
Khải Hoàn Môn
Thể loại | Văn học nước ngoài |
Tác giả | Erich Maria Remarque |
NXB | NXB Văn Học |
Công ty phát hành | Đông A |
Số trang | 632 |
Ngày xuất bản | 12-2016 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Ravic, một bác sĩ tài năng người Đức, đến Paris trong hành trình trốn chạy đế chế Quốc xã tàn bạo. Đã quen với những lần bị truy đuổi, bị bắt giam và bị trục xuất, Ravic vẫn trụ vững được trước những nỗi bất hạnh mà số phận của một người lưu vong đã ném vào anh. Cuộc sống của anh từ lâu chỉ tính bằng ngày, với một mục đích duy nhất: trả thù tên Quốc xã đã hành hạ anh và bức tử người bạn gái của anh khi còn ở Đức. Thế nhưng, cuộc sống, hay chính phép màu từ thành phố của sự lãng mạn, đã mang đến cho anh một niềm an ủi dưới cái tên Joan Madou. Tình yêu với nữ diễn viên xinh đẹp đã một lần nữa gieo vào lòng chàng bác sĩ tài hoa niềm hy vọng về một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc giữa những giây phút tăm tối nhất của cuộc đời.
[taq_review]
Trích dẫn
Jeannot nằm trên giường, xung quanh ngổn ngang một mớ sách quảng cáo đủ loại.
– Sao cháu không bật đèn? – Ravic hỏi.
– Thế này xem cũng rõ rồi. Mắt cháu tinh lắm.
Những tập sách mỏng ấy giới thiệu và mô tả các kiểu chân giả. Jeannot đã nhờ kiếm khắp nơi đưa tới cho nó. Mẹ nó lại vừa mới đem đến mấy tập nữa. Nó đưa cho Ravic một tập xếp kiểu bình phong có nhiều hình màu rất đẹp. Ravic bật đèn lên.
– Kiểu này đắt hơn cả, – Jeannot nói.
– Đó không phải là kiểu tốt nhất đâu.
– Đúng đấy ạ, nhưng nó là kiểu đắt tiền nhất, cháu sẽ nói với công ty bảo hiểm là cháu chọn kiểu này. Ý cháu cốt là để họ đưa cho cháu đủ số tiền mua kiểu này. Cháu đi chân gỗ cũng được, còn tiền thì cháu giữ lại.
– Công ty bảo hiểm có bác sĩ riêng của họ, chuyên giám sát những việc này Jeannot ạ.
– Bác cho là họ sẽ không chịu cho cháu một cái chân giả ư?
– Không phải. Có lẽ họ sẽ không cho cháu cái chân giả đắt nhất. Nhưng chắc chắn là họ sẽ không chịu đưa tiền cho cháu. Họ sẽ buộc công ty phải cho cháu một cái chân giả.
– Nếu thế cháu phải đem bán lại ngay. Dĩ nhiên người ta sẽ không mua lại nguyên giá. Phải chịu thiệt ít nhất là hai mươi phần trăm. Cháu sẽ cố sao bán được giá tối đa. Cháu có lắp chân giả hay không thì việc gì đến công ty? Đàng nào họ cũng mất ngần ấy tiền kia mà!
– Cháu sẽ thấy.
– Cái này quan trọng lắm. Với số tiền ấy, mẹ cháu có thể mua một cửa hiệu và tất cả những đồ đạc cần cho một hiệu kem sữa nhỏ.
Jeannot nở một nụ cười láu lỉnh:
– Thật may là giá chân giả rất đắt. Cháu mừng lắm.
– Người của công ty đã đến chưa?
– Họ mới đến về việc nằm viện và mổ xẻ thôi, chưa nói đến chuyện cái chân và tiền bồi thường. Bác sĩ bảo giúp cháu: có cần thuê trạng sư không? Lúc ấy đèn đỏ, cháu nhớ chắc. Công an…
Cô y tá đưa bữa ăn tối vào. Cô ta đặt các món ăn lên cái bàn kê cạnh giường. Khi cô đã ra ngoài, Jeannot nói:
– Ở đây họ cho ăn nhiều lắm. Cháu chưa bao giờ được ăn nhiều như thế. Nhiều quá cháu ăn không hết. Khi đến đây mẹ cháu bao giờ cũng ăn các thứ còn lại. Mỗi bữa ăn hai người, mẹ cháu lại tiết kiệm được một ít tiền. Tiền phòng cũng đã tốn mất bao nhiêu rồi.
– Tiền phòng thì đã có công ty bảo hiểm trả.
Gương mặt xanh xao của thằng bé rạng rỡ hẳn lên.
– Cháu có nói chuyện với bác sĩ Veber. Bác ấy sẽ cho cháu mười phần trăm. Bác ấy sẽ gửi hóa đơn cho công ty và sẽ đưa cho cháu mười phần trăm tiền mặt.
– Cháu tháo vát lắm Jeannot ạ.
– Nghèo thì phải tháo vát chứ bác!
– Cháu nói đúng. Chân cháu có còn đau không?
– Không ạ, chỉ có bàn chân là hơi đau thôi.
– Đó là do dây thần kinh.
– Cháu biết. Bàn chân không còn nữa mà vẫn đau ở bàn chân kể cũng tức cười. Có lẽ đó là cái hồn của bàn chân cháu nó vẫn ở lại đấy.
Nó mỉm cười vì câu nói đùa của mình. Rồi nó chuẩn bị ăn.
– Súp này, thịt gà này, rau quả này, rồi thì lại tráng miệng nữa. Thịt gà cháu để cho mẹ ăn. Mẹ thích lắm, mà ở nhà thì chẳng mấy khi có mà ăn.
Nó tựa khuỷu tay lên gối:
– Có những lúc đang đêm cháu tỉnh dậy, tưởng là nhà cháu phải trả tiền tất cả các món này. Rồi cháu lại nhớ ra rằng cháu nằm ở đây như con nhà giàu, cháu có quyền đòi tất cả những gì cháu cần, cháu có thể bấm chuông gọi cô y tá và cô ấy phải đến, mà tất cả những thứ này đã có người khác trả tiền. Tuyệt quá bác nhỉ?
– Ừ tuyệt lắm, – Ravic nói.
***
Ravic đang ngồi ở tiệm Osiris, trong căn phòng dành làm nơi khám bệnh cho các chị em.
– Có còn nữa không? – anh hỏi.
– Còn, – Léonie nói – còn Yvonne, xong là hết.
Yvonne hai mươi lăm tuổi, tóc vàng, hơi mập, mũi tẹt, tay chân mũm mĩm – đó hình như là một đặc điểm của khá nhiều cô gái điếm. Cô ta đánh mông bước vào, vẻ thỏa mãn, và vén miếng lụa quấn thay cho quần áo lên.
– Đây cơ, – Ravic nói – Đi lại đây.
Yvonne lặng lẽ quay lại và phô cái mông đẫy đà ra. Hai bên mông đều chi chít những vết thâm tím. Rõ ràng là có ai đã đánh cho cô một trận nên thân.
– Tôi hy vọng rằng ông khách nào đây đã trả hậu cho cô, – Ravic nói.
Yvonne, lắc đầu:
– Chẳng có xu nào đâu bác sĩ ạ. Đó không phải là một ông khách.
– Thế thì chắc vì sở thích? Tôi không biết là cô thích cái món này.
Yvonne lại lắc đầu, môi nở một nụ cười bí hiểm. Ravic nhận thấy cô ta rất lấy làm thích thú về tình cảnh này. Cô làm ra vẻ quan trọng:
– Em không phải là masochiste[2] – cô nói rất tự hào là mình biết danh từ này.
[2] Người mắc chứng masochisme, một tâm bệnh trong đó bệnh nhân phải bị đánh đập hoặc lăng nhục ê chề mới tìm thấy khoái cảm tính dục (Do tên một bệnh nhân nổi tiếng là Alexander Masoca).– Thế thì sao? Đánh nhau à?
Yvonne để một lát mới trả lời:
– Đây là do tình yêu bác sĩ ạ.
Cô ta vươn vai một cách khoái trá.
– Anh ta ghen à?
– Vâng, – Yvonne nói, gương mặt rạng rỡ lên.
– Cô đau lắm không?
– Những thứ này không bao giờ đau.
Cô ta thận trọng ngồi xuống:
– Bác sĩ biết không, lúc đầu Madame Rolande không chịu để cho em làm việc. Em chỉ xin bà ấy một giờ thôi. Một giờ thế mà ghê quá! Và bây giờ thì với mấy vết bầm của em, em được hâm mộ hơn bao giờ hết!
– Sao thế!
– Cũng chẳng biết nữa. Hình như có những người cứ trông thấy thế là hứng lên. Chỉ ba ngày thôi em đã kiếm thêm ngoài được một trăm năm mươi quan. Bác sĩ ạ, mấy vết bầm ấy có còn nhìn rõ được lâu nữa không?
– Ít nhất hai ba tuần.
Yvonne tặc lưỡi một cái:
– Thế thì tuyệt! Em sẽ mua được áo khoác lông rồi. Da lông thật nổi nhé!
– Nếu nó lặn quá nhanh thì cô vẫn có cách để anh bạn cho cô một trận nữa.
– Anh ấy không chịu đâu, – Yvonne nói – Anh ấy thế đấy. Anh ấy làm thế đâu có phải vì tính toán. Anh ấy đánh em là vì quá mê say. Vào lúc lên cơn ghen. Nhưng ngoài những lúc ấy ra thì chịu, dù em có quỳ xuống van xin anh ấy cũng mặc.
– Anh ấy có bản lĩnh đấy, – Ravic nói – Thôi, xong rồi Yvonne ạ. Cô chẳng có gì đâu.
Yvonne đứng dậy:
– Em lại đi làm việc đây. Có một ông khách già đang đợi em dưới kia. Một ông râu nhọn. Ông ấy bao giờ cũng đến ngay sau buổi khám. Ông ấy thận trọng lắm. Em có cho ông xem mấy vết bầm. Ông ấy phát cuồng lên. Ở nhà bà ấy bắt nạt ông ấy dữ, cho nên chắc ông nhìn mông em mà tưởng đó là mông bà nhà vừa ăn đòn của ông ấy.
Yvonne nói đoạn cười phá lên:
– Bác sĩ không thấy con người ta buồn cười sao?
Cô ta ra khỏi phòng, rất thỏa mãn về bản thân.
Ravic để sang một bên những dụng cụ anh vừa dùng, và ra đứng ở cửa sổ. Hoàng hôn đã bắt đầu phủ tấm màn xám của nó lên thành phố. Những cây mọc xuyên qua nhựa đường trông hao hao như những thân hình người bị hành quyết, với những cánh tay và những bàn tay như anh đã từng nhìn thấy trong các chiến hào. Anh nghiêng người ra phía ngoài. Cái giờ phút tiếp giao giữa ngày và đêm. Giờ của những cuộc tình trong các hắc điếm dành cho những người mà tối đến phải chủ tọa một cách trang trọng những bữa ăn gia đình. Giờ của rượu khai vị. Các giờ phút mà cả trái đất dường như dừng lại để thở; mà phụ nữ Ý trên dãy cánh đồng Lombardie đã bắt đầu chúc felicissima notte[3]. Giờ của tuyệt vọng và của ước mơ.
[3] Đêm cực lạc (tiếng Ý).Ravic đóng cửa sổ. Căn phòng bỗng tối om đi. Dường như có những bóng đen vừa lọt vào phục ở các xó xỉnh, im lặng một cách đầy hàm nghĩa. Trên bàn, chai cognac mà Rolande để lại sáng mờ mờ như một khối ngọc thạch mài trơn. Ravic đứng trầm ngâm một lát nữa rồi đi xuống tầng dưới.
Âm nhạc đang chơi rất to, và gian phòng lớn sáng rực ánh đèn. Các “chị em” ngồi rải rác đó đây trên những tấm đệm, mình mặc áo lụa ngắn hở ngực. Vú cô nào cũng lộ rõ ra. Khách hàng ai chẳng muốn trông rõ hàng hóa trước khi mua? Nửa tá đàn ông đã đến. Phần đông là những thương gia trung niên. Đó là những người am hiểu, không muốn chịu một xác suất nhiễm bệnh nào. Họ biết rõ ngày khám và đến đúng vào những ngày ấy. Yvonne đứng cạnh ông khách già. Trên bàn có một chai Dubonnet đặt trước mặt ông. Chân ghếch lên một chiếc ghế, Yvonne đứng uống champagne. Mỗi chai cô được mười phần trăm hoa hồng, champagne rất đắt. Thường chỉ có khách ngoại quốc gọi. Yvonne biết người ta đang nhìn mình, bèn cố ra dáng một nữ tài tử dạy thú dữ ở rạp xiếc.
Related Posts: