Review

Khi Mọi Điểm Tựa Đều Mất

Thể loại Sách hay về cuộc sống
Tác giả Marci Shimoff
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 277
Ngày xuất bản 09-2016
Giá bánXem giá bán

Với Happy for No Reason – Khi mọi điểm tựa đều mất, tác giả Marci Shimoff đã có một cuộc cách mạng về quan niệm hạnh phúc. Trong khi phần lớn những quyển sách ở thể loại này hướng vào việc giúp con người tìm kiếm hạnh phúc từ những yếu tố bên ngoài thì Happy for No Reason lại hướng vào những yếu tố nội tâm. Nhờ vậy, bạn sẽ tìm thấy những phương thức tuy đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu giúp bạn trải nghiệm một cảm xúc mới – hạnh phúc tự thân – bất kể mọi tác động tiêu cực từ bên ngoài. Quyển sách sẽ gửi đến bạn nền tảng cơ bản nhất, giúp bạn duy trì một trạng thái hạnh phúc bền vững và trọn vẹn.

Thông qua một nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách chúng ta nhận ra rằng: 50% giới hạn hạnh phúc được quy định do kiểu gen, phần còn lại là do chúng ta tích lũy. Và trong 50% còn lại chỉ 10% trong số đó là phụ thuộc vào những yếu tố như: sự giàu có, tình trạng hôn nhân và công việc; còn 40% cuối cùng là kết quả của những suy nghĩ, cảm giác, ngôn từ và hành động của con người.

Đọc cuốn sách để thấy rằng hạnh phúc là điều vô cùng giản dị và gần gũi bởi vì nó ở ngay bên trong mỗi chúng ta, ta không đi tìm hoặc nắm bắt hạnh phúc mà chúng ta rèn luyện để có được hạnh phúc. Vì vậy chúng ta hãy ngưng việc theo đuổi một điều không có kết quả và tốt hơn là nên bắt đầu rèn luyện để có được hạnh phúc bằng cách hình thành và trau dồi những thói quen.

Những trải nghiệm có thật trong cuộc sống cũng như những nghiên cứu của tác giả đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của tác giả về hạnh phúc. Theo đó, có bảy bước rất đơn giản giúp bạn trải nghiệm niềm hạnh phúc đích thực. Với hình ảnh Ngôi nhà ẩn dụ cho cuộc sống con người, tác giả đã mượn hình ảnh này làm biểu tượng cho ý tưởng của mình: bảy bước để xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc”. Bảy bước này có liên quan đến bảy đối tượng mà bạn cần quan tâm trong cuộc sống của mình: sức mạnh bản thân, tinh thần, con tim, cơ thể, tâm hồn, mục tiêu và con người.

[taq_review]

Trích đoạn

Rèn luyện để có được hạnh phúc

Vạn vật không thay đổi; chỉ có con người đổi thay.

Henry David Thoreau

Hãy nghĩ đến những người mà bạn chắc rằng họ đang nắm giữ niềm hạnh phúc đích thực. Họ có thể tác động đến xung quanh giống như mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp và mang nguồn năng lượng bất tận đến vạn vật trong tầm ảnh hưởng. Họ rất lạc quan và tin yêu cuộc sống – họ không những nhìn thấy chiếc cốc đầy một nửa mà còn đi tìm bình nước và đổ đầy chiếc cốc – họ thuộc tuýp người luôn hoàn thành sớm mọi việc trong khi những người khác đang tất bật với chúng. Mặc dù không phải lúc nào họ cũng là người dẫn đầu trong các lĩnh vực nhưng điều đặc biệt là họ duy trì được một trạng thái tinh thần tĩnh lặng, bình an và hài lòng tuyệt đối – mặc cho những rối ren của cuộc sống đời thường. Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi trò chuyện cùng những người này bởi họ biết cách vực dậy tinh thần bạn vào những thời khắc tệ hại nhất.

Tôi may mắn sớm được gần gũi với một người như vậy. Tôi muốn nói đến cha tôi – ông Marc. Người thật sự đã đạt đến giới hạn cao nhất trong niềm hạnh phúc đích thực. Bất kể ông làm gì, đi đâu, xung quanh ông cũng đều hiện hữu một vầng hào quang – chính là sự quý mến và tôn trọng của mọi người. Ông đã lớn lên trong sự nghèo khó tột cùng, phải tự mình bươn chải kiếm tiền ăn học và đã phải chịu mất mát quá nhiều. Tuy vậy, cha tôi vẫn không chùn bước và trái tim ông vẫn ấm nóng một niềm tin vào cuộc sống.

Ông từng tham gia phục vụ trong quân đội trong suốt bốn năm Thế chiến thứ 2 với vai trò là một nha sĩ ở South Pacific. Mặc dù không thích cảm giác bị chôn chân ở giữa vùng chiến sự nhưng ông vẫn giữ được ngọn lửa hạnh phúc và nhiệt huyết của mình. Ông thể hiện tình cảm với mẹ tôi bằng cách thường xuyên viết thư cho bà. Tổng cộng ông đã viết cho mẹ tôi 858 lá thư – những lá thư ấy vẫn còn được cha mẹ tôi giữ nguyên vẹn đến ngày hôm nay. Suốt những năm tháng sống trong quân đội, cha tôi đã dành dụm được một số tiền với hy vọng khi giải ngũ, ông sẽ mở một phòng nha đầy đủ tiện nghi cho riêng mình. Ông rất đam mê và yêu thích công việc mình đã chọn cho đến hết cuộc đời.

Trong cuộc sống, nhiều lúc cha tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như tiền bạc eo hẹp, con cái không nghe lời hoặc ngay cả khi sức khỏe của ông sa sút nghiêm trọng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông mất đi niềm tin yêu cuộc sống. Mỗi sáng thức dậy, cha tôi đều hân hoan đón chào một ngày mới với niềm tin rằng mình sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị. Tôi còn nhớ khi mình mười chín tuổi, tôi đã hỏi xin ông lời khuyên dành cho một đứa con đang chập chững bước vào đời. Câu trả lời của ông rất ngắn gọn: “Con hãy sống hạnh phúc”.

Tôi hỏi lại:

– Vâng, thưa cha. Nhưng bằng cách nào?

Ông không trả lời tôi. Hạnh phúc đối với ông là một cảm giác quá đỗi bình thường, tự nhiên đến nỗi ông không hiểu sao mọi người lại không cảm thấy như vậy và vì sao ai ai cũng cố gắng để theo đuổi nó. Cha tôi qua đời ở tuổi 91 một cách thanh thản và bình yên.

Điều Thomas Jefferson thật sự mong muốn

Khi được hỏi về hạnh phúc, đa phần mọi người đều dùng câu nói của Thomas Jefferson trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Đương nhiên là tôi muốn mình hạnh phúc” để trả lời tôi. Theo suy nghĩ của họ thì “suy cho cùng, mọi người đều có quyền được tự do và theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình”.

Chúng ta vẫn thường quen với suy nghĩ: hạnh phúc là một điều gì đó mà con người cần theo đuổi và kiếm tìm. Vậy là trong suốt cuộc đời mình, con người luôn săn tìm hạnh phúc và vồ vập ôm lấy mọi thứ về mình – những thứ mà ta nghĩ sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.

Và rồi một ngày, tôi hiểu ra ý nghĩa sâu xa trong câu nói của Thomas Jefferson.

Hôm ấy, tôi cùng hai người bạn Steward và Joan Emery đang trên chuyến bay đi đến một buổi hội thảo. Chúng tôi đưa ra và cùng bàn luận những quan điểm về hai từ “hạnh phúc”. Đột nhiên, Steward quay sang hỏi tôi bằng một giọng Úc đặc sệt: “Marci, cô có hiểu ẩn ý sâu xa của Thomas Jefferson khi ông đề cập đến việc theo đuổi và mưu cầu hạnh phúc không?”. Rồi sau đó ông giải thích rằng vào thời của Jefferson, “theo đuổi” không có nghĩa là tìm kiếm rồi tóm lấy cho bằng được mà là “rèn luyện liên tục và liên tục cho đến khi một hành động nào đó trở thành thói quen”.

Steward đưa ra một cách hiểu thật khác biệt và quả thật ông đã thông hiểu ẩn ý của Thomas Jefferson. Chúng ta không phải là người săn đuổi hạnh phúc, mà là rèn luyện để có được hạnh phúc.

Vì vậy, chúng ta hãy ngưng việc theo đuổi một điều không có kết quả và tốt hơn là nên bắt đầu rèn luyện để có được hạnh phúc bằng cách hình thành và trau dồi những thói quen.

Thói quen của những người hạnh phúc

Những người đạt được tầm cao trong hạnh phúc cũng giống như phần lớn chúng ta. Họ không có thêm nguồn sức mạnh hỗ trợ nào, cũng chẳng có thêm một quả tim nào cả, có chăng là họ sở hữu những thói quen khác chúng ta. Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng ít nhất 90% cách hành xử của con người đều do thói quen hình thành nên. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những thói quen của mình để tiến gần đến hạnh phúc.

Một vài quyển sách khẳng định rằng hạnh phúc hay không là do chúng ta quyết định. Chỉ cần lựa chọn đúng thì chúng ta sẽ được toại nguyện.

Cá nhân tôi không đồng ý với nhận định này.

Bạn không thể quyết định hạnh phúc cho mình, cũng như không thể quyết định mình có phù hợp hay có khả năng trở thành một nghệ sĩ piano tài danh hay không. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn thực hiện những phương pháp cần thiết như tiếp thu, luyện tập những bài học thanh nhạc, luyện ngón, và bằng cách này, bạn dần dần trở nên thuần thục và sẽ đến lúc bạn đủ khả năng để biểu diễn. Tương tự, niềm hạnh phúc đích thực cũng được hình thành và bồi đắp theo phương pháp này.

Tất cả những suy nghĩ, những cách hành xử của con người đều được ghi nhận trên những rãnh nằm trong não bộ, cũng giống như các rãnh trên một chiếc đĩa CD. Khi chúng ta suy nghĩ và thực hiện một hành động liên tục, những rãnh đó hằn sâu hơn và rõ nét hơn. Chúng ta có thể hình dung một cách đơn giản thế này: nếu con người phát hiện một con đường mới và họ phát quang để đi lại thường xuyên thì đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành một con đường mòn. Những người không hạnh phúc đa phần là do họ đã tạo ra cho bản thân quá nhiều những suy nghĩ tiêu cực. Đó là lý do vì sao bạn không thể phớt lờ hệ thống rãnh não mà chủ quan quyết định hạnh phúc cho bản thân. Muốn hạnh phúc, bạn cần tạo ra những đường rãnh mới khác biệt.

Các nhà khoa học từng có ý kiến cho rằng khi bước vào tuổi trưởng thành, bộ não của con người đã phát triển đến mức hoàn chỉnh, mọi cấu trúc đều đã được lập trình ổn định, do đó chúng ta không thể tác động để thay đổi nó được. Nhưng một cuộc nghiên cứu khác đã tiết lộ nhiều thông tin thú vị xung quanh mức độ linh hoạt của những tế bào não: khi bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo những cách khác nhau thì não bộ cũng thay đổi theo và tự điều chỉnh tương ứng. Đó là một tin vui cho con người vì chúng ta sẽ không tồn tại bất biến trong suốt cuộc đời mình. Tiến sĩ Richard Davidson – một nhà nghiên cứu hàng đầu về não thuộc Đại học Wisconsin đã nói: “Dựa vào những thông tin chúng ta đã biết về tính linh hoạt của não bộ thì chúng ta có thể xem những xúc cảm như hạnh phúc, đam mê là những kỹ năng mà con người có thể kiểm soát và rèn luyện – cũng đơn giản như khi bạn tập chơi một loại nhạc cụ hay một môn thể thao nào đó… Việc huấn luyện bộ não để nó cảm nhận niềm hạnh phúc đích thực là một điều hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Đạt Lai Lạt Ma – hình mẫu con người hạnh phúc nhất mà tôi từng biết, trong quyển sách của ông – The Art of Happiness – đã viết:

“Trước hết, hãy cân nhắc và suy nghĩ xem nhân tố nào hướng chúng ta đến hạnh phúc, nhân tố nào dẫn chúng ta đến sự va vấp và tuyệt vọng. Sau đó, tiến hành loại bỏ nhân tố không tốt đó đồng thời rèn luyện, vun đắp cho những nhân tố tích cực. Đó là phương pháp giúp bạn tiến gần hơn đến niềm hạnh phúc đích thực.”

Trong quyển sách này, tôi sẽ giúp bạn xác định những nhân tố tích cực hướng bạn đến giới hạn cao nhất của hạnh phúc. Vậy những nhân tố nào đi ngược lại khao khát hạnh phúc của con người? Tôi muốn đề cập đến hai nhân tố trong số đó: trạng thái “càng có nhiều, càng thích” và trạng thái “tôi hạnh phúc khi…”.

Càng có nhiều, càng thích?

Thế nào là người giàu có? Người giàu có là người hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang nắm giữ.

Theo Talmud – những văn bản cổ về luật và truyền thống Do Thái

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button