Review

Đôi Bạn

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Nhất Linh
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành CTCP sách Tao Đàn
Số trang 238
Ngày tái bản 05-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Đôi Bạn thuật lại một lát cắt nhỏ trong đời sống của nhân vật chính Dũng. Sinh ra trong một gia đình quyền quý, nhưng lại mang trong mình lý tưởng về một cuộc sống cống hiến, phục vụ cho điều vĩ đại hơn là sự nhàn cư và những tủn mủn, vô vị của đời sống được định sẵn: lấy vợ, sinh con, kế thừa sự nghiệp và gia sản người cha để lại. Dũng mang xung đột nội tâm suốt cả câu chuyện. Sự giằng xé trong Dũng càng dữ dội hơn khi những người bạn cùng chí với anh, như Trúc, Thái, Đoạn,… lần lượt đều lên đường ra đi theo tiếng gọi của lý tưởng, đem “chí tang bồng” phục vụ Cách mạng; đối lập với một bên là Loan, cô gái Dũng đem lòng yêu nhưng hai gia đình không môn đăng hộ đối, và chính Dũng cũng không muốn ái tình đẹp đẽ ấy tàn phai bằng những sự bằng phẳng, quen thuộc của đời sống vợ chồng thường nhật. Suốt cả câu chuyện, người đọc thấy được cái tài tình khéo léo của Nhất Linh khi mô tả những biến chuyển vi tế trong tình cảm thầm lặng, kín kẽ của Dũng và Loan; cũng như những diễn biến tâm lý phức tạp của Dũng trên con đường xây cất chính cuộc sống, số phận của mình.

Đôi bạn cho thấy sự trầm tư về sợi dây quy hồi về huyết thống trì níu mọi hành vi cải biến xã hội Việt Nam: trong không gian hẹp thì cái tâm tính phận vị ngăn trở việc chống phá quyền uy gia đình, mở rộng không gian thì cái tư tưởng gia trưởng lại thoái triệt quốc gia dân tộc thành vấn đề “đồng bào, đồng chủng”; rời gia đình nhỏ người ta bước vào gia đình lớn, ở đấy, con người cá nhân sinh ra bởi cuộc gặp gỡ với phương Tây không có không gian để sống, nó không có dưỡng chất của nền dân chủ, không được ý thức về quyền đồng thời với đó là nghĩa vụ, nên không khế ước được vào đời sống.

[taq_review]

Review

Thụy Oanh

Đôi bạn không chỉ là bức tranh xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến những năm đầu thế kỷ qua góc nhìn của một người trẻ. Đó còn là hành trình đoạn tuyệt với cái cũ để đến với cái mới của tầng lớp thanh niên tiến bộ, mà tiêu biểu là Dũng.

Nếu như Dũng cứ nhất nhất sống theo ý muốn của cha mẹ để rồi bị sợi dây “huyết thống” và “gia đình” ràng buộc thì bản thân anh cũng không thể thay đổi. Càng nhiều con người bị níu giữ bởi những nếp nghĩ thủ cựu và cổ hủ như vậy sẽ khiến cả xã hội trở nên trì trệ và không thể tiến bộ.

Những tư tưởng tiến bộ của nhân vật Dũng còn được thể hiện trong tình yêu. Dù đã được gia đình mai mối với Khánh, một tiểu thư danh giá, nhưng anh vẫn một mực muốn theo đuổi Loan, người con gái đã khiến mình rung động. Tự do yêu đương, tự do mưu cầu hạnh phúc cá nhân cũng là một trong những tư tưởng mà Nhất Linh muốn đề đạt.

Nhưng cuối cùng, để đi theo tiếng gọi của lý tưởng và tự do với mong muốn tìm kiếm những cái mới, vượt thoát khỏi những tư duy cũ kĩ đã trói buộc mình bấy lâu nay Dũng đã ra đi bỏ Loan ở lại. Bởi trong hoàn cảnh hiện tại, dường như Dũng không tìm được chỗ đứng cho riêng mình. Dũng chán ngán với cuộc sống giàu có của gia đình dựa vào việc bóc lột người dân. Anh cũng không hòa nhập được với đời sống hoạt động của bạn bè, mặc dù thục tâm ủng hộ họ.

Sự ra đi không chỉ là hành động thể hiện tư duy tiến bộ của tầng lớp thanh niên thời đại mới. Nó còn thể hiện tính đột phá trong cách xây dựng nhân vật và cốt truyện của Nhất Linh. Nhân vật của ông coi trọng tình yêu nhưng không coi tình yêu là tất cả như những nhân vật trong dòng tiểu thuyết lãng những năm 1930.

Đọc Đôi bạn của Nhất Linh, nhiều đọc giả sẽ liên tưởng đến một tiểu thuyết khác cũng khá nổi tiếng của ông ra đời trước đó là Đoạn tuyệt (1934-1935). Có thể nói Đôi bạn là sự tiếp nối hoàn hảo của Đoạn tuyệt về mặt tư tưởng. Nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt hay nhân vật Dũng trong Đôi bạn đều đại diện cho tầng lớp thanh niên thế hệ mới với nhiều tư tưởng tiến bộ mang tính cách tân.

Ở cả hai tác phẩm nhà văn đều thể hiện một cách rõ nét sự “xung đột” tư duy cũ và tư duy mới và quyết tâm đứng về phía cá mới. Bản thân Nhất Linh cũng là cử nhân được đào tạo ở Pháp, được tiếp xúc nhiều với nền văn minh dân chủ phương Tây nên ông dùng văn chương để cổ vũ những cách tân tư tưởng quan trọng này.

Cuộc xung đột này không chỉ xảy ra trong thời điểm mà Nhất Linh đang sống mà dường như nó là vấn đề của mọi thời đại. Bởi vì thế, câu chuyện của cây bút Tự lực Văn đoàn dường như còn mới mẻ.

Phong Linh

Không khí lãng mạn cao nhã phong lưu sầu muộn là không khí chung của tiểu thuyết Đôi bạn. Đó là một bầu không khí đậm chất hoài vọng xa xăm. Một bầu không khí mà hôm nay đã hoàn toàn mất đi trong những xô xát cuộc đời, bởi thế nên nó càng đáng trân quý. Người đọc có thể neo vịn vào những nét phong lưu ấy mà vun xới, nâng niu chút xúc cảm rất đỗi đẹp đẽ của cái thuở vàng son xưa cũ ấy.

Đôi bạn đẹp. Đẹp về mọi nghĩa. Câu chuyện, xúc cảm, nhân vật, khung cảnh, tất cả đều bao trùm một màu sắc đẹp đẽ vô cùng thanh thản, dễ chịu và nó sẽ khiến một tấm lòng dịu dàng lại. Dĩ nhiên, cái buồn bã bao trùm ở cuốn tiểu thuyết này cũng là một đẹp đẽ ướt đẫm được biện giải bằng một thứ văn phong óng ánh, tươi tốt như nắng ban mai, vừa có nét đưa đẩy gợi cảm, lại điềm đạm như lời thầm thì tự sự.

Chất nội tâm chảy trôi, êm đềm lại khắc khoải của các nhân vật, đặc biệt là Dũng, được Nhất Linh tỏ bày bằng thứ văn chương khoan thai nhàn nhã. Là chuyện hư cấu ấy, mà như chuyện tâm tình nhẹ ru ở ngay đây.

Tác phẩm chú trọng vào những “dòng ý thức” của nhân vật, diễn tả tâm lý sâu xa, chứ không còn lưu tâm nhiều đến kịch tính cốt truyện như trong những tác phẩm trước đây của Nhất Linh là Đoạn tuyệt, hay Đời mưa gió… Đó là điều khiến Đôi bạn tỏa ra một mùi hương bền bỉ quyến rũ độc giả bao nhiêu thế hệ đã qua.

Độc giả sẽ không bao giờ quên mối tình sầu muộn, dang dở nhưng trọn vẹn phong lưu của đôi bạn Dũng – Loan. Đôi bạn của Nhất Linh cũng vì thế sẽ còn được nhắc nhớ mãi, bởi cái “Thuở ân ái mong manh như nắng lụa ấy”, “nghìn năm chưa dễ đã ai quên”.

Trích đoạn

Biết là Thái rất cương quyết nói mãi cũng vô ích,không thể đổi được ý định của Thái,Dũng giơ tay bắt tay bạn từ biệt:

-Chúng tôi không thể giúp được anh gì nữa?

Thái giữ bàn tay Dũng trong tay mình:

-Anh cần gì phải áy náy.Mỗi người một cảnh. Đến như lần trước tôi muốn anh Cận đi với tôi lắm mà cũng đành để anh ấy ở lại.Thế cũng may.

Dũng thấy hai mắt Thái sáng quắc một cách ghê sợ.Thái chậm rãi nói tiếp theo:

-Lần này khác nhiều.Hai anh giúp tôi thế này là đủ lắm rồi.Khi nào đến bước liền thì nên cần đến một người thôi.

Trúc để chân lên bàn đạp nói:

-Thế bây giờ chúng tôi về…Anh nhớ lát nữa bóc bánh gai mà ăn,bánh gai ở bến đò Gió phải biết,ngon có tiếng.

Ra đến ngoài đường cái,Trúc nhìn Dũng,lắc đầu:

-Anh đoán không sai,Thái đã đến bước không cần gì cả,không thiết gì đến cả sống nữa.

Dũng nói:

-Tôi thương anh ấy quá.Anh ấy khổ sở suốt đời.

-Nhưng đã chắc đâu là anh ấy khổ.

Dũng giảng giãi:

-Không phải anh ấy liều thân như thế là khổ đâu.Khổ là vì anh ấy không còn biết sống và làm theo đường nào để đến nổi chỉ còn một nước liều thôi.

Dũng nghĩ đến cách sống khốn đốn của Thái sau khi bị đuổi khỏi nhà trường và nghĩ đến hiện tình của mình và Trúc.

-Còn bao nhiêu các anh khác cũng bó buộc như Thái,cũng phất phơ vô định như Thái,nhưng ít ra các anh kia còn hy vọng,còn tìm.Có lẽ tìm,tìm mãi suốt đời không ra,nhưng cứ sống để tìm,thế cũng đủ.

Trời lấm tấm mưa,nhưng nền trời ở phía xa lại sáng hẳn lên.Rặng cây nhãn trên đê,cạnh bến đò Gió mờ rõ trong mưa bụi và khói ở các mái nhà tỏa ra như mấy vết mực tàu đương lan trên tờ giấy trắng ướt đẫm nước.

Qua đò,vào hàng nghĩ ngơi và mua bánh gai xong.Hai anh em cắm đầu đạp thật nhanh để kịp về tới huyện trước khi tối trời.Mưa đã tạnh,nhưng về chiều gió càng rét.Hai bên đường,tiếng nhái nghe như bay trong gió.Dũng nghĩ đến căn buồng của chàng,hơi ấm trong chăn nệm và những chữ in đẹp trên một sách quý dưới ánh đèn.Nhưng Dũng vẫn không vui vẻ.Chàng thấy một sự ăn năn rạo rực ở trong lòng,một sự ăn năn vô cớ,không cội rễ,lúc xa lúc gần như tiếng rao hai bên đường,không biết nới nào đưa đến.

Tới đầu phố huyện thì trời tối hẳn.Qua hàng rào cây,trường học có ánh đèn thấp thoáng,Dũng và Trúc cùng đạp thong thả lại,trong khung cửa sổ,Dũng nhìn thấy Thảo đứng xoay lưng ra ngoài,cạnh cây đèn có chao bằng lụa xanh,Lâm đương cúi đầu viết.Dũng bấm chuông,liên thanh,Trúc cất tiếng nói thật to:

-Sang năm thế nào cũng đổ tú tài.Thần giáng về báo mộng cho đấy.Học chăm làm gì cho mệt.

Rồi chàng hát tiếp theo:

-Bên anh đọc sách,bên nàng đứng trơ.

Hai người cùng cười rồi đạp nhanh cho Thảo không kịp nhận ra là ai.

Dũng nói:
-Gia đình lạc thú.

Về đến cổng,thấy trong nhà Đính có ánh đèn “măng sông”sáng xanh.Dũng nói:

-Dân này lại tổ tôm chứ gì.Sống để đánh tổ tôm hay sao mà đánh mãi không chán.

Qua đá lộ bộ bằng đồng bóng loáng,lẫn trong đám người ngồi trên sập đánh tổ tôm,Dũng trong thấy ai như Loan,chàng bảo Trúc:

-Ta rẽ qua đây đã.Trong này chắc sẳn thức ăn.

-Chúng tôi đói lắm rồi.Trong này có thức ăn ngay.

Mọi người quay ra,ngơ ngác nhìn Dũng và Trúc đầu tóc rối bời và quần áo ướt đẫm nước mưa.Hiền nói:

-Ma quỷ ở đâu hiện về thế này?

Dũng nghiêm trang đáp:

-Em sang thăm lúa ở bên ấp.

Đính đáp:

-Lúa đâu bây giờ mà thăm với nom.Rõ chú này!

Dũng cười:

-Ừ nhỉ! Tôi quên đi mất đấy.

Thuận,vợ Đính,nói:

-Chú Dũng thì làm ruộng với làm nương gì.Nay mai chú ấy làm quan rồi,chú ấy cần gì đến ruộng.Hai ông tướng lại đi mò mẫm ở đâu về chứ gì?

Dũng hơi khó chịu đáp:

-Có lẽ.

Không nhìn hẳn vào chổ Loan ngồi,nhưng Dũng biết rằng từ lúc vào Loan vẫn chăm chú nhìn mình.Loan ngồi khuất sau Hiền để không ai chú ý đến.Nàng không nói,không mĩm cười,chỉ yên lặng nhìn Dũng.

Dũng đặt mũ xuống bàn và đứng dựa vào thành ghế,hơi nghiên người để ẩn mặt trong bóng tối.Loan biết rằng Dũng muốn được tự do nhìn lại mình;hai con mắt nàng bổng tươi hẳn lên dưới ánh đèn và hai hàng lông mi nàng hơi rung động.Nhìn Loan,Dũng thấy rõ ý nàng muốn bằng hai con mắt lặng lẽ diễn cho chàng biết nổi vui sướng âm thầm được trông thấy mặt chàng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button