Review

Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Jules Verne
NXB NXB Kim Đồng
Công ty phát hành NXB Kim Đồng
Số trang 449
Ngày xuất bản 07-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Hai Vạn Dặm Dưới Biển là câu chuyện về cuộc hành trình bất đắc dĩ của nhà nghiên cứu biển Aronnax, giáo sư Viện bảo tàng Paris cùng người cộng sự Conseil và người thợ săn cá voi Ned Land sau khi đột nhiên bị rơi vào con tàu Nautilus kỳ lạ.

Đã từ lâu, biển cả mênh mông, dữ dội đầy sóng gió và bão tố chiếm ba phần tư diện tích trái đất luôn hiện diện đối kháng với con người, thách thức tất cả những ai muốn vượt ra khỏi mảnh đất chật hẹp của quê hương mình để đi tới những miền đất khác. Con người luôn luôn muốn tiến ra biển, muốn làm chủ biển cả và muốn chiếm lĩnh trọn vẹn tất cả các đại dương. Khát vọng đó đã thôi thúc các dân tộc Bắc Âu làm những con thuyền Viking đi phiêu lưu trên biển cả. Khát vọng đó cũng thôi thúc người Hà Lan, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đóng thuyền đi vòng quanh trái đất.

Hình ảnh thuyền trưởng Nemo xuất hiện trong Hai vạn dặm dưới biển là một con người bí ẩn gần như huyền thoại, chính là hình tượng anh hùng mang tư tưởng của tác giả Jules Verne. Thuyền trưởng Nemo là một con người vừa trí thức, vừa giang hồ, ông đã trải qua nhiều đau khổ mà đứng trước mọi khó khăn đều quả quyết hành động dũng mãnh với một bản lĩnh sáng suốt tự tin. Đọc Hai vạn dặm dưới biển, người đọc được chia sẻ khát vọng khám phá cuộc sống cả về nội tâm và ngoại cảnh với nhân vật tự sự – giáo sư Aronnax, có lẽ cũng chính là hiện thân của tác giả.

Ngoài Hai vạn dặm dưới biển (1870), nhiều tác phẩm của Jules Verne như Năm tuần trên khinh khí cầu (1863), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1873)… đã chinh phục người đọc khắp năm châu, khẳng định ông là nhà văn đi tiên phong trong thể loại khoa học viễn tưởng, một lối đi riêng biệt trong văn học thế giới. Những ý tưởng thiên tài của ông về cuộc sống hiện đại cũng như các thành tựu khoa học kỹ thuật và hơn hết là khát vọng của con người mà ông đã diễn tả dường như cho đến nay vẫn còn đang thời sự.

[taq_review]

Trích dẫn


Con cá voi không biết thuộc loại nào

Bất thần bị ngã xuống biển, tôi choáng váng nhưng không bị ngất, tôi chìm ngay xuống sâu khoảng sáu mét. Tôi bơi giỏi… và không đến nỗi mất tinh thần khi rơi xuống nước. Tôi quẫy hai cái thật mạnh và nổi lên mặt biển. Tôi đưa mắt tìm tàu Lin-côn. Nó có quay đi hướng khác không? Pha-ra-gút có biết thả xuồng xuống tìm tôi không? Có hy vọng thoát nạn không? Bóng tối dày đặc. Khó khăn lắm tôi mới nhận ra một khối đen ở đằng xa đang chạy về phía Đông, ánh đèn tắt dần. Đó là chiếc tàu chiến. Thế là hết!

-Cứu tôi với! Cứu tôi với!

-Tôi kêu to và cố sức bơi theo chiếc tàu. Quần áo bị sũng nước dính chặt vào mình làm tôi khó cử động. Tôi bị chìm xuống và ngạt thở!…

-Cứu tôi với! Tôi kêu lên lần cuối. Tôi bị sặc nước và cố chống lại, nhưng đáy biển sâu cứ kéo tôi xuống… Bỗng một cánh tay mạnh mẽ nắm lấy cổ tôi kéo tôi lên mặt nước. Rồi tôi nghe thấy, vâng, đúng là nghe thấy tiếng người nói bên tai:

-Nếu giáo sư tựa vào vai tôi thì sẽ dễ bơi hơn. Tôi nắm lấy tay Công-xây trung thành của tôi.

-Công-xây đấy à? – Tôi reo lên.

-Công-xây! Anh bị ngã xuống nước cùng tôi à?

-Thưa không. Nhưng là người giúp việc giáo sư, tôi phải theo ngài. Anh ta thấy hành động đó của mình là tự nhiên!

-Thế tàu đâu? Công-xây vừa bơi ngửa vừa trả lời:

-Xin giáo sư đừng trông chờ gì ở nó nữa!

-Anh nói gì vậy?

-Khi tôi nhảy xuống biển thì người trực ban kêu lên: “Chân vịt bị gãy rồi!”

-Gãy rồi à?

-Vâng! Quái vật đã dùng sừng nhọn đâm thủng. Tôi nghĩ rằng tàu Lin-côn chỉ bị hỏng xoàng. Nhưng đối với chúng ta thì rất đáng buồn vì tàu không điều khiển được nữa!

-Thế thì chúng ta đành chịu chết!

-Có nhiều khả năng, – Công-xây bình thản trả lời.

-Chúng ta còn mấy tiếng đồng hồ nữa, trong thời gian đó có thể xảy ra nhiều chuyện! Thái độ bình tĩnh của Công-xây đã động viên tôi. Tôi ráng sức bơi nhưng quần áo bị sũng nước nặng như chì làm tôi vất vả lắm mới khỏi chìm. Công-xây nhận thấy điều đó.

-Thưa giáo sư, ngài cho phép tôi cắt bỏ quần áo trên người ngài?

Anh ta nói. Công-xây rút dao rạch một nhát từ trên xuống dưới bộ quần áo, rồi được tôi đỡ, anh ta kéo quần áo ra khỏi người tôi. Tôi cũng giúp Công-xây trút bỏ quần áo như vậy. Sau đó, chúng tôi bám vào nhau mà bơi. Tuy nhiên tình hình cũng vẫn tệ hại như trước. Có lẽ người ta không biết là chúng tôi đã mất tích. Vả lại, nếu có biết thì chiếc tàu hỏng lái cũng chẳng chạy được ngược gió để đến cứu chúng tôi. Chỉ có thể trông chờ vào chiếc xuồng nhỏ. Công-xây bình tĩnh thảo luận về giả thiết ấy và lập kế hoạch hành động. Thật là một con người kỳ lạ! Đến lúc này mà anh ta vẫn ung dung như ở nhà vậy! Thế là hy vọng độc nhất giờ đây là mấy chiếc xuồng của tàu Lin-côn. Để tiết kiệm sức, chúng tôi quyết định làm như sau: trong khi người này khoanh tay, duỗi chân, nằm ngửa để nghỉ, thì người kia vừa bơi vừa đẩy đi. Cứ mười phút chúng tôi lại thay phiên. Như vậy, chúng tôi hy vọng có thể sống trên mặt nước vài tiếng đồng hồ, có thể tới rạng đông! Hy vọng thật mong manh! Nhưng con người sinh ra ở đời vốn không bao giờ tuyệt vọng. Vả lại, chúng tôi có những hai người… Chiếc tàu chiến và quái vật đâm vào nhau khoảng mười một giờ đêm. Nghĩa là còn gần tám tiếng đồng hồ nữa mới sáng. Nhiệm vụ đề ra hoàn toàn có thể hoàn thành được nếu chúng tôi được luân phiên nghỉ. Biển lặng, bơi không vất vả lắm. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn vào bóng đêm dày đặc đôi chỗ có ánh nước sáng như lân tinh. Tôi nhìn những làn sóng lấp lánh vỗ vào tay tôi rồi tản ra trên mặt biển… Gần một giờ sáng, tôi bỗng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Công-xây phải đỡ tôi và cáng đáng cả gánh nặng của hai người. Một lát sau, tôi thấy tiếng thở nặng nhọc và hổn hển của anh ta. Công-xây đuối hơi. Tôi hiểu rằng anh ta không cầm cự được lâu nữa.

-Buông tôi ra! Buông ra! – Tôi nói.

-Buông giáo sư ra ư? Không đời nào! – Công-xây trả lời.

-Có chết thì tôi chết trước. Trong giây phút đó, mặt trăng ló ra từ sau đám mây đen và gió đang lùa về phía nam. ánh trăng hiền hòa cho chúng tôi thêm sức. Tôi ngẩng đầu lên và đưa mắt nhìn chân trời. Phía xa, cách chúng tôi năm hải lý, bóng chiếc tàu chỉ còn lờ mờ. Nhưng chẳng thấy một chiếc xuồng nào! Tôi muốn kêu lên. Nhưng cách xa thế ai nghe thấy tiếng tôi? Vả lại, môi tôi bị sưng vếu lên không sao há ra được. Lúc đó Công-xây ráng sức la to:

-Cứu chúng tôi với! Cứu chúng tôi với!

Ngừng lại một giây, chúng tôi lắng nghe. Cái gì vậy? Tai bị ù vì máu dồn lên đầu, hay là tiếng đáp lại lời kêu cứu của Công-xây?

-Anh có nghe thấy không? – Tôi khẽ hỏi.

-Có. Rồi Công-xây lại ra sức kêu. Không lầm được nữa rồi! Có tiếng người đáp lại Công-xây! Phải chăng đó là tiếng của một người cũng bất hạnh như chúng tôi, cũng bị hắt xuống đáy biển như chúng tôi! Hay đó là tín hiệu từ chiếc xuồng mà chúng tôi không nhìn thấy trong bóng đêm? Công-xây thu hết sức tàn và tựa vào vai tôi lúc đó đã tê dại. Anh ta nghển nửa người lên khỏi mặt nước nhưng gục xuống ngay vì kiệt sức.

-Anh thấy gì?

-Tôi thấy, -Công-xây thều thào, -tôi thấy… tốt nhất là ta nên im lặng… giữ lấy sức! Công-xây đã thấy gì vậy? ý nghĩ về con quái vật bỗng nảy ra trong óc tôi. Hay là anh ta đã nhìn thấy quái vật?…

Nhưng còn tiếng người nói thì sao? Công-xây dùng chút sức còn lại đẩy tôi đi. Thỉnh thoảng anh ta ngóc đầu lên nhìn về phía xa và kêu. Đáp lại anh ta là một tiếng người nghe ngày càng rõ, hình như đang tiến lại gần. Nhưng tai tôi bắt đầu điếc đặc. Sức tôi đã kiệt, các ngón tay cứng đờ, miệng không thể mím lại được vì cơ miệng bị co rút mạnh. Tôi bị sặc nước mặn và lạnh buốt tới xương. Tôi ngóc đầu lên lần cuối cùng rồi chìm nghỉm… Nhưng tôi chạm ngay vào một vật rắn. Tôi víu lấy nó. Tôi cảm thấy mình được đưa lên mặt nước và dễ thở hơn… tôi ngất đi… Chắc là nhờ được xoa bóp mạnh toàn thân, nên tôi tỉnh lại ngay. Tôi mở mắt…

-Công-xây! – Tôi thều thào.

-Giáo sư gọi tôi ạ?

-Công-xây đáp lại. Dưới ánh trăng đang lặn, thấp thoáng một khuôn mặt mà tôi nhận ra ngay.

-Nét!

-Tôi kêu lên.

-Chính tôi đây thưa ngài! Ngài thấy đấy, tôi vẫn chạy theo món tiền thưởng!

-Ông bị văng xuống nước khi tàu gặp nạn, phải không?

-Đúng vậy! Nhưng tôi may mắn hơn ngài. Tôi gặp ngay một hòn đảo di động.

-Một hòn đảo nhỏ?

-Nói đúng hơn là đã cưỡi trên lưng một con cá thiết hình khổng lồ.

-Tôi không hiểu ông nói gì, ông Nét ạ.

-Ngài thấy đó, tôi nghi ngờ ngay khi mũi lao của tôi không đâm thủng được da con quái vật, mà chỉ trượt trên mặt ngoài của nó.

-Vì sao vậy ông Nét? Vì sao?

-Thưa giáo sư, vì nó được bọc thép! Khả năng suy nghĩ của tôi bỗng trở lại ngay, trí nhớ được phục hồi, tôi tỉnh hẳn là nhờ những lời nói của Nét. Tôi hơi lại sức sau cơn chấn động và trèo lên lưng vật đó. Tôi thử lấy chân gõ. Thân nó rắn như đá không mềm như cá voi! Nhưng nếu đó là cái mai bằng xương của loài động vật thời cổ đại thì sao? Nếu vậy thì tôi phải xếp quái vật này vào loài bò sát như rùa hay cá sấu. Nhưng không! Cái lưng đen bóng, nơi tôi đang đứng nhẵn thín, phẳng lì chứ không có vảy. Gõ xuống, nó kêu boong boong, và lạ thay, nó lại được ghép lại bằng thép lá. Không còn nghi ngờ gì nữa! Cái mà người ta vẫn tưởng là động vật, là quái vật, là hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên, cái đã làm cả giới bác học bế tắc, đã kích động óc tưởng tượng của các thủy thủ ở cả hai bán cầu, lại là một hiện tượng kỳ diệu hơn, do bàn tay người tạo ra. Nếu như tôi có may mắn xác định được sự tồn tại của một động vật kỳ quái nhất, tôi cũng chẳng ngạc nhiên tới mức ấy. Việc thiên nhiên tạo ra những điều kỳ diệu chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng khi chính mắt mình trông thấy một cái gì đó kỳ diệu, siêu nhiên, lại do thiên tài con người tạo ra, thì đó là điều đáng suy nghĩ! Tuy vậy, chúng tôi đâu có thì giờ để suy nghĩ nhiều. Chúng tôi đang nằm trên mặt một chiếc tàu ngầm kỳ lạ trông tựa một con cá bằng thép khổng lồ. ý kiến của Nét Len về điểm này đã rõ. Tôi và Công-xây chỉ còn việc đồng ý với anh ta. Tôi nói:

-Nếu đây đúng là một chiếc tàu thì nhất định phải có máy móc làm chuyển động và người điều khiển chứ!

-Chắc là như vậy!

-Nét trả lời.

-Nhưng tôi đứng trên hòn đảo di động này đã ba tiếng đồng hồ mà chẳng thấy một dấu hiệu nào của sự sống cả.

-Nhưng chiếc tàu chuyển động chứ?

-Thưa ngài, không! Nó bập bềnh trên sóng chứ chẳng chuyển động chút nào.

-Chính chúng ta đã biết rõ hơn ai hết tốc độ con tàu này! Muốn đạt tốc độ đó cần có máy móc; muốn điều khiển máy móc phải có thợ. Từ đó tôi kết luận rằng… Chúng ta đã thoát chết!

-Hừm!

-Nét nghi ngờ. Đang lúc đó, tựa như để khẳng định lời nói của tôi, phía sau chiếc tàu kỳ lạ đó có một tiếng rít. Đúng là chân vịt bắt đầu quay, đẩy tàu chạy. Chúng tôi vội bám lấy một chỗ ở mũi tàu nổi lên trên mặt nước chừng tám mươi cen-ti-mét. Cũng may là tàu chạy với tốc độ vừa phải. Nét Len làu bàu:

-Chừng nào cái “phao” này còn nổi thì tôi chẳng có gì phản đối. Nhưng nếu nó giở trò lặn xuống thì cái mạng của tôi chẳng đáng hai đô-la!

Anh chàng Ca-na-đa này có thể đánh giá mạng mình rẻ hơn nữa. Cần cấp tốc đàm phán với những người trong chiếc tàu này: Tôi rờ rờ mặt ngoài để tìm một cái nắp, một lỗ hổng nào đó. Nhưng từng hàng đinh ri-vê tán chặt các nếp ngoài, không để một kẽ hở nào. Trăng đã khuất dưới chân trời. Chúng tôi chìm trong đêm tối. Phải đợi tới rạng đông để tìm cách lọt vào phía trong con tàu. Thế là tính mệnh chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của những người điều khiển con tàu này! Họ cho tàu lặn xuống là chúng tôi toi mạng ngay! Còn nếu họ không làm như vậy thì tôi chẳng nghi ngờ gì khả năng đặt quan hệ với họ. Nếu họ không chế tạo dưỡng khí bằng phương pháp hóa học thì thỉnh thoảng họ cũng phải cho tàu nổi lên mặt biển để dự trữ không khí mới. Như vậy, phải có một lỗ thủng nào đó để lấy không khí vào trong tàu. Hy vọng thuyền trưởng Pha-ra-gút đến cứu đã tiêu tan! Tàu đang chạy về phía tây với tốc độ vừa phải, có lẽ không quá mười hai hải lý một giờ. Chân vịt rẽ nước rất đều và tung lên từng chùm tia nước lấp lánh. Gần bốn giờ sáng tốc độ con tàu tăng lên. Chúng tôi chật vật lắm mới bám được vào mặt ngoài con tàu đang lao đi vun vút. Sóng quất vào chúng tôi từ bốn phía. Cũng may là Nét rớ được cái vòng neo. Chúng tôi vội bám chặt lấy nó. Cái đêm dài dằng dặc đó cũng đã qua. Tôi khó nhớ lại được tất cả những gì đã trải qua đêm đó! Tôi nhớ là đôi khi sóng yên gió lặng, từ xa vọng lại những nhịp đàn dồn dập, những âm điệu bị đứt quãng. Chiếc tàu ngầm bí hiểm này là thế nào? Nó đang chạy đi đâu? Những người trong tàu là ai? Cái động cơ kỳ lạ nào đã làm nó chạy được với tốc độ ghê người như vậy! Trời đã sáng. Sương sớm vây quanh chúng tôi một màu trắng đục. Nhưng rồi sương cũng tan. Tôi đã định xem xét kỹ phần trên của thân tàu nổi lên mặt nước thì bỗng cảm thấy tàu từ từ lặn xuống.

-đồ quỷ! – Nét Len vừa quát vừa nện chân xuống vỏ tàu.

-Mở ra nhanh lên! Nhưng khó có thể nghe được cái gì, vì tiếng chân vịt quay ầm ầm. Cũng may là tàu tạm ngừng không lặn xuống nữa. Từ phía trong tàu có tiếng then cửa lạch cạch. Nắp tàu mở ra. Một người thò đầu lên nhìn. Hắn kêu lên một tiếng không nghe rõ rồi biến mất. Mấy phút sau, từ trong tàu bước ra tám người lực lưỡng, mặt bịt kín. Họ lẳng lặng kéo chúng tôi vào trong chiếc tàu ngầm khủng khiếp của họ.

Bạn đọc cảm nhận


Ngô Nhi

Thiết kế bìa bắt mắt đã khiến mình mua quyển sách này. Đây là lần đầu tiên mình đọc tác phẩm của Jules Verne. Tác giả với trí tưởng tượng phong phú đã đưa mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhất là khi biết được ông sống ở thế kỉ thứ 19 bởi trí óc của ông thật sự đã đi trước thời đại của mình rất xa. Sách của ông cũng là niềm cảm hứng cho rất nhiều bộ phim đình đám sau này. Quyển sách đáng đọc và nên có của tất cả mọi người trong mọi lứa tuổi.

Vũ Đức Đạt

Mình tìm đọc các tác phẩm kinh điển của thế giới và đây là tác phẩm đầu tiên mình hướng tới. Cầm cuốn sách này trên tay như đang ôm báu vật đáy biển vậy đó. Và thứ hai là điểm cộng cho nội dung, vì nó là tác phẩm văn học kinh điển thế giới rồi nên khỏi bàn cãi nữa. Một cuộc hành trình băng qua đại dương – nghẹt thở đến từng chi tiết! Nhiều lúc đến đoạn tàu Nautilus thiếu không khí mà chưa thể nổi lên để bơm không khí vào, mình có cảm tưởng như cũng đang khó thở y chang các nhân vật trong câu chuyện luôn! Thích nhất là Conseil, anh chàng phụ tá của bác học Aronnax, là con người điềm tĩnh, sáng suốt, dũng cảm và có chút gì đó theo như mình là “ngây ngô”, cực kì thú vị với nhân vật này. Ngoài ra thuyền trưởng Nemo và chàng thợ săn bẳn tính Ned Land cũng là tuyến nhân vật hay, thu hút, tạo nên một con tàu ngầm có đủ mọi loại người sống trong nó vậy. Đây là tác phẩm nhất định không thể bỏ qua, đặc biệt đối với những ai mê khám phá đại dương, muốn đi vào lòng biển để hiểu biết nhiều hơn, hãy mau chóng thêm nó vào danh sách đọc của bạn nào.

Tran Minh Thu

Khi đọc cuốn sách này, mình trải qua những cung bậc cảm xúc như sau: Đầu tiên mình cảm thấy hơi chán(2′ đầu tiên), sau đó là có hứng thú. Rồi từng câu chữ của tác phẩm cuốn mình vào trong đại dương kì diệu lúc nào không hay. Càng đọc, mình càng tò mò về thuyền trưởng Nemo, “ông là ai?sứ mệnh của ông là gì? Ông là người tốt hay kẻ xấu? Là anh hùng hay một kẻ có âm mưu?” Nhưng câu hỏi đó cứ xoay quanh mình. Mình vô cùng muốn tìm ra sự thật ở chương cuối. Cũng như vị giáo sư đáng mến mong muốn được giải thoát trở về quê hương nhưng không giấu được niềm tiếc nuối nếu phải dừng cuộc phiêu lưu dưới đáy đại dương, mình thực sự không muốn quyển sách kết thúc. Mình chỉ muốn nó kéo dài vô tận, để mỗi đêm trước khi đi ngủ, có thể cùng con tàu Nautilus khám phá vẻ đẹp kì diệu của biển khơi. Mình rất tiếc khi không đọc nó sớm hơn và rất mừng vì dù sao mình cũng đã đọc được nó.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button