Review

Khơi Nguồn Sáng Tạo

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Jack Foster
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 172
Ngày tái bản 11-2012
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Bạn còn nhớ cảm giác của một buổi sáng không phải đi học chứ? Thật khó tìm được một từ diễn tả hết được, vừa tự do, tươi mới vừa thật phấn khích, nhẹ nhõm. Tâm trạng tưởng như rất trẻ con ấy thực ra lại là yếu tố cốt lõi để sáng tạo ý tưởng cho bạn và tổ chức bạn.

Đây chỉ là một trong rất nhiều bí quyết tinh thần mà Jack Foster tiết lộ cho bạn trong cuốn sách Khơi Nguồn Sáng Tạo.

Đọc cuốn sách, bạn sẽ cảm thấy vừa quen vừa lạ. Quen bởi gặp lại giọng điệu thân thiện, hóm hỉnh rất thu hút của tác giả Jack Foster từ cuốn Một nửa của 13 là 8. Lạ bởi cuốn sách không trả lời câu hỏi làm thế nào để bạn có nhiều ý tưởng sáng tạo mà cho bạn phương thức để giải phóng sức sáng tạo của mọi người, để ý tưởng luôn ngập tràn trong tổ chức của bạn.

Công ty bạn đang chưa giải được bài toán để tăng doanh thu, cải thiện dịch vụ và thu hút khách hàng? Nhóm nghiên cứu của bạn đang rơi vào bế tắc mà chưa tìm được lối ra? Đừng quá lo lắng! Hãy dành thời gian để đọc và áp dụng những bài học đơn giản nhưng thiết thực trong cuốn sách này. Bạn sẽ nhanh chóng hiện thực hóa được những ước muốn còn dang dở.

[taq_review]

Review

Ngô Lai

Ấn tượng đầu tiên với mình về quyển sách này, là nó mỏng, rất hợp với ý mình. Mình biết tác giả Jack Foster qua quyển một nửa của 13 là 8, ấn tượng với giọng văn và cách diễn đạt ngắn ngọn vừa đủ để hiểu, một kiểu tính cách thường thấy của những người làm trong ngành công nghiệp Quảng Cáo.

Đọc quyển sách, có cảm giác như được trò chuyện trực tiếp với với một giám đốc sáng tạo với kinh nghiệm đầy mình, Jack Foster đưa ra giới hạn của môi trường làm việc phổ biến hiện nay, mổ xẻ nó, cắt bỏ những thành phần gây ung bướu từ trong cách đối xử giữa người và người nơi công sở cũng như trong cuộc sống.

Tác giả đưa ra giải pháp tối ưu để duy trì và cải thiện tình cảm giữa nhân viên với nhau, giữa các nhân viên và Leader để cùng hợp tác đưa ra những ý tưởng hay. Cùng hợp tác chứ không phải là chỉ huy người khác như cái quyền mà Leader có, và vô số những chiêu mà người làm trong ngành sáng tạo cần phải học hỏi.

Một cuốn sách vừa đủ để gọi là hay, đáng để đọc đi đọc lại nhiều lần, nếu biết cách vận dụng thì có thể áp dụng trong mọi lãnh vực cần sự giao tiếp chứ không riêng gì trong không gian công sở 🙂

Cám ơn Tác giả Jack Foster, dịch giả Thanh Vân, và những người ẩn danh đã góp phần tạo nên quyển sách này.

Hồ Ngọc Thương

Ấn tượng đầu tiên của mình về quyển sách này là …. hơi mỏng . Nhưng bù lại giấy và cách trình bày các kiểu thì khá được lòng mình . Các ý được sắp xếp theo từng mục một cách rất logic , mạch lạc ,dễ đọc và dễ hiểu . Hình ảnh minh họa cũng khá độc đáo và thú vị . Nhưng có lẽ quyển sách này phù hợp với những người lãnh đạo hơn là một đứa sinh viên yêu sáng tạo và muốn mở mang đầu óc đến với khu vườn của những ý tưởng . Chính xác hơn thì đó cũng chính là mục tiêu mà quyển sách này hướng tới : giúp cho những người lãnh đạo khai thác và khai sáng nhân viên của mình trong việc tìm kiếm ý tưởng . Cách chỉ dẫn trong cuốn sách cũng chưa thực sự có tính ứng dụng cao, còn khá là chung chung .

Tóm lại nếu muốn mua quyển sách này thì mình khuyên các bạn nên đọc thử vài trang xem nó có thực sự phù hợp với bản thân hay không .

Ngô Trâm

Thật ra quyển sách này chỉ đọc để biết thôi chứ ứng dụng thì chỉ dành cho những người lãnh đạo. Quyển sách mỏng nhưng khối lượng kiến thức, bài học, kinh nghiệm thì đặc biệt nhiều. Quyển sách chỉ ra rất nhiều cách để tạo môi trường làm việc vui vẻ, các mối quan hệ công sở vui vẻ, tinh thần vui vẻ trong công việc v.v… và vui vẻ chính là bí quyết để khơi nguồn sáng tạo. Cuốn sách chỉ ra nhiều cách ứng xử và đối ứng trong công việc tuy nhiên tôi khá nghi ngờ tính ứng dụng tại Việt Nam vì các cách thức trong quyển sách này chỉ phù hợp đối với cách lãnh đạo ở Phương Tây, mà theo những gì tôi được biết, phong cách lãnh đạo giữa Tây và Đông hoàn toàn khác biệt. Nhưng nói chung, quyển sách này có nhiều mẹo thú vị.

Trích đoạn

LÀM SAO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO?

Có ba lý do khiến cho việc giúp đỡ người khác nghĩ tốt hơn về bản thân trở nên cần thiết.

Thứ nhất, hình ảnh một người nghĩ về mình là yếu tố quan trọng duy nhất tạo nên thành công của họ.

Cá tính của họ, hành động của họ, cách họ hòa nhập với người khác, cách họ thể hiện bản thân trong công việc, cảm xúc của họ, niềm tin của họ, sự cống hiến của họ, khát vọng của họ, thậm chí cả tài năng và năng lực của họ, tất thảy đều phụ thuộc vào cách họ hình dung về bản thân.

Con người luôn hành xử theo hình ảnh mà họ tưởng tượng về bản thân.

Nếu họ nghĩ mình là kẻ thất bại, rất có thể họ sẽ thất bại.

Nếu họ nghĩ mình là người thành công, rất có thể họ sẽ thành công.

Hơn nữa, nếu họ nghĩ mình là người sáng tạo, là người đột phá về ý tưởng, rất có thể họ sẽ trở nên sáng tạo, và đột phá về ý tưởng.

Nhà thơ La Mã cổ đại Virgil đã nói: “Người ta có thể làm được mọi thứ, vì họ nghĩ rằng họ có thể làm được.” Và chân lý cơ bản về sức mạnh của hình ảnh bản thân này không chỉ đúng ở đất nước Hy Lạp 2000 năm trước mà vẫn còn giá trị trong kinh doanh ngày nay.

Nhà tâm lý học Walter Dill Scott từng viết: “Thành công hay thất bại trong kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thái độ chứ không phải năng lực.”

Nói cách khác, thái độ là yếu tố quan trọng nhất.

Sự khác biệt giữa những người luôn bùng nổ ý tưởng và những người kém sáng tạo thực ra chẳng liên quan gì đến khả năng sáng tạo bẩm sinh. Tất cả chỉ do niềm tin vào bản thân, rằng họ cũng có thể tạo ra các ý tưởng.

Những người tin rằng mình làm được thì sẽ làm được. Những người tin rằng mình không làm được thì sẽ không làm được.

Điều này chỉ đơn giản như vậy và không còn gì phải thắc mắc thêm nữa.

Nếu bạn vẫn nghi ngờ điều đó, hãy thử tự hỏi bản thân xem, tại sao quá nhiều người tưởng như rất tài năng lại thất bại, và tại sao quá nhiều người tưởng như bất tài vô dụng lại thành công.

Vấn đề không phải ở việc họ là ai. Vấn đề ở chỗ họ nghĩ mình là ai.

Nguyên nhân thứ hai, là thứ mà William James đã từng gọi là “phát kiến vĩ đại nhất của thế hệ tôi”. Đó là gì?

“Con người có thể thay đổi cuộc sống của họ chỉ bằng cách thay đổi thái độ.”

Hoặc như cách diễn đạt của triết gia Pháp Jean Paul Sartre: “Mỗi con người chẳng là gì khác ngoài những gì tự bản thân họ tạo nên.”

Việc này cũng không cần phải tranh cãi nữa.

Vậy mà biết bao vị lãnh đạo vẫn không chịu hiểu điều này. Và một khi họ còn cố thủ, họ sẽ chẳng bao giờ trở thành người khơi nguồn sáng tạo được.

Bất chấp những bằng chứng mà các bậc phụ huynh, các vị mục sư, bác sỹ, các nhà hiền triết, nhà tâm lý, các thầy, cô giáo và các chuyên gia trị liệu, cùng hàng trăm cuốn sách viết về thay đổi bản thân đưa ra, họ vẫn cứ chối từ ý niệm rằng hình ảnh bản thân của cùng một người có thể thay đổi.

Họ thừa nhận rằng “Lòng người phản ánh con người”. Thế nhưng dường như họ vẫn cứ nghĩ rằng, cho dù một người có nghĩ thế nào về bản thân đi nữa, anh ta vẫn là anh ta mà thôi.

Sai hoàn toàn. Anh ta sẽ trở thành con người khác.

Hoặc có lẽ họ nghĩ rằng anh ta không thể hình dung khác về bản thân được, rằng cách anh ta nghĩ ngày hôm nay sẽ mãi mãi không đổi.

Họ đã nhầm. Anh ta hoàn toàn có thể nghĩ khác đi.

Ngày nay, tất cả mọi người đều công nhận rằng trí tuệ có thể thay đổi cách vận hành của cả cơ thể. Bằng chứng thì quá đơn giản và không thể kể hết.

Những kẻ nghiện ma túy có thể hút giả dược mà không thấy những triệu chứng tái nghiện, những người bị dị ứng hắt hơi cả khi nhìn thấy hoa nhựa, những đứa trẻ không có tình thương chậm phát triển về thể chất, các bệnh nhân đã được thôi miên có thể trải qua cuộc phẫu thuật mà không cần tiêm thuốc giảm đau, con người có thể tự hạ huyết áp và nhịp tim bằng quyết tâm, bệnh nhân ung thư có thể tự thuyên giảm bệnh, những người bại liệt hoàn toàn khỏi bệnh sau khi hành hương tới Lourdes … Những ví dụ như thế nhiều vô kể.

Nhưng việc chấp nhận ý niệm rằng tâm trí có thể thay đổi cả một con người là một bước nhảy lớn, một bước nhảy khổng lồ, thậm chí có thể nói là bước nhảy vọt vĩ đại.

Tất cả những gì tôi muốn bạn chấp nhận chỉ là một bước nhảy nhỏ xíu thôi, đó là: tâm trí có thể thay đổi tâm trí.

Thực tế, nếu bạn trở thành một người khơi nguồn sáng tạo, bạn nhất định phải chấp nhận rằng những người làm việc cùng bạn có thể và cần phải thay đổi.

Bằng không, bạn sẽ chịu thảm cảnh khi lãnh đạo một công ty trì trệ, không thể nào phát triển, một công ty mà cuối cùng sẽ trở lại vạch xuất phát ở đáy vực.

Nguyên nhân thứ ba là, ở vị trí người khơi nguồn sáng tạo, bạn có thể giúp những người khác thay đổi thái độ của họ.

Thực ra, đây là nhiệm vụ hàng đầu của bạn –

Giúp mọi người nghĩ tốt hơn về bản thân

Giúp họ nâng cao hình ảnh bản thân.

Bạn nên thực hiện điều đó không phải bằng cách ra lệnh mà là tái tạo, không phải định hướng mà là giải phóng, không phải lãnh đạo mà bằng cách châm ngòi cho sáng tạo.

Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện khi tôi còn làm việc tại Foote, Cone & Belding, ở Los Angeles, với tư cách nhân viên viết quảng cáo. Tôi có một người đồng nghiệp tên là Glenn. Anh ta lớn tuổi hơn tôi, có một trái tim nồng ấm và khi dồn hết tâm sức làm việc anh ta là một cây bút cừ khôi. Nhưng rất tiếc anh ta đã đánh mất điều đó. Anh ta say xỉn tối ngày và không làm được việc gì. Những ý tưởng quảng cáo của anh ta chẳng có gì mới mẻ, câu từ thì lê thê và rời rạc.

Tôi rời hãng quảng cáo đó cùng khoảng thời gian mà John O’Toole, một huyền thoại trong làng quảng cáo chuyển đến làm Giám đốc Sáng tạo của công ty. Hai năm sau, John được thăng chức làm Giám đốc Sáng tạo của Foote Cone ở Chicago và tôi quay trở lại, thay thế vị trí của ông ở Los Angeles. Tôi thấy rằng Glenn vẫn còn ở đó. Nhưng, thật bất ngờ, đó là một Glenn cực kỳ xuất chúng, không còn là anh chàng bê tha ngày nào. Ngay từ ngày đầu tiên tôi giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo, anh ta đã đưa ra những ý tưởng tuyệt vời, viết lách rất tốt, và không uống một giọt rượu nào.

Tôi gọi điện cho John và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra.

Ông nói: “Chà, tôi biết Glenn là một cây bút cừ. Anh ta chỉ mất tự tin thôi. Vậy nên tôi nói với anh ta rằng tôi nghĩ anh ta là cây bút tuyệt vời nhất tôi từng biết, rồi hỏi xem anh ta có thể biên tập lại những gì tôi đã viết không. Tất cả các mẫu quảng cáo, các bản ghi nhớ, các đề nghị hợp tác, thư từ, tôi đều đưa cho Glenn xem trước tiên và nhờ anh ta giúp tôi sửa lại chúng. Anh ta lấy lại phong độ trước kia chỉ sau một tháng.”

John đã phục hồi, giải phóng và khơi nguồn sáng tạo.

Một khi bạn chấp nhận rằng đó là nhiệm vụ của một người khơi nguồn sáng tạo, nó sẽ khiến công việc của bạn tỏa sáng – những người bạn tuyển dụng, môi trường làm việc mà bạn tạo ra, những đường lối mà bạn hoạch định, cách bạn hướng dẫn người khác, cách bạn tạo dựng công ty, những hệ thống, quy trình, cách bạn đối xử với mọi người, chương trình đào tạo của bạn, những khách hàng tiềm năng, mục tiêu sản phẩm và dịch vụ của bạn. Tất cả mọi thứ.

Công ty cũng chỉ là một phương tiện để bạn đạt được mục đích của mình.

Rốt cuộc, bản thân công ty không có những mục tiêu riêng. Nó chỉ là hình ảnh phản chiếu của chính bạn và những người cùng xây dựng và điều hành nó. Mục tiêu của công ty chính là mục tiêu của bạn.

Một khi đã chấp nhận rằng mục tiêu hàng đầu của bạn là giúp mọi người nghĩ tốt hơn về bản thân mình, để truyền cảm hứng, giải phóng và tái tạo – bạn cần phải chấp nhận rằng mục tiêu hàng đầu của công ty không thể là kiếm nhiều tiền hơn, tạo ra sản phẩm tốt hơn, công việc tốt hơn, hay dịch vụ tốt hơn.

Hãy coi mục tiêu hàng đầu của công ty là mục tiêu hàng đầu của bạn, đó là: giúp mọi người nghĩ tốt hơn về bản thân và tạo ra một môi trường kích thích, giải phóng và bùng nổ ý tưởng.

Một khi mục tiêu này được đưa lên hàng đầu, các mục tiêu truyền thống khác như dịch vụ tốt hơn, kiếm tiền nhiều hơn và sản phẩm tốt hơn cũng sẽ tự nhiên mà đến. Bởi khi bạn đạt được mục tiêu, những người làm việc cùng bạn sẽ sáng tạo ra nhiều ý tưởng về sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, sẽ làm việc nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thế thì, chắc hẳn bạn đang tự hỏi: phải làm gì để tạo ra được môi trường làm việc như thế?

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button