Review

Kinh Tế Học Hài Hước

Thể loại Chuyên ngành – Kinh tế
Tác giả Steven D. Levitt
NXB NXB Tri Thức
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 304
Ngày xuất bản 09-2012
Giá bánXem giá bán

Nói đến kinh tế học, người ta thường coi đây là một ngành khoa học ít nhiều khá khô khan, thường liên quan đến các con số, các khuôn mẫu hay chỉ đơn thuần là tiền bạc, tài chính. Ngay cả những người được giải Nobel kinh tế cũng ít khi được dư luận quan tâm như những người được giải Nobel Hoà bình, văn học hay vật lý. Kinh tế học dường như là một ngành khoa học quá hàn lâm, quá phức tạp, quá xa với thế giới thực, một thừ gì đó mà người ta chỉ có thể quan sát từ xa chứ ít khi tham gia trực tiếp.

Kinh Tế Học Hài Hước đã hình thành nên tiền đề bất tuân thủ quy ước thông thường. Nếu chuẩn mực thể hiện cách chúng ta muốn thế giới vận động thì kinh tế học thể hiện sự vận động thực chất của thế giới. Độc giả của cuốn sách này sẽ biết tới hàng loạt những thực tế đáng kinh ngạc và nhiều câu chuyện gấp dẫn và vui vẻ, một số có thể là tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn về xã hội, một số đơn giản chỉ là những chủ đề tán gẫu trong hàng vạn cuộc trà dư tửu hậu.

Nhưng Kinh Tế Học Hài Hước còn có thể mang tới cho độc giả nhiều hơn thế. Đó chính là cách xác định lại thế giới quan của chúng ta. Thế giới mà chúng ta đang sống chứa đầy những nhận định dựa trên những niềm tin ảo tưởng và sáo mòn được xây dựng theo thời gian. Có quá nhiều nỗ lực trí tuệ của chúng ta bị giới hạn trong những biên giới tư duy và khái niệm đã quá cũ kỹ và đi theo lối mòn truyền thống. Kinh tế học hài hước là một nguồn thông tin dồi dào, những phân tích đánh giá đầy sáng tạo, gợi cảm hứng, dí dỏm, hấp dẫn, có thể là tất cả những gì mỗi chúng ta cần để khởi dậy óc sáng tạo và cách tư duy hiện đại trong một thời đại tràn ngập thông tin ngày nay.

[taq_review]

Trích dẫn


TỘI PHẠM BIẾN ĐI ĐÂU?

Năm 1966, một năm sau khi trở thành lãnh tụ Đảng Cộng sản Rumani, Nicolae Ceausescu ban hành luật cấm phá thai. Ông ta tuyên bố: “Thai nhi là tài sản của toàn xã hội. Bất cứ ai tránh né việc sinh con đều là kẻ đảo ngũ, là người từ bỏ truyền thống duy trì nòi giống của quốc gia.”

Những tuyên bố to tát như vậy rất phổ biến trong suốt thời Ceausescu nắm quyền, vì kế hoạch của ông ta thiết lập quốc gia của những người xã hội chủ nghĩa mới là một bước đột phá đầy tham vọng. Ceausescu đã xây dựng cho mình những lâu đài lộng lẫy trong khi bỏ mặc và đối xử tàn ác với dân chúng. Bãi bỏ nông nghiệp, ưu tiên sản xuất công nghiệp, ông ta đã buộc nhiều nông dân phải sống trong đói rét. Ceausescu dành những vị trí chủ chốt trong chính phủ cho 40 thành viên của gia đình mình, trong đó có cả vợ ông ta, Elena, người đã đòi hỏi quyền sở hữu 40 căn nhà, nhiều áo lông thú và đồ đạc sang trọng. Phu nhân Ceausescu được xem là bà mẹ tuyệt vời nhất mà Rumani từng có, không thật sự là một người mẹ mẫu mực. “Những con giun không bao giờ biết thỏa mãn, cho dù bạn có cho nó ăn bao nhiêu đi chăng nữa.” Bà ta đã phát biểu như vậy khi người dân Rumani phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực mà nguyên nhân là do chồng bà điều hành đất nước kém. Bà ta cũng cho đặt máy nghe trộm con cái để kiểm tra lòng trung thành của chúng.

Một trong những mục đích chính của luật cấm phá thai là thúc đẩy Rumani phát triển nhanh chóng bằng cách tăng nhanh dân số. Cho đến trước năm 1966, Rumani là nước có chính sách phá thai tự do nhất thế giới. Tại đây, phá thai là phương pháp kế hoạch hóa gia đình cơ bản nhất, trung bình cứ năm người phụ nữ có bầu thì có bốn trường hợp nạo phá thai. Sau năm 1966, chỉ những phụ nữ đã có bốn con hoặc những phụ nữ có vị trí quan trọng trong Đảng Cộng sản mới được phép nạo phá thai. Khi đó, tất cả các phương pháp tránh thai và giáo dục giới tính đều bị cấm. Các cơ quan chính phủ được ví một cách mỉa mai là “cảnh sát quản lý kinh nguyệt” vì họ thường xuyên chạy vòng quanh nơi làm việc của phụ nữ để tiến hành thử thai. Nếu một phụ nữ sau nhiều lần thử không có thai thì sẽ buộc phải nộp một khoản thuế cắt cổ gọi là “thuế độc thân”.

Sáng kiến này của Ceausescu đã gây ra một hệ quả tất yếu. Trong một năm thực thi lệnh cấm nạo phá thai, tỷ lệ sinh của Rumani tăng gấp đôi. Những đứa trẻ này được sinh ra trong một đất nước có cuộc sống vô cùng cực khổ, trừ khi chúng thuộc dòng tộc Ceausescu hoặc những quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản. Nhưng kể cả như vậy, những đứa trẻ này lớn lên cũng có cuộc sống khốn khổ vô cùng. So sánh với bọn trẻ Rumani được sinh ra trước đó một năm, bọn trẻ được sinh ra sau luật cấm phá thai khổ sở hơn rất nhiều trong mọi lĩnh vực: điểm số ở trường thấp hơn, kém thành công hơn trong công việc và cũng dễ phạm tội hơn.

Luật cấm phá thai vẫn để lại hậu quả ngay cả sau khi Ceausescu mất quyền lực ở Rumani. Ngày 16 tháng 12 năm 1989, hàng nghìn người xuống đường phố ở Timisoara để phản đối chế độ mục ruỗng của Ceausescu. Rất nhiều người biểu tình là thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên. Cảnh sát đã tiến hành tàn sát rất nhiều người. Một thủ lĩnh của phe đối lập là vị giáo sư 41 tuổi, cho biết cô con gái 13 tuổi khăng khăng thuyết phục ông tham gia biểu tình cho dù ban đầu ông cảm thấy hơi lo sợ. Giáo sư cho biết: “Điều thú vị nhất là chúng ta học được lòng can đảm của bọn trẻ. Phần lớn chúng đều ở độ tuổi 13 đến 20”. Vài ngày sau cuộc tàn sát ở Timisoara, Ceausescu đã phát biểu trước 100.000 người ở Bucharest. Một lần nữa, những người trẻ tuổi lại nổi dậy. Họ chửi rủa Ceausescu: “Hãy xuống đi, tên giết người!” và khóc thương cho những nạn nhân xấu số ở Timisoara. Thời của ông ta đã hết. Ceausescu và vợ đã xoay sở để trốn khỏi đất nước với 1 tỷ đô-la, nhưng bị bắt lại và bị đối xử thô bạo. Cuối cùng vào ngày Giáng sinh, họ bị quân đội hành hình trên giàn thiêu.

Trong tất cả các lãnh tụ cộng sản bị hạ bệ vào những năm mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ thì chỉ có Nicolae Ceausescu bị tử hình nặng nhất. Không nên quy cái chết của Ceausescu cho việc biểu tình chống chính quyền của giới trẻ Rumani vì nếu không có lệnh cấm phá thai của ông, phần lớn số thanh thiếu niên này sẽ chẳng bao giờ được sinh ra.

Câu chuyện về phá thai ở Rumani dường như là cách tiếp cận lạ lùng với câu chuyện tội phạm của Mỹ vào những năm 1990. Tuy nhiên, không phải như vậy. Nghiêm túc mà nói, câu chuyện phá thai của người Rumani là hình ảnh trái ngược hoàn toàn câu chuyện tội phạm của người Mỹ. Điểm trùng nhau là vào ngày Giáng sinh năm 1989 khi Nicolae Ceausescu bị xử tử và hiểu ra rằng luật cấm phá thai của ông ta có ảnh hưởng lớn đến xã hội hơn rất nhiều so với những gì đã hình dung thì đó cũng là lúc tình trạng tội phạm ở nước Mỹ đã lên tới đỉnh điểm. 15 năm trước, tỷ lệ tội phạm bạo lực tăng 80%. Chính tỷ lệ tội phạm tăng nhanh đã dẫn đến sự ra đời của những bản tin liên tục cả ngày đêm và nhiều cuộc tranh luận trong cả nước về vấn đề này.

Khi tỷ lệ tội phạm bắt đầu giảm vào đầu những năm 1990, nó giảm nhanh và đột ngột đến mức không ai có thể ngờ tới. Các chuyên gia đã phải mất rất nhiều năm để nhận ra rằng tội phạm đang có xu hướng giảm vì trước đó họ từng tiên đoán chắc chắn rằng tỷ lệ tội phạm sẽ liên tục tăng. Thực ra, một thời gian dài sau khi tỷ lệ tội phạm lên đến đỉnh điểm, một số chuyên gia vẫn tiếp tục dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ và đen tối hơn nhiều. Nhưng bằng chứng không thể bác bỏ là: đỉnh điểm tội phạm bạo lực và kéo dài đang chuyển theo hướng đối lập và nó sẽ không dừng lại cho đến khi tỷ lệ tội phạm giảm trở lại bằng mức của 40 năm trước.

Giờ đây, các chuyên gia vội vã giải thích về những sai sót trong dự đoán của mình. Nhà tội phạm học James Alan Fox giải thích rằng cảnh báo của ông về một “bể máu” thực tế là một sự cường điệu có chủ tâm. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ nói sẽ có máu chảy trên đường phố nhưng tôi đã sử dụng từ “bể máu” để gây sự chú ý cho mọi người. Và điều này đã xảy ra. Tôi không xin lỗi vì sử dụng cụm từ gây hoang mang này”. (Nếu Fox đưa ra sự phân biệt, mà không chỉ ra sự khác nhau giữa “bể máu” và “máu chảy trên đường phố’, thì chúng ta nên nhớ rằng thậm chí bằng cách thức rút lui, các chuyên gia cũng có thể tự bào chữa cho mình). Sau khi tỷ lệ tội phạm giảm, mọi người không còn canh cánh lo sợ về nạn tội phạm thì một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là: Tất cả tội phạm đã biến đi đâu mất?

Ở một mức độ nào đó, câu hỏi này là một thách thức. Sau cùng, nếu không ai trong số các nhà tội phạm học, cảnh sát, nhà kinh tế, nhà chính trị, hoặc những người khác có liên quan đến vấn đề này tiên đoán được tỷ lệ tội phạm giảm thì tại sao đột nhiên họ lại tìm ra nguyên nhân tỷ lệ tội phạm giảm xuống?

Nhưng một nhóm chuyên gia quân sự đã tìm ra được một loạt các giả thuyết để giải thích cho việc giảm tỷ lệ tội phạm này. Rất nhiều bài báo viết về chủ đề này. Đây là những lý giải về nguyên nhân tội phạm giảm được trích dẫn trong các bài báo xuất bản từ năm 1991 đến năm 2001 của 10 tờ báo phát hành rộng rãi nhất theo dữ liệu của Hãng LexisNexis, được xếp hạng dựa theo sự thường xuyên của các vấn đề được đề cập.

Nguyên nhân tội phạm giảm | Số đoạn trích dẫn
1. Chiến lược đổi mới chính sách | 52
2. Tăng cường hiệu lực nhà tù | 47
3. Những thay đổi trong vấn đề ma túy và thị trường ma túy | 33
4. Tuổi của dân số|  32
5. Luật quản lý súng và vũ khí chặt chẽ hơn | 32
6. Tăng trưởng kinh tế|  28
7. Tăng số lượng cảnh sát | 26
8. Các nguyên nhân khác | 34

Nếu bạn là người thích trò chơi suy đoán, bạn sẽ mất một chút thời gian để suy nghĩ xem trong số những nguyên nhân trên đây, nguyên nhân nào đóng góp lớn nhất vào việc giảm tỷ lệ tội phạm và nguyên nhân nào không đóng góp gì. Gợi ý: trong bảy nguyên nhân chính được liệt kê ở trên, chỉ có ba nguyên nhân góp phần giảm tỷ lệ tội phạm. Các nguyên nhân khác hầu như chỉ là sự tưởng tượng, hoặc sự ước đoán phi thực tế. Gợi ý chi tiết hơn: một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tỷ lệ tội phạm giảm không có trong danh sách trên vì nó không được đề cập trên bất kỳ một tờ báo nào.

Hãy bắt đầu với một nguyên nhân hầu như không gây tranh cãi: tăng trưởng kinh tế. Việc tỷ lệ tội phạm giảm bắt đầu từ đầu những năm 1990 đi kèm với nền kinh tế quốc gia phát triển mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể. Dường như nền kinh tế mạnh là một cái búa đánh bại tội phạm. Nhưng khi nhìn kỹ vào những dữ liệu thu thập được thì nó đã phủ nhận học thuyết này. Sự thật là một thị trường việc làm rộng mở có thể khiến tỷ lệ tội phạm giảm đi. Nhưng điều này chỉ đúng đối với loại tội phạm phạm tội vì động cơ tài chính trực tiếp như trộm cắp, cướp giật, ngược lại điều lý giải này lại sai đối với loại tội phạm bạo lực như giết người và hiếp dâm. Hơn nữa, các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp giảm 1% làm giảm tỷ lệ tội phạm không bạo lực 1%. Trên thực tế, trong những năm 1990, tỷ lệ thất nghiệp giảm 2%, trong khi đó tỷ lệ tội phạm không bạo lực giảm 40%. Nhưng một thiếu sót lớn hơn trong thuyết tăng trưởng kinh tế là nó không làm giảm tội phạm bạo lực. Tội phạm giết người giảm với tỷ lệ cao nhất so với những loại tội phạm khác trong những năm 1990, nhưng theo một số nghiên cứu đáng tin cậy thì không có mối liên hệ nào giữa tăng trưởng kinh tế và tội phạm bạo lực. Mối liên kết yếu này càng yếu hơn khi ta nhìn lại một thập kỷ gần đây, thập kỷ 1960 khi nền kinh tế phát triển tự nhiên thì tội phạm bạo lực cũng phát triển như vậy.Vì thế, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ những năm 1990, về mặt nào đó, có thể giải thích cho việc tỷ lệ tội phạm giảm, nhưng hầu như nó không tác động đáng kể đến hành vi phạm tội.

Trừ khi “nền kinh tế” được hiểu theo nghĩa rộng là phương tiện để xây dựng và duy trì hàng trăm nhà tù, chúng ta hãy cùng xem xét nguyên nhân tội phạm giảm khác: tăng cường hiệu lực của nhà tù. Có thể điều này sẽ giúp chúng ta bắt đầu lật lại câu hỏi về tội phạm. Thay vì phân vân nguyên nhân nào làm giảm tỷ lệ phạm tội, hãy suy nghĩ: Tại sao tỷ lệ tội phạm lại tăng mạnh như vậy trong giai đoạn đầu?

Trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, số lượng tội phạm bạo lực ở Mỹ ổn định. Nhưng vào đầu những năm 1960, nó bắt đầu tăng nhanh. Nhìn lại tất cả, rõ ràng là một trong những nhân tố chính đẩy mạnh xu hướng này là hệ thống công lý khoan dung. Trong những năm 1960, tỷ lệ bị kết án giảm và tội phạm bị kết án được thụ án trong thời gian ngắn hơn. Xu hướng này là do chủ trương mở rộng nhân quyền quá lâu và quá xa. Cùng lúc đó, các chính trị gia tăng cường đối xử mềm dẻo đối với tội phạm như nhà kinh tế học Gary Becker đã phân tích: “vì họ lo sợ sự phân biệt chủng tộc cực đoan” và “do người Mỹ gốc Phi và người Tây Ban Nha phạm những tội có mức độ nghiêm trọng không giống nhau”. Vì vậy, nếu bạn thuộc tuýp người muốn phạm tội thì bạn được khuyến khích: bạn sẽ bị kết tội nhẹ hơn, và nếu bị kết án, thời gian thụ án cũng ngắn hơn. Do tội phạm sẵn sàng “đón nhận” sự ưu đãi này nên kết quả là tỷ lệ tội phạm tăng vọt. Những khuyến khích này cuối cùng cũng bị cắt giảm, mặc dù đôi khi việc này khiến tình hình chính trị trở nên rối loạn. Nếu tội phạm liên quan đến ma túy trước đây được tự do và được tha trước thời hạn thì giờ đây chúng bị bỏ tù. Từ năm 1980 đến 2000, số người vào tù vì phạm tội buôn bán ma túy tăng gấp 15 lần. Rất nhiều bản án khác, đặc biệt là tội phạm bạo lực, bị xét xử nặng hơn. Hậu quả tổng thể để lại vô cùng lớn. Khoảng năm 2000, có hơn hai triệu người ngồi tù, tăng gấp bốn lần so với năm 1972. Một nửa trong số tội phạm này gia tăng vào những năm 1990.

Mối liên quan giữa hình phạt tăng lên và tỷ lệ tội phạm giảm đi rất rõ ràng. Thời gian trong tù đầy khắc nghiệt là vũ khí răn đe tội phạm đường phố và ngăn chặn những kẻ có ý định phạm tội. Một vài nhà tội phạm học đã tìm ra điều nghe có vẻ logic này. Một nghiên cứu năm 1977 mang tên “Lệnh đình chỉ xây nhà tù” cho rằng tỷ lệ tội phạm có xu hướng tăng cao khi tỷ lệ bị giam giữ cao, nghiên cứu này kết luận rằng tội phạm sẽ chỉ giảm nếu tỷ lệ bị giam giữ giảm. (May mắn thay, các quản giáo không phải vì việc này mà mất việc. Nhà khoa học chính trị John J. DiIulio Jr. sau này nhận xét: “Rõ ràng cần phải có một đề tài cấp tiến sĩ nghiên cứu về tội phạm để xem giam giữ tội phạm nguy hiểm liệu có làm giảm tỷ lệ tội phạm”). Những tranh luận về “lệnh đình chỉ” này chủ yếu là do nhầm lẫn cơ bản giữa mối tương quan và thuyết nhân quả. Hãy xem xét một cuộc tranh luận của Thị trưởng một thành phố, ông này thấy rằng khi đội bóng rổ của thành phố giành giải vô địch bóng rổ thế giới thì dân chúng đã ăn mừng rất náo nhiệt. Vị thị trưởng bị ảnh hưởng bởi mối tương quan này nhưng, như tác giả của “lệnh đình chỉ”, nên đã không hiểu rõ ý nghĩa của sự việc. Vì vậy, những năm tiếp theo, thị trưởng đã ra sắc lệnh rằng nhân dân chỉ được bắt đầu kỷ niệm giải vô địch thế giới về môn bóng rổ trước cú ném bóng đầu tiên − hành động này sẽ đảm bảo một chiến thắng, theo tâm trạng bối rối của ngài thị trưởng.

Tất nhiên có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta không muốn tăng số lượng tù nhân. Không phải tất cả mọi người đều thích việc nhiều người Mỹ, đặc biệt là người Mỹ da đen, sống đằng sau những song sắt nhà tù. Cũng không có nhà tù nào bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới phạm tội, vốn rất đa dạng và phức tạp. Cuối cùng, nhà tù không phải là một giải pháp tiết kiệm: vì mỗi năm chính phủ Mỹ tốn khoảng 25.000 đô-la để giam giữ tù nhân. Nhưng nếu mục tiêu ở đây là lý giải tỷ lệ tội phạm giảm vào những năm 1990, thì việc giam giữ là một trong những yếu tố chính. Nó góp phần làm giảm khoảng một phần ba tỷ lệ tội phạm.

Một nguyên nhân khác làm giảm tỷ lệ tội phạm thường gắn liền với việc tống giam là: tăng áp dụng án tử hình. Giữa những năm 1980 và 1990, số tử tù ở Mỹ tăng gấp bốn lần khiến nhiều người kết luận rằng trong bối cảnh tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ, án tử hình đã góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm. Có hai nguyên nhân quan trọng khiến án tử hình chưa phải là nguyên nhân thật sự của việc giảm tỷ lệ tội phạm.

Một là, hiếm khi hình phạt tử hình được tiến hành ở Mỹ và thời gian trì hoãn thi hành dài khiến tội phạm không bị nhụt chí vì sự đe dọa của án tử hình. Mặc dù số lượng án tử hình tăng gấp bốn lần chỉ trong một thập kỷ nhưng vẫn còn 478 tử tù trên toàn nước Mỹ trong những năm 1990. Bất cứ người cha, người mẹ nào từng nói với đứa con hư đốn của mình là “giờ ta sẽ đếm từ 1 đến 10 và sẽ phạt con thật đấy” đều hiểu sự khác nhau giữa việc răn đe và dọa nạt suông. Ví dụ, bang New York không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm phi tổ chức kể từ khi áp dụng luật tử hình năm 1995. Thậm chí trong số các tử tù, tỷ lệ tử hình hàng năm chỉ là 2%, so với 7% số thành viên của các băng đảng xã hội đen hàng năm phải đối mặt với cái chết. Nếu như cuộc sống tử tù an toàn hơn cuộc sống lang thang nguy hiểm trên đường phố thì thật khó để tin rằng nỗi sợ bị tử hình là nguyên nhân chính làm giảm tỷ lệ tội phạm. Giống như hình phạt 3 đô-la áp dụng đối với cha mẹ đến đón con muộn ở trường mẫu giáo Israel, động cơ tiêu cực của hình phạt tử hình không đủ nghiêm khắc để một tên tội phạm thay đổi hành vi của mình.

Điểm chưa hoàn thiện thứ hai trong lập luận về hình phạt tử hình còn rõ ràng hơn. Giả sử hình phạt tử hình làm nhụt chí tội phạm. Vậy có bao nhiêu tội phạm thật sự bị nhụt chí? Nhà kinh tế học Isaac Ehrlich, trong một tài liệu trích dẫn năm 1975, đã rất lạc quan cho rằng tử hình một tội nhân thì hạn chế được bảy tên tội phạm giết người. Bây giờ chúng ta thử làm phép tính. Năm 1991, có 14 án tử hình được thi hành ở Mỹ. Năm 2001 số này là 66.Theo tính toán của Ehrlich, 52 trường hợp tăng thêm này sẽ làm giảm 364 kẻ giết người vào năm 2001 − đây chắc chắn là con số giảm không nhỏ, nhưng thực tế chỉ có dưới 4% tội phạm giết người giảm trong năm đó. Vì vậy, thậm chí những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho giải pháp hình phạt tử hình thì cũng phải thừa nhận rằng nó chỉ góp 4% vào việc giảm tỷ lệ tội phạm giết người trong những năm 1990. Và bởi vì hình phạt tử hình hầu như chỉ được áp dụng đối với loại tội phạm giết người nên hiệu quả răn đe các loại tội phạm bạo lực khác không đáng kể.

Vì vậy, có thể là hình phạt tử hình đang được thực hiện ở Mỹ hiện nay không thật sự gây ảnh hưởng lớn đối với việc giảm tỷ lệ tội phạm. Thậm chí, rất nhiều người vốn từng ủng hộ quan điểm này thì đến nay phải công nhận thực tế trên. Harry A. Blackmun, thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, năm 1994 đã kết luận rằng: “Xét về mặt đạo đức và trí tuệ, tôi cảm thấy cả về rằng việc áp dụng các hình phạt tử hình đã thất bại”. Gần 20 năm sau khi bỏ phiếu tán đồng áp dụng hình phạt tử hình, ông nói: “Tôi sẽ không lê máy chém đi khắp nơi nữa”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button