Review

Gia Đình Buddenbrook

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Thomas Mann
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành NXB Trẻ
Số trang 804
Ngày xuất bản 09-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cuốn tiểu thuyết đầu tay vĩ đại của Thomas Mann, một trong hai tác phẩm mang về cho nhà văn giải Nobel Văn chương năm 1929. Cuốn sách xếp vị thứ 7 trong top 100 cuốn tiểu thuyết Đức ngữ hay nhất thế kỷ 20 do Literaturhaus Münchenvà Bertelsmann bình chọn. Cứ 10 người Đức thì có 1 người đọc Gia đình Buddenbrook. Ở Trung Quốc, Gia đình Buddenbrook được coi là phiên bản Đức ngữ của Hồng lâu mộng.

Gia đình Buddenbrook xuất bản lần đầu tại Đức năm 1901, khi Thomas Mann mới 26 tuổi, đã nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển của văn học hiện đại. Câu chuyện kể về một gia đình bốn thế hệ thuộc tầng lớp đại tư sản ở thành phố Lübeck miền Bắc nước Đức. Với ngòi bút điêu luyện, Thomas Mann đã dựng lên một bức tranh toàn diện và chân thực về đời sống của tầng lớp trung lưu: kết hôn và ly hôn, sinh ra và chết đi, thành công và thất bại. Những sự kiện ấy lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, trong khi gia đình Buddenbrook dần bị cuốn vào vòng xoáy hiện đại dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cả dòng họ.

Với hơn 400 nhân vật, câu chuyện giàu chi tiết và đầy tính nhân văn, Gia đình Buddenbrook vượt qua tất cả các cuốn biên niên sử gia đình khác và trở thành hình mẫu cho thể loại văn chương này. Đây cũng được coi là tác phẩm vĩ đại nhất của Thomas Mann.

[taq_review]

Trích dẫn

Ông Kesselmeyer cởi áo ngoài và cất mũ, không chờ ai mời đã bước vào đứng cạnh cửa như một vị khách quen.

Trông bề ngoài, ông ta giống y như lời Tony tả trong một bức thư. Người hơi thấp, không béo cũng không gầy, mặc áo vét tông màu đen lâu ngày nhẵn bóng, cái quần cùng màu, vừa chật vừa ngắn. Trên túi gi-lê, đeo cái dây đồng hồ dài lòng thòng, lại còn bắt tréo ngang dọc mấy sợi dây buộc vào cái kính cặp mũi. Bộ tóc mai và bộ râu trắng xén gọn tương phản với khuôn mặt đỏ ửng. Chỉ trừ cằm và môi lòi ra ngoài, còn hầu như mặt ông ta đều bị che lấp. Miệng ông ta nhỏ nhưng ông ta nói liến thoắng, trông rất buồn cười; cả hàm dưới chỉ còn lại hai cái răng. Ông ta đút hai tay vào túi quần thẳng như cái ống, đứng đấy, trông vẻ mặt bối rối đăm chiêu như đang suy nghĩ gì đâu đâu, hai cái răng vàng khè hình chùy, dính chặt môi trên. Lúc này, trong nhà không một tí gió nhưng mái tóc hoa râm mềm như lông tơ của ông ta vẫn khẽ lay động.

Cuối cùng, ông ta rút tay ra khỏi túi quần, cúi khom người, xệ môi dưới xuống, vất vả lắm mới gỡ được sợi dây buộc kính rối tung ở trước ngực. Ông ta cặp ngay cái kính lên mũi, mặt méo xệch, trông phải phì cười, ngắm nhìn vợ chồng, miệng cứ lẩm bẩm: “A… ha…”.

Ông ta rất thích dùng tiếng ấy luôn luôn đầu cửa miệng nên cũng cần nói rõ là ông ta có thể diễn đạt nó bằng những kiểu khác nhau và rất độc đáo. Ví dụ, ông ta có thể ngửa đầu ra, nhăn mũi, há hốc miệng, xua tay, kéo dài giọng mũi, cứ a… ha… như cái thanh la nhỏ của Trung Quốc… Ông ta cũng có thể không cho những tiếng đó mang theo nhiều hàm nghĩa như vậy, mà chỉ nói ra bằng một giọng đơn giản, qua loa, nhỏ nhẹ, nhưng kết quả cũng làm cho người khác phải phì cười, bởi vì tiếng “a” của ông ta nghe không rõ ràng gì cả, nặng về giọng mũi. Hôm nay, tiếng “a… ha…” ấy ngắn và vui, tiếp theo ông ta cứ lắc lư cái đầu, hình như ông ta khoái chí lắm… Nhưng chúng ta cũng không nên tin là thật, vì sự thực là khi bề ngoài ông chủ nhà băng Kesselmeyer vui vẻ bao nhiêu thì bụng dạ ông ta càng nham hiểm bấy nhiêu. Nếu ông ta đứng ngồi không yên, cứ “a… ha…” liên tiếp, đeo cái kính cặp mũi vào rồi lại bỏ ra, hai vai run rẩy, miệng nói không ngớt lời, lại làm hàng nghìn điệu bộ buồn cười khác, thì chúng ta có thể đoán chắc rằng những ý nghĩ độc ác đang nung nấu trong đầu óc ông ta đấy. Grünlich chớp mắt, nhìn ông ta. Không chút giấu giếm, anh ta tỏ ra không còn tin tưởng gì ở ông ta nữa.

— Hôm nay ông đi đâu sớm thế? – Grünlich hỏi.

— Đúng, đúng… – Ông Kesselmeyer trả lời. Ông giơ bàn tay bé nhỏ, nhăn nheo nhưng đỏ ửng lên trời, xua xua như muốn nói: “Kể ra thì hơi làm cho ông giật mình đấy, nhưng ông cứ yên tâm! Có chút việc muốn bàn với ông ngay bây giờ đây, ông bạn thân mến ạ!”.

Điệu bộ ông ta trông rất buồn cười, tiếng nào cũng uốn một vòng rồi mới vất vả bật ra khỏi cái miệng bé tí rụng hết răng, và luôn luôn động đậy của ông ta. Chữ “r” ông ta uốn mãi, nghe giống như hàm ếch trên của ông ta có bôi một lớp mỡ. Grünlich chớp mắt, lộ rõ vẻ không tin tưởng gì ông ta.

— Ông tới đằng này, ông Kesselmeyer – Tony nói – Mời ông ngồi! Ông đến rất đúng lúc… Xin ông nghe cho kỹ và nhờ ông làm trọng tài cho. Tôi và anh Grünlich vừa cà khịa nhau… Ông thử nói xem, một đứa trẻ lên ba có cần mượn người trông nom hay không? Ông thử nói xem!…

Nhưng hình như ông Kesselmeyer không để ý gì đến Tony. Ông ta ngồi xuống, vừa cố há to cái miệng bé tí, nhăn sống mũi lại, vừa lấy ngón tay trỏ gãi gãi bộ râu mới xén, nghe sột soạt, rất khó chịu. Qua cái kính cặp mắt, ông ta nhìn bàn ăn xinh đẹp, cái đĩa đựng bánh bằng bạc và cái nhãn hiệu dán trên chai rượu vang đỏ, với một niềm vui không sao tả xiết.

— Chuyện như thế đấy! – Tony nói tiếp – Anh Grünlich bảo vì tôi mà anh ấy khuynh gia bại sản?

Nghe đến đây, ông Kesselmeyer đưa mắt nhìn Tony một cái, lại nhìn Grünlich chằm chằm… rồi cười ồ lên:

— Bà làm cho ông ấy khuynh gia bại sản à? – Ông ta nói to – Bà… bà làm cho ông ấy khuynh gia bại sản à?… Ồ, lạy Chúa! Chao ôi, lạy Chúa! Không ngờ lại có chuyện như thế!… Thật là buồn cười! Thật là hết sức khôi hài!

Rồi ông ta “a ha” một tràng với những làn điệu khác nhau.

Rõ ràng Grünlich có vẻ lo lắng, đứng ngồi không yên. Anh ta cứ xê dịch người trên ghế, lúc đưa ngón tay trỏ dài lòng ngòng lên sửa lại cái cổ áo, lúc đưa cả bàn tay lên vuốt nhanh bộ râu quai nón vàng khè.

— Ông Kesselmeyer! – Anh ta nói – Ông hãy trịnh trọng một tí! Phải chăng là thần kinh ông thất thường! Xin ông đừng cười nữa! Ông uống tí rượu nhé? Hay ông cần điếu xì gà? Tóm lại, ông cười chuyện gì vậy?

— Tôi cười gì à?… Phải đấy, ông cho tôi cốc rượu, cho tôi điếu xì gà… Ông hỏi tôi cười chuyện gì à? Theo ông thì bà nhà làm cho ông khuynh gia bại sản ư?

— Nhà tôi xa hoa quá! – Grünlich bực bội nói.

Điểm này, Tony không muốn tranh luận. Cô bình tĩnh ngã người ra phía sau, hai tay để lên bụng, mân mê cái thắt lưng nhung ở áo ngủ, bĩu môi trên ra vẻ khiêu khích. Cô nói:

— Phải… Tôi như vậy đấy! Cái đó thì rõ rồi. Tôi học me tôi đấy. Dòng họ Kröger chúng tôi, ai cũng thích sống xa hoa cả.

Cô định bụng dùng một giọng hết sức bình tĩnh, tuyên bố rằng cô quả là người nhẹ dạ, nôn nóng, thích tìm chỗ sơ hở của người khác. Hình như tính cách của dòng họ cô mạnh quá không cho phép cô tự do theo ý mình và để tính cách của mình tự nó bộc lộ. Trái lại, nó buộc cô nhận lấy tính cách của cô với thái độ lạnh lùng, có thể nói là theo định mệnh… Cô không muốn phân biệt nó, cũng không muốn sửa đổi. Dần dần, từ lúc nào không biết, trong đầu óc cô hình thành một quan niệm cho rằng sở thích của con người ta, tốt hay xấu, cũng là do trời sinh ra, đời này truyền qua đời khác, nên đều đáng tôn trọng, mà ai cũng phải tôn trọng.

Grünlich đã ăn sáng xong. Mùi thơm của hai điếu xì gà quyện vào hơi ấm từ lò sưởi tỏa ra.

— Ông còn thích chứ, ông Kesselmeyer? – Chủ nhà hỏi – Ông hút thêm điếu nữa nhé!… Tôi rót thêm ông cốc rượu vang… Ông bảo là ông muốn nói chuyện với tôi? Có cần lắm không? Có chuyện gì quan trọng lắm à?… Chắc ông cảm thấy ở đây nóng lắm chứ gì?… Lát nữa chúng ta sẽ cùng ngồi xe lên phố… Phòng hút thuốc thoáng hơn ở đây…

Nhưng muốn nói gì thì nói, ông Kesselmeyer cũng chỉ giơ tay lên không, xua xua, như muốn bảo: “Ông nói gì cũng vô ích thôi, ông bạn thân mến ạ!”.

Cuối cùng mọi người đứng dậy. Tony ở lại phòng ăn trông coi chị đầy tớ gái thu dọn. Grünlich đưa ông bạn làm ăn của mình đi xuyên qua phòng đọc sách bé nhỏ. Lòng nặng chình chịch, ngón tay cứ mân mê chòm râu phía bên trái, đầu cúi xuống, anh ta đi trước. Ông Kesselmeyer theo sau, tay vung vẩy. Họ sang phòng hút thuốc.

Mười phút trôi qua, Tony dừng lại trong phòng khách, một lúc, lấy cái phất trần đủ các màu sắc, phẩy phẩy trên mặt bàn đọc sách nho nhỏ bằng gỗ hồ đào bóng lộn, và ở bốn cái chân quỳ của một chiếc bàn khác. Sau đó, cô khoan thai đi về phòng ngủ, bước đi vô cùng đoan trang, bình thản. Từ ngày làm vợ Grünlich, cô tiểu thư Buddenbrook vẫn không hề giảm bớt vẻ kiêu hãnh trước kia, lúc nào cũng ưỡn thẳng người, đầu hơi cúi một tí, để từ trên cao nhìn xuống mọi cái. Một tay cô cầm hộp chìa khóa sơn mài, rất tinh xảo, còn tay kia thoải mái đút vào cái túi bên của chiếc áo ngủ màu đỏ thẫm, cố tình để cho những nếp gấp mềm mại trên chiếc áo đưa đi đưa lại trên người. Nhưng qua cái vẻ ngây thơ trong trắng trên khóe miệng của cô, cũng có thể thấy rằng thái độ đoan trang, kiêu kỳ đó của cô chẳng qua chỉ là một trò chơi vô hại, hết sức trẻ con mà thôi.

Bạn đọc cảm nhận

Trịnh Hiếu Phương

Ban đầu khi nhận được cuốn sách, thật sự là mình thấy khá ngán ngẩm vì cuốn sách ở khổ lớn mà có tận 800 trang nhưng khi đọc rồi, bản thân mình không còn cảm thấy ngán ngẩm nữa mà thay vào đó là sự tập trung để hiểu cho rõ từng câu chữ, câu chuyện, tình tiết trong tác phẩm. Có thể nói chỉ vì đồng tiền mà cả gia đình đã phải đánh đổi tất cả. Từ tình yêu, tình cảm trong gia đình rồi đến hạnh phúc bản thân và cuối cùng là sự danh giá của một dòng họ. Và từ sự sụp đổ của gia đình Buddenbrook, tác giả cũng khái quát cả một xã hội thời ấy với những toan tính trong cuộc sống, để rồi đánh mất đi những thứ quý giá và quan trọng hơn gấp bội lần. Bìa sách đẹp, có kèm bookmark, giấy in chất lượng tốt. Nếu có thời gian thì các bạn hãy đọc qua cuốn sách này, chắn chắn sẽ không làm các bạn phải thất vọng.

Đinh Công Hợp

Mình đã rất đắn đo khi thêm quyển sách này vào giỏ hàng, chuyện là vầy:

Mình chú ý sản phẩm này vì đoạt giải nobel, cũng tò mò, với lại nghe tựa đề với sự giới thiệu là một cuốn tiểu thuyết kể về thế hệ một đại gia đình với hơn 400 nhân vật, thấy vậy thôi cũng đã rồi. Nhưng giá bìa đắt quá, mình bỏ vô rồi lại lấy ra, xong cái mấy ngày sau lại vào xem lại, thì đã hết hàng….. thế rồi lò mò đến một đống website khác để mua mà cũng không còn. Buồn lắm! Xong qua đến 2015 cái sách được tái bản. Và lần này không đợi sách hết hàng nữa, mình đặt mua không chần chừ.

Chuyện là thế đó

Và quyển sách đã không làm mình thất vọng, 1 tác phẩm tuyệt vời, và đặc biệt là tác phẩm tác giả viết từ khi còn rất trẻ. Có thể gọi Thomas Mann là một thiên tài.

Mình rất ưng cái bụng, bìa bìa sách lẫn giấy đều rất đẹp, chỉ tiếc là sản cuốn của mình có 1 trang bị nhàu. vì sách được bọc nilon kín nên mình nghĩ là lỗi từ nhà in cho nên cũng không đổi trả. Mong nhà xuất bản Trẻ sẽ chú ý hơn khâu này. Vì đây là 1 cuốn sách đắt tiền!

Nguyễn Thị Kim Thoa

Lần đầu nhìn cuốn này, mình cảm thấy nó hơi ngán ngẩm tại đây là cuốn tiểu thuyết dày tới hơn 800 trang lận. Tuy nhiên với quyết tâm muốn chinh phục nên mình đã đọc nó. Lúc đầu, những mảng tự truyện cứ lồng vào nhau nhưng càng về sau truyện càng có những móc nối, có những nhân vật mới. Cuốn tiểu thuyết này xoay quanh câu chuyện về gia đình Buddenbrook, bắt đầu với ông cụ Johhan Buddenbrook và kết thúc là cháu Hanno Buddenbrook với những thăng trầm trong hơn 100 năm tồn tại.

Đọc tác phẩm này, chúng ta thấy ngòi bút của Thomas Mann cực kì sinh động khi ông thể hiện gia đình Buddenbrook qua nhiều khía cạnh, phản ánh nhiều vấn đề của cuộc sống. tác giả đã vẽ nên bức tranh xã hội nước Đức thời bấy giờ, ở đó con người vì đồng tiền mà mất đi tất cả, chà đạp tất cả, kể cả tình anh em máu mủ ruột thịt cũng nứt rạn theo tháng ngày. Tình cảm giữa ông tham Buddenbrook và bác Gotthold, người anh em cùng cha khác mẹ; Thomas và Christian, hai anh em ruột thịt hay khi bà cụ tham lấy tiền cho con rể là mục sư Tiburtius, theo yêu cầu của cô gái út đã lìa trần, Thomas đã to tiếng cãi nhau với mẹ hay khi bà cụ tham vừa qua đời, hai anh em đã tranh giành của cải khi mẹ chưa khâm liệm. Đó là những ví dụ cụ thể và điển hình nhất. Vì tiền, Tony, cô con gái của dòng họ danh giá đã không lấy được sinh viên trường thuốc tầm thường mà vớ trúng tên đại bịp, rồi Thomas lấy Genda cũng vì khoảng hồi môn cực lớn. Xã hội nước Đức được thể hiện rõ nét qua từng nhân vật, từng giai đoạn, làm cho chúng ta hiểu hơn về những góc khuất còn ẩn sau những gương mặt tưởng chừng như rất dung dị, bình thường.

Cuốn sách này là một cuốn sách hay bởi nó cho ta thấy nhiều thứ, cho ta học rất nhiều điều về cuộc sống. Tác giả khéo léo chỉ ra những góc khuất của xã hội, đó cũng chính là lí do tác phẩm này đoạt giải Nobel Văn học năm 1929 mà vẫn trường tồn qua gần 100 năm, vẫn mang lại cho lòng người bao suy nghĩ về giá trị đích thực trong cuộc sống.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button