Đo Thế Giới
Thể loại | Văn học nước ngoài |
Tác giả | Daniel Kehlmann |
NXB | NXB Văn Học |
Công ty phát hành | Nhã Nam |
Số trang | 340 |
Ngày xuất bản | 12-2009 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Cây bút trẻ Daniel Kahlmann đã tạo nên một tiểu thuyết thông minh, hài hước, giàu chất trí tuệ Đức nhất từ cuộc đời hai bậc thiên tài trong thời đại ánh sáng: Carl Friedrich Gauss và Alexander von Humboldt.
Một người không thích cuộc sống mà thiếu đàn bà nhưng trong đêm tân hôn vẫn nhảy ra khỏi giường để ghi lại một công thức toán. Một người nhập thân vào khoa học và du hành như một kẻ tuẫn đạo: vượt qua đồng cỏ và rừng rậm, băng qua Orinoco, nếm thuốc độc, trèo lên trên đỉnh núi cao nhất mà con người từng biết, thám hiểm mọi hang hốc. Một người được coi như bộ não làm toán vĩ đại nhất sau Newton, chẳng coi nhân quần là gì, thậm chí chẳng cần rời khỏi nhà mình ở Gottingen để chứng minh rằng không gian cong. Một người vĩnh viễn tin vào tiến bộ xã hội, và rồi sẽ được lịch sử biết tới như một Columbus Đệ nhị.
Câu chuyện là sự giao thoa thú vị giữa hai nhà bác học nổi tiếng Đức vào thế kỷ XIX, trong cái ý nghĩa tối thượng của các cuộc đời con người đi khám phá những quy luật bí ẩn của Tạo hóa, nhưng chẳng thiếu hài hước và châm biếm bởi những giăng mắc của trí tuệ siêu việt vào đời thường và xã hội. Với Đo thế giới, Daniel Kehlmann đã tỏ ra thoải mái một cách đáng ngưỡng mộ trong trò chơi tinh tế giữa hiện thực và hư cấu, đồng hành cùng những cái tên có trong mọi cuối lịch sử khoa học, chứng tỏ rằng văn chương vĩnh viễn có quyền năng không thể coi nhẹ trong việc tiệm cận những chân lý phổ quát của tự nhiên và con người.
[taq_review]
Trích dẫn
Thầy
Ai hỏi một vị giáo sư về những ký ức ngày xưa, sẽ được câu trả lời là làm gì có mấy thứ đó. Khác với một bức khắc chạm trên đồng hay thư từ gửi qua bưu điện, ký ức không ghi theo ngày tháng. Ta bất chợt tìm ra trong trí nhớ những thứ mà thỉnh thoảng nếu suy nghĩ tử tế có thể xâu chuỗi theo thứ tự thời gian được.
Ví dụ như ký ức về buổi chiều nọ, khi cậu bé chữa cho cha lỗi đếm nhầm tiền lương, nghe có vẻ vô hồn và nhạt nhẽo. Có thể vì cậu nghe người ta kể quá nhiều rồi; đối với cậu, câu chuyện có vẻ sắp đặt và không thật. Tất cả các ký ức khác đều dính dáng đến mẹ. Cậu ngã và mẹ dỗ cậu; cậu khóc và mẹ lau nước mắt cho cậu; cậu không ngủ được và mẹ hát cho cậu nghe; một thằng bé hàng xóm định đánh cậu nhưng mẹ cậu nhìn thấy, bà đuổi theo nó, tóm được và kẹp nó vào đùi rồi tát vào mặt nó cho đến lúc nó tóe máu và ù tai loạng choạng bỏ đi. Cậu yêu mẹ vô vàn. Có chuyện gì xảy ra với mẹ thì cậu chết mất. Không chỉ là một cách nói đâu. Cậu biết là cậu sẽ không sống nổi khi chuyện ấy xảy ra. Đó là lúc cậu mới ba tuổi, và ba mươi năm sau cũng vẫn vậy.
Bố cậu có nghề làm vườn, thường xuyên tay chân lấm láp, kiếm được ít tiền, và cứ lúc nào mở miệng là than vãn hoặc ra lệnh. Ông lặp đi lặp lại khi đang mệt mỏi múc món xúp khoai tây buổi tối, rằng một người Đức là người không khi nào ngồi còng lưng. Một lần Gauss hỏi: chỉ có thế thôi sao ? Thế là đủ để là một người Đức ? Bố cậu suy nghĩ lâu đến nỗi không ai tin nổi. Rồi ông gật đầu.
Mẹ cậu phốp pháp và u sầu. Và ngoài nấu nướng, giặt giũ, mơ mộng, khóc lóc, cậu chưa thấy bà làm gì cả. Bà không biết đọc biết viết. Cậu sớm nhận ra là bà đang già đi. Da bà mất sức căng, thân thể sa sút, mắt bà ngày càng bớt long lanh, và mỗi năm khuôn mặt lại thêm nếp nhăn mới. Cậu biết là mọi người đều thế, nhưng ở mẹ cậu thì chuyện đó không sao chịu nổi. Bà tàn lụi đi trước mắt cậu, còn cậu thì không làm gì để ngăn lại được.
Đa số các ký ức về sau này xoay quanh sự chậm chạp. Một thời gian dài cậu nghĩ là mọi người đóng kịch hoặc theo đuổi một nghi lễ buộc họ cứ nghỉ một lát rồi mới nói hay làm được gì đó. Thỉnh thoảng cậu cũng thấy quen được, rồi lại có lúc không sao chịu nổi. Dần dần về sau cậu mới ngộ ra rằng mọi người cần quãng nghỉ đó. Vì sao họ nghĩ ngợi lâu la, khó khăn và nhọc nhằn thế ? Cứ như là các ý nghĩ được tạo ra bởi một cỗ máy mà trước đó người ta phải khởi động rồi vào số cứ như là họ không phải là những sinh vật sống và tự chuyển động. Cậu nhận ra là người ta bực mình khi cậu không tuân thủ quãng nghỉ. Cậu cố hết sức, song thường là không làm được.
Cậu cũng ghét cả những ký tự đen đen trong sách biết nói với hầu hết những người lớn, nhưng không nói với cậu và mẹ cậu. Một chiều Chủ nhật, cậu bảo bố giải thích một số điều: có cái vạch dài, có cái ở dưới cong lên, có nửa vòng tròn và cả vòng tròn. Sau đó cậu ngắm nhìn trang giấy cho đến khi những dấu hiệu lạ mắt tự chúng bổ sung cho nhau và đột nhiên từ ngữ hiện ra. Cậu giở trang, bây giờ trôi chảy hơn, vài giờ sau cậu biết đọc, và ngay buổi tối hôm đó cậu đọc xong cuốn sách, một cuốn sách thật ra tẻ nhạt và liên tục nhắc đến nước mắt của Chúa và nỗi ân hận của những con tim trót sa vào vòng yêu đương. Cậu đem sách cho mẹ để giải thích cho bà những ký tự ấy nhưng bà chỉ cười buồn bã lắc đầu. Đó là giây phút cậu hiểu ra rằng không ai muốn sử dụng trí não của mình. Họ muốn ăn và ngủ, và muốn mọi người tốt với mình. Chứ không muốn tư duy.
Thầy giáo ở trường tên là Buttner và ưa ra đòn.
Ông làm ra vẻ nghiêm nghị và khắc kỷ, và chỉ đôi lúc nét mặt ông để lộ ra vẻ khoái trá khi đánh học trò. Ông thích nhất ra những bài tập mà chúng phải cần nhiều thời gian và dù vậy hầu như vẫn khó tránh phạm lỗi, để rồi rốt cuộc ông có cớ rút roi ra. Khu phố này là khu nghèo nhất Braunschweig, chẳng ai trong số học trò ở đây sẽ học lên cao, không có người nào sẽ làm việc với cái gì khác ngoài đôi bàn tay. Cậu biết là Buttner không ưa cậu được. Dù câm miệng hay cố gắng đến mức nào để trả lời chậm như các trò khác, cậu vẫn cảm thấy sự nghi ngại của Buttner, và thầy giáo chỉ đợi lý do để đánh cậu đau hơn đám còn lại.
Rồi chính cậu lại cung cấp lý do cho ông.
Buttner giao cho học trò nhiệm vụ tính cộng các số từ một đến một trăm. Sẽ cần đến hàng tiếng đồng hồ, và có muốn mấy cũng không làm được mà không mắc phải lỗi trong phép cộng, và khi mắc lỗi thì sẽ bị phạt. Nào làm đi, Buttner gọi, đừng ngồi đực mặt ra thế, bắt đầu đi chứ ! Sau này Gauss không thể nhớ lại là hôm đó cậu mệt hơn mọi khi hay đơn giản chỉ lơ đãng. Chỉ biết là cậu không tự kiềm chế được và ba phút sau cậu cầm tấm bảng đen với một con số duy nhất viết trên đó lên đứng trước bục giáo viên.
À ha, Buttner nói và vớ cây roi. Mắt ông ta nhìn vào kết quả, và tay ông khựng lại. Ông hỏi đó nghĩa là gì.
Năm nghìn lẻ năm mươi.
Gì cơ ?
Gauss không thốt nên lời, cậu hắng giọng, cậu toát mồ hôi. Cậu ước gì vẫn còn ngồi tại chỗ và tinh toán như các trò khác đang ngồi gục đầu tỏ vẻ không lắng nghe. Thì đầu bài là thế mà: cộng các số từ một đến một trăm. Một trăm cộng một bằng một trăm lẻ một. Chín mươi chín cộng hai bằng một trăm lẻ một. Chín mươi tám cộng ba bằng một trăm lẻ một. Luôn luôn là một trăm lẻ một. Người ta có thể làm chuyện đó năm mươi lần. Nghĩa là năm mươi nhân một trăm lẻ một.
Buttner im lặng.
Năm nghìn lẻ năm mươi, Gauss nhắc lại, hy vọng cũng có được một lần Buttner hiểu ra. Năm mươi nhân một trăm lẻ một là năm nghìn lẻ năm mươi. Cậu day mũi. Cậu chực trào nước mắt.
Trời đất ơi, Buttner nói. Rồi ông im lặng hồi lâu. Thấy rõ sự suy nghĩ trên khuôn mặt: ông hóp má vào và vươn cằm dài ra, ông day trán rồi gõ lên mũi. Rồi ông cho Gauss quay về chỗ. Ngồi xuống đi, ngậm mồm, và ở lại đây sau buổi học.
Gauss hít hơi.
Trái lời, Buttner nói, là ăn đòn ngay.
Vậy là sau tiết cuối cùng, Gauss đứng trước bục giáo viên, đầu cúi gằm. Buttner đòi cậu thề trước Chúa anh minh thông tường vạn sự, rằng cậu đã tự mình làm bài tính. Gauss vâng lời, và cậu toan giải thích là chuyện đó có ghê gớm gì đâu, người ta cần phải bỏ qua thành kiến và thói quen khi xem xét một vấn đề, khi đó giải pháp sẽ tự xuất hiện, nhưng Buttner đã ngắt lời và đưa cậu một cuốn sách dày cộp. Số học cao cấp: món tủ của ông. Gauss hãy cầm sách về nhà và đọc từ đầu đến cuối.
Và thật cẩn thận. Có một trang bị gập, một vết bẩn, lúc đó chỉ Chúa mới cứu được.
Hôm sau cậu đem trả cuốn sách.
Buttner hỏi, như thế là sao. Tất nhiên là khó rồi, song người ta không được nản chí sớm như vậy !
Gauss lắc đầu, toan giải thích, nhưng cậu không làm được. Mũi cậu sụt sịt, cậu muốn hắt hơi.
Nào, có chuyện gì !
Cậu xong rồi, Gauss lắp bắp. Thú vị lắm, và cậu muốn cảm ơn. Cậu nhìn Buttner chăm chăm và cầu khẩn sao cho mọi thứ kết thúc ở đây.
Không được phép nói dối thầy giáo, Buttner nói.
Đây là quyển sách giáo khoa khó nhất viết bằng tiếng Đức. Không ai nghiền ngẫm xong trong một ngày cả, lại càng không phải một đứa nhóc tám tuổi mũi thò lò.
Gauss không biết phải nói gì.
Buttner lưỡng lự đưa tay với lấy cuốn sách. Giờ thì hãy chuẩn bị tinh thần, ông sẽ kiểm tra cậu !
Nửa tiếng sau ông nhìn Gauss với cặp mắt trống rỗng. Ông biết mình không phải là giáo viên giỏi. Ông không có thiên hướng lẫn năng lực đặc biệt. Nhưng bây giờ sự việc đá rõ: nếu Gauss không lên được trung học thì đời cậu vô nghĩa. Ông nhìn cậu với ánh mắt nhạt nhòa, rồi, có lẽ để che giấu những xúc cảm của mình, ông vớ cây roi, và Gauss ăn trận đòn cuối cùng trong đời mình.
Ngay chiều hôm đó, một chàng trai gõ cửa nhà bố mẹ Gauss. Anh tên là Martin Bartels, mười bảy tuổi đang học toán và làm trợ lý cho Buttner. Anh xin phép được nói chuyện một lát với con trai của ông bà.
“Tôi chỉ có một đứa, nó mới lên tám”.
“Chính nó đấy”, Bartels nói. Anh xin phép được mỗi tuần ba buổi làm toán với Gauss. Anh không dùng chữ “dạy”, vì, anh mỉm cười bối rối, “nghe không hợp với công việc trong đó có thể anh được học hỏi nhiều hơn là học trò”.
Ông bố nhắc cậu đứng thẳng lưng lên. Chuyện ngớ ngẩn ! Ông ngẫm nghĩ một lát. Mặt khác thì, tại sao lại không.