Review

Hoàng Tử Hạnh Phúc

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Oscar Wilde
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 83
Ngày xuất bản 08-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Đây là tập truyện về tình bạn đích thực, và cả tình bạn gian dối.

Đây là tập truyện về tình yêu vị tha và đức hy sinh có thể được hân hoan đón nhận thế nào, cũng có thể bị phũ phàng hắt hủi ra sao.

Đây là tập truyện dành cho trẻ con, nhưng cũng dành cho cả những người lớn hiểu rõ nỗi trớ trêu độc ác của cuộc đời.

Đằng sau những câu chuyện ngụ ngôn tưởng chừng đơn giản, đằng sau những áng văn nên thơ tuyệt đẹp của Oscar Wilde, Hoàng tử Hạnh Phúc không hề hạnh phúc, mà buồn, rất buồn.

[taq_review]

Trích dẫn

Vị giám mục già nhìn thấy nhà vua đi vào trong bộ đồ của một kẻ chăn dê, bèn bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ miên man, đứng lên, tiến đến trước mặt nhà vua, nói: “Con trai của ta, đây là triều phục của một vị vua sao? Cái vương miện ta sẽ đặt lên đầu con, cây quyền trượng ta sẽ trao vào tay con đâu rồi? Chắc chắn đây sẽ là một ngày hội của niềm vui chứ không phải là một ngày làm mất thể diện quốc gia”.

“Chẳng phải là Niềm vui khoác lên người bộ y phục mà Nỗi buồn tạo ra sao, thưa Đức giám mục?”. Nhà vua trẻ đáp rồi kể lại cho giám mục nghe ba giấc mơ của mình.

Nghe xong vị giám mục già nua cau mày nói: “Con trai, ta đã là một lão già gần đất xa trời mất rồi. Trong những mùa đông của đời mình, ta đã chứng kiến bao nhiêu tội ác gây nên trong thế gian rộng lớn này. Bọn cướp cường bạo kéo từ trên núi xuống, đi đến đâu bắt trẻ con đến đấy rồi đem chúng bán cho lũ người Moor. Sư tử nằm phục sẵn chờ những người hành hương đi qua, nhảy lên ăn thịt lạc đà. Heo rừng nhổ bắp trong thung lũng, cáo gặm nhấm cây nho trên đồi. Quân cướp biển đợi sẵn trên bờ được dịp là đốt cháy những chiếc thuyền đánh cá, cướp lưới bắt cá của dân chài. Người hủi sống trong các bụi cây ngập mặn, lấy bãi sậy làm nhà, chẳng có ai dám bén mảng lại gần họ. Kẻ ăn mày lang thang trên các đường phố ăn thức ăn với lũ chó hoang. Con có thể ngăn chặn được những chuyện như thế không? Con có thể đưa những người hủi về với đồng loại? Cho kẻ ăn mày một cuộc sống ấm no? Làm cho sư tử và heo rừng vâng theo mệnh lệnh của con không? Chẳng phải là cái người đã tạo nghiệp chướng cho muôn loài là người khôn ngoan hơn con sao? Vì thế mà cha khẩn thiết van xin con đừng làm cái điều mà con đang định làm. Cha xin con hãy trở về cung điện mặc lên người bộ quần áo của hoàng đế, đội chiếc vương miện mà cha sẽ đặt lên đầu con, cầm thanh quyền trượng mà cha sẽ trao vào tay con. Còn về những giấc mơ ấy, đừng nghĩ về nó nữa. Những bất công trong cuộc đời này quá lớn so với sức chịu đựng của một con người và nỗi đau khổ của chốn nhân gian này quá nặng nề đối với một trái tim.”

“Cha nói thế trong chính ngôi nhà của Chúa hay sao?” Nhà vua hỏi, đi lướt qua vị giám mục, thong thả trèo từng bước lên cung thánh, đứng trước tượng Chúa Jesus.

Chàng đứng nghiêm trang trước tượng Chúa; tay phải Chúa cầm một chiếc li vàng đựng rượu lễ óng ánh sắc vàng, tay trái Người cầm một lọ nhỏ đựng dầu thánh. Vua quỳ xuống trước tượng Chúa, những ngọn nến sáng lên rực rỡ trong điện thờ dát toàn ngọc quý, khói của một nén hương trầm cuộn nhè nhẹ bay lên quanh những vòng hoa tươi trang trí cái mái hình vòm cuốn cao cao trong thánh đường. Vua cúi đầu cầu nguyện và các vị linh mục trong những chiếc áo lễ hồ cứng lặng lẽ rút ra ngoài.

Chợt có tiếng ồn ào kinh động từ ngoài đường phố vọng vào, rồi một đoàn kị sĩ quý tộc gươm giáo sáng lòa, đội những chiếc mũ có đính lông chim xông vào giáo đường: “Kẻ mộng mị ngu xuẩn đâu rồi?” Họ quát ầm lên. “Vua đâu – cái kẻ ăn mặc như một đứa ăn mày ấy đâu rồi? Thằng lỏi ấy chỉ mang đến nỗi nhục cho vương quốc của chúng ta.”

Vị vua trẻ lại cúi đầu cầu nguyện, khi cầu nguyện xong chàng đứng dậy, quay sang nhìn mọi người với ánh mắt buồn bã.

Nhưng kìa, ánh mặt trời rực rỡ rọi qua khung kính cửa sổ đổ lên người chàng một vầng hào quang làm cho bộ quần áo mộc mạc quê mùa của chàng như tỏa sáng, đẹp hơn bất cứ bộ quần áo nào đã từng được tạo ra với mục đích làm vui lòng chàng. Cây gậy chăn dê làm bằng một khúc cây khô chợt nở ra những bông hoa ly ly có một màu trắng còn tinh khôi hơn bất cứ một viên ngọc trai nào. Cả những chiếc gai nhọn cũng nở ra những đóa hồng tươi rói còn đỏ hơn cả những viên hồng ngọc. Trắng hơn cả ngọc trai là những đóa ly ly trong những đài hoa như thiếp bạc. Đỏ hơn cả những viên hồng ngọc là những đóa hoa hồng, trong những chiếc lá mạ vàng. Chàng đứng đó trong bộ quần áo của hoàng đế, cánh cửa điện thờ dát đầy đá quý mở ra và từ khung cửa pha lê phát lên một thứ ánh sáng nhiệm màu, huyền bí chói lọi sắc cầu vồng. Chàng đứng đấy trong bộ quần áo của hoàng đế, vinh quang của Chúa tràn ngập nơi này, các vị thánh đặt trong các bệ thờ ở các hốc tường dường như cũng cử động. Trong bộ đồ đẹp nhất của một đấng minh quân, chàng đứng trước mặt mọi người, những nhạc công bắt đầu vào cuộc: đàn organ, kèn trumpet và những chú bé trong ca đoàn.

Mọi người quỳ gối trước chàng trong một niềm tôn kính uy nghi, các nhà quý tộc cho gươm vào vỏ, tỏ lòng thành kính. Khuôn mặt của Đức giám mục tái nhợt đi, đôi tay ông run rẩy: “Đây là một vương miện còn vĩ đại hơn xin được dâng lên vua.” Ông kêu lên và phủ phục trước nhà vua trẻ.

Nhà vua lại ra khỏi thánh đường trở về cung qua những đường phố tấp nập, dân chúng tràn cả ra hai bên đường. Chẳng có ai dám nhìn thẳng vào khuôn mặt ấy bởi vì đó là khuôn mặt của một thiên thần.

Bạn đọc cảm nhận

Phạm Tiên

“Hoàng tử hạnh phúc” mang đến cho người đọc những cảm xúc rất mơ hồ, tinh tế, bảng lảng như sương mai.

Gồm 5 truyện ngắn, mỗi câu chuyện là những nhân vật mới, những chuyến hành trình mới, đặng mà sau mỗi trạm dừng đó, người ta bất giác nhìn lại chính mình và chiêm nghiệm ra về kho báu quý giá nhất của cuộc đời: lòng vị tha.

Truyện ngắn đầu tiên có nhan đề cùng tên với tựa bìa, “Hoàng tử hạnh phúc”, gây cho người đọc nỗi nhói buốt, xót xa, mang tên “hạnh phúc” nhưng liệu có được hạnh phúc? Hay lại là một áng văn kết thúc buồn, cái thói buồn da diết?

“Chim sơn ca và bông hồng đỏ” lại xoay vần quanh những mối tình thi ca, một mối tình có thể được tôn vinh ra sao cũng có thể bị vứt bỏ tàn nhẫn như thế nào, một tình yêu có thể dễ dàng hy sinh bản thân mình ra sao cũng có thể vị kỉ đang tâm truy đuổi những thứ cho chính bản thân mình, kết thúc câu chuyện, vẫn nghe hoài tiếng hót thảng thốt và lịm dần của một cánh chim non.

“Lão khổng lồ ích kỉ” tuy kết thúc vẫn khiến người ta phải nghĩ phải suy, phải thổn thức bởi cái đẹp bi kịch, nhưng suy cho cùng, cái chết của lão, lại là cái đẹp của một nghệ thuật, nó sâu cay, nó tha thiết, nó đi vào trong cái nhịp chợt nhớ chợt quên mà lại không hề ám ảnh, bàng hoàng. Chết là buồn đấy, nhưng Oscar Wilde đã cho lão được về bên cánh vườn địa đàng của Chúa Trời, đã cho lão được gặp lại người bạn đầu tiên – người dạy cho lão biết rằng khu vườn mùa đông là khu vườn của sự ích kỉ, héo úa của tâm hồn. Gã chết, bên trên hoa rơi đầy, đông đến hay đông tan?…

“Người bạn tận tình” lại là câu chuyện gây phẫn nộ nhất, truyện vẽ ra sự mâu thuẫn của hai người bạn – Hugh và Hans, một kẻ trí thức, hay nói chuyện triết lí, hay nói về vẻ đẹp của một tình bạn đích thực và rất giàu; một người lại rất giản dị, chất phác, một người suốt đời chẳng thể nào nghĩ ra được ngôn từ để nói chuyện triết học, chẳng nghĩ ra được mỹ từ đặng mà thuyết giáo về giá trị của một tình bạn. Nhưng suy cho cùng, giữa họ có một dấu chấm hỏi lớn đặt ra: liệu giữa họ có chút gì gọi là một tình bạn? Một kẻ chỉ biết nhận, một người lại chỉ biết cho, hoá ra tình yêu đơn phương thì cũng đau khổ, nhưng đau khổ sao bằng một tình bạn đơn phương, sống và chết một đời chỉ vì một kẻ suốt đời không bao giờ xem mình là bạn? Giữa bộn bề lá mặt lá trái, liệu giữa nói và làm để minh chứng cho tình bạn, đâu mới là sai và đâu mới là đúng, là cao thượng và thấp hèn đây?

“Quả pháo phi thường”, câu chuyện này thực tế lại khiến cho người ta cười, cái cười mỉa mai chua xót, cuộc đời một kẻ có tài năng nhưng trót dính vào hai chữ “kiêu ngạo” đành chết trong cô đơn, chết mà cả cuộc đời này dường như chẳng còn ai nhớ đến, cay đắng hay nực cười, sâu lắng hay đớn đau, bẽ bàng hay hối hận, dường như là quá muộn cho một kiếp pháo tàn…

Với lối hành văn nhẹ nhàng, bàng bạc chất cổ tích giao thoa với chất hiện thực, phũ phàng hay lãng mạn, mộng mơ hay khốc liệt, phê phán hay ngợi ca, là tiếng cười hay giọt khóc, đều đi vào trong chất thơ của Oscar Wilde với những cảm xúc khó phai…

Nguyen Son

5 truyện ngắn được viết nên bằng thứ ngôn từ giàu âm điệu, nhẹ nhàng nhưng khơi gợi cảm xúc mãnh liệt. 5 câu chuyện như 5 bức tranh lung linh hình ảnh được tô vẽ bằng những sắc màu đối lập: Hạnh phúc và khổ đau, tình yêu và lạnh nhạt, chân thành và giả dối, ảo tưởng và thực tại. Sự tương phản ấy khiến ta phải đắn đo, ngẫm nghĩ và cảm thấu những giá trị cuộc sống theo cách của riêng mình.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button