Review

Đừng Để Nước Đến Chân Mới Nhảy

Thể loại Tâm lý – Kỹ năng
Tác giả Jocelyn K.Glei
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 253
Ngày xuất bản 09-2014
Giá bánXem giá bán

Bạn có từng bị phân tâm, quá tải, hay choáng ngợp trước khối lượng công việc? Bạn từng hùng hục làm việc, nhưng tới cuối ngày khi chuẩn bị rời khỏi văn phòng, bạn chợt nhận ra phần quan trọng nhất trong danh sách việc cần làm vẫn chưa hoàn thành. Thế giới đã thay đổi. Cách chúng ta làm việc cũng phải thay đổi. Với sự khôn ngoan có được từ 20 bộ óc sáng tạo hàng đầu, từ Dan Ariely đến Seth Godin, từ Mark McGuinness đến Tiffany Shlain, cuốn sách này mang đến cho bạn những kiến giải sâu sắc và giá trị của việc tối ưu hóa nhịp điệu hàng ngày.

Bạn sẽ thấy rằng thói quen làm việc của mình đã bị phó mặc thích nghi với môi trường xung quanh, hơn là đáp ứng sở thích của chính bạn. hãy sử dụng cuốn sách này như một cơ hội để đánh giá mọi thứ. hãy dừng lại giữa dòng công việc không ngừng nghỉ để đánh giá cách bạn thực hiện nó. Chỉ bằng cách có trách nhiệm về thói quen hàng ngày của mình bạn mới có thể thực sự tác động tới những gì quan trọng nhất đối với mình.

[taq_review]

Trích dẫn

Khai thác sức mạnh của sự đều đặn

—Gretchen Rubin

Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao những gì có thể làm trong một thời gian ngắn và đánh giá thấp những gì có thể làm một cách chậm rãi, đều đặn trong một thời gian dài. Anthony Trollope, nhà văn của thế kỷ XIX, một tiểu thuyết gia có năng lực sáng tác sung mãn đồng thời là người thực hiện cách mạng hóa hệ thống bưu chính của Anh, đã nhận xét, “Một công việc nhỏ bé hàng ngày, nếu nó thật sự được thực hiện hàng ngày, sẽ đánh bại sức mạnh nhất thời của Hercules.” Về lâu dài, sự đều đặn của một thói quen nhàm chán sẽ thúc đẩy cả năng suất cũng như sự sáng tạo.

Là một nhà văn, tôi làm việc mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần, ngày lễ và các kỳ nghỉ. Tôi thường viết nhiều giờ một ngày, mặc dù đôi khi có thể một lần chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn là 15 phút và không bao giờ bỏ qua ngày nào. Tôi đã phát hiện ra rằng cách làm việc đều đặn với mức độ sáng tạo cao này có thể giúp hoàn thành được nhiều hơn.

Làm đều đặn để bắt đầu dễ hơn. Bắt tay vào việc luôn là một thách thức. Bắt đầu một dự án từ giấy trắng và quay lại làm việc sau một giờ giải lao là một điều khó khăn. Bằng cách làm việc mỗi ngày, bạn giữ được đà tiến lên. Bạn sẽ không có thời gian để thấy tách biệt khỏi tiến trình công việc. Bạn sẽ không bao giờ quên vị trí của mình và lãng phí thời gian xem lại tốc độ của mọi thứ hoặc nhớ xem bạn đã hoàn thành những gì. Vì dự án của bạn chưa hề phai mờ trong tâm trí nên bắt đầu tại điểm bạn đã dừng lại rất dễ dàng.

Làm việc đều đặn giữ cho ý tưởng luôn mới mẻ. Có thể bạn sẽ phát hiện ra các mối liên hệ đáng ngạc nhiên và những liên kết mới mẻ giữa các ý tưởng, nếu tâm trí bạn vẫn tiếp tục nghĩ đến chúng. Khi tôi đặt hết tâm trí vào một dự án, tất cả mọi thứ tôi trải nghiệm đều dẫn đến nó một cách đầy hứng khởi. Thế giới trở nên thú vị hơn. Điều này rất quan trọng bởi tôi cần một cảm hứng dồi dào và khi trở nên nhạy cảm với các nguồn sáng tác tiềm năng, những ý tưởng nảy nở. Ngược lại, làm việc không thường xuyên khiến bạn khó giữ được tập trung. Khi đó bạn dễ dàng giậm chân tại chỗ, bối rối, phân tán, hoặc quên đi mục tiêu mà mình hướng tới.

Làm việc đều đặn giảm đi áp lực. Nếu mỗi tuần bạn chỉ viết được một trang sách, một bài blog hoặc một báo cáo, bạn kỳ vọng nó phải thật tốt và bắt đầu băn khoăn về chất lượng. Tôi có biết một nhà văn, người rất khó buộc bản thân sáng tác. Khi chị xoay sở để giữ được mình ngồi trước máy tính với một núi công việc, chị gặp phải một áp lực rất lớn là phải thật tài năng. Chị đánh giá thành phẩm của mỗi phân đoạn một cách khắt khe. Chị không làm được nhiều việc nên những gì cố hoàn thành phải thật sự rất xuất sắc. Bởi tôi làm việc hàng ngày nên không ngày nào có vẻ đặc biệt quan trọng. Tôi có những ngày hiệu quả và những ngày không. Một số ngày, tôi hầu như không hoàn thành được gì cả. Nhưng không hề gì, bởi tôi biết mình đang làm việc đều đặn. Kết quả của việc không âu lo đặt tôi vào một tâm trạng thư thái và cho phép tôi thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. Nếu một việc nào đó không tiến triển, tôi vẫn có rất nhiều thời gian để thử một cách tiếp cận khác.

Làm việc đều đặn kích thích sự sáng tạo. Có thể bạn nghĩ, “Phải làm việc thường xuyên, dù có cảm hứng hay không, sẽ buộc tôi phải hạ thấp những tiêu chuẩn của mình.” Theo kinh nghiệm của tôi, tác động lại hoàn toàn ngược lại. Thường thì người ta có được thành quả tốt nhất bằng cách không ngừng tạo ra thành phẩm. Sự sáng tạo nảy sinh từ những ý tưởng tuôn ra không ngừng và một trong những cách dễ dàng nhất để khuyến khích ý tưởng dồi dào là hướng tâm trí gắn chặt vào dự án. Khi bạn làm việc thường xuyên, nguồn cảm hứng cũng đến thường xuyên.

Làm việc đều đặn củng cố cho nhau. Nếu bạn phát triển thói quen làm việc thường xuyên, bắt đầu và hoàn tất việc gì đó sẽ dễ dàng hơn nhiều ngay cả khi thời gian của bạn hạn hẹp vì bạn không cần phải mất thời gian để làm quen với điều đó. Tôi biết một nhà văn, người kết hôn với một họa sĩ và cô ấy đã nói với tôi, “chúng ta hãy nói về ‘quy tắc mười phút’. Nếu công việc của chúng ta tiến triển tốt, ta có thể bắt tay cải thiện một việc gì đó và kết thúc trong vòng mười phút.” Làm việc đều đặn cho phép chúng ta tận dụng những khoảng thời gian ngắn này.

Làm việc đều đặn thúc đẩy hiệu quả. Không có gì ngạc nhiên khi bạn có thể hoàn thành nhiều hơn nếu bạn làm việc mỗi ngày. Điều hiển nhiên là thành quả của mỗi ngày làm việc sẽ giúp công việc của ngày hôm sau diễn ra suôn sẻ và dễ dàng hơn. Không có gì hài lòng hơn việc thấy bản thân đều đặn tiến đến mục tiêu lớn của mình. Bạn tiến lên phía trước từng bước một. Đó là lý do tại sao tập viết hàng ngày hoặc viết nhật kí trên blog cũng có thể rất hữu ích. Chính điều này cho bạn thấy rằng bạn có khả năng làm công việc đó. Ngày này qua ngày khác, tiến bộ là sự trấn an và truyền cảm hứng, hoảng loạn và tuyệt vọng thế chỗ khi bạn thấy mình không hoàn thành được gì. Một trong những trớ trêu của đời sống công việc là nỗi bất an do trì hoãn, thậm chí còn khiến người ta khó thực hiện việc phải làm hơn trong tương lai.

Làm việc đều đặn là cách tiếp cận thiết thực. Làm việc thường xuyên rất hữu ích khi bạn đang tiến hành một dự án sáng tạo với áp lực từ các nghĩa vụ công việc hay nghĩa vụ gia đình. Thay vì liên tục cảm thấy nản lòng vì không có thời gian cho dự án, bạn hãy tự tạo cho mình thời gian vào mỗi ngày. Nếu bạn làm một ít mỗi ngày, bạn có thể hoàn thành nhiều việc sau quá trình hàng tháng và hàng năm (xem ở trên). Ngoài ra, đều đặn không nhất thiết là mỗi ngày bạn đều phải thực hiện; điều quan trọng nhất chính là tính nhất quán. Tuy nhiên, khoảng cách giữa những lần thực hiện càng cách xa, những lợi ích bạn thu được càng giảm.

Điều ngược lại với một chân lý thông thường cũng có thể đúng. Trong khi làm việc đều đặn trong một thời gian dài có nhiều điểm thuận lợi, đôi khi cũng rất thú vị khi thử một cách tiếp cận táo bạo: làm việc cường độ cao trong một khoảng thời gian cực ngắn. Trong cuốn Making Comics (tạm dịch: sáng tác truyện tranh), Scott McCloud giới thiệu cái mà ông gọi là truyện tranh 24 giờ: “Vẽ toàn bộ một cuốn truyện tranh 24 trang chỉ trong vòng 24 giờ. Không phác thảo. Không chuẩn bị. Khi đồng hồ bắt đầu đếm giờ, đừng ngừng lại cho đến khi bạn đã hoàn tất. Đây là giải pháp kinh ngạc cho việc giữ lại trọn vẹn cảm hứng một cách sáng tạo.” Tôi thích gắn bó với công việc của mình từng chút một, nhưng đôi khi tiến một bước lớn đầy tham vọng hữu ích hơn. Bằng cách giải quyết nhiều hơn thay vì ít hơn, tôi cảm nhận sự dâng trào của năng lượng và sự tập trung.

Tôi có một danh sách các “Bí Quyết Của Sự Trưởng Thành” – những bài học tôi đã đúc kết được trong quá trình trưởng thành của mình, chẳng hạn như: “Một công việc không được bắt đầu gây mệt mỏi hơn,” “Làm cho một ngày của bạn dài hơn, một năm sẽ ngắn lại,” và “ Luôn luôn sẵn sàng để tiếp nhận điều mới”. Một trong những bí quyết hữu ích nhất của tôi là, “Việc ta làm mỗi ngày đáng phải cân nhắc hơn những việc thi thoảng.”

Ngày qua ngày, chúng ta tổ chức cuộc sống của mình và từng bước tạo nên những điều phi thường từ trí tưởng tượng của mình.

“Ta là những việc ta làm đi làm lại. Khi đó, sự xuất sắc không phải là một hành động mà là một thói quen.”

—ARISTOTLE

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button