Review

Đồng Hồ Xương

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả David Mitchell
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành NXB Trẻ
Số trang 688
Ngày xuất bản 11-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Mỗi người trong chúng ta là một chiếc “đồng hồ xương”, thời gian hữu hạn trôi qua, và những gì còn lại là xương cốt. Trái với con người hữu thời là những kẻ vô thời, bất tử nhờ tự nhiên hoặc bằng cách tước đoạt mạng sống của người khác, nhưng những kẻ ấy liệu có hạnh phúc hơn khi không thấy thời gian hữu hạn? Năng lực đặc biệt, khả năng thấy trước tương lai, tuổi thọ… không bù đắp được sự cần thiết về gia đình, tình bằng hữu đối với con người.

[taq_review]

Trích dẫn

16 Tháng Tư

“Nếu anh hỏi tôi có phải là con nghiện khói lửa không,” tôi nói với Brendan, “thì câu trả lời là không, không phải.” Giọng tôi bực bội. Mà tôi cũng thấy bực thật.
“Không phải, Ed à,” Ông-anh-vợ-hờ của tôi rất giỏi trò nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong, dẻo mồm kiểu Tony Blair. Brendan trông giống (và đúng là) một tay kinh doanh địa ốc tham công tiếc việc giữa tứ tuần, lâu lâu mới nghỉ một ngày. “Thì ai cũng biết chú không phải là con nghiện khói lửa. Đương nhiên rồi. Chứ chẳng phải chú đã cất công bay về Anh để dự đám cưới Sharon đó sao. Không, ý anh muốn hỏi là có khi nào phóng viên chiến trường lại đâm ra nghiện cái cảm giác mạnh trên chiến địa. Có vậy thôi.”
“Cũng có người như vậy,” tôi nhượng bộ, dụi mắt và nghĩ đến Big Mac. “Nhưng tôi không có nguy cơ đó. Triệu chứng khá rõ mà.” Tôi gọi cô bé chạy bàn, xin thêm một ly Glenfiddich. Cô bé nói sẽ mang tới ngay.
“Triệu chứng sao kia?” Sharon nhỏ hơn Holly bốn tuổi, mặt cũng tròn hơn. “Em chỉ tò mò thôi.”
Tôi thấy mình như đang bị bao vây, nhưng tay Holly tìm tay tôi trên ghế, siết chặt. “Triệu chứng của bệnh nghiện chiến địa, ừ thì cũng giống bệnh nghề nghiệp thường thấy của nhà báo tác nghiệp xa. Vợ chồng lục đục; không quen với cuộc sống gia đình; không thỏa mãn với cuộc sống bình thường. Lạm dụng rượu bia.”
“Không tính Glenfiddich chứ?” Dave Sykes, ông già dễ chịu của Holly lên tiếng, không khí đỡ căng thẳng hơn.
“Chắc không đâu.” Ước gì câu chuyện đến đây chìm xuồng.
“Chắc anh từng thấy nhiều thứ kinh lắm, Ed nhỉ.” Pete Webber góp chuyện. Pete là dân kế toán, thích đạp xe, chú rể của ngày mai. Trông anh chàng mệt mỏi rã rời, tóc chưa gì đã hói, nhưng Sharon cưới anh ta vì tình yêu, chứ không phải vì tóc tai.
“Sharon có kể anh từng tác nghiệp ở Bosnia, Rwanda, Sierra Leone, Baghdad. Toàn những chỗ người ta cố tránh xa.”
“Có nhà báo thành danh ở mục kinh tế, có người thì chuyên trị mấy vụ phẫu thuật thẩm mỹ của sao siếc. Còn phần tôi là chiến tranh.”
Pete ngập ngừng. “Mà anh chưa bao giờ tự hỏi, ‘tại sao lại là chiến tranh’ sao?”
“Chắc vì tôi không thấy silicone có gì hấp dẫn.”
Cô bé chạy bàn mang ly Glenfiddich của tôi đến. Tôi nhìn Pete, Sharon, Brendan và Ruth, Dave và Kath- bà mẹ Ireland xông xáo của Holly. Tất cả đều chờ tôi nói một điều đó thật sâu sắc về động cơ nghề nghiệp của mình. Người nhà Sykes cũng từng chịu đau đớn– Jacko, em trai út của Holly mất tích hồi năm 1984, xác vẫn chưa tìm ra – nhưng những mất mát mà tôi từng chứng kiến, từng tác nghiệp, lại ở một quy mô khác hẳn. Nên tôi khác với họ. Tôi không nghĩ mình giải thích được sự khác biệt ấy. Tôi ngờ là chính mình còn không hiểu nổi.
“Anh muốn đánh động thế giới đến số phận của những kẻ yếu chăng?” Pete hỏi.
“Lạy Chúa, không phải.” Tôi nghĩ đến Paul White, gặp trong lần đầu tiên tôi đi Sarajevo; Paul White nằm chết giữa vũng nước chỉ vì anh ta muốn Tạo Ra Một Sự Thay Đổi. “Trạng thái mặc định của thế giới là bàng quan. Người ta muốn quan tâm đấy, nhưng còn quá nhiều việc khác.”
“Vậy chú cho anh nói cái này hơi nghịch nhĩ,” Brendan lên tiếng, “tại sao lại liều mạng vậy để viết mấy bài báo không thể thay đổi được gì?”

Tôi gượng cười với Brendan. “Thứ nhất, tôi không liều mạng: tôi luôn thận trọng đúng quy tắc. Thứ hai, tôi…”
“Thận trọng kiểu gì nổi,” Brendan cắt ngang, “nếu có một chiếc xe cài bom nổ ngay bên ngoài khách sạn chú ở?”
Tôi nhìn Brendan, cố nháy mắt ba lần những mong ông anh vợ hờ biến mất. Khỉ thật. Để lần tới vậy. “Lần tới trở lại Baghdad tôi sẽ dọn vào Vùng Xanh. Thứ hai là, nếu một tội ác không được kể lại, sau khi nhân chứng cuối cùng chết thì cũng chìm xuồng, coi như chưa từng xảy ra. Đó là điều tôi không thể chịu được. Nếu một vụ xả súng, bom nổ, gì gì nữa, được viết lại, thì ít nhất nó cũng để lại chút xíu dấu ấn trên bộ nhớ của thế giới. Ai đó, ở đâu đó, vào lúc nào đó, sẽ có cơ hội biết chuyện. Và, biết đâu, sẽ có hành động đáp lại. Hoặc không. Nhưng ít nhất câu chuyện cũng được viết ra.”
“Vậy chú giống như một người lưu trữ thông tin cho tương lai,” Ruth nói.
“Nghe cũng hay đó chị Ruth. Tôi đồng ý.” Tôi dụi mắt. “Chắc chú sẽ nhớ lắm nhỉ,” Brendan hỏi, “sau tháng Bảy?”
“Sau tháng Sáu chứ,” Holly vui vẻ đáp.
Không ai thấy tôi khẽ rùng mình. Tôi cũng mong thế. “Đến lúc đó,” tôi nói với Brendan, “tôi sẽ cho anh biết.”
“Vậy anh đã có sẵn việc gì sau đó chưa?” Dave hỏi.
“Ed có nhiều mối lắm, ba à,” Holly nói. “Có thể là làm báo giấy, hoặc BBC, Internet đã thực sự thay đổi báo chí. Một biên tập cũ của Ed ở FT giờ đang dạy trường UCL.”
“Ừ, tui nghĩ anh mà về ổn định ở London thì hay quá, Ed à,” Kath nói. “Tụi tui lo lắm, mỗi khi anh đi xa. Tui thấy mấy tấm hình chụp cái chỗ Fallujah đó rồi – xác người treo trên cây cầu! Kinh quá. Không thể hiểu được. Tui cứ nghĩ người Mỹ đã thắng từ nhiều tháng trước. Tui cứ nghĩ người Iraq ghét Saddam. Tui cứ nghĩ ông ta là con quỷ chứ.”
“Iraq phức tạp hơn mấy ông lớn hình dung ở bàn chiến sự, bác Kath à. Khác cả với những gì mấy ổng muốn hình dung nữa.”
Dave đập hai bàn tay. “Thôi bây giờ xong chuyện tỉ tê tâm sự, nói chuyện nghiêm túc đi: Ed, anh có đi tiệc độc thân của Pete tối nay không? Kath sẽ giữ Aoife nên không có lý gì mà từ chối à.”
Pete nói, “Mấy người bạn làm cùng sẽ tụ tập ở quán Cricketers, quán được lắm, ngay góc đường đây. Rồi sau đó…”
“Thôi thôi, em không muốn biết vụ rồi sau đó đâu,” Sharon lên tiếng.
“Thôi mà,” Brendan nói, “cứ làm như phần mấy bà mấy cô thì chỉ có chơi đố chữ Scrabble suốt buổi tối vậy.” Ông anh thì thào, điệu bộ màu mè, “Mấy bả tính coi thoát y nam ở Royal Pavilion, rồi đi phê dưới cảng.”
Ruth đánh yêu chồng: “Ăn nói quàng xiên, Brendan Sykes!”
“Đúng rồi,” Holly tiếp. “Mấy bà mấy cô đứng đắn như vậy đời nào chơi trò Scrabble.”
“Vậy nhắc lại tối nay mấy người làm gì đi,” Dave nói.
“Một buổi nếm rượu thong thả,” Sharon đáp, “kèm tiệc tapas, ở quán bar của một anh bạn lâu năm của Pete.”
“Còn bày đặt buổi nếm rượu,” Brendan phì cười. “Ở Gravesend đi nhậu thì cứ nói là đi nhậu cho rồi. Vậy chú đi không, Ed?”
Holly nhìn tôi, ra ý, anh đi đi, nhưng tôi nên bắt đầu chứng tỏ mình là người cha tuyệt vời ra sao trong khi Holly còn muốn nói chuyện với tôi. “Xin lỗi Pete nhé, nhưng cho tôi khất. Vẫn còn vật vã do lệch múi giờ, mà cũng trông về để chơi với Aoife nữa. Mặc dù chắc là nó sẽ ngủ liền. Tôi ở nhà thì bác Kath cũng đi chơi được.”
“Ôi, không sao đâu mà,” Kath đáp. “Tui vẫn còn phải coi chừng huyết áp, uống iếc gì nổi.”

“Không, bác đừng ngại.” Tôi uống hết chỗ Scotch, tận hưởng hơi rượu bừng lên trong cổ. “Bác cứ đi chơi với bà con từ Cork, cháu sẽ đi ngủ sớm, chứ nếu không hôm nay ra nhà thờ lại ngáp ngắn ngáp dài. Ý cháu là ngày mai ra nhà thờ. Trời đất, bác thấy đó, chưa gì đã vật vờ.”

“Thôi được,” Kath nói. “Nếu anh chắc vậy…”
“Chắc mà,” tôi đáp, dụi cặp mắt ngứa ngáy.
“Đừng dụi mà Ed,” Holly nói. “Anh dụi vậy còn khó chịu nữa.”
Mười một giờ đêm, mọi thứ vẫn ổn, nhìn chung là ổn, trước mắt là vậy. Olive Sun muốn tôi bay trở lại trước Thứ Năm, vậy nên tôi sẽ phải cho Holly biết sớm. Tốt nhất là nói ngay tối nay để nàng không lên kế hoạch gì cho ba người trong tuần tới. Fallujah là nơi điều động lính thủy đánh bộ nhiều nhất kể từ trận Mậu Thân tại Huế ở Việt Nam, vậy mà giờ này tôi vẫn còn kẹt trên bờ biển Sussex. Holly mà biết sẽ nổi cơn tam bành, nhưng tôi cứ phải nói ra cho xong, để nàng còn bình tĩnh lại trước đám cưới Sharon ngày mai. Aoife nằm ngủ trên chiếc giường đơn trong góc phòng khách sạn. Tôi về đến khách sạn thì con bé đã đi ngủ, nên vẫn chưa chào hỏi con gái được, nhưng Điều Một trong Quy tắc làm Cha mẹ dạy rằng đừng bao giờ đánh thức một đứa bé đang say ngủ. Tôi tự hỏi không biết con gái Nasser sẽ ngủ ra sao đêm nay, giữa tiếng chó sủa ăng ẳng, súng nổ đì đoàng và lính tráng đá rầm rầm lên cửa. TV màn hình phẳng bật kênh CNN, âm lượng giảm, toàn là hình ảnh lính thủy đánh bộ dưới làn đạn trên nóc nhà ở Fallujah. Tôi xem cảnh này ít nhất cũng đã năm lần, các chuyên gia cũng không thể nghĩ ra điều gì mới để nói cho đến chu kỳ tin tức tiếp theo trong vài giờ tới, khi Iraq bắt đầu một ngày mới. Holly nhắn tin khoảng mười lăm phút trước, báo là cánh phụ nữ sắp xong, chuẩn bị ra về. Ở quán bar mà nói “sắp” thì cũng chưa biết chừng. Tôi tắt TV, để chứng tỏ tôi không phải là con nghiện khói lửa, rồi ra đứng bên cửa sổ. Cầu cảng Brighton tối thứ Sáu sáng đèn như công viên Fairyland, nhạc pop dội ra từ khu hội chợ ở cuối cầu. Một đêm xuân khá là ấm áp, tính theo tiêu chuẩn Anh quốc, các nhà hàng và quán bar dọc bờ biển sắp vãn khách sau một đêm bận rộn. Từng cặp đi bộ, tay trong tay. Những chuyến xe buýt đêm hối hả lướt qua. Xe cộ nhìn chung đi đúng luật. Tôi không ghét gì một xã hội bình an, đâu ra đó. Tôi cũng thích ở đó, trong vài ngày, thậm chí là vài tuần. Nhưng tôi biết sau vài tháng, cuộc sống đâu ra đó cũng giống như thứ bia không cồn nhạt nhẽo. Nói vậy không có nghĩa là tôi bị nghiện khói lửa, như Brenda lúc nãy đã mau mắn gợi ý. Thật là nực cười, khác gì nói David Beckham bị nghiện chơi bóng đá. Bóng đá là nghề nghiệp của Beckham, còn viết báo từ vùng chiến sự là nghề của tôi. Tôi ước gì khi nãy mình đã nói vậy với bà con nhà Sykes.
Aoife cười khúc khích trong giấc ngủ, rồi rên một tiếng.
Tôi lại gần. “Cưng không sao chứ, Aoife? Chỉ là mơ thôi mà.”
Aoife mơ màng càm ràm, “Không phải mà! Lấy cái mùi chanh mà.” Rồi mắt con bé mở hé ra như búp bê trong phim kinh dị: “Mình sẽ đi khách sạn dưới Brighton, vì dì Sharon sẽ cưới chú Pete, rồi mình gặp ba ở đó, nghe ba. Aoife là phụ dâu đó.”
Tôi cố nhịn cười, rồi vuốt tóc Aoife xòa trên mặt. “Ba biết rồi mà cưng. Nhà mình tới đây hết rồi, thôi con đi ngủ đi. Sáng mai ba sẽ ở đây, sẽ vui lắm.”
“Được rồi,” Aoife tuyên bố, mơ mơ màng màng…
… rồi ngủ say. Tôi kéo tấm chăn lên chiếc áo ngủ có hình Chú ngựa non của em rồi hôn trán con bé, nhớ lại tuần đó, năm 1997 khi Holly và tôi đã tạo ra cái mầm-sống-vô-giá-mà-giờ-đã-không-còn-quá-bé-bỏng-này. Sao chổi Hale-Bopp quét qua bầu trời, ba mươi chín thành viên giáo phái Cổng Thiên Đường tự tử tập thể ở San Diego, vì tin rằng linh hồn của họ sẽ được đĩa bay ở đuôi sao chổi tiếp dẫn và đưa lên một trạng thái ý thức cao hơn. Tôi thuê nhà nghỉ ở Northumbria, hai đứa định sẽ đi bộ dọc theo Bức tường Hadrian, nhưng đi bộ hóa ra không phải là hoạt động chính trong tuần đó. Vậy mà con bé đã lớn chừng này. Tôi tự hỏi nó thấy gì ở tôi. Một gã khổng lồ râu ria lởm chởm, chớp nhoáng đến rồi đi vì những lý do bí hiểm, có lẽ cũng chẳng khác gì cách tôi nghĩ về cha mình, trừ chuyện tôi đi công tác còn ba thì đi tù. Tôi muốn biết ba thấy gì ở tôi khi tôi sáu tuổi. Còn cả trăm điều tôi muốn biết. Khi cha mẹ qua đời, một ngăn tủ đựng những điều thú vị dường như cũng mất đi. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mình lại thèm thuồng được nhìn vào đó đến vậy.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Duy Phương

(Shen ®). Với Mitchell, đọc không phải chỉ là cảm nhận cái hay của câu chuyện hay mong chờ vào kết thúc của quyển sách. Mà hạnh phúc đơn giản chỉ là mở sách ra và cảm nhận.
Quyển sách rất dài và mình mất khoảng khá lâu để đọc xong quyển sách, tuy nhiên nếu bạn nào mong đợi cmt này để mua về đọc thì quên đi.
Hãy mua đọc và cảm nhận. Cái hay ở trong từng con chữ. Cách mà tác giả thể hiện và tạo nên một khía cạnh mới trong việc diễn tả nội dung tâm hồn con người. Những câu chuyện như xoáy vào với nhau xung quang Holly Skypes.
Hãy mua nếu bạn có thể.
Tin tôi đi.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button