Review

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không

Thể loại Quà tặng cuộc sống
Tác giả Paul Kalanithi
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 236
Ngày xuất bản 07-2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài.

Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.

Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ mãi.

[taq_review]

Review

Baotran Nguyen

Kalanithi có cách viết cực kỳ thu hút, chi tiết và sinh động. Mình có thể cảm nhận rõ được sự khó khăn trong quá trình học tập và làm việc là bác sĩ cũng như nỗ lực của ông để vượt qua mọi sự đó và sống với khả năng tốt nhất của mình. Sự khao khát được hiểu biết của tác giả thật sự cuốn hút.

Về hình thức, sách bìa mềm in đẹp, giấy mỏng và rõ chữ. Bản dịch mình thấy cũng rất tốt, dễ hiểu mà vẫn cảm nhận được văn phong của tác giả dù có rất nhiều từ chuyên môn của ngành y.

Mua Thu Giau Em

Mất 1 ngày để đọc, để trải qua các cung bậc cảm xúc của 1 bác sĩ, là những tâm sự rất thật, nhưng rất nhẹ nhàng. Cái cách mà chàng trai Paul quyết định trở thành bác sĩ sau khi vừa tốt nghiệp thạc sĩ Anh ngữ cũng thật nhẹ nhàng; cách mà anh chiến đấu với ung thư đến những phút cuối cùng; để thấy được khi hơi thở hoá thinh không thì mọi thứ còn lại gì? Ta là ai? Ta đến từ đâu? Ta sẽ đi về đâu?

Nguyễn Cao Duy

Cuốn sách hay mang lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa về cuộc sống. Thực sự rất đáng để đọc rồi có những cái nhìn về cái chết của nhân vật. “Cái chết không đánh sợ như bạn nghĩ … ” Bên cạnh đó là những kiến thức về y học rất khoa học và hay nữa. Nói chung là TUYỆT.

Nam K

Một bác sĩ tưởng chừng đang có tất cả, một tương lai mở rộng, thu nhập cao, công việc đáng mơ ước. Nhưng bỗng chốc tất cả khép lại. Cuộc sống con ngừoi vốn dĩ rất ngắn ngủi, và sống sao cho trọn vẹn là những gì ta đọc được. Khi hơi thở hoá thinh không là một câu chuyện đầy cảm xúc của một bác sĩ trẻ đầy tài năng. Anh đã vượt lên tất cả để chống chọi bệnh tật và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Một tác phẩm hay.

Phạm Song Hồng Trang

Đọc đoạn đầu thì mình thấy hơn nản vì giọng văn đều đều không cảm xúc. Nhưng càng về sau thì lại càng cuốn hút bởi lối viết diễn tả những đặc thù của nghề bác sĩ giải phẫu thần kinh. Mình rất khâm phục Paul Kalanithi, chú ấy là một con người giỏi xuất sắc, và là người tốt như vậy nhưng lại không thể tiếp tục cống hiến tài năng và sự uyên bác của mình cho mọi người. Đọc phần do chú Paul viết thì mình chỉ khâm phục tài năng, ý chí của chú cả trên cương vị bác sĩ lẫn bệnh nhân. Nhưng đến phần do vợ chú viết thì mình cảm động thật sự.

Đây thực sự là cuốn tự truyện hay và lay động nhất mình từng đọc. Tuy nhiên có mấy đoạn liên quan đến triết học và y khoa chuyên sâu hơi khó hiểu nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều vì Paul Kalanithi đã lồng vào những kiến thức ấy những cảm xúc vô cùng nhân văn về nhân dạng, ý nghĩa của sự sống và cái chết.

Lời bình

Trong khi viết những dòng này tôi chợt nghĩ, lời tựa nên xem như lời bạt thì hay hơn. Vì khi nói về Paul Kalanithi thì mọi khái niệm về thời gian đều đảo ngược. Tôi chỉ thực sự hiểu Paul hơn sau khi anh đã chết, chỉ thực sự gần gũi với anh khi anh không còn nữa.

Tôi gặp anh một buổi chiều khó quên tại Stanford đầu tháng Hai năm 2014. Anh vừa đăng một bài op-ed nhan đề “ Tôi Còn Sống Được Bao Lâu?” trên tờ New York Times, một tiểu luận mà độc giả đã hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt và trong những ngày sau đó, đã lan rộng như vết dầu loang. Vì lý do đó, anh đến gặp tôi để chuyện vãn, để hỏi ý kiến về đại diện văn chương, biên tập viên, và quá trình xuất bản nói chung– anh muốn viết một cuốn sách, cuốn sách này, cuốn sách mà quí vị đang cầm trong tay. Tôi còn nhớ hôm ấy ánh sáng mặt trời le lói xuyên qua cành cây mộc lan trồng trước văn phòng. Paul ngồi đối diện, hai bàn tay thon thả để yên, hàm râu dầy rậm của một nhà tiên tri, đôi mắt đen lóng lánh nhìn tôi như dò xét. Trong ký ức của tôi, hình ảnh đó có cái vẻ của một bức tranh của Vermeer, sắc sảo như hình chụp bởi hộp chiếu hình- một cái camera obscura. Tôi nhớ mình nghĩ trong bụng là phải ghi nhớ, vì hình ảnh in trên võng mạc đó vô cùng quý báu. Và vì, trong cái bối cảnh của bệnh tình của Paul, tôi không chỉ nhận thức được lẽ chết của anh mà còn của chính tôi.

Chiều hôm ấy, chúng tôi chuyện trò lan man đủ thứ. Anh đang làm thường trú trưởng ngành giải phẫu thần kinh. Chúng tôi chắc đã từng gặp nhau nhưng chưa bao giờ có cùng bệnh nhân. Anh kể khi còn học ở Stanford anh đã chọn cả ban sinh vật lẫn ban Anh văn, và rồi tiếp tục học lên để lấy bằng thạc sĩ văn chương Anh ngữ. Cả đời lúc nào anh cũng yêu đọc sách, viết văn. Anh đã có thể trở thành một giáo sư Anh văn một cách dễ dàng–thực vậy, có một lúc trong đời, anh đã có chí hướng đó. Nhưng rồi giống như thánh Paul Tông Đồ trên đường đến Damascus, anh đã nghe được tiếng gọi. Và anh đã trở thành một y sĩ. Nhưng anh vẫn luôn mơ ước một ngày sẽ trở lại với con đường văn chương, để có thể viết một cuốn sách. Anh tưởng mình còn dư thì giờ. Tại sao không? Nhưng bây giờ thời gian lại là cái mà anh không có.

Tôi nhớ nụ cười hiền lành, hóm hỉnh, và hơi có vẻ ranh mãnh của anh, cho dù khuôn mặt của anh có hốc hác và phờ phạc. Thân xác anh đã bị dày xéo hành hạ bởi căn bệnh ung thư, nhưng một phương thức trị liệu mới đã có kết quả tốt, cho phép anh nhìn xa hơn một chút. Lúc học y khoa, anh tưởng thế nào mình cũng thành bác sĩ tâm thần, nhưng nào ngờ lại đâm ra yêu ngành giải phẫu thần kinh. Yêu đây không chỉ là sự say mê cái phức tạp của hệ thần kinh, hay cảm giác toại nguyện vì có thể xử dụng bàn tay cho những kỳ công tuyệt vời– nhưng đó là một tình yêu và lòng thấu cảm với những người bệnh đau đớn. Những điều này anh không nói ra nhưng tôi đã nghe từ những học trò của tôi, những người đã từng đi thực tập với anh. Và rồi chúng tôi nói chuyện về lẽ chết.

Sau lần gặp đó, chúng tôi vẫn giữ liên lạc qua điện thư, nhưng không bao giờ gặp lại. Lý do chẳng phải chỉ vì tôi đã biến mất vào cái thế giới của thời hạn và trách nhiệm, nhưng còn vì tôi không muốn làm phí thời giờ của anh. Nếu Paul muốn gặp thì tôi sẽ sẵn sàng. Tôi chỉ không muốn anh phải tốn thời giờ cho một người bạn mới. Tôi vẫn hằng nghĩ đế anh, và vợ con anh. Tôi muốn hỏi coi xem anh có còn viết không. Anh có tìm được thì giờ không? Trong nhiều năm trời làm việc như một y sĩ bận rộn, tôi phải cố lắm mới có thì giờ để viết. Tôi muốn kể anh nghe lời của một văn sĩ nổi tiếng có lần chia xẻ với tôi về vấn đề này, “ Nếu tôi là bác sĩ giải phẫu thần kinh và nói với khách là tôi phải đi vì có ca giải phẫu cấp bách, thì chẳng ai nói gì cả. Nhưng nếu tôi cáo lỗi với bằng hữu đang ngồi trong phòng khách là tôi phải lên lầu để viết thì—” Tôi tự hỏi không biết Paul sẽ thấy tức cười không, bởi vì anh có lý do chánh đáng để trốn lên lầu viết.

Trong khi Paul đang viết cuốn sách này thì anh cho đăng một bài tiểu luận xuất sắc trên Stanford Medicine, trong một số báo dành nói về ý niệm thời gian. Tôi cũng viết một bài trên cùng số báo, đăng ngay cạnh bài của anh nhưng không biết, cho đến khi cầm báo trên tay thì mới thấy. Khi đọc thì tôi mới có dịp thấy rõ hơn một điều là: văn của Paul hay tuyệt vời. Giá anh có viết về đề tài nào đi nữa thì đọc vẫn thấy hay. Nhưng anh không viết về bất cứ đề tài nào– anh viết về thời gian và ý nghĩa của nó đối với anh trong lúc này, trong cái bối cảnh của cơn bạo bệnh. Và vì đó nên nó càng thấm thía, chua xót hơn.

Nhưng điều tôi phải nói lại là: văn của anh đọc qua thì không thể quên được. Những giòng mực tuôn ra từ ngòi bút của anh như những sợi tơ vàng óng ánh.

Tôi đọc đi đọc lại bài viết của anh, chỉ để hiểu điều anh muốn truyền đạt. Trước hết, lời văn anh như có nhạc tính, như kiểu bài thơ của thi sĩ Galway Kinnell, một loại nửa thơ, nửa văn xuôi. (“Nếu có một ngày/ em ngồi bên cạnh người mình yêu/ trong một quán cà phê ở cuối/ chiếc cầu Pont Mirabeau, tại quán rượu có quầy bằng kẽm/ nơi rượu vang sóng sánh trong những cái ly loe bên trên…”) Nhưng nó cũng có cái vị của một cái gì khác, một cái gì từ một mảnh đất cổ xưa, từ một thời trước khi có quán rượu quầy kẽm. Vài ngày sau khi đọc lại tôi mới nhận ra là văn của Paul khiến ta gợi nhớ lại giọng văn của Thomas Browne. Browne viết cuốn Religio Medici (Tôn Giáo của một Bác Sĩ) với lối văn xuôi của thời 1642, với những cách hành văn và đánh vần cổ xưa. Khi tôi còn là một y sĩ trẻ tuổi, tôi đã từng bị ám ảnh bởi cuốn sách đó, đã đeo đuổi nó như một người nông gia cố rút cạn cái đầm nước mà đời cha mình đã không làm được. Biết đó là một việc làm vô ích, thế nhưng tôi cố liều đi tìm chìa khóa bí mật, có lúc đã vất sang một bên vì thất vọng, nhưng rồi lại nhặt lên lại, không chắc có giúp gì cho mình không, nhưng khi đọc to lên thì lại nghĩ biết đâu đấy. Tôi cảm thấy có lẽ mình thiếu một cái gì đó nên không lĩnh hội đươc. Nhưng cố đến mấy cũng vẫn mờ mịt.

Bạn thắc mắc tại sao? Sao lại phải cố vậy? Ai thèm để ý đến Religio Medici?

Ai để ý hả? Để tôi nói bạn nghe. William Osler, thần tượng của tôi chứ còn ai vào đây. Osler là cha đẻ của ngành y học đương thời. Ông mất năm 1919. Ông cũng đã từng say mê cuốn sách đó. Khi sống nó đã là cuốn sách gối đầu giường và khi chết ông xin một cuốn đóng vào quan tài chôn theo. Đọc đi đọc lại cả chục năm sau, cuối cùng tôi mới hiểu. Phải đọc to lên thì mới thấm thía được cái ngữ điệu. Khi tới đoạn cuối cuốn sách của Paul, bạn hãy đọc to lên thì sẽ nghe thấy những câu dài tương tự, nghe được cái phách nhạc tưởng như có thể nhịp chân theo —nhưng giống như khi đọc Browne, bạn sẽ đánh sai nhịp chút xíu. Paul chính là một Browne tái sanh.

Rồi thì cuối cùng Paul đã chết. Tôi đến tham dự buổi lễ truy điệu trong nhà thờ Stanford, một giáo đường tuyệt đẹp mà tôi thường hay đến những lúc không có ai, để được ngồi trong im lặng, để được thức tỉnh. Nhà thờ hôm ấy không một chỗ trống. Tôi ngồi mé một bên, nghe những chia xẻ cảm động của những người bạn thân, của mục sư, và của người em của anh. Paul không còn nữa nhưng sao tôi bỗng cảm thấy bắt đầu biết anh hơn, hơn lần gặp nhau trong văn phòng, hơn qua vài bài tiểu luận anh đã viết. Con người anh bắt đầu rõ nét hơn qua những chuyện kể trong nhà thờ Stanford Memorial Church. Ngôi giáo đường với mái vòm cao vút là nơi lý tưởng để tưởng nhớ con người mà xác thân tuy đã nằm sâu trong lòng đất nhưng lại còn rất sống. Anh còn sống qua hình ảnh của người vợ và đứa con gái thân yêu, qua cha mẹ và anh chị em đang khóc thương, và trong lòng của không biết bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp, và bệnh nhân ngồi chật ních nhà thờ. Anh vẫn còn đó trong buổi tiếp tân sau đó. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt an nhiên bình thản, như vừa là chứng nhân cho một cái gì đẹp vô cùng. Mặt tôi trông chắc cũng như vậy: Chúng tôi đã tìm ra ý nghĩa trong nghi thức phụng vụ, trong nghi thức phúng viếng, và trong những giọt lệ nhỏ ra. Lại còn có những ý nghĩa khác trong buổi tiếp tân trong khi ăn uống và chuyện trò với những người xa lạ, chỉ biết nhau qua mối giao tình với Paul.

Nhưng mãi cho đến khi nhận được những trang giấy này, cuốn sách bạn đang cầm trong tay, hai tháng sau khi Paul đã khuất bóng, tôi mới thực sự cảm thấy hiểu anh, hơn cả nếu tôi đã có cái hân hạnh làm bạn với anh. Sau khi đọc cuốn sách mà bạn sẽ đọc, thú thật tôi cảm thấy mình kém cỏi: Sự thành thật và chân lý trong lời văn đã làm tôi choáng váng, nín thở.

Hãy ngồi xuống. Hãy chuẩn bị. Để biết thế nào là dũng khí. Để biết khi tự giải bày ra như vậy đòi hỏi một sự can đảm là dường nào. Nhưng hơn hết, để thấy khi mất đi mà vẫn sống, vẫn để lại một ảnh hưởng sâu xa trong cuốc đời của người khác, bằng những giòng chữ của mình. Trong một thế giới của sự thông tin không đồng bộ, nơi mà chúng ta vùi đầu vào màn ảnh, con mắt thì không lúc nào rời cái vật thể hình chữ nhật rung động trong bàn tay, ta chỉ để tâm vào những cái phù du. Hãy ngưng tất cả để có một đối thoại với người đồng nghiệp trẻ tuổi đã quá cố của tôi, một người nay sẽ trẻ mãi không già, và tồn tại muôn đời trong ký ức. Hãy lắng nghe lời Paul nói. Trong cái thinh lặng giữa những hàng chữ, hãy nghe điều mình muốn trả lời. Đó mới chính là thông điệp của anh. Tôi hiểu rồi. Tôi hy vọng bạn rồi cũng sẽ hiểu. Đó là một món quà.

Abraham Verghese

Mar 06 2016

Trích đoạn

Sứ mệnh đạo đức lớn lao trong y học khiến những ngày đầu của tôi ở trường Y mang một áp lực nặng nề. Ngày đầu tiên, trước khi chúng tôi đến với những cái xác là buổi tập huấn hồi sức tim phổi CPR, đây là lần thứ hai tôi làm việc này. Lần đầu tiên là khi còn ở trường đại học cũ. Lần ấy thật là nực cười, thiếu nghiêm túc và mọi người đều cười lớn: những video đóng rối vụng về, những con ma- nơ-canh bằng nhựa không chân tay trông giả không thể giả hơn.

Nhưng giờ đây, cái khả năng ngấm ngầm rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ phải sử dụng tất cả những kỹ năng này đã thổi đầy sinh khí cho mọi thứ. Khi tôi liên tục đập mạnh bàn tay vào ngực của một đứa trẻ bé xíu bằng nhựa, giữa những câu bông đùa của bạn bè, tôi không thể không nghe thấy tiếng xương ngực đang rạn vỡ thực sự.
Các tử thi đảo ngược cái cực tính. Những con ma-nơ-canh giả vờ là thật; những thi thể thực lại bị coi là giả. Nhưng những ngày đầu tiên ấy, thật khó để làm được điều đó. Khi tôi đối mặt với cái xác hơi xanh và phù, trạng thái chết hoàn toàn và nhân tính trọn vẹn của người đàn ông này là những thứ không thể chối bỏ. Ý nghĩ rằng trong suốt bốn tháng tới tôi sẽ cắt đôi chiếc đầu của người đàn ông này bằng một chiếc cưa kim loại dường như không thể chấp nhận nổi.

Dẫu sao thì cũng còn các giáo sư bộ môn giải phẫu. Lời khuyên của họ là hãy nhìn thật kỹ một lần khuôn mặt cái xác và sau đó phủ kín lại; điều đó khiến cho công việc dễ dàng hơn. Hít một hơi sâu và trông đầy thành khẩn, ngay khi chúng tôi chuẩn bị mở tấm bọc cái đầu của tử thi, một bác sĩ mổ rẽ qua tán dóc đôi câu, nghiêng người tới và tì khuỷu tay trên mặt cái xác. Chỉ ra vô số những dấu vết và sẹo trên tấm thân trần truồng, ông dựng lại tiền sử bệnh của bệnh nhân. Vết sẹo này là từ ca mổ thoát vị bẹn, vết này là cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh; những vết ở đây cho thấy sự cào gãi, có lẽ là vàng da, bilirubin cao; anh này có lẽ đã chết vì ung thư tụy dù rằng không có vết mổ nào chưng tỏ điều đó – cái chết đến quá nhanh. Trong khi đó, tôi không thể không nhìn chằm chằm vào khuỷu tay đang xê dịch, vừa lăn qua lăn lại trên chiếc đầu phủ kín vừa giảng giải lý thuyết và thuật ngữ y học. Tôi nghĩ:

Prosopagnosia (hội chứng mù mặt) là một rối loạn thần kinh mà người mắc nó mất đi khả năng nhận diện khuôn mặt. Sẽ rất sớm thôi rồi tôi cũng mắc phải nó, với chiếc cưa kim loại trên tay.

Bởi vì sau vài tuần, kịch tính dần tiêu tan. Trong những cuộc hội thoại với vài sinh viên không theo ngành Y, khi kể về câu chuyện của những cái xác, tôi thấy mình nhấn mạnh với họ cái sự đó nó mới quái đản, rùng rợn và vô lý làm sao như thể cố trấn an mọi người rằng tôi vẫn bình thường cho dù tôi đã trải qua sáu giờ mỗi tuần để chia cắt một xác chết….

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button