Jane Eyre
Thể loại | Văn học nước ngoài |
Tác giả | Charlotte Bronte |
NXB | NXB Văn Học |
Công ty phát hành | Liên Việt |
Số trang | 1219 |
Ngày xuất bản | 05-2016 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Jane Eyre là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ tác giả người Anh Charlotte Bronte thế kỷ 19. Tác phẩm nói về cuộc đời của một người con gái nghèo tỉnh lẻ đã kiên cường vật lộn với số phận phũ phàng để bảo vệ phẩm giá và tự khẳng định vị trí xã hội của mình bằng cuộc sống lao động lương thiện.
Với văn phong trữ tình, kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa nhân văn, hiện thực lãng mạn, bút pháp tinh tế điêu luyện, tác giả đã tạo cho tiểu thuyết một sức sống mạnh mẽ, sức cuốn hút thi vị và một vẻ đẹp thơ mộng.
Jane Eyre đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được bạn đọc khắp năm châu yêu mến.
[taq_review]
Trích dẫn
Tối hôm đó, hình như theo lời thầy thuốc, ông Rochester đi ngủ sớm, mà sáng hôm sau ông cũng vẫn dậy muộn. Khi ông xuống nhà để bắt tay vào công việc; người đại lý và vài tá điền đã đến túc trực để trình công việc với ông.
Adèle và tôi hôm đó phải rời buồng đọc sách, vì phòng này bây giờ dùng làm chỗ tiếp khách hàng ngày. Người ta đốt lửa lên ở một căn phòng trên gác; tôi đem sách lên đấy thu xếp để làm buồng học. Sáng hôm ấy tôi nhận thấy lâu đài Thornfield thay đổi hẳn; nó không còn im lặng như một ngôi nhà thờ nữa; cứ độ một hai tiếng đồng hồ lại vang lên tiếng gõ cửa, tiếng chuông rung, và luôn luôn có những tiếng chân bước qua gian phòng lớn và những tiếng người lạ nói giọng khác nhau ở dưới nhà.
Dòng suối của cuộc sống bên ngoài đã tràn vào trong nhà; ở đây đã có một vị chủ nhân; riêng phần tôi, tôi thích thế hơn.
Ngày hôm ấy dạy được Adèle học không phải dễ dàng gì; nó không chuyên tâm học tập, con bé luôn luôn chạy ra cửa ngó qua hàng lan can xem có thấy bóng ông Rochester không; rồi nó tìm đủ mọi cớ để xuống nhà dưới, tôi đồ chừng nó muốn vào phòng sách mà ở đấy tôi biết chẳng ai cần đến nó. Có lúc hơi bực mình tôi bắt Adèle phải ngồi yên, thì nó lại huyên thuyên kể chuyện về “ông bạn Edouard Fairfax de Rochester” của nó, nó phong tước cho ông như vậy40 (trước đây tôi chưa hề nghe thấy chữ họ của ông ta bao giờ) và Adèle đoán xem ông ta sẽ đem đến cho nó món quà gì; hình như tối hôm trước ông Rochester đã cho nó biết là hôm nào hành lý của ông được đưa từ Millcote về thì sẽ có một cái hộp đựng một thứ quà nó rất thích. Adèle nói:
– Et cela doit signiffier qu’il y aura là dendans un cadeau pour moi, et peut être pout vous aussi, mademoiselle Monsieur a perlé de vous, il m’a demandé le nom de ma gouvernante et si elle n’était pas une petite personne assez mince et un peu pâle. J’ai dit qu’ouir: car c’est vrai n’est ce pas, mademoiselle.41
Tôi và Adèle vẫn ăn trong buồng bà Fairfax như thường lệ. Chiều hôm ấy trời nổi gió và có tuyết nên chúng tôi ngồi suốt buổi trong buồng học. Lúc trời tối, tôi cho phép Adèle nghỉ và chạy xuống nhà dưới, vì lúc ấy dưới nhà tương đối yên tĩnh, không còn tiếng rung chuông ở cửa nữa; tôi đồ chừng lúc này ông Rochester đã rỗi rãi. Còn lại một mình, tôi bước lại gần cửa sổ, nhưng ở đây cũng chẳng có gì mà nhìn, tuyết rơi trong lúc nhá nhem khiến bầu trời mù mịt, ngay những cây nhỏ trên bãi cỏ cũng không trông rõ nữa. Tôi buông màn cửa xuống và quay vào bên lò sưởi.
Trong đám lửa hồng tôi hình dung ra một cảnh giống như bức tranh của lâu đài Heidelberg trên bờ sông Rhine mà tôi nhớ đã được xem; chợt bà Fairfax đi vào, làm tan vỡ những mảnh hình ảnh rực rỡ tôi đang chắp lại với nhau, đồng thời làm tiêu tan những ý nghĩ nặng nề khó chịu đã bắt đầu tràn ngập nỗi lòng cô quạnh của tôi. Bà bảo tôi:
– Ông Rochester mời hai thầy trò cô dự bữa trà với ông tối nay; vì bận việc suốt ngày nên ông không gặp được cô sớm hơn.
Tôi hỏi lại:
– Thế ông dùng trà vào mấy giờ?
– À, vào quãng sáu giờ, vì ở nhà quê, ông quen ăn sớm; bây giờ có lẽ cô nên thay áo thì hơn; để tôi giúp cô một tay. Cây nến đây này.
– Có cần phải thay áo không?
– Cần chứ, thay đi thì hơn. Khi ông Rochester về đây, bao giờ buổi tối tôi cũng ăn mặc chỉnh tề.
Cái nghi thức này tôi thấy hình như có phần trịnh trọng, nhưng tôi cũng trở về buồng và để bà Fairfax giúp tôi thay áo; tôi cởi chiếc áo vải đen thay bằng áo lụa cùng màu; đó là tấm áo độc nhất và đẹp hơn cả, không kể một tấm áo màu xám nhạt, mà theo quan niệm của tôi hồi ở Lowood về cách phục sức, tôi cho là sang quá, nên chỉ mặc vào những trường hợp đặc biệt thôi. Bà Fairfax bảo tôi:
– Cô cần gài một cái trâm.
Tôi chỉ có mỗi một vật trang sức bằng ngọc mà cô Temple tặng tôi làm kỷ niệm hồi cô rời khỏi nhà trường, tôi đeo nó vào rồi chúng tôi xuống gác. Rất ít khi giao thiệp với người lạ, nên việc được mời đến gặp ông Rochester một cách long trọng thế đối với tôi hầu như là một sự thử thách. Khi vào phòng ăn, tôi nhường bà Fairfax đi trước và cứ bước theo sau, nấp bóng bà khi qua gian phòng. Chúng tôi bước qua một chiếc cửa tò vò có màn buông rủ, bước vào căn phòng lộng lẫy liền bên.
Trên bàn và trên mặt lò sưởi đều có thắp mỗi nơi hai cây nến. Con Pilot nằm dài dưới ánh sáng và sưởi ấm bên ánh lửa rực rỡ; Adèle quỳ bên cạnh nó. Ông Rochester ngả người trên một chiếc đi văng, chân đặt trên chiếc gối bông, đang nhìn Adèle và con chó; ánh lửa chiếu rõ mặt ông, tôi nhận ra người khách đi đường với đôi lông mày đen rậm. Bộ tóc đen xén phẳng phía trước làm cho vầng trán lại càng vuông vức hơn. Tôi nhận ra cái mũi nghiêm nghị, đáng chú ý vì tính khí hơn là vì đẹp; lỗ mũi rộng chứng tỏ ông là một người nóng nảy; mồm, cằm và hàm trông khắc khổ, phải, đúng như vậy, không thể nhầm được. Lúc này ông không mặc áo choàng, nên thân hình trông vuông vức rất hợp với bộ mặt. Tôi cho đó là một thân hình đẹp, theo nghĩa cái đẹp của một lực sĩ, ngực nở, sườn thon, mặc dù không cao lớn điểm đắn cho lắm.
Ông Rochester lúc ấy chắc hẳn biết có tôi và bà Fairfax bước vào nhưng ông có vẻ không chú ý đến chúng tôi, vì lúc chúng tôi đến gần, ông không hề ngẩng đầu lên.
– Thưa ông, đây là cô Eyre, – Bà Fairfax nói với giọng trầm lặng thường ngày.
Ông nghiêng đầu, nhưng mắt vẫn không rời Adèle và con chó. Ông ta bảo: “Mời cô Eyre ngồi chơi”, và hình như trong cái chào miễn cưỡng cứng nhắc, tuy giọng nói có vẻ bực mình tuy vẫn khách sáo hình như có ý muốn nói thêm “Cô Eyre có ở đấy hay không thì tôi cần quái gì chứ, bây giờ không phải là lúc tôi muốn nói chuyện với cô ấy”.
Tôi ngồi xuống rất bình tĩnh. Một sự đón tiếp rất mực lịch sự có lẽ sẽ làm tôi bối rối. Vì về phần tôi, tôi không biết dùng sự duyên dáng và tao nhã để đáp lại. Nhưng lối đón tiếp thô lỗ lạ lùng này khiến tôi không phải ràng buộc gì cả, trái lại, thái độ lịch sự khiến tôi chiếm được ưu thế. Ngoài ra, cách cư xử khác thường của ông ta rất lộ liễu, tôi cảm thấy thú vị muốn xem ông ta tiếp tục đối xử ra sao.
Ông ta vẫn yên như một pho tượng, không động đậy mà cũng chẳng nói chẳng rằng. Hình như bà Fairfax cho rằng cần phải có một người tỏ ra khả ái, nên bà bắt đầu nói. Vẫn giọng nói dịu dàng như mọi khi – và, cũng như mọi khi, vẫn có phần tầm thường vô vị – bà phàn nàn cho ông bận việc túi bụi suốt ngày, lại còn bị sai khớp xương, rồi bà ca ngợi sự kiên tâm chịu đựng của ông.
– Bà ạ, bà cho tôi xin ít trà, – ông chỉ trả lời bà ta có thế. Bà Fairfax vội rung chuông gọi; lúc khay trà đã bưng
Tên, bà sửa soạn chén, thìa hết sức nhanh nhẹn, chu đáo. Tôi và Adèle lại chỗ bàn, nhưng ông chủ vẫn không rời khỏi đi văng. Bà Fairfax bảo tôi:
– Cô đưa giúp cho ông Rochester chén trà được chứ? Adèle bưng sợ đánh đổ mất.
Tôi làm theo lời bà. Trong lúc ông Rochester đổ chén trà ở tay tôi, Adèle nghĩ đây là dịp thuận lợi để hỏi xin ông Rochester cho tôi:
– N’est-ce pas monsieur, qu’il y a un cadeau pour mademoiselle Eyre, dans votre petit coffre?42
Ông Rochester cau mặt hỏi lại:
– Ai bảo có quà cơ? Cô có chờ đợi một món quà không cô Eyre? Cô có thích quà biếu lắm không?
Rồi ông soi mói nhìn mặt tôi với đôi mắt tối sầm bực bội và thắc mắc.
– Tôi cũng không biết, thưa ông, tôi ít khi được quà biếu, nhưng người ta thường nghĩ đó là những thứ được người ưa thích.
– Người ta thường nghĩ thế à? Nhưng cô thì cô nghĩ sao?
– Tôi cần phải suy nghĩ một lát đã, thưa ông, rồi mới có thể trả lời một cách đáng để ông nghe. Một thứ quà biếu có thể xét theo nhiều mặt, có phải không ạ? Và người ta cần phải đánh giá cả mọi mặt trước khi có ý kiến về tính chất của nó.
– Cô Eyre ạ, cô kiểu cách hơn Adèle, nhiều lúc thấy tôi là nó cứ đòi quà ầm ĩ lên, còn cô, cô cứ nói quanh.
– Bởi vì tôi không coi mình có quyền như Adèle được. Adèle có thể dựa vào chỗ đã biết ông từ lâu, và cũng do thói quen nữa vì nó vẫn khoe ông thường cho nó đồ chơi luôn. Còn tôi, nếu tôi phải bày tỏ ý kiến về trường hợp của mình, thì tôi sẽ rất khó nói, vì tôi là một người lạ, không lấy danh nghĩa gì mà đòi được quà.
– Ồ, cô chớ quá khiêm tốn như vậy? Tôi quan sát Adèle và thấy rằng cô đã khó nhọc rất nhiều vì nó, nó không phải là đứa thông minh, cũng chả có tài gì, thế mà trong có một thời gian ngắn, nó đã tấn tới rất nhanh.
– Thưa ông, thế là ông ban cho tôi “quà” rồi đó; tôi hết sức cảm ơn ông, phần thưởng mà các cô giáo ước mong hơn cả là được thấy người ta khen học trò mình tấn tới.
– Hừ? – Ông Rochester sẽ kêu – rồi ông lặng lẽ uống trà.
Khi khay trà đã được dọn đi và bà Fairfax đã ngồi đan ở một góc nhà, ông chủ gọi:
– Lại gần chỗ lò sưởi đây!
Lúc ấy, Adèle đang cầm tay tôi dắt đi quanh phòng, chỉ cho tôi xem những cuốn sách đẹp và những đồ vật trang trí trên các giá đóng tường và trong các tủ nhỏ. Chúng tôi vâng lời, coi như đó là một bổn phận. Adèle muốn ngồi lên đùi tôi, nhưng ông Rochester ra lệnh cho nó ra chơi với con Pilot.
– Cô đến ở đây đã được ba tháng?
– Vâng, thưa ông.
– Thế trước kia cô ở đâu?
– Ở trường học Lowood, thuộc vùng…
– À, đó là một trường mồ côi. Cô ở đó được bao lâu.
– Tám năm.
– Tám năm! Cô thật là giỏi chịu đựng. Tôi nghĩ bất cứ ai chỉ sống một nửa quãng thời gian như vậy ở đó cũng đủ đi đời rồi. Kể ra trông cô như từ một thế giới khác đến, cũng không có gì là lạ. Tôi ngạc nhiên không hiểu cô lấy ở đâu được khuôn mặt như thế. Chiều qua, lúc gặp cô trên đường đến xóm Hay, tự nhiên không hiểu tại sao tôi nghĩ đến một câu chuyện tiên, và suýt nữa tôi hỏi có phải cô đã làm mê hoặc con ngựa của tôi không. Đến bây giờ tôi vẫn còn nghĩ như vậy. Thế ông bà thân sinh ra cô là ai?
– Tôi không còn cha mẹ.
– Cũng chưa bao giờ có, tôi đoán thế, cô còn nhớ mặt cha mẹ không?
– Không nhớ nữa.
– Tôi không tin như vậy. Khi cô ngồi ở cái bậc ấy là để đợi người nhà cô phải không?
– Người nhà nào thưa ông?