Review

Gió Lạnh Đầu Mùa

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Thạch Lam
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Minh Long
Số trang 220
Ngày tái bản 04-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Gió Lạnh Đầu Mùa là tập truyện ngắn của Thạch Lam(1910 – 1942). Với bút pháp chân thực Thạch Lam đã dẫn dắt người đọc đi từ niềm xúc cảm này đến niềm xúc cảm khác với những cảnh đời không mấy may mắn…trong một xã hội đày dẫy những bất công. Đúng như Thạch Lam đã từng tuyên ngôn: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Trong Gió Lạnh Đầu Mùa, tình người ấm áp như chiếc áo mùa đông đã nảy nở trong lòng hai đưa trẻ: Hai chị em Lan, Sơn mặc áo ấm ra chợ chơi với bọn trẻ nhà nghèo thấy Hiên con bé hàng xóm co ro bên cột quán mặc manh áo rách tả tơi bèn chạy về nhà lấy áo bông cũ đem cho nó mặc. Mẹ Lan thấy nhà Hiên nghèo khổ bèn cho mẹ nó mượn năm hào may áo…

[taq_review]

Review

Trang Vũ

Tác phẩm của Thạch Lam ra đời đã bao nhiêu năm tháng qua đi, nhưng giá trị của tác phẩm để lại vẫn tồn tại mãi qua thời gian. Thế hệ nào cũng có những con người khốn khổ, nghèo đói, không đủ cơm ăn áo mặc, không được học hành. Và thế hệ nào cũng có những con người sẵn sàng sẻ chia cho người nghèo những manh áo ấm, những quyển tập xinh. Đó có thể nói là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam,và sẽ là nét đẹp mãi mãi bởi tôi tin rằng thế hệ trẻ chúng ta sẽ duy trì một cách mạnh mẽ nghĩa cử đẹp này. Truyện là một bức tranh ấm áp trong những ngày đông lạnh giá, ca ngợi cử chỉ tốt đẹp của con người cho dù đó mới chỉ là những em bé.Tuy nhiên đây cũng là một tác phẩm khó phân tích, vì cách hành văn của tác giả rất rõ ràng, giọng văn nhẹ nhàng, không quá nhiều ý tứ , chỉ đơn giản là kể chuyện, nhưng lại để lại cho bạn đọc bao nhiêu cảm xúc.

Ngô Thanh Phương

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là vào một buổi chiều mùa đông, rất lạnh và đầy gió. Vậy nên cảm giác “gió lạnh đầu mùa” đem lại xem ra rất “thấm”. Khá ngạc nhiên về cái cách Thạch Lam miêu tả về mùa đông trong truyện, với cây cỏ trần trụi và cây lá xác sơ. Xuyên suốt mạch truyện là sự xuất hiện của những cô nhỏ, cậu nhỏ giữa đông lạnh buốt giá. Tôi rất lấy làm cảm thương cho những cô bé, chú bé này. Áo quần không có nhiều, giữa đông lạnh tưởng như đóng băng như vậy, vẫn ở ngoài đường với những manh áo tả tơi! Thật đáng thương biết mấy! Hai nhân vật chính xuất hiện giữa đám đông trẻ con ấy, tựa như những vệt sáng trong bức tranh màu đen ảm đạm ấy. Chính tình người, đã kéo chúng lại với nhau. Sơn đã đem áo cũ của mình cho Hiên mà không một chút ngần ngại, dù cậu biết có thể bị mẹ mắng. Nhưng không, mẹ cậu không những không mắng mà lại còn khen con. Phải! Tình người lại một lần nữa được khắc hoạ, và còn rõ nét hơn rất nhiều. Tình cảm đùm bọc ấy, yêu thương giúp đỡ nhau giữa những con người lao động, giữa những cô bé cậu bé nhỏ tuổi như vậy thật đáng trân trọng. Có lẽ, mùa đông năm ấy là một mùa đông rất lạnh, nhưng chỉ lạnh “ĐẦU MÙA” mà thôi! Chính những trái tim nhỏ bé ấm áp đong đầy tình yêu thương kia đã làm tan chảy cái buốt giá những ngày còn lại của mùa đông! Vì thế, bạn cũng đừng thắc mắc tại sao nhan đề lại là “GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA” mà không phải là “GIÓ LẠNH SUỐT MÙA” nhé!

Nguyễn Thị Vy

Trong cảm nhận của mình, Thạch Lam là một cây bút có phong cách văn chương vô cùng độc đáo. Ban đầu, văn của ông, với những câu chuyện đơn giản, nhẹ nhàng và chân thực về cuộc sống có thể không khiến nhiều người chú ý. Nhưng một khi đã đọc những câu chuyện ấy bằng một sự trân trọng, ta có thể thấy rằng, chính từ những điều giản đơn ấy, Thạch Lam đã làm nên biết bao điều kỳ diệu. Chỉ cần chọn đọc ngẫu nhiên một truyện ngắn trong “Gió lạnh đầu mùa”, người đọc có thể cảm thấy cái se se, giá buốt của những miền quê nghèo, có thể cảm thấy nỗi buồn dai dẳng mà những nhân vật trong truyện phải trải qua. Giọng văn của Thạch Lam thực có sức ảm ảnh lớn, vừa như ru người ta, vừa như làm người ta thức tỉnh trong đêm đen tăm tối.

“Gió lạnh đầu mùa” là một tập truyện đặc biệt, cuốn hút và giàu tính nhân văn.

Gió Chở Mùa Về

Ngay từ những ngày học phổ thông, tác phẩm của Thạch Lam đã làm tôi ấn tượng và chết mê chết mệt. Văn Thạch Lam viết nhẹ nhang, khoan thai mà trong sáng, giàu hình ảnh vô cùng. Chỉ một câu văn với số từ ngữ nhất định, Thạch Lam có thể mở ra cho người đọc cả một không gian đầy hình ảnh, màu sắc, thanh âm vô cùng sống động. Gió lạnh đầu mùa có lẽ là tập truyện ngắn làm tên tuổi của Thạch Lam nổi bật trong văn đàn Việt Nam. Dấu ấn hiện thực và lãng mạn trong tác phẩm Thạch Lam được đan xen hài hòa, khiến người ta vừa cảm thấy buồn thương cho hiện thực đói nghèo của xã hội bấy giờ, vừa thấy ấm lòng bởi chút hi vọng vươn lên hiện thực đầy mạnh mẽ. Đọc tác phẩm này, bạn sẽ không hề cảm thấy hối tiếc !

Quynh Anh

Một chút buồn, một chút tê xót, một chút thương giận, một chút bàng hoàng, song trên tất cả vẫn là sự cảm thông, tình yêu và tình người. Đó là những gì tôi cảm nhận được sau khi đọc xong “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam. Mỗi lần đọc xong một câu chuyện của Thạch Lam là một lần tôi được chìm đắm trong những câu chữ mềm mại như lời ru, trong mỗi nhân vật hết sức bình thường, đó là những con người mang trong mình những nghi kỵ, những hẹp hòi, những hèn nhát, song vượt trên tất cả, ta vẫn cảm nhận được tình người trong họ, những phần thiện trong họ. Đó là một thành công của Thạch Lam, nhà văn đã nhìn nhận con người ở góc độ đời thường, không tô vẽ, không giả dối để rồi nắm bắt lấy phần tốt đẹp nhất trong họ, để nhấn nhá, để lan tỏa trên toàn bộ bề mặt câu chữ. Có lẽ vậy, nên đọc truyện của Thạch Lam, tôi đều tìm được cảm giác yên bình chăng?

Ngọc Hân Huỳnh

Đọc những trang viết giàu cảm xúc, chất chứa bao nỗi ray rứt về những mảnh đời cùng khốn, phản ánh chân thực một xã hội “nghèo”. Ở đó con người không hẳn bao lần muốn chết và đã chết đi vì cái sự nghèo ăn, nghèo mặc, mà họ muốn giải thoát sự sống của chính mình bởi cái nghèo tình, nghèo nghĩa của người đời, của xã hội bất công, của những miệt thị giai cấp,hỡi ơi sinh ra những cảnh khốn nạn thay!

Nhạy cảm trước những ray rứt của nhà văn, tôi thấy như chính mình đang sống giữa cái xã hội tàn nhẫn trong từng nét bút của ông, có những dòng chỉ tưởng như tả cảnh, nhưng sao nó ngậm ngùi như vận vào thật vừa vặn với từng nhân vật. Trong những bóng tối mù mịt, trong những cái cảnh ẩm mốc hay cái mùi rác rửi chân thực, đâu đó trong văn Thạch Lam luôn gợi mở những ánh sáng của những đoàn tàu, ánh trăng..v..v, dù thoáng qua thật nhanh hay chỉ leo lét nhưng đó là cả sự đồng cảm, sự nhân đạo của chính nhà văn gửi đến những mảnh đời nhỏ bé khốn cùng trong từng trang viết!

Thùy Linh

Giọng văn của Gió đầu mùa mang đậm phong cách của tác giả Thạch Lam, nhẹ nhàng mà cuốn hút người đọc qua từng câu chữ như một làn gió dịu nhẹ. Tác phẩm đã phản ánh 1 cách chân thực về hiện thực xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX qua đó giúp các thế hệ trẻ sau này khi đọc được sẽ hiểu rõ hơn và thấu cảm hơn với thế hệ của ông bà chúng ta, những con n gười sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy sóng gió của nước nhà. Và hơn hết khi đọc văn của Thạch Lam chúng ta sẽ học được các sống trọn vẹn hơn, giúp ta biết yêu thương nhiều hơn và mở lòng mình với những người xung quanh.

Hương Kiều

“Gió đầu mùa” đã thổi làn gió dịu nhẹ đến tâm hồn người đọc. Từng mẫu truyện đã để lại xúc cảm sâu sắc về nạn đói, về sự nghèo nàn, và hơn hết là về tình người trong thời buổi cơm không có ăn, áo không có mặc ấy. Tả thực là phong cách sáng tác nổi bật của Thạch Lam, thực đến nỗi đôi khi khiến con người ta cảm thấy “rợn người”, nhưng đó cũng chính là cái làm nên cái hay, cái lạ trong văn Thạch Lam. Đọc văn Thạch Lam khiến ta thêm yêu và quý trọng hơn cuộc sống này!

Khánh Nhi

Người ta nói “truyện của Thạch Lam là truyện mà không có chuyện”… Những tác phẩm của Thạch Lam cứ nhẹ nhẹ bằng bằng, mọi thứ êm đềm trôi theo dòng thời gian và theo mạch cảm xúc của nhân vật, không hề có cái gọi là “kịch tính” hay “cao trào”… Một thiên truyện trải ra như mặt nước mùa thu! Thế nên có không ít người nhận xét rằng truyện Thạch Lam “chán không đỡ nổi”. Ừ thì đúng là khi bắt đầu sẽ cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị, nhưng thật ra chỉ cần thả hồn vào các trang văn của ông thì rất nhanh thôi, người ta sẽ sớm cảm nhận được “mùi vị cuộc đời” man mác tản ra từ từng câu chữ… Cái tài của Thạch Lam chính là như thế, kể những câu chuyện thật bình thường, thật giản dị, để nhiều khi vô tình người ta nhận ra hình ảnh cuộc sống quen thuộc quanh mình trong đó, để rồi có thể lắng lòng mình trong một khoảnh khắc với cuộc đời…

Hà Pochino

Khi nhìn tác phẩm Gió đầu mùa của Thạch Lam hẳn ai cũng nhớ ngay đến tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” chúng ta được học từ hồi học sinh. Là một khung cảnh vô cùng vui nhộn và bình yên của xóm chợ, những hoàn cảnh khác nhau của gia đình mỗi đứa trẻ, đặc biệt là của hai chị em nhà Sơn. Tập truyện ngắn Gió đầu mùa cũng vậy, ngay cái tên thôi cũng thấy sự se se lạnh của mùa thu, lành lạnh,nhẹ nhàng, ấm áp nhưng cũng có chút buồn man mác. Đằng sau mỗi câu chuyện là tình làng xóm, tình người và tình yêu quê hương đất nước, sự cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ luôn sống với lòng tốt nhiều hơn những gì họ có, đó chính là những điều mà tác giả muốn gửi gắm vào những tác phẩm của mình! Một tác phẩm hay!

Todagawa Shuu

Trong chương tình giáo dục phổ thông đã được đọc câu chuyện Hai đứa trẻ, khi ấy đã cảm thấy thích thú và yêu thương những nhân vật này. Nên khi hay Nhã Nam cho xuất bản hàng loạt các đầu sách thuộc Việt Nam danh tác thì mừng lắm. Với mình, Gió đầu mùa có một vị trí rất đặc biệt, bởi cái cách mà nhà văn đã xây dựng hình ảnh các nhân vật cũng như xây dựng tình tiết, rất thấm nhuần tinh thần văn hóa dân tộc, lại mộc mạc, giản đơn và hết sức thâm tình.

Thảo Đào

Tôi đọc Thạch Lam mà cứ ngỡ đang đọc tập truyện ngắn hiện đại cơ. Những câu chuyện của ông hay quá, gần gũi quá khiến tôi đôi khi quên mất rằng nó đã được viết từ mấy chục năm trước. Từ “Cơn giận” tới ” Tiếng chim kêu”, tôi cứ thấy mình trong đó, rõ ràng dù ở thời đai nào, con người cũng có những lúc như thế, vô tình làm người khác khổ sở, vì không muốn phiền phức mà không muốn ra tay làm việc tốt… Đọc văn của ông tôi thấy như có một tấm gương soi vào cuộc sống, vào mỗi chúng ta vậy, tôi đã phải nhủ mình ” Ôi chao, sao mà đúng quá, có những lúc mình cũng xấu xí thế này đây!” , để rồi sau đó phải tự nhắc mình sửa đổi, tự nhắc mình phải tân tiến hơn những con người từ thế kỉ trước đó.

Cách viết của Thạch Lam thật nhẹ nhàng, dung dị và chân thật, cách viết của ông khiến tôi cảm thấy như với mỗi câu chuyện mình lại đang được dạy một bài học về cuộc sống, về con người, một bài học mà mình không bị nhét vào đầu suy nghĩ của người khác rằng cái gì đúng, cái gì sai mà đúng sai tự thân nó ở trong truyện, và bạn chỉ đơn giản tự nhận ra nó thôi. Tôi nghĩ tác phẩm của Thạch Lam hợp với mọi lứa tuổi, nhưng sẽ rất tuyệt nếu mấy em nhỏ được đọc cuốn sách này. Rất hay và rất ý nghĩa!

Lộc Cộc

Vào một đêm yên ắng nọ, cô bé học sinh lớp 11 là tôi đã đọc tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam trước khi lên lớp. Đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác rất lạ, một mảnh kí ức trong tôi chợt ùa về, cái bóng tối bao trùm tác phẩm ấy hiện về xung quanh tôi, tôi như lạc vào câu chuyện tác giả kể mà tưởng như mình đã từng được chứng kiến trước đó vậy. Lần đầu tiên tôi tìm được tác giả văn học Việt Nam mà tôi yêu thích nhất- điều mà tôi biết chắc chắn sau khi đọc tác phẩm trên. Thế là tôi tìm đến Gió đầu mùa. Và đúng như dự đoán, cuốn sách này đã không làm tôi thất vọng. Với giọng văn nhẹ nhàng, ấm áp mà sâu lắng, tác giả đã giúp tôi có cái nhìn sâu hơn về xã hội Việt Nam ta trước năm 1945. Hầu hết các tác phẩm trong Gió đầu mùa đều làm cho tôi chực trào nước mắt vì buồn, vì cảm thương cho những số phận nghèo khổ, bất hạnh. Nhưng trước khi gấp cuốn sách lại thì tôi được mỉm cười vì chợt nhận ra rằng đâu đó vẫn còn tình thương giữa con người và con người…

Nguyễn An

Là một người khá yêu thích văn Thạch Lam, với văn phong nhẹ nhàng mà giàu suy tưởng triết lý, giọng văn ông cứ như một dòng suối nhẹ nhàng chảy và ngấm cái mát lạnh vào xúc cảm ta. Đến với “Gió đầu mua” tôi còn bắt gặp một cái gì đó khác. Sự thực đến khắc nghiệt của đời sống. Đọc đến dòng cuối của “Gió đầu mùa” tôi lại thấm thía hơn về cuộc sống, một chuỗi bài viết trong tập truyện ngắn này khiến cho bạn đọc cảm thấy cái gì nhức nhối và đầy lòng trắc ẩn. Thạch Lam từng nhận định về văn chương: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.” Và ông đã làm được!

Đoàn Hồng Thủy

Gió đầu mùa của Thạch Lam là một trong những tập truyện ngắn tôi yêu thích nhất của văn học Việt Nam trước 1945 nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Các câu chuyện trong sách đều nhẹ nhàng man mác, dịu dàng như hơi thở nhưng tình người trong đó lại đơn sơ mà nồng ấm không ngờ. Thạch Lam đã viết những câu chuyện thể hiện đúng con người ông: dịu dàng, nhạy cảm và rất mực tài hoa. Cuốn sách có giả cả hợp lý, giấy in đẹp, điều đáng tiếc duy nhất là cái bìa không ấn tượng lắm.

Trích đoạn

Cái chân què

Cuộc đời có nhiều cái chế giễu đắng cay và đau đớn làm cho chúng ta đột nhiên hiểu cái ý nghĩa chua chát và sâu xa. Tôi sẽ kể câu chuyện dưới đây làm chứng cho sự ấy.

Tôi có một người bạn tên là Minh. Anh ta là một thiếu niên linh lợi, đảm đang và rất có nghị lực. Nhà anh vốn nghèo. Cũng vì cái nghèo ấy, mà từ thuở nhỏ, anh Minh đã phải chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, thiếu thốn không kể những nỗi bị ức hiếp mà những người nghèo ở thời nào cũng phải chịu. Vì vậy, khi nhớn lên, Minh chỉ có một chủ đích: làm giầu. Anh ta vẫn thường nói với tôi: “Đời bây giờ chỉ có một sức mạnh, là đồng tiền. Nếu anh có tiền, anh làm gì cũng được”. Tôi mỉm cười hoài nghi trả lời rằng sự đó không chắc lắm, rằng tuy đồng tiền là một sức mạnh đáng quý thật – vì ai dám chê bai nó? – nhưng không phải là mục đích cốt yếu ở đời và đồng tiền không đem lại cho ta sự sung sướng bao giờ cả. Minh nhún vai, cho tôi là một thi sĩ viển vông, chỉ biết mơ màng hão mà không biết đến những sự thiết thực khác cần hơn nữa.

Nhưng anh Minh hình như bị cái không may nó ám ảnh. Những công việc anh hăng hái làm đều bị thất bại cả. Những lúc anh tưởng được thành công, tưởng sẽ nắm trong tay được món tiền, thì lại là những lúc anh sắp được tin công việc hỏng. Cái không may ấy làm cho anh trở nên một người tấm tức, và càng ngày đồng tiền lại càng là cái ám ảnh độc nhất của trí não anh, cho đến ngày một cái không may lớn nữa đến làm anh khổ sở.

Hôm ấy anh ta đương đi trong phố, thì bị một cái ô tô tự nhiên bỏ đường nhảy lên hè cán phải. Minh chỉ kịp thoáng nghĩ đến cái sự không may ấy nữa, rồi anh đau quá ngất đi.

Khi tỉnh dậy, Minh thấy mình nằm trên một chiếc giường trong nhà thương. Anh chỉ mang máng nhớ lại hình như sau tai nạn, họ có mang anh lên bàn mổ, vì lúc bấy giờ anh thoáng ngửi thấy mùi thuốc mê. Nhưng rồi sau Minh mê đi không biết gì nữa.

Anh khe khẽ cử động chân tay, thì thấy chân bên phải như bị tê liệt. Chợt nghĩ đến sự cưa chân, Minh toát mồ hôi trán, quả tim đập mạnh.

Vừa lúc ấy, một người khán hộ bước vào phòng, tay cầm một chai thuốc. Cái câu Minh muốn hỏi người này, không ra khỏi được miệng anh ta. Minh sợ sự thực, sợ cái đã rồi, không bao giờ chữa được. Nhưng anh muốn biết.

Người khán hộ đặt chai thuốc trên bàn nói với Minh:
– Cứ hai giờ ông lại uống một thìa. Đây là thuốc cầm máu.
Minh hỏi lảng:
– Tôi ngất đi có lâu không ông?
– Lúc mang vào đây thì ông mê man không biết gì cả. Còn lúc lên bàn mổ thì ông hơi tỉnh lại một chút. Nhưng mà lại bị đánh thuốc mê ngay.
Minh hồi hộp đưa lưỡi liếm đôi môi khô ráo ấp úng hỏi:
– Thế… thế… mổ có lâu không?
Thầy khán hộ không phải là người biết tâm lý. Thầy ta đáng lẽ phải trông thấy đôi mắt của Minh sáng lên, và cái vẻ lo sợ của Minh hiện trên nét mặt. Thầy ta trả lời:
– Chỉ độ mươi phút. Cưa xoẹt một cái là xong.
Và thầy ta đưa ngón trỏ vụt qua bàn tay trái, với một dáng điệu rất rõ rệt. Minh ngất đi.

***

Minh sống những ngày chán nản ghê gớm trên giường bệnh. Cụt chân! Bây giờ anh đã cụt chân thì còn làm gì được nữa. Nghĩ đến lúc phải lê cái chân gỗ như những người què anh thường vẫn gặp, Minh thấy rùng mình lạnh giá. Một người tàn tật như anh thì còn bao giờ mong đạt được cái chủ đích anh vẫn theo đuổi xưa nay nữa. Còn mong gì có tiền! Đến mong cái chân lại lành như cũ cũng không thể nào được rồi. Minh chỉ muốn tự tử.

Nhưng bốn tháng sau, khi ra khỏi nhà thương, Minh cũng quen dần với cái số phận của mình. Anh đành chịu vậy với một chân què. Đấy là một sự an phận buồn rầu và khổ não, tràn lấp hết cả những sở ước của đời anh.

Nhưng, – đó là một cái may hay không may?

Minh lại hy vọng khi người thầy kiện của anh đến bảo cho anh biết có thể kiện hãng ô tô để xin đòi một số tiền bồi thường rất lớn. Anh ta, từ đấy, hồi hộp mong đợi từng ngày cái kết quả của vụ kiện trên tòa án. Anh nghĩ đến số tiền mà anh sẽ có, nghĩ đến cái sức mạnh mà tiền sẽ mang đến cho anh. Tôi thấy anh ta lại vui vẻ, huýt sáo miệng, và toan tính thực hành những cái mộng tưởng mà anh ta theo đuổi bấy lâu nay.

Quả nhiên anh được kiện. Ngày lĩnh tiền Minh rủ tôi cùng đi. Anh mân mê những tờ giấy bạc – một vạn bạc – một cách thiết tha và khoan khoái. Mắt anh sáng lên, nhưng lần này vì vui mừng; anh giữ chặt vào ngực tập giấy bạc yêu quý, như ôm một người tình nhân.

Tuy vậy, lúc cùng đi xe trở về nhà, một mối buồn lại đến ám ảnh anh. Minh buồn rầu, chỉ vào cái chân gỗ của anh, nói:

– Giá không què chân mà được số bạc này có phải sướng biết bao không!

Rồi anh tấm tức thở dài, mắt đăm đăm nhìn thẳng ra xa như đang suy nghĩ lung lắm.

***

Được ít lâu, tôi gặp Minh luôn luôn ở những chốn ăn chơi trong thành phố. Đồng tiền của anh làm cho anh đạt được mọi ý muốn. Anh lấy tiền bù đắp vào cái chỗ chân què của anh; cái sức mạnh đồng tiền làm cho anh say sưa. Muốn tận hưởng những cái khoái lạc cũng như người khác,Minh vung tiền ra không tiếc.

Tôi đã có lần khuyên anh nên dè dặt, thì Minh có vẻ tấm tức trả lời:

– Anh bảo tội gì mà không tiêu cho sướng? Mà tôi còn giữ tiền làm gì cơ chứ?

Anh trầm ngâm một lát rồi nói tiếp:

– Anh không biết, tôi chơi bời để khuây khỏa nỗi buồn và để quên đi.

Tôi đưa mắt nhìn cái chân gỗ của anh không trả lời.

Mà thực, trong những cách hành động của Minh người ta nhận thấy như một cái chua chát, một nỗi căm hờn… Có lẽ anh Minh không tha thứ cho số mệnh đã oái oăm với anh như thế, chỉ cho anh có tiền sau khi anh đã bị cụt một chân. Những cuộc chơi bời của anh kịch liệt như một sự phản động mà chán nản như một vụ tự tử.

Hai năm qua. Điều mà người ta có thể đoán trước được đã đến. Phung phí trong hai năm, số tiền một vạn của anh Minh không còn một xu nhỏ. Anh lại trở lại với cái nghèo nàn như cũ, với những cái thiếu thốn của kẻ không tiền.

Nhưng tâm anh đã rớm máu bị thương; lòng anh bây giờ không như trước nữa. Bây giờ trong lòng anh đầy những sự chua chát và chán nản. Cái chán nản sau những cuộc chơi bời, cái chua chát khi nhận thấy sự thay đổi của lòng người đối với kẻ có tiền và không có tiền.

Tôi đến tìm anh Minh trong một căn nhà ở ngoại ô. Ôn lại chuyện cũ, tôi hỏi anh một cách thân mật:

– Thế nào, bây giờ anh đã quên chưa?

Minh buồn rầu, giơ cái chân cụt ra ánh sáng, thong thả trả lời.

– Không, nó ở đây, không quên được.

Anh nói cả vết thương ở ngoài hình thể và trong tâm hồn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button