Review

Giáo Sư Và Công Thức Toán

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Yoko Ogawa
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 241
Ngày xuất bản 07-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Một ngày, một phụ nữ làm nghề giúp việc được giới thiệu đến làm việc tại nhà một vị giáo sư già. Nhưng, vốn trí nhớ chỉ duy trì được tám mươi phút, đối với giáo sư, đây luôn là cô giúp việc “mới tinh”, và lần nào ông cũng chào cô bằng những câu hỏi về ngày sinh và cỡ giày. Những quy trình giới thiệu – làm quen cứ thế tiếp diễn hết ngày này qua ngày khác, cho tới khi cô ấy dẫn cậu con trai mười tuổi của mình đến chơi với giáo sư. Niềm vui, đam mê toán học, sự ân cần, lòng kiên nhẫn, tình yêu và niềm tin…. Đã hoà quyện trong mối quan hệ kỳ lạ giữa ba con người, để rồi vĩnh viễn đổi thay cuộc đời của họ….

Bằng văn phong giản dị thấm đẫm chất thơ và sự kỳ công trong việc lồng ghép những công thức tưởng chừng khô khan, để mỗi con số đều trở nên sống động và rất người, Yoko Ogawa – nhà văn đoạt giải Akutagawa, một trong những tiểu thuyết gia đương đại lớn nhất Nhật Bản – đã làm nên một kỳ tích văn chương xúc động và nồng ấm, để lại dư vị khó quên cho người đọc.

Giáo sư và công thức toán đã nhận giải thưởng văn học Yomiuri và mới đây là giải thưởng của Hiệp hội Toán học vì giúp người đọc thấy được vẻ đẹp của môn khoa học này.

[taq_review]

Trích dẫn

– Sao cơ? Đầu quân cho đội Hiroshima? Tại sao Enatsu lại có thể mặc bộ đồng phục không phải sọc trắng đen…

Ông chống khuỷu tay lên bàn làm việc, vò tung mái tóc vừa được cắt tỉa gọn gàng. Những sợi tóc vụn rơi lả tả trên vở toán. Lần này đến lượt Căn xoa đầu ông. Căn vuốt thẳng mái tóc rối bời của ông, như thể cố bù đắp cho lỗi lầm đã gây ra.

Tối đó, dọc đường về nhà, tôi và Căn im lặng bước đi.

– Hôm nay, Tigers có trận đấu nào không?

Căn hững hờ gật đầu đáp lại câu hỏi của tôi.

– Với đội nào?

– Taiyo.

– Liệu có thắng không nhỉ?

– Con không biết nữa…

Tiệm cắt tóc chúng tôi ghé qua lúc ban ngày đã tắt điện, công viên không một bóng người, những công thức toán giáo sư viết bằng cành cây khô cũng biến mất vào bóng tối.

– Mình ăn nói sao mà ngu ngốc – Căn cất tiếng – Ai mà biết giáo sư lại hâm mộ Enatsu thế chứ.

– Ngay cả mẹ cũng không biết mà. Con đừng lo. Rồi mai sẽ lại đâu vào đấy thôi. Ngày mai, Enatsu của giáo sư sẽ vẫn là tay ném bóng số một của Tigers. – Tôi an ủi con, bằng cách nói mà chính tôi cũng không biết có thích hợp không.

Khó ngang với vấn đề về Enatsu là bài tập giáo sư ra cho Căn.

Không ngoài dự đoán của ông, cửa hàng điện tử nơi chúng tôi mang máy thu thanh đến sửa hết sức bối rối khi nói rằng họ chưa từng thấy cái nào cũ đến vậy và không dám chắc là có sửa được không, tuy nhiên họ hứa sẽ cố thử trong vòng một tuần. Hôm nào trở về nhà sau khi xong việc, tôi cũng vất óc tìm cách giải bài toán “Tính tổng các số tự nhiên từ 1 đến 10”. Nhiệm vụ này đáng lẽ là của Căn, nhưng nó là một đứa mau bỏ cuộc, nên tôi đành nhận về mình. Nói gì thì nói, chuyện liên quan đến Enatsu vẫn làm nó áy náy. Tôi không muốn giáo sư thất vọng hơn nữa, tôi muốn ông vui. Để làm được vậy, con đường duy nhất là toán học.

Trước tiên, tôi đọc thật to đầu bài, như giáo sư thường bắt Căn làm thế.

– 1 + 2 + 3 +…+ 9 + 10 bằng 55. 1 + 2 + 3 +…+ 9 + 10 bằng 55. 1 + 2 + 3 +…

Nhưng cách này chẳng đem lại kết quả. Có chăng chỉ giúp tôi nhận ra rằng phép cộng thuần túy này quá đơn giản so với sự trừu tượng mà tôi đang tìm kiếm.

Thứ đến, tôi thử đủ các phương pháp, nào là sắp xếp các số từ 1 đến 10 theo hàng ngang và hàng dọc rồi so sánh chúng, nào là phân loại thành các nhóm số chẵng và số lẻ, số nguyên tố và hợp số; nào là dùng que diêm và quân cờ để tính toán. Ngay cả trong công việc, hễ rảnh rỗi là tôi lại viết các con số lên mặt sau tờ rơi quảng cáo hòng tìm ra manh mối.

Hổi thử sức với cặp số tình bạn, có bao nhiêu phép tính phải làm, vả lại, cứ bắt tay vào là mọi sự sẽ tiến triển. Nhưng lần này thì khác. Dò dẫm theo hướng nào cũng thấy cảm giác chông chênh, mờ mịt, đến mức cuối cùng thậm chí tôi còn không hiểu nỗi mình muốn gì. Vừa loay hoay như kẻ lạc đường, vừa tụt lùi bất tận. Trên thực tế, trong phần lớn thời gian, tôi hầu như chỉ làm mỗi một việc là nhìn chăm chăm vào trang giấy.

Dẫu thế, tôi vẫn không bỏ cuộc. Kể từ khi mang thai Căn, đây là lần đầu tiên tôi suy nghĩ rốt ráo đến vậy về một vấn đề.

Bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên rằng, sao tôi có thể say sưa nhường vậy với một trò chơi con trẻ chẳng đem đến lợi lộc gì. Giáo sư luôn hiện diện trong tâm trí tôi, nhưng dần dần mọi thứ đều lùi lại đằng sau, để lại bài toán và tôi trong cuộc so tài cao thấp. Buổi sáng, thứ đầu tiên hiện lên trước mắt tôi là phép tính “1 + 2 + 3 +…+9 + 10=55”. Nó cứ bám chặt lấy võng mạc cả ngày khiến tôi không cách nào xua đi hoặc phớt lờ được.

Ban đầu, cảm giác duy nhất là sự bế tắc, nhưng sau chuyển dần thành sự quyết đoán, cuối cùng ngạc nhiên thay, tôi thấy mình đang mang một sứ mệnh. Không mấy người biết được ý nghĩa đằng sau những công thức toán. Và đa số họ sẽ chết đi mà thậm chí không hề nhận thấy sự tồn tại của chúng. Lúc này đây, có một người giúp việc vốn không thuộc về thế giới của toán học đang cố sức chạm tay vào cánh cửa mở ra điều bí mật, bởi sự tình cờ của số phận. Thực ra, kể từ ngày đến nhà giáo sư, ánh sáng tỏa ra từ một nơi nào đó đã trao cho tôi một sứ mệnh đặc biệt, chỉ có điều tôi đã không sớm nhận ra…

– Con, mẹ làm thế này trông có giống giáo sư lúc “đang suy nghĩ” không?

Tôi lấy tay ôm trán, kẹp cây bút chì vào giữa ngón trỏ và ngón giữa để làm dáng. Tôi đã dùng đến tờ rơi cuối cùng của ngày hôm đó vậy mà chẳng có gì tiến triển.

– Hoàn toàn không. Lúc giải toán, giáo sư không lẩm bẩm một mình và nhổ tóc chẻ ngọn như mẹ. Chỉ có thể xác của giáo sư ở đó còn hồn giáo sư thì đi đến một nơi rất xa.

Căn đáp.

– Với lại, vấn đề mà giáo sư suy nghĩ khó hơn của mẹ nhiều.

– Biết rồi. Thế con tưởng mẹ đang đánh vật vì ai chứ? Đừng có suốt ngày cắm mặt vào sách về bóng chày nữa, lại đây nghĩ cùng mẹ một chút đi nào.

– Con mới sống được một phần ba quãng đời của mẹ thôi mà. Vả lại, nó vốn dĩ là một bài toán khó nát óc.

– Bài toán hôm trước, loáng chốc con đã tìm ra phân số rồi, tiến bộ thật đấy. Là nhờ giáo sư phải không nào?

– Vâng, cũng có thể là như thế.

Căn ngó vào mặt sau tờ quảng cáo, gật đầu vẻ kẻ cả.

– Mẹ đi đúng hướng đấy chứ.

– An ủi gì mà vô trách nhiệm chưa kìa.

– Còn hơn là không được an ủi mà.

Căn quay lại với cuốn sách về bóng chày.

Ngày trước, mỗi lần tôi khóc vì bị chủ nhà ức hiếp (bị vu là trộm cắp, bị hất cả mâm cơm do mình nấu vào thùng rác ngay trước mặt, bị mắng là đồ lười biếng), Căn bé bỏng thường an ủi tôi.

– Không sao đâu, vì mẹ rất đẹp.

Nó nói thế với một ngữ điệu đầy xác tín. Xét về cấp độ thì đó là lời an ủi cao nhất của Căn.

– Vậy hả? Mẹ đẹp thật chứ?

– Đúng thế. Mẹ không biết sao?

Căn giả bộ ngạc nhiên hết sức, rồi nhắc lại:

– Con đã bảo không sao mà. Vì mẹ rất đẹp.

Đôi lúc, vì muốn được Căn vỗ về nên tôi thường giả vờ khóc, dù không buồn bã đến mức ấy. Và lần nào Căn cũng làm ra vẻ như bị đánh lừa.

– Con nghĩ thế này. – Căn bất chợt lên tiếng. – trong các số từ 1 đến 10, riêng số 10 là kẻ lạc loài.

Bạn đọc cảm nhận

Nhật Linh

Rất nhân văn. Mình quyết định mua liền sau khi đọc phần giới thiệu sản phẩm. Cuốn sách đề cập rất nhiều các con số, các công thức toán, nhưng không hề khô khan. Mà ngược lại, tác giả như thổi hồn vào những con số, tạo cảm giác mỗi con số đều mang ý nghĩa riêng của nó, sinh động, nhảy múa trước mắt người đọc. Qua câu chuyện, mình biết thêm được rất nhiều công thức hay, những cặp số thú vị. Nhưng quan trọng hơn, đó là cảm nhận được tình cảm rất nhân văn giữa 3 người – Giáo sư, cô giúp việc và Căn. Cô giúp việc, dù chỉ là người xa lạ, nhưng đã dành cho Giáo sư một tình cảm rất đặc biệt, cô luôn chăm sóc cho ông như một người con gái chăm sóc cha mình. Còn giữa Giáo sư và Căn, tình cảm hình thành rất tự nhiên, một cách vụng về, Giáo sư luôn dõi theo và chăm sóc Căn theo cách riêng của mình. Còn cậu bé Căn, tùy nhỏ, nhưng luôn luôn suy nghĩ thấu đáo và cư xử tế nhị để tránh làm Giáo sư buồn vì căn bệnh của mình. Cuối cùng, tuy được nhắc đến không nhiều, nhưng mình vẫn ấn tượng nhất giữa tình cảm và sự quan tâm lặng thầm của bà chủ nhà dành cho Giáo sư. Thế mới biết, không phải ngoài mặt lạnh lùng khó chịu thì trong lòng không thương xót, chỉ là, đôi khi tình cảm không nên, và cũng không nhất thiết phải thể hiện ra ngoài.

Dung

Như một bạn đã nhận xét từ trước, cuốn sách là câu chuyện về cuộc đời của một giáo sư toán học, chẳng may gặp tai nạn và di chứng của nó chính là trí nhớ ngắn hạn chỉ kéo dài có vẻn vẹn 80 phút của ông, về cô giúp việc và con trai của cô ấy. Cuốn sách không chỉ cho ta thấy niềm say mê toán học của vị giáo sư già, tình cảm đẹp giữa những con người với nhau mà còn giúp ta có một cái nhìn mới về toán học. Thì ra toán học không hề khó khăn và khô khan như chúng ta vẫn tưởng, mà đằng sau vẻ ngoài ấy, là cả một thế giới kì diệu mang tên Chất Thơ Của Toán Học.

Trần Vân

Giáo sư và công thức toán là một tác phẩm mình đọc vì một người bạn chứ không nằm trong list sẽ đọc của mình. Là một tác phẩm nhẹ nhàng, những nỗi buồn niềm vui xoay quanh cuộc sống thường nhật của hai mẹ con cô giúp việc và một giáo sư dạy toán. Không quá bi kịch nhưng nỗi buồn cứ quẩn quanh làm lòng người cứ nghĩ về nó, là một tác phẩm đẹp và đáng đọc. Một cuộc đời người đã trôi qua như vậy, mỗi ngày, cuộc sống của chính mình cũng vậy đúc kết lại cũng là một cuốn sách dày chỉ là ta chưa biết hết thôi. Nên thật thú vị và cảm xúc khi nhìn cuộc đời của những người khác qua trang sách, cùng họ vui, buồn và đi đến hồi cuối.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button