Review

Jeff Bezos Và Kỷ Nguyên Amazon

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Brad Stone
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 403
Ngày tái bản 01-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Amazon là câu chuyện của một người sáng lập đầy tài năng đã hoàn toàn tự mình định hướng tầm nhìn chiến lược,” Eric Schmidt, chủ tịch của Google – một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Amazon, phát biểu. Chính bản thân ông cũng là thành viên của dịch vụ Amazon Prime – giao hàng trong hai ngày của Amazon. “Sẽ chẳng có ví dụ nào hay hơn. Có lẽ chỉ có thể là Apple, nhưng người ta quên rằng hầu hết mọi người tin Amazon đã sụp đổ do không đạt được quy mô kinh doanh cần thiết để trang trải kết cấu chi phí. Công ty liên tục thua lỗ hàng trăm triệu đô la. Nhưng Jeff quả thực là người có tài ăn nói và rất thông minh. Ông là một mẫu người sáng lập doanh nghiệp có chuyên môn điển hình nên hiểu từng chi tiết nhỏ nhất và cẩn trọng xem xét mọi khía cạnh hơn bất kỳ ai.”

Mặc dù giá cổ phiếu của công ty tăng cao chóng mặt trong thời gian gần đây, nhưng Amazon vẫn là công ty ẩn chứa những vấn đề kỳ lạ. Những chỉ số quan trọng trên bảng cân đối kế toán nổi tiếng là thiếu sức sống, và việc mở rộng vào thị trường và phân mục sản phẩm mới thậm chí khiến công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2012. Nhưng Phố Wall dường như không quan tâm đến số liệu này. Jeff Bezos đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về việc đầu tư xây dựng công ty dài hạn nên tạo dựng lòng tin từ những cổ đông. Những nhà đầu tư sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi một ngày Jeff quyết định chậm lại quá trình mở rộng và nhận được lợi nhuận bền vững. Bezos hoàn toàn không để ý tới ý kiến của người khác. Ông có khả năng giải quyết vấn đề, có tầm nhìn bao quát của một vị tướng chỉ huy trong cuộc chiến cạnh tranh và luôn hướng tới làm hài lòng khách hàng và cung cấp dịch vụ như giao hàng miễn phí. Ông có những tham vọng vô cùng lớn – không chỉ đối với Amazon, mà còn để thúc đẩy mở rộng giới hạn của khoa học và xây dựng lại lĩnh vực truyền thông.

Không chỉ thành lập công ty nghiên cứu vũ trụ Blue Origin của riêng mình, Bezos còn thâu tóm tờ báo gặp khó khăn Washington Post vào tháng 8 năm 2013 với giá 250 triệu đô la, một thương vụ gây choáng váng cho giới truyền thông. Như nhiều nhân viên dưới quyền chứng thực, làm việc với Bezos rất khó khăn và vất vả. Mặc dù, nổi tiếng với nụ cười nồng nhiệt và vui vẻ, Bezos có thể nổi giận gay gắt giống như người sáng lập của Apple, Steve Jobs, người có thể làm khiếp sợ bất kỳ nhân viên nào bước vào thang máy cùng ông. Bezos theo chủ nghĩa lãnh đạo hoàn hảo, quan tâm theo dõi đến từng chi tiết nhỏ nhất, liên tục cho ra những ý tưởng mới và phản ứng gay gắt với những nỗ lực làm việc không đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của ông. Giống như Jobs, Bezos thuộc tuýp người có khả năng bóp méo thực tại – vẽ ra viễn cảnh tươi sáng đầy thuyết phục nhưng rút cuộc thì lại chẳng mấy khi khiến họ thỏa mãn về công ty. Ông thường nói rằng sứ mệnh của Amazon là “phải nâng cao chuẩn mực trong các lĩnh vực và trên toàn thế giới với mục tiêu tập trung hướng tới khách hàng.” Bezos và nhân viên thực sự tập trung hướng tới đem lại lợi ích cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng cạnh tranh không ngừng với đối thủ và thậm chí với cả đối tác. Bezos thích nói rằng thị trường Amazon tham gia cạnh tranh kinh doanh rộng lớn với rất nhiều cơ hội cho nhiều công ty thành công. Điều này có lẽ đúng, nhưng rõ ràng Amazon góp phần gây thiệt hại hoặc phá hủy những đối thủ cạnh tranh dù có quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ, rất nhiều trong số đó là những thương hiệu được thế giới biết đến như: Circuit City, Borders, Best Buy, Barnes & Noble.

Người Mỹ nói chung cảm thấy lo lắng về việc tập trung sức mạnh của những tập đoàn lớn, đặc biệt khi các tập đoàn đó có trụ sở ở những thành phố xa xôi. Thành công của những công ty này có thể thay đổi phong cách sống của toàn cộng đồng dân cư. Walmart là trường hợp điển hình phải đối mặt với sự hoài nghi này cùng với những cái tên khác như Sears, Woolworth’s, và gã bán lẻ tạp phẩm khổng lồ A&P phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền có thể gây phá sản trong suốt những năm 1940. Người Mỹ đổ xô tới những nhà bán lẻ lớn vì sự tiện lợi và giá thành thấp. Nhưng ở một mức giá nhất định, những công ty này nhận được lợi nhuận lớn gây mâu thuẫn trong cộng đồng. Chúng tôi muốn hàng hóa giá rẻ, nhưng chúng tôi cũng không thực sự muốn bất kỳ ai phải từ bỏ những cửa hàng độc lập quy mô gia đình trên những con phố hoặc những cửa hàng sách nhỏ đã kinh doanh trong nhiều thập kỷ do sự phổ biến của chuỗi cửa hàng sách như Barnes & Noble và giờ đây là Amazon.

[taq_review]

Trích đoạn sách

Mùa thu năm đó, Shel Kaphan lái chiếc U-Haul chở đầy đồ đạc từ Santa Cruz và chính thức gia nhập cùng Bezos và vợ với tư cách nhân viên sáng lập Amazon và chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật. Kaphan lớn lên tại vùng vịnh San Francisco và có niềm đam mê máy tính khi còn thiếu niên. Ông đã khám phá ra ARPANET, sản phẩm của Bộ Quốc phòng Mỹ và sản phẩm tiền thân của Internet. Khi học trung học phổ thông, Kaphan gặp Stewart Brand, một nhà văn và nhà tổ chức văn hóa đối lập. Vào mùa hè năm tốt nghiệp, Kaphan nhận việc tại Whole Earth Catalog, ấn phẩm của Brand đăng tải nội dung về thiết bị và sách của kỷ nguyên thông tin mới. Với một mái tóc dài mang phong cách hippi và râu mọc rậm rạp, Kaphan làm việc tại Whole Earth Truck Store của Brand tại công viên Menlo, một thư viện cho mượn di động, cung cấp dịch vụ giáo dục. Ông có hướng xây dựng hệ thống đăng ký tiền mặt, điền đầy đủ thông tin, sau đó đóng gói sách và catalog chuyển tới khách hàng.

Nhận bằng cử nhân toán học của Đại học California sau quá trình học-bỏ học một thập kỷ tại Santa Cruz, Kaphan dành thời gian làm việc cho những công ty tại vùng vịnh, bao gồm công ty Kaleida Labs liên doanh chết yểu giữa Apple và IBM, chuyên phát triển phần mềm nghe nhìn cho máy tính cá nhân. Ông thường thể hiện sự thất vọng về trải nghiệm trong thời gian này theo cách mà bạn bè ông gọi đó là vẻ mặt u ám. Khi tới Seattle, do cá tính của mình, Kaphan cảm thấy nghi ngờ về tương lai thành công của một công ty non trẻ mới thành lập. Ông ngay lập tức lo lắng về tên công ty. “Tôi đã từng làm việc trong một công ty tư vấn nhỏ có tên Symmetry Group, và ai cũng nghĩ rằng chúng tôi có tên là Cemetery (nghĩa trang) Group,” Kaphan nói. “Khi nghe tên Cadaver Inc., tôi nghĩ Ôi Chúa ơi, không phải lại thế nữa chứ.” Nhưng Kaphan (giờ đang ở tuổi 40 đã xén đi mớ tóc dài và râu rậm, bắt đầu hói) đã được truyền cảm hứng từ những điều ông nhìn nhận về tiềm năng của Amazon trong việc sử dụng web đáp ứng sứ mệnh của Whole Earth Catalog, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin và công cụ có thể tiếp cận ở bất cứ đâu trên thế giới.

Ban đầu, Kaphan chỉ ra rằng ông sẽ lập trình một phần và quay về Santa Cruz làm việc từ xa, nên ông để lại một nửa đồ đạc ở nhà. Và khi đến Seattle, ông phải ở với Bezos và MacKenzie tại Bellevue vài ngày trong lúc tìm kiếm chỗ thuê. Họ dựng chỗ làm việc tại gara đã được cải tạo ở nhà Bezos. Bezos dựng hai chiếc bàn đầu tiên từ tấm gỗ màu vàng trị giá 60 đô la của Home Depot. Sau này, câu chuyện khởi đầu này được lưu truyền trong Amazon và sánh ngang với việc Noah xây dựng chiếc thuyền lớn trong kinh thánh. Vào cuối tháng Chín, Bezos lái xe xuống Portland, Oregon để tham gia khóa học bốn ngày về bán sách được tài trợ bởi Hiệp hội những người bán sách ở Mỹ, tổ chức dành cho những cửa hàng sách độc lập. Chuyên đề nghiên cứu bao gồm những chủ đề như “Chọn lựa mở kho” và “Quản lý kho”. Đồng thời, Kaphan bắt đầu tìm kiếm máy tính, cơ sở dữ liệu và học cách lập trình trang web – vào những ngày này, mọi thứ trên Internet đều phải xây dựng riêng.

Mọi việc được thực hiện chỉ dựa trên ngân sách ít ỏi. Ban đầu Bezos tự mình góp vốn 10.000 đô la tiền mặt, và trong vòng 16 tháng, ông sử dụng thêm khoản vay không lãi suất trị giá 84.000 đô la để trang trải trong giai đoạn ban đầu (thông tin dựa trên tài liệu công khai). Hợp đồng của Kaphan ràng buộc ông phải cam kết mua cổ phiếu trị giá 5.000 đô la ngay sau khi gia nhập công ty. Ông chuyển quyền mua thêm 20.000 đô la cổ phiếu bởi vì đã nhận cắt giảm 50% lương trả trong giai đoạn ban đầu, và giống như Bezos chỉ nhận mức lương 64.000 đô la một năm. “Mọi việc dường như không chắc chắn trong giai đoạn đó,” Kaphan nói, khá nhiều người coi ông là người đồng sáng lập Amazon. “Chẳng có gì thực sự ngoại trừ một anh chàng với điệu cười lớn, dựng bàn từ những tấm gỗ hình chiếc cửa trong một gara đã được cải tạo, khung cảnh giống như trong văn phòng tại nhà của tôi tại Santa Cruz. Tôi chấp nhận rủi ro lớn khi chuyển tới đây và chấp nhận mức lương thấp, nên mặc dù tôi có tiền tiết kiệm, nhưng tôi vẫn không cảm thấy thoải mái cam kết đầu tư hơn những gì tôi có.”

Vào đầu năm 1995, cha mẹ Bezos, Jackie và Mike Bezos, đầu tư 100.000 đô la vào Amazon. “Chúng tôi đã xem kế hoạch kinh doanh, nhưng tất cả nội dung có vẻ quá chung chung,” Mike Bezos nói. “Dường như nó không thực sự hấp dẫn khi chúng tôi đặt cược vào Jeff.” Bezos trao đổi với bố mẹ rằng có 70% khiến họ mất tất cả. “Con muốn nói với bố mẹ về rủi ro gặp phải, bởi vì con vẫn muốn về nhà vào lễ Tạ ơn nếu kế hoạch không thành công,” ông nói.

Theo một cách khác, Amazon là câu chuyện gia đình. MacKenzie, một tiểu thuyết gia đầy tham vọng trở thành kế toán viên chính thức đầu tiên của công ty, xử lý vấn đề tài chính, viết séc và hỗ trợ tuyển dụng. Nhân viên sẽ đi tới một nơi gần Barnes & Noble trong những buổi cà phê giải lao và họp hành, một sự mỉa mai mà Bezos sau này thường nhắc tới trong các bài phát biểu và phỏng vấn.

Ít nhất trong giai đoạn đầu, công việc dường như chỉ có đôi chút căng thẳng. Kaphan hồi tưởng về thời điểm xuất hiện tại ngôi nhà ở Bellevue sáng sớm một ngày tháng Mười, chỉ để nghe Bezos thông báo rằng tất cả họ sẽ nghỉ một ngày để đi bộ đường dài. Bezos, MacKenzie và Kaphan đã lái xe 112 km tới núi Rainier và dành cả ngày lang thang giữa màn tuyết trên đỉnh núi lửa uy nghiêm. Vào những ngày trời quang, ngọn núi sẽ chiếm trọn đường chân trời Seattle.

Cuối mùa thu năm đó, họ thuê Paul Davis, lập trình viên người Anh đã từng làm việc tại khoa Khoa học máy tính và ứng dụng khoa học của Đại học Washington. Đồng nghiệp của Davis hoài nghi về tương lai của ông, khi chuyển tới một cửa hàng sách trực tuyến chưa chính thức cung cấp dịch vụ, nên họ quyên góp một vài đô la vào hộp cà phê phòng khi khó khăn. Davis tham gia cùng Kaphan và Bezos trong gara, làm về mảng máy chủ trạm SPARC từ Sun Microsystems, những chiếc máy giống hình hộp đựng pizza và tiêu thụ nhiều điện năng đến nỗi cầu chì trong nhà liên tục cháy. Thậm chí, họ đã phải sử dụng dây điện màu vàng từ những phòng khác để cắm những chiếc máy tính vào những mạch điện khác nhau, khiến cho không thể chạy máy sấy tóc hoặc máy hút bụi trong nhà.

Một trong những mục tiêu thúc đẩy họ là phải tạo ra một thứ gì đó siêu việt hơn những cửa hàng sách trực tuyến lúc đó. “Thách thức đầu tiên là phải tạo ra cái gì đó tốt hơn những cái hiện tại,” David nói. “Có sự cạnh tranh khốc liệt ở đây. Nó không giống như việc Jeff nảy sinh những ý tưởng hoàn toàn mới.”

Trong suốt thời gian đó, cái tên Cadabra vẫn tồn tại tạm thời. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10 năm 1994, Bezos tra cứu kỹ phân mục chữ cái A trong từ điển và ông thấy lóe lên trong đầu khi đọc đến từ Amazon. Con sông lớn nhất hành tinh; cửa hàng sách lớn nhất hành tinh. Ông bước vào gara vào một buổi sáng và thông báo với hai đồng nghiệp về cái tên mới. Ông đưa ra ám hiệu rằng sẽ không lắng nghe ý kiến của bất kỳ ai và đăng ký đường dẫn URL mới vào ngày 1 tháng 11 năm 1994. “Nó không chỉ là con sông lớn nhất thế giới, nó lớn hơn nhiều lần so với con sông lớn thứ hai. Nó thổi bay tất cả những con sông khác,” Bezos nói.

Trong khi gara Bellevue ban đầu sẽ trở thành hình tượng cho giai đoạn lãng mạn trong lịch sử sơ khai của Amazon – khởi đầu đầy khiêm tốn giống công ty huyền thoại Apple và Hewlett Packard – thì Amazon chỉ đóng quân tại đó trong vỏn vẹn vài tháng. Khi Kaphan và Davis gần như hoàn thành trang web phiên bản thử nghiệm đầu tiên, Bezos bắt đầu nghĩ về việc thuê thêm nhân viên – đồng nghĩa với việc phải tìm một văn phòng làm việc chuyên nghiệp hơn. Mùa xuân năm đó, họ chuyển tới một văn phòng nhỏ nằm trên cửa hàng bán lẻ Color Tile, gần trung tâm Seattle. Amazon chính thức có nhà kho đầu tiên nằm trong tầng hầm tòa nhà: rộng 18,5m2, không cửa sổ, đã từng là studio luyện tập của một ban nhạc. Ngay lập tức, Bezos và MacKenzie rời ngôi nhà Bellevue, cố gắng bắt nhịp lại với cuộc sống thành phố khi còn ở New York, và chuyển đến căn hộ rộng 83,6m2 vuông trên đường Vine trong khu Belltown của Seattle.

Mùa xuân 1995, Bezos và Kaphan gửi đường dẫn trang web phiên bản thử nghiệm đến vài chục người, bao gồm bạn bè, thành viên trong gia đình và đồng nghiệp cũ. Trang web có nội dung nghèo nàn, nhiều chữ, phù hợp với những trình duyệt sơ khai và tốc độ internet chậm chạp của thời điểm đó. Dòng chữ “Một triệu danh mục, luôn cam kết giá thấp” được gạch chân màu xanh, xuất hiện ngay trên trang chủ. Tiếp theo là logo biểu trưng trông rất nghiệp dư: Một chữ A nằm trên nền xanh cẩm thạch có hình con sông lượn qua. Trang web dường như không thân thiện và thu hút những người có học thức, đã dành cả cuộc đời tìm kiếm trên giá sách của các cửa hàng sách và thư viện.

Kaphan đã mời John Wainwright, đồng nghiệp cũ dùng thử dịch vụ và Wainwright được ghi danh khi trở thành khách hàng đặt hàng đầu tiên: cuốn sách khoa học Fluid Concepts and Creative Analogies của tác giả Douglas Hofstadter. Lịch sử tài khoản giao dịch tại Amazon ghi nhận ngày mua hàng lịch sử đó là ngày 3 tháng 4 năm 1995. Ngày nay, trong đại bản doanh của Amazon ở Seattle có tòa nhà Wainwright.

Do nội dung trang web còn sơ sài nên Kaphan và Davis phải hoàn thiện nhiều vấn đề trong vòng vài tháng. Họ phải xây dựng giỏ mua sắm ảo, cách an toàn để nhập số thẻ tín dụng vào một trình duyệt web và công cụ tìm kiếm sơ khai sẽ lướt qua danh mục trong CD-ROMs có tên Books in Print (Những cuốn sách bản giấy), nguồn cơ sở tra cứu phát hành bởi R. R. Bowker, nhà cung cấp số nhận dạng chuẩn ISBN cho những cuốn sách ở Mỹ. Kaphan và Davis cũng phát triển một hệ thống cho phép người sử dụng những dịch vụ trực tuyến sơ khai như Prodigy và AOL truy cập thông tin về sách và đặt hàng qua email – mặc dù chúng không bao giờ được sử dụng.

Những cải tiến trên đều mang tính đỉnh cao trong những ngày đầu khó khăn phát triển trang web, thời điểm khi công cụ còn sơ khai và kỹ thuật luôn luôn phát triển. Chuẩn HTML, ngôn ngữ chung của web, vừa mới ra đời nửa thập kỷ và ngôn ngữ hiện đại như JavaScript và AJAX còn phải được hoàn thiện trong tương lai. Những kỹ sư đầu tiên của Amazon lập trình trên ngôn ngữ C và quyết định lưu trữ trang web trên cơ sở dữ liệu sẵn có Berkeley DB, và không thể biết lượng truy cập.

Mỗi lệnh đặt hàng trong những tháng đầu tiên hoạt động mang đến cảm xúc bồi hồi khó tả cho nhân viên của Amazon. Khi ai đó mua hàng, tiếng chuông ngân lên trên những chiếc máy tính của Amazon và mọi người trong văn phòng sẽ tụ tập lại để xem liệu có ai biết về vị khách hàng vừa xong. (Điều này chỉ diễn ra trong vài tuần trước khi chuông rung quá thường xuyên đến nỗi họ phải tắt nó đi.) Sau khi nhận đơn đặt hàng, Amazon sẽ mua sách của một trong hai nhà phân phối sách chính, trả 50% giá bán lẻ (giá in trên bìa sách) theo tỉ lệ chiết khấu bán buôn.

Chẳng có gì quá phức tạp trong phương pháp phân phối hàng hóa của Amazon những ngày đầu. Ban đầu công ty không giữ hàng trong kho của mình. Khi khách hàng mua sách, Amazon đặt hàng, cuốn sách được chuyển đến trong vài ngày và Amazon sẽ lưu kho trong tầng hầm, sau đó chuyển đến khách hàng. Như vậy, Amazon phải mất một tuần để chuyển phần lớn hàng hóa tới khách hàng và có thể mất tới vài tuần hoặc hơn một tháng cho những hàng hóa khan hiếm.

Thời điểm đó, Amazon chỉ có lợi nhuận ít ỏi trên hầu hết đơn hàng. Công ty đưa ra chính sách bán hàng giảm 40% trên giá niêm yết cho những cuốn sách bán chạy nhất và trong danh mục Nổi bật. Tính năng hiển thị những cuốn sách mới mỗi ngày xuất hiện trên trang web ngay từ những ngày đầu. Công ty giảm 10% trên giá niêm yết cho những cuốn sách khác; và cũng tính phí vận chuyển ít nhất 3,95 đô la trên đơn hàng đặt một cuốn sách.

Bạn đọc cảm nhận

Tustus

Có thể nói Amazon là một trong những mô hình thương mại điện tử có thể nói là thành công nhất hiện nay trên toàn cầu và Tiki cũng đang trên con đường phát triển giống như cái cách Amazon đã làm. Mình đang rất hứng thú với lĩnh vực thương mại điện tử nên không ngần ngại mua cuốn này khi phát hiện nó nói về thương hiệu và đề tài mình đang quan tâm. Hiện nay, chưa có sách nào về thương mại điện từ mà mình thích hơn cuốn này trừ sách chuyên ngành. Sách tóm lược lại quá trình sinh ra và phát triển của Amazon dưới sự lãnh đạo tài tình của Jeff – một phong thái lãnh đạo tuyệt vời cùng tầm nhìn vĩ đại.

Đặng Thu Trang

Tò mò và mua Jeff Bezos Và Kỷ Nguyên Amazon khi gần đây có rất nhiều thông tin về Amazon như môi trường làm việc hay Fire phone. Jeff Bezos là xây dựng Amazon không chỉ trở thành một công ty bán lẻ siêu hạng mà còn là 1 công ty công nghệ khá thành công.

Dù hiện nay nhiều chính sách quan điểm của Jeff không được nhiều người ủng hộ nhưng cuốn sách mang đến những câu chuyện, kinh nghiệm mà Jeff đã trải qua khi chèo lái con thuyền Amazon vượt qua biển lớn khó khăn. Cuốn sách hữu ích cho những người hướng đến con đường kinh doanh.

Lê Ngân

Có nhiều quyển sách viết về Amazon nhưng với mình tâm đắc nhất ở quyển này là tính cách cá nhân trong công việc & trong cuộc sống của Jeff Bezos được khắc hoạ rõ nhất. Bên cạnh đó, những biến cố, những cột mốc của Amazon được miêu tả lại trực quan sinh động; ngoài ra có vô vàn trường hợp trong kinh doanh mà Amazon gặp phải & cách họ đã giải quyết như thế nào, thật đáng để học hỏi. Với mình, những kiến thức này vẫn còn rất hữu dụng ở thị trường Việt Nam, cực kỳ khuyến khích bất kỳ ai đã & đang làm TMĐT nên tìm đọc quyển này.

Về tính cách cá nhân của Jeff Bezos có nhiều điểm đáng lưu ý:

1. Ông ấy khởi nghiệp ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, sau một thời gian dài đi làm tích luỹ kinh nghiệm, mối quan hệ và tiền bạc. Tư duy toán học mang đến cho Jeff nhiều lợi thế khi làm kinh doanh: thực tế, tập trung vào con số hiệu quả, tính toán các chỉ số khác nhau để kiểm chứng giả thuyết (hơi ngớ ngẩn là có 1 phép tính đơn giản sai lệch và nhờ có nó mà có Amazon ngày nay). Mối quan hệ với các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính giúp ông ấy có được những nguồn tiền đầu tư đúng lúc và may mắn cứu công ty thoát khỏi vực thẳm phải đến những hơn 10 lần. “May mắn cũng là một dạng tài năng” hơi bị đúng trong trường hợp này.

2. Jeff rất quyết đoán và “máu lạnh”. Sự bình tĩnh của Jeff (và đôi lúc là sự độc đoán, ích kỷ tiêu cực) đã giúp Amazon tồn tại qua những giai đoạn khó khăn nhất. Khi tất cả mọi người đều nghi ngờ những việc ông làm, điều duy nhất ông đã phản ứng lại lúc đó, là ông cho họ thấy lòng tin của ông vào chính mình lớn hơn cả thảy và không một chút run sợ hay nao núng. Có lẽ để đạt được tới cảnh giới này phải thực sự bỏ ngoài tai tất cả lời người khác nói về mình hay xã hội đánh giá về mình như thế nào.

3. Jeff rất thực dụng, từ việc chọn vợ (có hẳn xác xuất để chọn được người bạn đời thông minh đàng hoàng nhé), đến việc chọn những người cộng sự ban đầu, cũng cho thấy rằng mọi việc của ông đều có sự tính toán từ trước. Trừ vợ ra, những người được cho là đồng sáng lập với Jeff thời gian ban đầu ở Amazon cũng đều được Jeff cân nhắc và tính toán “tiễn” họ ra đi vào đúng từng thời điểm công ty chuyển mình. Bởi vì.. xem số (4)

4. Ông rất đề cao tính công nghệ và khả năng sáng tạo. Ông cho rằng Amazon được xây dựng trở thành một công ty công nghệ chứ không phải là công ty bán lẻ trực tuyến. Ông luôn muốn những lớp nhân viên kế thừa được tuyển dụng về sau phải luôn giỏi hơn người trước để nguồn nhân lực phải tự tranh đấu, học hỏi để giỏi hơn mỗi ngày. Ông không thích người thoả mãn với một kết quả nhất định, Ông đòi hỏi rất cao ở tất cả mọi người trong Amazon và bản thân mình, không được ngừng sáng tạo, ông cần sự đổi mới (innovation), ông cần một cuộc cách mạng thay đổi liên tục.

5. Ông không tin vào khái niệm Work – Life balance. Đối với ông, hai thứ đó là một và cần phải quyết liệt với những quyết định của mình đưa ra.

6. Bản thân ông cũng không hẳn là một nhà lãnh đạo tài ba, nhưng hình ảnh Jeff Bezos được phác hoạ trong sách này rất rõ lão là một tay buôn thứ thiệt, giữ bí mật kinh doanh, giữ suy nghĩ của mình và không chia sẻ với bất kỳ ai kể cả người thân thiết nhất. Jeff chưa bao giờ là nhà điều hành giỏi như trong quyển sách này miêu tả, ông cũng không được lòng nhân viên về sau.

7. Bonus: KLQ tới tính cách cá nhân nhưng ông này đầu tư nhỏ lẻ vào các công ty Internet trước thời kỳ bong bóng dot-com diễn ra khá nhiều. Ông được hưởng lợi từ một số công ty thành công, một trong số đó có Google.

Về Amazon:

1. 5 năm đầu khởi nghiệp của Amazon được miêu tả rất chi tiết & rõ ràng, tìm hiểu kỹ hơn đó cũng sẽ là hình ảnh phản ánh 5 năm đầu khởi nghiệp của bạn: sẽ có lúc công ty phát triển nóng, phát triển tới mức không kiểm soát được; sẽ có những lúc công ty rơi vào hố đen bế tắc tưởng không thoát nổi; sẽ có những giai đoạn khủng hoảng niềm tin; sẽ có vô vàn vấn đề giữa founder & middle managers (các công ty ở VN hiện nay cũng đang gặp phải); sẽ có những lúc công ty không còn khả năng thanh toán tiền mặt và rơi vào trạng thái nợ nần; sẽ có những khoảnh khắc người đồng sáng lập rời bỏ đi với nhiều điều tiếng ở lại,… Rốt cuộc thì ở mỗi vấn đề đó, Amazon đã giải quyết như thế nào? Tìm câu trả lời trong sách nhé
grin emoticon

2. Các khoản lỗ lớn nhất của Amazon rơi vào thời điểm trước bong bóng dot-com diễn ra: những thương vụ mua bán sáp nhập với giá trị cao ngất ngưỡng (bong bóng xì hơi thì các công ty được đưa về giá trị thật); các khoản thu mua để độc quyền phân phối một số mặt hàng trọng điểm như dịp lễ Giáng sinh (và rồi ôm hàng thua lỗ),…

3. Từng đau đầu và tranh cãi quyết liệt vào những lúc cho ra đời sản phẩm mới hay ý tưởng mới. Có lẽ nhiều công ty TMDT trong nước cũng từng gặp vấn đề này nhất là khi mò kim đáy bể giữa thị trường mênh mông rộng lớn khi chưa biết đúng – sai và tính hiệu quả như thế nào? Amazon đã giải quyết vấn đề này thiệt hay, thiệt trọn vẹn cho cả đôi bên và một lần nữa phải ngả mũ thán phục bạn Jeff ở tài linh hoạt của bạn ấy.

4. Kết thân với các chuỗi bán lẻ và học THẬT NHIỀU THỨ từ việc bán lẻ thông thường để áp dụng cho Amazon. Họ học từ công nghệ quản lý kho bãi, đến cách bày trí trong các siêu thị, vận chuyển kho hàng, cách khách hàng suy nghĩ, logic trong hành vi mua hàng thường gặp,… Amazon mời những người kỳ cựu ở BestBuy, Walmart,.. về làm việc cùng với mình. Để “săn” được những người này, chưa từng là điều dễ dàng, bạn Jeff là một thiên tài thương thuyết và đàm phán, chưa kể rất biết cách quan sát và tiếp cận những đối tượng mục tiêu của mình bằng những cách không thể tưởng tượng được
grin emoticon

Tóm gọn lại học được từ Amazon: Hãy học mơ mộng và suy nghĩ như một công ty bán lẻ đồ sộ nhưng để công nghệ hiện thực hoá giấc mơ ấy thành con số.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button