
Hoàng Tử Bé
Thể loại | Sách Văn Học – Tiểu Thuyết |
Tác giả | Antoine De Saint-Exupéry |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
Công ty phát hành | Nhã Nam |
Số trang | 104 |
Ngày xuất bản | 05-2013 |
Giá bán | Xem giá bán |
Đây là một cuốn truyện đặc biệt mà lời văn cùng nét vẽ hòa quyện vào nhau đến nỗi ở Pháp, người ta không thể sắp xếp lại chữ lần thứ hai mà luôn phải trình bày duy nhất trong mọi lần xuất bản. Hoàng tử bé được xem là tác phẩm thơ mộng nhất của mọi thời đại. Cho đến nay, tác phẩm ra đời vào năm 1943 của nhà văn Saint-Exupéry này đã được dịch sang hơn 160 ngôn ngữ và phát hành hơn 50 triệu bản trên khắp thế giới.
Quyển sách xoay quanh câu chuyện về một phi công rơi xuống một sa mạc, dối diện với khả năng sống sót rất thấp, gặp gỡ một người trẻ kì lạ, không phải một người đàn ông trưởng thành cũng không phải một cậu bé. Chuyện dần dần được hé lộ, chàng trai trẻ tuổi đến từ một hành tinh xa xôi, nơi cậu sống một mình cùng với một bông hồng. Bông hồng đã khiến cậu buồn khổ đến nỗi cậu đã đi theo một đàn chim đến những hành tinh khác. Cậu đã được hướng dẫn bởi một con cáo khôn ngoan và cẩn trọng, bởi thiên thần độc ác của sự chết chóc – con rắn.
Sự giản dị trong sáng tỏa khắp tác phẩm đã khiến nó trở thành một bài thơ bất hủ mà mãi mãi người ta muốn đem làm quà tặng của tình yêu. Cho đến nay, không biết bao nhiêu người đã đọc đi đọc lại tác phẩm này để rồi lần nào cũng lặng đi trong nước mắt.
[taq_review]
Trích đoạn:
Vậy đấy, tôi biết được một điều nữa thật quan trọng: Rằng cái hành tinh quê quán của cậu em chỉ nhỉnh hơn cái nhà có một chút!
Điểu ấy chẳng làm được tôi ngạc nhiên nhiều lắm. Tôi vẫn biết ngoài các hành tinh lớn như Trái Đất, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Thủy, mà người ta đặt tên cho, có hàng trăm ngôi sao khác, đôi khi bé đến nỗi người ta lấy kính nhìn xa ra soi cũng khó thấy. Khi một nhà thiên văn khám phá ra một trong bọn chúng, nhà thiên văn ấy cho nó một con số. Ví dụ ông gọi nó là “thiên thạch 3251”. Tôi có những lí do chính đáng để tin rằng cái hành tinh của cậu hoàng tử, từ đó cậu đến đây, là thiên thạch B.612. Thiên thạch đó chỉ được trông thấy có một lần trong kính nhìn xa, năm 1909, bởi một nhà thiên văn Thổ. Ông ta liền lí giải ồn ào về sự khám phá của mình tại một hội nghị quốc tế về Thiên văn. Nhưng do cách ăn mặc của ông ta, chẳng ai tin điều ông ta nói. Người lớn là thế mà!
May mắn cho thiên thạch B.612, một nhà độc tài Thổ buộc nhân dân Thổ phải mặc quần áo người Âu, ai không tuân theo sẽ bị tội chết. Nhà thiên văn làm lại cuộc trình bày năm 1920, trong một bộ quần áo rất lịch sự. Và lần này, tất cả mọi người đồng ý với ông ta.
Nếu tôi kể với các bạn tỉ mỉ về thiên thạch B.612, và nếu tôi rỉ tai với các bạn về con số của nó, ấy là tại các người lớn. Các người lớn thích chữ số. Khi bạn nói chuyện với họ về một người bạn mới, không bao giờ họ hỏi bạn về cái chính đâu. Họ không bao giờ hỏi: “Giọng nói hắn ta thế nào ? Hắn ta thích chơi trò gì ? Hắn ta có tập sưu tầm bươm bướm không?” Họ chỉ hỏi bạn: “Hắn ta bao nhiêu tuổi? Hắn ta có mấy anh em? Hắn ta bao nhiêu cân? Bố hắn ta lương bao nhiêu?” Thế. Sau đó, họ cho vậy là họ hiểu hắn ta rồi. Nếu bạn nói với những người lớn: ” Tôi có thấy một cái nhà bằng gạch màu hồng, với hoa phong lữ trên cửa sổ, và chim bồ câu trên mái…” họ chẳng làm thế nào hình dung nổi nhà ấy như thế nào đâu. Phải nói với họ: “Tôi có thấy một cái nhà mười vạn đồng”. Họ sẽ kêu lên ngay: ” – Ôi, thật là đẹp!”.
Như vậy đó, nếu các bạn bảo họ: “Cậu hoàng tử là có thật, chứng cớ là cậu ta rất đẹp, cậu ta cười và cậu ta thích có một con cừu. Khi người ta thích có một con cừu, thế là có người ấy chứ!”, họ sẽ nhún vai và cho bạn là trẻ con! Nhưng nếu bạn bảo họ: “Cái hành tinh từ đó cậu ấy đi đến đây là thiên thạch B.612”, thế là họ nghe ra ngay, và thôi không phá quấy bạn với các câu hỏi của họ nữa. Họ là như thế! Không nên giận họ. Trẻ con phải hết sức rộng lượng đối với người lớn.
Phải, đúng thế. Đối với bọn ta là những người hiểu cuộc sống, chúng ta cóc cần những con số thứ tự! Giá tôi bắt đầu kể câu chuyện này như cách một câu chuyện thần tiên thì thích hơn. Thích hơn, giá tôi nói:
“Xưa có một lần, một cậu hoàng tử ở một căn nhà chỉ lớn hơn cậu ấy có một tẹo, cậu ấy thấy cần có một người bạn thân…” Đối với những ai hiểu cuộc sống, kể như vậy có vẻ thật hơn nhiều.
Bởi vì tôi không muốn người ta đọc cuốn sách của tôi dễ dãi quá. Khi kể lại các kỉ niệm này, tôi tủi cực biết bao. Sáu năm đã qua, từ khi cậu bạn thân thiết của tôi đi mất với con cừu của em. Nếu tôi thử tả lại em ở đây, chính là để tôi không quên em. Một người bạn thân mà mình lại quên thì buồn quá. Có phải ai cũng có được một người bạn thân đâu. Và dễ tôi lại trở nên như các người lớn chỉ còn thích thú với các chữ số thôi. Chính cũng vì thế nữa mà tôi đã mua một hộp mầu nước và bút chì màu. Vào tuổi tôi, bây giờ trở lại nghề vẽ thật là khó, khi tận hồi lên sáu, ngoài con trăn kín với con trăn bổ dọc, tôi đã chẳng hề thử vẽ cái gì khác! Tôi sẽ thử, hẳn thế, làm những bức chân dung cố cho thật giống. Nhưng tôi không tin hoàn toàn là mình thành công. Vẽ bức sau thì bức trước đã không còn giống nó nữa rồi. Tôi lại có hơi nhầm ở vóc dáng. Cái này thì cậu hoàng tử lớn quá. Cái kia em bé quá. Tôi cũng do dự ở màu quần áo của em. Tôi phải lần mò hoài, như thế này rồi như thế kia, linh tinh. Sau tôi còn nhầm ở một vài nét quan trọng hơn. Nhưng về điều này, các bạn cần tha lỗi cho tôi. Cậu bạn thân tôi không hề giảng giải gì cho tôi. Có lẽ em cho là tôi cũng như em. Nhưng tôi thật không may, tôi đâu có nhìn thấy được các con cừu xuyên qua những cái hòm. Có lẽ tôi hơi hơi giống các người lớn. Chắc tôi bắt đầu già.
*
Mỗi ngày qua, tôi biết thêm một điều về hành tinh, về lúc ra đi, về cuộc đi của cậu. Biết lần hồi, theo dòng ngẫu nhiên của suy nghĩ. Như vậy đó, ngày thứ ba thì tôi rõ tấn bi kịch của những cây bao-bá.
Lần này nữa, cũng là nhờ con cừu, vì đột nhiên, cậu hoàng tử hỏi tôi, rất phân vân:
– Có thật đúng là cừu ăn cây con không?
– Phải. Đúng đấy.
– Ôi. Tốt quá!
Tôi không hiểu ngay tại sao những con cừu phải ăn cây con lại quan trọng như thế. Nhưng cậu hoàng tử nói thêm:
– Cho nên chúng ăn cả những cây bao-bá chứ?
Tôi nói rõ với cậu em rằng cây bao-bá không phải loài cây con, mà là những cây to như cả cái nhà thờ, và cậu em có mang theo cả một đàn voi, thì cả đàn voi ấy cũng chẳng làm gì xuể chỉ mỗi một cây bao-bá. Ý nghĩ về đàn voi làm cho cậu hoàng tử bật cười:
– Phải chồng con này lên con kia…
Nhưng rất tinh khôn, cậu em nhận xét:
– Bọn bao-bá, trước khi lớn, cũng từng bé tẹo chứ?
– Đúng thế. Nhưng sao em lại cứ muốn cho các con cừu của em ăn những cây bao-bá?
Em trả lời: “Hi! Thế thôi!” như đó là một chuyện tất nhiên. Tôi phải bắt trí thông minh của tôi làm việc dữ dội mới tự tôi hiểu được vấn đề ấy.
Nguyên trên hành tinh của cậu hoàng tử, cũng như trên mọi hành tinh khác, đều có những loại cỏ tốt và những loại cỏ xấu. Do đó, có hạt tốt của cỏ tốt và hạt xấu của cỏ xấu.
Nhưng không nhìn thấy hạt. Chúng ngủ trong huyền bí của đất cho đến khi một cái hạt nào trong bọn chúng thức dậy… Nó vươn vai, rụt rè nảy ra về phía mặt trời một cái nhánh con hiền lành tuyệt xinh. Nếu là một nhánh dưa hay một nhánh hồng, ta có thể để nó muốn mọc thế nào tùy ý. Nhưng nếu là một cây xấu, khi nhận ra cây xấu là phải nhổ ngay. Mà ngày ấy trên cái hành tinh của cậu hoàng tử thì có nhiều hạt kinh khiếp quá… ấy là những hạt bao-bá. Mặt đất hành tinh ô nhiễm đầy hạt bao-bá. Mà một cây bao bá, nếu như ta đối phó muộn màng quá, ta có thể chẳng bao giờ dẫy nó ra được nữa. Nó cho rễ của nó xói đục hành tinh. Và nếu hành tinh mà bé quá, và nếu cây bao-bá mà nhiều quá, bao-bá có thể làm vỡ tung hành tinh.
“Đây là một vấn đề kỉ luật – cậu hoàng tử về sau nói với tôi – Khi ta làm vệ sinh cho ta buổi sáng rồi, ta phải làm kĩ vệ sinh cho hành tinh. Đều đặn phải lo việc nhổ bọn bao-bá từ lúc ta còn kịp phân biệt chúng với các cây hoa hồng, mà bao-bá hồi còn thơ thì lại giống cây hoa hồng lắm. Đó là một việc làm chán lắm, nhưng mà dễ làm”.
Đến một ngày, cậu em khuyên tôi cố sức vẽ được một bức vẽ đẹp, cho các cậu bé ở quê hương tôi thật nhớ câu chuyện bao-bá ấy. “Một ngày kia, nếu các bạn ấy lên đường, – cậu em nói với tôi – câu chuyện ấy sẽ có ích cho họ. Một việc ta hoãn đến hôm sau hãy làm, đôi khi cũng chẳng hại gì. Nhưng nếu là những cây bao-bá, thì bao giờ cũng tai họa đấy. Tôi có biết một hành tinh, trên hành tinh ấy là một cậu bé lười. Hắn ta bỏ bẵng ba cái cây con…”
Related Posts: