Review

Ký Ức Đen

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Jennifer Egan
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành NXB Trẻ
Số trang 414
Ngày xuất bản 02-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Từ thập niên 70 cho đến thời đại tương lai, từ Châu Phi cho đến Naples rồi New York và San Francisco, từ nhà sản xuất âm nhạc đến viên tướng diệt chủng… Nhà văn Jennifer Egan đã xử lý một cách hoàn hảo tất cả những chất liệu tưởng chừng như rất tương phản nhau ấy và dung hòa chúng trong một tập tiểu thuyết dài hơn 400 trang.Mỗi chương sách là một truyện ngắn về cuộc sống của các nhân vật, tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau nhưng lại được xâu chuỗi trong một sợi dây vô hình của định mệnh. Ký ức đen đem lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc: hài hước, buồn bã, nuối tiếc, hứng khởi…

Với kết cấu 2 phần A – B và nhân vật chủ đạo là các thành viên trong một ban nhạc của thập niên 70, người đọc dường như không phải đang xem sách nữa mà đang được nghe, giai điệu cuộc đời và số phận của những con người trong xã hội Mỹ, qua một cuốn băng cát-xét mà hễ lật mặt nào cũng thấy đủ mọi hỷ nộ ái ố của đời người.

Hãy níu giữ từng khoảnh khắc của tuổi trẻ, đừng để thanh xuân trôi qua vô nghĩa, rồi có khi phải thốt lên – như bao nhân vật trong tiểu thuyết này – “Thời gian là một tên khủng bố, có phải không?”

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Phía bên nhà Z

Có bao giờ bạn đọc một cuốn sách mà bạn có thể viết 10 vạn bài luận (Egan và chủ nghĩa hậu hiện đại chẳng hạn) nào những đổi mới kỹ thuật, nào bút pháp độc đáo, nào ý tưởng chủ đề đầy ý nghĩa về thời gian, ký ức, công nghệ, âm nhạc, tuổi trẻ, tuổi già, cuộc đời, vân vân và vân mây, nhưng chỉ để trả lời một câu hỏi đơn giản “Thế có thích không?” thì lại phải e dè vận tiếp 10 vạn chữ để né tránh phải trả lời trực diện không? “Ký ức đen”, cuốn sách đạt cả giải Pulitzer và National Book Critics Circle năm 2011 của Jennifer Egan, đối với tôi là một cuốn sách như vậy. Không ai không cảm thấy rợn ngợp và kính nể trước những sáng tạo về mặt hình thức của cái văn bản vừa tiểu thuyết vừa tuyển tập truyện ngắn vừa không phải là cái nào tuyệt đối này. Nhưng ngoài một số câu chuyện thực sự gây được sự đồng cảm, thì “Ký ức đen” luôn có chút gì đó hùn hụt ở khả năng cấy cảm xúc.

Vào những đêm không trăng mà (chẳng) may mất điện có một đồng chí nhỏ ngẩng cổ nhìn trời và phát hiện hằng hà sa số các vì sao, rồi lại có tí trên thông thiên văn cố tìm đâu Bắc đẩu rồi lại còn nối các vì sao với nhau đâu là Gấu lớn đâu Sư tử. Đồng chí nhỏ ấy mà đọc “Ký ức đen” thì cũng gặp hằng hà sa số các nhân vật như vậy, và cũng phải bò ra mà vẽ phả hệ họ.

Cuốn tiểu thuyết có 13 chương này vung vãi nhân vật như dì ghẻ đổ cả đấu thóc với đấu gạo, hay là đậu xanh với đậu đen ấy nhỉ: như chính tác giả Egan đề ra nguyên tắc viết cho mình, mỗi chương là một truyện ngắn với 3 yếu tố khác biệt: nhân vật, giọng điệu, bối cảnh. Không truyện nào giống truyện nào, không nhân vật nào giống nhân vật nào, chúng đứng riêng và độc lập với tư cách truyện ngắn, nhưng đồng thời, lại liên hệ, một cách khăng khít với nhau.

Nhờ mối liên hệ con người. Khởi đi từ hai nhân vật chính, Sasha và Bennie, các câu chuyện kể về cuộc đời của các nhân vật mơ hồ hay rõ nét có chút manh mối liên quan tới hai anh chị này. Sỡ dĩ tôi kể ra hai đồng chí này, là bởi vì bà tác giả Egan thậm chí còn đùa: độc giả gái đọc thì thấy là Sasha là soái tỉ, còn độc giả nam thì lại thấy Bennie mới là soái ca. Khi thì là chuyện về anh chàng Sasha từng hẹn hò một lần và mãi mãi, Alex. Khi là câu chuyện về các bạn học thời trung học của Bennie. Khi là câu chuyện về vợ cũ của Bennie. Khi là câu chuyện về anh trai của vợ cũ của Bennie. Khi là câu chuyện về bạn thân cũ của Sasha. Khi thì là câu chuyện về chính Sasha khi đã trưởng thành… Nhân vật của Egan không xuất hiện một lần mà tái đi tái lại trong các câu chuyện khác nhau, ở các vai trò khác nhau, chơi trò làm gương mà rọi vào đời nhau, khi thì phản chiếu một lát tuổi trẻ, khi thì hắt ra một mẩu tuổi giả. Cứ như thế mời các anh chị em dùng bút chì mà nối các đường liên hệ. Cũng không quá rối rắm đâu, đây là lời cam đoan của một kẻ học rất dốt môn hình họa.

Tưởng chừng như tùy tiện như vậy, nhưng Egan cho biết, bà sắp xếp cấu trúc các truyện theo một quy luật: sự tò mò. Bà triển khai các câu chuyện phía sau, dựa vào một cú gợi mở nhẹ nhàng ở câu chuyện trước. Chẳng hạn câu chuyện về Bennie, tác giả có thả thính một dòng về việc ngày xưa anh ta từng chơi trong ban nhạc rock, thì ngay sau đó độc giả sẽ được dâng cho câu chuyện thằng trẻ trâu Bennie cùng đồng bọn ngày xưa sinh sống và làm việc như thế nào.

Các câu chuyện còn liên hệ với nhau nhờ những chủ đề mà chúng cùng chia sẻ. Tất cả các truyện gộp lại như một “concept album”, một album chủ đề: “Ký ức đen” là câu lạc bộ những kẻ bị cuộc đời quật cho rách nát và tan tác và loser và mợt mõi (nhiều ít mức độ khác nhau). Như thể khổ như vầy chưa đủ sao, thỉnh thoảng chị tác giả lại cho các nhân vật thân yêu của mình bị cái gọi là ký ức viếng thăm, trong những khoảnh khắc vô cùng madeleine chấm trà. Dĩ nhiên kết quả là xuống hố của tuyệt vọng mà nằm luôn, nhất là những anh chị em có thời tuổi trẻ tương đối “lạc trôi “ và “chất chơi”.

Nghe bánh biếc trà chiếc là biết ngay có cụ Proust ở đây rồi. Jennifer Egan đã trích luôn “Đi tìm thời gian đã mất” làm đề từ cho tiểu thuyết này, và luôn thổ lộ chính anh Proust đã gợi cảm hứng cho em viết các mẹ ơi. “Ký ức đen” chính vì thế là một cuốn tiểu thuyết phi trật tự tuyến tính, các câu chuyện kể từ rất nhiều thời điểm khác nhau: từ những năm 70 của thế kỷ trước, tới một tương lai gần, 2020 đây thôi các mẹ ạ. Ngay trong mỗi câu chuyện tác giả cũng duy trì sự xáo trộn về mặt thời gian, mà rất thường là ở hai đầu mút, từ A tới B, từ hiện tại nơi nhân vật thường xuyên hồi tưởng về những gì đã qua, những sự kiện của một thời tuổi trẻ nông nổi của chơi nhạc trong ban nhạc rock, của chơi ma túy, của làm gái điếm, của móc túi, của bỏ nhà đi bụi, của những cú say nắng đầu đời, của mọc sừng, của sự nghiệp lẫy lừng nay làm tấm thảm cho cả thiên hạ chùi chân, của cú hiếp dâm bất thành…
Và bối cảnh chung của các câu chuyện thực ra cũng có, là ngành âm nhạc và sản xuất âm nhạc ở Mỹ, là sự biến đổi công nghệ làm thay đổi cách người ta thưởng thức nghệ thuật.

Các câu chuyện đan cài với nhau như những móc xích, cung cấp cho độc giả qua phương pháp này hoặc qua chính các nhân vật hồi tưởng, về cái thời tốt đẹp có khốn nạn có, cái thời trước-tất cả: trước hôn nhân, trước con cái, trước bỉm đái, trước tình ái… và chúng ta có thể tự hỏi nếu ngày xưa ta chọn khác đi thì đời có khác chút nào không?

Chủ đề câu chuyện tôi diễn nôm ra nó là như vậy: thời gian là bọn đầu gấu được đời trả phí cuốn chúng mình vào một cái vùng nước xoáy chóng cả mặt rồi khạc chúng mình ra. Dĩ nhiên là không đẹp đẽ gì. “Ký ức đen” chỉ có một hai câu chuyện có chút gam màu tươi sáng thôi, còn thì như tiền đồ của chị Dậu cả.

Điểm duy nhất tôi thích ở Ký ức đen: hình thức của các truyện. “Ký ức đen” quả là một tập hợp độc đáo của các thể nghiệm: mỗi câu chuyện đều mới mẻ khi được viết ở một phong cách khác, khi thì là truyện kể từ ngôi thứ 2, khi là một bài báo lá cải nhưng thực ra lại là báo cáo dưới hình thức độc thoại tuyệt đối của nhân vật, khi từ ngôi thứ 1, khi lại kể từ thời hiện tại, khi thì là hình thức báo chí, và đặc biệt nhất, mà ai đọc cần giả vờ đọc và nay cần trích dẫn “Ký ức đen”, là cái chương sử dụng hình thức trình duyệt powerpoint kể từ góc nhìn từ đứa con gái của Sasha về gia đình của cô bé (rất ngắn và rất thú vị, ai thích đọc lướt xin mời!) Các câu chuyện lại có khả năng đan cài vào nhau và tạo nên một tập hợp đa thanh.
Bây giờ đến phần mà tôi cho là yếu ở Jennifer Egan: dẫu các câu chuyện trong “Ký ức đen” đều chung nhau một mô típ tuyệt vọng, đường cùng, ta đã làm gì với đời ta thế này, nhưng văn chương của Egan luôn bộc lộ một sự hời hợt nhất định. Chính vì thế mà nó không khơi dậy được quá nhiều đồng cảm cho tôi. Tôi luôn có cảm giác không được đẩy tới nơi tới chốn trong các câu chuyện của “Ký ức đen.” Trừ một vài câu chuyện tôi thực sự cảm thấy là tuyệt tác, vì chúng đẫm cả tuyệt vọng: đó câu chuyện về Rob, cậu bạn thân của Sasha, và Drew và cú nhảy xuống sông của cậu được kể từ ngôi thứ 2. Đây là một trong những truyện ám ảnh tôi nhất, và đối với cả tác giả cũng vậy. Egan gần như không bao giờ dám đọc truyện này ở các buổi đọc cho độc giả; đó là cái kết của chuyện về vợ cũ Bennie (chỉ cái kết là khá), đó là cái kết câu chuyện đi tìm cháu gái Sasha của ông chú Ted (cũng chỉ cái kết).

Còn lại đa số các câu chuyện tôi đều thấy nhàn nhạt, nói dân dã là không đủ đô, chưa kể các nhân vật của Egan đều gia nhập câu lạc bộ những kẻ khó ưa, như câu chuyện về Bennie không có khả năng cương cứng của thời hiện tại, hay cú du ngoạn châu Phi của gia đình nhà Lou và Mindy, hay toàn bộ câu chuyện về gã tướng độc tài diệt chủng.

Dẫu vậy, có thể nói, “Ký ức đen” là một trong những cuốn tiểu thuyết mới mẻ đáng đọc, dù bạn đang ở độ tuổi nào. Già một tí thì có lẽ có tác dụng hơn. Bởi khi đó không còn nhìn tới mà chỉ biết nhìn lui, khi những cú viếng thăm của bọn đầu trâu mặt ngựa ngày một dày đặc và chúng ta chỉ có thể bất lực trơ mắt mà hoài niệm về những gì đã qua, những gì có thể đã là, những gì luôn ngoài tầm với.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button