Review

Hiểu Về Trái Tim

Thể loại Nghệ Thuật Sống Đẹp
Tác giả Minh Niệm
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 480
Ngày xuất bản 10-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Hạnh phúc là điều mà tất cả mọi người điều hướng tới nhưng con người cứ chăm lo cho giá trị hạnh phúc mang lại từ vật chất mà sống xa rời trái tim của mình. Vậy đến khi nào thì họ mới có được hạnh phúc thật sự khi mà họ bỏ ngoài tai những lời trái tim họ nói (hay họ cố tình không nghe). Và những gì trái tim con người lên tiếng đã được Minh Niệm cảm nhận và viết thành quyển “Hiểu về trái tim”.

Không chỉ giải mã lời trái tim mà tác giả còn chỉ cho chúng ta thấy những bí quyết để sống hạnh phúc, để không còn cảm thấy đau đáu mỗi khi thất bại, mỗi khi ngồi khâu mình trong góc tối mà chẳng biết ta nên làm gì. Không đơn giản chỉ là quyển sách dành riêng cho trái tim của mỗi người mà nó còn là phương thuốc hữu hiệu để giúp ta có thể chữa lành trái tim của người thân xung quanh mình. Cách tốt nhất để san lấp những nỗi đau là chia sẻ, nhưng nếu chúng ta không hiểu những nỗi đau đó xuất phát từ đâu thì làm sao chúng ta có thể xóa nhòa chúng.

Vậy nên “Hiểu về trái tim” xứng đáng là một quyển sách tuyệt vời để mang lại giá trị sống hạnh phúc đích thực khi mà những giá trị ảo đang ngày càng thống trị trái tim mỗi người, để rồi một khi chúng ta không còn khả năng đáp ứng được vật chất nữa, chúng sẽ bỏ ta lại với một trái tim đã quá nhiều vết sẹo và có thể chẳng phục hồi lại được nữa.

Cả đời người chỉ mong cuối cùng được sống hạnh phúc, vậy thì đừng đi lạc nữa, hãy tập lắng nghe trái tim và từ hôm nay, hãy đi theo lời trái tim nói dù cho con đường đó chông gai thế nào nhưng hãy tin phía cuối đường luôn tràn đầy hoa hồng.

[taq_review]

Review

Luân Huỳnh

Hạnh phúc chẳng đâu xa, ngay trước mắt mỗi người mà chúng ta bị nhiều cám dỗ che mất đó thôi. Hãy mở lòng và đón nhận những điều mới, tự nhiên con đường đi tìm hạnh phúc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Mỗi giai đoạn đọc cuốn sách này, là mỗi lần bạn ngộ ra một bài học ở một hoàn cảnh mới. Trưởng thành hơn, không còn oán trách những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và chấp nhận để phát triển.

Hoàng Dũng

Cuốn sách hay nhất để giúp mình hiểu về giá trị và chân lý mà mình từng đọc. Đọc xong rồi suy ngẫm làm cho mình bớt sân si, khoan dung hơn và ngộ ra rất nhiều điều khác mà bấy lâu nay mình vẫn chưa hiểu về bản thân và những người xung quanh. Nếu Tây có Đắc Nhân Tâm thì Ta có Hiểu Về Trái Tim. Đọc hiểu mà làm được một phần trong sách thì chắc chẳng ai còn ghét bạn và bạn cũng không còn ghét ai :))

Sách hay chính như tựa đề. Đọc rất dễ hiểu, nhẹ nhàng nhưng cũng rất “thấm”. Mình tin rằng đọc xong ít nhiều bạn sẽ bớt tổn thương, bớt phiền não và chắc chắn hạnh phúc hơn. Phải nói ai may mắn và có duyên lắm khi đọc được cuốn sách này.

Cái mình thích nhất là toàn bộ lợi nhuận được đưa vào quỹ để giúp đỡ trẻ em cơ cực. Mình đã mua thêm mấy cuốn tặng bạn bè.

Giấy đẹp, font chữ đẹp, đọc không mỏi mắt và không gây nhàm chán. Đọc xong mới thấy hình bìa ý nghĩa!

Xin cảm ơn tác giả đã dành công sức để giúp ích cho mọi người hiểu về trái tim. Tác giả là một người tốt, xin được gởi lời chúc an lành! Hy vọng sẽ đọc thêm nhiều sách của tác giả.

Louis Alexander

Nội dung sách được viết dựa trên nền tảng thiền của Phật giáo, giúp tôi nhận ra bản thân mình về những sai lầm, những thiếu sót trong hành xử trong đời sống hằng ngày. Hơn thế nữa, sách còn dạy tôi những cách đối nhân xử thế, trải qua những vấn đề khó khăn, những bế tắc, dằn vặt tình thần trong cuộc sống. Sách được viết bởi một vị thiền sư nhưng nội dung lại rất dễ chịu, gần gũi, không mang tính giáo chúng Phật pháp nhiều nên tôi cảm thấy hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng sách đã truyền đạt.

Thủy Thu

Mình đọc cuốn sách này trong một dịp tình cờ khi thăm nhà bạn. Sau đó khi về nhà, mình nghĩ rằng nhất định mình phải ring cuốn sách này về tủ sách. Cuốn sách viết theo cấu trúc chặt chẽ, ngôn ngữ sâu sắc, triết lý nhưng rất dễ cảm, dễ đi vào lòng mỗi độc giả. Mỗi mục sách với tựa đề về những cảm giác, suy nghĩ, cảm xúc và nội tâm trong mỗi con người. Ta bắt gặp những suy nghĩ sâu thẳm trong con người mình, ta đã từng như vậy: yêu, giận hờn, ghen tuông, tha thứ… Bằng những lập luận, những chiêm nghiệm của mình, tác giả đang hướng người đọc tới những suy nghĩ hướng thiện, tốt đẹp. Có lẽ giá trị lớn nhất của cuốn sách là thanh lọc những suy nghĩ tiêu cực và đem cho người đọc cái nhìn đầy vị tha, yêu thương. Cuốn sách thực sự sâu sắc và để lại nhiều chiêm nghiệm cho mình.

Lee

Thì ra, điều mà con người ta ít biết về nhất lại là chính con người mình. Tác phẩm với lối hành văn nhẹ nhàng, sâu sắc mang người đọc đến với hành trình tìm về chính mình. Hiểu về trái tim cũng là khi mình lắng lại để nghe những tâm tư tình cảm, câu trả lời cho cuộc đời của chính mình. Với văn phong mang hơi hướng của đạo Phật, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với thế giới bình an và hướng thiện. Bên cạnh đó, tác phẩm như một lời động viên nâng đỡ tinh thần cho những lúc khó khăn trong cuộc sống

Trích đoạn

Khổ Đau

Dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó.

Chỉ là bất như ý

Người ta vẫn thường nói rằng nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thật ra, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo mà người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên mới khổ. Còn người giàu lại sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác nể phục, sợ bị phá sản, sợ bị kẻ xấu lợi dụng hay hãm hại nên mới khổ. So ra cái khổ của người giàu còn phức tạp và nan giải hơn người nghèo. Phải chi trong xã hội ai cũng như ai, ai cũng sở hữu tài sản như nhau thì chắc chắn ý niệm giàu nghèo sẽ không có. Nhưng điều ấy không bao giờ là thực tế khi con người ngày càng ưa chuộng vật chất và xem đó là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Cho nên, nếu ta may mắn không bị cuốn theo quan niệm của xã hội mà thoát ra khỏi ý niệm giàu nghèo, ta thấy sự hưởng thụ vật chất không phải là lý do lớn nhất để ta có mặt ở trên cõi đời này, thì chắc chắn ta sẽ không còn than nghèo khổ nữa.

Người ta cũng thường gộp chung cực với khổ, cực khổ. Nhưng bản thân của sự cực nhọc chưa chắc đã là khổ. Chỉ vì ta kháng cự lại nó, ta muốn mình không phải vất vả mà vẫn có đầy đủ mọi thứ tiện nghi như bao người khác nên ta mới khổ. Ta chỉ biết so sánh, đòi hỏi, chứ không chịu tìm hiểu căn nguyên sâu xa tại sao mình lại cơ cực. Chắc ta cũng đã từng chứng kiến, có những người chỉ cần người thân của họ qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, dù người thân ấy không thể tiếp tục lao động nữa, thì họ vẫn vui lòng đem hết thân mạng của mình ra để bảo bọc. Có những người làm công tác cứu hộ, họ biết lao vào lửa dữ, chui xuống lòng đất, hay đi ngang qua lằn tên mũi đạn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vì tình thương mà họ không hề xem đó là nỗi khổ. Có người lại cho rằng cái cực tâm trí mới thật là khổ, vì phải suy tính đủ điều mới gánh vác nổi công việc. Nhưng trong thời buổi kinh tế suy thoái mà còn có công việc để làm, để suy tính, thì đã là điều hạnh phúc lắm rồi. Cho nên, cực có trở thành khổ hay không là tùy vào thái độ của mỗi người.

Điều mà ta thường than thở với nhau nhiều nhất đó là đau khổ, hễ đau là phải khổ, như là một sự thật không thể thay đổi. Thí dụ, ai đó tát vào mặt ta một cái có thể làm ta rất đau. Nhưng nếu ta biết mình có lỗi rất lớn với người ấy và sẵn sàng đón nhận, thì cái tát đó sẽ không làm ta khổ. Đằng này bằng một thái độ khinh miệt, họ đã “tặng” cái tát để sỉ nhục ta trước mọi người thì ta khổ thật đấy. Làm ăn bị thất bại khiến tiền bạc mất trắng ai mà chẳng đau xót, vì đó là mồ hôi nước mắt mà ta đã chắt chiu gầy dựng suốt bao năm trời. Nhưng từ cái đau ấy đến cái khổ vẫn còn một khoảng cách khá xa, nếu ta biết rõ nguyên nhân thất bại và chấp nhận sự thất bại ấy như một bài học kinh nghiệm. Và có lẽ, cái đau thống thiết nhất của nhân sinh chính là sự chia lìa, nên thường được ví như khúc ruột cắt đứt làm đôi (đoạn trường thương đau). Nhưng nếu ta ý thức được chuyện hợp tan là do nhân duyên, biết đâu chia lìa lại là cơ hội để hai bên cùng nhìn lại mình để tạo ra cái duyên mới tốt đẹp hơn trong tương lai, thì ta sẽ không còn thấy đó là nỗi thống khổ nữa. Quả thật, đau và khổ là hai cung bậc cảm xúc rất khác nhau.

Cuộc sống luôn có những điều hợp với ý ta nhưng lại mâu thuẫn với suy nghĩ của người khác, hoặc thỏa mãn nhu cầu người khác nhưng lại trái nghịch với sở thích của ta. Ngay với chính bản thân ta cũng có lúc “sáng nắng chiều mưa” mà chính ta còn không hiểu nổi, thì làm sao hoàn cảnh có thể làm vừa lòng ta mãi được. Có những điều trước kia ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ lại rất yêu thích; có những thứ trước kia ta hết sức say mê nhưng bây giờ lại không muốn nhìn tới nữa; có những vấn đề trước kia ta vốn xem thường nhưng bây giờ lại cảm thấy quá hệ trọng. Giả sử mọi mong muốn của ta đều thành tựu hết thì thử hỏi ta sẽ trở thành cái gì và cuộc đời này sẽ ra sao? Vậy mà ta chỉ biết đòi hỏi, chứ không chịu suy xét nó có thật sự đúng đắn và phù hợp với khả năng của ta và hoàn cảnh hiện tại hay không. Rõ ràng cái khổ của ta không hẳn là cái khổ của kẻ khác. Vì thế, hầu hết những nỗi khổ mà ta thường kêu ca chỉ là sự bất như ý mà thôi.

Vậy thay vì than: “Tôi khổ quá!” thì ta hãy nên nói: “Nó bất như ý với tôi quá!”. Cách gọi này chính xác hơn. Nó sẽ đánh động vào ý thức, giúp ta nhìn lại thói quen hay cách phản ứng của mình, thay vì cứ rượt đuổi theo đối tượng khác để đổ lỗi hay trừng phạt. Từ đó, ta sẽ nhận ra quan niệm “đời là bể khổ” chỉ là do cách nghĩ, hay chỉ là định kiến mà thôi.

Giá trị của khổ đau

Ta đừng bao giờ quên rằng ta không phải là một cá thể tồn tại biệt lập. Ta phải luôn chịu sự tương tác của bao nguồn lực xung quanh, từ bạn bè, gia đình, đến xã hội và cả vũ trụ bao la nữa. Dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Có thành thì phải có bại, có hợp thì phải có tan. Tại sao ta chỉ muốn thành và hợp, còn bại và tan để cho ai? Lúc may mắn sao ta không tự hỏi mình có thật xứng đáng với những thành quả ấy và có nên đón nhận nó hay không. Vậy mà mỗi khi gặp xui rủi thì ta lại khóc than ầm ĩ, đòi hỏi sự công bằng. Ta đã hưởng thụ quá nhiều từ những tặng phẩm của vũ trụ rồi thì lâu lâu bị vũ trụ lấy lại để chia sớt cho kẻ khác, thiết tưởng đó cũng là lẽ tự nhiên chứ đâu có gì là thua thiệt!

Đối với những mất mát quá lớn thì tất nhiên phải cần có thời gian ta mới chấp nhận hoàn toàn được, nên việc phản ứng lại cũng là lẽ thường tình. Nhưng có những điều quá đỗi bình thường, nếu không nói là quá tầm thường mà ta cũng than khổ thì đó là lỗi của ta. Như trời mưa cũng khổ, kẹt xe cũng khổ, bị lỗi hẹn cũng khổ, thức ăn không vừa miệng cũng khổ, chiều cao không như ý cũng khổ, mau già cũng khổ, không ai hỏi thăm cũng khổ, được nhiều người thương cũng khổ Những nỗi khổ ấy là do nơi hoàn cảnh hay vì lòng tham của ta quá lớn? Hãy bình tâm nhìn lại xem! Không ai có thể làm cho ta khổ được cả, nếu ta có hiểu biết đúng đắn và khả năng chấp nhận đủ lớn. Để có được khả năng chấp nhận rộng lớn, ta cần phải biết thu gọn lại những mong cầu không cần thiết của mình. Ngay cả với những điều được cho là chính đáng, nếu thấy không có nó mà ta vẫn có thể sống vững vàng và hạnh phúc được, thì ta cũng nên cố gắng khước từ để tâm ta bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh. Nhờ vậy, khi hoàn cảnh biến động thì ta vẫn an nhiên bất động.

Ngoài ra, ta cũng nên luyện tập cho mình cách đối mặt với khó khăn, hoặc tự tạo cho mình một cách nghĩ, cách sống đừng quá cầu mong sự an toàn, để cho sức chịu đựng trong ta được lớn mạnh. Ta thấy những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được bảo bọc quá đầy đủ, khi bước vào đời không có chút vốn liếng kinh nghiệm nào mang theo để chống chọi với những nghịch cảnh, nên chỉ cần một tác động nhỏ như bị chê bai là chúng dễ dàng chao đảo và muốn bỏ cuộc ngay. Cũng như những loại cây mọc trên đất tơi xốp, trông xanh tươi mơn mởn, nhưng chỉ cần một cơn gió lớn đi ngang qua là gãy đổ. Còn những loại cây mọc trên đá núi, tuy dáng dấp khẳng khiu nhưng độ bám rất vững vàng. Cho nên, ta không thể cầu nguyện cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng ta có thể làm cho mình không bị ngã gục trước sóng gió cuộc đời bằng sự vững chãi từ chính trái tim mình.

Để có được trái tim ấy, ta phải biết đặt mình vào khuôn khổ của sự đào luyện, chứ không thể do sự ép buộc mà được. Nghĩa là ta vừa phải giới hạn sự hưởng thụ, cũng vừa phải tập đối đầu với mọi nghịch cảnh. Ta đừng vội kêu ca: sống mà không hưởng thụ thì sống để làm gì? Có ai cấm ta hưởng thụ đâu. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó cả. Nếu ta cứ dung dưỡng cho cái tôi yếu đuối mãi thì đừng hỏi tại sao đời mình cứ khổ đau hoài. Dĩ nhiên, với một người đã có trái tim vững chãi thì bao nhiêu danh lợi cũng không là vấn đề. Họ có đủ bản lĩnh để vượt lên trên danh lợi, hay sử dụng nó một cách hữu ích cho đời. Song, thực tế số người có ý niệm muốn buông bỏ thói quen hưởng thụ rất hiếm, và số người làm được lại càng hiếm hơn. Nhất là trong tình trạng hiện nay, người ta dám đạp đổ cả thành trì đạo đức để tranh giành quyền lợi, bất chấp mọi hậu quả. Có lẽ vì thế mà đời sống ngày càng nhiều khổ đau hơn. Nó đã trở thành bản trường ca bất tận của con người.

Đúng, khổ đau là một thực tại không thể chối cãi, nhưng đó chỉ là do trình độ cảm nhận của con người. Khổ đau vốn không phải là bản chất đã định sẵn của cuộc đời này. Bởi xét cho cùng thì không có gì là khổ đau cả. Do guồng máy tâm thức trong ta vận hành sai lệch, nên nó đã tạo ra những phản ứng chống đối lại những hoàn cảnh mà nó cho là trái nghịch. Rất may, guồng máy tâm thức ấy là một hợp thể linh động, nên có thể điều chỉnh được. Chỉ cần ta có nhận thức đúng đắn thì mọi cảm xúc trong ta đều không ngừng tương tác với vạn vật, để tâm lý không tiếp tục tạo ra những phản ứng ích kỷ. Đồng thời, ta cần có một khả năng quan sát thật tinh tường về những thói quen mà ta đã tạo dựng từ trong quá khứ đến nay. Tiến trình tháo gỡ những tâm lý tiêu cực ấy chính là tiến trình vượt thoát khổ đau. Nói chung, càng bớt tự ái là càng bớt khổ đau. Hết vì cái tôi là hết khổ đau.

Đúng ra, ta cần phải biết ơn khổ đau. Khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh, để ta có thể phát tiết hết bản năng sinh tồn tiềm ẩn của mình. Cũng như nếu không bị lạc đường, ta sẽ khó biết mình vốn rất sợ hãi; nếu không bị xúc phạm, ta sẽ khó biết rõ mức độ nóng giận của mình; nếu không bị dối gạt, ta sẽ khó biết mình cũng rất dễ tổn thương; nếu không bị bỏ rơi, ta sẽ khó thấy được tính yếu đuối và dựa dẫm của mình. Chính nhờ bản năng sinh tồn biểu hiện mà ta thấy rõ từng ngõ ngách sâu kín của phiền não tạo nên khổ đau. Từ đó, ta biết cách điều chỉnh lại tâm thức và nếp sống của mình, sao cho hài hòa với sự vận hành của vũ trụ. Nhờ đó, sự hiểu biết và tình thương trong ta bừng nở. Ta có thể đi giữa thăng trầm của cuộc đời này một cách thong dong tự tại mà không còn lo sợ những nghịch cảnh bất ngờ.

Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy. Vì khổ đau vốn từ tâm sinh ra, mà cũng từ tâm diệt đi.

Nếu không có khổ đau
Biết đâu là hạnh phúc
Nhờ mộng mị hôm nào
Ta tìm về tỉnh thức.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button