Review

Giấc Mơ Hóa Rồng

Nội dung

Giấc mơ hóa rồng là chặng đường 25 năm mà tác giả Huỳnh Bửu Sơn – chuyên gia kinh tế – với tư cách người cầm bút đã trải qua và ghi lại, chứa đựng những trải nghiệm sống động và biết bao trăn trở của một trí thức từ ngày đất nước đổi mới.

Là một chuyên gia ngân hàng từ năm 1967, ông không chỉ được biết đến là người giữ chìa khóa của kho vàng 16 tấn do chính quyền cũ để lại, mà còn vì sau năm 1975 đến nay, đã liên tục hoạt động trong lĩnh vực này với nhiều vị trí khác nhau. Từ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông đã tham gia vào đời sống báo chí với hàng trăm bài bình luận và phân tích tình hình kinh tế sâu sắc.

Các bài viết của ông với ngôn từ duyên dáng nhưng lập luận chặt chẽ, văn phong bay bướm nhưng tính thuyết phục cao, trình bày những vấn đề gai góc bằng tất cả tâm tình, đã lôi cuốn một số lớn độc giả của các báo mà ông từng cộng tác như Tuổi Trẻ, Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần…

Là một thành viên tích cực của Nhóm chuyên viên kinh tế “Thứ Sáu”, ông từng chủ trì nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn như “Giá – Lương – Tiền” năm 1986, hay “Đổi mới Hệ thống Ngân hàng” năm 1989 làm tiền đề cho sự ra đời sau đó của Pháp lệnh Ngân hàng mà ông góp phần lớn trong quá trình soạn thảo. Cùng với ba chuyên viên khác trong Nhóm “Thứ Sáu”, ông cũng được mời tham gia vào Tổ tư vấn của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà như ông từng bộc bạch “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”.

Cuốn sách này ra đời từ gợi ý của một số thân hữu, là một tập hợp những bài viết đề xuất các giải pháp cho nhiều sự kiện và vấn đề theo dòng thời sự kinh tế – xã hội gần một phần tư thế kỷ qua mà tác giả vừa là người trong cuộc vừa là chứng nhân.

Giấc mơ hoá rồng là tập hợp những trăn trở và mong ước không chỉ của tác giả mà còn là của bất cứ ai trông chờ vào những giải pháp đúng đắn nhằm đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy của nghèo nàn lạc hậu, mà trong chừng mực cứ như đang nằm ngoài tầm với của chúng ta. Đó là những thách thức của chiến lược thời mở cửa, những giải pháp “khai thông huyệt đạo” để đi đến một tương lai thịnh vượng, cũng như đâu là những bước ngoặc trên con đường làm giàu, đưa nền kinh tế đất nước vượt vũ môn.

Trải qua một thời tuổi trẻ đầy biến động, thân phận gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhưng tác giả luôn giữ sự thanh liêm của người trí thức độc lập trong nhận thức, mạnh dạn nói đúng những điều mình nghĩ, viết đúng những điều còn băn khoăn chỉ nhằm đóng góp hiểu biết khiêm tốn của mình cho sự phát triển của đất nước, cho một xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.

Với ông, làm được phần nhỏ đìều mình mong muốn cho cái chung đã là rất hạnh phúc rồi. Suy nghĩ đó chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt qua các bài viết trong tập sách này.

Thể loạiSách về kinh tế
Tác giảHuỳnh Bửu Sơn
NXBLao Động
Số trang499
Năm2016

Review

David Trần

Nhìn tiêu đề “giấc mơ hoá rồng” , người đọc có thể lầm tưởng quyển sách này viết về các chính sách, các ý tưởng của tác giả trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Thực ra thì không hoàn toàn là vậy. Về nội dung, quyển sách này là bản tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của nền kinh tế Việt Nam giữa thời gian nước ta thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, xoá bỏ chế độ bao cấp và xay dựng nền kinh tế thị trường, tác giả viết ra những đề xuất và chính sách của chính phủ nước ta 25 năm qua, tuy vậy việc kêu gọi thống qua những ý tưởng này vẫn còn là điều đáng quan tâm. Ngoài những bài viết viết về kinh tế, còn có các bài đề cập đến các vấn đề liên quan và có quan hệ mật thiết là nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, hệ thống ngân hàng, và cả chính trị nữa. Trong các bài viết còn có đưa ra nhiều giả thiết, lý thuyết khách quan và chủ quan về kinh tế mà có lẽ với những người muốn tìm hiểu về kinh tế học thì cũng đáng chú ý. Nhìn chung, quyển sách được thiết kế khá đẹp, có bìa cứng, sử dụng màu đỏ là màu truyền thống của người Việt ta.

Đọc quyển sách này, chúng ta có thể ôn lại những bài học đã đạt được trong hai thập kỷ, đây là một việc hệ trọng để chuyển giao đất nước cho các thế hệ con người mới và trẻ tuổi; tránh cái bẫy đi thụt lùi bởi vì cuộc sống càng tiến bộ thì con người càng trở nên thích hưởng thụ hơn.

Công Hợp

Tác giả Huỳnh Bửu Sơn đã viết một cuốn sách bằng những kinh nghiệm 25 năm làm việc với nền kinh tế Việt Nam cùng với những trăn trở mà mình không thực hiện được, Huỳnh Bửu Sơn đã viết ra những suy tư đó để thế hệ nối tiếp đọc được và có những định hướng thực hiện. Ngoài ra thì cũng đọc và học được rất nhiều điều về kiến thức kinh tế Việt Nam trải qua theo thời gian và sự phấn đấu để cải thiện các chế độ. Qua đó người đọc sẽ hiểu rõ hơn về thực tế nền kinh tế Việt Nam mà không khô khan như các giáo trình.

Trích đoạn

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

Chỉ trong 11 tháng của năm 2003, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt gần 19 tỷ đô la tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu còn tăng nhanh hơn, trong cùng thời gian, nền kinh tế nước ta đã nhập khẩu chính thức trên 22 tỷ đô la. Như vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đã trên 40 tỷ đô la, dự kiến cả năm 2003 sẽ không dưới 45 tỷ đô la. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt quá giá trị tổng sản phẩm quốc gia nội địa (GDP). Nền kinh tế của nước ta đã thực sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Hội nhập kinh tế đã mở ra những cơ hội. Mười năm trước đây, tổng giá trị xuất khẩu cả năm của nước ta chỉ đạt con số 2,9 tỷ đô la. Ngày nay, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, đứng thứ ba về xuất khẩu cà phê, đứng đầu về xuất khẩu tiêu và là một nước xuất khẩu dầu khí tầm cỡ. Và chúng ta không chỉ xuất khẩu nông sản, hải sản hay khoáng sản. Cơ cấu xuất khẩu của chúng ta đã cải thiện không ngừng theo chiều hướng gia tăng giá trị lao động và công nghệ. Cách đây vài năm, các nhà doanh nghiệp trong ngành may mặc nước ta không thể nghĩ rằng họ có thể nhanh chóng đưa kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam vượt quá 2 tỷ đô la Mỹ. Điều đó nay đã trở thành hiện thực và chắc chắn những ước mơ cùng những dự định tỉnh táo của các doanh nhân Việt Nam sẽ không chịu dừng ở mức đó. Các điều kiện mở ra cơ hội làm ăn mới có vẻ như quá tốt đẹp: đất nước hòa bình, chính trị ổn định, AFTA và hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ đang triển khai, lộ trình vào WTO đã vạch sẵn và được sự ủng hộ của nhiều nước, luật pháp và các chính sách kinh tế vĩ mô đang được cải thiện, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, một lực lượng lao động trẻ, năng động, chịu khó làm việc, chịu khó học hỏi đang sẵn sàng. Những thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ và EU cũng có những chuyển biến có thể đánh giá là thuận lợi. Một đạo luật thương mại mới của Hoa Kỳ cho phép tổng thống được thương lượng trực tiếp các thỏa ước mậu dịch song phương, khu vực hay toàn cầu miễn là đối tác thực hiện cam kết tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về quyền lao động song song với những mục tiêu thương mại khác. Điều này mở ra cơ hội cho các nước đối tác xâm nhập thị trường khổng lồ của Mỹ. Khối Cộng đồng châu Âu (EU) cũng thông qua một Quy Định Tổng Quát về Ưu Đãi mới giảm gấp đôi mức thuế suất cho một loạt các sản phẩm xuất khẩu từ các nước đang phát triển nếu được Liên Hiệp châu Âu xác định là đã thực hiện tốt việc bảo vệ các quyền lao động căn bản. Bảo vệ quyền lợi của người lao động đang là thế mạnh không thể phủ nhận của nước ta so với các nước đang phát triển khác.

Nhưng trong hội nhập, cơ hội cũng đồng thời là thách thức. Các chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong nước cho doanh nghiệp Việt Nam cũng tạo sự thuận lợi tương tự cho các đồng nghiệp nước ngoài của họ. Nguyên tắc đối xử bình đẳng không chấp nhận sự phân biệt đối xử và đòi hỏi xây dựng một sân chơi ngang bằng. Trên thương trường, ngang bằng, trong nhiều trường hợp, không có nghĩa là công bằng. Trên một sân chơi ngang bằng, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải nỗ lực nhiều hơn để thành công, vì điểm xuất phát của họ thấp hơn. Những ai không thể nỗ lực nhiều hơn, không xây dựng được cho mình một chiến lược kinh doanh khôn ngoan hơn sẽ là những người đầu tiên rời khỏi sân chơi. Tuy nhiên, chính phủ, trong việc thực hiện nguyên tắc đối xử bình đẳng, vẫn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp non trẻ của mình. Một hệ thống tài chính ngân hàng được cải tổ để năng động hơn, một bộ máy hành chính được cải cách để trở nên tích cực hơn, loại trừ được nạn tham nhũng và nạn quan liêu thư lại, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền bạc và thời gian, nhờ đó tăng cường vị thế cạnh tranh của họ trên thị trường.

Trên thương trường quốc tế, sự thử thách còn lớn hơn nhiều vì sự cạnh tranh quyết liệt hơn và có nhiều “tay chơi” giỏi hơn. Chẳng hạn, Trung Quốc là một tay chơi giỏi. Có một nguồn nhân lực bao la với mức lương thấp, nước này có tiềm năng cạnh tranh về xuất khẩu vượt xa các nước đang phát triển khác. Nếu Thỏa ước về Hàng Dệt May được ký kết vào cuối năm 2004, các mức hạn ngạch sản phẩm dệt may đang dành cho các nước đang phát triển sẽ không còn nữa và sẽ đặt các doanh nghiệp trong ngành dệt may nước ta, và những nước đang phát triển khác, trước một cuộc cạnh tranh có tính chất sinh tử với người khổng lồ Trung Quốc. Các chiến lược về xuất khẩu phải thay đổi. Ưu thế cạnh tranh dựa trên thu nhập lao động thấp sẽ không còn nữa và các doanh nghiệp của chúng ta bắt buộc phải tìm cách lựa chọn các thị trường “ổ” với các sản phẩm có chất lượng cao hơn được sản xuất bởi một lực lượng lao động có tay nghề tốt hơn và đáp ứng những chuẩn mực quốc tế về điều kiện sử dụng lao động. Mặt khác, sự cạnh tranh sẽ không chỉ là cạnh tranh vào một thị trường thứ ba như Bắc Mỹ hay châu Âu. Nếu phân khúc thị trường đã được xác định và với những sản phẩm cũng đã được xác định ưu thế, thị trường Trung Quốc sẽ trở thành vùng đất dụng võ đầy thuận lợi của các doanh nghiệp Việt Nam.

Một nhà kinh tế đã nhận định: Chưa có ai trở nên thật giàu chỉ bằng cách tiết kiệm. Muốn làm giàu phải nhìn thấy cơ hội kinh doanh và dám đầu tư vào những lĩnh vực có sự mất cân đối lớn: công nghệ mới, sản phẩm mới, thị trường mới. Những yếu tố đó sẽ tạo nên một thị trường đang tăng trưởng, mang lại cơ hội làm giàu nhanh chóng cho những ai sớm nhìn thấy chúng và quyết định hành động. Những kẻ đi đầu, bằng tài năng và một chút may mắn để vượt qua các thử thách ban đầu, sẽ trở nên giàu có. Lịch sử “làm giàu” của thế giới đã chứng nghiệm: vinh quang bao giờ cũng thuộc về những người đi tiên phong, những người đầu tiên biết nắm lấy thời cơ đến với họ.

Năm 2004

List

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button