Review

Einstein Cuộc Đời Và Vũ Trụ

Thể loại Sách danh nhân
Tác giả Walter Isaacson
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành Đông Nam
Số trang 517
Ngày tái bản 05-2011
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Sách viết dưới dạng tiểu sử, dựa trên nhiều nguồn dữ liệu về Einstein. Độc giả sẽ được biết về một cậu bé Einstein chậm biết nói khi còn nhỏ. Mãi năm hai tuổi, cậu mới có thể bập bẹ và khi nói câu gì đều lẩm nhẩm một cách khó khăn. Bác sĩ từng đánh giá Einstein “chậm phát triển”.

Khi đi học, Einstein là một kẻ bướng bỉnh, chán ghét những chuẩn mực và hay phản kháng. Khi 5 tuổi, Einstein đã vớ lấy chiếc ghế và ném vào một gia sư.

Vì những hành vi thuở nhỏ, Eistein từng bị đồn là đứa trẻ “đần độn” và “học dốt môn Toán”. Thực tế, Einstein từng phá lên cười với bài báo có tiêu đề “Nhà Toán học vĩ đại nhất hiện còn sống từng trượt môn Toán”.

“Chưa đầy 15 tuổi, tôi đã thành thạo các phép tính vi phân và tích phân”, ông nói với một giáo sĩ Do Thái năm 1935.

Sách cũng kể chuyện đời tư của Einstein. Thiên tài Vật lý từng phụ tình người bạn gái đầu – Marie Winteler, cãi cha mẹ để được cưới Mileva Maric. Cả hai có với nhau ba con nhưng ly hôn vì Einstein bận làm khoa học và có tính gia trưởng. Con đầu của cả hai bị bỏ rơi, cho đến nay vẫn không có tài liệu nào nhắc đến.

Sau cuộc hôn nhân đầu, Einstein kết hôn với em gái cùng họ – Elsa Einstein – năm 1919. Có nguồn tin cho rằng mối quan hệ của Einstein và Elsa đã nảy nở khi ông còn chung sống với người vợ đầu tiên.

Sách cũng viết về những bất lực của Einstein trong công việc khoa học. Những phát kiến Vật lý lý thuyết của ông góp phần tạo ra bom nguyên tử và ông không phản đối vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên, ông đã rất ân hận khi không ngăn cản được việc Mỹ thả hai quả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.

Cuối cuốn sách, Isaacson hé lộ câu chuyện ly kỳ về bộ não của Einstein. Bộ não ông đã được giữ lại, không hỏa táng khi ông mất. Nhà phẫu thuật Thomas Harvey giữ lại bộ não đó, chia thành hàng chục phần cho các nhà nghiên cứu. Một phần bộ não vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Einstein: His Life and Universe được xem là cuốn tiểu sử đầy đủ về thiên tài Vật lý từ trước đến nay. Sách trở thành best-seller của The New York Times, luôn nằm trong top bán chạy nhất. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã được in 68 phiên bản sách giấy theo trang GoodReads.

Isaacson thừa nhận Einstein là nhân vật rất khó khắc họa – một con người phi thường sống dưới lớp vỏ bình dân, cá tính phức tạp, đời tư và quan điểm sống tách biệt với thời đại. Tác giả Isaacson còn phải tự trang bị kiến thức khoa học để hiểu hết những tư liệu về Einstein.

Walter Isaacson sinh năm 1952, là một nhà văn, nhà báo người Mỹ. Ông là chủ tịch Hội đồng quản trị của Học viện Aspen, từng là chủ tịch của CNN và tổng biên tập tạp chí Time. Isaacson được xem là chuyên gia viết tiểu sử hàng đầu nước Mỹ, với các tác phẩm về cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu tổng thống Mỹ Franklin, Steve Jobs…

[taq_review]

Review

Luv Musik

Quyển sách này viết rất chi tiết về cuộc đời của Enstein từ thuở thiếu thời cho đến sau khi ông mất. Nó mô tả cực kỳ chi tiết về tính cách khác thường của ông, về những mối quan hệ gia đình, bè bạn, đồng nghiệp và tất nhiên phần lớn đều xoay quanh những lý thuyết khoa học mà ông nghiên cứu và khám phá. Không cần nói đến những vấn đề khoa học nữa vì thật sự nó quá vĩ đại rồi mà ở đây tôi lại thấy ấn tượng hơn về cuộc đời của Enstein. Tôi ngưỡng mộ ông với vai trò là một nhà khoa học vĩ đại, về tư tưởng yêu chuộng tự do và hoà bình nhưng về những khía cạnh khác, đó thật sự là một thứ cảm xúc lẫn lộn (đặc biệt là mối quan hệ giữa ông và vợ con). Đó là con người thật sự khó đoán về mặt cảm xúc (vừa hào phóng, vừa gần gũi với người con này nhưng lại có phần thiếu trách nhiệm với người vợ đầu và người con khác). Ông được người thân bạn bè biết đến là một người hài hước, sắc sảo nhưng với những mối quan hệ đau thương, ông dường như muốn lẩn tránh.

Đây thật sự là một cuốn sách tuyệt vời, chi tiết và thú vị.

Dương Minh Phúc Lộc

Tôi tự hỏi liệu chúng ta có nhìn nhận hết về ông hay chưa?và câu trả lời là chưa.Không thể vì chúng ta còn phải đi tìm và trả lời câu hỏi mà cậu bé Einstein đã tự hỏi:liệu khi đuổi kịp ánh sáng thì ta sẽ thấy gì chứ?Đến giờ,ta tưởng nhớ ông vì chúng ta chỉ làm theo những gì ông nêu ra,mà không tìm cái gì mới,nếu không nói là,chúng ta chỉ tưới cái cây mà ông trồng,trong mảnh vườn”vũ tru” rộng lớn và hoang dã kia.Chúng ta cần biết về cuộc đời,và quá trình ông đến với các ý tưởng”làm sụp đổ tòa nhà vật lý cổ điển của Newton”.Ông là kỹ sư trưởng của con tàu vũ trụ,đưa chúng ta thoát khỏi hệt thống ròng rọc cơ,mà vươn tầm đến sự lớn nhất và nhỏ nhất của tự nhiên tồn tại song song tôn giáo này.Cuốn sách rất có ý nghĩa,khi mà thế giới vừa kỉ niệm về một vĩ nhân được đặt tên theo mười nguyên tố của loài người tìm được-Es.

Cuốn sách rất bổ ích để chúng ta bổ sung tri thức về ông-Einstein.

Huỳnh Thị Thanh Nhân

Tôi rất thích ông ấy ở đôi mắt, ý chí, sự hài hước và… mái tóc của ông – không lẫn vào đâu được. Trước kia, ngoài cái tên Albert Einstein và Thuyết tương đối E=mc2, tôi hoàn toàn không biết gì về vị vĩ nhân thứ tám này. Nhưng từ khi quyển sách này ra đời, một cái nhìn toàn diện về con người và cuộc đời ông, hiện lên hoàn hảo trước mắt tôi. Những giai đoạn thăng trầm đều được kể và tả tỉ mỉ, như đưa tôi vào trong huyền thoại vậy, cùng những câu danh ngôn Einstein, tôi cứ thấy ngây ngô thế nào, nhưng đứng trên phương diện khoa học thì tôi càng hiểu rõ hơn những gì ông đã trải qua, đã đúc kết.

Hoàn hảo! một quyển sách quá hoàn hảo, một sự khám phá cần có đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của hậu bối chúng ta về những con người vĩ đại như Albert Einstein – tiếp nối những điều ông đã làm được.

Trích đoạn

Nghịch lý của sự nổi tiếng

Einstein đã có đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một ngôi sao. Biết rằng công chúng nóng lòng muốn có một người nổi tiếng mới trên thế giới, các phóng viên hài lòng khi thấy thiên tài mới được phát hiện này không phải là một người buồn tẻ hay một học giả quá đỗi dè dặt. Thay vào đó, ông là người đàn ông tứ tuần, nằm đâu đó trong phổ từ đẹp trai tới đặc biệt đẹp trai, với bộ tóc xù hoang dại, đôi mắt sáng thân thiện và sẵn sàng chia sẻ kiến thức.

Người bạn Paul Ehrenfest của ông cho rằng sự chú ý của báo giới khá lố bịch. Ông nói đùa: “Những chú vịt báo chí giật mình hoảng hốt vừa vỗ cánh loạn xạ vừa quàng quạc thật to.” Đối với em gái của Einstein, Maja, người lớn lên vào thời điểm trước khi mọi người thích sự nổi tiếng, thì sự chú ý này thật lạ lùng và cô nghĩ rằng ông hẳn phải rất khó chịu với việc này. Chưa hoàn toàn hiểu rõ rằng giờ ông đã nổi tiếng trên toàn thế giới, Maja không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Có một bài báo về anh trên một tờ báo của Lucerne đấy! Em hình dung chuyện này sẽ khiến anh khó chịu lắm vì nó viết về anh quá nhiều.”

Einstein quả thật nhiều lần than vãn về sự nổi tiếng này. Ông phàn nàn với Max Born rằng ông đã bị “báo giới và những kẻ bất hảo khác săn lùng”. “Nó mệt mỏi đến nỗi tôi chẳng thở được, nói gì đến việc làm gì khác.” Với một người bạn khác, ông vừa nói vừa vẽ ra một bức tranh sinh động hơn về sự nổi tiếng: “Từ khi giới báo chí tràn đến, tôi ngập lụt trong các câu hỏi, những lời mời, những đề nghị đến độ mơ thấy mình bị thiêu trong Hỏa ngục và tay đưa thư của Quỷ không ngừng gầm lên với tôi, hắn ta ném xấp thư vào đầu tôi vì tôi chưa trả lời những bức thư cũ.”

Tuy nhiên, ác cảm của Einstein với đối sự nổi tiếng tồn tại trên lý thuyết hơn là trên thực tế. Ông có thể tránh được, thật ra khá dễ dàng, tất cả các cuộc phỏng vấn, những đợt công bố, chụp hình và xuất hiện trước công chúng. Những người thật sự không thích ánh đèn sân khấu sẽ không muốn xuất hiện cùng Charlie Chaplin trên thảm đỏ giới thiệu phim, như gia đình Einstein.

Sau khi tìm hiểu về ông, C. P. Snow đã nói: “Ông thích những người chụp ảnh và đám đông. Ông có tố chất của một người thích thể hiện và của một diễn viên nghiệp dư. Nếu không có tố chất đó, sẽ không có người chụp ảnh và đám đông nào cả. Chẳng có gì dễ hơn là tránh sự nổi tiếng. Nếu người ta thật sự không muốn có nó, người ta sẽ không có nó.”

Phản ứng của Einstein đối với sự nịnh bợ cũng phức tạp như phản ứng của vũ trụ đối với lực hấp dẫn. Ông vừa bị thu hút, vừa bị khó chịu bởi những chiếc máy ghi hình, ông yêu thích sự nổi tiếng nhưng cũng hay phàn nàn về nó. Mối quan hệ yêu – ghét của ông với sự nổi tiếng và các phóng viên có lẽ sẽ còn là bất thường cho đến khi người ta suy ngẫm về sự hòa trộn những cảm xúc vui thích, thú vị, căm ghét và khó chịu mà nhiều người nổi tiếng cảm thấy.

Một lý do mà Einstein – không giống như Planck, Lorentz hay Bohr – trở thành biểu tượng là do ông đã xem đó là vai diễn mà ông có thể và sẽ đảm nhận vai diễn đó. Nhà vật lý Freeman Dyson (không liên quan gì tới nhà khoa học Dyson trong Hội Thiên văn Hoàng gia Anh) đã viết: “Những nhà khoa học trở thành biểu tượng chắc chắn không chỉ là thiên tài, mà còn phải là một nghệ sĩ trình diễn, biết nương theo công chúng và tận hưởng sự ca ngợi của công chúng.” Einstein đã trình diễn. Ông đã trả lời các cuộc phỏng vấn, rắc lên họ những câu cách ngôn vui vẻ và biết chính xác điều gì làm nên câu chuyện hay.

Thậm chí Elsa, hoặc có lẽ đúng hơn, đặc biệt là Elsa, rất thích được chú ý. Bà như là người bảo vệ chồng, tỏ ra đáng sợ bằng giọng điệu và ánh nhìn áp đảo khi những kẻ xâm nhập không mời mà đến bước chân vào quỹ đạo của ông. Nhưng thậm chí hơn cả chồng mình, bà thích sự vinh danh và tôn kính đến cùng với sự nổi tiếng. Bà bắt đầu thu phí chụp ảnh ông và tặng số tiền này cho các hội từ thiện để cung cấp thực phẩm cho trẻ em nghèo đói ở Vienna và các nơi khác.

Trong thời kỳ nổi tiếng đó, khó mà nhớ được một thế kỷ trước những người đạo mạo đã tránh xa sự nổi tiếng và xem thường những kẻ giành được nó đến nhường nào. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, sự chú trọng vào cá nhân dường như không thích hợp. Khi người bạn của Einstein, Max Born xuất bản một cuốn sách về thuyết tương đối sau khi có những quan sát nhật thực, ông đã đưa vào ấn bản đầu tiên một tấm hình của Einstein ở ngay trang đầu và một tiểu sử ngắn gọn về ông. Max von Laue và những người bạn khác của cả hai người đều hoảng sợ. Những điều như vậy không thuộc về một cuốn sách khoa học, dù là một cuốn sách được ưa chuộng, von Laue viết như vậy cho Born. Born đành bỏ phần đó đi trong ấn bản sau.

Do đó, vào năm 1920, Born đã thất vọng khi có thông báo rằng Einstein đã hợp tác với một nhà báo người Do Thái là Alexander Moszkowski – người chủ yếu viết sách hài hước và huyền bí – nhằm cho ra một cuốn tiểu sử. Cuốn sách tự quảng cáo, ở phần tiêu đề, là dựa trên các cuộc trao đổi với Einstein, và đúng là như vậy. Trong chiến tranh, ông Moszkowski thích giao du này đã làm bạn với Einstein, rất quan tâm tới các nhu cầu của Einstein và đưa ông tới gặp giới bán văn học hay tụ họp ở một quán cà phê ở Berlin.

Born là người Do Thái nhưng không thực hành tín ngưỡng Do Thái giáo mà muốn hòa nhập với xã hội Đức, và ông sợ rằng cuốn sách này sẽ thổi bùng lên ngọn lửa bài Do Thái vốn đang âm ỉ. “Các học thuyết của Einstein đã được các đồng nghiệp đóng dấu là ‘Vật lý Do Thái’”, Born nhớ lại, ông nói đến quân đoàn người theo chủ nghĩa dân tộc Đức ngày một đông đảo đang bắt đầu nói xấu bản chất trừu tượng và cho rằng “chủ nghĩa tương đối” đạo đức là đặc điểm cố hữu trong các học thuyết của Einstein. “Và giờ thì có một tác giả người Do Thái, tác giả của nhiều cuốn sách với những nhan đề phù phiếm, muốn viết một cuốn sách cũng phù phiếm về Einstein.” Vì vậy, Born và vợ mình, bà Hedwig, người chưa bao giờ né tránh cơ hội nhiếc móc Einstein, đã tiến hành một cuộc vận động cùng với những người bạn khác để ngăn cản việc ông xuất bản cuốn sách.

Hedwig dọa nạt: “Anh phải rút giấy phép ngay và bằng một bức thư bảo đảm.” Bà cảnh cáo ông rằng “bọn báo chí cặn bã” sẽ sử dụng nó để làm nhem nhuốc hình ảnh của ông và cho ông là tay Do Thái tự quảng bá mình. “Một làn sóng khủng bố hoàn toàn mới và tồi tệ hơn nhiều sẽ được xổ ra.” Bà nhấn mạnh, tội ác không nằm ở điều ông nói, mà là thực tế rằng ông đang cho phép mình nổi tiếng:

Nếu tôi không biết anh rõ, tôi chắc chắn sẽ không thừa nhận những động cơ vô tội trong những trường hợp thế này đâu. Tôi sẽ hạ thấp nó thành sự phù phiếm. Cuốn sách này sẽ làm thành bản án tử hình luân lý của anh đối với cả bốn hoặc năm người bạn của anh nữa. Về sau, nó cũng có thể trở thành bằng chứng xác nhận rõ ràng nhất cho lời cáo buộc tự quảng bá bản thân.

Một tuần sau, chồng bà cũng đưa thêm một lời cảnh báo rằng tất cả những địch thủ chủ trương bài Do Thái của Einstein “sẽ chiến thắng” nếu ông không ngăn việc xuất bản lại. “‘Những người bạn’ Do Thái của anh [tức Moszkowski] sẽ làm được điều mà cả một đám bài Do Thái không làm được.”

Nếu Moszkowski từ chối rút lui, Born khuyên Einstein nên xin một lệnh giới hạn xuất bản từ văn phòng công tố. Ông nói: “Anh phải đảm bảo việc này sẽ được báo chí đưa tin. Tôi sẽ gửi cho anh các chi tiết về nơi anh cần nộp giấy tờ.” Giống nhiều người bạn khác của họ. Born lo lắng rằng Elsa chính là người dễ bị lóa mắt trước những cám dỗ nổi tiếng. Như ông nói với Einstein: “Anh vẫn là một cậu nhóc trong những vấn đề này. Tất cả chúng tôi đều yêu quý anh, và anh phải nghe theo những người sáng suốt (không phải vợ anh).”

Einstein làm theo lời khuyên của những người bạn, ông gửi cho Moszkowski một bức thư bảo đảm yêu cầu không in tác phẩm “tuyệt vời” của anh. Nhưng khi Moszkowski từ chối rút lui, Einstein không thực hiện biện pháp pháp lý. Cả Ehrenfest và Lorentz đều đồng ý rằng ra tòa sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa và khiến vấn đề tồi tệ hơn, nhưng Born phản đối. Ông nói: “Anh có thể trốn sang Hà Lan”, ý nói đến chuyện Ehrenfest và Lorentz hiện đang nỗ lực lôi kéo Einstein sang đó, nhưng những người bạn Do Thái vẫn còn ở lại Đức của anh “sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn khó chịu đó”.

Sự thờ ơ của Einstein cho phép ông tạo ra một không khí giải trí hơn là lo lắng. “Toàn bộ chuyện này hoàn toàn chẳng quan trọng gì đối với tôi, cả cơn chấn động, và ý kiến của từng cá nhân hay tất cả mọi người cũng vậy.” Ông nói: “Tôi sẽ sống qua tất cả những điều đang chờ đợi tôi như một người quan sát vô tư.”

Khi cuốn sách được xuất bản, nó khiến Einstein trở thành mục tiêu dễ nhắm vào cho những người bài Do Thái, họ sử dụng nó để củng cố cho luận điểm rằng ông là một kẻ tự quảng bá, đang cố biến khoa học thành cơ hội kinh doanh. Nhưng nó không gây ra nhiều chấn động trong công chúng. Không có “chấn động Trái đất” nào cả, như Einstein đã viết cho Born.

Nhìn lại thì cuộc tranh cãi về sự nổi tiếng dường như kỳ quặc, và cuốn sách có vẻ là một sai lầm vô hại. Sau này, Born thừa nhận: “Tôi đã xem qua và thấy nó không tệ như tôi nghĩ. Nó chứa đựng nhiều câu chuyện và giai thoại khá thú vị, vốn là đặc trưng ở Einstein.”

Einstein cũng biết cách không để sự nổi tiếng hủy hoại lối sống giản dị của mình. Trong một chuyến đi xuyên đêm tới Prague, ông lo sợ rằng các chức sắc hoặc những người tìm kiếm sự tò mò muốn chào mừng ông, vì vậy ông quyết định ở lại với vợ chồng người bạn Philipp Frank. Vấn đề là cả hai vợ chồng quả thật sống trong văn phòng của Frank tại phòng thí nghiệm vật lý, nơi Einstein từng làm việc. Vì vậy, Einstein ngủ trên một chiếc ghế xô-pha ở đó. Frank nhớ lại: “Thế có lẽ không tốt lắm cho một người nổi tiếng như thế, nhưng nó đúng với sở thích của ông ấy đối với lối sống giản dị và những tình huống trái ngược với quy ước xã hội.”

Trên đường từ quán cà phê về nhà, Einstein một mực nói rằng họ nên mua đồ ăn cho bữa tối để vợ Frank không phải đi mua. Họ chọn gan bê, vợ Frank nấu món này trên chiếc lò Bunsen ở phòng thí nghiệm của văn phòng. Bỗng nhiên, Einstein nhảy giật lên. Ông hỏi: “Chị làm gì thế? Chị định luộc gan với nước đấy à?” Vợ Frank cho biết đúng là mình đang làm thế. Einstein nói: “Điểm sôi của nước rất thấp. Chị phải dùng một chất có điểm sôi cao hơn chẳng hạn bơ hoặc mỡ ấy”. Từ đó trở đi, vợ Frank thường nhắc đến sự cần thiết phải rán gan là “thuyết Einstein”.

Sau bài giảng của Einstein vào tối hôm đó là một buổi tiệc nhỏ được khoa vật lý tổ chức, với nhiều bài phát biểu dạt dào tình cảm. Khi đến lượt Einstein đáp lời, ông lại tuyên bố: “Có lẽ sẽ thú vị và dễ hiểu hơn nếu tôi chơi một bản nhạc vĩ cầm, thay vì phát biểu.” Ông chơi một bản sonat của Mozart, mà theo lời Frank, với một “phong thái giản dị, chính xác và vì thế mà vô cùng cảm động”.

Buổi sáng hôm sau, trước khi ông lên đường, một anh chàng trẻ tuổi đã đến tìm ông tại văn phòng của Frank và một mực muốn cho ông xem một bản thảo. Người này khăng khăng nói rằng, trên cơ sở phương trình E = mc2, người ta có thể “sử dụng năng lượng trong nguyên tử để tạo ra những loại chất nổ đáng sợ”. Einstein từ chối thảo luận và gọi khái niệm này là ngớ ngẩn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button