Review

Khi Ta Thay Đổi Thế Giới Sẽ Đổi Thay

Thể loại Kỹ năng – Sống đẹp
Tác giả Betty McLellan
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 224
Ngày tái bản 05-2010
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cách chúng ta suy nghĩ, cách ta nhìn nhận bản thân cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, tình cảm, cách ta nhìn nhận người khác và cả cách ta hoạch định để trải nghiệm cuộc sống mỗi ngày… sẽ quyết định ta là ai. Liệu chúng ta có đủ khôn ngoan? Chúng ta có cảm thấy niềm tin đang đồng hành trong tim? Liệu nỗi sợ hãi có đang điều khiển hành động của chúng ta?

“Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay” đưa ra luận điểm: Chúng ta chỉ có hai lựa chọn thật sự trong đời. Lựa chọn thứ nhất là rơi vào thất vọng, tê liệt và để mặc nỗi sợ hãi lấn lướt. Lựa chọn thứ hai là mở rộng trái tim với thế giới xung quanh, hàn gắn bản thân và người khác bằng cách thay đổi thói quen hành động trong các mối quan hệ. Chúng ta không thể thay đổi một ai đó. Chúng ta thường cũng không thể thay đổi hoàn cảnh. Nhưng chúng ta có thể thay đổi chính cách ứng xử của mình. Chúng ta có thể học cách suy nghĩ trước khi hành động. Chúng ta có thể học cách hành động bằng trái tim yêu thương thay vì phản ứng bằng thái độ tức giận hay tổn thương. Chúng ta hãy ghi nhớ là mình nắm quyền kiểm soát mọi thứ. Khi chúng ta ngừng chú tâm vào khó khăn, cách giải quyết sẽ xuất hiện.

Được trình bày trong 12 bước đơn giản, cuốn sách này cung cấp cho chúng ta những hiểu biết cần thiết để tự tìm ra cách ứng xử hoà bình và tích cực trước mọi tình huống.

Mỗi cuộc gặp gỡ là một điều thiêng liêng nên tất cả chúng ta cần có cách ứng xử sao cho phù hợp. Mỗi ngày một bước, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi nhỏ – khi cộng lại sẽ thành thay đổi lớn – đối với người duy nhất mà chúng ta có thể thay đổi: chính bản thân mình.

“Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu trong suy nghĩ, chúng ta muốn như vậy.

Ai cũng có quyền chọn lựa. Chúng ta sẽ đến được đúng nơi mình muốn, trở thành đúng con người như mình hằng ao ước…

Chỉ cần một chút sẵn sàng để thay đổi suy nghĩ,

Ngày mai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn hôm nay.”

[taq_review]

Trích đoạn sách

BẠN KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT MỌI THỨ!

Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta đã bàn nhiều về việc sống có trách nhiệm với bản thân và gạt bỏ ý muốn kiểm soát người khác. Nhưng nỗi ám ảnh được nắm quyền kiểm soát những người xung quanh thường rất mạnh mẽ. Nó xuất hiện trong mối quan hệ của chúng ta với con cái, vợ/chồng, bạn bè, thậm chí cả nhân viên hay cấp trên. Đôi lúc, nỗi ám ảnh ấy mãnh liệt đến mức chúng ta công khai thể hiện quyền hành của mình. Tất nhiên, có rất nhiều lý do để giải thích điều đó và trong phạm vi của chương này, chúng ta chỉ xem xét vài lý do thôi.

Theo quan điểm của tôi, lý do thường thấy nhất là vì chúng ta nghĩ rằng, thành công trong việc kiểm soát người khác sẽ giúp ta giữ chặt lấy họ, khiến họ luôn cần sự hiện diện của ta và nhờ vậy, ta mới cảm thấy được yêu thương. Trong trường hợp này, lòng ham muốn nắm quyền kiểm soát chính là một kiểu phòng thủ giúp ta chống lại cảm giác bất an và thiếu thốn. Thế nhưng ta càng cố kiểm soát người khác thì họ lại càng không muốn dính dáng gì đến ta. Khao khát “chạy trốn” của họ sẽ tỉ lệ thuận với nỗi ám ảnh muốn “trói buộc” họ của ta.

Chắc bạn còn nhớ tôi từng đề cập đến việc chia bộ não của chúng ta thành hai phần? Một bên là cái tôi ích kỷ; nó thường hét thẳng vào tai chúng ta để chiếm lấy quyền kiểm soát tình hình và để trả đũa người khác. Còn bên kia là tiếng nói nhỏ nhẹ từ cội nguồn của tình yêu, nơi chúng ta luôn được yêu thương mà không phải lệ thuộc bất kỳ ai. Mỗi lần toan kiểm soát người khác, dù với bất kỳ lý do nào và dù họ là ai, chúng ta cũng đang đánh mất sức mạnh tối cao của mình.

Chúng ta chưa thể chấp nhận sự thật trên chừng nào còn thiếu quyết tâm từ bỏ các thói quen cũ. Chúng ta chưa thể chấp nhận thực tế là mọi người không thể bị ta kiểm soát chừng nào ta còn chưa tập trung tinh thần cao độ và tập luyện không ngừng. Và sự nghi ngờ ấy thể hiện cụ thể ở khắp nơi: một người cha độc đoán, một người sếp duy ý chí, một chính phủ cực đoan… Mỗi cuộc chiến tranh là một minh chứng rõ ràng cho thấy con người vẫn tiếp tục tin rằng họ có quyền kiểm soát người khác. Tuy nhiên, phần khôn ngoan của trí óc cũng có lúc giành được chiến thắng. Hay nói đúng hơn, cái tôi độc tài đôi khi cũng bị gạt bỏ.

Nếu cuộc sống bình yên là mục tiêu chúng ta theo đuổi thì ta phải từ bỏ lối cư xử thiếu ôn hòa. Quyết định giải phóng tất cả mọi người khỏi những nỗ lực sai lầm của chúng ta nhằm kiểm soát họ là bước tiến lớn đầu tiên.

Rút lui

Đây là một luận điểm tương đối dễ hiểu. Trong chương đầu tiên của cuốn sách, chúng ta đã bàn về vấn đề “để người khác tự do xoay sở cuộc sống của họ”. Nhưng ở đây tôi muốn nói lại nó theo một cách khác: Rút lui! Đừng đến những nơi bạn không được chào đón. Đừng phát biểu điều gì trừ khi ai đó thật lòng thỉnh cầu ý kiến của bạn. Tôi biết rằng thật khó có thể giữ được im lặng khi thấy bạn bè hay người thân của mình đi lạc vào con đường mà ta biết chắc sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp. Nhưng chúng ta phải im lặng. Nếu cứ khăng khăng bắt người khác phải nghe theo lời khuyên của ta thì “lời khuyên” ấy không những bị lờ đi mà còn có khả năng khiến mối quan hệ của chúng ta bị rạn nứt hoặc thậm chí đổ vỡ. Nó biến ta thành kẻ vô dụng trong mắt bạn bè người thân, trong khi họ sẵn sàng thỉnh cầu lời khuyên từ người họ kính trọng – một người họ nghĩ là dày dạn kinh nghiệm và khôn ngoan hơn mình.

Để người khác được tự do lựa chọn sẽ tốt hơn cho họ và cả chúng ta, cho dù những lựa chọn ấy đôi khi sai lầm. Nếu ta đưa ra một quyết định ngớ ngẩn khi được nhờ lựa chọn giúp, ta sẽ trở thành lý do biện hộ cho mọi thất bại về sau của họ. Chúng ta vô tình trở thành người “chịu trận” cho tất cả những thứ bị “trật đường ray” trong đời họ. Đó là một gánh nặng không ai muốn rước vào mình vì nó chẳng giúp ích gì cho cuộc hành trình của chúng ta.

Một lý do nữa để rút lui khỏi chuyện của người khác là bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống của mình. Đây là món quà đầy ý nghĩa, dù ban đầu bạn không nhận ra vì vẫn còn bị ám ảnh bởi cách sống của ai đó. Nhưng theo thời gian, bạn sẽ quen dần với việc quan sát người khác thay vì điều khiển họ và lợi ích đạt được là sự khôn ngoan khi đưa ra lựa chọn cho tương lai. Nói tóm lại, chúng ta ai cũng phải có trách nhiệm với bản thân, với cách ta sống và con đường ta đang đi. Chúng ta chỉ gặt hái được mọi thứ mình xứng đáng khi làm trọn bổn phận và trách nhiệm của mình.

Giành quyền kiểm soát ư? Bạn sẽ thất bại!

Thỉnh thoảng, chúng ta “gặp may” và được người khác chấp nhận nỗ lực kiểm soát của ta. Mỗi lần như vậy, thật dễ ngộ nhận rằng chúng ta có khả năng kiểm soát mọi việc, và đó là điều tốt. Thế nhưng, sự thật là hành động của người nào thì người đó tự điều khiển. Họ có thể quyết định nghe theo lời khuyên của ta nhưng ta vẫn không có quyền kiểm soát. Không còn lời giải thích nào chính xác hơn.

Nếu đôi khi người khác thật sự thay đổi vì điều gì đó chúng ta từng nói hoặc làm, chúng ta sẽ cảm thấy giá trị của mình được công nhận. Cảm giác này giúp nâng cao sự tự tin trong ta. Nhưng thật không may, nó cũng khuyến khích chúng ta lặp lại hành vi của mình không chút đắn đo. Hãy đối mặt với sự thật: Người khác thay đổi vì bản thân họ muốn thay đổi chứ không phải vì chúng ta muốn họ thay đổi.

Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng làm điều không thể? Sau nhiều năm quan sát, kết hợp với lời cam kết của bản thân để thay đổi thói quen này, tôi đã kết luận rằng: Chúng ta nỗ lực kiểm soát người khác vì muốn chế ngự cảm giác bị đe dọa mỗi khi bạn đồng hành của chúng ta có những quan điểm, thái độ hay cách ứng xư khác với mình. Càng lo sợ bao nhiêu, chúng ta càng cố kiểm soát mọi việc bấy nhiêu.

Nhưng điều ta khám phá ra khi từ bỏ nỗ lực kiểm soát mọi người và mọi việc là chúng ta sẽ có thêm thời gian và cơ hội để học hỏi, thay đổi và trưởng thành. Thông qua đó, chúng ta có thể tiến tới cấp độ cao hơn của nhận thức.

Một lợi ích đáng ngạc nhiên khác là bằng cách bỏ qua, tiến lên phía trước và chủ động tận hưởng cuộc sống của riêng mình một cách thanh thản, chúng ta sẽ truyền cảm hứng cho người khác tự thay đổi bản thân đúng như những gì chúng ta mong muốn ở họ. Thật lạ lùng, đúng không?

Một người bạn của tôi từng nói rằng: “Càng cố thúc ép mọi việc, cuộc sống của tôi càng ngột ngạt”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Sắp đặt vòng vây bủa kín tất cả mọi người và mọi việc chẳng khác nào ta đang tự rút cạn nguồn năng lượng của bản thân để “vác tù và hàng tổng”. Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành trung tâm của vũ trụ và là trung tâm trong cuộc sống của người khác. Chính vì vậy, thật tốt nếu có người nào đó nhắc chúng ta nhớ rằng, mình chỉ là một kẻ bình thường như bao người họ từng quen biết. Không có gì phải xấu hổ vì điều đó. Chúng ta nên biến nó thành cảm giác nhẹ nhõm và cho phép bản thân tự do tận hưởng cuộc sống – một cuộc sống thoải mái của một người bình thường.

Dỡ bỏ gánh nặng

Kiểm soát người khác đồng nghĩa với việc bỏ lỡ mục tiêu của riêng mình. Chừng nào chúng ta còn mải mê quan sát người khác thay vì bản thân thì nỗi lo sợ thất bại càng có cơ hội biến thành hiện thực. Khi dành cả đời chạy theo người khác với hy vọng ngày nào đó điều khiển được họ, chúng ta đã chuẩn bị sẵn cho mình một lời bào chữa mỗi lần không thành công trong việc gì đó.

Điều này có thể không đúng với hoàn cảnh hiện tại của bạn, nhưng hãy tự hỏi bản thân: Trong số các mục tiêu đề ra, bạn đã hoàn thành bao nhiêu phần? Nếu chưa đạt tới thành quả như dự định, hãy nghĩ lại xem bạn đã tiêu tốn nguồn sinh lực dồi dào của mình vào đâu.

Kiểm soát người khác là một mong muốn hão huyền. Vứt bỏ nó đi không những giúp bạn được tự do mà còn giúp những người khác thực hiện công việc vốn gói gọn trong trách nhiệm của họ. Nhiều người đã cố gắng mang vác gánh nặng của người khác quá lâu. Và kết quả chỉ là sự thất vọng, vỡ mộng, rối loạn, bỏ lỡ nhiều cơ hội quý báu, đổ thêm sự xúc phạm vào vết thương chưa lành và thường xuyên bị công kích một cách giận dữ bởi những người họ tưởng rằng đang được mình giúp đỡ.

Đã đến lúc đối mặt với thực tế. Cố gắng kiểm soát người khác nghĩa là bạn đang bước chân vào một trận chiến thảm bại. Nếu bạn vẫn chưa hiểu điều này, tôi tin chắc bạn sẽ thấy mọi việc sáng tỏ ngay khi thử thay đổi suy nghĩ của mình lúc thấy tâm trí bắt đầu chú ý đến cuộc sống của ai đó. Hãy ghi nhớ những điều này: Cuộc sống ban cho ta sự thanh thản để chấp nhận những điều không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều có thể và trí khôn để nhận ra điểm khác biệt.

Quyền tự quyết đối với cuộc đời mình là món quà tuyệt vời nhất mà mỗi chúng ta được trao tặng trên hành trình vươn tới hạnh phúc. Hãy tin tôi! Rồi sẽ đến lúc bạn cảm ơn nó.

Hãy sống với hành trình đã chọn!

Mỗi lựa chọn, mỗi sự kiện, mỗi con người… có mặt trong cuộc sống của chúng ta đều có một lý do nào đó. Không ai xuất hiện do tình cờ. Không gì xảy đến do ngẫu nhiên. Chúng ta lựa chọn gặp gỡ một người vì họ đem đến cho ta bài học nào đó.

Dường như đây là một quan niệm lạ lùng. Nhưng bạn hãy gạt bỏ sự hoài nghi trong chốc lát và nhìn lại quá khứ. Bạn có đồng ý rằng nhiều người xuất hiện trong đời bạn mang theo những thông điệp mà mãi về sau bạn mới nhận ra mình thật sự cần đến?

Tất cả chúng ta đều là thầy giáo và học trò trong cuộc đời của người khác. Từ thầy giáo này, chúng ta học được lòng khoan dung, ở thầy giáo khác lại là sự kiên nhẫn. Một số người có thể học được từ chúng ta đức tính tốt đẹp nào đấy. Trong mỗi cuộc tương tác, chúng ta được ban cho đặc quyền tiếp thu hoặc truyền đạt điều gì đó giá trị. Chúng ta có thể nhất thời coi thường bài học người khác đang truyền đạt. Nhưng hãy tin tôi, bài học ấy sẽ quay lại lần nữa, vì nó là của chúng ta.

Sự khôn ngoan đến trong nhiều sự kiện khác nhau, từ nhiều phương hướng và với nhiều hình dạng, kích cỡ. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ một vài cuộc hội nghị của Twelve Step mình từng tham dự. Lúc đó, tôi có ý bỏ qua bài giảng của một số diễn giả vì nghĩ rằng những điều họ nói không phù hợp với thực tế cuộc sống của tôi, và chẳng ích gì cho quá trình cai rượu tôi đang theo đuổi. Nhưng người bảo trợ của tôi đã rất khéo léo. Cô ấy nói: “Tất cả những điều họ nói đều ẩn chứa một thông điệp. Một ngày nào đó, nó có thể cứu nguy cho chị. Hãy lắng nghe đi!”.

Việc thay đổi nhận thức và thừa nhận giá trị của những điều bạn tiếp thu hôm nay chứa đựng tiềm năng chuyển biến tương lai của bạn. Mỗi phút giây chúng ta đang sống sẽ trở thành một món quà, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng với chúng. Gặp những người bạn cần gặp, học điều bạn cần học, trưởng thành theo cách bạn cần trưởng thành… là những mảnh ghép quan trọng góp phần kiến tạo nên bức tranh cuộc đời bạn một cách hoàn chỉnh.

Không phải bài học nào cũng làm thay đổi cuộc sống mà ngược lại, đa số chúng mang một dáng vẻ rất bình thường. Nhận thức được điều này có ý nghĩa quan trọng vì nhờ đó, chúng ta sẽ không coi nhẹ bất kỳ trải nghiệm nào của mình. Chúng ta cũng không được phép coi nhẹ trải nghiệm của những người xung quanh. Mỗi cuộc gặp gỡ là một nhân duyên mà chúng ta không thể biết trước nó đóng vai trò gì trong cuộc sống của mình. Với sự biến đổi nhận thức này, những tình huống khó khăn đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Tôi đang từ chối bài học nào đây?

Theo kinh nghiệm của tôi, bạn hãy giả sử là luôn có điều gì đó đáng để mình học hỏi và cảm ơn cuộc đời. Hơn nữa, hãy nghĩ rằng người khác đang nhìn vào chúng ta như người thầy giáo của họ, cho dù ta hoặc họ có nhận thức được điều đó hay không.

Hãy vui mừng vì bạn đang đi trên hành trình mình đã lựa chọn. Không có thử thách nào xuất hiện trên hành trình này mà bạn chưa chuẩn bị để đón nhận, hoặc vượt qua, nếu bạn nhờ đến sức mạnh của tình yêu thương. Ngay bây giờ cũng như mọi thời điểm khác, bạn đều đứng đúng nơi mình phải có mặt và thực hiện những việc cần được hoàn thành. Chân lý này đúng với bạn thì cũng đúng với cả người khác. Hãy để họ tự lắng nghe và sắp xếp cuộc hành trình của riêng mình.

Bạn đọc cảm nhận

Trang Bao La

Trước khi mua tìm hiểu khá kĩ và vô cùng hi vọng vào cuốn sách này nhưng cuối cùng thì… thất vọng luôn từ lúc giở những trang đầu tiên. Viết cũng khá đúng. Nhưng 1 số luận điểm trái ngược với suy nghĩ của mình vì rơi rớt khuynh hướng ích kỉ, thậm chí 1 số luận điểm trong sách còn mâu thuẫn nhau. Văn phong chưa có sức thuyết phục, nhạt, lập luận cũng không sắc bén. Chắc chỉ có bìa & tên sách là hấp dẫn nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi. Nếu suy nghĩ 1 tí thì đọc nguyên tên sách cũng đủ hiểu rồi chưa cần đọc sách

Dang Thanh Truc

Hãy thử nghĩ xem tại sao chúng ta có khi phàn nàn về những điêu nhỏ bé. Có khi lại nghĩ tại sao những chuyện đó lại xảy đến với mình mà không phải là người kia. Là tại bản thân mình hay tại một lý do nào khác. Tôi đã có lúc nghĩ tất cả là do mình không may mắn. Nhưng sự thật là vì bản thân tôi đã không thật sự làm đúng một số chuyện. Và khi quyết định thay đổi bản thân mình một tí thì hầu như cuộc sống của tôi đã thay đổi. Đã trở nên vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn và trân trọng hơn những gì tôi đàn có. Hãy thử mua, đọc và thay đổi một chút bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Cinn Tomm's

Không ngờ ngay từ mấy trang đầu mình đã thấy cái lâu nay mình mắc phải. Phải chăng đó là sai lầm nên giờ mình đang mất đi cái gì đó. Theo như Karen Casey thì chúng ta chỉ đang lãng phí thời gian để thay đổi bạn đời hay bạn bè mà thôi. Rồi một ngày nhận ra nó chẳng liên quan gì tới mình, suy nghĩ, cảm xúc, thành công hay thất bại đều là của họ, không lí do gì ta phải bận tâm kiểm soát họ. Thoạt nghe qua có vẻ như không hợp tình người, có gì đó ích kỉ, khép kín nhưng nghĩ lại thì Karen Casey nói đúng. Mình không thể chịu trách nhiệm thay họ được nên chẳng có cớ gì để lấy đi, chịu trách nhiệm với bản thân mình là đủ. Và cách tạo ra hạnh phúc của Karen Casey khá dễ dàng : hạnh phúc nằm ngay ở trong suy nghĩ của mình. Nên “làm cho cuộc sống ngọt ngào hơn không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực. Thay vì coi mọi thứ như chướng ngại vật hay mối đe doạ tiềm ẩn chúng ta hãy nghĩ rằng mọi tình huống là một cơ hội quý giá để có được sự bình yên” Rồi nhiều vấn đề tác giả đề cập tới mà ngẫm xong mình thấy đúng quá và cần thay đổi nhiều. Mình cũng rất ấn tượng với cái cuộc đời của Karen Casey. Chua chát. Nó thật. Chốt lại cho tất cả “Chỉ cần một chút sẵn sàng để thay đổi suy nghĩ,

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button