Review

Hạnh Phúc Mộng Và Thực

Thể loại Kỹ năng – Sống đẹp
Tác giả Thích Nhất Hạnh
NXB NXB Phương Đông
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 294
Ngày xuất bản 10-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Hạnh phúc là gì? Tại sao những ý niệm của bạn về hạnh phúc lại lắm khi giam hãm bạn trong cực cùng khổ luỵ? Tại sao hạnh phúc lại quá đỗi mong manh? Có thứ hạnh phúc nào bền vững, an ổn và không tiềm ẩn những hệ lụy? Hạnh phúc đích thực là gì? Làm thế nào để có thể đạt được hạnh phúc đích thực ngay trong hiện tại?

Với Hạnh Phúc Mộng Và Thực, thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ tặng cho bạn những gợi ý thú vị để bạn có thể khám phá một cách tường tận diện mạo đích thực của hạnh phúc.

[taq_review]

Trích dẫn

Chuyển hóa tàng thức mới đạt được giác ngộ

Cái thấy và cái hiểu của ý thức như ta đã biết không phải là cái thấy và cái hiểu của tàng thức, vì vậy mà ta phải hạ thủ công phu, phải tiến tới, phải đi sâu. Trong tàng thức, có những cái nằm ngủ âm thầm ở dưới đáy mà chúng ta gọi là tùy miên (Anusaya). Tùy là còn đi theo, và miên là ngủ. Khi ngủ ta không những chỉ tu với Ý mà còn phải tu với Tàng, vì chính Tàng mới cống hiến được hoa trái của hạnh phúc, của giác ngộ. Vì vậy ta không cần phải có mặc cảm tội lỗi, ta chỉ cần nhận diện những hạt giống của tùy miên đó ở trong ta, và ta phải nổ lực quán chiếu để thấy nếu người sư em của ta không hoàn thành được sự nghiệp của người xuất gia, thì đó là sự hư hỏng cả đời của người đó. Và nếu chính ta cũng không hoàn thành được sự nghiệp xuất gia, thì đó cũng là sự hư hỏng của cả cuộc đời ta. Và như vậy ta tạo ra đau khổ không phải chỉ cho hai người mà còn cho biết bao nhiêu người xung quanh, trong đó có thầy ta, gia đình, bạn bè và tăng thân của ta. Quán chiếu như vậy mới có ích lợi, còn đấm ngực và giựt tóc thì không có ích lợi gì cả.

Đã là người tu ta đừng để cho đến khi nước tới chân mới nhảy. Trong đời sống hàng ngày nếu có tín hiệu nào phát ra, thì ta phải tiếp nhận và ta phải tìm hiểu xem tâm của ta đang muốn nói gì với ta. Nếu ta chỉ mới bắt đầu thấy chán nản và mệt mỏi, thì rất dễ chữa trị. Ta có thể nhờ Thầy, nhờ bạn chuyển hóa cho, nhưng nếu chúng ta cứ để vậy rồi mỗi ngày tưới thêm một chút chán nản, một chút mệt mỏi, thì sẽ đến lúc những hạt giống tiêu cực lớn lên, xeo, nạy, và xô đẩy cái Bồ Đề tâm của ta, khuynh loát Bồ Đề tâm của ta, rất nguy hiểm, Bồ Đề tâm là cái vốn của người xuất gia, ta phải chăm chút nuôi dưỡng tâm ấy mỗi ngày. Nuôi dưỡng bằng những bài pháp thoại, bằng những buổi thiền hành, bằng những buổi ăn cơm im lặng, bằng tình thương của ta đối với những người đang sống chung. Với chánh niệm, ta nhận thức được những giây phút tiêu cực, bất lợi cho Bồ Đề tâm và cũng nhận thức cả những giây phút tích cực có khả năng nuôi dưỡng Bồ Đề tâm. Vì vậy cho nên thắp sáng chánh niệm trong đời sống hàng ngày là điều rất quan trọng.

Ý niệm về hạnh phúc là những chướng ngại của hạnh phúc

Trong ta, mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải như thế này hay như thế kia. Nếu ta không được như thế này hay như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Ta cho rằng bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc của mình, và trong nhiều trường hợp, ý niệm về hạnh phúc của mình là chướng ngại căn bản để mình đạt tới hạnh phúc. Ví dụ mình ham muốn đậu được cái bằng cấp đó, và nghĩ rằng nếu không có cái bằng cấp đó thì không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy tức là mình đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc. Trong khi mình đang có vô số cơ hội để có hạnh phúc, mình đánh mất hết, chỉ vì mình đã tự đóng khung cái hạnh phúc của mình vào trong cái ý niệm có bằng cấp kia. Đó là một cái muốn, một thứ ái dục, ái dục về bằng cấp. Trong đời sống tu hành cũng vậy. Là một ông thầy tu mình có thể nghĩ rằng muốn nói cho thiên hạ nghe thì mình phải có một cái bằng cấp vì có bằng cấp thì thiên hạ mới nể, thuyết pháp người ta mới nghe. Vì vậy cho nên mình phải xông xáo ra đời vài ba năm để học và giật cho được bằng cấp đó. Mình đâu có biết rằng vì ý niệm về bằng cấp mà sự nghiệp tu hành của mình có thể sẽ bị hư hỏng. Tóm lại tất cả đều do ý niệm của mình mà ra, và ý niệm thường rất dễ bị sai lạc.

Có một anh chàng nói: “Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô này, nếu không cưới được cô ấy thà rằng chết còn hơn, hạnh phúc không thể nào có được!”. Như vậy anh chàng đã cột đời của mình vào trong ý niệm là phải cưới cho được cô kia. Cưới không được thì đời không còn có ý nghĩa gì cả. Tại sao đời không có ý nghĩa gì nữa cả. Đời còn nhiều nghĩa lắm chứ! Nhưng tại mình không thấy được tất cả những cái nghĩa khác của cuộc đời mà chỉ thấy có một nghĩa đó mà thôi. Cái đó gọi là ý niệm. Ý niệm đó ở trong đạo Bụt gọi là Tưởng, một cái Tưởng của mình về hạnh phúc.

Muốn sử dụng vô số những điều kiện để có hạnh phúc, muốn đừng dẫm lên những điều kiện của hạnh phúc mà đi, ta đừng nên bị ràng buộc vào một ý niệm nào về hạnh phúc cả. Khi đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc là ta không còn cơ hội nào khác để có hạnh phúc nữa. Ý niệm hạnh phúc đó gọi là dục tưởng.

Ý niệm về hạnh phúc hay dục tưởng là đối tượng cần quán chiếu

Ý niệm về hạnh phúc có thể là một ý niệm cá nhân, mà cũng có thể là một ý niệm có tính cách cộng đồng, gọi là tâm thức cộng đồng. Nếu ta hỏi một người Mỹ bình thường phải có những điều kiện nào mới có hạnh phúc, thì người ấy sẽ liệt kê những điều kiện tồi thiểu mà một người Mỹ phải có để có thể gọi là một người có hạnh phúc. Trước hết là phải có một trình độ học thức tương đương với BA hay BS, nghĩa là phải tốt nghiệp Đại học cấp một. Kế đến là phải có công ăn việc làm, tương đương với trình độ học vấn, lương đủ cao để có thể thuê một căn nhà, mua một chiếc xe. Trong nhà phải có TV, tủ lạnh. Thiếu một trong những thứ ấy người đó sẽ chưa có hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó gọi là ước lệ. Đó là ý niệm về những điều kiện mà mình tin là cần thiết và là căn bản của hạnh phúc. Nhưng nếu xét kỹ lại, ta thấy rằng rất nhiều người đang có những điều kiện như vậy, nhưng không hạnh phúc gì cả. Họ có thể đang bị đau khổ cùng cực. Ngay cả khi có nhiều hơn, trên cả những điều kiện đã đòi hỏi, họ vẫn khổ đau vô cùng. Vậy thì ý niệm về hạnh phúc (dục tưởng) là một điều cần phải được quán chiếu, cần phải tìm hiểu vì ta có thể chết vì nó.

Đừng nói gì ngoài đời, ngay ở trong đạo, người đã tu rồi, cũng có thể có một ý niệm về hạnh phúc. Ví dụ mình nghĩ là phải có một ngôi chùa riêng để tự do sắp đặt theo ý mình, để không phải làm theo điều người khác sai phái. Chừng nào làm trụ trì, làm viện chủ của một ngôi chùa rồi thì mới có quyền, mình có thể bảo chú này, cô kia làm theo điều này, điều nọ. Mình nghĩ: có một ngôi chùa riêng để làm chủ là điều kiện của hạnh phúc. Nhưng than ôi, khi đã có một ngôi chùa riêng rồi mình mới biết rằng cái ý niệm về hạnh phúc có thể không đúng chút nào. Thật ra có một ngôi chùa, có một trung tâm tu học không phải là điều dỡ. Ta có thể căn cứ vào điều kiện đó để tạo rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng không hẳn phải làm chủ một ngôi chùa mới có thể làm được những điều đó. Nếu mình là một người có hạnh phúc, có khả năng hướng dẫn tu học và tạo dựng hạnh phúc cho người, thì không có chùa mình vẫn làm được việc đó như thường. Mình lại khỏi phải chăm sóc và lo lắng cho ngôi chùa như một vị trụ trì. Nhiều khi không có chùa mình có thể tạo hạnh phúc cho mình và cho người gấp mười, gấp trăm lần khi mình có một ngôi chùa! Được tấn phong là Thượng Tọa hay Hòa Thượng có phải là điều kiện của hạnh phúc không? Có nhiều người rất đau khổ vì không gọi bằng những danh từ đó. Khi được gọi bằng một danh từ khác họ thấy trong người như có lửa đốt, như bị sốt rét. Tại sao đáng lý mình được gọi bằng danh từ ấy mà người ta gọi mình bằng danh từ này? Khi có sốt rét, khi bị một ngọn lửa đốt cháy, mình biết rằng mình đang bị một dục tưởng trấn ngự, dù đó là một cái danh rất nhỏ. Vì vậy dục tưởng hay ý niệm về hạnh phúc là một đối tượng mà mọi chúng ta cần phải quán chiếu. Khi quán chiếu và đập vỡ được cái dục tưởng ấy rồi thì mình được giải thoát, và tự nhiên ta có vô số hạnh phúc. Điều kiện hạnh phúc có mặt rất nhiều trong ta và chung quanh ta, sở dĩ ta không sử dụng được chúng là vì ta đang kẹt vào trong cái gọi là dục tưởng.

Bạn đọc cảm nhận

Đông Phương

Thích Nhất Hạnh dành cả đời hoạt động không ngừng nghỉ cho Phật giáo, thiền sư còn là người khai phá và giác ngộ những cảnh giới tồn tại trong mỗi người chúng ta, thông qua các bài thuyết pháp, những ý niệm được tập hợp và xuất bản thành sách. Một trong những cuốn sách đáng chú ý của ông là Hạnh phúc Mộng và Thực.

Đây là một cuốn sách về tôn giáo, với những bài thuyết pháp và diễn giải kinh mang đậm chất Phật học thế nhưng lại dành cho tất cả những ai đang mải mê trên con đường kiếm tìm hạnh phúc thật sự của mình.

Bước vào cuốn sách, thiền sư Thích Nhất Hạnh đi vào giải thích cách tu học để có tuệ giác. Theo quan niệm xưa, đức hạnh và tuệ giác là hai phẩm chất quý giá nhất của con người. Tuệ giác là “lưỡi gươm cắt đứt mọi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, sân hận và kỳ thị”. Từ đó, con người có thể sống thanh thản, trân trọng từng phút giây mình còn tồn tại chứ không chỉ sống như nghĩ rằng mình chẳng bao giờ chết.

Người đọc sẽ tìm được câu trả lời rõ ràng cho mình khi lật mở từng trang sách, đi sâu vào những bài Pháp thoại được thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết giảng trong khoảng thời gian tháng 9 và tháng 10/1994. Nội dung xoay quanh Kinh Tam Di Đề, một trong những bộ kinh tạng quan trọng nhất trong Phật giáo.

Cuốn sách xoay quanh nguồn gốc của những bất hạnh trong cuộc sống con người. Đó không hoàn toàn là do vấn đề cơm áo gạo tiền, những lo toan vụn vặt hằng ngày, những người đối xử không tốt với ta, các yếu tố tác động hay sự phát triển quá nhanh của thời đại… Bất hạnh và nỗi sầu muộn ở ngay trong chính tâm hồn mỗi người. Ví như tâm hồn là mảnh đất thì bên trong nó chứa đủ các hạt giống ghen tị, đố kỵ, gai góc, kiêu căng… Một khi được tưới nước và chăm sóc, chúng sẽ nảy mầm và tác động trực tiếp vào “vật chủ”. Đau khổ cũng từ đó mà sinh ra.

Nhưng ngoài những hạt giống xấu xa đó thì mảnh đất tâm hồn cũng ẩn giấu những hạt giống yêu thương, tha thứ, cảm thông… Và giữa cái xấu cùng tốt, đó là sự lựa chọn của mỗi người. Chìa khóa hạnh phúc nằm ở đó.

Thiền sư đưa ra những diễn giải gần gũi, dễ hiểu để bất cứ ai cũng có thể dễ dàng thấu triệt tư tưởng của Kinh Tam Di Đề. Đặc biệt, ông chỉ ra những hạnh phúc ảo mà con người lầm tưởng ở hiện tại: những lạc thú tức thời, những tiêu chuẩn người đời đặt ra… mà đi đến lạc thú đích thực chính là hạnh phúc trong tâm hồn. Hành trình đó không quá khó khăn nhưng cũng chẳng dành cho những người dễ nản lòng. Những bài học tu lập, tạo dựng và phát triển tuệ giác từng bước được nêu ra rải rác khắp cuốn sách.

Người đọc sẽ còn ngộ ra nhiều điều bên cạnh diễn giải của thiền sư cũng như thông qua những mẩu đối thoại của Phật, của Bụt và các vị cao tăng trong kinh. Họ đi sâu vào nguồn gốc của hạnh phúc, cắt đứt những sân si ở đời, chọn lọc những tiêu chuẩn đức tính bền vững theo thời gian.

Hạnh phúc Mộng và Thực như một giọt nước tưới mát những tâm hồn ao ước và mải miết trên hành trình cuộc đời. Dù bôn ba xuôi ngược nhưng đích đến của tất cả đều là sự hạnh phúc, an yên và thanh thản trong tâm hồn. Là cảm giác được sống trọn vẹn từng ngày, nắm giữ trong tay từng hơi thở chứ không phải sống và chạy theo những hạnh phúc ảo ảnh vụn vặt dễ tan biến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button