
Giây Phút Này
Thể loại | Văn học nước ngoài |
Tác giả | Guillaume Musso |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
Công ty phát hành | Nhã Nam |
Số trang | 334 |
Ngày xuất bản | 01-2016 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Một ngọn hải đăng cũ. Một căn phòng cấm. Một lời nguyền xuyên qua ba thế hệ.
Một cuộc gặp định mệnh. Một tình yêu bùng cháy. Một trận chiến khốc liệt.
Một cuốn tiểu thuyết hồi hộp đến nghẹt thở. Một cái kết không thể dò đoán. Một tuyệt phẩm của Guillaume Musso.
“Một cuốn tiểu thuyết cực kỳ hiệu quả, dành để đọc trong vòng 24 giờ và sẽ là có tội nếu ta tiết lộ trước đoạn kết.”
[taq_review]
Trích dẫn
Khi tôi tới trước cửa nhà ông Sullivan thì đã gần 11 giờ sáng. Tôi đã khá dềnh dàng ở nhà Lisa: tắm táp xong, tôi đã hồi sức nhờ ngốn ngấu nửa gói Corn Pops, tôi lục trong tủ quần áo của cô để tìm một thứ trang phục khả dĩ thay thế được cho bộ vest. Thứ đồ duy nhất vừa vặn mà tôi tìm thấy là một chiếc áo phao màu hồng rực rỡ khiến tôi trông đần thối: giống hệt nhân vật nhiều ngấn quảng cáo cho hãng lốp Michelin vừa rơi vào một thùng sơn màu dâu rừng. Trong túi không còn đồng nào nên tôi chọn đi lậu vé tuyến tàu điện ngầm số 1. Một quãng đường dài bất tận xuôi từ bến Morningside Heights xuống tận bến phố Christopher – quảng trường Sheridan.
– Mở cửa cho cháu vào đi, ông Sullivan! Tôi lớn tiếng gọi trong lúc gõ cửa bằng vòng gõ hình đầu sư tử.
Không nghe bất kì lời đáp nào, ngoại trừ lời cảnh báo của bà hàng xóm nhà kế bên đang đứng cạnh cửa sổ:
– Cậu thôi cái kiểu gọi váng lên như thế đi!
– Cháu xin lỗi, thưa bà. Cháu tìm ông nội cháu. Ông không có nhà hay sao thế ạ?
– Ta nghe thấy ông ấy đi khỏi từ một giờ trước rồi. Buổi sáng ông ấy thường ra công viên dạo.
Tôi cảm ơn bà hàng xóm rồi đến lượt mình tiến ra công viên Washington. Tôi lang thang suốt nhiều phút quanh vòm cung bằng đá cẩm thạch, đài phun nước và những băng ghế công cộng bằng gang đúc mà không thể tìm ra ông Sullivan.
Cuối cùng tôi thấy ông ở phía sau công viên, trong khu vực có những cây nhỏ bao quanh đám người chơi cờ. Ních trên người chiếc áo vest chất liệu da lộn dày cộp, đầu được bảo vệ bởi chiếc mũ bê rê vải tweed, ông đang ngồi sau chiếc bàn đá chơi cờ chớp với mức cược năm đô với một cậu sinh viên người châu Á.
– Để ta chơi cho xong ván đã nào, nhóc, ông lên tiếng khi đoán ra sự hiện diện của tôi mà thậm chí còn không buồn ngước mắt nhìn lên.
Giận điên người, tôi lại gần bàn cờ và, bằng một động tác nhanh gọn, hất nó xuống đất khiến các quân cờ văng tung toé. Cậu sinh viên tranh thủ lúc lộn xộn để vơ lấy hai tờ tiền nằm lăn lóc trên bàn rồi thận trọng cuốn gói.
– Cậu làm ta mất năm đô rồi đấy, ông nội thở dài, rốt cuộc cũng nhìn vào tôi.
– Cháu cóc cần quan tâm chuyện đó, tôi đáp rồi ngồi xuống chỗ đối diện ông.
Một nụ cười mím chi khiến gương mặt ông bừng sáng.
– Chiếc áo của cậu, quả không tệ chút nào… Màu hồng hợp với cậu phết đấy chứ.
Lần này, tôi đành lòng giơ ngón tay thối về phía ông.
– Ta cũng vậy, rất vui khi gặp cậu, ông Sullivan đáp rồi gãi gãi chòm râu.
Tôi cố gắng trấn tĩnh.
– Cháu vừa tỉnh dậy trong tàu điện ngầm lúc 5 giờ sáng nay, lũ khốn đã dần cho cháu một trận nhừ tử, lột sạch của cháu cả giấy tờ, đồng hồ đeo tay lẫn…
– Đồng hồ đeo tay của ta, ông ngắt lời tôi.
– Ông có muốn nhận lấy nắm đấm của cháu vào giữa mặt không?
– Ta chỉ đùa chút thôi mà…
Ông giơ bàn tay lên để thu hút sự chú ý của một người bán hàng rong đang đẩy xe bánh vừng xoắn rồi gọi hai cốc cà phê.
– Nó là một trong những bad trips, ông giải thích rồi chìa cho tôi một trong hai chiếc cốc giấy. Nơi chốn cậu sẽ thức dậy luôn là điều bất ngờ, hoặc hay ho hoặc dở tệ. Buổi sáng này thì trong một toa tàu điện ngầm, buổi sáng khác lại trong gường của Jane Russell…
– Jane Russell ấy hả? Lúc này bà ấy hẳn đã ở tuổi tám mươi rồi…
– Ta dám chắc rằng bà ấy vẫn còn vô cùng xinh đẹp.
Tôi nhún vai vẻ chán nản.
– Tốt thôi, nếu ông không phiền thì để lần khác chúng ta sẽ bàn tiếp chuyện đó. Còn giờ thì điều cháu muốn là những câu trả lời.
– Câu hỏi của cậu là gì?
– Cháu có nhiều câu hỏi lắm. Và câu đầu tiên là thế này: ông đã làm gì trong hai mươi tư năm xuyên suốt chuyến đi vĩ đại của đời mình? Ông đã làm gì từ năm 1954 đến năm 1978?
Related Posts: