Review

Hania – Tình Yêu Của Tôi, Nỗi Buồn Của Tôi

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Henryk Sienkiewicz
NXB NXB Kim Đồng
Công ty phát hành NXB Kim Đồng
Số trang 244
Ngày xuất bản 10-2010
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Một câu chuyện về tình yêu, những rung cảm đầu đời và nỗi buồn được kể một cách giản dị và hết sức tinh tế với ngôn ngữ biểu cảm, đầy nhịp điệu. Hania, cô gái nhỏ mồ côi hiện diện như một trái tim trong trắng, cao thượng và trở thành hồi ức có sức sống lạ lùng về một tình yêu mang vẻ đẹp lí tưởng, một tình yêu nâng con người lên cao hơn những ích kỷ trần thế.

Câu chuyện của thời đại cách đây hai thế kỉ vẫn minh chứng cho khát vọng tình yêu vượt qua mọi biên giới, vượt qua mọi ranh giới, mọi phân chia giai cấp, giàu nghèo… Và ở nơi tình yêu thực sự, con người luôn hướng tới cái đẹp và những điều cao cả.

Tác giả của Hania cũng là nhà văn Ba Lan nổi tiếng Henryk Sienkiewicz đoạt Nobel văn chương năm 1905; cũng là người đã viết “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”, “Quo Vadis” rất nổi tiếng đã được in ở Việt Nam.

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Reader

Tôi không chủ đích đọc cuốn sách này. Chỉ đơn giản vì một người chị của tôi đọc nó, không thích nó, và tôi muốn xem khẩu vị chúng tôi có giống nhau hay không mà thôi. Nhưng, đặc biệt thay, tôi tình cờ đã yêu câu chuyện mất rồi.

Hania tình yêu của tôi nỗi buồn của tôi là một cái tên dài, nhưng có lẽ vì dài mới thể hiện đầy đủ được những cung bậc cảm xúc mà nhân vật “tôi” cảm nhận được qua tình cảm với với cô bé Hania. Câu chuyện chỉ bình thường, giản dị thôi, vậy mà đã chạm được vào góc sâu kín nhất trong trái tim tôi, khiến tôi bao ngày vẫn không khỏi thổn thức, không khỏi rung động.

Cuốn sách của Henryk Sienkiewicz được viết cách đây hai thế kỉ, vào thời điểm phồn thịnh của các nhà quý tộc và những chiếc váy xòe tại các bữa tiệc lớn. Câu chuyện về tình yêu bắt đầu với khung cảnh trang trại và lão bộc tên Mikolai. Lão Mikolai khó tính, hay cáu gắt và thích bốc phét nhưng giàu tình cảm và luôn quan tâm đến mọi người, nhất là cậu chủ Henryk. Có thể vì thân thiết, vì yêu thương đến thế, mà ông lão trước khi qua đời có nhờ cậy Henryk chăm lo cho Hania, cô cháu gái bé nhỏ của lão. Phần đầu câu chuyện được khép lại với đôi mắt ngấn lệ của Hania, chút hãnh diện của Henryk và không khí u ám trong căn nhà thiếu Mikolai.

Sau phần đầu ấy, tôi đã nói chuyện ngay với chị mình, đã thích thú bày tỏ cảm xúc về không gian ấm áp, sự nhẹ nhàng toát ra từ từng câu chữ trong cuốn sách. Tôi thích tình cảm gia đình nồng ấm mà tác giả thể hiện, cũng thích những mẩu chuyện nhỏ về Mikolai, về sự tận tụy và tình cảm của lão đối với gia đình chủ. Có lẽ, những điều ấy không hề mới, vì gần như tác phẩm nào chẳng đề cập, chỉ có điều, tôi, như đã nói, đã trót yêu mất rồi.

Phần sau câu chuyện có lẽ mới là phần chính, vì nó mang tên “Hania”. Hania, cô bé trong sáng và thánh thiện ấy, nhiều khi tôi nghĩ, chính là bắt nguồn của mọi đau khổ và dồn nén. Cũng không thể trách cô bé, vì tình yêu sao có thể đoán trước được, làm sao biết lúc nào tình yêu gõ cửa để bước vào trái tim mình. Chỉ thở dài sao mà cô bé ngốc thế, cứ nhút nhát và mềm yếu như vậy, vừa làm tổn thương bản thân, vừa làm tổn thương những người khác.

Tình yêu trong câu chuyện này rất kì lạ. Nó vừa nhanh, lại vừa chậm, vừa sâu lắng mà lại có gì đó rất bồng bột, rất thiếu suy nghĩ. Chắc đó mới là tuổi trẻ. Henryk yêu Hania, một thứ tình yêu được ấp ủ và nâng niu, vì yêu, nên mới hay ngại ngùng, hay cáu giận vô cớ với cô bé. Vì cậu bé Henryk không có được cái nét duyên dáng của một người đàn ông trưởng thành, nên nhiều khi đã làm lỡ mất nhịp tim cô bé, nhiều khi quá vô tình mà làm thay đổi tất cả. Tình yêu của Henryk rất thật, và chân thành. Nhưng mãi mãi là tình cảm đến từ một phía, không thể nảy mầm, mà cũng chẳng có cách nào biến mất được. Tồn tại dai dẳng trong trái tim, mơ mộng về một hình bóng mà cả đời không thể chạm đến được.

Tình yêu tay ba của Henryk – Hania – Selim thật sự không cuốn hút tôi. Nhưng chính cách hành xử có phần hơi thái quả của ba nhân vật này ( tất nhiên cũng cần dựa vào thời điểm câu chuyện được viết ) mới khiến tôi lưu tâm. Sự ấm áp ở phần đầu đã không còn. Thay vào đó là thù hận, là lo âu, là những cảm xúc hờn ghen, khó chịu lấn át. Đó là những tình yêu tuyệt vọng của những con người ngốc nghếch. Hai chàng trai của chúng ta đã vô tình bóp nát bông hoa Hania bé nhỏ, vô tình làm tổn thương tâm hồn trong sáng và vị tha ấy. Để rồi, chính họ cũng phá đi tình bạn đẹp đẽ của mình bằng những ánh nhìn thù hận, bằng sự ích kỉ và cả lòng tự kiêu. Niềm kiêu hãnh của ba con người ấy quá lớn, lớn đến nỗi lấn át đi tất cả mọi cảm xúc khác, để rồi khi tỉnh dậy, nhận ra rằng chẳng còn ai bên mình cả.

Ừ, chẳng còn ai bên họ. Một mình cô đơn lẻ bóng trên con đường tương lai. Chẳng lẽ họ muốn thế? Không, không ai muốn thể cả. Chỉ đơn giản vì họ không có quyền lựa chọn, trái tim đã lấn át lí trí, đến khi làm rồi thì cũng không thể quay lại như trước. Tâm hồn ba con người ấy yếu ớt quá, vì vậy mà chẳng thể quay đầu trở về, chẳng thể gạt bỏ những rào cản mà đến với nhau.

Thôi, dẫu chăng đó cũng là hạnh phúc. Ngay cái khoảnh khắc gương mặt thiên thần của Hania hiện lên vẻ điềm tĩnh và bình yên, tôi biết em đã lựa chọn đúng. Em mang một vẻ đẹp siêu phàm, một vẻ đẹp gần với thần thánh hơn là trấn thế, cuối cùng em cũng có thể tìm được cho mình một bến đỗ dịu êm. Thế là được rồi. Nhẹ nhàng như gió, hạnh phúc đã mỉm cười với em.

Cuốn sách khép lại êm đềm và hạnh phúc. Tôi phát hiện khóe mắt mình đã ngấn lệ, vừa như xót xa, mà lại có gì đó mãn nguyện. Tình yêu luôn có sức lay chuyển con người như thế mà, phải không? Một cuốn sách dịu dàng, ấm áp vừa đủ và bình yên thật nhiều. Mà cũng có thể vì tôi quá nhạy cảm, nhìn đâu cũng thấy yêu thương.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button