đại nhất trong cuộc sống, bà luôn nhấn mạnh khía cạnh cốt yếu trong sự tồn tại của chúng ta bằng vẻ tinh tế của một người nhìn đời với đôi mắt lạc quan mà rất mạnh mẽ và không ngại phê phán những ai đầu hàng trước mỗi khó khăn nhỏ nhặt.

Lya Luft là người lạc quan, nhưng bà không nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng. Những suy nghĩ của bà, vì thế, thường đi ngược lại khuôn mẫu sẵn có – nó khơi dậy cảm hứng, kêu gọi những người đương thời nhìn lại mình, sâu tận tâm can, để từ đó trưởng thành hơn.

Có ai trong chúng ta, dù chín chắn hay xốc nổi, chưa từng trải nghiệm niềm vui và nỗi thất vọng, chiến thắng và thất bại, mất mát và thành tựu? Một trong những bài học to lớn nhất mà tác giả dành cho chúng ta là: những gì cuộc đời mang lại hoàn toàn phụ thuộc vào vốn hiểu biết của chúng ta. Theo bà, chính thái độ trân trọng từng phút giây cuộc sống và tính nhân văn, sẵn lòng đón nhận quy luật của tạo hóa, sức tàn phá của thời gian, sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những cạm bẫy của chính mình – những thứ bó buộc tầm nhìn của sự vô cùng và chân giá trị.

Lya không đưa ra các lập luận giáo điều hay những công thức cứng nhắc. Trong Lẽ Được Mất, tác giả chia sẻ những trải nghiệm cá nhân thông qua quá trình trưởng thành, qua đó mở ra cho chúng ta lối đi dẫn đến những khả năng vô tận của cuộc sống trong nhiều giai đoạn khác nhau, từ lúc chúng ta còn thơ trẻ đến tuổi trưởng thành. Trong tác phẩm lôi cuốn và đầy tính khám phá này, độc giả sẽ tìm thấy một chút gì đó của chính mình, những trải nghiệm, nỗi sợ hãi, ngờ vực và cả khắc khoải từng qua. Độc giả sẽ tìm thấy những sợi dây liên kết trong mối quan hệ giữa người với người mà chúng ta ai ai cũng đều khao khát.

Paulo Coelho –
tiểu thuyết gia nổi tiếng người Brazil

[taq_review]

Trích dẫn

Kiếm tìm âm sắc
Vì đâu có quyển sách này?

Có lẽ đó là những ghi chú thêm thắt trong bài viết Rio do Meio của tôi năm 1996. Cũng vẫn những dòng văn đó, tiếp theo những chủ đề quen thuộc. Tất cả các tác phẩm của tôi đều là sự giản lược hoặc lặp lại: những tình tiết và nhân vật xuất hiện đâu đó đằng sau chiếc mặt nạ mới. Tôi làm như thế bởi tôi nhận ra mình chưa cạn ý, và tôi muốn tiếp tục viết về chúng. Chắc tôi sẽ trung thành với cách làm này cho đến những dòng kết của quyển sách cuối cùng.

Vậy, thật ra quyển sách này là gì?

Tôi sẽ không gọi đây là “bài viết”, bởi giọng văn nghiêm trang và nền tảng mang tính lý thuyết của những thuật ngữ đề cập trong tác phẩm này không phải là cách viết của tôi. Càng không phải truyện hay tiểu thuyết. Cũng không phải tài liệu giảng dạy – tôi chẳng có gì để thuyết giáo.

Vì còn có rất nhiều hoạt động, phương pháp làm việc và những ý tưởng sáng tạo chưa được gọi tên nên mọi người sẽ gọi tác phẩm của tôi theo bất kỳ tên gọi nào họ muốn. Với riêng tôi, tên của nó chính là những gì bạn nghe được – từ tôi rất ưa dùng trong những quyển tiểu thuyết và bài thơ của mình – là tiếng gọi để độc giả tìm đến và suy nghĩ cùng tôi.

Những điều tôi viết đây xuất phát từ quá trình trưởng thành của chính mình, là một phần của những giây thăng trầm, những phút vinh quang và cả những thời kỳ u ám. Trên chặng đường này, tôi ngộ ra rằng cuộc đời không chỉ đầy rẫy đớn đau, mất mát, mà vẫn còn đó vô vàn những yêu thương và trái ngọt.

Cán cân được-mất này phụ thuộc chủ yếu vào những gì chúng ta có thể và mong muốn đón nhận.

***

Tôi gặp một người bạn là nghệ sĩ dương cầm kiệt xuất. Tôi nói tôi vừa đặt bút viết một quyển sách mới, nhưng cũng như mọi lần, tôi vẫn đang đi tìm thứ “âm sắc” mình muốn.

Anh cho cũng là lẽ thường khi một nhà văn đi tìm âm sắc. Chúng tôi cùng phì cười khi phát hiện cả hai đang đi tìm cùng một thứ: âm sắc. Âm sắc của ngôn ngữ, của nghệ thuật, và – điều mọi người ai cũng phải có – âm sắc của đời mình. Chúng ta ước mong cuộc sống của mình sẽ có âm sắc thế nào? (Tôi không bàn đến việc chúng ta bị buộc phải sống như thế nào).

Một cuộc sống với giai điệu nửa cung u sầu, hay âm sắc tươi tắn, nhịp nhanh và dễ chịu, hay biến chuyển giữa hân hoan và vui tươi với những khoảnh khắc lắng đọng và trầm tư?

Cuộc sống ấy chỉ hời hợt nơi bề nổi hay ngày một sâu hơn vào làn nước thăm thẳm bên dưới?

Cuộc sống ấy bị chi phối bởi sự ồn ã xung quanh hay lắng đọng trong thanh âm của những khoảng lặng và sự câm nín – của chính chúng ta, và cả những người khác?

Giai điệu của chúng ta sẽ là nỗi hoài nghi và niềm tin lạc lối, hay sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến những cảnh quan bao la vô tận?

Một phần tùy thuộc vào bản thân ta.

Trong dàn nhạc, vai trò của chúng ta – thường đi cùng nhiều sự kiện ngẫu nhiên và phát sinh khó lường – vừa là người lên dây đàn, vừa là nghệ sĩ trình diễn. Trước khi làm được điều đó, chúng ta tự tạo nhạc cụ cho mình. Điều này khiến công việc trở nên khó khăn hơn, nhưng cũng thú vị hơn rất nhiều.

Tôi ngồi đây trước máy vi tính và miên man suy nghĩ về âm sắc của quyển sách. Tôi nhất định phải tìm ra nó. Tôi cảm nhận nó như một lời thì thầm gửi đến độc giả: “Hãy đến và suy nghĩ cùng tôi, hãy đến và giúp tôi trong cuộc chinh phục này”.

Dù chỉ là những ghi chép cá nhân, nhưng đôi lúc quyển sách này có vẻ tàn nhẫn: Tôi nói rằng chúng ta quan trọng, tốt đẹp và có năng lực tiềm tàng, nhưng tôi cũng nói rằng chúng ta thật vô dụng, thật tầm thường. Tôi nói rằng chúng ta có thể hạnh phúc hơn cuộc sống ta đang chấp nhận, nhưng chúng ta e ngại cái giá phải trả. Chúng ta là những kẻ hèn nhát.

Tuy nhiên, tôi là một trong số những người tin rằng hạnh phúc là có thật, tình yêu là có thật, cuộc sống không chỉ toàn phản bội hoặc lỡ làng, mà còn có lòng nhân hậu, tình bạn, niềm trắc ẩn, đạo đức và sự tinh tế.

Tôi cho rằng đến khi nào còn tồn tại, ta cần học một phương pháp mà ít ai còn tin tưởng, đó là “sống hạnh phúc”. (Tôi thấy nhiều cặp chân mày nhướng lên vẻ mỉa mai khi nghe lời tuyên bố tưởng chừng hão huyền này).

Mỗi người một con đường riêng, một cá tính riêng.

***

Trong các mối quan hệ con người, bao gồm cả những mối quan hệ yêu đương, ta thường lội ngược dòng. Ta cố làm những điều không thể: chẳng bao giờ có chuyện hòa hợp tuyệt đối, chẳng bao giờ ta có chuyện chia sẻ mọi thứ. Bản chất con người không thể nào chia sẻ: nó là sự khám phá và ngạc nhiên, là vinh quang hoặc suy tàn của mỗi cá nhân – đầy cô độc.

Tuy nhiên, trong một cuộc đối thoại hay một lúc lặng im nào đó, trong một ánh nhìn hoặc một cử chỉ yêu thương, một ô cửa nhỏ hẹp sẽ mở ra. Người biểu diễn và khán giả cùng nhau chiêm ngưỡng – như một cặp tình nhân.

Đó là cách mà con người kết thúc.

Vì vậy, tôi viết và sẽ viết rằng: tôi muốn khuyến khích những độc giả tưởng tượng của tôi (thay cho những người bạn tưởng tượng thời thơ ấu) tìm kiếm và chia sẻ cùng tôi nỗi băn khoăn về những gì chúng ta có thể làm được trong quỹ thời gian hữu hạn của đời người.

Bởi cuộc sống – cho đến suy nghĩ cuối cùng và cái nhìn sau chót – là quá trình tự biến đổi.

Những gì tôi viết trong quyển sách này không phải là những giấc mơ giữa ban ngày. Tôi là phụ nữ của thời đại, và tôi muốn chứng kiến thời kỳ của mình với tất cả những khả năng tôi có: phát huy trí tưởng tượng hoặc viết về những nỗi đau và những băn khoăn, mâu thuẫn và lòng cao thượng; về bệnh tật và chết chóc, cả những nỗi hối hận muộn màng khi lỡ nói ra điều không nên nói, và vì chỉ biết im lặng trong lúc cần lên tiếng.

Tôi còn viết về thái độ khi chúng ta thi nhau đổ lỗi và ngây ngô trước những sự thể xảy đến với mình.

Ta góp một phần quan trọng trong chính những sự lựa chọn và cả thờ ơ của mình, giữa dấn thân và thỏa hiệp, giữa niềm hy vọng và sự hồ nghi. Hơn hết, chúng ta phải quyết định sẽ sử dụng và tận hưởng thời gian của mình như thế nào, vốn dĩ là hiện tại ta đang sống. Thế nhưng ta lại quá ngây ngô trước những tai nạn và hoàn cảnh đau thương có thể tước đoạt tình yêu, người thân, sức khỏe, công việc và cả sự bình yên của ta. Chính vì nhận thức đó mà quan niệm của tôi về một kiếp người, về chính tôi, đối lập với lẽ thường.

Ta là sự biến đổi. Ta là quá trình. Và điều đó khiến ta phiền lòng.

Năm tháng trôi qua mang đến sự sinh sôi và phát triển chứ không phải sự mất mát hay giới hạn. Với quan niệm này, chúng ta trở thành chủ nhân chứ không phải nô lệ; chúng ta là người chứ không phải những con thú bé nhỏ hoảng loạn bỏ chạy mà không biết tại sao.

Nếu độc giả và tôi có thể hòa nhịp thì cuộc độc thoại này sẽ trở thành đối thoại.

Nhờ thế, tác phẩm của tôi mới đạt được mục đích nào đó.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button