Review

Hai Năm Trên Hoang Đảo

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Jules Verne
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đông A
Số trang 428
Ngày xuất bản 02-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Một sự cố xảy ra trong đêm tối – du thuyền Sloughi mất tích và trôi dạt vào Thái Bình Dương, mang theo mười lăm cậu bé từ tám đến mười bốn tuổi, không một cơ may được cứu giúp cũng chẳng có người lớn nào để cậy trông. Vừa thoát khỏi bão tố và những con sóng dữ của đại dương, du thuyền lại dạt vào một miền đất hoang sơ, bí ẩn. Kì nghỉ hè mơ ước bỗng chốc hóa thành một “trường học” sinh tồn gian khổ: các cậu bé phải tự xoay xở để kiếm cái ăn, chốn ở và sống sót qua bao thử thách, hiểm nguy với hi vọng mong manh được thấy lại quê nhà.

Hai năm trên hoang đảo của Jules Verne trước hết là một cuộc phiêu lưu kì thú mở ra bao điều mới lạ về thế giới tự nhiên, đồng thời khơi gợi khao khát trưởng thành và ý chí tự lập ở các em nhỏ. Nhưng nhìn rộng ra, đây cũng là bức tranh thu nhỏ về công cuộc thám hiểm và chinh phục những vùng đất mới từng là một chương quan trọng trong lịch sử loài người. Qua đó, độc giả có dịp hiểu thêm về mối quan hệ giữa con người nhỏ bé nhưng giàu trí khôn và nghị lực với thiên nhiên kì vĩ, đôi khi khắc nghiệt nhưng hào phóng vô cùng.

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Winny Nguyễn

Jules Gabriel Verne (1828-1905) là tác giả tiêu biểu người Pháp của dòng truyện khoa học viễn tưởng và phiêu lưu. Bằng kiến thức khoa học uyên bác và tài văn chương điêu luyện, ông đã viết nên loạt truyện “Những cuộc du hành kỳ thú” gồm hàng chục tiểu thuyết với những ý tưởng hết sức táo bạo như thám hiểm đại dương, du hành vào vũ trụ, phiêu lưu vào lòng đất, khám phá đảo hoang… Tác phẩm “Hai năm trên hoang đảo” được xuất bản năm 1888, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được chuyển thể thành phim nhiều tập, phim hoạt hình và truyện tranh được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới.

Mười lăm cậu bé thuộc trường nội trú Chairman của New Zealand đang háo hức mong chờ cuộc tham quan vòng quanh bờ biển trên du thuyền Sloughi. Nhưng một sự cố xảy ra lúc nửa đêm, trong lúc các cậu bé đang ngủ say trên tàu, dây buộc đã bị tuột. Và cứ thế chiếc du thuyền cứ trôi lênh đênh trên biển mà không hề có thủy thủ đoàn ngoại trừ chú nhóc Moko học việc. Các cậu bé còn quá nhỏ để điều khiển được con thuyền, biển cả mênh mông vắng ngắt không có người giải cứu, chưa kể những con bão biển đang đe dọa sự an toàn. Kỳ nghỉ hè đáng mơ ước bỗng chốc hóa thành cuộc chiến sinh tồn gian khổ: cố gắng vượt qua cơn bão chỉ chực xé nát con thuyền, mắc kẹt trên hoang đảo lạ lẫm mênh mông, phải tìm chỗ trú ẩn để vượt qua được mùa đông khắc nghiệt, xoay xở tìm thêm đồ ăn dự trữ, tạo ra các dấu hiệu để giải cứu, rồi phải đối mặt với bọn người bất lương với âm mưu cướp của giết người. Nhưng bằng sự đoàn kết, tháo vát, dũng cảm và lên kế hoạch kỹ càng, các cậu bé đã vượt qua được mọi khó khăn và hiểm nguy mặc dù cậu bé lớn nhất cũng chỉ mười bốn tuổi. Trong số đó một vài cậu bé nổi bật như Gordon khôn ngoan, điềm tĩnh, nhìn xa trông rộng, là bộ óc của cả nhóm, được xem như anh cả luôn đưa ra những nhận định đúng đắn và phân giải kịp thời những mâu thuẫn. Briant thì thông minh, năng nổ, gan dạ, nhiệt huyết, là đầu tàu của cả nhóm. Cậu thường nghĩ ra những kế hoạch hành động tuyệt vời và không ngại là người đầu tiên thử sức. Cậu cũng rất quan tâm và chăm lo cho các cậu bé nhỏ hơn nên được mọi người yêu quý. Nhưng chính vì vậy mà Briant hay bị Doniphan ganh tị. Doniphan cũng thông minh và gan dạ nhưng lại hay kiêu căng và tự cao, luôn muốn được làm chỉ huy, muốn mình vượt trội nhất và được công nhận, vì thế không ít lần xảy ra mâu thuẫn khi bị Briant vượt mặt.

Những đứa trẻ ban đầu còn vô lo và trẻ con, nhưng sau quá trình sinh tồn cũng là quá trình phát triển con người và tính cách, các cậu bé đã dần trưởng thành hơn, hiểu chuyện hơn. Các khó khăn và thử thách được đưa ra lần lượt bị các cậu bé chinh phục, qua đó cũng chứng minh bản lĩnh và sự khôn ngoan của mình. Đặc biệt là Doniphan đã không còn kiêu căng và hay ganh tị, thậm chí cậu còn xả thân để cứu Briant khi lâm nguy. Khi có thể bỏ qua bản thân mình mà hy sinh vì người khác thì đó cũng là lúc Doniphan học được cách trưởng thành.

Truyện đơn giản theo cách thuần kể và tả, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Cùng mang một đề tài về những đứa trẻ trên hoang đảo phải trải qua quãng thời gian gian khổ trước khi có người đến cứu nhưng tác phẩm “Chúa Ruồi” của William Golding u ám, hiện thực và khắc nghiệt hơn, còn “Hai năm trên hoang đảo” mang màu sắc tươi sáng và lạc quan để hướng đến một cái kết cổ tích có hậu. Truyện cũng đặc biệt đề cao tinh thần đoàn kết và hữu nghị giữa các quốc gia khi để cho ba cậu bé dẫn đầu là người New Zealand, Pháp và Mỹ, ban đầu còn có những mâu thuẫn nhưng sau đã phát triển những mối quan hệ thân thiết và không ngại hy sinh cho nhau. Các cậu bé tuổi còn nhỏ và sức lực cũng có hạn nhưng đã chứng minh một điều: sự đoàn kết có thể chiến thắng thiên nhiên hoang sơ khắc nghiệt và chế ngự được kẻ thù hung ác.

Tuy nhiên chính vì quyển sách viết về trẻ em và chủ yếu dành cho trẻ em nên khá nhiều chi tiết bị tô hồng quá mức. Trên đảo có sẵn một hang động nhỏ đủ làm chỗ trú thân, thức ăn và nước uống đầy đủ, không có gì là quá khắc nghiệt trong việc sinh tồn kể cả trải qua hai mùa đông âm hàng chục độ. Gordon cái gì cũng biết, còn Doniphan thì bắn súng rất giỏi, Moko thì nấu ăn ngon. Cho nên tựa tiếng Việt là hai năm trên hoang đảo nhưng thật ra trong cái tên gốc có nghĩa là kỳ nghỉ hai năm, thì cái tên gốc có vẻ chính xác hơn.

Đánh giá: 3.5/5.
Yêu thích: 2.5/5.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button