Review

Lam Vỹ

Thể loại Văn học trong nước
Tác giả Đỗ Hoàng Diệu
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 240
Ngày xuất bản 10-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Rờn rợn, mê hoặc, Lam Vỹ là cuốn tiểu thuyết viết về bóng tối.

Từ cô gái phù thủy pha tiên nữ yếu đuối và bản năng, nuôi trong hố thẳm hun hút tâm hồn loài chim thiêng Lam Vỹ thân xanh mào hồng cánh tím, để nghe chúng nghênh cổ hát bài ca chết chóc.

Từ những người đàn ông, hiện thân quyền lực của tầng tầng lớp lớp quá khứ, nhưng chính họ cũng bị quá khứ nghiền nát.

Từ những căn phòng khép kín, những hành lang thăm thẳm, những bãi tha ma, dòng sông đêm, loài chim đêm, những hốc mắt tăm tối, những nghĩ suy mù lòa, những cái chết…

Này con người, đừng có ảo tưởng, bóng tối, chứ không phải ánh sáng, mới là màu sắc chủ đạo của cõi nhân gian.

Đỗ Hoàng Diệu, sau cơn sốt Bóng đè mươi năm trước, đã trở lại, hứa hẹn mang đến một cơn sốt mới cuồng nộ hơn.

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Trần Hà

“Lam Vỹ” khiến tôi thật sự bấm loạn với cảm giác bản thân ngồi giữa vòng tròn nhân vật, bị bịt mắt và liên tiếp nghe những lời chia sẻ. Tâm lí nhân vật được dựng không quá cầu kì như “Bóng đè” nhưng đặc sệt. Hình ảnh Lam vỹ ấn tượng và ma mị. Cách kể trong tiểu thuyết khá ấn tượng. Ngôi kể thay đổi mềm mại đôi khi tôi bị đánh lừa. Một câu chuyện ma mị và nhiều vấn đề.

Về phía bản thân, tôi thấy cả “Bóng đè” và “Lam Vỹ” đều độc đáo theo cách rất Đỗ Hoàng Diệu./.

Ngoc Nguyen

Tôi vừa mua quyển này của chị về đọc. Trước đọc Bóng đè của chị và thấy vui vì Việt Nam còn nhà văn nữ viết phóng túng và dám lên tiếng chỉ trích cái hiện thực xã hội, mà giờ đọc quyển của chị thấy không vui vì cái hay thì chị cắt đi, còn lại quá nhiều chi tiết sến sẩm ngôn tình mà đọc thấy nản. Có lẽ tôi không ưa cái văn phong mùi mẫn ngôn tình này quá nhiều, dù biết thật ra vẫn lẫn những đoạn chua cay giễu cợt trong đó nhưng đọc Lam Vỹ vẫn có một cái gì đó lãng mạn quá nhiều. Thứ lỗi cho tôi là đứa thích đọc văn học hiện thực của Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, cái văn mà tả sát đến độ lồ lộ và có phần tục tĩu, chứ văn chương bay bổng quá, lý tưởng hóa quá tôi cứ thấy nó sến sến, vui thì vui như chim bay bổng tâm hồn treo ngược cành cây mà bi lụy thì bi lụy đến cùng cực, cũng như cách nhân vật chính chọn con đường tự tử đến nản lòng như thế.

Truyện của chị đóng màn bằng một thứ kết thúc bi thảm nhất, không phải một cái kết mở đầy hy vọng như trong Bóng đè, dù rằng có thể người đọc khác sẽ mường tượng hình ảnh chú chim Lam Vỹ như linh hồn những người phụ nữ được giải thoát. Chú chim màu xanh của chị cũng giống như chú chim xanh biểu tượng hạnh phúc (Bluebird of happiness), đồng thời là sự giải phóng, làm tôi liên tưởng đến bức tranh chú chim nhỏ vươn ra khỏi vỏ trứng bay lên cao (Nếu bạn muốn tìm hình ảnh chú chim ấy bạn có thể gõ “Azure bird kara no shoujo” trên tìm kiếm Google). Nhưng nó cũng nói lên một sự thật cay đắng qua cách nhìn nhận của tác giả đó là chỉ có cái chết mới giải thoát nhân vật khỏi màn kịch đời đầy rẫy đau khổ, và chỉ khi chết đi nhân vật mới trở thành biểu tượng hạnh phúc như cách mà cô đã vẽ lên trong tưởng tượng cả quãng đời ngắn ngủi của mình. Một cái kết đau lòng và thật sự mất cân bằng như cái cách tư tưởng xã hội phụ hệ đang đè lên đại đa số con người nơi nó thống trị.

Tôi khuyên bạn, nếu không thích những câu chuyện buồn đau, tuyệt vọng, đừng đọc Lam Vỹ. Nếu bạn chấp nhận được, và yêu thích cách hành văn của tác giả, thì hãy cứ dấn thân đi. Tuy bạn có thể ghét cách các nhân vật bảo thủ nắm lấy cái định kiến của mình để tự đẩy mình, đẩy người vào vòng xoáy đau khổ, với cái suy nghĩ mọi thứ bất biến cố hữu của những con chuột trong lồng, nhưng sẽ được thỏa trí tò mò qua màn kịch cuộc phiêu lưu đời người đầy thăng trầm trắc trở. Nhận xét về nhà văn, có lẽ so với Bóng đè, tôi phải nói là chị có phần “Tuyệt vọng” hơn xưa. Dù sao nó cũng là tác phẩm đầu tiên trong chục năm rửa tay gác kiếm của chị, mong hơn ở chị những tác phẩm dám nói thật và không cắt xén trong tương lai.

Lưu Nguyễn

Bởi con người thật ra không bao giờ sai bảo, điều khiển nổi tình cảm của mình. Ai đó tự hào khoe khoang trong tình yêu tôi tỉnh táo lắm, tôi biết điểm dừng, tôi để lý trí lãnh đạo trái tim, chắc kẻ đó đang oại ằn với khối u tự kỷ sưng phồng tâm can.”

– Đỗ Hoàng Diệu

Tác phẩm: Lam Vỹ
Tác Giả: Đỗ Hoàng Diệu

Đản tìm đến Lam Vỹ của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu là hoàn toàn ngoài ý muốn trong độ buổi xế lắm rồi của 1 ngày chẳng vui chẳng buồn. Thực ra, Đản muốn mua cuốn khác mà loại quên tên, rục rạo khắp quầy của Nhã Nam thì thấy bìa Lam Vỹ nó hao hao cuốn Đản muốn mua. Không đọc trang đầu tiên, bốc thốc và đem ra quầy tính tiền tắp lự luôn.

Cất ngăn nắp ở góc gáy sách màu xanh và cũng không có ý định đọc ngay khi biết mình lộn cuốn rồi. Ai ngờ đâu, ngày mùng 4 tết, trong 1 lần ngà ngà say khi đánh chén “chuyện tình buồn” thềm đầu năm. Đản cần một cái gì đó tình cảm cho biết rằng, dầu gì thì, ít nhất trong cuốn sách kia sẽ có chút gì đó vui vẻ, ngọt ngào tí ti của tình yêu. Và, đúng, tôi bị lừa ngoạn ngục, bị dụ ngay đoạn đầu tiên của cuốn sách hay nói khác đi là đã bị Đỗ Hoàng Diệu làm cho hồn siêu phách lạc rồi.

Nếu bạn muốn 1 cuốn sách về ánh sáng và những điều bình dị, nhẹ nhàng và trong suốt như một màn nắng đầu ngày thì bạn nên chọn 1 tác phẩm khác. Bóng tối, nội tâm trần trụi, bản năng của cảm xúc và giống loài cũng như thực tế về văn hoá Nho giáo hiện hữu trong từng hạt bụi xây nên từ nhìu ngàn năm trước đều có đủ trong cuốn sách chưa đầy 300 trang này.

Ngay từ những nhịp đầu tiên Đản đã bắt gặp chia ly ngay những ngày mới chớm đầu năm. Đồng cảm quá chừng, Đản tập trung đọc thấm rít rìn rịt mà có cảm giác mình tập trung quá muốn lé mắt luôn. Đôi khi Đản phải dừng lại đôi chút để thở, để bần thần để nghỉ xả hơi, vì đối với Đản, nó nặng. Nặng về cách dùng từ, cách diễn đạt và nội dung và về những bề sâu hơn mà những con chữ thể hiện trên những trang giấy kia.

Người con gái – phụ nữ – đàn bà mà cả xã hội thèm khát – say đắm – hờn ghen – nâng niu – yêu thương. Ánh mắt xám ngoét màu bóng tối và tất cả thuộc về cô ấy như một làn khói ảo ảnh chẳng ai có thể nắm lấy hay vờn bắt được và cô ấy tên thơ. Tỉnh, lớn lên từ chuồng bò sau nhà để dành gian nhà chính đặng mẹ mình có thể oằn mình kiếm chút tiền vì người cha can tội xấu lắm đã chết rồi. Dầu gì thì tất cả nhân vật đều là con người, mà con người duy chỉ có 1 lần duy nhất có đủ tình yêu cả một đời trao đi. Với Thơ thì tình yêu đó cô trao cho Việt và Tỉnh đã rót hết lần yêu đó cho Thơ rồi. Đó là nói về mặt yêu đương gói gọn vỏn vẹn trên bề mặt nổi là nhiêu đó.

Một điều nữa mà Đản thích chính là gia đình, các cuốn sách khác Đản đọc không dành nhiều diện tích cho gia đình và khôn thấy được tầm ảnh hưởng của gia đình lên các nhân vật. Lam Vỹ làm được điều đó, nói lên được gốc rễ cội nguồn quyết định đến số phận của con người như thế nào. Tác giả mượn gia đình để thể hiện góc nhìn về Nho giáo – tôn giáo đã cắm rễ qua ngàn năm đô hộ. Tuy nhiên, vì cách viết thẳng thắn, ma mị và khẳng khái nên đối với một số đọc giả nhất định sẽ gây khó chịu. Hoặc, các chi tiết về bản năng giống loài cũng sẽ làm một số đọc giả sượng sùng.

Miêu tả tâm lý nhân vật mê man lắm, dùng những hình ảnh, âm thanh để dàn trải những xúc cảm đầy đủ, làm cho người đọc cảm nhận và hoà mình vào cuốn sách gọi là xuất thần. Tác giả đối với Đản có đôi chỗ sến, nhưng đã sến, thì sến tới không nửa vời, sến đậm sến đã. Đã chọn màu u tối, thì tất cả gam màu của bóng tối đều có đủ.

Thêm 1 điều là tác giả đã chịu cắt đi 100 trang của chính tác phẩm mình viết để “đứa con” ấy có cơ hội đến với đọc giả. Thêm một điều nữa là bản thảo của Đỗ Hoàng Diệu có tên Hầm mộ còn nằm trên bàn, chưa thể xuất bản được. Chèn ơi, ước chi tất cả những gì cô viết đều được xuất bản thì bản lĩnh của một nữ nhà văn được mọi người biết đến, tài năng của cô được mọi người biết đến thật cần thiết biết bao. Hâm mộ, hâm mộ, thần tượng, thần thần tượng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button