Khổng Tử Tinh Hoa
Thể loại | Kỹ năng – Sống đẹp |
Tác giả | Vu Đan |
NXB | NXB Trẻ |
Công ty phát hành | First News – Trí Việt |
Số trang | 210 |
Ngày xuất bản | 06-2016 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Khổng Tử và học thuyết Nho gia có ảnh hưởng rất lớn đối với các nền văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam. Bao nhiêu thế hệ trí thức Việt Nam đã tiếp thu và ứng dụng triết lý của ông. Còn ngày nay, sự minh triết trong tư tưởng Khổng Tử có thể giúp gì cho chúng ta khi đối diện với vô số vấn đề của cuộc sống hiện đại?
Vu Đan, với niềm say mê và am hiểu về Khổng Tử cộng với tầm nhìn của một nhà nghiên cứu thông thái, đã làm cho mọi người sững sờ khi vén mở những bí mật ẩn chứa trong tư tưởng Khổng Tử. Đó là những bí mật có thể giúp ta đứng vững trong thực tại, hiểu được thế giới sôi động mà chúng ta đang sống, giúp ta tận hưởng một cuộc đời phong phú và trọn vẹn.
Giản dị, trực tiếp và hứng khởi, bà gạt bỏ cách tiếp cận sùng kính của các học giả khác và cho thấy những chân lý mà Khổng Tử giới thiệu với chúng ta luôn là những chân lý dễ nắm bắt nhất, chỉ cho chúng ta một cách sống hạnh phúc theo đúng nhu cầu tinh thần của mình.
Những gì chúng ta có thể học hỏi từ Khổng Tử hôm nay không phải là môn “Khổng học” do Hán Vũ Đế lập ra; không phải là “Khổng giáo” long trọng, cao quý, nặng nghi thức bên cạnh Đạo giáo và Phật giáo; cũng chẳng phải học thuyết Khổng Tử của các học giả, đầy luận chứng sâu xa và mang tính bác học khuôn phép mà là những bài học, những chân lý giản dị mà mỗi người tâm đắc và đều có thể tiếp nhận.
Những chân lý đó đi vào lòng người tự nhiên nhất như chính là tiếng gọi từ bên trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Dù thời gian trôi qua và thế giới có đổi thay thế nào đi nữa thì những giá trị tinh túy nhất của Khổng Tử luôn mãi sống với thời gian.
[taq_review]
Trích dẫn
Thế Đạo
Trong thế giới hiện đại, nhờ email và tin nhắn, chúng ta có giữ liên lạc thường xuyên với những người cách ta hàng ngàn dặm, ấy thế mà ta lại không bỏ chút nỗ lực nào để hiểu những người hàng xóm của mình.
Hơn bao giờ hết, cách chúng ta đối xử với những người khác ngày nay trở nên rất thiết yếu.
Trong môi trường xã hội phức tạp và đầy biến động này, chúng ta phải đối xử với những người khác như thế nào?
Khi có người đối xử với ta không công bằng, ta phải phản ứng ra sao?
Đâu là những nguyên tắc mà chúng ta nên áp dụng để cư xử với những người thân thiết?
Khổng Tử đưa ra cho chúng ta nhiều quy tắc về cách cư xử trong xã hội và qua đó giúp ta trở thành một người đứng đắn. Có thể, các quy tắc ấy ban đầu có vẻ cứng nhắc, thậm chí khắt khe, nhưng thực tế chúng chứa đựng sự mềm dẻo đến không ngờ.
Nói đơn giản, ông đưa ra cho chúng ta các nguyên tắc điều tiết hành động của mình và mức độ mà chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc ấy.
Chúng ta thường tự hỏi ta phải làm gì và không nên làm gì; cái gì là tốt và cái gì là xấu.
Thực tế, khi đưa ra những câu hỏi ấy, chúng ta cũng nhận ra rằng các sự vật thường không được phân chia dựa theo các ý niệm đơn giản về đúng và sai, tốt và xấu, có hoặc không. Thời điểm và mức kỳ vọng của chúng ta khi làm một điều gì đó luôn có ảnh hưởng trực tiếp tới cách chúng ta hành động. Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh sự cân nhắc mức độ nào là cần thiết trong khi ta làm bất cứ điều gì. Khi hành động, chúng ta cần phải tránh càng nhiều càng tốt sự thái quá, hoặc ngược lại, là sự thiếu quan tâm.
Vì vậy, dù Khổng Tử ủng hộ đức Nhân và sự bác ái, nhưng ông không khuyên chúng ta tha thứ mọi lỗi lầm của người khác với lòng Nhân không phân biệt. Có người hỏi Khổng Tử rằng: “Ngài nghĩ sao về câu nói: Khi người ta oán hận mà hãm hại mình, mình nên đem ân đức ra mà báo đáp?”.
Khổng Tử đáp rằng: “Vậy nếu người ta đem ân đức ra mà giúp đỡ mình thì mình lấy gì để báo đức? Nên lấy chính trực mà đáp lại sự oán hận, nên lấy điều ân đức mà đáp lại điều ân đức.” (Luận Ngữ, XIV, 36). Chính việc ý thức về các giới hạn của điều gì có thể chấp nhận được nơi những người khác là một dấu hiệu nổi bật của bậc quân tử chân chính.
Chúng ta cần nhấn mạnh, điều mà Khổng Tử ủng hộ ở đây là sự tôn trọng phẩm giá của con người.
Dĩ nhiên, Ngài không gợi ý là phải lấy oán hận để đáp trả lại oán hận. Nếu chúng ta luôn phải đối mặt và ứng xử với những việc sai trái người khác gây ra cho mình một cách ác ý và thù oán bằng thái độ tương tự, thì chúng ta sẽ bị giam vào trong một vòng luẩn quẩn không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta sẽ đánh mất không những hạnh phúc của riêng ta, mà còn cả hạnh phúc của những thế hệ sau khi mắc vào sợi dây thù hận truyền kiếp.
Đáp trả oán hận bằng đức hạnh thì cũng không thực tế. Nếu bạn quá hào phóng với lòng tốt và lòng nhân của mình, đối xử với những người làm điều sai với mình bằng sự tốt bụng thái quá hay thiếu suy xét, thì điều ấy cũng là một sự lãng phí.
Nhưng có một thái độ thứ ba, đó là phải đối mặt với tất cả điều ấy một cách điềm tĩnh, với sự vô tư, công bằng, cởi mở và chính trực, tức là phải tiếp cận nó với một tính cách đạo đức cao cùng khả năng suy xét sâu sắc.
Nói rộng ra, Khổng Tử nhấn mạnh rằng chúng ta phải sử dụng tình cảm và trí óc của ta đúng chỗ cần thiết.
Ngày nay, mọi người đều tìm cách tiết kiệm các nguồn tài nguyên, tuy nhiên chúng ta lại xem nhẹ sự hoang phí về tinh thần và lãng phí năng lượng trong chính cơ thể chúng ta mỗi ngày.
Sự thịnh vượng vật chất và tốc độ ngày càng tăng của các nhịp điệu cuộc sống ngày nay đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những phán đoán thật khôn ngoan. Chúng ta phải lựa chọn con đường tốt nhất để sống, một con đường thật sự là của riêng chúng ta.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp các tình huống gây bối rối:
Cha mẹ quá yêu thương con, nhưng điều ấy lại chỉ đẩy họ xa đứa con mình.
Bạn bè thân cận, gần gũi hết mức, nhưng lại thường kết thúc bằng việc làm tổn thương lẫn nhau.
Có người tìm mọi cách cố gắng cải thiện mối quan hệ gần gũi hơn với cấp trên và các đồng nghiệp của mình, nhưng kết quả thường hoàn toàn ngược lại.
Làm sao lại ra nông nỗi này?
Khổng Tử dạy rằng cả sự tách biệt thái quá lẫn sự thân cận thái quá đều không phải là lý tưởng. Đối với ông, “đi rất xa cũng tồi tệ như đi quá gần”. Sự gần gũi thái quá không phải là một tình huống lý tưởng cho hai người muốn sống hòa thuận với nhau.
Vậy, làm thế nào ta đạt được “những mối quan hệ tốt đẹp”?
Tử Du – học trò của Khổng Tử nói rằng: “Can gián mà người trên không nghe thì mang nhục. Khuyên lơn mà bằng hữu không sửa thì mất tình bằng hữu.” (Luận Ngữ, IV, 25). Hay nói khác đi, nếu bạn luôn quanh quẩn bên cấp trên của mình, xem liệu mình có giúp gì được cho họ hay không, dù bạn đang tỏ ra gần gũi thì bạn cũng sẽ sớm rước nhục vào thân. Cũng vậy, nếu bạn luôn bám kè kè bên cạnh bạn bè mình, dù có vẻ như các bạn không thể chia xa, thì việc mất tình bằng hữu sẽ chẳng còn lâu nữa.
Có câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa có một đàn nhím, tất cả đều có lông nhọn trên lưng, nằm rúc vào nhau để giữ ấm qua mùa đông. Hẳn là chúng không bao giờ có thể biết được rằng nếu tách xa nhau thì chúng sẽ ra sao. Chỉ một chút xê dịch ra xa thôi là chúng không thể giữ ấm cho nhau được, vì thế chúng rúc lại gần nhau hơn; nhưng chúng càng ép lại gần nhau, các gai nhọn lại châm vào nhau, thế là chúng lại bắt đầu tách xa nhau ra; nhưng khi chúng làm vậy, chúng lại bị lạnh. Phải mất một thời gian khá dài để đàn nhím nhận ra khoảng cách thích hợp giữa chúng, để chúng có thể giữ ấm cho nhau mà không làm nhau bị thương.
Trong xã hội của chúng ta ngày nay khi trào lưu đô thị hóa ngày càng phát triển, nhất là ở các thành phố lớn, những khoảnh sân nhỏ của các đại gia đình thời xưa đều bị phá bỏ để xây dựng các tòa nhà lớn. Cho đến ngày mừng năm mới, một gia đình làm bánh bao đem ra khoảnh sân nhỏ để cùng chung vui với hàng xóm như thường niên thì họ ngỡ ngàng khi thấy không còn ai ra đấy nữa. Khoảnh sân chung cũng không còn, thậm chí những láng giềng sống ba, bốn năm đi chung trên một chiếc cầu thang cũng hầu như không biết nhau.
Do các mối quan hệ của chúng ta với những người sống quanh ta đã trở nên lạnh nhạt hơn, chúng ta càng khó để giao tiếp với nhau hơn.
Rồi điều này gia tăng gánh nặng lên một vài người bạn mà chúng ta trông cậy.
Có thể bạn nghĩ rằng: Nếu người bạn thân thiết nhất của tôi đối xử với tôi tốt hơn một chút, thì tôi sẽ cởi mở để đối xử với họ tốt hơn. Hoặc: Nếu gia đình bạn có chuyện, một vụ cãi nhau với vợ chẳng hạn, tại sao bạn lại không nói với tôi? Tôi có thể can thiệp và hòa giải giúp bạn mà!
Nhiều người trong chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng chúng ta hãy nhớ lời Tử Du: sự gần gũi thái quá có xu hướng làm tổn thương người khác.
Vậy chúng ta nên sống hòa hợp với bạn bè của ta như thế nào?
Có lần Tử Cống đã hỏi Khổng Tử câu hỏi này và Khổng Tử đã trả lời rằng: “Như bằng hữu có lỗi, mình nên hết lời can gián, mà phải nói một cách khéo léo dịu ngọt. Như bằng hữu không nghe, thì mình nên thôi; đừng nói dai mà mang nhục.” (Luận Ngữ, XII, 22). Khi bạn thấy một người bạn đang làm điều gì đó sai trái, bạn nên cảnh báo cho họ và can gián bằng thiện chí, nhưng nếu họ thực sự không lắng nghe, thì hãy thôi. Đừng nói gì thêm nữa, nếu không bạn sẽ bị tổn thương.
Vì vậy, với những người bạn tốt thì cũng cần có giới hạn. Thái quá thì sẽ bất cập.