Review

Đi Rong Trên Những Múi Giờ

Thể loạiSách du ký
Tác giảNguyễn Hữu Tài
NXBThế Giới
Số trang292
Năm2018
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Đi rong trên những múi giờ là cuốn sách gồm 19 bài viết về cuộc hành trình khám phá các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục Á, Âu, Phi dưới cái nhìn của một người Mỹ gốc Việt hòa trộn trong mình cả hai nền văn hóa Đông – Tây.

Nét đặc biệt ở cuốn dy ký này là với giọng văn dí dỏm nhưng không kém phần chiêm nghiệm sâu sắc, tác giả khiến độc giả không thôi tò mò, ngạc nhiên, hứng khởi trước từng cánh cửa du quan hấp dẫn, để biết những điều mà có khi google và những tour du lịch không mang lại được. Ví như: Vì sao người Bangladesh múa tay liên tục như một vũ điệu và luôn mang theo vòng nhang? Và vì sao dưới cái nắng đỏ lửa 40 độ, đền Baitul Mukarram vẫn mát lạnh chân trần? Chúng ta sẽ nhìn thấy gì khi đứng ở đường kinh tuyến gốc Greenwich? Đường biên giới ở châu Âu có gì đặc biệt? Đường vào kim tự tháp Kheops để chiêm ngưỡng quan tài của Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập có gì? Công dân số một của Brussels là ai?

Từng chuyến đi rong của tác giả là “từng chuyến lộng lẫy thanh xuân, rực rỡ thanh xuân, nối dài thanh xuân”, đi để thỏa nỗi khao khát tuổi trẻ – cú chạm thật mạnh vào bụi đất của từng xứ sở trên thân thể địa cầu.

[taq_review]

Review

Yến Trang

Giọng văn bình dị, dí dỏm nhưng cũng không kém phần sâu sắc của tác giả lôi cuốn mình ngay từ những trang đầu, mình đọc một lèo vì không thể dừng lại được. Vốn thích những cuốn sách du ký, nhưng cách viết của tác giả lại khiến mình có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn khi đọc, lúc vui cười nắc nẻ, lúc rơm rớm cay cay mắt. Những câu chuyện trong cuốn sách mang đến sự thú vị rất riêng, không dễ tìm thấy ở bất cứ đâu. Thêm nữa là phần hình ảnh in rất đẹp, bắt mắt từ bìa tới ruột sách. Một cuốn sách rất nên có trong tủ sách của bất cứ ai.

Diem Phuong

Tôi đã đọc cuốn ” Những nỗi buồn rực rỡ ” của tác giả này rất lâu rồi, khá thích những câu chuyện nhỏ đầy tình cảm của tác giả.

Lần này thấy có sách mới nên mua ủng hộ, nhưng chỉ đọc vài trang đầu đã thấy không ưng lắm. Cá nhân tôi thấy, tác giả khá ủy mị, những đau khổ, tình cảm của tác giả cứ lặp đi lặp lại từ quyển sách này sang quyển sách khác. Điều này tạo cảm giác nhàm cho độc giả. Ví dụ như khi cha me tác giả mất, đây là việc vô cùng đau đớn đối với bất kỳ ai, nhưng có cần thiết viết quyển sách nào cũng để nội dung này vào không?

Hơn nữa, tôi biết văn phong của một người là điều khó thay đổi. Nhưng ở mỗi thể loại sách nên có văn phong khác nhau cho phù hợp. Tôi thật sự không thích đọc du ký mà cứ có cảm giác ủy mị, trầm buồn…

Mưa Đêm

Mình rất thích sách của tác giả Nguyễn Hữu Tài. Đọc nhiều lần mà không thấy chán. Sách lần này của anh bắt mắt ngay từ hình ảnh, màu sắc bìa. Cách viết du ký linh hoạt, thu hút của anh khiến độc giả muốn xách ba lô lên và đi ngay lập tức. Cảm ơn anh vì những câu chuyện đáng yêu, đáng mến của mình. Hi vọng anh ra thêm nhiều sách hay như thế này nữa.

Trích đoạn

Trong giấc mơ vòng quanh thế giới của tôi, không hiểu sao Bangkok chưa bao giờ có mặt. Tôi thèm một lần đi ngược dòng Mekong chảy qua ba nước Đông Dương cá tôm đầy ắp. Sang Lào, tìm về đất nước triệu voi, tới cánh đồng Chum huyền bí. Qua Campuchia để thỏa thích ngắm thành cổ rêu phong Angkor Wat, đỉnh cao của văn minh nhân loại ẩn trong sâu thẳm đại ngàn. Dọc ngang qua các địa danh hồi còn nhỏ đã nghe các anh trong làng kể lại. Tuổi đôi mươi của họ, với ba lô xanh và mũ tai bèo, băng rừng vượt suối, “muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo”, đối mặt với cái chết mỗi ngày trên chiến trường K, chống lại sự bạo tàn của Khmer Đỏ. Muốn tận tai nghe bài dân ca Miên huyền bí, nhìn vũ nữ Apsara in trên đá, hay bâng khuâng trước nụ cười Đức Thích Ca được gốc cổ thụ ôm choàng. Có lúc, lại mơ đứng trên dãy Trường Sơn ngóng cơn gió Lào bỏng cháy, bên nắng gió bên mưa bụi bay, thiêu sạm da trưa hè miền Trung ruột thịt.

Nào ngờ, vì một phút yếu lòng và nông nổi, tôi đã lạc bước theo nụ cười tươi hơn nắng, trong veo vẻo với hai má lúm đồng tiền và ánh mắt tình tứ niềm thương. Để rồi nhận ra Bangkok quyến luyến từng bước chân quen, dùng dằng nửa ở nửa đi, vừa lạ xa nhưng gần gần gũi gũi. Từ lần bất chợt đó đến bây giờ là bảy năm, tôi đến Bangkok bao lần không đếm nổi. Có lúc chỉ quá cảnh tại Suvarnabhumi nối chuyến về Sài Gòn, khi thì ghé lại thăm người-tình-giờ-đã-cũ còn đi học, lúc thì say đắm với giấc mơ thiên thần giữa đêm Khao San ồn ào.

Tôi đến Bangkok khi thành phố chầm chậm chuyển mình sang đêm. Cô hải quan kính cẩn đứng dậy chắp tay vái chào, khi tôi (nhớ lời dặn của em) làm thế trước. Mặt trời vừa kịp trốn chạy trên đường cao tốc từ sân bay về Assumption University. Cơn mưa phùn vội vã ùa qua không đủ làm ướt áo mỏng. Em bảo, mưa nơi này không đỏng đảnh như Sài Gòn của anh, ập tới bất kể lúc nào trong ngày rồi rảo bước đi không lời từ giã. Vào mùa, Bangkok chỉ mưa ban đêm, rả rích hoài tới sáng. Đêm nằm trong ký túc xá giữa khu vườn xanh mướt bóng cây, nghe ngoài kia mưa rơi nhẹ trên mái hiên, cồn cào gợi lên trong em nỗi nhớ Sài Gòn ở cách đấy hơn một giờ bay, nhưng hiếm khi nào có dịp về thăm vì bài vở chất chồng. Em bảo: “Sinh viên mà anh, gần vậy chứ không có điều kiện”. Chuyện em kể y chang thời sinh viên nghèo nước Mỹ, viết thư cho mấy đứa bạn ở Việt Nam cũng nghèo không kém. Tụi nó bảo một hai triệu ba má gửi vô, xài không tiết kiệm thì tới ngày giữa tháng là đói rã họng, lo đi mượn mấy đứa bạn chung phòng từng gói mì tôm hay ít gạo về nấu ăn lót lòng cho đỡ. Vậy chớ tới đầu tháng có tiền nhà, trích ra hết một phần tư để ăn một bữa thiệt no cho đã cơn thèm.

Em kéo tôi tới trước cổng ký túc xá, chắp tay lạy pho tượng thần trong khám thờ nhang khói, có hoa lài và vạn thọ tươi thơm. Người Thái sùng đạo vào loại nhất nhì thế giới. Tôn giáo như thấm sâu vào máu thịt của họ rồi. Có lẽ vì thế mà phần lớn tâm tính họ nhân từ, ít khi nổi giận.

Bangkok nhá nhem rộn ràng với gánh hàng rong dọc con đường nhèm nhẹp nước mưa. Người ta bán đủ thứ món, từ côn trùng, cánh gà chiên, chả giò, hải sản xiên nướng, gỏi đu đủ, sâm bổ lượng, tới đặc sản Thái như xôi xoài, cá diêu hồng nướng muối ớt. Hai đứa vào khu bán đồ ăn vặt. Cả trăm gian hàng giữa trời mưa gió bão bùng vẫn nở nụ cười thiệt tươi khi có khách ghé. Chẳng mời mọc, chèo kéo, ỉ ôi, không la làng, giành giật hay chặt chém khách. Em luôn miệng hỏi, anh ăn món này nhen, kia nhen, nọ nhen? “Ngon lắm, tin em đi mà”. Cái bụng anh nhỏ xíu xiu, đâu phải máy xay mà cái gì cũng “dzọng” hết? Mà từ chối thì sợ em buồn. Cuối cùng thì tay xách nách mang, rước về nhà một đống đồ, vừa ăn, vừa hít hà, cay chua kiểu Thái.

Đêm Khao San dường như không ngủ. Con đường ngắn ngủn ở trung tâm thành phố trước kia là chợ gạo, giờ là khu du lịch bụi đặc quánh người, gần như phố Bùi Viện ở Sài Gòn hay Tạ Hiện ngoài Hà Nội. Khách sạn hai bên đường để bảng kín phòng. Em bảo không mắc lắm đâu anh, chỉ cần vài mươi baht là có chiếc nệm ngả lưng. Tây ba lô mà, có tiền bạc gì nhiều, ngủ tí rồi dậy lang thang khắp đêm, đắm mình trong rượu bia, nhảy nhót loạn cuồng với các đôi chân miên man bất tận. Tiếng nhạc từ mấy bán bar bên đường ầm ĩ không át nổi tiếng cười nói rộn ràng lẫn tiếng rao hàng của chiếc xe bán kem dừa, trái cây, thịt nướng xiên que, chè nước cốt dừa, pad Thai, cá nướng, hay kebab thơm lừng và đặc biệt sầu riêng hạt lép, cơm dày, thơm ngon nhất thế giới. Anh mỏi chân quá! Muốn massage không? Thế là hai đứa ghé vào quầy bên đường với giá 150 baht để đổi lại ba mươi phút đồng hồ thư thái. Dưới đôi tay điêu luyện của masseur2, các mạch máu dưới lòng bàn chân như giãn hết mức ra, khoan khoái lạ kỳ. Anh muốn ngâm chân vào bồn cho cá lòng tong rỉa da cho sạch không? Thôi, anh không chịu được nhột đâu. Thế làm sao anh có chịu được mấy lần em thọc lét vào hai bên hông? Không biết nữa, có thể do vì anh quá thương em nên đành chấp nhận.

2 Những người làm nghề đấm bóp.

Mọi âm thanh ầm ĩ từ các quán bar, pub hai bên đường, tới tiếng rao hàng tha thiết lẫn cười nói hô hố của gã Tây say sưa liêu xiêu, quàng vai bá cổ đi đầy trên phố không thể nào át được nhịp đập hối hả trong lồng ngực của trái tim son trẻ. Hai bàn tay siết chặt. Mười ngón tay đan khít. Bờ môi loạng choạng tìm nhau, nồng nàn hơi ấm.

Khao San chỉ là một con đường ngắn ngủn giữa trung tâm Bangkok, nhưng chứa trong lòng nó giấc mơ nhỏ to dài nhất thế giới giữa em và anh, bất chợt nửa vòng trái đất tìm gặp nhau, như hẹn hò từ muôn kiếp.

Bangkok buổi sáng như cô thiếu nữ mới lớn, xinh tươi, ưỡn ẹo nằm rúc đầu vào ngực người tình không muốn trở mình thức dậy. Không khí dịu mát từ cơn mưa suốt đêm qua vẫn còn phảng phất. Mùi mồ hôi, da thịt, tóc gội xà bông, phả lên mặt, dán chặt cơ thể vào cái giường êm ấm. Tôi không muốn bước chân ra khỏi thế giới ngoài kia giữa dòng xe cộ, chỉ muốn nằm đó, siết chặt, hôn nhè nhẹ lên đôi mắt mở to như có trăm ngàn điều muốn nói. Mà thôi, phải dậy, để đi xem ngoài kia cuộc sống vội vã và hối hả thế nào. Rồi so sánh, nó không như Sài Gòn chỗ này, chẳng như Nha Trang chỗ kia, sao mà lặng lẽ giống Ninh Hòa… Bật cười với chính mình, hai đất nước tách rời, nền văn hóa khác nhau, thì sao so sánh cho được.

Hai đứa ghé chùa Vàng và cung điện nhà vua. Xứ này tất tần tật mọi thứ về đức vua phải được sùng bái. Em dặn dò: “Anh không được nói xấu vua bằng tiếng nước ngoài, lỡ bác tài hiểu được, anh sẽ vào tù ngồi cho đã nhé. Khi rớt tiền, cũng không được giẫm lên mà phải cúi xuống nhặt. Vô rạp coi phim, trước hết là phải đứng dậy làm lễ chào vua”. Vị thần mình chim, mặt người cao lớn và thần khỉ Hanuman hiên ngang đứng bảo vệ cung thành. Mấy ngọn tháp vút cao ở ngôi chùa dát vàng không sư sãi nổi lên nền trời óng ả. Bangkok hôm đó tù mù tối, mây đen che phủ gần hết bầu trời, nhưng tới chùa Vàng, trời sáng bừng đến lạ. Tôi đứng chắp tay khẩn cầu hạnh phúc, bình an. Không biết Đức Phật nơi này có hiểu được tiếng Việt để chứng cho không. Mà thôi, Phật tại tâm, Phật ở trong lòng, hãy cứ cầu, biết đâu sẽ được.

Nắng lên. Giữa trưa, mặt trời như chảo lửa khổng lồ. Nắng mùa này thật đáng sợ. Ẩm ương và thiêu đốt, bừng bừng giống Hỏa Diệm Sơn nghi ngút khói làm nám hết mặt mày của bốn thầy trò Đường Tam Tạng, vô tình lạc bước thỉnh kinh. Hàng cây ít ỏi bụi bám bên đường không làm dịu nổi cơn nắng. Hàng ngàn tòa nhà cao tầng đầy xi-măng, bê-tông cốt thép phản chiếu ánh mặt trời, làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính, hầm hập phố xá xứ này. Ai than thở Sài Gòn kẹt xe, nóng nực ồn ào, muốn bỏ xứ mà đi, thì sang đây một lần thôi, mới thấy giao thông ở Việt Nam xá gì với Bangkok. Dẫu có monorail, subway, đường cao tốc trên cao, nhưng cả thành phố như một ổ kẹt xe vĩ đại. Tiến không được, lùi cũng chẳng xong. Bên trái toàn xe, bên phải toàn người. Thôi cứ kiên nhẫn đứng chờ vậy nhé. Sông Chao Phraya lúc chiều về bất chợt trở thành nguồn cứu rỗi. Chiếc thuyền máy, khi chạy kéo tấm nhựa hai bên che nước, phóng êm ả giữa làn nước đục ngầu, theo đường sông, đưa hành khách về với bữa cơm gia đình êm ấm.

Bangkok là thành phố của nắng gió mưa, của gánh hàng rong và xe tuk tuk rộn ràng. Cứ lên đó ngồi nhong nhong khắp phố, khi xuống xe, thơm thảo thì xếp hàng đưa cho bác tài xế vài đồng xu nhỏ, còn hết tiền thì bỏ đi cũng chẳng ai nói tiếng nào. Bangkok không quá hiện đại cũng chẳng cũ xưa, lúc nào cũng rực rỡ bởi hàng vạn taxi đủ màu sắc, hồng cánh sen, đỏ, vàng, cam, trắng. Trước khi ngồi phải mở cửa nói điểm đến, đợi bác tài xế gật đầu đồng ý mới được lên. Còn không thích hả, lắc đầu nhé. Em cười, taxi nhiều nhưng chảnh lắm. Họ không đi không ai ép được. Do chạy bằng gas nên giá rẻ vô cùng. Mấy chiếc xe bán trái cây rong trở thành nỗi nhớ. Chỉ 20 baht thôi, tôi sẽ có một túi thiệt to xoài, cóc, thơm và mấy bịch muối ớt bé tí teo nhưng cay đáo để. Cô hàng phốp pháp cầm con dao dài như thanh mã tấu, gọt vỏ, xắt xoài, chẻ cóc thật điệu nghệ, bỏ vào mấy que tre, nở nụ cười tươi. Đói quá, ghé lại hàng cơm. Phục vụ chậm có tiếng. Từ lúc gọi món tới khi bà chủ nhà to lớn, đủng đỉnh bưng đĩa cơm ra, để xuống bàn cái rầm cũng đã hết nửa tiếng rồi. Không chờ được thì đứng dậy đi ha, chẳng ép..

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button